Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

8.5.24

Sự hy sinh của binh lính trong ký ức của Pháp về Điện Biên Phủ

SỰ HY SINH CỦA BINH LÍNH TRONG KÝ ỨC CỦA PHÁP VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tác giả: Christopher Goscha

Giáo sư, Đại học Québec à Montréal (UQAM)

Sau khi căn cứ chiến hào Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, Pierre Brisson, giám đốc nhật báo Le Figaro đã phát hành ở trang nhất một bài xã luận trong đó ông cho rằng sự thất bại lịch sử này của quân đội Pháp là một “sự hy sinh” anh hùng.

Chính là với một “niềm xúc động không thể diễn tả được” mà ông đã chọn các ngôn từ của mình – “dũng cảm”, “giá trị”, “nhiệt tình”, “tinh thần tình nguyện anh em” – để tôn vinh những người lính đã bị bỏ rơi cho số phận của họ trong suốt 55 ngày chiến đấu chống lại các đội quân “cuồng nhiệt” của Hồ Chí Minh (trận chiến kết thúc với cái chết của 20.000 chiến sĩ Việt Minh và 2.000 lính của Liên Hiệp Pháp). Khi trích dẫn Rudyard Kipling xót thương cho cái chết của con trai ông trong cuộc thảm sát của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (“Nếu ai đó muốn biết tại sao chúng tôi chết/Hãy nói với họ: vì những ngững người cha của chúng tôi đã nói láo”), Brisson giải thích, với một giọng điệu giận dữ, rằng những gì vừa xảy ra ở Đông Dương là kết quả của “những điều dối trá” của những người lãnh đạo đã không biết cách làm cho cuộc chiến này diễn ra như nó phải là.

Còn thủ phạm khác đối với Brisson là ai? Những người cộng sản. Tất nhiên là Nga Xô Viết, - mặc dù vai trò của họ rất nhỏ, phe Việt Minh chủ yếu được Trung Quốc của Mao trợ giúp -, nhưng còn tệ hơn, là kẻ thù bên trong: Đảng Cộng sản Pháp.

Trong vòng vài đoạn văn, Brisson đã phóng ra những nền tảng của một tầm nhìn anh dũng vốn tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay: đó là tầm nhìn về danh dự của người chiến sĩ hy sinh trong địa ngục Điện Biên Phủ. Điều mà ta ít biết hơn, là làm thế nào mà hai người đàn ông khác, nhà văn Jean Lartéguy và nhà quay phim Pierre Schoendoerffer đã nắm lấy chủ đề này để ấn sâu vào lòng ký ức của Pháp về chiến tranh Đông Dương. Trước thềm kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc cuộc chiến hào hùng này, chúng ta hãy nêu ra cách mà hai người này đã biến hóa bi kịch thất bại để thắng được cuộc chiến cho ký ức.

Tác phẩm Les Centurions (Những người đội trưởng) của Jean Lartéguy

Sinh năm 1920, Jean Lartéguy gia nhập quân đội năm 1939 trước khi tham gia lực lượng nước Pháp tự do năm 1942 với tư cách là lính xung kích rồi sĩ quan trong trung đoàn bộ binh thứ năm. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông là phóng viên chính của báo Paris Match và viết về nhiều cuộc xung đột của thế kỷ XX: chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Algérie và các cuộc cách mạng ở Mỹ La Tinh và những nơi khác. Ông theo dõi sát sao quân đội Pháp ở Đông Dương và Algérie. Cũng như Brisson, ông chống cộng sản và phê phán chính quyền Pháp dường như bỏ rơi binh lính Pháp cho số phận buồn thảm của họ ở Đông Dương. Mặc dù là một sự thất bại, ông nhìn thấy trong sự kháng cự quyết liệt của binh lính ở Điện Biên Phủ danh dự của một quân đội và biểu tượng của sự hy sinh tối hậu của quân đội này.

Quá khứ binh nghiệp của ông đã giúp ông thâm nhập vào đội quân đang bị sa lầy ở Đông Dương rồi Algérie từ năm 1954 đến 1962. Dựa vào kinh nghiệm người lính và những mối liên hệ quen biết của mình, vào năm 1960, đang giữa cuộc chiến tranh Algérie, ông đã phát hành tác phẩm Les Centurions (Những người đội trưởng). Câu chuyện nói về cuộc chiến thứ hai này, nó bắt đầu từ sau thất thủ Điện Biên Phủ, vào lúc những người lính sống sót bị đưa đến một cực hình khác là những trại tù của Việt Minh cộng sản.

Bích chương phim “Les Centurions” (tiếng Anh: “The lost Command”), chuyển thể từ quyển sách của Jean Lartéguy, được công chiếu năm 1966, được hưởng một dàn diễn viên thượng hạng

Phần đầu của quyển sách nói về chính “Trại tù số 1”. Chính ở đó Lartéguy phác họa cho chúng ta chân dung gây xúc động của những người lính bị bỏ lại cho cộng sản và những phương pháp hành xử khắc nghiệt của họ. Khi những người lính được trả tự do và được đưa về Pháp, Lartéguy cho ta thấy những người lính này không có khả năng thích nghi với đời sống dân sự. Họ khác biệt, thích lãng đãng trong một thế giới duy nhất, thế giới của họ, từ nay họ được gắn kết với nhau qua tình đồng đội giữa những người lính, danh dự, cùng chia sẻ cảm giác đã bị “hy sinh”.

