22.9.18

Panama: Người nghèo ở thiên đường thuế

PANAMA: NGƯỜI NGHÈO Ở THIÊN ĐƯỜNG THUẾ
HORS-SÉRIE N°110
Người Panama ít quan tâm đến vụ bê bối Hồ sơ Panama. Đơn giản vì các hoạt động tài chính chỉ làm lợi cho một tầng lớp nhỏ trong giới tinh hoa toàn cầu hoá.
Vụ tai tiếng trốn thuế được tiết lộ trong Hồ sơ Panama vào tháng 4 năm 2016 đã gây ra một cơn đại hồng thuỷ trên bình diện quốc tế. Đặc biệt, việc rò rĩ 11,5 triệu tài liệu mật từ công ty luật Mossack Fonseca đã dẫn đến sự từ chức của Thủ tướng Chính phủ Iceland và liên lụy đến một lượng lớn các nhân vật nổi tiếng từ giới chính trị, nghệ thuật và thể thao ở nhiều quốc gia. Nhưng vụ tai tiếng cũng đã tác động đến ngay đất nước Panama.
BẢN ĐỒ PANAMA
Dân số: 3,9 triệu
GDP: 52 tỷ US$
Tỷ lệ tăng trưởng: 5,8%
Tỷ lệ thất nghiệp: 4,3%*
Tuổi thọ trung bình: 77,6*
Nguồn: Ngân hàng Thế giớiDữ liệu năm 2015, ngoại trừ * = năm 2014
Phản ứng nội bộ đầu tiên [của Panama] là bảo vệ quốc gia. Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela, được bầu vào năm 2014, đã nhấn mạnh đến bản chất toàn cầu của vấn đề trốn thuế và tố cáo việc ma quỷ hóa Panama. Tuy nhiên, song song với chiến lược truyền thông này, Panama đã tiến hành một loạt các biện pháp cụ thể, nhằm đáp lại áp lực của cộng đồng quốc tế, đồng thời tăng cường chính sách quốc gia về phòng chống tội phạm thuế.
Tính minh bạch đi lùi
Joseph Stiglitz (1943-)
Mark Pieth (1953-)
Bước đầu, Tổng thống Varela đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt các thành viên của Ủy ban cấp cao Bảo vệ Các Dịch vụ Tài chính Quốc tế của Tổng thống (Candsif) để phân tích những thách thức đặt ra cho nền tảng tài chính của Panama và hướng tới một sự minh bạch lớn hơn trong hệ thống tài chính hợp pháp của đất nước[1]. Trên đà này, một ủy ban độc lập các chuyên gia – trong nước và quốc tế – đã được thành lập vào tháng 5 năm 2016. Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Panama, Isabel de Saint Malo, ủy ban có nhiệm vụ đánh giá sự vận hành của hệ thống tài chính Panama, giúp đất nước trong cuộc chiến chống lại nạn trốn thuế quốc tế và đồng thời tăng cường vị thế của Panama là trung tâm tài chính toàn cầu. Nếu mục đích đề ra rất đáng khen, thì ủy ban này nhận được một sự tín nhiệm rất tương đối. Một mặt, ủy ban không đưa ra bất cứ thời gian nào về ngày nộp báo cáo hoặc công bố báo cáo. Mặt khác, nhà kinh tế học người Mỹ Joseph Stiglitz và chuyên gia chống tham nhũng người Thụy Sĩ Mark Pieth, hai trong số các nhân vật quốc tế nổi tiếng, những người mang đến cho ủy ban tính chính danh đầy đủ, đã từ chức vào giữa tháng 8 để tố cáo sự thiếu minh bạch và thiếu thiện chí của chính phủ Panama.
Những yêu cầu khác nhau về sự tuân thủ nghiêm ngặt từ phía các quốc gia nước ngoài đã không được người dân Panama chấp nhận
Thông báo về việc thành lập ủy ban này được đưa ra cùng lúc với việc thông báo các cuộc đàm phán mới về các thoả thuận trao đổi thông tin song phương với Nhật Bản, Colombia, Pháp và Đức, cũng như việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ với Hoa Kỳ nhằm thực thi Ðạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản nước ngoài (FATCA, Foreign Account Tax Compliance Act) có hiệu lực ở nước này. Các cuộc đàm phán song phương này cho thấy một áp lực tinh tế, nhưng cũng mạnh mẽ, từ phía cộng đồng quốc tế đối với việc tuân thủ nhanh chóng và áp dụng chặt chẽ hơn bộ quy định Tiêu chuẩn thông tin chung (CRS, Common Reporting Standard) và cơ chế Xói mòn cơ sở thuế và chuyển đổi lợi nhuận (BEPS, Base Erosion and Profit Shifting), hai chuẩn mực được OECD xác định.
Bộ quy định CRS là một bộ quy định nhằm khuyến khích tính minh bạch tài chính dẫn đến một cuộc trao đổi thông tin tự động giữa các quốc gia đã thông qua nó[2]. Trong khi đó, BEPS đề cập đến các cơ chế chống lại nạn trốn thuế và sự biến mất các tài sản tài chính giữa các hệ thống quốc gia. Dù được Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB, Inter-American Development Bank) hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc áp dụng các chuẩn mực này, nhưng những yêu cầu khác nhau về sự tuân thủ nghiêm ngặt từ phía các quốc gia nước ngoài (đặc biệt là Pháp và Đức) đã không được người dân Panama chấp nhận, bởi vì họ thấy ở đó một sự xâm phạm đến chủ quyền đất nước của họ.
32% người dân Panama vẫn sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2015
Vụ Hồ sơ Panama có một tầm quan trọng lớn hơn ở Panama nhất là khi các hoạt động tài chính đang ngày càng chiếm ưu thế trong cấu trúc kinh tế của nước này, mặc dù các hoạt động này chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số. Thực vậy, mức đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung tâm Dịch vụ Ngân hàng Quốc tế (IBC) ở Panama đã tăng trưởng ổn định từ những năm 1970: từ 3% lúc mới thành lập, đã tăng lên 8% vào năm 2012. Thêm vào đó cần phải tính đến khu vực kinh tế tự do Colon (một khu vực thương mại tự do, không áp dụng thuế quan), riêng nó, chiếm đến 7%.
Tổng cộng, vào năm 2015, người ta ước tính rằng việc các công ty offshore (hải ngoại) đăng ký hoạt động kinh doanh và các dịch vụ tài chính đã mang lại 28,5% cho GDP của Panama, hơn cả ngành nông nghiệp (3%) và ngành công nghiệp (20%) cộng lại, nhưng kém hơn ngành hàng hải (đăng ký hoạt động các tàu thuyền và các dịch vụ liên quan đến hoạt động của kênh đào Panama), chiếm 33,5% của cải của quốc gia. Sự phân bổ GDP này, tất nhiên, loại trừ các giao dịch bất hợp pháp, đang hiện diện khá mạnh trong khu vực.
Ít tiền hơn cho ngành y tế
Tuy nhiên, dân chúng hưởng không được bao nhiêu từ sự giàu có này của quốc gia được tạo ra bởi một tầng lớp nhỏ – mà con số chính xác rất khó để ước lượng – trong giới tinh hoa toàn cầu hóa. Cũng như vụ tai tiếng trốn thuế chỉ liên quan rất xa đến người Panama. Như một nhà xã luận của nhật báo quốc gia La Estrella de Panamá đã chỉ ra: 99,99% người dân Panama không liên quan gì đến việc trốn thuế ở Pháp hoặc ở Anh[3]. Trên thực tế, nếu đất nước đã tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế, thì tiến trình đó đã được thực hiện và chỉ mang lại lợi ích cho một tầng lớp nhỏ thuộc giới tinh hoa doanh nhân có thể đứng vững trên sân khấu khu vực và thế giới. Bên cạnh phân khúc dân số nhỏ này, gần 32% người dân Panama vẫn sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2015, trong đó có 10,3% sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.
Chỉ có rất ít người dân hưởng lợi được từ các hoạt động dịch vụ
Những bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng này cũng được phản ánh trong quy hoạch lãnh thổ của đất nước. Với dân số 3,6 triệu người của Panama, thì 1,5 triệu người sống ở thủ đô, để lại 90% các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi cảnh nghèo đói và nghèo đói cùng cực, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
các DÒNG VỐN ĐẦU TƯ CỦA QUỐC TẾ VÀO NGÀNH NGÂN HÀNG ĐỊA PHƯƠNG VÀO CUỐI THÁNG 9 NĂM 2015
Căn cứ vào lượng tiền gửi của những người không cư trú, Panama là một trung tâm dịch vụ ngân hàng nhỏ của khu vực. Sự hội nhập của Panama vào toàn cầu hóa dựa nhiều hơn vào các khoản thu nhập từ kênh đào, từ một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn (Colon), từ vị trí là nước đứng đầu về số tàu đăng kí tự do cờ hiệu [chủ sở hữu tàu là người nước ngoài nhưng đăng kí cờ hiệu Panama để tránh thuế quan và một số quy định khác – ND] (20% tàu thuyền đăng ký) và từ các dịch vụ mờ ám.

