CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN
ĐỨC
Nguyễn Xuân Xanh
Trình bày tại Buổi giới thiệu sách “Nước Đức — cổ
tích mùa đông”

Cuộc đời của hầu hết mọi người là một chuyến đi làm ăn
liên tục từ chợ cá đến chợ mắm. Ngược lại, cuộc đời của nhà thơ là một cuộc
hành trình tự do, bất tận tới vương quốc thiên đàng.
—Joseph von Eichendorff
Lời nói đầu
Sáng nay thứ Bảy, ngày 15/3/2025
có một buổi giới thiệu quyển sách mới nhà hóa học TS Phan Kim Hổ gồm 108 bài
thơ dịch từ những bài thơ chọn lọc của các tác giả Đức, từ Goethe,
Schiller, Heine, Hölderlin đến Hermann Hesse, và Bertolt Brecht, Eric Fried, được
trình bày ở dạng song ngữ và in ấn trên giấy rất thẩm mỹ và xinh đẹp. Buổi giới
thiệu diễn ra rất hào hứng. Có chị Thái Mai Lan, Giám đốc Viện Goethe Thành phố
Hồ Chí Minh tham dự và ở cho đến cuối. Cũng có ông Phan Chánh Dưỡng tham dự. Phần
trình bày của dịch giả, của hai khách mời, trong đó có nhà nghiên cứu Bùi Văn
Nam Sơn, cũng như MC Phương Thảo duyên dáng và smart đã tạo nên không khí rất
sôi nổi.
![]() |
Ảnh sự kiện giới thiệu sách và giao lưu trước cà phê Nam Thi, số 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa |
![]() |
Ảnh quang cảnh buổi giới thiệu sách ngày 15/3/2025 (Ảnh của Hà Thảo, PhanBook cung cấp) |
Ba tấm ảnh cuối là của hai bạn Hiền/Cường.
Có ảnh của chị Mai Lan, Giám đốc Viện Goethe TP Hồ Chí Minh, MC Phương Thảo, và
chị Phan Thị Lệ chủ Phanbook tặng hoa cho tác giả Phan Kim Hổ.
Dưới đây là bài chuẩn bị của tôi
như một sự góp ý.
Nguyễn Xuân Xanh
Các
anh chị và các bạn quý mến,
Tôi rất vui hôm nay có đôi lời tại
buổi giới thiệu dịch phẩm Thơ Đức của dịch giả Phan Kim Hổ. Anh là tiến sĩ hóa
học ở Đại học Aachen. Tôi có hứa sẽ viết lời giới thiệu cho tập thơ dịch của
anh, nhưng rồi công việc đã cuốn trôi ý định của tôi. Tôi rất cảm ơn và ngưỡng
mộ công trình dịch thuật của người bạn của tôi với sự chọn lọc đầy cân nhắc và
nghiên cứu. Anh là người có năng lực làm thơ và đam mê. Ở Việt Nam nhiều người
cũng yêu thơ Đức lắm. Các tác giả như Heinrich Heine, hay Bertolt Brecht cũng
đã được dịch nhiều. Nhưng tập thơ có chọn lọc thận trọng và nghiên cứu với 108
bài của dịch giả Phan Kim Hổ tôi tin mang nhiều tính cách đại diện – lần đầu
tiên. Tập thơ có vai trò của một sự dẫn nhập vào nền thi ca Đức.
Dân tộc Đức được mệnh danh là dân tộc của nhà thơ và nhà tư tưởng. Ai sống
ở Đức đều nằm lòng câu nói đó. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã thể hiện tính
chất nhà tư tưởng qua việc chuyển ngữ vô cùng công phu những tác phẩm triết học
đồ sộ của Immanuel Kant và Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Và bây giờ, hy vọng Tập
thơ dịch của anh Phan Kim Hổ sẽ là chất xúc tác cho một cuộc nghiên cứu thi ca
và văn chương Đức sâu rộng hơn.
