Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

22.8.21

Tiêm chủng ở các nước phương Nam: Nên chăng khôi phục lại các cuộc thi tài về sáng kiến đổi mới?

 

TIÊM CHỦNG Ở CÁC NƯỚC PHƯƠNG NAM: NÊN CHĂNG KHÔI PHỤC LẠI CÁC CUỘC THI TÀI VỀ SÁNG KIẾN ĐỔI MỚI?

Valérie Revest, Isabelle Liotard

Samira Guennif

Mặc dù có sự hỗ trợ to lớn từ các quỹ đầu tư công, số lượng vắc-xin được tiêm ở các vùng nghèo nhất vẫn không đủ. (Nguồn: Simon Maina/AFP)

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để ngăn ngừa sự xuất hiện những biến thể có thể còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta. Điều này đòi hỏi một dự án khổng lồ, nhưng là điều cần thiết và trong tầm tay chúng ta: tiêm chủng cho thế giới.”

Trong bài phát biểu vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, Emmanuel Macron, đã kêu gọi đoàn kết hơn nữa với các nước nghèo nhất, đồng thời đưa ra lời hứa nước Pháp sẽ cung cấp “từ nay đến cuối năm nhiều chục triệu liều vắc-xin”.

Về chủ đề này, dữ liệu thu thập được từ nguồn dữ liệu mở Our world in data cho thấy một cái nhìn tổng quan về tình trạng bất bình đẳng khổng lồ liên quan đến chủ đề này.

Tiếp cận vắc-xin vô cùng bất bình đẳng giữa các nước

Tỉ lệ % dân số được tiêm ít nhất một liều

Chú thích: Dữ liệu mới nhất sẵn có trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 18 tháng 7 năm 2021

Hỗ trợ các nước đang phát triển trước dịch bệnh, vấn đề này không chỉ mới được đặt ra với chủng loại coronavirus mới. Trong đại dịch HIV/AIDS, vấn đề giá thuốc kháng virus là chủ đề trung tâm các cuộc tranh luận, và nhiều nhà nghiên cứu đã vận động tạm hoãn các bằng sáng chế, được coi là một trở ngại đối với khả năng tiếp cận điều trị ở các nước phương Nam. Giữa đại dịch Covid-19, cuộc tranh cãi về bằng sáng chế lại bùng lên với lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một sự tiếp cận các loại vắc-xin đã được cấp bằng sáng chế cho mọi người, cảnh báo nguy cơ “phân biệt chủng tộc về y tế”.

Nếu giờ đây xem xét lại cơ chế quyền sở hữu trí tuệ có vẻ như là điều không thể né tránh, theo chúng tôi, cần phải vượt ra ngoài cuộc tranh luận về việc “liệu có nên cấp bằng sáng chế hay không?”, để suy ngẫm về một cơ chế khuyến khích sáng kiến đổi mới, một vấn đề thay thế và/hoặc bổ sung cho bằng sáng chế, và sẽ thúc đẩy việc đổi mới phương pháp điều trị ở các nước phương Nam.

Những điều nên (và không nên) đối với bằng sáng chế

Giữa hai đại dịch nói trên, người ta phê bình rất gay gắt đối với bằng sáng chế. Đối với lý thuyết kinh tế, cơ chế này là điều cần thiết để tưởng thưởng người phát minh/đổi mới vì đã chấp nhận những rủi ro và do đó ngăn chặn một hoạt động đầu tư thiếu tầm vào R&D. Bằng sáng chế cấp một thời hạn khai thác độc quyền tạm thời trong 20 năm, có thể khiến chủ sở hữu [bằng sáng chế] lựa chọn các chiến lược để tối đa hóa lợi nhuận. Đó có thể là đặt ra một giá bán cao hoặc cung cấp một lượng hàng có hạn các sản phẩm đổi mới ra thị trường.

Tuy nhiên, điều này làm phương hại đến khả năng tiếp cận sản phẩm đổi mới của một số nhóm dân cư. Ngoài ra, với hệ thống bằng sáng chế, các tác nhân chọn những lĩnh vực sinh lợi cao để định hướng cho hoạt động R&D của họ, và thể hiện xu hướng đầu tư thấp, hoặc thậm chí bỏ qua những lĩnh vực khác ít sinh lợi hơn. Nguồn lực hạn chế để nghiên cứu các bệnh hiếm gặp, ảnh hưởng đến các nhóm dân cư nghèo ở phương Nam, đã minh họa khá rõ điều này.

