19.8.14

Lịch sử hóa hành động công: Nhà nước, thị trường và thống kê

Tác giả: Alain Desrosières

Lịch sử hóa hành động công: Nhà nước, thị trường và thống kê[1]

Việc “duy lí hóa” hành động công được trình bày, ví dụ kể từ Max Weber, như một thuộc tính của các Nhà nước hiện đại thường được tóm tắt bằng vài nét luôn giữ nguyên nghĩa: tính nặc danh và chuẩn hóa của việc quản lí thế giới xã hội, sự phát triển của bộ máy quan liêu, vai trò ngày càng tăng của các nhà kĩ thuật và các kĩ sư. Như vậy, trong thời gian đầu, việc duy lí hóa được đề cập từ bên ngoài, như một đóng góp đến từ một “nơi khác”, từ khoa học, kĩ thuật, rồi từ các khoa học xã hội hay từ kinh tế học, theo một cách nhìn “tiến bộ”. Qua đó, “lịch sử”, nếu có, của việc “duy lí hóa”, trong trường hợp tốt nhất, có tính tuyến tính, nhìn từ bên trong, cộng dồn và không có bề dày riêng. Việc “lịch sử hóa” công cuộc duy lí hóa trên, theo nghĩa được thăm dò trong tác phẩm này, kéo theo việc “nội sinh hóa trở lại” việc cầu viện đến những ngôn ngữ về tính duy lí, theo cách nhìn của xã hội học đương đại về các khoa học. Điều này đòi hỏi không chỉ tái hiện lịch sử này theo nghĩa cổ điển nêu ở trên nhưng cũng là tái hiện tính đa dạng, những mâu thuẫn, tranh luận, đứt đoạn. Thật vậy, lịch sử các công cụ duy lí hóa, đôi lúc bất chấp những tham vọng của các nhà muốn duy lí hóa, là sôi động và phi tuyến không kém gì lịch sử những cách tư duy về xã hội và về các chính sách nhằm tác động đến xã hội này. Có thể nhìn ba chiều kích trên như là được xây dựng đồng thời, trong những cấu hình chặt chẽ, dù cho đan chéo nhau và điều này khiến cho việc phân tích chúng trở thành khó khăn. Giả thiết này được phát triển dưới đây nhân xem xét những quan hệ giữa các lịch sử thống kê, tư tưởng kinh tế và các chính sách kinh tế, như chúng được nghiên cứu trong những công trình gần đây.
Kể từ thế kỉ XVIII, lịch sử khoa học kinh tế được đánh dấu bằng những cuộc tranh luận về các quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Những học thuyết và chính sách, ít nhiều gắn liền với nhau, đã nối tiếp nhau xuất hiện. Những tương tác của chúng được phân tích trên quan điểm của những ý tưởng và thực hành thể chế liên kết với vài cấu hình lịch sử đuợc cách điệu hóa: thuyết trọng thương, thuyết duy kế hoạch, thuyết tự do, thuyết Nhà nước phúc lợi, thuyết Keynes, thuyết tân tự do. Mặt khác, bất luận định hướng thống trị là định hướng nào đi nữa, các Nhà nước khác nhau đã xây dựng dần dần những hệ thống quan sát thống kê. Nhưng sự tăng trưởng của các hệ thống thống kê này thường được trình bày như một kiểu tiến bộ tất yếu mà ý nghĩa gần như bất biến, ít được nối kết với diễn tiến của các học thuyết và các cách thực hành (vô cùng đa dạng) của Nhà nước trong việc  lãnh đạo và định hướng nền kinh tế. Những tác phẩm về lịch sử tư tưởng kinh tế, hay ngay cả chính xác hơn, lịch sử những tương tác giữa Nhà nước và tăng trưởng kinh tế ít nhấn mạnh đến các đặc điểm của những phương thức mô tả thống kê đặc thù cho những cấu hình lịch sử khác nhau của những quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Tóm lại, hai lịch sử này, lịch sử các chính sách kinh tế và lịch sử thống kê hiếm khi được trình bày và nhất là hiếm khi được đặt thành vấn đề nghiên cứu chung.
Nguyên nhân của sự gần như vắng bóng của lịch sử thống kê trong các công trình về lịch sử kinh tế là đơn giản. Trong các công trình này, thống kê được cảm nhận như một công cụ, một phương pháp luận bị lệ thuộc, một công cụ kĩ thuật cung cấp một hợp thức hóa thực nghiệm cho những nghiên cứu kinh tế và việc sử dụng chúng về mặt chính trị. Trong quan niệm tuyến tính trên về sự tiến bộ của khoa học và những ứng dụng của khoa học, thống kê (như là việc sản xuất những dữ liệu và với tư cách là công cụ toán học để phân tích các dữ liệu này) chỉ có thể biến hóa một cách độc lập với các học thuyết và thực hành kinh tế. Chính vì lí do ấy mà trong các tác phẩm về lịch sử tư tưởng hay về các sự kiện kinh tế, khía cạnh này ít được bàn đến và, trong mọi trường hợp, chưa bao giờ được hình dung như những tra vấn có thể đối lập nhau, nghĩa là xứng đáng để là đối tượng của một sự phát triển đặc biệt. Tất nhiên, bằng thuật ngữ “thống kê”, ở đây chúng tôi muốn nói đến toàn thể việc định hình, đăng kí và phân tích các dữ liệu định lượng, và rất nhiều công cụ ngày nay sẵn có trong các ngân hàng dữ liệu và các phần mềm tin học.
Lịch sử những cách tư duy vai trò của Nhà nước trong việc điều khiển nền kinh tế cung cấp sợi chỉ xuyên suốt việc phân tích những quan hệ giữa công cụ thống kê với bối cảnh xã hội và nhận thức. Vì thế, dưới đây sẽ trình bày một cách vô cùng giản lược năm cấu hình được xem là điển hình (xem bảng ở cuối bài). Sự can thiệp trực tiếp bao gồm nhiều cách nhìn rất đa dạng, từ học thuyết trọng thương và học thuyết Colbert cho đến các nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa: “nhà nước kĩ sư” theo kiểu Pháp là một trong những dạng này. Ở phía đối lập, chủ nghĩa tự do cổ điển giảm tới mức tối thiểu sự can thiệp này và chủ trương giải phóng các lực của thị trường. Nhà nước phúc lợi tìm cách bảo vệ người lao động làm thuê trước những hậu quả của việc mở rộng logic hàng hóa sang chính ngay lao động. Học thuyết Keynes giao cho Nhà nước trách nhiệm điều khiển kinh tế vĩ mô một xã hội mà tính thị trường vẫn không bị phủ nhận. Cuối cùng chủ nghĩa tân tự do hình dung một Nhà nước dựa trên những động thái kinh tế vĩ mô, có thể được định hướng bằng những hệ thống động viên và chấp nhận những giả thiết chính của lí thuyết những dự kiến duy lí. Năm cấu hình này không tương ứng với một diễn tiến nối tiếp nhau trong lịch sử và cũng không loại trừ nhau. Trong những tình thế cụ thể, chúng còn thường đan xen nhau và chỉ được cách điệu hóa để đề xuất một lăng kính đọc có phân biệt lịch sử những công cụ thống kê được mỗi một trong năm trường hợp này sử dụng[2].