Lartéguy cũng mô tả bằng cách nào đã nảy sinh nơi họ một sự nghi ngờ sâu sắc đối với giới làm chính trị vốn không muốn tiến hành chiến tranh để chiến thắng. Chỉ cần đọc trích dẫn mà tác giả đã nêu lại ở trang đầu của quyển sách của ông và nhan đề của quyển tiểu thuyết được trích ra từ đó. Đó là lời của một đội trưởng/sĩ quan La mã tham gia chiến tranh vào thế kỷ thứ nhất đã yêu cầu người anh của mình:

“Em cầu xin anh, hãy làm cho em yên tâm một cách nhanh nhất và nói với em rằng đồng bào của chúng ta hiểu chúng ta, ủng hộ chúng ta, bảo vệ chúng ta cũng như chính chúng ta bảo vệ sự vĩ đại của Đế Quốc La Mã. Nếu là khác đi, nếu chúng ta bỏ lại một cách vô ích xương trắng của chúng ta trên các nẻo đường sa mạc, thì họ hãy coi chừng cơn giận dữ của các quân đoàn!”

Quyển sách đã được bán chạy nhất (bestseller) tại Pháp, bán được hai triệu bản! Sau này sách được chuyển thể thành phim với bích chương quảng cáo là những ngôi sao điện ảnh như Alain Delon và Anthony Quinn. Chính như thế mà những chủ đề về danh dự và hy sinh bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong xã hội Pháp và ở những nơi khác.

Sự hy sinh trên màn ảnh rộng của Pierre Schoendoerffer

Pierre Schoendoerffer (1928-2012)

Pierre Schoendoerffer, sinh năm 1928, còn quá nhỏ để tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng ông đã tình nguyện tham gia chiến tranh Đông Dương năm 1952. Được giao nhiệm vụ quay phim cho quân đội, ông đi theo binh sĩ hoạt động ở chiến trường. Ông có mặt ở Điên Biên Phủ, bị bắt giam và bị chuyển đến một trại tù cộng sản.

Khi trở về Pháp, chính điện ảnh là niềm đam mê của ông. Ông nhanh chóng được nổi tiếng nhờ cách quay phim rất riêng của ông, nhờ sức mạnh của hình ảnh và âm nhạc được chọn lọc trong các phim của ông, sớm quan tâm đến những trải nghiệm của những người lính bình thường mà với máy quay phim trên vai ông đi theo sát nhất, như để chạm đến cường độ của những nỗi đau đớn, hoảng loạn và dũng cảm mà binh lính đã chịu đựng.

Nhưng trọng tâm của các phim, của ký ức của ông về chiến tranh Đông Dương, chủ đề về danh dự của người lính hy sinh là một nỗi ám ảnh. Ta thấy rõ điều đó trong bộ phim dài xuất sắc của ông về chiến tranh Đông Dương được chiếu năm 1965, La 317 section (Trung đội 317). Vào lúc các trận đánh lên đến cực điểm ở Điện Biên Phủ vào đầu tháng năm năm 1954, hai chỉ huy chính của trung đội này, một thiếu úy trẻ vừa mới đến và người phụ tá đã thạo việc của ông, nhận được lệnh rời khỏi vị trí của họ trong rừng để hỗ trợ một đội quân đảm nhiệm tiếp cứu cho căn cứ chiến hào. Sứ mệnh được phát động quá trễ: đã là khởi đầu của sự kết thúc.

Bị một đơn vị của kẻ thù rượt đuổi, ta thấy binh lính của trung đội 317 hành quân trên đường dài băng qua rừng rậm, không lối thoát. Ta trầm mình trong cái thế giới thu nhỏ những con người của những gì đang đồng thời diễn ra ở Điện Biên Phủ. Những thử thách mà họ gặp phải hun đúc nên một tình bạn thân thiết giữa hai người chỉ huy và đồng đội của họ. Phim được quay đen trắng, hầu như trùng hợp với phim tài liệu gây ấn tượng mạnh như phim La Bataille d’Alger (trận đánh Alger) của Gillo Pontercorvo, được chiếu năm 1966.

Nhưng Schoendoerffer không để một cửa thoát nào cho các nhân vật của ông. Ông yêu cầu họ một sự hy sinh tối hậu: viên thiếu úy chết trong rừng rậm vài ngày sau khi lòng chảo Điện Biên Phủ thất thủ. Phụ tá của ông chết năm 1960 ở Algérie, phải là như vậy… Hai sĩ quan của chúng ta chết, một mình, nhưng cùng đoàn kết một cách thân ái dưới cùng một bầu trời: bầu trời của trải nghiệm cuộc chiến Đông Dương-Algérie lâu dài vốn gắn bó thiết thân với Schoendoerffer và Lartéguy (để hiểu đó là một cuộc chiến tranh Đông Dương-Algérie dài đối với Schoendoerffer, chỉ cần xem các phim của ông L’Honneur d’un capitaine và Le Crabe-Tambour).

