Trang

Kinh tế gia cười

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

23.3.25

Cuộc Đại Biến Chuyển của Karl Polanyi là một tác phẩm phê bình kinh điển về chủ nghĩa tư bản

CUỘC ĐẠI BIẾN CHUYỂN CỦA KARL POLANYI LÀ MỘT TÁC PHẨM PHÊ BÌNH KINH ĐIỂN VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN – NHƯNG ĐÓ KHÔNG PHẢI THÀNH CÔNG MỘT SỚM MỘT CHIỀU

Theo Polanyi, sự mở rộng của xã hội thị trường không mang lại hòa bình và thịnh vượng mà là sự sụp đổ kinh tế, chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Everett Collection/Shutterstock

Nhà lý thuyết xã hội người Hungary Karl Polanyi nổi tiếng nhất với tác phẩm khám phá sự sụp đổ của các thể chế tự do diễn ra trong giai đoạn 1914-1945. Cuốn sách The Great Transformation (Cuộc Đại Biến Chuyển) của ông lần theo những thảm họa của những thập kỷ đó đến quá trình toàn cầu hóa của chủ nghĩa tự do thị trường.

Theo quan điểm của ông, nỗ lực của các nhà xã hội chủ nghĩa tự do nhằm thiết lập một hệ thống thị trường “tự điều tiết” chắc chắn sẽ phá vỡ cấu trúc xã hội, gây ra những phản ứng làm suy yếu hoạt động của chính hệ thống.

Sau khi được xuất bản vào năm 1944, Cuộc Đại Biến Chuyển đã thu hút được sự quan tâm trong giới nhân học nhưng vẫn còn khá xa lạ với các chuyên ngành khác và công chúng. Điều này bắt đầu thay đổi nhờ vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do vào những năm 1980. Số lượng độc giả của Polanyi tăng vọt và địa vị của cuốn sách như một tác phẩm kinh điển về lý thuyết xã hội thế kỷ 20 đã được khẳng định.

Danh tiếng của quyển sách đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Google, các trích dẫn về "Karl Polanyi" bắt đầu tăng nhanh từ đầu những năm 1980, tốc độ này tăng nhanh hơn vào hai thập niên 2010 và 2020. Và vào ngày 20 tháng 6 năm 2024, Cuộc Đại Biến Chuyển đã có lần tái bản đầu tiên kể từ năm 2001 – và là ấn bản đầu tiên tại Anh kể từ (khi ra mắt vào) năm 1945. Điều gì giải thích cho những thay đổi về vận mệnh của tác phẩm vĩ đại của Polanyi?

Một trong những luận điểm chính của cuốn sách, rằng sự can thiệp của nhà nước làm mất ổn định nền kinh tế thị trường, đã bị thực tế bác bỏ trong thời kỳ bùng nổ kinh tế 1950–1973. Trong giai đoạn đó, các biến thể của chủ nghĩa tư bản có mức độ điều tiết cao đã chứng kiến một cuộc hàng hóa hóa xã hội chưa từng có. Các tập đoàn tư bản và nhà nước đã giành được quyền kiểm soát ngày càng lớn đối với xã hội loài người và môi trường tự nhiên.

Chân dung Karl Polanyi (1886-1964). Album/Alamy Stock Photo

Các điều kiện trong thời kỳ tiếp theo, tương phản, đã cho phép các lập luận của Polanyi tìm lại được sức ảnh hưởng. Toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa tân tự do có nhiều điểm tương đồng với các chỉ dẫn chính sách của chủ nghĩa tự do thị trường hồi thế kỷ 19 vốn đã bị phê phán trong Cuộc Đại Biến Chuyển.

Lời buộc tội của Polanyi đối với chủ nghĩa tự do thị trường là nó đối xử với đất đai và lao động như “hàng hóa giả tưởng”. Ông nói rằng không có gì có thể trái ngược hơn với “tổ chức truyền thống của xã hội loài người” hơn là một hệ thống xử lý đất đai và lao động như thể chúng là “mấy trái dưa leo”.