Nhà nước kĩ sư: sản xuất và con người

Cấu hình này có một lịch sử lâu dài. Vì nhiều lí do khác nhau, Nhà nước trực tiếp thế chỗ của sáng kiến tư nhân. Trong nước Pháp của thế kỉ XVIII, Colbert đã thành lập những xưởng hoàng gia cho ngành đóng tàu và thảm dệt. Pierre Đại đế đã thành lập nền công nghiệp Nga. Trường Bách khoa Pháp đào tạo những “kĩ sư Nhà nước” (mỏ, cầu đường, vũ khí) quen việc điều khiển những mảng lớn của nền kinh tế bằng cách ưu tiên cho những logic kĩ thuật hơn là logic hàng hóa[3]. Vai trò của các kĩ sư này được Claude Henri de Saint-Simon (1760-1825), nhà sáng lập một trường phái tư tưởng duy công nghiệp, đặt trọng tâm vào khoa học và kĩ thuật, lí thuyết hóa. Trường phái này là một trong những nguồn xa xưa của kinh tế học marxist và kế hoạch hóa tập trung của thế giới xô viết[4].
Một số tình huống lịch sử đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển của một Nhà nước trực tiếp tổ chức nền kinh tế. Đối với tất cả các nước tham chiến, hai cuộc thế chiến đã kéo theo việc tập trung hóa cao độ và chuẩn hóa triệt để các nguồn lực, đặc biệt là trong các nền công nghiệp khí tài. “Dự án Manhattan”, ở ngọn nguồn của bom nguyên tử, là một trường hợp điển hình của sự can thiệp trực tiếp này của Nhà nước. Tương tự như vậy, chỉ có thể giải thích các phương tiện dành cho NASA, trong những năm 1960, bằng sự đối đầu của Hoa Kì và Liên Xô. Như vậy, ngay cả các nước thuận lợi nhất cho nền kinh tế thị trường, trong một số trường hợp, đã có những hình thức hành động kinh tế trực tiếp của Nhà nước.
Vào lúc bấy giờ, cuộc đại khủng hoảng những năm 1930 thường được cảm nhận như cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thị trường cổ điển. Cuộc khủng hoảng này ở cội nguồn của những suy nghĩ, đề xuất mới về vai trò của Nhà nước. Có thể phân chia các ý tưởng này thành hai nhóm để đơn giản hóa: thuyết duy kế hoạch và thuyết Keynes. Tuy nhiên, ý tưởng về kế hoạch, tất nhiên được đẩy đến cực điểm và thực hiện trong trường hợp của Liên bang xô viết, trong những năm 1930 được các nhà kinh tế và triết gia chính trị trải dài trên phổ chính trị, từ phái hữu nghiệp đoàn đến phái tả xã hội chủ nghĩa, qua đến các nhà cải cách Kitô giáo, công giáo hay tin lành, đặc biệt ở Tây Âu, bàn luận. Mặt khác, điểm chung của các trào lưu tư tưởng rất khác nhau này là sự chống đối chủ nghĩa tự do kinh tế đặt nền móng, tùy theo trường hợp, trên cơ sở quốc gia, nhân văn hay marxist. Trên điểm này, thuyết duy kế hoạch khác với thuyết Keynes, một thuyết không lên án nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, trong thực tiễn sau 1945, hai chủ đề, duy kế hoạch và keynesian, được pha trộn theo những tỉ lệ khác nhau trong một vài nước châu Âu như Pháp, Hà Lan hay Na Uy. Nhưng sự phân biệt trên về mặt phân tích là có ích để theo dõi sự phát triển của thống kê và các mô hình kinh tế được sử dụng trong thời kì 1945-1980.
Để hiểu điều này, có thể dẫn câu nói của một vài nhà kinh tế, trong những năm 1940, đã đặt nền móng cho các hệ thống tài khoản quốc gia[5]: “Có thể xem kinh tế của một nước như kinh tế của một doanh nghiệp lớn duy nhất”. Tuy đương nhiên là được phát biểu vì mục đính sư phạm, câu trích dẫn này tiêu biểu cho một quan niệm kĩ thuật về nền kinh tế và hệ thống tài khoản quốc gia mà công cụ chính là bảng các trao đổi liên ngành (hay bảng Leontief), so sánh được với bảng những luồng sản phẩm giữa các xưởng của cùng một doanh nghiệp. Cũng các nhà kinh tế này bảo vệ ý cho rằng có thể sử dụng thiết kế của họ trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lẫn xã hội chủ nghĩa và rằng thiết kế đó trên quan điển ấy là trung tính. Thật vậy, đối với họ điều quan trọng là việc sản xuất và lưu thông sản phẩm và dịch vụ mà biểu tuợng tiền tệ, bắt nguồn từ hệ thống giá cả, chỉ là một tiện lợi cho phép tính các đại lượng kinh tế vĩ mô[6]. Theo cách nhìn này, sản lượng và khối lượng sản phẩm tiêu dùng là những đại lượng thiết yếu, đối với một “Nhà nước kĩ sư”, tự xem mình có trách nhiệm trực tiếp trong việc thỏa mãn các nhu cầu, tương tự như giám đốc kĩ thuật của một doanh nghiệp quan tâm đến những nguồn cung cấp cần thiết cho sản xuất.
Từ ví dụ này hiện lên tính đặc thù lịch sử của thống kê cần thiết cho Nhà nước kĩ sư, có thể so sánh với thông tin cần thiết cho vị tướng một đạo quân: số lượng sản xuất và tiêu dùng, số lượng trang thiết bị và cuối cùng, một nhu cầu thiết yếu là số lượng người. Các biến dân số, sinh đẻ, di dân là những ưu tư của một Nhà nước như thế, trong đó có Nhà nước Pháp, quan ngại về dân số của mình, trong một thời gian dài là một trường hợp điển hình. Trái lại, những dữ liệu trực tiếp liên quan đến tính thị trường của nền kinh tế không giữ vị trí trung tâm trong một thống kê như thế. Chính trên điểm này mà trong những năm 1930 và 1940, các nhà kinh tế tự do, tiếp theo sau Friedrich Hayek, có những phê phán gay gắt nhất đối với các nền kinh tế kế hoạch hóa: làm thế nào đảm bảo sự phân bổ tối ưu nguồn lực khi thiếu những thông tin do các giá thị trường bộc lộ? Một số nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa, như Oskar Lange, thử hình dung một hệ thống có khả năng “bắt chước” thị trường, và như thế kết hợp những lợi thế được giả định của hai hệ thống[7]. Việc tổ chức thống kê của một hệ thống lai ghép như thế sẽ là khá phức tạp. Trong trường hợp của các nước “xã hội chủ nghĩa hiện thực” trước 1989, giá cả trong thực tế là rất tùy tiện. Hệ thống thống kê chủ yếu được hợp thành bởi việc báo cáo những kế toán bằng khối lượng của các đơn vị sản xuất cho một trung tâm được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện kế hoạch. Ngược lại, trong trường hợp Pháp, chưa bao giờ có một quan niệm kế hoạch thuần túy mà có sự kết hợp, ngay từ những năm 1950, với một quan niệm keynesian được nêu rõ ràng[8].
Theo một cách nào đó, quan niệm “duy kế hoạch” về thống kê là cốt lõi lịch sử của hệ thống này, vì ở khởi nguồn, “khoa học Nhà nước” này sản sinh những thông tin trực tiếp cần thiết cho bậc quân vương, để tổ chức tuyển quân và thu thuế, theo một quan niệm vương quyền và trọng thương của Nhà nước này. Dân số, sản xuất của cải nông nghiệp và công nghiệp là bấy nhiêu vấn đề đầu tiên mà những nhà sáng lập “số học chính trị” của thế kỉ XVIII đã phải giải quyết. Nhưng, cũng ngay từ thời này, chủ nghĩa tự do kinh tế đã xuất hiện ở Pháp với Turgot và các nhà trọng nông, ở Anh với Adam Smith, với một quan niệm khác về những quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, rồi sau đó một hình thức thống kê có quan hệ chặt chẽ với chủ nghĩa này. 

