Dani Rodrik (1957-) |
Nhà kinh tế học đối lại Kinh tế học
CAMBRIDGE
– Kể từ cuối thế kỷ XIX, khi kinh tế học, ngày càng chấp nhận toán học và thống
kê, và có tham vọng trở thành một bộ môn khoa học, thì các nhà kinh tế thực
hành đã bị cáo buộc mắc phải nhiều tội lỗi. Những cáo buộc – bao gồm sự ngạo mạn, không chú ý đến các mục tiêu xã
hội ngoài vấn đề thu nhập, chú ý quá nhiều đến các kỹ thuật hình thức, và thất
bại trong việc dự đoán những phát triển kinh tế lớn như các cuộc khủng hoảng
tài chính – thường phát sinh từ những người ngoài cuộc, hoặc từ một nhóm nhỏ
theo phái phi chính thống. Nhưng gần đây có vẻ như là thậm chí các nhà lãnh đạo
của giới kinh tế học cũng không hài lòng.
Paul
Krugman, người đoạt giải Nobel và cũng là một cây bút bình luận cho các báo, có thói quen phê phán gay gắt
thế hệ mới nhất các mô hình về kinh tế học vĩ mô vì đã xem nhẹ các chân lý lỗi thời của Keynes.
Paul Romer, một trong những người sáng tạo lý thuyết tăng trưởng mới, đã cáo
buộc một số tên tuổi hàng đầu, bao gồm Robert Lucas, người đoạt giải Nobel, về
điều mà ông gọi là "mathiness (các
nghiên cứu kinh tế lạm dụng quá mức các mô hình toán học - ND)"
– sử dụng toán học để làm tối nghĩa hơn thay vì làm rõ nghĩa hơn.
![]() |
Richard Thaler (1945-) |
Kiểu
phê phán nói trên từ những tên tuổi lớn của bộ môn là điều lành mạnh và cần
thiết – đặc biệt trong một lĩnh vực thường thiếu việc tự đánh giá. Tôi cũng thường
nhắm các con bò thiêng của bộ môn – thị trường tự do và thương mại tự do – làm
đối tượng phê phán.
![]() |
Paul Romer (1955-) |
Nhưng
đợt phê phán mới này có một ẩn ý gây bối rối cần phải được làm rõ – và bác bỏ.
Kinh tế học không phải là kiểu khoa học, trong đó bao giờ cũng có một mô hình chân
chính ứng dụng tốt nhất trong mọi bối cảnh. Vấn đề không phải là "đạt được một sự đồng thuận về mô hình nào là
mô hình đúng”, như Romer đã đặt ra, mà là xác định mô hình nào áp dụng được tốt nhất trong một môi
trường nhất định. Và công việc ấy sẽ vẫn luôn là một nghệ thuật, không phải là
một khoa học, đặc biệt khi sự lựa chọn được tiến hành trong thời gian thực.
![]() |
Luigi Zingales (1963-) |
Thế
giới xã hội khác với thế giới vật chất do con người tạo ra nó và vì thế mang
tính dễ uốn nắn gần như vô hạn. Vì vậy, trái với các ngành khoa học tự nhiên,
kinh tế học tiến triển một cách khoa học, không phải bằng cách thay thế các mô
hình cũ bằng những mô hình tốt hơn, mà bằng cách mở rộng thư viện các mô hình,
với việc từng mô hình làm sáng tỏ một bối cảnh xã hội ngẫu nhiên khác nhau.
Ví
dụ, hiện nay chúng ta có rất nhiều mô hình về các thị trường có cạnh tranh
không hoàn hảo hoặc thông tin bất đối xứng. Các mô hình này không làm cho các
mô hình trước đây, dựa trên mô hình cạnh tranh hoàn hảo, lỗi thời hoặc không
thích hợp. Chúng chỉ đơn giản làm cho chúng ta ý thức hơn rằng những hoàn cảnh
khác nhau đòi hỏi phải có những mô hình khác nhau.
Tương
tự như thế, những mô hình hành vi nhấn mạnh đến phương pháp ra quyết định dựa
theo kinh nghiệm làm cho chúng ta phân tích tốt hơn môi trường mà những cân
nhắc như vậy có thể là điều quan trọng. Chúng không thay thế các mô hình lựa
chọn duy lý, các mô hình sau vẫn còn là một công cụ được ưa chuộng trong những
môi trường khác. Một mô hình tăng trưởng ứng dụng cho các nước tiên tiến có thể
là một mô hình hướng dẫn yếu kém ở các nước đang phát triển. Những mô hình nhấn
mạnh đến các dự kiến đôi khi là những mô hình tốt nhất để phân tích các mức độ
lạm phát và thất nghiệp; nhưng ở những thời điểm khác, những mô hình với các
yếu tố keynesian sẽ làm điều đó tốt hơn.
