Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

8.8.24

Vị nam tước người Pháp đã hồi sinh Thế vận hội tin rằng đây không chỉ là thể thao – mà là tôn giáo của sự hoàn hảo và hòa bình

VỊ NAM TƯỚC NGƯỜI PHÁP ĐÃ HỒI SINH THẾ VẬN HỘI TIN RẰNG ĐÂY KHÔNG CHỈ LÀ THỂ THAO – LÀ TÔN GIÁO CỦA SỰ HOÀN HẢO VÀ HÒA BÌNH

Các vận động viên xếp hàng cho cuộc đua 100 mét tại Thế vận hội Olympic năm 1896 ở Athens. Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images

Pierre de Coubertin, người sáng lập ra Thế vận hội Olympic hiện đại, luôn hình dung Thế vận hội không đơn thuần là tổng hợp các phần thi. “Chủ nghĩa Olympic [Olympism]”, như ông đã đặt tên, là một loại tôn giáo mới – một tôn giáo không có thần thánh, nhưng vẫn mang tính siêu việt.

Đối với Coubertin, việc rèn luyện thể chất và tinh thần của một vận động viên để đạt được thành tích cao nhất trong một cuộc thi một cách để “hiện thực hóa sự hoàn hảo”. Và nếu cuộc thi là nơi quốc gia thi đấu với thế giới, do nhiều thành phố khác nhau đăng cai mỗi bốn năm một lần, thì lợi ích cá nhân sẽ bị đặt dưới lòng tự hào dân tộc và sự hợp lực toàn cầu. Coubertin gọi đây là thể thao phục vụ cho sự hòa hợp toàn cầu – không gì khác hơn là một “religio athletae” mới hay “tín ngưỡng thể thao”.

Chỉ hai thập kỷ sau khi Thế vận hội hiện đại được hồi sinh vào năm 1896, châu Âu đã bị Thế chiến I xé nát, thể hiện vô cùng rõ những nguy hiểm của sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Và như Coubertin, một nam tước người Pháp và là người theo chủ nghĩa hòa bình, đã viết, sự cạnh tranh vô độ thậm chí còn tạo ra bầu không khí ganh ghét, đố kỵ, kiêu căng và ngờ vực.

Tuy nhiên, ông tin rằng những bản năng thấp hèn này có thể được kiềm chế bởi một “cơ chế điều tiết” “vĩ đại và mạnh mẽ”. Được thể hiện thông qua Chủ nghĩa Olympic, tôn giáo điền kinh có thể điều chỉnh thể thao và lòng tự hào dân tộc theo hướng tạo ra sự hòa hợp toàn cầu tại một địa điểm mỗi bốn năm một lần – một mục tiêu không thể đạt được bằng chính trị bè phái hoặc tôn giáo cuồng tín.

Nhưng Thế vận hội đã chứng kiến không ít thách thức trong 100 năm qua. Là những nhà nghiên cứu về tôn giáo và thể thao, chúng tôi tự hỏi liệu lý tưởng cao cả của Coubertin về tín ngưỡng thể thao ấy có còn phù hợp không – ấy là nếu nó đã từng tồn tại.

Cảm hứng cổ xưa

Mong muốn khôi phục Thế vận hội Olympic sau 1.500 năm bị lãng quên của Coubertin xuất phát từ mối quan ngại của ông về những thách thức và thay đổi vào đầu thế kỷ 20. Ví dụ, ông tin rằng công nghiệp hóa đang khiến những người đàn ông trẻ tuổi trở nên yếu đuối về thể chất và đạo đức.

Đối với Pierre de Coubertin, tiềm năng
của thể thao không chỉ dừng lại
ở một trò chơi. 
Francois Lochon/
Gamma-Rapho qua Getty Images

Trong khi đó, cùng với năng lực lý giải ngày càng mạnh của khoa học, tôn giáo truyền thống ngày càng ít được coi là thuốc chữa bách bệnh cho những vấn đề của thế giới. Một thế giới mới đang ló dạng, và ông hy vọng rằng Chủ nghĩa Olympic sẽ đóng vai trò như một biện pháp điều chỉnh. Là một người say mê Hy Lạp cổ đại từ thuở nhỏ, Coubertin nhìn thấy trong Thế vận hội cổ đại những thành tố mà, một khi được hiện đại hóa, sẽ có thể giải quyết một cách độc đáo một số vấn đề lớn của thời đại ông.

Cụ thể, ông tìm về lý tưởng của người Hy Lạp cổ đại về sự hòa hợp giữa tâm trí và cơ thể, mà các vận động viên bộc lộ bốn năm một lần tại thị trấn Olympia của Hy Lạp, nơi thờ phụng thần Zeus. Thế vận hội dành cho nam giới Hy Lạp – phụ nữ và nô lệ không được tham gia – và các trận đấu có thể cực kỳ khốc liệt.

Bằng cách biến lý tưởng này thành nền tảng của Thế vận hội hiện đại, Coubertin hy vọng truyền vào đó tinh thần cân bằng, hài hòa và tôn kính. Thế vận hội sẽ mang sự mê hoặc từ Hy Lạp cổ đại đến với thế kỷ 20 – và cho đến tận ngày nay, vẫn được tượng trưng bằng nghi thức rước đuốc từ Olympia đến lễ khai mạc.