Nhà nước tự do[9]: thương mại và giá cả

Trong cách trình bày thuần túy và trừu tượng nhất, lí thuyết thị trường không tất yếu kéo theo thông tin thống kê. Giá cả, được bộc lộ bởi cơ chế những trao đổi hàng hóa và bởi sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, đã tự bản thân chúng mang thông tin cần thiết cho việc triển khai những phẩm chất được giả định của hình thức tổ chức kinh tế này, mà không cần sự can thiệp của một thực thể trung ương, có tính Nhà nước hay không, đặc biệt trong việc sản xuất thông tin thống kê. Trong thực tế, trong một thời gian dài, sự tồn tại của những cơ quan thống kê thường trực, chẳng hạn ở Hoa Kì, đã bị những ai từ chối mọi hành động của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế phản bác. Về phần các lí thuyết gia của nền kinh tế thị trường, như Jean-Baptiste Say, Augustin Cournot hay Léon Walras, cũng tỏ ra dè dặt đối với việc sử dụng thống kê kinh tế để củng cố những phát triển có tính giả thiết-suy luận của họ[10]. Trong lúc đối với Nhà nước kĩ sư, thống kê giữ vai trò trung tâm thì sự tồn tại của nó gần như là một nghịch lí đối với Nhà nước tự do, nếu có thể hình dung được sự tồn tại này.
Tuy nhiên, nhiều thể chế và công tác thống kê lại được biện minh bằng nhu cầu của một nền kinh tế hàng hóa. Những ví dụ đầu tiên được cung cấp bởi sự tồn tại của thương mại quốc tế, thuế quan, tỉ giá hối đoái và việc quản lí quốc gia các đồng tiền. Phòng thống kê của Board of Trade Anh được thành lập vào năm 1833, chính vào lúc diễn ra một số những cải cách chính trị và kinh tế nhằm tự do hóa hoàn toàn thị trường tư bản khỏi những cản trở khác nhau thừa hưởng từ quá khứ (luật về người nghèo của Speenhamland năm 1795). Một trong những được mất quan trọng của những cuộc tranh luận trong thời kì này là Corn Law (luật về ngũ cốc – ND). Nên chăng giải phóng việc nhập ngũ cốc khỏi mọi thuế quan? Các nhà công nghiệp ủng hộ điều này vì nó cho phép ép lương mà phần lớn được công nhân dành cho thực phẩm. Nhưng nông dân (và những nhà công nghiệp gần với họ) tất nhiên là chống đối. Việc bàn luận những vấn đề như thế đòi hỏi một hồ sơ thống kê ad hoc về giá và lương. Như vậy chủ nghĩa tự do “hiện thực” (chứ không chỉ lí thuyết) kéo theo việc Nhà nước giữ một vai trò thông tin kinh tế, tập hợp và phổ biến thông tin mà các tác nhân cần để hành động trên thị trường.
Tại Hoa Kì vào cuối thế kỉ XIX, những cuộc tranh luận về sự tập trung các doanh nghiệp lớn và về các luật chống độc quyền là một ví dụ khác, cũng nghịch lí không kém, cho sự cần thiết can thiệp của Nhà nước để cho những lợi thế của thị trường cạnh tranh do những ai bảo vệ nó yêu cầu, phát huy hết tác dụng. Ở đây cũng thế, những thống kê chính xác về hoạt động của các thị trường là cần thiết để những luật như vậy được soạn thảo, rồi áp dụng. Triết học về pháp chế chống những thông đồng và cartel triệt để khác với triết học về pháp chế của Nhà nước kĩ sư. Khi Nhà nước này tìm cách giảm chi phí sản xuất bằng tính kinh tế theo quy mô, kết quả của việc chuẩn hóa và tập trung sản xuất thì Nhà nước tự do, trái lại, chờ đợi cũng một sụt giảm của chi phí này từ sự cạnh tranh của những doanh nghiệp mà không có doanh nghiệp nào có khả năng thống trị hoàn toàn một thị trường. Ứng với hai triết học đối lập nhau là những hệ thống thống kê rất khác nhau. Hệ thống thứ nhất dựa trên những hệ số kĩ thuật và những hàm sản xuất và, một cách tổng quát hơn, trên một phân tích nội bộ các công ti, trong lúc hệ thống thứ hai đặt trọng tâm vào chính các trao đổi hàng hóa, và trên những ảnh hưởng của những biến thiên của giá cả trên hành vi của người bán và người mua. Trên ví dụ này, ta thấy rõ có sự đồng xây dựng một triết học về chính sách kinh tế và một triết học về hệ thống thông tin thống kê, không thể xem việc xây dựng đồng thời này như có tính thuần túy kĩ thuật và ngoại sinh đối với những vấn đề đặt ra trong một bối cảnh lịch sử nhất định.
Có trường hợp mà việc điều tiết kinh tế và xã hội một thị trường được đánh giá là không thể nếu dữ liệu thống kê không được sản xuất đều đặn và với cường độ cao để rồi sau đó được phổ biến rộng rãi. Đó là trường hợp của Hoa Kì, ngay từ cuối thế kỉ XIX, với thống kê nông nghiệp. Vấn đề lúc bấy giờ là thu thập, tập trung và định hình, rồi phổ biến nhanh nhất có thể các thông tin và xu thế của thu hoạch. Như vậy hiểu biết chung đuợc người mua và người bán chia sẻ cho phép hình thành những giá thuần nhất và ít thất thường nhất trên toàn lãnh thổ quốc gia để đảm bảo, nếu có thể, thu nhập của nhà sản xuất. Những hệ thống vô cùng tinh vi như các cuộc điều tra chọn mẫu về dự báo thu hoạch được thiết lập ngay từ những năm 1920, rồi được phát triển cho đến ngày nay. Ở đây cũng thế, tính minh bạch của thị trường là mục tiêu thiết yếu của thống kê này. Nhưng cũng có thể kiến giải theo một lối khác, theo quan điểm an sinh xã hội cho nông dân, đặc biệt những nông dân yếu nhất, chống lại những ảnh hưởng của một sự cạnh tranh man rợ và mù quáng. Điều này báo trước sự nổi lên, vào cuối thế kỉ XIX, của một cách can thiệp khác của Nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế. Theo thành ngữ của Karl Polanyi[11], Nhà nước phúc lợi phải đảm bảo sự “tự bảo vệ của xã hội” chống lại những tàn phá do thị trường tự do về lao động, đất đai và tiền bạc gây nên.    

