18.9.18

Vì một chủ nghĩa hoài nghi trong kinh tế học


Michel Husson (1949-)

VÌ MỘT CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI TRONG KINH TẾ HỌC

Michel Husson
Trong lời bạt cho phiên bản bỏ túi của cuốn sách luận chiến của họ, Pierre Cahuc và André Zylberberg vẫn kiên trì gọi việc tăng mức lương tối thiểu hay việc giảm thời gian lao động là những “công thức theo thuyết phủ nhận”. Theo họ, những nhà kinh tế học phi chính thống đề xuất các biện pháp đó có thể được đồng nhất với những người hoài nghi hiện tượng khí hậu nóng lên, những người “thực sự theo thuyết phủ nhận hiện tượng này”. Và “như những người hoài nghi hiện tượng khí hậu nóng lên trước đây, các nhà kinh tế phi chính thống gây ra một ảnh hưởng không cân xứng”. Nhưng người ta thấy những nghiên cứu “chính thống” mà Cahuc và Zylberberg tham chiếu không vượt qua tốt lắm thử thách “tái tạo” (khả năng lặp lại lại những kết quả của họ).
Những ngờ vực đầu tiên
Ví dụ nổi tiếng nhất là bài viết của Carmen M. Reinhart và Kenneth S. Rogoff (“Growth in a Time of Debt [Tăng trưởng trong thời kỳ nợ nần]”) chứng minh rằng khi tỷ lệ nợ công vượt quá 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì tỷ lệ tăng trưởng không tránh khỏi bị giảm một nửa. Chúng ta đều biết câu chuyện về một sinh viên của Đại học Massachusetts, Thomas Herndon, có được tệp tin Excel của [nhà kinh tế học] Carmen Reinhart liên quan đến nghiên cứu của bà và tìm cách tái tạo các kết quả nghiên cứu của bà ấy. Thế rồi, ông phát hiện ra một loạt thao tác không chỉ giới hạn ở một “sai sót về mã hóa”. Cùng với hai vị giáo sư mà ông đã thuyết phục được, ông đăng một bài báo bác bỏ những kết quả [nghiên cứu] của Reinhart và Rogoff.
Nghiên cứu chứng minh rằng khi tỷ lệ nợ công vượt quá 90% GDP tỷ lệ tăng trưởng không tránh khỏi bị giảm một nửa có đầy rẫy sai sót
Carmen Reinhart (1955-)
Kenneth Rogoff (1953-)
Đối với L. Randall Wray, giáo sư tại Đại học Missouri-Kansas City, lý thuyết của Reinhart và Rogoff về cơ bản là “khập khiễng” (unsound), còn Carmen Reinhart thì “bối rối” (clueless) khi phải bảo vệ lý thuyết của mình. Còn Rogoff, ông không thể giải thích được một hợp đồng bảo hiểm nợ xấu [credit default swap] là gì, như được thấy trong một trích đoạn ngắn và vui của bộ phim của Michael Moore vào năm 2009, Capitalism: A Love Story [Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình], trong đó Rogoff thừa nhận tất cả việc này là “khá kỳ lạ” (pretty exotic). Wray kết luận rằng nghiên cứu này là thứ đồ vứt đi (crap).
Về “tính tái tạo”
Randall Wray (1953-)
Walter S. McManus
Điểm khởi đầu của tính tái tạo trong kinh tế học có thể là một bài viết của Walter S. McManus được đăng vào năm 1985 trên Journal of Political Economy [Tạp chí Kinh tế chính trị], trong mục “Confirmations and Contradictions [Xác nhận và mâu thuẫn]”. Bài báo khá hấp dẫn và khiêu khích. Bài viết tìm cách chỉ ra cách thức một nhà nghiên cứu ưu tiên cho một số biến giải thích, dựa trên cơ sở các giả định về lý thuyết hay ý thức hệ của họ. McManus xây dựng năm dạng nhà nghiên cứu xử lí vấn đề sau: Liệu án tử hình có tính răn đe không? Họ đều có các dữ liệu thực nghiệm giống nhau, về số lượng các vụ hành quyết, thời gian giam giữ, v.v.. Nghiên cứu mô phỏng của ông đưa đến kết quả đáng chú ý. Khi dữ liệu không đủ để đưa ra quyết định, thì các nhà nghiên cứu sẽ chọn những chỉ định theo ý hướng của họ và các kết quả sẽ khác nhau: “Những nhà nghiên cứu thuộc ‘cánh hữu’, những người ‘tối đa hoá duy lí' và những người ủng hộ việc ‘ăn miếng trả miếng’ cho rằng sự trừng phạt sẽ răn đe những kẻ sát nhân tiềm tàng, trong khi những người ‘vị tha’ và các chuyên gia về tội phạm vì tình lại khẳng định rằng sự trừng phạt không có tác dụng răn đe đáng kể.
G. S. Maddala (1933-1999)