Hơn nữa, bằng sáng chế không giải quyết hoàn toàn vấn đề chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, những nước vẫn phụ thuộc vào các nước phương Bắc trong việc cung cấp các giải pháp đổi mới về điều trị.

Covid-19, bài học mới nhất

Ngay những tháng đầu bùng phát đại dịch Covid-19, các khoản đầu tư công đã ở mức cao rất đáng kể (vào khoảng hàng tỷ đô-la và euro), làm nổi bật vai trò không thể tránh của Nhà nước.

Các khoản đầu tư này, một mặt, đã tài trợ cho hoạt động nghiên cứu lâm sàng nhằm phát triển nhanh các loại thuốc để điều trị người bị nhiễm và người bệnh ở bệnh viện. Điều này đã làm sáng tỏ một trường hợp lạm quyền quy định ở Hoa Kỳ như chúng tôi đã ghi nhận. Mặt khác, các khoản đầu tư này được định hướng đến việc phát triển vắc-xin, để ngăn ngừa sự lây nhiễm và các dạng virus khác.

Joseph Stiglitz, người được trao giải “Nobel” về kinh tế, là một trong những nhân vật hàng đầu ủng hộ việc dỡ bỏ bằng sáng chế về vắc-xin. (Nguồn: Mandel Ngân/AFP)

Hiện đã có 6.000 cuộc thử nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực Covid-19. Đến nay, đã có hơn 300 vắc-xin và hơn 3.400 loại thuốc đã được phát triển hoặc đang phát triển trên cơ sở các quỹ đầu tư công.

Bất chấp sự hỗ trợ to lớn này, số lượng vắc-xin được tiêm ở các nước phương Nam hiện vẫn còn thiếu rất nhiều.

Thoạt nhìn, việc dỡ bỏ bằng sáng chế có vẻ như là cách để bãi bỏ chế độ độc quyền và cho phép sản xuất vắc-xin trên diện rộng nhất có thể. Điều này nhằm đến việc cho phép tiêm chủng 20% dân số ở mỗi nước, theo dự đoán của cơ chế Covax trong chương trình tiếp cận vắc-xin một cách công bằng. Nhưng liệu điều này có đủ để đảm bảo cho các nước đang phát triển có một hệ thống chăm sóc y tế đổi mới bền vững, có khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai?

Từ việc bảo quản thực phẩm đến vắc-xin...

Theo thời gian, hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, như một cơ chế khuyến khích đổi mới, không phải lúc nào cũng chiếm ưu thế và mang tính độc nhất. Trong số những cơ chế nổi bật xuyên suốt lịch sử, các cuộc thi tài đã đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt từ thế kỷ 18 trở đi.

Trong khuôn khổ một cuộc thi tài,
Charles Lindbergh đã thực hiện
chuyến vượt Đại Tây Dương đầu 
tiên một mình, không ngừng nghỉ,
bằng máy bay vào ngày 20 và 21 
tháng 5 năm 1927. (Nguồn: Flickr, 
CC BY-SA)

Trong một cuộc thi tài, Antoine-Augustin Parmentier đã đề xuất lấy củ khoai tây để chống lại nạn đói, trong khi loại củ này cho đến lúc đó bị coi là một củ độc và quốc hội đã cấm trồng nó. Cũng lại trong một cuộc thi tài do Napoléon I phát động để chống lại bệnh scorbut mà đã xuất hiện trong các hộp thiếc đựng thức ăn. Và vẫn là một cuộc thi tài đã thúc đẩy Charles Lindbergh thực hiện chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên bằng máy bay.

Phương thức đổi mới này đã tạo ra một bước đột phá đáng kể bắt đầu từ những năm 2010, nhờ vào mạng web 2.0 như chúng tôi đã chỉ ra trong một nghiên cứu gần đây.

Đối với một nhà bảo trợ tư nhân hoặc nhà nước, cuộc thi tài là cơ hội để đưa ra một thách thức đổi mới trong một khoảng thời gian nhất định, và thường tưởng thưởng người chiến thắng bằng một khoản tiền thưởng. Các công ty tư nhân và các tổ chức nhà nước thường huy động công cụ này để kích thích những sáng kiến đổi mới cụ thể.

Năm 2008, người được trao giải “Nobel” kinh tế, Joseph Stiglitz, đã đưa ra lời kêu gọi đầu tiên ủng hộ các cuộc thi tài trong lĩnh vực y tế, một vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Bổ sung cho bằng sáng chế

Các cuộc thi tài khác biệt với bằng sáng chế, trước hết, bởi tính chất linh hoạt và đa hình của chúng. Thực vậy, các cuộc thi tài có thể được thiết kế riêng, theo nhu cầu, bằng cách thay đổi các quy tắc và thông số kỹ thuật.