Nhà nước phúc lợi: lao động làm thuê và việc bảo vệ lao động này

Trong những năm 1880 và 1890, gần như cùng một lúc, các nước công nghiệp đã thành lập những “cơ quan lao động” hay “phòng thống kê lao động”. Những đổi mới này về mặt thể chế chấm dứt một thế kỉ tranh luận về sự nghèo khó. Tăng trưởng nhanh của công nghiệp đã tập trung công nhân có gốc gác ở nông thôn vào trong thành phố ở Anh và ở Mĩ, thường trong trường hợp sau là những di dân từ châu Âu. Kết quả là những tình thế cực nghèo thường được xử lí bằng sự từ thiện và trợ giúp địa phương, cho đến khi tầm quan trọng của vấn đề kéo theo một đảo lộn hoàn toàn những cách tư duy và xử lí các vấn đề này. Gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn từ những năm 1875 đến 1895, sự đổi mới này được tiến hành theo hai hướng rất khác nhau, và cả hai hướng sau này có những hệ quả quan trọng và không thể đảo ngược đến sự phát triển của các phương pháp thống kê. Trào lưu thứ nhất, ưu sinh học chịu ảnh hưởng darwinian của Francis Galton và Karl Pearson, tìm nguyên nhân và biện pháp của những tình thế nghèo khó trong một lí thuyết sinh học về những năng lực cá nhân, được xem là bẩm sinh và có tính di truyền. “Chất lượng” của dân chúng được giả định là có thể “cải thiện” bằng sự chọn lọc, so sánh được với cách làm trong việc nuôi động vật. Các ý tưởng này đã gần như biến mất (ngoại trừ nơi một số nhóm bên lề). Nhưng chúng ở cội nguồn của những trình bày tinh tế đầu tiên của thống kê toán (tương quan, hồi quy, kiểm định) trong khuôn khổ của một “sinh trắc học” lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng của ưu sinh học[12]. Kể từ những năm 1910, cũng những hình thức hóa thống kê này đã được các nhà kinh tế lấy lại (Henri Moore ở Hoa Kì, Marcel Lenoir ở Pháp) và sử dụng trong điều sau này, vào năm 1930, sẽ trở thành kinh trắc học[13].
Trái với trào lưu đầu, trào lưu thứ hai không tìm nguyên nhân và biện pháp cho nghèo khó trong sinh học, nhưng trong xã hội và luật pháp. Từ nay, sức lao động là đối tượng của một thị trường. Giá của nó là lương. Nếu thị trường đặc biệt này không được điều tiết và bảo vệ bằng một luật đặc biệt thì thế giới công nhân không thể thoát khỏi tình trạng bấp bênh và cùng kiệt mà chủ nghĩa tư bản của thế kỉ XIX đã dìm họ vào. Duy chỉ Nhà nước mới có thể xây dựng hệ thống bảo vệ này, từ những luật về hưu trí, thất nghiệp, tai nạn lao động và bảo hiểm đau ốm. Các “cơ quan lao động” được thành lập trong khoảng 1880 và 1900 thăm dò và định hình hình thái mới này của Nhà nước, sau này được gọi là Nhà nước phúc lợi. Tổ chức lao động quốc tế (BIT), thành lập năm 1920, tập hợp và phối hợp các công trình thống kê và pháp lí được các Nhà nước khác nhau tiến hành.
Trong thời kì những năm 1880-1930, thống kê lao động đã là động cơ cho sự đổi mới của thống kê công cộng, về mặt những đại lượng được nghiên cứu cho đến những phương pháp điều tra. Từ nay lương, việc làm và thất nghiệp, hoạt động theo nghề nghiệp, ngân sách công nhân, chỉ số giá tiêu dùng là những đại lượng được đánh giá mang tính xã hội, nghĩa là thuộc lĩnh vực can thiệp của Nhà nước, đặc biệt dưới dạng pháp lí. Chúng đã được đưa vào nghị trình các văn phòng thống kê. Để đo lường chúng, những hình thức điều tra mới nhắm vào các mẫu đại diện, đã được hình dung. Trước đây, những cuộc tổng điều tra đầy đủ và những tệp tin của việc quản lí hằng ngày của cơ quan là những nguồn thống kê duy nhất. Ý tưởng chọn mẫu xác suất, kéo theo ý tưởng xấp xỉ, bị đánh giá là trái với yêu cầu về tính chặt chẽ và sự tin tưởng được chờ đợi từ thống kê gắn với Nhà nước và chưa được dư luận xem là chính đáng.
Thế mà, ý tưởng bảo hiểm được liên kết với Nhà nước phúc lợi. Một thủ tục dựa trên một phép tính thống kê đảm bảo việc bảo hiểm các rủi ro, trên cơ sở những xác suất (được đo bằng các tần số) của những biến cố khác nhau, được thống kê mới về lao động mô tả. Như vậy Nhà nước phúc lợi là một Nhà nước xác suất. Nó dựa trên một trực giác của Quetelet (1796-1874): những đại lượng tổng gộp, được tóm tắt bằng các trung bình, có những đặc tính ổn định và dự báo được mà các cá thể không có. Đây là sự biện minh cho cơ chế bảo hiểm. Mặt khác, tổng thể thống kê được xử lí một cách đồng bộ theo cùng những luật giống nhau ở cấp độ quốc gia, do đó sẽ là chặt chẽ khi xem tổng thể này như một hộp xác suất trong đó các mẫu được rút ra. Có thể ngoại suy những độ đo tiến hành trên các mẫu cho cả tổng thể, với một độ không chắc chắn được đo bằng “khoảng tin cậy”. Các triết học chính trị và các khái niệm nhận thức của Nhà nước phúc lợi đan xen nhau chặt chẽ. Một hình thái mới về Nhà nước và một cách mới để thực hành thống kê đã được xây dựng đồng thời.       