Tôi không phải nhà thơ, cũng
không phải nhà nghiên cứu văn chương Đức, nên sợ không đủ kiến thức và thẩm quyền
để bàn luận sâu về thơ Đức. Tuy nhiên, qua trải nghiệm cá nhân với một số nhà
thơ Đức những năm 80 lúc sống ở Berlin, tôi muốn xin phép nói về một dòng thơ
chi phối nhiều nhà thơ Đức, vâng có lẽ là dòng thơ chính mà ảnh hưởng của nó rất
lớn lên thi ca Đức thường chúng ta không hình dung được. Đó là dòng thơ gọi là
của Chủ nghĩa lãng mạn (Romantik, Romanticism) diễn ra từ cuối
thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Nó cũng đã được khơi mào bởi một phong trào
thơ khác trước đó: phong trào Sturm und Drang, tạm dịch Giông
bão và Thôi thúc. Chúng ta nhớ, khi thế kỷ Khai sáng ở châu Âu sắp chấm dứt
– tiểu luận nổi tiếng Khai sáng là gì? (Was ist
Aufklärung?) của Kant được đăng cuối năm 1784 – thì Chủ nghĩa Lãng mạn
cũng vừa bắt đầu.
Tôi xin nói về một số đặc tính của
Chủ nghĩa lãng mạn. Nhà nghiên cứu Đức đương thời Rüdiger Safranski lấy những lời
lẽ sau đây để làm đặc trưng cho tinh thần của Lãng mạn vẫn còn đúng:
Bằng cách mang
lại cho cái thông tục một ý nghĩa cao quý, cái bình thường một vẻ ngoài bí ẩn,
cái đã biết một phẩm giá của cái chưa biết, cái hữu hạn một vẻ ngoài vô hạn,
tôi đã lãng mạn hóa nó.
―Novalis
Novalis là ai? Tên thật là Friedrich von Hardenberg, một nhà quý tộc trẻ, một kỹ sư khai khoáng vùng Saxon. Ông nói, “Thế giới cần phải được lãng mạn hóa. Đây là cách mà bạn khám phá lại ý nghĩa ban đầu (của nó).” Ông xuất hiện đầu tiên trên văn đàn qua tạp chí Athenæum đầu thế kỷ XIX, cơ quan phát ngôn của hai anh em Friedrich và August Wilhelm Schlegel thành lập năm 1798 với tập Các bài Thánh ca về đêm (Hymnen an die Nacht). Anh em nhà Schlegel cũng là những khuôn mặt trung tâm của chủ nghĩa lãng mạn.
![]() |
Tượng Novalis (1772-1801) |
![]() |
Quyển sách Các bài thánh ca về đêm |
“Tôi quay lưng
lại ánh sáng để hướng tới đêm tối thiêng liêng, không thể diễn tả và bí ẩn. Ở
nơi xa xôi kia là thế giới − chìm vào một hầm sâu, nơi hoang vắng và cô đơn. Một
nỗi buồn nhẹ nhàng vang lên trong tim tôi. Tôi sẽ rơi xuống như giọt sương và
hòa vào tro tàn. Những ký ức xa xôi, những ước mơ thời trẻ, những giấc mơ thời
thơ ấu, những niềm vui ngắn ngủi và hy vọng phù phiếm về một cuộc sống dài lâu
– tất cả đều hiện về trong màu xám, như sương mù buổi tối sau hoàng hôn.” (Các
bài thánh ca về đêm)
Novalis (1772-1801)
và Friedrich Hölderlin (1770–1843) có thể xem là hai trụ cột của phong trào
lãng mạn Đức. Những lời của họ là mạnh mẽ, powerful, truyền cảm hứng. Khi tả vẻ
quyến rũ của nàng Susette Gontard, được Hölderlin gọi là nàng Diotima của
mình, ông nói:
Ôi! trong sự ngắm nhìn sung sướng cô ấy, tôi có thể quên mình và mọi thứ
xung quanh cả một ngàn năm… mọi thứ trong cô và ở cô đều hợp nhất thành một
tổng thể thiêng liêng.