Năm 1992, Schoendoerffer trở lại trận đánh Điện Biên Phủ. Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, cuộc chiến thứ ba giữa những người cộng sản cũng đã chấm dứt (đọc bài báo của chúng tôi về chủ đề này “La guerre sino-vietnamienne de 1979 ou la fin d’une “relation spéciale”” (“Chiến tranh Việt-Trung năm 1979 hay sự kết thúc của một “quan hệ đặc biệt”), số 126, tạp chí Dipolmatie). Việt Nam đã mở cửa ra thế giới và theo mô hình tư bản chủ nghĩa để tái thiết nền kinh tế. Schoendoerffer còn tháp tùng cả thổng thống François Mitterrand thăm Việt Nam, và tất nhiên là đến Điện Biên Phủ, để mở ra một chương mới trong quan hệ Pháp-Việt.

Chính nhờ vào thời cơ mới này mà Schoendoerffer đã có thể quay phim Điện Biên Phủ “của ông” ở nước Việt Nam cộng sản. Nhưng độ lùi 40 năm đã không thay đổi cách nhìn của ông về cuộc chiến của mình. Trong phim của ông mang tên sau trận chiến, ta gặp lại những chủ đề thân thiết của ông: chủ nghĩa anh hùng, tình đồng đội giữa những người lính và niềm vinh dự của sự hy sinh.

Trong hai tiếng đồng hồ, ta theo dõi cực hình của những người lính chiến đấu chống lại một kẻ thù luôn vô hình, như trong phim 317e section. Những hình ảnh và âm nhạc kết hợp với nhau để tạo ra một hiệu ứng rất lôi cuốn, làm cho người xem xúc động trước số phận bi thảm của những con người chiến đấu trong vô vọng, bị cắt đứt khỏi thế gian, cô đơn kinh khủng. Thông điệp cuối cùng được nhấn mạnh vào phút cuối khi một trong những người sống sót, linh mục tuyên úy, nói lên nhân danh Schoendoerffer bằng cách nhắc lại cho chúng ta một cách trịnh trọng rằng “hy sinh sự sống là một sự hy sinh to lớn, chỉ có một sự hy sinh kinh khủng hơn… là hy sinh danh dự”.

Phim chấm dứt với cảnh đi bộ dài của những người lính đến các trại tù Việt Minh, nơi mà tiểu thuyết của Lartéguy bắt đầu. Vậy là cái vòng được khép lại. Cùng nhau, Lartéguy và Schoendoerffer, đã thành công một cách tài tình với việc khắc sâu danh dự của người lính hy sinh vào ký ức của Pháp về trận Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương mà trận Điện Biên Phủ là biểu tượng. Năm 2024 này, 70 năm sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, thật đáng ngạc nhiên biết bao khi nhận thấy những Centurions - người chỉ huy - của Điện Biên Phủ, mà Brisson đã ca ngợi ngày 8 tháng năm năm 1954, vẫn luôn ngự trị trong ký ức về biến cố bước ngoặt này của lịch sử nước Pháp.

Mở ra ký ức về sự hy sinh?

Vấn đề còn lại là cần biết có thể nào, một ngày nào đó, mở rộng ký ức này của Pháp đến những trải nghiệm khác, đến những tác nhân khác, những hy sinh khác.

Rốt cùng, không chỉ có người Pháp chiến đấu trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Bên cạnh họ ta còn gặp những người lính Maroc, Algérie, Sénégal và Việt Nam, ngoài ra còn có những người châu Âu trong Binh đoàn Lê dương. Và không chỉ có Schoendoerffer và những đồng đội của ông đã nếm mùi nhà tù trong chiến tranh Đông Dương. Hàng chục ngàn người tù Việt Nam, dân sự và quân đội, đàn ông và đàn bà, đã được giải phóng khỏi các trại tù của Pháp sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt tại Genève vào tháng 7 năm 1954. Rất nhiều trong số họ đã không bao giờ trở về…

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Le sacrifice des soldats au cœur de la mémoire française de Dien Bien Phu”, The Conversation, 5.7.2024.

----

Vài nét về tác giả

Christopher Goscha

Christopher Goscha (1965-)

Christopher Goscha là giáo sư tại khoa Sử Đại học Québec ở Montreal (UQÀM) từ năm 2005. Chuyên gia về chiến tranh lạnh và những vấn đề thuộc địa và giải thuộc địa ở vùng Á-Phi, ông giảng dạy quan hệ quốc tế, lịch sử các cuộc chiến tranh Việt Nam và Algérie cũng như lịch sử chung. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó có The Road to Dien Bien Phu: A History of the First War for Vietnam (Princeton University Press, 2022), The Penguin, History of Vietnam (Penguin/Random House, 2016), Vietnam, A New History (Basic Books/Hachette, 2016). Ông vừa công bố một bài báo về chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến tranh giải thuộc địa khốc liệt nhất của thế kỷ 20: https://www.lhistoire.fr/parution/mensuel-499