Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

25.4.24

SAINT-SIMON Claude-Henri de, 1760-1825

SAINT-SIMON Claude Henri de, 1760-1726

Sự nghiệp của Saint-Simon diễn ra vào một thời kì quan trọng trong lịch sử ra đời của xã hội học. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhưng bị tước mất tài sản, ông tích cực tham gia vào các cuộc xung đột lớn của thời đại ông: chiến tranh giành độc lập của Hoa Kì khi ông chiến đấu với tư cách sĩ quan từ năm 1777 đến năm 1783 và cuộc cách mạng 1789 mà ông đã tham gia trước khi bị nghi làm giàu bất chính và phải vào tù. Ngay cả trước khi Đế chế Pháp sụp đổ, ông đã quyết định chỉ tập trung vào các công trình khoa học với sự hỗ trợ của hai thư kí, lần lượt là A. Thierry và A. Comte.

Từ công trình đầu tiên công bố năm 1802, ông thiết lập dự án áp dụng cho các sự kiện của con người, “những hiện tượng gọi là đạo đức”, các phương pháp của các khoa học vật lí. Trước tiên, ông chờ đợi từ vật lí chất lỏng những mô hình tư duy cần thiết cho sự hình thành của “Khoa học về Con người”, rồi quay sang sinh học và có tham vọng phân tích những quan hệ xã hội bằng những khái niệm của “sinh lí học”. Con đường vòng qua các khoa học tự nhiên cho phép ông đoạn tuyệt với những giải thích thần học, “có tính ước đoán” và với triết học. Như ông thường lặp lại, mọi tri thức phải “đi từ ước đoán đến thực chứng”.

Năm 1816, sau khi tác phẩm L’industrie được xuất bản, Saint-Simon đề xuất áp dụng tinh thần khoa học luận này vào lịch sử các xã hội châu Âu kể từ thời Trung Cổ. Như vậy ông phác họa những nét lớn của một kiến giải sẽ không thay đổi nữa và được ông dùng làm khung chung cho các phân tích xã hội của ông. Trong lịch sử châu Âu, ông phân biệt ba giai đoạn lớn: hệ thống phong kiến mà sự sụp đổ hoàn toàn kết thúc với Cách mạng Pháp, rồi giai đoạn vô tổ chức kéo dài với thời Phục hoàng, và cuối cùng là xã hội công nghiệp mà ông tự nhận là người loan báo và có thể sẽ là đặc tính riêng của nhân loại tương lai.

Thuật ngữ hệ thống mà ông sử dụng song song với thuật ngữ tổ chức xã hội đáp ứng với một quan niệm chính xác, như ví dụ của xã hội phong kiến cho thấy. Một hệ thống xã hội, tuy không đồng nhất với một sinh vật trước tiên được đặc trưng bằng một tính mục đích riêng, một “mục đích hoạt động”. Như vậy, hệ thống phong kiến có mục đích là duy trì sự sinh tồn của nó, quốc phòng và chiến tranh. Từ mục đích tổng quát này, ta suy ra điều “bình thường” (có tính chức năng) là trong những xã hội như thế quyền lực chính trị do những lãnh tụ quân sự, giới quý tộc đảm nhận cũng như điều bình thường là các thợ thủ công và nhà sản xuất tuân phục hai giới trên. Tương tự như vậy, trong những thời kì chưa có tri thức khoa học, điều tất yếu là quyền lực tinh thần do những giới quyền uy thực thi dựa trên các niềm tin tôn giáo. Như vậy, Saint-Simon xây dựng một mô hình lí thuyết mời gọi tư duy các tổng thể xã hội như những tập nhất quán, bao gồm các lực vật chất và tinh thần, những quyền lực khác biệt nhau và những giai cấp cạnh tranh nhau.

Hệ thống phong kiến này bắt đầu tan rã vào cuối thời kì Trung Cổ với sự độc lập của các thị trấn với hệ quả đầu tiên là giới hạn quyền lực của giới quý tộc. Đồng thời những khám phá khoa học và sự xuất hiện của một triết học phê phán kể từ thời Phục hưng làm suy yếu quyền lực tôn giáo và và khơi dậy những lực lượng chống đối quyền lực này.

Hiện tượng trung tâm giải thích diễn tiến lịch sử này là nền công nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng, là bao gồm những hình thức sản xuất và các phương tiện vật chất và trí tuệ của những hình thức này. Hệ quả của sự phát triển của công nghiệp là làm thay đổi cả “bộ mặt của xã hội”, kéo theo sự tập trung dân số vào thành phố, đảo lộn sự phân tầng xã hội khi tạo ra những giai cấp mới và quan hệ xã hội mới. Đến cuối diễn tiến này, có thể nói ngắn gọn là “tất cả dựa trên công nghiệp”. Chế độ Phục hoàng vốn cố gắng dung hòa những cấu trúc đang suy tàn và những lực lượng công nghiệp đang phát triển tất yếu sẽ thất bại và chỉ là một đoản kì “chuyển tiếp”.