Khi mới gặp Susette
ông đã cảm nhận ngay, chúng ta đã quen nhau từ vạn kiếp. Khi
tả về thân phận con người trong thời đại mới, ông viết:
Nhưng định mệnh của
chúng ta đã an bài
Không
được sống yên ở bất cứ nơi đâu,
Những người đau khổ
Khi biến mất, khi rơi xuống
Mò mẫm từ giờ này sang giờ khác,
Như nước từ một vách đá này
Bị ném xuống một vách đá khác,
Cả năm
trôi dạt về miền vô định
(Hyperion)
Hölderlin gây nguồn
cảm hứng cho vô số nhà thơ, nhà triết học, từ Paul Celan đến Rainer Maria Rilke
đến Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger, kể cả Bùi Giáng của Việt Nam. Thơ
văn của ông có một sức quyến rũ lạ thường. Phong cách trữ tình và cách tiếp cận
sáng tạo với thần thoại Hy Lạp tạo nên chiều sâu đặc biệt. Mãi đến năm 1976,
trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Spiegel được xuất bản sau khi ông mất,
Heidegger đã nói về “mối liên hệ tất yếu giữa suy nghĩ của ông với thơ của
Hölderlin”.
Nhà viết kịch nổi tiếng của Đức Peter Weiss (1916 – 1982) đã tái hiện cuộc đời và thời đại của Hölderlin. Vở kịch được trình bày tại Stuttgart đầu tiên (1971), thủ phủ của bang Baden-Württemberg nơi Hölderlin sinh ra.[1] Vở kịch sau đó được tiếp tục trình diễn nhiều lần ở Đức và Thụy Sĩ. Weiss giải thích rằng ông có động lực “mô tả đôi nét về xung đột nảy sinh ở một người phải chịu đựng đến mức phát điên vì sự bất công, sự sỉ nhục trong xã hội, người hoàn toàn ủng hộ các cuộc nổi loạn cách mạng, nhưng lại không tìm ra cách thực hành để khắc phục nỗi đau khổ”. Chúng ta nhớ, khi cách mạng Pháp nổ ra, Hegel, Schelling và Hölderlin đã “giương nêu” chào đón và ăn mừng. Và Hölderlin đã phải sống cô đơn trong Tübinger Stift những thập niên cuối cho đến khi mất. Người ta thấy, quyển Hyperion vẫn nằm mở ra trên bàn viết mỗi ngày, và ông vẫn đọc nó.
![]() |
Friedrich Hölderlin (1770–1843) và Tübinger Stift. Tầng một của tòa tháp màu vàng (nay được gọi là Tháp Hölderlin) là nơi cư trú của Hölderlin từ năm 1807 cho đến khi ông qua đời vào năm 1843. |
Một nhà lãng mạn tên tuổi khác là
Joseph Freiherr von Eichendorff không thể không kể tới, một nam tước thuộc dòng
quý tộc. Eichendorff đại diện cho đỉnh cao của thơ ca Lãng mạn. Ông đã tóm tắt
chủ nghĩa Lãng mạn như sau khi nói rằng nó “bay vút lên như một tên lửa tráng lệ
lấp lánh trên bầu trời, và sau một thời gian thắp sáng màn đêm ngắn ngủi và tuyệt
vời, nó bùng nổ trên cao thành ngàn ngôi sao đầy màu sắc.” Theodor W. Adorno nhận
định: “Ông (Eichendorff) không phải là nhà thơ của quê hương, mà là nhà thơ của nỗi
nhớ nhà.” Vâng, nỗi nhớ nhà, sự luyến tiếc, là motif quan
trọng của ông. Novalis cũng từng cho rằng, Triết học cũng là nỗi nhớ
nhà.
![]() |
Joseph Freiherr von Eichendorff (1788-1857) |
Cùng với Eichendorff, Heinrich
Heine thường được coi là nhà thơ Lãng mạn xuất sắc. Tuy nhiên, ngay từ đầu sự
nghiệp, tác phẩm của ông đã dao động giữa sự ngưỡng mộ và hoài nghi đối với
phong trào này, và khoảng cách phê bình của ông trở nên rõ rệt hơn về sau.
Goethe thì khác. Ông cũng có dự
phần vào phong trào lãng mạn, nhưng lúc ban đầu. Chẳng hạn tác phẩm Nỗi
đau của chàng Werther là một chứng cứ. Goethe và Schiller thuộc về một
trường phái khác: Cổ điển. Riêng Schiller được mệnh danh là người theo, nếu
không phải là khai sinh ra chủ nghĩa duy tâm (Idealismus). Chủ
nghĩa này ảnh hưởng rất lớn lên Schelling và Hegel và nhiều nhà tư tưởng khác.