Ngoài ra, người dân hưởng lợi rất ít từ tiền lời có được từ các hoạt động dịch vụ. Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribê (CEPALC, Economic Commission for Latin America and the Caribbean), tỷ lệ GDP do chính phủ đầu tư vào các chi tiêu xã hội công cộng (y tế, giáo dục, nhà ở, an sinh xã hội) là một trong các mức tỷ lệ thấp nhất ở châu Mỹ Latin: chỉ 7% vào năm 2014. Bên cạnh đó, cũng cùng năm đó, các chi tiêu cho y tế và giáo dục đã lần lượt giảm 7 điểm (từ 21% xuống còn 14%) và 6 điểm (từ 19% xuống còn 13%) so với năm 2000. Một chẩn đoán như thế giải thích một phần phần quan trọng của nền kinh tế phi chính thức, đặc biệt là về việc làm, chiếm đến 37,1% dân số (không bao gồm các việc làm trong nông nghiệp) vào năm 2014[4].
Thực tế này tượng trưng cho nghịch lý hiện tại của Panama: một trung tâm tài chính toàn cầu với những tòa nhà sang trọng của thủ đô che khuất thực tế đen tối gắn với sự kém phát triển và nạn tội phạm có tổ chức.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Panama: pauvres dans un paradis fiscal, Alternatives Economiques, 18/07/2017




Chú thích:

[1] Phủ tổng thống Cộng hòa Panama, ngày 06 tháng 4 năm 2016, https://lc.cx/oFsc

[2] Để tìm hiểu thêm về CRS, xem “Standard for Automatic Exchange of Financial Account Information [Tiêu chuẩn về việc trao đổi tự động các thông tin về tài khoản tài chính]”, OECD, tại https://lc.cx/oFsT

[3] “¿Cómo enfrentar los “Panama Papers” ]?” La Estrella de Panama, ngày 25 tháng 4 năm 2016, tại https://lc.cx/oFs8

[4] “El trabajo informal en Panamá” của Joslyn Guerra, Bộ Kinh tế và Tài chính Panama, Tháng 9 năm 2015, tại https://lc.cx/oFsz

Print Friendly and PDF