CẦN MỘT THAY ĐỔI
THÔNG MINH
Nguyễn Xuân Xanh (2022)
Muốn thay đổi không đủ, kể cả làm để thay
đổi cũng không đủ. Chúng ta phải muốn nó và làm nó với sự thông minh.
—Lionel Trilling
Những giáo điều của quá khứ yên ả không
thích hợp với hiện tại đầy giông bão. Cơ hội bị chồng chất với những khó khăn,
và chúng ta phải vươn lên.
—Abraham
Lincoln
THAY ĐỔI THÀNH CÔNG VÀ THAY ĐỔI THẤT BẠI
Trên
thế giới có những thay đổi thành công cũng như thất bại. Thực tế, thế giới đã
trải qua một loạt thay đổi quan trọng có thể nói thành công và định hình cuộc
sống nhân loại hôm nay. Đó là sự ra đời đại học trung cổ thế kỷ 11, 12, cuộc
cách mạng khoa học hiện đại thế kỷ 17, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất
thế kỷ 18, lần thứ hai thế kỷ 19, cuộc cách mạng khoa học đầu thế kỷ 20, cuộc
cách mạng ICT cuối thế kỷ 20, và bây giờ là cuộc cách mạng số. Những cuộc cách
mạng đó đều thành công nghĩa là có những đóng góp quan trọng
thúc đẩy tiến trình văn minh và phát triển của nhân loại.
Trong
phạm trù quốc gia, có những quốc gia cải cách thành công bứt phá, một số ít, và
những quốc gia không thành công như thế, số nhiều. Thủ tướng đầu tiên của Nhật
Bản Minh Trị Itō Hirobumi đã từng cảnh báo:
Chính
sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mang
tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục
thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các
tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.
Có lẽ ông muốn nói Trung Quốc lúc đó. Trung Quốc tiếp xúc với phương Tây lâu hơn Nhật Bản, nhưng vẫn tự hào “cách vật trí tri” của họ là ăn đứt khoa học phương Tây nên họ không chịu học, và không thay đổi, về khoa học lẫn thể chế, trong khi đó Nhật Bản chấp nhận hệ quy chiếu của phương Tây ngay từ đầu qua khẩu hiệu Bunmei Kaika (Văn minh – Khai sáng), Fukoku Kyōhei (Dân giàu Quân mạnh), và Shokusan Kōgyō (Khuếch trương công nghiệp) để thay đổi toàn diện quốc gia, từ giáo dục, khoa học đến công nghiệp hóa, thể chế và cấu trúc xã hội. Họ cũng xóa bỏ giai cấp samurai và sự độc quyền lãnh đạo của họ, để mọi người dân đều có thể tham gia vào việc trị nước và xây dựng. Vì thế họ đã có những bước đi thần kỳ, với sức mạnh của cả dân tộc, mà cuộc đánh bại lần lược Trung Hoa và Nga Hoàng là những hệ quả tất yếu.
Trung
Quốc cuối cùng thay đổi nhận thức toàn diện qua phong trào gọi là Ngũ Tứ, ngày
Bốn tháng Năm, 1919. Phong trào này đã cuốn hút các học giả tên tuổi nhất, giới
trí thức, sinh viên và nhiều tầng lớp nhân dân. “Cứu vãn quốc gia đồng nghĩa
với khai minh” là khẩu hiệu của họ. Khoa học, công nghệ để tự
cường, tạo sức mạnh quốc gia như người Nhật Bản làm, điều họ đã chứng kiến bằng
sức mạnh quân sự của quốc gia nhỏ bé này. Dân chủ để chấm dứt thân phận nô lệ
của người dân dưới chế độ phong kiến. Họ đòi hỏi một nhân sinh quan
khoa học để đổi mới toàn bộ tư duy. Đó chính là bản tuyên ngôn và di
chúc của giới trí thức để lại cho các thế hệ sau của họ.
THAY ĐỔI THÔNG MINH
Năm
1960 học giả Mỹ Lionel Trilling có ý tưởng như sau:
Muốn
thay đổi không đủ, kể cả làm để thay đổi cũng không đủ. Chúng ta phải muốn nó
và làm nó với sự thông minh.