Chủ nghĩa lãng mạn, cơ bản kêu gọi
con người trở về tự nhiên nguyên thủy, không chịu khuất phục trước một khuôn mẫu
nào, do khoa học hay cả khai sáng ấn định. Có thể nói, nó chống lại cả
Khai sáng. Không gian của nó là sự sáng tạo không biên giới: Không gian nội tâm
sâu thẳm. Những người lãng mạn nghĩ rằng phải bảo vệ thế giới thi vị từ thời cổ
đại và trung cổ mà họ cho rằng đã dần dần biến mất đi. Họ thương xót, luyến tiếc,
nên phải tạo ra một “Bầu trời được thêu dệt bằng thi ca” (ein
gedichteter Himmel) để thay thế (Stefan Matuschek).
Chủ nghĩa lãng mạn là nghệ thuật
xây dựng những lâu đài siêu hình trên không trung. Nó biết rằng thiên đường của
nó, bất kể được xây dựng ở đâu, chỉ là một thiên đường tưởng tượng, nhưng nó vẫn
tìm thấy nơi ẩn náu yên bình khỏi tình trạng “vô gia cư siêu hình của con người
hiện đại” (Matuschek).
Chủ nghĩa lãng mạn thực tế là một cuộc cách mạng diễn ra vào những năm tháng cuối cùng của phong trào Khai sáng. Vài thập niên trước, nó bắt đầu bằng phong trào gọi là “Giông bão và thôi thúc” (Sturm und Drang[2]), phong trào văn học ở Đức từ khoảng năm 1767-1785, nổi loạn chống lại thái độ duy lý của Khai sáng và được đặc trưng bởi sự phấn khích về mặt cảm xúc, tình cảm với thiên nhiên và tình cảm tự do.
Cùng với thời kỳ Khai sáng, với sự
trưởng thành về mặt trí tuệ đối với các học thuyết tôn giáo truyền thống, thì sự
“hoài cổ” – nostalgie – cũng xuất hiện: nỗi buồn về sự mất đi sự toàn vẹn
(Ganzheitlichkeit) trong tư tưởng và cuộc sống. Lúc đó Chủ nghĩa lãng mạn xuất
hiện như một giải pháp mà không cần phải quay lại: nó tạo ra một thiên đường mới
không cần lớp bảo vệ siêu hình.
Chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh sự tự
do của ý chí con người và tầm quan trọng của việc thể hiện cá nhân và
sự tự nhận thức mình. Chủ nghĩa lãng mạn hàm ý một sự sáng tạo cái mới, cái
khác đi, như dấu ấn đặc trưng của cá nhân. Chúng ta liên tưởng đến quảng cáo của
Apple có tiêu đề Nghĩ khác – Think different. Và Steve Jobs cho rằng,
người ta có thể không đồng ý, thậm chí “phỉ báng họ, nhưng có một việc bạn
không thể làm là làm ngơ họ, bởi vì họ thay đổi sự vật, họ thúc đẩy loài người
tiến lên”.
Hegel là người đã nắm bắt được bản
chất của cuộc cách mạng này trong định nghĩa ngắn gọn của ông về chủ nghĩa lãng
mạn là “sự hướng nội tuyệt đối” [absolute Innerlichkeit]. Nội tâm là sức mạnh
và đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn Đức, kể cả chủ nghĩa duy tâm, hay của phong
trào khai sáng, của tất cả những nhà thơ và tư tưởng, họ biến cuộc cách mạng bạo
động Pháp thành cuộc cách mạng màu mỡ ở thế giới nội tâm.
Nhà triết học và sử học ý tưởng
Isaiah Berlin (1909-1997) trong quyển sách “Nguồn gốc của Chủ nghĩa lãng mạn”
(The Roots of Romanticism) năm 1965 cho rằng “Thế giới không bao giờ còn như cũ
kể từ đó, và chính trị, đạo đức của chúng ta đã bị nó biến đổi sâu sắc. Chắc chắn
đây là sự thay đổi triệt để nhất, và thực tế là kịch tính nhất, nếu không muốn
nói là đáng sợ nhất, trong quan điểm của con người trong thời hiện đại”.
