6.1.25

Biến đổi khí hậu có nguồn gốc lịch sử sâu xa – Amitav Ghosh khám phá vai trò của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CÓ NGUỒN GỐC LỊCH SỬ SÂU XA – AMITAV GHOSH KHÁM PHÁ VAI TRÒ CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN 

Amitav Ghosh làm sáng tỏ mối liên hệ giữa việc khai thác con người và hành tinh với biến đổi khí hậu. Mathieu Genon 

Amitav Ghosh là tác giả nổi tiếng thế giới với 20 quyển sách cấu lịch sử và phi cấu. Nhà tư tưởng và nhà văn Ấn Độ này đã viết rất nhiều về di sản của chủ nghĩa thực dân, bạo lực và chủ nghĩa khai thác tài nguyên [extractivism]. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông nghiên cứu sự di cư, toàn cầu hóa và bạo lực thương mại và chinh phục trong thời kỳ thuộc địa, trong bối cảnh buôn bán thuốc phiện vào những năm 1800. 

Caroline Southey, từ The Conversation Africa, đã hỏi giáo sư kinh tế Imraan Valodia và nhà nghiên cứu về khí hậu và bất bình đẳng Julia Taylor về ý nghĩa công trình của Amitav Ghosh. 

Ghosh đã đóng góp gì cho sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu? 

Julia Taylor: Trong cuốn sách phi hư cấu gần đây của Ghosh, The Nutmeg's Curse: Parables for a Planet in Crisis (tạm dịch: Lời nguyền của nhục đậu khấu: Những dụ ngôn cho một hành tinh đang khủng hoảng), ông đã dùng khả năng kể chuyện tài tình để phác thảo nguồn gốc của biến đổi khí hậu trong hai hệ thống quyền lực và áp bức: chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản. 

Chủ nghĩa đế quốc là sự mở rộng ảnh hưởng lên các quốc gia khác thông qua sức mạnh quân sự và thực dân hóa. Thường kéo theo việc phá hủy môi trường để hỗ trợ cho lợi ích của đế quốc. 

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế thống trị, trong đó quyền sở hữu các phương tiện sản xuất (công nghiệp) thuộc về tư nhân. Các tác nhân tư nhân được thúc đẩy bởi lợi nhuận và tăng trưởng, vốn dựa vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch. 

Điều Ghosh làm rõ là bạo lực và sự phá hủy môi trường là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản, tựa như chúng đã từng trong chủ nghĩa thực dân. 

Imraan Valodia:Ghosh thách thức chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của chinh phục và bạo lực trong việc định hình cuộc khủng hoảng hành tinh mà chúng ta đang phải đối mặt. Và nhu cầu tái định hình các mối quan hệ kinh tế và xã hội của chúng ta để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ông thể hiện điều này với sự nhạy bén rành mạch đáng kinh ngạc trong một tác phẩm phi hư cấu khác của mình, The Great Derangement (tạm dịch: Cuộc xáo trộn lớn). Trong sách, ông tìm cách giải thích tại sao chúng ta lại thất bại trong việc giải quyết tính cấp bách của biến đổi khí hậu. Ông đặt ra câu hỏi đầy sức nặng, rằng liệu thế hệ hiện tại có bị loạn trí vì chúng ta không thể nắm bắt được quy mô, bạo lực và tính cấp bách của biến đổi khí hậu hay không. 

Ông ấy dùng lịch sử của hạt nhục đậu khấu để minh họa một số ý chính của mình. Ghosh rút ra được gì từ lịch sử này? 

Julia Taylor: Câu chuyện về hạt nhục đậu khấu là một trong nhiều câu chuyện về cuộc chinh phục cả con người lẫn đất đai trong quá trình thực dân hóa vốn đã dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp và sự bùng nổ khí thải nhà kính. 

Ngày nay, những cuộc chinh phục này mang nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chúng vẫn đang diễn ra, đặc biệt là trong bối cảnh khai thác mỏ và chủ nghĩa khai thác tài nguyên. 