Nhà nước keynesian: tổng cầu và các thành tố của nó

Một hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1880 là đã đưa những vấn đề bảo vệ lao động làm thuê, và do đó hiểu biết thống kê về vấn đề này vào nghị trình của chính quyền, khai sinh những hình thái đầu tiên của Nhà nước phúc lợi, đặc biệt là ở Đức với các luật của Bismarck. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1930 đã có những hệ quả tương tự, nhưng lần này là đối với cân bằng kinh tế vĩ mô giữa một “tổng cung” và “tổng cầu” nhằm vào toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ. Điều quan trọng là không những ý tưởng về việc Nhà nước điều tiết tập trung cân bằng này đã được trình bày về mặt lí thuyết (bởi Keynes vào năm 1936) mà ý tưởng này còn được nhanh chóng biến thành thao tác, nhờ những bảng của hệ thống tài khoản quốc gia và những chuỗi dữ liệu mô tả quan hệ giữa diễn tiến của những thành tố khác nhau của cung và cầu. Như vậy, trong trường hợp này cũng thế, một Nhà nước được trang bị một trách nhiệm mới (trách nhiệm điều khiển cân bằng kinh tế vĩ mô, vừa phải tôn trọng tính thị trường của nền kinh tế) và một cách mô tả và phân tích mới, hệ thống tài khoản quốc gia và những mô hình kinh trắc vĩ mô, như mô hình của Tinbergen (1903-1994) cho Hà Lan được đồng thời xây dựng trong những năm 1930[14].
Đổi mới thiết yếu của cách nhìn keynesian là trình bày nền kinh tế như một tổng thể được nối khớp bằng những luồng kinh tế vĩ mô, có khả năng đo được và nối kết trong những bảng kế toán chặt chẽ về mặt lí thuyết và toàn diện[15]. Trực tiếp gắn với một hình thức chính sách kinh tế, mô hình này, kể từ những năm 1950 ở cội nguồn của việc tổ chức lại hoàn toàn công tác định nghĩa, định hình và chuỗi sản xuất các biến thống kê. Tính chặt chẽ chung và ràng buộc cân bằng kép (theo tác nhân và theo giao dịch) của các bảng kế toán thúc đẩy nhận diện những thiếu sót và mâu thuẫn giữa các nguồn thống kê hiện có. Một cách sâu sắc hơn, các nguồn này, do việc sử dụng chúng đã thay đổi, cũng biến đổi bản chất. Như vậy, chẳng hạn các cuộc điều tra về ngân sách các hộ gia đình đã có từ thế kỉ XIX, trên quy mô nhỏ. Chúng chủ yếu nhằm mô tả nhu cầu và chi tiêu của các hộ gia đình công nhân theo cách nhìn chi tiêu lương, điển hình cho thống kê của Nhà nước phúc lợi, mà cái lõi là lao động làm thuê. Kể từ những năm 1950, các cuộc điều tra này trở thành những cuộc điều tra tiêu dùng, nhằm vào toàn thể dân chúng. Chúng quan tâm đến thị trường của tất cả các sản phẩm và dịch vụ, chứ không chỉ có thị trường lao động, như các cuộc điều tra nhỏ trước 1940. Trên ví dụ này ta thấy rằng không thể tách biệt một cuộc điều tra thống kê với những cách sử dụng cuộc điều tra ấy. Người ta thường quên điểm này, do bị sự phân công lao động (về mặt thể chế và nhận thức) giữa người sản xuất và người sử dụng dữ liệu che khuất.
Tất nhiên phân biệt ở đây “Nhà nước phúc lợi” và “Nhà nước keynesian” là một sự đơn giản hóa. Trên quan điểm lịch sử về Nhà nước, vai trò của Nhà nước trong việc “định hướng nền kinh tế” và của những thống kê gắn kết với việc định hướng này, sự phân biệt trên tương ứng với hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu, tức giai đoạn bảo vệ lao động làm thuê, được định hình từ 1880 và 1900. Giai đoạn thứ hai, tức giai đoạn điều khiển kinh tế vĩ mô, nổi lên từ 1930 đến 1950. Nhưng từ thời điểm sau này, hai hình thái hành động và nhận thức gắn chặt với nhau, ít ra là ở Tây Âu (Pháp, Đức và Anh). Những dịch vụ an sinh xã hội (lương hưu, bảo hiểm y tế và thất nghiệp, trợ cấp gia đình) đã trở thành một thành tố chủ yếu của việc điều tiết thu nhập của người làm công ăn lương, và do đó của tổng cầu trong mô hình keynesian. Vì lí do này, cuộc khủng hoảng của những năm 1970 và 1980 không có cùng những hệ quả xã hội như cuộc khủng hoảng của những năm 1930, và thất nghiệp đã có những hình thức khác. Vả lại đây cũng là lí do khiến cho hai cuộc khủng hoảng này được tư duy theo hai cách gần như đối lập nhau. Hệ quả của cuộc khủng hoảng của những năm 1930, được nhìn như một cuộc khủng hoảng của logic hàng hóa và của “tự do kinh doanh”, là một gia tăng của vai trò của Nhà nước và của an sinh xã hội. Trái lại, cuộc khủng hoảng của những năm 1980 được tư duy như một cuộc khủng hoảng của những giải pháp được hình dung năm mươi năm trước đó, tức của học thuyết Keynes và của Nhà nước phúc lợi. Cuộc khủng hoảng sau đã dẫn đến sự lớn mạnh của các chủ đề tân tự do, đặc biệt được đại diện bởi Ronald Reagan và Margaret Thatcher, và cả hai chính khách này đều giảm ngân sách dành cho thống kê chính thức, nhân danh việc giảm vai trò của Nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế. 

So sánh các kế hoạch của Pháp và Hà Lan[16]

