HÃY BIẾT MÌNH – THẬT THẤU TỎ: TẠI SAO CÁC BÀI HÁT CỦA TAYLOR SWIFT LẠI ĐẬM CHẤT TRIẾT HỌC
Tác giả: Jessica Flanigan
![]() |
[Swift biểu diễn bài hát] ‘Đừng sợ hãi’ trên sân khấu − và trong sự quán xét nội tâm. Nguồn ảnh: Ashok Kumar/TAS24/Getty Images for TAS Rights Management |
Taylor Swift không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn và nhà soạn nhạc tỷ phú. Mà cô còn là một triết gia.
Là một Swiftie [người hâm mộ cuồng nhiệt Taylor Swift - ND] và đồng thời là một triết gia, tôi thấy tuyên bố này khiến các Swiftie và những triết gia đều tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng một khi người hâm mộ cô tìm hiểu thêm một chút về triết học – và các triết gia cũng tìm hiểu thêm một chút về tác phẩm của Swift – cả hai nhóm này đều có thể ghi nhận phong cách soạn nhạc của cô theo những phương thức mới mẻ.
Hãy tự soi mình trong gương
Khi Socrates, một trong những triết gia vĩ đại nhất, nói “cuộc đời mà không tự vấn thì chẳng đáng sống”, thì ông đang muốn nói rằng mỗi người thậm chí chẳng thể biết liệu họ có đang sống một cuộc đời có ý nghĩa hay không trừ khi họ suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn và những giá trị của bản thân.
Giống như những người viết [nhạc] vĩ đại khác, phong cách soạn nhạc của Swift luôn luôn bao gồm sự quán xét nội tâm |introspection| về những lựa chọn và các giá trị, như Socrates nghĩ. Một vài bài hát của cô đề cập tới giá trị của việc hiểu bản thân, ngay cả khi điều đó thật chẳng dễ.
Giữa lúc chia tay, người kể chuyện trong bài hát “Happiness” [Niềm hạnh phúc] đã hát, “Anh yêu, khi ở trên những tán cây, em thấy mọi sự rất rõ ràng”. Tuy nhiên, cô mô tả cách duy trì cái nhìn khách quan về mối quan hệ trong khi vẫn phải tìm cách kết thúc nó là khó khăn đến cỡ nào. “Và trong tâm trạng hồ nghi, em chẳng thể đối mặt được với sự đổi thay trong mình / Em vẫn chưa quen được với con người mới của mình”, cô hát. Người bạn đời của cô mong cô “hãy tha thứ cho anh”, sau khi cô nói với anh ấy rằng “Anh vẫn chưa biết con người mới của em đâu / Và em nghĩ con người ấy sẽ cho anh biết điều đó.”
Người kể chuyện theo phong cách Swift trong bài hát “Anti-hero” [Chống người hùng] đưa ra quan điểm tương tự về những thách thức của sự nhận thức về chính mình. “Em sẽ nhìn thẳng về phía mặt trời, nhưng sẽ chẳng bao giờ nhìn vào gương”, cô hát, ám chỉ rằng ta thường dễ dàng nhận ra các sự thật |truths| về thế giới bên ngoài hơn là đối mặt với những thực kiện |facts| về bản thân, và rằng chính xu hướng tự lừa dối bản thân của cô đã hạn chế khả năng trở nên khôn ngoan hơn với thời gian.
Mỗi người đều thừa hưởng một tập hợp những niềm tin và các giả định từ cha mẹ mình, những người cùng trang lứa và có chung nền văn hóa với mình, điều này có thể cản trở khả năng của việc thực sự hiểu về những người khác và bản thân mình.
Trong bài hát “Daylight” [Ánh sáng ban ngày] của Swift, cô mô tả cách cô từng xem các mối quan hệ là “đen và trắng” hoặc “đỏ rực”. Khi từ bỏ những câu chuyện cũ kỹ, giản lược đó, cô bắt đầu nhìn nhận về các mối quan hệ của mình – và về bản thân mình – rõ hơn. Cô đã thoát khỏi điều mà cô mô tả là “đêm trường bất tận suốt hai thập kỷ” để nhìn thấy sự thật tuy đầy phức tạp nhưng cũng mang tính khai phóng hơn: ánh sáng ban ngày.
Hãy tranh luận cho tới khi ra sự thật thì thôi
Socrates chỉ ra rằng cách tốt nhất để soi xét kỹ lưỡng các lựa chọn và những giá trị của một người là thông qua [các] cuộc trò chuyện bất tận, đôi khi mang tính tranh luận, với những người khác. Đối với một người không phải là triết gia, triết học thường giống như sự biện hộ của quỷ dữ hoặc như một sự châm chọc – tranh luận chỉ vì chính nó. Nhưng đối với các triết gia, sự khó chịu là một đức hạnh giúp ta chống lại chủ nghĩa giáo điều theo thói quen |reflexive dogmatism| và tính vâng phục.