Imraan Valodia:Ghosh lần theo lịch sử của loại gia vị quen thuộc – hạt nhục đậu khấu – đến tận nguồn gốc của nó ở quần đảo Banda của Indonesia. Ông sử dụng phép so sánh về hạt nhục đậu khấu để giải thích cách thực dân hóa đất đai và con người đã dẫn đến thảm họa khí hậu. 

Hạt nhục đậu khấu được trồng thu hoạch ở Quần đảo Banda và được người dân nơi đây buôn bán trong nhiều thế kỷ. Khi giá trị của các loại gia vị ngày càng tăng, nhiều quốc gia châu Âu đã tìm cách tuyên bố độc quyền đối với hoạt động buôn bán hạt nhục đậu khấu ở Quần đảo Banda. Người dân địa phương đã phản đối điều này. Tuy nhiên, vào năm 1621, đại diện của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chọn cách phá hủy các khu định cư của người người dân Quần đảo Banda, tàn sát hoặc bắt những người không thể trốn thoát làm nô lệ, để giành quyền kiểm soát hoạt động buôn bán hạt nhục đậu khấu. 

Ghosh giải thích những sự kiện kinh hoàng này bằng cách đặt chúng vào bối cảnh căng thẳng Anh-Hà Lan và xu hướng đế quốc ở châu Âu thời bấy giờ, được biện minh bằng niềm tin tôn giáo về sự ưu việt của chủng tộc. 

Một chủ đề chính trong tác phẩm của Ghosh là mối liên hệ giữa chủ nghĩa đế quốc và cuộc khủng hoảng hành tinh. Lập luận chính của ông ấy là gì?

Julia Taylor:Ghosh lập luận trong The Nutmeg's Curse: Parables for a Planet in Crisis rằng 

cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, cũng như mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng hành tinh này, có xu hướng bị chi phối bởi câu hỏi về chủ nghĩa tư bản và các vấn đề kinh tế khác; trong khi địa chính trị, đế quốc và các vấn đề về quyền lực ít được đề cập đến hơn nhiều. (trang 116)

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng 

thời đại chinh phục quân sự của phương Tây đã có trước sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản hàng thế kỷ. Thật vậy, chính những cuộc chinh phục này, và các hệ thống đế quốc mọc lên sau đó, đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa tư bản hiện nay vươn lên vị trí thống trị… chủ nghĩa thực dân, nạn diệt chủng và các cấu trúc bạo lực có tổ chức nền móng cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa. (trang 116) 

Imraan Valodia: Lập luận này buộc chúng ta phải vật lộn với cả chủ nghĩa tư bản lẫn sự thống trị của phương Tây trong cách hiểu về biến đổi khí hậu. Nó làm nổi bật động lực quyền lực và bạo lực đã kích hoạt việc phá hủy nhiều vùng đất dưới hình thức phá rừng, công nghiệp hóa nông nghiệp, khai thác mỏ và nhiều hơn nữa.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về các hệ thống thống trị này cũng như mối quan hệ (của chúng ta) với đất đai và môi trường. Điều này thể gắn liền với đòi hỏi giải quyết bất bình đẳng và các động thái quyền lực nếu chúng ta mong triển vọng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Giáo sư Valodia mời Amitav Ghosh tham gia loạt sự kiện tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi. Trường đại học này đã hợp tác với Ủy ban Khí hậu của Tổng thống, Viện Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Witwatersrand (WiSER) và Đại học Pretoria để tổ chức các buổi thảo luận này.

Tác giả

Julia Taylor
Imraan Valodia

Julia Taylor

Nhà nghiên cứu: Khí hậu và Bất bình đẳng, Đại học Witwatersrand

Imraan Valodia

Phó Hiệu trưởng: Khí hậu, Phát triển bền vững và Bất bình đẳng và Giám đốc: Trung tâm Nghiên cứu Bất bình đẳng phía Nam, Đại học Witwatersrand

Tuyên bố công khai 

Julia Taylor nhận tài trợ từ nhiều tổ chức khác nhau cho nghiên cứu.

Imraan Valodia nhận tài trợ từ một số tổ chức quốc gia và quốc tế hỗ trợ nghiên cứu học thuật.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Print Friendly and PDF