Tại sao khoa học xã hội
là quan trọng?
Kiến thức về khoa
học xã hội tốt cho điều gì?
Trong các ngành khoa học tự nhiên câu trả lời thường khá đơn giản và thực dụng: kiến thức khoa học tự nhiên cho
phép chúng ta dự đoán và kiểm soát các khía cạnh của môi trường tự nhiên. Vật lý học làm cơ sở
cho ngành kỹ thuật. Điều này không hoàn toàn đúng, và đó không phải là lý do
duy nhất để đánh giá các nghiên cứu và lý thuyết trong vật lý học, hóa học, hay
sinh học. Một số lĩnh vực của vật lý học và sinh học không đưa ra dự đoán và
kiểm soát nào cả. Và chắc chắn chúng ta cũng đánh giá vật lý học vì sự hiểu
biết trừu tượng mà nó cung cấp cho chúng ta về cách thức thế giới vận hành.
Nhưng dự đoán và kiểm soát là những lý do thuyết phục và phổ biến mà nhiều
người sẽ đưa ra để đánh giá khoa học tự nhiên.
Tình
hình có khác trong xã hội học, chính trị học và kinh tế học. Các giả thuyết và
lý thuyết khoa học xã hội hiếm khi đưa ra những dự đoán quan trọng và khả dụng.
Có nhiều lý do để lý giải cho sự thiếu khả năng tiên đoán này. Các tập hợp xã
hội (ví dụ như các thành phố) không đồng nhất về mặt nhân quả và có những cứu
cánh để mở, vì vậy ngay cả nếu có một cơ sở vững chắc để dự đoán hành vi của
một hệ thống cấu thành tập hợp này, thì hành vi tổng hợp của toàn bộ hệ thống
vẫn là bất định. Các quá trình diễn tiến xã hội bao gồm các hành động ngẫu
nhiên quan trọng về mặt nhân quả và do nhiều tác nhân tiến hành, nên bản thân
các quá trình này dẫn đến một kết quả phụ thuộc lộ trình đã đi và mang tính
ngẫu nhiên. Và ngay cả các quá trình biệt lập (ví dụ như quá trình chuyển đổi
dân số) thường bị xác định thấp và phụ thuộc vào lộ trình.
Vì
vậy, dự đoán rất hạn chế trong lĩnh vực xã hội. Thế còn vấn đề kiểm soát thì
sao? Một khi đã có một vài lý thuyết về một quá trình hoặc vấn đề xã hội, thì
chúng ta thường đi đến một số ý tưởng về những nhân tố có ảnh hưởng tích cực
hoặc tiêu cực đến một kết quả có liên quan. Nếu chúng ta quan tâm đến tỷ lệ tốt
nghiệp trung học hoặc tỷ lệ tội phạm, thì nghiên cứu khoa học xã hội có thể tư
vấn chúng ta rằng "cải thiện tỷ lệ
phổ cập giáo dục sẽ cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp" hay "bạo lực khu phố sẽ làm tỷ lệ tội phạm tăng".
Những giả thuyết trên gợi ý cần có các biện pháp can thiệp và cải cách chính
sách.
Nói
xong điều đó rồi nhưng cũng chính những yếu tố tương tự từng làm giảm khả năng
dự đoán các kết quả xã hội lại đồng thời hạn chế niềm tin của chúng ta về tính
hiệu quả của các biện pháp can thiệp nhất định. Sự bất khả trong việc thiết kế
những chiến lược đáng tin cậy cho sự phát triển kinh tế khu vực hoặc tạo ra
việc làm là những ví dụ. Nếu tỷ lệ tốt nghiệp chịu ảnh hưởng của một số ít nhân
tố có tương quan lẫn nhau về mặt nhân quả, thì rất khó để đặt nhiều niềm tin
vào một cuộc cải cách chính sách chỉ dựa trên một nhân tố duy nhất.