Cũng có thể thảo luận sự phân biệt trên đây giữa “Nhà nước kĩ sư” và “Nhà nước keynesian”. Trong trường hợp của nước Pháp những năm từ 1950 đến 1970, hai hình thức hành động và mô tả kinh tế đan xen nhau. Một “Ủy ban kế hoạch” được Jean Monnet (người sau này trong  những năm 1950, là một trong những nhà sáng lập “thị trường chung châu Âu”) thành lập. Kế hoạch này của Pháp nối kết chặt chẽ ba thành tố: một dự báo các đầu tư lớn (công và tư) về kết cấu hạ tầng, và những tài trợ ad hoc, cần thiết sau những tàn phá của chiến tranh; một thủ tục tham vấn và đối thoại giữa các tác nhân kinh tế và xã hội trong khuôn khổ của những “tiểu ban” chuyên biệt, khác với tranh luận nghị viện cổ điển; và cuối cùng là một hệ thống thông tin và phân tích kinh tế lấy hệ thống tài khoản quốc gia làm trung tâm. Thiết kế này là một cách kết hợp đặc biệt Nhà nước kĩ sư (các cựu sinh viên trường Bách khoa rất đông trong Ủy ban kế hoạch), Nhà nước keynesian thông qua hệ thống tài khoản quốc gia và hình thức của những phân tích kinh tế vĩ mô, và cuối cùng là một Nhà nước “xã hội”. Nhà nước xã hội này được thể hiện bằng sự tổ chức của các nhóm xã hội, với mối quan tâm lớn đối với ý tưởng giảm bớt những bất bình đẳng xã hội, và do đó đối với những cuộc điều tra và chỉ báo xã hội để mô tả các bất bình đẳng này.
Một cách có vẻ đáng kinh ngạc, hệ thống xã hội và nhận thức này của Pháp cho đến năm 1970, không bao gồm việc sử dụng các mô hình kinh trắc vĩ mô, như các mô hình của Jan Tinbergen hay của Lawrence Klein và Arthur Goldberger[17]. Ở Hà lan, các mô hình như thế đã được sử dụng từ những năm 1930. Thế mà hai nước Pháp và Hà Lan có những điểm chung. Cả hai nước đều bị chiếm đóng và tàn phá trong chiến tranh, năm 1945 đã thành lập một văn phòng kế hoạch hóa, trong lúc các nước phương Tây lớn khác (Đức, Anh, Hoa Kì) bác bỏ ý tưởng này, một ý tưởng bị đánh giá là trái với ý tưởng thị trường, và bị lây nhiễm bởi kinh nghiệm của các nước toàn trị, quốc xã hay xô viết. Hai nhân vật đặc biệt nổi trội, Monnet ở Pháp và Tinbergen ở Hà Lan, ở đầu nguồn của các văn phòng này. Nhân cách của tác giả sau, năm 1936 là tác giả của mô hình kinh trắc đầu tiên đủ để giải thích là ngay từ những năm 1950, kế hoạch Hà Lan đã phát triển những dạng mới của các mô hình này cũng như là việc chúng đuợc sử dụng rộng rãi trong cuộc tranh luận xã hội và chính trị. Chẳng hạn, vào lúc bầu cử, các chính đảng chấp nhận là chương trình của mình chịu sự thử thách của mô hình và được đánh giá trên kết quả của các mô hình về tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp và ngoại thương.
Tại Pháp, trước những năm 1970, các cuộc tranh luận không dựa trên một mô hình kinh trắc và không kéo theo sự tham gia của các chính đảng. Những cuộc tranh luận này diễn ra trong các “tiểu ban của Ủy ban kế hoạch” trong ngôn ngữ của các nhà kĩ sư và các nhà thống kê, vốn trong thực tế có xu hướng xem nền kinh tế như “một doanh nghiệp lớn” chứ không phải là nơi diễn ra sự cạnh tranh thị trường. Do thuộc về các “ngạch lớn” nên ở thế “thẩm định của Nhà nước”, các kĩ sư này một cách tự phát dùng ngôn ngữ của tính duy lí kĩ thuật, đặc biệt được biểu trưng bằng bảng Leontief các trao đổi liên ngành. Ngược lại, các nhà làm kế hoạch Hà Lan thường ở đại học, ở bên ngoài Nhà nước hơn. Họ cũng làm việc trên một nền kinh tế hướng đến thương mại quốc tế nhiều hơn từ nhiều thế kỉ. Các phương trình của mô hình Hà Lan tìm cách mô phỏng cơ năng này, trong lúc thủ tục kế hoạch hóa Pháp kết hợp một cách nhìn kĩ sư và một cách nhìn keynesian về “so sánh tĩnh” (giữa tương lai mong ước và quá khứ ghi nhận được), làm điểm tựa cho những cuộc bàn luận trong các tiểu ban của Kế hoạch.
Người Hà Lan dựa trên sự nối kết động những biến động của một nền kinh tế hàng hóa tự chủ, giống như ta thử leo lên yên ngựa đang phi nước kiệu. Việc xác định các mục tiêu bị điều kiện hóa bởi sự nhạy cảm cực kì với diễn tiến của nền kinh tế này. Thủ tục kế hoạch hóa kéo theo việc nối khớp chặt chẽ giữa các mô hình hóa mục tiêu và phương tiện, điều được nhấn mạnh là kết quả của thủ tục kế hoạch hóa. Kế hoạch Hà Lan nhại diễn tiến của nền kinh tế bằng các phương trình của mô hình. Người Pháp có một cách nhìn kĩ thuật và định lượng về một nền kinh tế mà động thái giá cả trong một thời gian dài là một điều bí ẩn. Diễn tiến của nền kinh tế này bị rút gọn về năm được chọn làm chân trời kế hoạch. Ngược lại, thủ tục chi tiết của cuộc bàn luận xã hội về chân trời này được đặt ưu tiên, thông qua một chu trình phức tạp các chuyên gia, các nhà kế toán quốc gia, các tiểu ban và nhóm công tác. Kế hoạch Pháp nhại diễn tiến của nền kinh tế bằng việc thương thảo giữa các nhóm xã hội, trong khuôn khổ các tiểu ban của Kế hoạch.     