![]() |
Jorge Luis Borges (1899-1986) |
Jorge
Luis Borges, một nhà văn người Argentina, đã từng viết một truyện ngắn – một đoạn
duy nhất – có lẽ là lời chỉ dẫn tốt nhất về phương pháp khoa học. Trong truyện
đó, ông mô tả một vùng đất xa xôi, nơi môn bản đồ học – khoa học về vẽ bản đồ –
đã được đẩy đến những thái cực lố bịch. Bản đồ của một tỉnh được vẽ quá chi
tiết chiếm cả diện tích của một thành phố. Bản đồ của đế chế chiếm cả toàn bộ
một tỉnh.
Theo
thời gian, những người vẽ bản đồ càng trở nên tham vọng hơn: họ vẽ một bản đồ
thật chính xác, một bản sao theo tỉ lệ 1:1 của toàn bộ đế chế. Như Borges lưu ý
một cách hài hước, các thế hệ tiếp theo có thể thấy không cần thiết đối với một
bản đồ cồng kềnh như vậy. Vì vậy, bản đồ được để mục nát trong sa mạc, cùng với
khoa học địa lý mà nó tượng trưng.
![]() |
Paul Krugman (1953-) |
Quan
điểm của Borges vẫn còn khó hiểu đối với nhiều nhà khoa học xã
hội ngày nay: sự hiểu biết đòi hỏi phải đơn giản hóa. Cách tốt
nhất để đối phó với sự phức tạp của đời sống xã hội không phải là đưa ra những
mô hình ngày càng phức tạp hơn, mà là tìm hiểu cách thức các cơ chế nhân quả
khác nhau vận hành như thế nào, từng cơ chế một, để cuối cùng tìm ra cơ chế nào
là phù hợp nhất cho một bối cảnh nhất định.
Chúng
ta sử dụng một bản đồ để lái xe từ nhà đến nơi làm việc, và một bản đồ khác để
đi đến một thành phố khác. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần đến những loại bản đồ
khác nếu đi xe đạp, đi bộ, hoặc lên kế hoạch đi bằng các phương tiện công cộng.
Dịch
chuyển giữa các mô hình kinh tế – chọn mô hình nào sẽ vận hành tốt hơn – là
điều cực kỳ khó hơn so với việc chọn một bản đồ đúng. Các nhà thực hành sử dụng
nhiều phương pháp thực nghiệm hình thức và phi hình thức khác nhau, với nhiều
kỹ năng khác nhau. Và, trong cuốn sách sắp xuất bản của tôi Economics Rules (Các quy tắc của kinh tế học), tôi phê
phán việc đào tạo kinh tế học đã không trang bị cho sinh viên một cách thích
đáng những chẩn đoán mang tính thực nghiệm mà bộ môn đòi hỏi.
Nhưng
các nhà phê bình trong nội bộ giới kinh tế học đã sai khi cho rằng bộ môn đã đi
sai bởi vì các nhà kinh tế học vẫn chưa đồng thuận về những mô hình "đúng đắn" (tất nhiên họ ưa thích
một mô hình nào đó). Hãy trân trọng kinh tế học trong sự đa dạng của nó – theo
thuyết duy lý và hành vi, theo trường phái Keynes và cổ điển, theo tối ưu cấp
một và tối ưu cấp hai, theo phái chính thống và phi chính thống – và cống hiến
nghị lực của chúng ta thành khả năng khôn ngoan hơn hầu chọn ra khung nào để
ứng dụng và khi nào thì ứng dụng.
Dani
Rodrik là
Giáo sư Kinh tế chính trị học quốc tế tại Trường Quản trị Nhà nước John F.
Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn One Economics, Many Recipes:
Globalization, Institutions, and Economic Growth (Một kinh tế học, nhiều công thức: Toàn cầu
hóa, các thể chế, và tăng trưởng kinh tế học), và gần đây nhất là cuốn The Globalization
Paradox: Democracy and the Future of the World Economy
(Nghịch lý toàn cầu hóa: Dân chủ và tương
lai của kinh tế thế giới).
Dani
Rodrik
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Economists vs Economics”,
Project Syndicate, Sep 10, 2015