Chủ nghĩa lãng mạn cũng không chỉ
là vấn đề của riêng nước Đức, mà phát triển trên nhiều quốc gia châu Âu: Pháp,
Anh, Ý… . Chủ nghĩa lãng mạn khi áp dụng vào kinh tế hay chính trị có thể gây
ra những hậu quả to lớn khôn lường. Đơn giản vì nó có thể để ngoài lý tính.
Một đặc điểm là bối cảnh xã hội của
Đức thời chủ nghĩa lãng mạn. Phổ và những nước Đức (Bang) khác là những phần đất
sống dưới chế độ quân chủ phong kiến và nghèo khó, lạc hậu so với Anh, quốc gia
đã tiến hành công nghiệp hóa nửa sau của thế kỷ XVIII. Những người tài
trong khoa học đều phải đi ra nước ngoài như Paris hay London. Năm 1806 quân đội
hùng mạnh của Phổ bị quân đội của Napoleon đánh bại trong môt đêm tại Jena. Sau
đó vua quan mới thức tỉnh tiến hành cải cách theo tinh thần của Adam Smith, và thực hiện công nghiệp
hóa theo mô hình Anh. Cho tới những năm 1840 Phổ vẫn còn rất nghèo khó. Nhưng tại
sao thời kỳ nghèo khó đó lại nẩy sinh ra một trào lưu thơ lãng mạn rất phong
phú, và nói chung các nước Đức đã có một nền văn hóa thăng hoa?
TRẢI
NGHIỆM CÁ NHÂN
Anh chị và các bạn thân
mến,
Tôi xin có đôi lời về trải nghiệm
của tôi với thơ Đức trong những năm sống ở Berlin (1980-86) để minh họa thêm
tác động của thi ca Đức lên tôi. Thời gian đó có thể nói là để lại nhiều ấn tượng
không phai mờ trong cuộc “lập thân” (Werden) để có thể trở thành một cái gì hữu
ích. Sau khi nhà văn Peter Weiss thình lình qua đời ở tuổi 65, tôi thấy mình vô
cùng hụt hẫng, cảm thấy bị đặt trước một quãng trống mênh mông và một sức ép to
lớn.
![]() |
Peter Weiss (1916 – 1982), người truyền lửa và “truyền tâm ấn” cho tôi |
Ông là nhà văn, một
nghệ sĩ nổi tiếng của Đức thời hậu chiến. Ông ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt
Nam. Lần theo tiểu sử và tác phẩm của ông, đọc sách trở thành môi trường sống
mới của tôi. Tôi đọc ngấu nghiến nhiều thứ, bắt đầu với các tác phẩm của ông. Hoạt
động của ông rất đa dạng mang phong thái của một nghệ sĩ, nhà văn tập sự, nghệ
sĩ vẻ tranh, nhà làm phim, cuối cùng chính thức thành đạt với nghề văn.
Cái chết của Peter Weiss có lẽ có tác dụng mở bung cánh cửa lâu nay khép kín để
tôi bước vào một thế giới mới. Tôi cảm thấy mình như sống lại, khác hẳn xưa.
Những ngày ấy tôi gặp Hölderlin qua mấy câu thơ như nói dùm tôi tâm trạng đó:
Lange tot
und tiefverschlossen,
Grüßt mein
Herz die schöne Welt;
Seine Zweige
blühn und sprossen,
Neu von
Lebenskraft geschwellt;
O! Ich kehre
noch ins Leben,
Wie heraus
in Luft und Licht
Meiner
Blumen selig Streben
Aus der
dürren Hülse bricht. (3)
(Trong Diotima)
[Bản dịch của Phan
Kim Hổ, 2020:
Khép kín từ lâu, tợ như thiên cổ/Tim tôi bừng tỉnh đón thế
gian;/Trên cành, hoa lá bung chồi nở rộ,/Ngồn ngộn sức sống mới tuôn
tràn;
Ô! Cuộc đời ơi ta còn trở lại,/Tận hưởng ánh dương, khí mát
lành/Như hoa kia đang vươn mình thư thái/Thoát ra ngoài vỏ cứng bao
quanh.][3]
Rồi khi bất chợt
làm được vài bài thơ tôi rất tâm đắc, bỗng dưng tôi nghiệm ra điều Hölderlin
nói: Ở sâu thẳm nội tâm, con người là thi sĩ. Không còn nghi ngờ gì
nữa! Và...Con người sống một cách thi vị trên trái đất này. Phải
sống như thế.