Swift cũng hay tranh luận khi soạn nhạc, cô thường đưa ra một luận cứ về luân lý với một người nghe tưởng tượng – thường là với một người bạn đời lãng mạn. Trong những lời bài hát khác, Swift phản bác những nhà phê bình không công bằng và các giám đốc thu âm.
Gần đây, lời bài hát của cô đã bắt đầu đề cập đến nhiều vấn đề công hơn, như lời hứa hẹn và sự phù phiếm của chính trị. Thoạt nhìn, bài hát “Miss Americana & The Heartbreak Prince” [Tiểu thư xứ cờ hoa và Chàng hoàng tử làm nát cõi lòng], phát hành năm 2019, là một bài hát về tuổi hoa niên, nó nói về bi kịch trong mối quan hệ của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, Swift cũng mô tả về sự thức tỉnh và vỡ mộng của riêng mình về nền chính trị khi viết, “đội của em sắp thất bại rồi, bị đánh đập và bầm dập tả tơi”. Những lời trong bài hát như, “những câu chuyện của người Mỹ đang lụi tàn trước mắt em” và “mấy người chơi các trò ngu xuẩn, thì cũng chỉ giành được những giải thưởng ngu ngốc mà thôi” càng củng cố thêm một câu truyện ngụ ngôn về sự tuyệt vọng đối với nền chính trị [xứ cờ hoa - ND].
![]() |
Swift trong chuyến lưu diễn ‘Eras’ của cô tại Melbourne, Úc. Nguồn ảnh: Graham Denholm/TAS24/Getty Images for TAS Rights Management |
Cùng lúc đó, những bài hát khác đưa ra những luận cứ cho lời hứa ủng hộ cho sự thay đổi về chính trị. Trong bài hát “Only The Young” [Chỉ có người trẻ], cô đề cập tới một ai đó thấy rằng “trò chơi đã bị gian lận”, nhắc nhở họ rằng “Họ sẽ chẳng thay đổi điều này/ Chúng ta phải tự mình làm điều đó … Chỉ có người trẻ mới có thể chạy.”
Phong cách soạn nhạc phi chính trị của Swift cũng có nhiều hàm ý đối với các cuộc tranh luận lâu đời về đạo đức. Trong đối thoại “Gorgias”, một cuộc đối thoại do triết gia Plato, học trò của Socrates, viết, triết gia [Socrates - ND] đặt câu hỏi liệu việc chịu đựng bất công có tốt hơn việc gây ra bất công hay không – một chủ đề xuất hiện trong vài bài hát của Swift.
Socrates cho rằng việc chịu đựng bất công là tốt hơn, vì việc gây ra bất công là xúc phạm đến phẩm giá và sự chính trực của chính mình. Trong bài hát năm 2022 “Karma” [Nghiệp], Swift dường như đồng ý: “Anh không biết rằng tiền mặt chẳng phải là cái giá duy nhất mà anh phải trả” cho sự vô luân “sao?”, trước khi cô cảnh báo đối phương rằng anh “sắp bị” nghiệp “quật rồi đó”.
Thật − và giả
Đối với các triết gia, mỗi khía cạnh của sự trải nghiệm con người đều là cái đích công bằng mà sự phân tích sâu hơn nhắm đến. Như triết gia Mỹ thế kỷ 20 Wilfrid Sellars đã viết, mục đích của triết học phải là “hiểu cách mọi sự vật |things| theo nghĩa rộng nhất có thể của thuật ngữ này gắn kết với nhau theo nghĩa rộng nhất có thể của chính thuật ngữ này”.
Bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn lô-gíc về tính nhất quán và tính mạch lạc vào những niềm tin của con người, sự phân tích mang tính triết học sẽ chỉ ra những mâu thuẫn nhằm khám phá ra điều gì thực sự là đúng.
Phong cách soạn nhạc của Swift đề cập đến một số nghịch lý khó hiểu nhất, như liệu có tồn tại một sự vật nào đó có một bản thể chân thật và có thật hay không chẳng hạn.