Điều kỳ lạ là trong khi dữ liệu đưa đến những kết quả không chắc chắn, thì các dữ liệu thực nghiệm trong bài viết nói trên được Gangadharrao Soundalyarao Maddala lấy lại như là ví dụ bằng số trong cuốn sách kinh điển của ông Introduction to econometrics [Nhập môn kinh trắc học]. Và chuỗi dữ liệu kỳ lạ này tiếp tục xuất hiện trong một bài báo được đăng vào năm 2004, khi mà Houston Stokes, một người đam mê kinh trắc học, tìm cách tái tạo ví dụ bằng số đó, nhưng không thành công. Sau đó, vấn đề đã được McCullough và Vinod lấy lại, và kết luận rằng nếu một nhà kinh trắc học giàu kinh nghiệm như Maddala có thể sai về phương pháp, “thì tất cả các nhà kinh tế học sẽ phải thận trọng”. Hai nhà kinh tế học này, những người theo chính sách tái tạo được khởi xướng bởi American Economic Review [Tạp chí Kinh tế Mỹ], cũng than phiền về sự miễn cưỡng của nhiều tác giả và tạp chí trong việc cung cấp dữ liệu dưới một hình thức khả dụng.
Khi làm lại những nghiên cứu thực nghiệm của các nhà kinh tế học, người ta chỉ tìm thấy kết quả tương tự trong một trên hai lần!
Tiếp theo đà của các công trình trên, những nghiên cứu về tính tái tạo đã được nhân rộng và thậm chí còn có một trang Web riêng, The Replication Network, trong đó chúng được liệt kê. Trong số những đóng góp gần đây, đóng góp của Andrew C. Chang và Phillip Li đã có một tiếng vang nhất định. Hai nhà kinh tế học này, đang công tác ở Hội đồng các thống đốc của Cục Dự trữ liên bang, đã nắm lấy ngay cái khó mà giải quyết. Với câu hỏi liệu có thể tái tạo (replicable) nghiên cứu kinh tế không, câu trả lời dứt khoát của họ là: “Không, nói chung(usually not). Thực vậy, họ đã thành công trong việc tái tạo kết quả của một nửa số mẫu của họ (29 trên 59 mẫu) và vì vậy họ khẳng định rằng “nghiên cứu kinh tế, nói chung, không mang tính tái tạo”. Một đòn giáng khá mạnh vào “tính khoa học” của các phương pháp được sử dụng.
Pierre Cahuc (1962-) và André Zylberberg (1947-)
Các “tạp chí hàn lâm”, mà đối với Cahuc và Zylberberg là tiêu chí tối thượng của tính khoa học, vì vậy phải đưa lưng chịu trách nhiệm: các tạp chí đó đã đăng những bài báo không tuân thủ chuẩn mực cốt yếu của tính khoa học, mà tiêu biểu là tính tái tạo. Việc xem xét để sàng lọc của những người đồng đẳng – rõ ràng họ đã không làm đúng chức trách của mình – trong thực tế là một lưới thủng đầy lỗ: khi đọc một bài viết học thuật, xác suất nó không đáng tin cậy là 50%!
Về phía những người hoài nghi hiện tượng khí hậu nóng lên
Claude Allègre (1937-)