Nhà nước tân tự do: thuyết đa trung tâm và biện pháp động viên

Điểm chung của các hình thái Nhà nước được mô tả trên đây là Nhà nước được trang bị một trung tâm, kể cả trong trường hợp của Nhà nước tự do, khi, ví dụ, các thống kê cần thiết cho việc áp dụng các luật chống độc quyền hay cho sự minh bạch các thị trường nông nghiệp chỉ có thể mang tính tập trung. Trái lại, Nhà nước tân tự do được tư duy như một tập những cực hành chính hay lãnh thổ khác nhau, mà các quan hệ được thương thảo, có tính hợp đồng và bị chi phối bởi luật pháp. Các nhà nước liên bang hay những liên minh các Nhà nước độc lập như Liên minh châu Âu là những ví dụ đa dạng về những hình thái như thế. Các hình thái này đặt cơ sở trên những ý niệm về tính bổ trợ (subsidiarité), hành động theo thủ tục, thương thảo và mạng[18]. Nhiều tự do nhất có thể được dành cho các cấp sơ đẳng của xã hội, và chỉ giao cho các cấp cao hơn những quyền mà các cấp sơ đẳng này không đảm nhận được. Hành động theo thủ tục ấn định những cách thức thương thảo và ra quyết định chứ không ấn định những quy tắc quan trọng. Có nhiều trung tâm hành động, ra quyết định được nối kết với nhau theo những cách đa dạng, và qua đó có nhiều nơi sản xuất và sử dụng thông tin. Những lĩnh vực được xem là thuộc trách nhiệm tập thể được nhân bội: môi trường, đạo đức trong sinh học, hành hạ trẻ em, nghiện ma túy, phòng ngừa AIDS và những căn bệnh mới, bảo vệ những thiểu số văn hóa, bình đẳng giới, an toàn của trang thiết bị gia dụng và công nghiệp, chuẩn chất lượng sản phẩm tiêu dùng. Trong mỗi trường hợp, những cách thức đánh giá và định hình thống kê, phân công trách nhiệm giữa những tác nhân khác nhau, cách thức đánh giá hậu nghiệm hành động công và biến đổi các hành động này tùy theo các đánh giá những vấn đề trên được thiết kế và thương thảo đồng thời. Trong vòng chuỗi mô tả, hành động và đánh giá, thông tin được sản xuất và sử dụng ở tất cả mọi khâu.
Hành động công can thiệp bằng những biện pháp động viên hơn là bằng những quy định. Những biện pháp động viên này, ví dụ các biện pháp về thuế, được tư duy bằng những khái niệm của lí thuyết kinh tế vi mô: hành vi của tác nhân cá thể duy lí, sở thích, lợi ích, tối ưu hóa, ngoại ứng. Một ví dụ điển hình của hình thức pháp chế này dựa trên những biện minh có nguồn gốc kinh tế vi mô là việc thành lập một thị trường những quyền gây ô nhiễm, thị trường này được đánh giá là hiệu quả hơn những quy định ấn định các ngưỡng ô nhiễm không được phép vượt qua. Có thể đánh giá những thủ tục động viên như thế này bằng những nghiên cứu trên dữ liệu cá thể hay bằng những tựa thử nghiệm, nhằm đo và mô hình hóa hành vi các tác nhân, kể cả những tác nhân tham gia chính quyền. Điểm cuối này là một trong những khác biệt chính giữa Nhà nước tân cổ điển này và các Nhà nước có trước nó. Đặc biệt, đây là kết quả của việc phổ biến những ý tưởng của lí thuyết các dự kiến duy lí. Lí thuyết này cho rằng các chính sách công (ít ra là những chính sách không phải để đối phó trực tiếp với những cú sốc bất ngờ) cuối cùng sẽ thất bại một khi các tác nhân hợp nhất, trong những thông tin định hướng hành vi của mình, những hiệu ứng được dự kiến của các quyết định công[19]. Trong cách nhìn này, không có bất kì tác nhân nào, đặc biệt là Nhà nước, nằm ngoài cuộc chơi. Nhà nước phân thân thành nhiều “trung tâm điều khiển”. Các trung tâm này là những tác nhân trong số những tác nhân khác, cùng chịu những hình thức mô hình hóa, kinh tế hay xã hội, như bất kì tác nhân kinh tế vi mô nào khác.
Ý tưởng, được gợi ý ở đầu bài viết này, nên nội sinh hóa việc xây dựng công cụ thống kê đối với việc phân tích lịch sử các hình thái Nhà nước, theo một cách nào đó, là nhất quán với những gì vừa trình bày, cho dù việc lịch sử hóa những cách thực hành thống kê không nằm trong hộp công cụ của các lí thuyết gia kinh tế. Thật vậy, trong một quan niệm thực tế, từng thắng thế trong một thời gian dài, thống kê chỉ đơn giản là một công cụ đo đạc, nằm ngoài một “hiện thực” có trước nó, cũng giống như Nhà nước bị những người ủng hộ các dự kiến duy lí phê phán là nằm bên ngoài xã hội. Trong chừng mực mà việc sản sinh ra kiến thức thống kê là một thành tố thiết yếu của việc “định hướng nền kinh tế” thì không phải là điều ngạc nhiên khi việc tăng hiệu ứng bằng cách nhân bội các biện pháp và nội sinh hóa hành vi của những “trung tâm ra quyết định” khác nhau, bất kể tính chất của chúng, đi kèm với việc tăng hiệu ứng bằng cách nhân bội các biện pháp và nội sinh hóa tương tự của những “trung tâm tính toán” sản xuất ra những “dữ liệu” thống kê. Các dữ liệu này không bao giờ là “cho trước”, nhưng là kết quả của một quá trình xã hội tốn kém, mà các thành tố, có tính nhận thức lẫn kinh tế, hoàn toàn thuộc về xã hội tổng thể mà chúng được giả định phải mô tả.

Nhà nước, thị trường và thống kê


Cách tư duy xã hội và kinh tế
Phương thức hành động
Hình thức thống kê
Nhà nước kĩ sư
Sản xuất và con người (kể từ thế kỉ XVII)
Thể chế có thứ bậc và có tổ chức một cách duy lí
Nước Pháp từ Colbert tới De Gaulle
Liên Xô
Tối ưu hóa dưới ràng buộc
Giảm chi phí
Kế hoạch hóa tập trung. Kĩ trị
Các công trình lớn. Cách nhìn dài hạn
Dân số
Sản lượng tính theo sản xuất vật chất
Bảng cân đối liên ngành

Nhà nước tự do
Thương mại và giá cả (kể từ thế kỉ XVIII)
Thuyết trọng thương
Thị trường lớn
Cạnh tranh tự do
Luật chống nghiệp đoàn
Tự do kinh doanh
Luật chống độc quyền bảo vệ sự cạnh tranh
Thống kê thuận lợi cho việc minh bạch hóa thị trường (trường hợp của nông nghiệp Mĩ)
Thước đo những vị thế có thể khống chế
Thị phần
Nhà nước phúc lợi
Lao động làm thuê và việc bảo vệ lao động này (kể từ cuối thế kỉ XIX)
Thị trường lao động không phải là một thị trường như các thị trường khác. Nó phải được bảo vệ
Luật về thời gian lao động và tai nạn lao động, thất nghiệp, lương hưu.
Hệ thống bảo hiểm bắt buộc đảm bảo các quyền xã hội.
Thống kê lao động
Lương, việc làm, thất nghiệp
Điều tra chọn mẫu ngân sách hộ công nhân
Thước đo những bất bình đẳng xã hội
Chỉ số giá tiêu dùng
Nhà nước keynesian
Tổng cầu và các thành tố của nó (kể từ những năm 1940)
Thị trường không thể tự vận hành một mình mà không sinh ra khủng hoảng. Nó phải được điều tiết ở cấp độ tổng thể.
Theo dõi và điều khiển chênh lệch có thể giữa tổng cung và tổng cầu thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa.
Hệ thống tài khoản quốc gia.
Phân tích tình thế kinh tế
Ngân sách kinh tế
Nhà nước tân tự do
Đa trung tâm, động viên và xếp hạng (kể từ những năm 1990)
Một thị trường lớn. Tự do cạnh tranh và không bị làm sai lạc.
Tài chính hóa
Nhân bội hiệu ứng của các trung tâm ra quyết định dưới dạng mạng
Chuyển từ các quyền sang các biên pháp động viên.
Ví dụ: bonus-malus (thưởng phạt), thị truờng quyền gây ô nhiễm.
Chuyển các cơ quan thành Cục. Hợp đồng hóa. Phối hợp bằng cạnh tranh. Ví dụ của Phương pháp phối hợp mở của Liên minh châu Âu.
Khách thể hóa các không gian tương đương mới. Khách thể hóa chất lượng hợp đồng các thống kê.
Xây dựng và sử dụng những chỉ báo và xếp hạng để đánh giá và sắp xếp các thành tựu. Benchmarking bổ sung hay thay thế các quy định và chỉ thị.
Tranh luận việc lượng hóa GDP

Alain Desrosières[20]
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Historiser l’action publique: l’État, le marché et les statistiques”. Chương 3 trong Alain Desrosières, Pour une sociologie historique de la quantification. L’argument statistique I, Paris, 2008 Presses de l’École des Mines, trang 39-56.