Câu
nói này có lẽ đã minh họa được tính chất đặc trưng của tất cả những cuộc hóa
rồng ở châu Á như là những thay đổi thông minh, cũng
như những cuộc thay đổi trọng đại khác trên thế giới. Thông minh hàm ý có trí
tuệ và sáng tạo. Thông minh và sáng tạo cũng
chính là nét chủ đạo đã từng được áp dụng tại Thung lũng Silicon. Giới trẻ ở đó
đã làm một cuộc cách mạng công nghệ phải nói là thần kỳ, và một nền
tảng kinh doanh sáng tạo mới – entrepreneurship. Người ta nói đến kinh
tế sáng tạo, kinh tế thông minh. Năng lực sáng tạo của con người giờ đây đã
vượt qua giá trị của đất đai, lao động và tư bản để trở thành nguồn lực quan
trọng nhất của kinh tế.
Cuộc
cách mạng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) vào những thập niên cuối
của thế kỷ 20 gây ra nhiều hệ lụy. Nó vô cùng mạnh mẽ và đặc biệt có tính “hủy
diệt sáng tạo” – từ ngữ của nhà kinh tế học Joseph Schumpeter – sự tăng trưởng
của các Cty công nghệ đạt đến tốc độ hàm mũ (exponential).
Nhiều Cty trong Fortune 500 nhanh chóng biến mất, thay vào đó là những công ty
đổi mới sáng tạo bé nhỏ nổi lên thành những người khổng lồ, nhiều công ty trong
đó được thành lập từ các ga-ra xe. Điều đó đã đẩy thế giới doanh nghiệp vào
tình thế: Đổi mới sáng tạo hay tiêu vong.
Tại
Mỹ, trong một bản điều trần của Ủy ban Đảng Cộng hòa năm 1960 về “Tác động của
Khoa học và Công nghệ”, hai khó khăn lớn nhất được nêu lên như sau:
Sự
thiếu hiểu biết về vai trò của khoa học và công nghệ trong xã hội chúng ta,
Sự cần
thiết sống còn của việc cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta để đẩy mạnh
tiến bộ khoa học.
Điều
đó cho thấy, một quốc gia có nền kinh tế khoa học đã phát
triển như Mỹ vẫn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu dễ dàng nếu ngủ yên trên cành
nguyệt quế. Cái sốc Sputnik vẫn còn đó. Nhưng nhìn kỹ, đó chẳng phải là những
vấn đề của chính chúng ta hôm nay hay sao? Bài viết của tôi
trong quyển sách Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai đã cố gắng lý
giải những khó khăn trong nhận thức về vai trò khoa học của Việt Nam khi nhìn
về châu Âu, Nhật Bản đến Trung Quốc.
Nhà
nước, nhất là của các quốc gia đi sau, muốn tồn tại cũng phải đổi mới sáng tạo
nhanh chóng để dẫn dắt quốc gia trong cuộc cạnh tranh sinh
tồn. Đó là những nhà nước được gọi là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental
state). Chính những nhà nước loại này đã giúp hóa rồng các quốc gia châu Á. Đó
là những nhà nước đổi mới sáng tạo và thông minh.
GIẤC MƠ HÓA RỒNG VÀ NHỮNG CÁI BẪY
Người
Việt Nam đến lúc cũng đang có giấc mơ hóa rồng, muốn tạo ra được
những sản phẩm công nghệ, công nghiệp đẳng cấp trên thị trường thế giới, có
những tập đoàn công nghiệp mạnh, để có thể nâng cấp nhanh chóng nền kinh tế lên
tầm mức thế giới. Vâng, người Việt Nam thấy cần thay đổi cả vận mệnh lịch sử của
mình, như các dân tộc xung quanh đã làm. Việt Nam có những bản chất anh hùng,
mấy nghìn năm giữ nước thắng lợi, nhưng cũng có những nhược điểm trong cái gene
cần phải thay đổi. Hàn Quốc, cả Trung Quốc cũng có những nhược điểm. Nhưng họ
học cái DNA của thế giới để khắc phục các nhược điểm.