Mọi thứ còn rất khác biệt đối với “khoa học tự nhiên” vốn nghiên cứu về môi trường: người ta đã lật tẩy không thương tiếc những kẻ bịp bợm. Người ta không khỏi cưỡng lại việc đề cập lại vụ việc mà đỉnh điểm là cuốn sách của Claude Allègre, L’imposture climatique [Điều bịp bợm về khí hậu], đặc biệt với một biểu đồ mà ông đã chỉnh sửa bằng tay đường cong nhiệt độ để chỉ ra rằng nhiệt độ không còn theo đường cong phát thải khí CO2! “Đóng góp” này đã bị Sylvestre Huet, nhà bình luận khoa học của báo Libération, nhanh chóng phá dỡ.
Sylvestre Huet (1958-)
Một cuộc điều tra về các bài viết được đăng về khí hậu cho thấy chỉ có 3% trong số các bài viết đó khước từ các kết luận chính của IPCC [Intergovernmental Panel on Climate Change; tên tiếng Pháp: GIEC, Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat Nhóm chuyên gia liên chính phủ về thay đổi khí hậu]. Một nhóm các nhà nghiên cứu, gần đây, đã lựa chọn một mẫu của các nghiên cứu hoài nghi hiện tượng khí hậu đó và tìm cách tái tạo kết quả. Một thành viên trong nhóm này, Katharine Hayhoe, đã tóm tắt kết quả của họ: “Tất cả các nghiên cứu này đều có sai sóttrong các giả định, phương pháp luận hoặc phân tích – mà, một khi được chỉnh sửa, sẽ tạo lại những kết quả phù hợp với sự đồng thuận khoa học.
Một khi các sai sót được chỉnh sửa, thì 3% các nghiên cứu hoài nghi hiện tượng khí hậu nóng lên sẽ cho những kết quả của sự đồng thuận 
Chính xác hơn, các kết quả của nghiên cứu chỉ rõ việc “loại bỏ những thông tin không phù hợp với những kết luận (lấp liếm bằng chứng [cherry picking]) (...), những kết quả không có giá trị phổ quát, mà đúng hơn là một vật thể tạo tác được sản xuất bởi một thiết bị đặc biệt (...) những tách biệt sai, những phương pháp thống kê không phù hợp hoặc những kết luận dựa trên vật lý không chính xác hoặc không đầy đủ.Như vậy là đủ rồi!
Một tác giả trong nhóm nghiên cứu trên, Dana Nuccitelli, nhấn mạnh đến phương pháp sang bằng các đường cong (curve fitting), dựa vào việc kéo dài các biến cho đến khi chúng trở nên thích hợp với đường cong nhiệt độ. Ông đặc biệt nhắm đến một bài báo của Ole Humlum và các đồng sự, nhân đó ông trích dẫn câu cách ngôn dưới đây được cho là của John von Neumann: “Với bốn thông số, tôi có thể vẽ một con voi, và với năm thông số, tôi có thể làm cho con voi đó động đậy.
Tại sao một nhóm IPCC về kinh tế là điều bất khả
Việc phá bỏ các nghiên cứu ít nhiều láo lếu rõ ràng là chưa đủ, bởi vì diễn ngôn của những người “hoài nghi” lan truyền qua nhiều kênh khác với kênh tranh luận khoa học. Nhưng việc Cahuc và Zylberberg không ngần ngại đồng hóa những người “phi chính thống” với những người “hoài nghi hiện tượng khí hậu” đặt ra một câu hỏi khác: tại sao sự đồng thuận ở mức 97% về khí hậu lại là điều bất khả trong kinh tế học?
Việc phá bỏ các nghiên cứu ít nhiều láo lếu rõ ràng là chưa đủ, bởi vì diễn ngôn của những người “hoài nghi” lan truyền qua nhiều kênh khác với kênh tranh luận khoa học
Câu trả lời cơ bản là kinh tế học là một khoa học xã hội và lĩnh vực nghiên cứu kinh tế không được cấu trúc như cấu trúc của IPCC, là một ví dụ nổi bật của sự hợp tác khoa học. Sự khác biệt này bị làm mờ đi bởi quyết tâm của các nhà kinh tế học muốn bắt chước các khoa học “cứng”. Việc nhập không kiểm soát các phương pháp định lượng đã làm cho những cách đặt vấn đề thực sự mang tính kinh tế thường trở thành một cái cớ cho những thực hành thuần túy khéo léo về kinh trắc học. Có rất nhiều những nghiên cứu này không có lợi ích gì cả và không nhất thiết phải “tái tạo”: đó chính là những nghiên cứu mà có lẽ chúng ta tốt hơn nên “loại bỏ”.
Michel Husson
Nhà kinh tế học, thành viên của Hội đồng Khoa học Attac
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Pour un éco-scepticisme, Alternatives Economiques, 12/10/2017.
Print Friendly and PDF