[1] Bài đã đăng trong Laborier P. và Trom D. (chủ biên), Historicité de l’action publique, Paris, PUF, 2003, trang 207-221.

[2] Về nghiên cứu lịch sử thống kê công cộng, cho trường hợp Hoa Kì, xem: Margo Andersen, The American Census, A Social History, New Haven: Yale University Press, 1988; Joseph Duncan và William Shelton, Revolution in United States Government Statistics, 1926-1976, Washington: US Department of Commerce, 1978; cho trường hợp Anh: Roger Davidson, Whitehall and the Labour Problem in Late-Victorian and Edwardian Britain. A Study in Official Statistics and Social Control, London: Croom Helm, 1985; về một so sánh các trường hợp Pháp, Anh, Đức và Hoa Kì, xem Alain Desrosières, La politique des grands nombres, Histoire de la raison statistique, Paris, La Découverte, 2000.

[3] Xem một so sánh vai trò xã hội của các kĩ sư Nhà nước Pháp với vai trò của các kĩ sư Mĩ trong Theodor Porter, Trust in Numbers, The Pursuit of Objectivity in Science and Public Life, Princeton, Princeton University Press, 1995. Tác phẩm này đặc biệt chỉ ra vì sao các kĩ sư Mĩ giữ một vai trò ít “chính thống” bằng các đồng nghiệp Pháp, trong chừng mực chính vì Nhà nước liên bang Mĩ ít có tính “kĩ sư” (theo nghĩa được phân tích ở đây) bằng Nhà nước Pháp và được hướng dẫn bởi các nguyên lí thị trường nhiều hơn.

[4] Chẳng hạn, Lenine đặc biệt quan tâm đến các phương pháp tổ chức lao động của kĩ sư Mĩ Taylor, dựa trên việc phân tích định lượng và kiểm soát chặt chẽ thời gian cần thiết để sản xuất (Linhart, Lenine, les paysans, Taylor, Paris, Seuil, 1976).

[5] Kĩ thuật này, ra đời ở Hoa Kì trong những năm 1930, rồi ở châu Âu trong những năm 1940, lúc bấy giờ thường được biết dưới tên gọi “phép tính thu nhập quốc gia”. Trên vấn đề này, xem J. Kendrick, “The Historical Development of National Income Accounts”, History of Political Economy, 2, 1970, trang 284-315 và A. Vanoli, Une histoire de la comptabilité nationale, La Découverte, Paris, 2002.

[6] Nhà kinh tế và dân số học Pháp Alfred Sauvy (tuy không phải là một nhà marxist) trong một thời gian dài đã đề nghị sử dụng giờ lao động chứ không phải là tiền tệ để thiết lập kế toán các trao đổi liên ngành.

[7] Về cuộc tranh luận này, xem Bruce Caldwell, “Hayek and Socialism”, Journal of Economic Literature, vol. XXXV, 1997, trang 1856-1890.

[8] François Fourquet, đã phân tích vào chi tiết lịch sử này trong Les comptes de la puissance, Histoire de la comptabilité nationale et du Plan, Paris: Encres-Recherches, 1980.

[9] Từ “tự do” (liberal) ở đây được dùng theo nghĩa châu Âu là “ủng hộ nền kinh tế thị trường”, chứ không theo nghĩa Mĩ, có ý gần như ngược lại là “ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước”.

[10] Claude Ménard trong “Trois formes de résistance à la statistique: Say, Cournot, Walras” in Pour une histoire de la statistique, t.1, INSEE-Economica, Paris, 1987, trang 417-429, lí giải sự dè dặt này như một lựa chọn sở thích khoa học. Những cách lí giải này, trong thực tế, gặp lại quan niệm về một Nhà nước can thiệp ít nhất có thể trong việc quản lí nền kinh tế, đặc biệt là thông qua việc sản xuất thông tin kinh tế.

[11] Xem Karl Polanyi, La grande transformation: aux origines politiques et économiques de notre temps, Paris; Gallimard, 1983 [nguyên tác tiếng Anh The Great Transformation. The Political and Economic Origins of our Time - ND].

[12] Xem Donald Mackenzie, Statistics in Britain, 1865-1930. The Social Construction of Scientific Knowledge, Edinburg, Edinburg University Press, 1981 và Michel Armatte, Histoire du modèle linéaire. Formes et usages en statistiques et économétrie, luận văn tiến sĩ, Paris: EHESS, 1995.

[13] Xem Mary Morgan, The History of Econometrics Ideas, Cambridge, Cambridge University Press, 1990.

[14] Quan hệ giữa Keynes, hệ thống tài khoản quốc gia và mô hình hóa kinh trắc vĩ mô là ít hiển nhiên hơn điều người ta thường nói. Quan hệ này được Don Patinkin mô tả một cách sống động trong: “Keynes and Econometrics: On the Interaction between the Macroeconomic Revolutions of the Interwar Period”, Econometrica, 44, 1976, trang 1091-1123.

[15] Mô hình Walras cũng hình dung nền kinh tế như một hệ thống tổng thể, nhưng các tác nhân kinh tế vi mô của mô hình này là những giả thiết lí thuyết và không thể nhận bất kì nội dung thực nghiệm nào cả.

[16] So sánh này được trình bày chi tiết hơn trong: A. Desrosières, “La commission et l’équation: une comparaison des Plans français et néerlandais entre 1945 et 1980”, Genèses, 34, 1999, trang 28-52, in lại trong Gouverner par les nombres, L’argument statistique II, Paris, Presses des mines 2008, chapitre 7.

[17] Về lịch sử tổng quát của các mô hình này, xem: Ronald, Bodkin, Lawrence Klein và Kanta Marwah (eds), A History of Macroeconometric Model-Building, Aldershot: Edward Elgar, 1991.

[18] Một số những khía cạnh trên của Nhà nước tân tự do được Robert Nelson mô tả tốt trong “The Economics Professsion and the Making of Public Policy”, Journal of Economic Literature, vol. XXV, March 1987, pp. 49-91

[19] Xem David K. Begg, The Rational Expectations, Revolution in Macroeconomic Theories and Evidence, Oxford, Oxford University Press, 1982. Về lịch sử những nguồn gốc của kiểu lập luận này, xem Albert Hirschman, The Rhetoric of Reaction, Perversity, Futility, Jeopardy, Harvard, Harvard College, 1991.

[20] Alain Desrosières (1940-2013), cựu sinh viên Trường Bách Khoa Paris, chuyên gia của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE / Tổng cục thống kê Pháp), nhà xã hội học và sử gia thống kê học, thành viên của Trung tâm Alexandre Koyré (CNRS-EHESS / Trung tâm nghiên cứu khoa học - Trường Cao học các khoa học xã hội) về lịch sử các khoa học, nổi danh trong cộng đồng khoa học với tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng: Chính sách các số lớn. Lịch sử lí tính thống kê (1993) [sắp xuất bản].

Print Friendly and PDF