Tuy nhiên, không phải mọi quan điểm của ông về Thế vận hội cổ đại đều tích cực. Coubertin cũng tin rằng chúng “hỗn loạn”, “không thực tế và phiền toái”, cũng như dễ sa đà vào sự thái quá và tham nhũng. Ông lo ngại rằng Thế vận hội hiện đại có thể rơi vào kết cục tương tự.

Một nữ diễn viên thắp sáng ngọn đuốc trong buổi lễ thắp lửa chính thức cho Thế vận hội Paris tại khu vực Olympia cổ đại ở Hy Lạp vào ngày 16 tháng 4 năm 2024. AP/Thanassis Stavrakis, File

Đồng thời, ông tin rằng tinh thần của Thế vận hội có thể là “cơ chế điều tiết cho các loại hành vi thái quá mà thể thao có thể đưa tới. Tại Olympia cổ đại, Coubertin đã viết, “cuộc thi thô tục đã được chuyển đổi và theo một nghĩa nào đó được thần thánh hóa” xuất phát từ lòng tôn kính đối với cơ thể và tinh thần khi (con người) hướng đến sự hoàn mỹ vốn được xem là hiện thân của các vị thần.

Thế vận hội ngày nay

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã nhắc lại mong muốn của Coubertin về việc xây dựng sự thống nhất và hòa bình thông qua tinh thần thể thao. Chủ tịch IOC hiện tại Thomas Bach cho biết, “Mục tiêu chung của Liên hợp quốc và IOC là biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn và hòa bình hơn. Đối với IOC, điều này có nghĩa là đưa thể thao vào phục vụ cho sự phát triển hòa bình của nhân loại.”

Floriane Issert, một hạ sĩ quan thuộc lực lượng Hiến binh Quốc gia Pháp, cưỡi ngựa tiến vào lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2024, mang theo lá cờ Olympic trên lưng. Pascal Le Segretain/Pool Photo qua AP

Quả thật, gần như không thể nghĩ ra một sự kiện nào khác, ngoài thể thao, có thể quy tụ nhiều quốc gia từ khắp nơi trên thế giới để thi đấu theo cùng một luật lệ mà không có nguy cơ bạo lực như thế.

Cứ mỗi hai năm, hàng tỷ người lại trải nghiệm cảm giác dâng trào niềm tự hào về dân tộc và về thế giới này, biểu tượng bằng năm vòng tròn Olympic đa sắc đan xen nhau. Và mặc dù các vị thần Hy Lạp – hay bất kỳ vị thần nào – không được đề cập đến, một loại tôn giáo dân sự [civil religion] vẫn gắn kết các vận động viên và khán giả vào một “cộng đồng các giáo dân toàn cầu” mà Thế vận hội được thiết kế để tạo ra.

Điều mà Coubertin không thể lường trước được là vai trò của tiền bạc và chính trị – gợi lại “cuộc cạnh tranh thô tục” mà ông tin rằng đã làm suy yếu Thế vận hội cổ đại. Các thành phố cạnh tranh để đăng cai Thế vận hội thường khởi động những dự án hủy hoại môi trường và các khu dân cư địa phương, và các quốc gia bị cáo buộc là “tẩy trắng thể thao” [sportswashing]: sử dụng sự quảng bá tích cực của thể thao để đánh lạc hướng khỏi hồ sơ nhân quyền đáng chê trách. Ví dụ, chính quyền Đức Quốc xã đã nổi tiếng khi sử dụng Thế vận hội năm 1936 ở Berlin làm nơi tuyên truyền cho học thuyết về sự ưu việt của chủng tộc Aryan.

Nói cách khác, Thế vận hội là phương tiện cho cả hành vi phi đạo đức và sự đối đầu quốc tế – rõ ràng là vi phạm tầm nhìn của Coubertin.

Có lẽ Chủ nghĩa Olympic luôn là một giấc mơ viển vông; có lẽ thể thao không bao giờ có sức mạnh để kiến tạo và duy trì một “tín ngưỡng thể thao”. Chúng tôi cho rằng sự trỗi dậy lẻ tẻ của lòng tự hào dân tộc lành mạnh và các vận động viên nghiệp dư không tên tuổi vẫn là điều đáng ngưỡng mộ đối với Olympic. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào những giá trị tốt đẹp của Thế vận hội tạo ra được một “cơ chế điều tiết” mới đầy cảm hứng vượt lên trên thành tích cá nhân và số lượng huy chương quốc gia – hoặc đúng hơn là liệu điều đó có khả thi hay không.

Tác giả

Jeffrey Scholes

Terry Shoemaker
Jeffrey Scholes

Giáo sư Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Colorado Colorado Springs

Terry Shoemaker

Phó Giáo sư Giảng dạy về Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Tiểu bang Arizona

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The French baron who revived the Olympics believed they were more than sport – they were a religion of perfection and peace, The Conversation, Aug 2, 2024.