Thi ca đã trở thành
tấm vải văn hóa “che thân” cho tôi, sau khi tấm vải quê hương không còn đủ sức
đem lại hơi ấm. Xa rồi quê hương, xa rồi gốc rễ. Tôi phải tìm một “bầu trời
mới”.
Khi đọc về Newton
hay Einstein, tôi bắt gặp các câu thơ rất ngạc nhiên như sau của Hölderlin:
Chúng ta không là
gì cả
Nhưng những gì
chúng ta đi tìm là tất cả.
Quả tuyệt vời. Đó
là bản chất con người. Mang thân phận phù du, nhưng đầu óc tư duy của con người
thì thật là vĩ đại. Einstein nói, cái không hiểu nổi vĩnh hằng là tính
hiểu được của thế giới đối với thân phận phù du ấy.
Cuộc sống trong xã
hội tiêu thụ dễ làm cho con người vong thân. Sự tồn tại của xã hội quyết định
tinh thần của con người (Marx). Đúng một phần. Thực tế tôi cảm nhận con người
đã xa lìa quê hương đích thực của nó. Một ngày nọ tôi đọc ý tưởng đó xuất hiện trong
một bài thơ của Eichendorff:
Wir alle sind
verirret,
Seitdem so weit
hinaus
Unkraut die Welt
verwirret,
Findt keiner mehr
nach Haus.
(Eldorado)
[Chúng ta đều lạc
lối cả,
Kể từ lúc đi xa
Cỏ dại làm rối mù
thế giới,
Không ai tìm được
đường về nhà.]
Ông than muốn về
nhà, nhưng không còn biết đi về đâu. Cuộc đời thông tục, chỉ quanh quẩn qua lại
giữa “chợ cá và chợ mắm” thì theo ông còn gì là thú vị nữa?
Thật sự trong những
năm đó, tôi lần lượt có những người đi trước hỗ trợ tinh thần thuộc chủ nghĩa
lãng mạn vừa nói! Nhà thơ Heinrich Heine cũng cho rằng, với công nghiệp hóa,
thời của thi ca Đức vĩnh viễn qua đi. Chúng ta không còn ánh trăng thơ mộng, mà
chỉ còn ánh đèn khí hay điện, không còn di chuyển bằng xe ngựa mà bằng xe lửa
ồn ào.
Khi viết về họa sĩ
Vincent van Gogh, tôi lại gặp Eichendorff qua những câu thơ sau đây:
Vì tất cả, trước
những niềm vui
Trái tim chung thủy
tôi phải nóng đỏ,
Vì tất cả, tôi phải
khổ đau,
Vì tất cả, tôi phải
nở hoa,
Và khi hoa đã kết
trái,
Thì họ đã chôn tôi
từ lâu rồi.
—Joseph
von Eichendorff
“Và khi hoa đã
kết trái/Thì họ đã chôn tôi từ lâu rồi”: Eichendorff (1788-1857) như đã
hiểu nổi đau của Van Gogh (1853-1890) một trăm năm sau.
Các nhà thơ lãng
mạn “nhớ nhà”, Heimweh. Novalis từng nói: Triết học không phải là mái nhà, mà
là nỗi nhớ nhà. Tác phẩm của những nhà thơ lãng mạn cũng là hình
ảnh của nỗi nhớ nhà. Thế giới thông tục không còn là quê hương của họ nữa.
Không phải lãng mạn
theo nghĩa của tình yêu giới tính, mà còn là của tình yêu phẩm giá, tính nhân
văn, tính thiêng liêng của con người. Con người không thể được đồng hóa với
động vật kinh tế và tiêu thụ. Mà còn nó có thi ca, triết học, khoa học, nghệ
thuật, âm nhạc và những tình cảm thiêng liêng.