Nhà
kinh tế học Trần Quốc Hùng, có mặt trong quyển sách Việt Nam – Hôm
nay và Ngày mai do GS
Trần Văn Thọ và tôi làm chủ biên năm 2022, cảnh báo chúng ta về nguy cơ sắp
tới: “bẫy thu nhập trung bình” có tác dụng kìm hãm chúng ta. Theo thiển ý, đằng
sau bẫy thu nhập trung bình chính là bẫy chưa nhận thức và phát triển khoa học
công nghệ chưa tương xứng với nhu cầu của thực tiễn, và bẫy thể-cơ-chế chưa phù
hợp cho một sự hóa rồng, vì thế sự thay đổi còn quá chậm, trong khi thế giới
quanh ta lại thay đổi rất nhanh. Đó là sự chưa nhận thức thế giới để khắc phục
nhược điểm của ta.
Sự
thâm thụt nhận thức có nguồn gốc sâu xa, một phần do lịch sử. Khai sáng khoa
học của Francis Bacon ở châu Âu thế kỷ 17 qua Nhật Bản, đến Trung Quốc nhưng vì
hoàn cảnh lịch sử đã dừng lại tại đó. Các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan
Châu Trinh chỉ đọc được Tân thư từ Trung Quốc và chỉ hình dung các thay đổi từ
xa. Nhưng Phan Châu Trinh phê phán người Việt triệt để: bài ngoại số một, và
lười biếng học cái mới để thay đổi. “Khuyết tật” ấy ngày nay vẫn còn là cái bẫy
cản trở quá trình hòa rồng.
Có lẽ
chúng ta nên nói: Việt Nam hiện nay đang tụt hậu với chính “chúng ta đáng lẽ”.
“Chúng ta đáng lẽ” bây giờ phải là một Việt Nam khác, phát triển mạnh mẽ trên
con đường “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”, kiên quyết tiến hành công
nghiệp hóa theo đúng nghĩa khoa học của nó, và đang trên đường
hóa rồng, hòa nhập vào cộng đồng các quốc gia văn minh phát triển. GDP đầu
người Việt Nam giờ đây đáng lẽ phải 33.000 usd như của Hàn Quốc năm 2023, hay
một con số nhỏ hơn có thể so sánh được, chứ không phải chỉ $4,324 usd như năm
2023.
VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC
Sáu
mươi năm trước, tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, người đã thay đổi cả vận
mệnh đất nước của ông một cách thần kỳ, đã từng nói về vai trò của trí thức:
Trong
tầng lớp lãnh đạo xã hội của Hàn Quốc, trí thức làm thành khối quan trọng nhất
của dân tộc. Đối với bất kỳ xã hội nào trải qua một giai đoạn chuyển đổi quan
trọng trong lịch sử của mình, trí thức đều đóng một vai trò to lớn. (Park
Chung Hee)
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói nhiều về vai trò tích cực của người trí thức
trong việc xây dựng xã hội mới. Thời đại chúng ta đang sống đòi hỏi bức
thiết Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ phát triển, và vai
trò tiên phong của trí thức. Chúng ta đang bị thách thức vô cùng lớn,
đòi hỏi phải có nhiều tri thức và trí thức để đối phó. Quyển sách Việt
Nam–Hôm nay và Ngày mai, sự hội tụ của 22 trí thức Việt Nam trong và ngoài
nước, từ Nam Trung Bắc, đến Mỹ, Pháp Nhật, gồm những nhà nghiên cứu, giáo sư,
chuyên gia, nhà giáo dục, nhà kinh tế, nhà khoa học, công nghệ, nhà chính trị …
“nhằm đáp lời cho một sự đổi mới sáng tạo trước những thử thách mới thời đại
đặt ra”, nói lên tinh thần sẵn sàng đồng hành và chia sẻ trách nhiệm đó của
những người trí thức.
Các
quốc gia phát triển không bao giờ bỏ rơi hay “hy sinh” vốn trí
thức như báu vật của mình. Nhà nước kết nối với họ và thuê những nhà kỹ trị,
những kỹ sư, nhà khoa học, để lập và thực hiện các chính sách phát triển dài
hạn. Mỹ có Vannevar Bush, nổi tiếng với đề án “Khoa học – Biên giới vô tận”
phát triển thành công rực rỡ khoa học thời hậu chiến. Đài Loan có Lý Quốc Đỉnh,
“người cha của thần kỳ kinh tế Đài Loan”, và được báo New York Times đánh
giá là “Cha đỡ đầu của nền công nghệ” giúp Đài Loan hóa rồng. Đó chỉ là hai
trong nhiều thí dụ.