Khi gộp những yếu tố thiết yếu của đời sống con người (đất đai và lao động) thành một phần của mình, hệ thống thị trường buộc xã hội phải tuân theo những quy luật riêng của . Nó thu hẹp động lực kinh tế xuống thành nỗi sợ đói (đối với người lao động) và lòng tham lợi nhuận (đối với doanh nhân), biến đổi toàn bộ đời sống xã hội thành địa hạt bị sự cạnh tranh chi phối, nơi mà tất cả đều vướng vào mạng lưới của sự ép buộc cưỡng chế.

Trong kỷ nguyên tân tự do (từ Augusto Pinochet và Margaret Thatcher cho đến Junichiro Koizumi và Barack Obama), lời phê phán của Polanyi về kinh tế thị trường tự do đã trở thành tiêu chuẩn cho các nhà hoạt động và những người theo cánh tả thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau: xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội, vô chính phủ và tôn giáo.

Tuy nhiên, sau đó, làn sóng toàn cầu hóa tân tự do đã chậm lại. Chủ nghĩa bảo hộ, chính sách công nghiệp và “chính phủ lớn” (chính phủ có vai trò lớn, can thiệp sâu vào kinh tế xã hội, trái ngược với triết lý của chủ nghĩa tân tự do – ND) đều tái xuất sau cuộc suy thoái lớn năm 2008 và một lần nữa trong đại dịch. Người ta đã tranh luận về việc liệu chủ nghĩa tân tự do có còn là thuật ngữ thích hợp cho các chế độ chính sách đang chiếm ưu thế trên toàn cầu và trong các quốc gia hay không.

Bất kể bạn thuộc phe nào trong cuộc tranh luận trên, rõ ràng là sự quan tâm đến chủ nghĩa tân tự do không còn là nguyên nhân chính khiến cuốn sách của Polanyi trở nên phổ biến. Để có một góc nhìn khác, tôi đề xuất chúng ta hãy so sánh thời đại hiện tại với thời mà Polanyi lớn lên.

Một thế giới hỗn loạn

Polanyi sinh vào cuối thế kỷ 19. Trật tự thế giới lúc bấy giờ đang chuyển từ bá quyền của nước Anh sang cạnh tranh đa cực và chiến tranh. Chủ nghĩa tự do đang có tiến triển, nhưng lại kích động phản ứng dữ dội của phe bảo thủ và dân túy. Và những lo lắng xã hội được thể hiện qua sự bài ngoại đối với những người nhập cư và “những kẻ theo chủ nghĩa thế giới vô căn”[i]. Việc xuất bản Biên bản của các bô lão Do Thái vào năm 1903 (một văn bản bịa đặt tuyên bố tiết lộ âm mưu thống trị toàn cầu của người Do Thái) đã phát động một làn sóng bài Do Thái theo thuyết âm mưu.

Là một người Do Thái, Polanyi trực tiếp chịu ảnh hưởng từ những diễn biến này. Ông bị đuổi khỏi Đại học Budapest vì đã đáp trả khi những kẻ bài Do Thái hành hung mình. Ông bị thương và mắc sốt phát ban trong Thế chiến thứ nhất, trước khi bị lưu đày đến Vienna từ Hungary, khi đó đang nằm dưới chế độ phát xít nguyên thủy của Miklós Horthy.

Vào đầu những năm 1930, sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Áo đã buộc Polanyi phải lưu vong một lần nữa, lần này là nước Anh, ông sống qua thời kỳ Đại suy thoái (1929–1939) tại đó. Ông mất đi bạn bè lẫn gia đình trong Thế chiến thứ hai, gồm cả thân nhân bị sát hại trong cuộc diệt chủng Holocaust.