Điều quan trọng đối
với những người lãng mạn là họ muốn thoát ra khỏi hiện trạng xã hội xung quanh
họ và tạo cho mình một không gian mới, bằng thi ca, hay nghệ thuật, để chứng
minh sự tồn tại của họ. Họ muốn có sự độc lập và ý chí tự
do. Xã hội trước mặt có thể không phù hợp với họ, làm cho họ cảm thấy mai
một, hay hòa tan “bằng bạo lực mềm”, đi ngược lại bản chất thiên phú bên trong
của họ. Nhà văn Kafka là một trong nhiều trường hợp như thế. Kafka cảm thấy
mình không thể dung hợp được với xã hội trước mặt. Ông cảm thấy bất lực trước
cuộc sống quy ước. Lớn lên ông không học được điều gì hữu ích, và để cho cơ thể
mình suy yếu đi. Nhưng đó có thể là một ý định vô hình nào đó. “Tôi muốn
không bị phân tâm, không bị phân tâm bởi niềm vui sống của một người đàn ông
khỏe mạnh và hữu ích” như ông viết trong nhật ký. Trong những điều kiện đó,
không gian sống của ông đã được chuyển đến “vùng đất ranh giới giữa sự cô
đơn và cộng đồng (Einsamkeit und Gemeinschaft)” và chính ở đó sức sáng
tạo của ông đã phát triển bùng nổ. Và chính ở đó ông phải sáng tạo mới mỗi giờ
để hiện thực hóa sự tồn tại thi vị của mình. Ông cảm thấy có một “thế giới
khủng khiếp” (eine ungeheuere Welt) trong đầu ông. Ông muốn “giải phóng ông và
thế giới kia mà không phải xé nát chúng. Nhưng ngàn lần thà xé nát hơn là giữ
nó lại hoặc chôn vùi nó trong tôi.”
![]() |
Franz Kafka (1883-1924) |
Anh chị hãy đọc thơ Đức qua tập
sưu tầm của anh Phan Kim Hổ. Và tìm hiểu thêm nền thi ca vĩ đại của quốc gia
này. Nó sẽ mở rộng không gian đã được thêu dệt bằng thi ca. Nước Đức, hay nhiều
dân tộc Đức thống nhất chính thức sau chiến tranh Phổ-Pháp năm 1870 -71, nhưng
họ đã thống nhất 100 năm trước bằng nền thi ca vĩ đại, với Weimar từng được ví
là Athens, như học giả Wolf Lepenies nhận xét.
Còn nhiều điều cần phải viết về
câu chuyện chủ nghĩa lãng mạn. Việt Nam chắc cũng có thời kỳ lãng mạn, nhưng giống
và khác nhau với chủ nghĩa lãng mạn Đức ở những điểm nào?…. Nhưng tôi phải tạm
dừng nơi đây. Xin hẹn lại dịp sau.
Nguyễn Xuân Xanh, đầu
tháng 3, 2025
Nguồn bài viết: Chủ nghĩa lãng
mạn Đức, rosetta.vn, 15 Tháng Ba, 2025.
Chú thích:
[1] Bang này
dường như có đông nhân tài nhất của Đức: Hölderlin, Hegel, Schelling, Schiller,
Mörike, Husserl, Hermann Hesse, Kepler, Daimler, Bosch, Einstein, Jaspers…
[2] Thời kỳ
này được đặt tên theo vở kịch cùng tên của Friedrich Maximilian Klinger, được
công diễn lần đầu tiên bởi đoàn kịch nổi tiếng của Abel Seyler vào năm 1777.
[3] Bản dịch đầu tiên là của một thành viên trong nhóm Phù Sa, tờ báo văn hóa của một nhóm người Việt ở Berlin trong những năm 1980: “Chết đã lâu đóng kín đã lâu/Bỗng một mai tim tôi bừng mở/Ngập tràn trong mọi buồng to nhỏ/Là sức đời nay mới thấm sâu./ Cuộc đời ơi, nay ta trở lại/Như cánh hoa nung nấu bấy chày/Nẩy từ trong trăm lớp vỏ suông/Vươn tìm ánh sáng ngợp tầng không.” (Bản dịch của T.M.)