VĂN HÓA KHOAN DUNG
Thời
đại chúng ta đang sống là thời đại thông minh, đòi hỏi bức thiết
những giải pháp thông minh, đổi mới sáng tạo, đòi
hỏi khoa học công nghệ phát triển, và vai trò xung phong của
người trí thức. Chúng ta đang bị thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi phải có rất
nhiều tri thức và trí thức để đối phó. Tri thức đang lan tỏa với tốc độ ánh
sáng. “Cứ mỗi ngày làm việc hiện nay, tờ nhật báo New York Times chứa
đựng một lượng thông tin nhiều hơn bất cứ người đương thời nào của Shakespeare
có thể có để tiếp thu trong cả đời người anh ta.” Tri thức đang tăng gấp đôi
sau mỗi 7 năm. Hoặc chúng ta theo kịp thời đại, hoặc bị bỏ lại sau ngày càng
xa.
Để tập
hợp trí thức, Việt Nam cần có văn hóa khoan dung. Thung lũng
Silicon, cũng như những hệ sinh thái hi-tech khác, có tính chất khoan
dung đối với tất cả mọi người, những người nhập cư, những người đồng
tính luyến ái, những hippie tóc tai bù xù, những người lập dị, sống khác và
nghĩ khác. Nhưng họ là những người đã thay đổi thế giới. Khoan dung là
sức mạnh. Hãy xem quảng cáo nổi tiếng Nghĩ khác -Think
different – của Steve Jobs. Một cộng đồng, một tổ chức chỉ gồm những người
“được tiêu chuẩn hóa không có đặc tính cá nhân và mục tiêu riêng của nó”, như
Albert Einstein nhận xét, sẽ có nguy cơ “nghèo nàn không có những năng lực phát
triển”.
NGHĨ KHÁC
Think different
Đây, mừng
cho những kẻ điên rồ, những kẻ không thích nghi, những kẻ nổi loạn, những kẻ
gây rối, những ‘cái chân tròn trong các lỗ vuông’, những kẻ nhìn sự vật khác
đi, họ không thích khép mình vào quy tắc, họ không có sự kính trọng trước hiện
trạng. Bạn có thể trích dẫn họ, bất đồng ý kiến với họ, vinh danh họ hay phỉ
báng họ, nhưng có một việc bạn không thể làm là làm ngơ họ, bởi vì họ thay đổi
sự vật, họ thúc đẩy loài người tiến lên, và trong khi một vài người có thể xem
họ như những kẻ khùng điên, chúng tôi nhìn thấy ở họ những thiên tài, bởi vì
họ, những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới, chính là
những người làm việc đó.
(Quảng cáo của hãng Apple, 1997)
Việt
Nam phải là quốc gia của khoa học, của đổi mới sáng tạo, của học hỏi
không ngừng, của nhà nước kiến tạo phát triển, của bao dung và
đoàn kết trí thức, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước nhanh
chóng lên phồn vinh, văn minh và an ninh được bảo đảm. Phồn vinh, dân
chủ và sự giàu có tri thức cũng là những vũ khí hữu hiệu để bảo vệ non
sông gấm vóc.
Người
trí thức muốn dấn thân. Họ không màng danh lợi. Trong trái tim họ, tổ quốc là
trên hết. Họ đang lắng nghe tiếng gọi từng ngày.
Nguyễn Xuân Xanh
Xem
thêm
—Khoa
học và Phát triển (Tọa đàm Đại học Fulbright):
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/khoa-hoc-va-thay-doi-phat-bieu-tai-toa-dam-dai-hoc-fulbright/
—Cuộc
hóa rồng và Giới tinh hoa kỹ trị:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/cuoc-hoa-rong-va-gioi-tinh-hoa-ky-tri/
và
—Nhà
nước đổi mới sáng tạo:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/nha-nuoc-doi-moi-sang-tao/
Nguồn: Cần
một thay đổi thông minh, rosetta.vn, 1 Tháng Một, 2025.