Tại Hoa Kỳ – đất nước tiếp theo ông gắn bó – luật mới đã ngăn cản Polanyi sống cùng vợ mình. Bà buộc phải sống bên kia biên giới ở Canada. Tại sao, Polanyi tự hỏi, sự mở rộng toàn cầu của xã hội thị trường không mang lại hòa bình và thịnh vượng như lý thuyết tự do dự đoán, mà lại chiến tranh, sụp đổ kinh tế, chủ nghĩa phát xít và nhiều cuộc chiến hơn nữa?

Các quan điểm chính thống tìm cách đổ lỗi về những thảm họa đầu thế kỷ 20 lên di sản của các giá trị và thể chế tiền tư bản. Nhưng Polanyi tập trung sự chú ý của mình vào các diễn biến hiện đại, đặc biệt là hệ thống thị trường và bản vị vàng. Liệu các cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phát xít và cuộc Đại suy thoái có phải là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng của nền văn minh tự do không? Đây là câu hỏi mà ông đặt ra để khám phá trong cuốn sách của mình.

Cuộc Đại Biến Chuyển đưa ra lập luận rằng chương trình nghị sự tự do về việc mở rộng thị trường tự điều tiết ra quy mô toàn cầu (dự án ngày nay được gọi là toàn cầu hóa tân tự do) đã gieo mầm cho sự sụp đổ của chính nó. Các sự kiện mà thế hệ của Polanyi đang trải qua – chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phát xít và suy thoái kinh tế – đã hình thành nên một “thảm họa” tương hỗ, nguồn gốc của nó có thể truy nguyên đến “nỗ lực không tưởng của chủ nghĩa tự do kinh tế nhằm thiết lập một hệ thống thị trường tự điều tiết”.

Liệu nhận thức này về thảm họa toàn cầu do thị trường thúc đẩy này có thể giải thích được sự nổi tiếng trở lại của Polanyi ngày nay không? Tất nhiên có. Các bệnh lý xã hội mà chúng ta chứng kiến ​​– bất bình đẳng xã hội, bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc độc hại và những ảo tưởng về (thuyết) âm mưu – đều gợi nhớ đến các quá trình mà ông đã phân tích trong Cuộc Đại Biến Chuyển.

Một người lính Ukraine tại trạm kiểm soát ở thành phố Irpin gần Kyiv vào tháng 3 năm 2022. Kutsenko Volodymyr/Shutterstock

BrazilẤn ĐộIsrael và Ý đều các chính trị gia cực hữu gia nhập chính phủ trong những năm gần đây. Hoa Kỳ và Anh đã phát động các cuộc tấn công vào các quốc gia trên khắp Trung Đông. Nga xâm lược Ukraine. Israel đã tiến hành cuộc diệt chủng chống lại người dân Palestine. Và trên hết, nguy cơ từ biến đổi khí hậu hiện đang là mối đe dọa lớn nhất trên bầu trời tương lai.

Theo lời của chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde: “Chúng ta có thể đang bước vào kỷ nguyên của những thay đổi trong các mối quan hệ kinh tế và sự đứt gãy trong các quy luật đã được thiết lập.” Giống như thời của Polanyi, viễn cảnh về sự thay đổi mạnh mẽ trong trật tự toàn cầu không còn là điều xa vời nữa.

Tác giả

Gareth Dale

Giảng viên Kinh tế Chính trị, Đại học Brunel London

Tuyên bố công khai

Gareth Dale không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The Great Transformation by Karl Polanyi is a classic critique of capitalism – but it wasn’t an overnight success, The Conversation, Jun 26, 2024.

_________

Chú thích:

[i] Tiếng Anh là “rootless cosmopolitans”, một cụm từ mang sắc thái chính trị tiêu cực, nổi lên từ chiến dịch chống chủ nghĩa thế giới của Stalin, ám chỉ những trí thức (thường là người Do Thái) bị cáo buộc chịu ảnh hưởng của tư sản phương Tây và thiếu lòng trung thành với Liên Xô.