![]() |
Cuốn sách ‘Taylor Swift: Icon’ [Taylor Swift: một Biểu hiệu cảm xúc] của Katy Sprinkel trên kệ tại hiệu sách Casa del Libro ở Madrid, Tây Ban Nha. Nguồn ảnh: Borja B. Hojas/Getty Images |
Để giải quyết câu hỏi trong bài “Mirrorball” [Quả cầu gương], cô dường như tán thành cái nhìn cho rằng ý thức về bản thân của một người phần lớn là mang tính chiến lược, được xây dựng về mặt xã hội để phù hợp với tình cảnh. “Em là một quả cầu gương, em sẽ cho anh thấy mọi phiên bản về con người em tối nay”, cô hát trước khi tuyên bố, “em có thể thay đổi mọi thứ về em để hòa nhập” và “em chưa bao giờ là một người có thiên khiếu. Tất cả những gì em làm luôn là gắng, cố gắng, và nỗ lực hơn nữa”.
Tương tự như vậy, trong bài hát “Mastermind” [Trí tuệ bậc thầy], Swift mô tả việc nỗ lực giành được tình cảm của ai đó một cách có tính toán khi cô hát, “và em thề là em chỉ bí hiểm và xảo quyệt bởi vì em quan tâm”. Trong cả hai bài hát, Swift chỉ ra cách thể hiện sự yếu đuối một cách chân thật cũng có thể là một hình thức diễn thuyết có chiến lược, khiến người nghe tự hỏi liệu tính chân thật đích thực có hiện diện hay không.
Một nghịch lý khó khăn khác trong triết học liên quan đến ý tưởng về sự làm quá bổn phận |supererogation|, ám chỉ những hành động thiện hảo nhưng không bắt buộc về mặt luân lý. Ý tưởng này cũng cho phép rằng các hành động có thể là “đáng chê trách” |suberogatory|, nghĩa là chúng tồi tệ về mặt luân lý nhưng vẫn được phép làm.
Những bài hát như “Champagne Problems” [Những giọt sầu riêng] và “Would’ve Could’ve Should’ve” [Đáng lẽ đã, có thể đã và đáng lẽ đã nên xảy ra] khám phá không gian nghịch lý này, chúng mô tả những tình huống mà một ai đó đưa ra một lựa chọn đáng trách về mặt luân lý nhưng họ hoàn toàn có quyền đưa ra lựa chọn đó.
Tương tự như vậy, Swift cũng quan tâm đến những nghịch lý của tâm lý học luân lý. Những bài hát như “This Is Me Trying” [Em cũng đang cố gắng lắm thay], “Illicit Affairs” [Mối tình vụng trộm] và “False God” [Vị thần giả tạo] phản ánh khái niệm triết học sự lưỡng lự về luân lý: có nhiều hoàn cảnh con người ta dường như biết là bản thân không nên làm điều gì đó nhưng vẫn làm.
Rất nhiều văn bản triết học bàn về sự lưỡng lự về luân lý |akrasia| đặt câu hỏi liệu điều đó có thể xảy ra hay không: Nếu ai đó tin rằng tuy sự quyết định của họ là sai hoặc không tốt cho họ, nhưng tại sao họ lại làm vậy? Tuy nhiên, thông qua lời bài hát của mình, Swift phác họa những bức tranh hiện thực về tâm lý học cho thấy sự lưỡng lự về luân lý thực sự chí ít là có thể và có thể xảy ra mọi lúc – từ việc phá hoại một mối quan hệ yêu đương cho đến việc theo đuổi một mối quan hệ mà “ta thật điên rồ khi nghĩ rằng việc đó ... có thể thành công”.
Triết học sử dụng các quy ước của lô-gíc và thi ca để giúp mọi người nhìn thế giới rõ rành hơn. Một cuộc trò chuyện triết học thành công sẽ bao gồm việc đưa ra những lời kêu gọi lý tính – lô-gíc – có tính cộng hưởng về mặt cảm xúc – thi ca.
Nhưng các triết gia hàn lâm chẳng thể tuyên bố bản thân họ là những người duy nhất sử dụng lô-gíc và thi ca để thúc đẩy sự thông hiểu của chúng ta về thân phận con người, về thế giới xung quanh mình và về bản chất của công lý/chính nghĩa |justice|. Những nhà soạn nhạc như Taylor Swift cũng có thể là triết gia.
Các từ khóa: Triết học, Đạo đức học, Socrates, Hùng biện, Taylor Swift, Nhạc đại chúng, Các nhạc sĩ, Luận cứ, Những vần lời, Các triết gia, Những lời nhạc, Truy vấn
![]() |
Jessica Flanigan |
VỀ TÁC GIẢ BÀI BÁO
Giáo sư Nghiên cứu về thuật Lãnh đạo và Triết học, Chính trị học, Kinh tế học và Luật học, tại Đại học Richmond
Tuyên bố công khai
Jessica Flanigan không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài viết này và không có bất kỳ sự trực thuộc liên quan nào ngoài giới chuyên môn của mình.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Know thyself − all too well: Why Taylor Swift’s songs are philosophy, The Conversation, April 17, 2024.