Do đó khi nhìn vào diễn tiến đã qua có thể phân biệt “hệ thống công nghiệp” sẽ như thế nào và trong đó những sản phẩm vật chất, tri thức và văn hóa sẽ là “mục đích hoạt động chung”. Một hệ thống như thế sẽ làm hiện lên một sự đoàn kết mới, tất cả các nhà sản xuất được đoàn kết bởi những quyền lợi tổng quát, “bởi nhu cầu của họ về sự an toàn trong các công trình của họ và về sự tự do trong các trao đổi”. Một đặc điểm thiết yếu của xã hội này sẽ là sự biến đổi triệt để của những quan hệ quyền lực và lãnh đạo. Trong khi trong xã hội phong kiến duy chỉ sự cưỡng bức mới đảm bảo duy trì sự cố kết và cho phép có những hành động chung thì các quyền lãnh đạo này biến mất trong một xã hội mà tất cả các thành viên đều tham gia và có lợi ích trong hoạt động chung. Trong mọi lĩnh vực sản xuất, chính những “năng lực” mới quan trọng chứ không phải quyền lực. Hành động chung thay thế cho sự phục tùng, các thể chế đàn áp chỉ còn giữ một chức năng thứ yếu, sự lãnh đạo con người nhường chỗ cho việc quản trị sự việc. Saint-Simon đưa vào mô hình xã hội này ý tưởng kế hoạch hóa hoạt động sản xuất và chỉ ra là việc chuẩn bị, xem xét cũng như thực hiện các kế hoạch loại trừ sự can thiệp của những quyết định có tính chính trị. Ông coi trọng vai trò của các nhà bác học, nghệ sĩ và công nghiệp, nhưng với các nhà công nghiệp ông nghĩ đến, hoặc là các “ông chủ ngành” theo nghĩa hẹp, hoặc là tất cả những nhà sản xuất công nghiệp bất luận năng lực của họ.

Tác phẩm cuối cùng của Saint-Simon, Le nouveau Chiristianisme (Kitô giáo mới), có ý nghi ngờ sự lạc quan duy công nghiệp này khi nêu rõ ràng là mục đích của hoạt động chung phải có mục đích “cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của giai cấp đông đảo và nghèo khổ nhất”. Để định hướng này thành hiện thực, cần tạo ra và lan tỏa một tôn giáo mới trở về với cảm hứng tạo lập của Kitô Giáo. “Giai cấp các nhà công nghiệp” là cần ý thức vai trò lịch sử của mình và vượt qua sức ì của mình để thực hiện nhiệm vụ hứa hẹn sự thành công cho mình.

Lí thuyết này có một ảnh hưởng quan trọng nhưng không phải là không có những khác biệt trong nội bộ. Ngay từ năm 1875, một nhóm môn đồ hâm mộ tập hợp nhau lại thành giáo phái. A. Comte vừa khẳng định những khác biệt của bản thân vừa thiết kế chủ nghĩa thực chứng vừa tự đặt mình trong sự nối tiếp tư tưởng của Saint-Simon. Cũng có thể xem tư tưởng này như một trình bày đầu tiên về chủ nghĩa xã hội: Marx cũng như Engels nhìn thấy trong đó một trong những cội nguồn của duy vật lịch sử. Tuy nhiên một học thuyết Saint-Simon cải cách cũng đã tạo cảm hứng cho nhiều kĩ sư, nhà công nghiệp và chủ ngân hàng dưới thời Đệ nhị Đế chế và trang bị cho các hoạt động của họ những mục đích xã hội lấy cảm hứng từ tư tưởng này.

Durkheim, trong tác phẩm ông dành cho học thuyết Saint-Simon, khẳng định là theo ông, hơn cả Comte, Saint-Simon mới thật sự là người sáng lập xã hội học. Nhìn vào diện rộng những vấn đề mà Saint-Simon đặt ra có thể nghĩ là đánh giá này dựa trên những lí do vững chắc.

Pierre ANSART

Đại học Denis- Diderot Paris (VII)

Nguyễn Đôn Phước dịch

Oeuvres de Claude Henri de Saint-Simon, Paris, Anthropos, 1967, 6 vol.

 ANSART P., Marx et l’anarchisme, essai sur les sociologies de Saint-Simon, Proudhon et Marx, Paris, PUF, 1970. – CHARLETTY S., Histoire du saint-simonisme, Paris, Hermann, 1931. – DONDO M., The French Faust. Henri de Saint-Simon, New York, Philosophical Library, 1955. – DURKHEIM É. [1895-1896], Le socialisme, sa définition, ses débats: la doctrine saint-simonienne, Paris, Alcan, 1928. – GURVITCH V., Les fondateurs francais de la sociologie contemporaine. I. Saint-Simon, sociologue, Paris, CDU, 1961.MANUEL F., The New World of Henri Saint-Simon, Cambridge (MA), Harvard University Press, 1956. – MUSSO P., Saint-Simon et le saint-simonisme, Paris, PUF, 1999. – PERROUX F. (éd), Industrie et création collective. I Saint-Simonisme du XXè siècle et création collective, Paris, PUF, 1964.

Chủ nghĩa thực chứng, Comte, Marx.

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.