Các
ngành khoa học xã hội và hành vi có thể tỏ vẻ là đáng tin nhất trong rất nhiều
lĩnh vực quan trọng. Nhân khẩu học là một ví dụ; khả năng của các nhà nhân khẩu
học để dự báo quy mô và thành phần của dân cư là rất rộng. Việc khám phá các
kiểu hành vi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau là một ví dụ khác. Các học giả về
giáo dục có thể tìm hiểu cách thức trẻ em thường phản ứng đối với tính năng này
hay tính năng khác của môi trường lớp học; các nhà xã hội học có thể tìm hiểu
cách thức các tội phạm ma túy thường phản ứng với nhiều chương trình điều trị
khác nhau; các nhà xã hội học nông thôn có thể khám phá cách thức các nhà nông
nhỏ phản ứng đối với nhiều loại hạt giống mới. Và các nhà chính trị học và
chuyên gia mạng xã hội có thể nghiên cứu các xu hướng có tính hệ thống của nhiều
hệ thống bầu cử khác nhau hoặc của các kiến trúc mạng
truyền thông. Vì vậy, không
thiếu những kết quả đáng
tin, hữu ích trong các ngành
khoa học xã hội. Điều có vấn đề hơn là ý tưởng cho rằng các kiểu khám phá trên có thể làm giàu khối kiến thức, để
cho phép dự đoán ở cấp độ tổng hợp những tập hợp xã hội phức tạp.
Chúng
ta có thể nói rằng xã hội học hay chính trị học cung cấp một số hướng dẫn về
dân cư và các xu hướng hành vi, đặc điểm hệ thống, và những ước tính sơ bộ các
thuộc tính nhân quả của nhiều cấu trúc xã hội khác nhau. Và chúng ta có thể sử
dụng những giả thuyết và lý thuyết đó để đưa ra một số dự đoán có cơ sở về định
hướng thay đổi khả thi từ một sự can thiệp nhất định hoặc thay đổi môi trường.
Nhưng chúng ta buộc phải luôn thừa nhận rằng dự đoán của chúng ta luôn là những
dự đoán mang tính hạn chế, với giả định là các yếu tố khác không thay đổi, chớ
không phải là những dự đoán mang tính đáng tin nhất. Vì vậy, việc thiết kế
chính sách và nghiên cứu khoa học xã hội là ít vững chắc hơn so với các ngành
kỹ thuật và vật lý học.
Tôi
nghĩ rằng cách đánh giá trên phù hợp khá tốt với ý tưởng cho rằng các ngành
khoa học xã hội hữu ích nhất khi chúng tập trung vào việc nhận diện và ghi chép
một loạt các cơ chế và quá trình diễn tiến xã hội, hoặc khi chúng theo đuổi lý
tưởng của Merton về các "lý
thuyết cấp độ
trung bình". Và điều này dẫn chúng ta đến việc thừa nhận những
giới hạn xung quanh khả năng tổng hợp các loại cơ chế trên thành những khẳng
định vững chắc về hành vi của một tập hợp xã hội rộng lớn. Chính sách xã hội
không phải là một khoa học chính xác.
Những
ý tưởng trên có cơ sở để trả lời cho câu hỏi cơ bản, tại sao khoa học xã hội
quan trọng không? Có. Có một thực tế không thể nhầm lẫn là chúng ta bị thấm sâu
trong những quá trình diễn tiến xã hội và chính trị có hậu quả to lớn đến phúc
lợi của con người và đau khổ của con người. Các tương tác phức tạp của hành vi
con người không chỉ góp phần vào một số thành công lớn nhất của nền văn minh
nhân loại mà còn vào cả những thất bại tồi tệ nhất - đói nghèo dai dẳng, bạo
lực, nội chiến, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên môi trường, và nạn đói.
Chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề "khắc nghiệt" trên (link xem ở đây), nhưng những
biện pháp can thiệp mà chúng ta chọn cần phải mang tính khả thi cao nhất để
mang đến những kết quả tốt nhất. Các công cụ và phương pháp của các ngành khoa
học xã hội và hành vi là hy vọng tốt nhất để định hướng những nỗ lực của chúng
ta hướng tới việc giải quyết những vấn đề nan giải nhất của con người. Và một
điều cực kì quan trọng khác là duy trì cách thức đạt được sự tiến bộ trong việc
thông hiểu xã hội: qua việc nghiên cứu cẩn thận và kiên trì trên một phạm vi
lớn các quá trình diễn tiến xã hội và các kiểu hành vi xã hội.
(Đây
là một vài bài viết trên mạng về các giới hạn của dự kiến trong các ngành khoa
học xã hội; link, link, link. Và đây là một vài bài trêu chọc cách thức
mà các khoa học xã hội có thể được sử dụng để thăm dò khả năng đối chọn đối với
các đầu ra xã hội; link, link.)
Daniel Little
Đại học
Michigan-Dearborn
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn:
“Why does social science matter”,
blog Understanding Society, December
13, 2012