Chính trong một cuộc thi tài mà
Antoine-Augustin Parmentier, hình
ở đây là bức tượng của ông ở vùng 
Somme, đã chứng minh rằng khoai 
tây không phải là một củ độc.
(Nguồn: Decarpentrie/Pixabay, CC 
BY-SA)

Đối với các nước phương Nam, cơ chế này mang lại nhiều thuận lợi. Đầu tiên, nó cho phép định hướng hoạt động nghiên cứu đến một số lãnh vực được (các) nhà bảo trợ cho là quan trọng. Ngoài ra, nhà bảo trợ, nếu là nhà nước, có thể tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức tư nhân trong việc xác định và triển khai thực hiện các cuộc thi tài.

Thứ hai, là khả năng tích hợp, một cách tiên nghiệm, một tập hợp nhiều yêu cầu và tiêu chí khác nhau. Ví dụ, kết quả thành công của một giải pháp có thể được đánh giá không chỉ thông qua sáng kiến đổi mới y tế, mà còn thông qua các điều kiện về độ phủ, tiếp cận, chuyển giao và đào tạo/huấn luyện về khoa học, kỹ thuật và công nghiệp của các bên liên quan.

Thứ ba, giá thành một sáng kiến đổi mới có thể được xác định trước, sao cho các đối tượng mục tiêu có thể tiếp cận được giải pháp đổi mới, hoặc được xem xét theo cách biến thiên và năng động, tùy vào độ phủ của sáng kiến đổi mới.

Thứ tư, cơ chế giá cả có thể được thiết kế theo cách bổ sung cho bằng sáng chế. Ví dụ, một thỏa thuận có thể quy định các bằng sáng chế sẽ chỉ có hiệu lực sau một số năm nhất định nào đó, hoặc các bằng sáng chế sẽ chỉ tác động đến một phần các sáng kiến đổi mới mà thôi.

Động lực, một thách thức thiết yếu

Cuối cùng, một chủ bài hàng đầu của cuộc thi tài liên quan đến tính bao quát. Nhiều bên liên quan, quốc tế và địa phương, các nhà nghiên cứu, các thành viên của xã hội dân sự và các quỹ đầu tư, đều có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn của tiến trình, từ giai đoạn thiết kế cuộc thi tài đến giai đoạn đánh giá cuối cùng.

Khi có một lượng lớn các bên liên quan tham gia, cơ chế này sẽ giúp định hướng các sáng kiến đổi mới theo hướng mà các nước phương Nam cho là cốt yếu, hướng họ đến khả năng tự túc về chăm sóc y tế, và chung hơn hướng đến sự bắt kịp công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, độ phủ của kiểu cơ chế khuyến khích này gặp phải một số trở ngại cần khắc phục, đặc biệt trong khâu triển khai thực hiện. Do đó, bản chất các mối quan hệ đối tác để tổ chức và tài trợ cho các cuộc thi tài vẫn là một vấn đề then chốt.

Liệu chính phủ các nước phương Bắc, các tổ chức quốc tế, các công ty tư nhân và các quỹ đầu tư có khả năng hợp tác với đại diện các nước phương Nam hay không? Theo những điều kiện nào, theo những phương thức quản trị nào và với mức độ tín nhiệm nào?

Làm thế nào để khuyến khích các công ty dược phẩm tư nhân tham gia vào các thách thức đó?

Nếu cuộc thi tài có thể được coi là một cơ chế khuyến khích bổ sung cho bằng sáng chế, thì vẫn cần phát minh những cơ chế khuyến khích mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội chúng ta và những thách thức lớn trong tương lai.

Tác giả

Isabelle Liotard
Valérie Revest

Valérie Revest

Giáo sư đại học về kinh tế học, trung tâm nghiên cứu Magellan, Trường Quản lý IAE Lyon - Đại học Jean Moulin Lyon 3

Isabelle Liotard

Giảng viên về kinh tế học đổi mới và kinh tế học mạng, Đại học Sorbonne Paris Nord


Samira Guennif

Samira Guennif

Giảng viên và nhà nghiên cứu về kinh tế học công nghiệp, Đại học Sorbonne Paris Nord

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.


Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Vaccination dans les pays du Sud: et si on réhabilitait les concours d’innovation?, The Conversation, ngày 26/07/2021.

----

Những bài có liên quan: