6.9.14

Câu lạc bộ thành Wien và tinh thần mới về khoa học

Quan niệm khoa học về thế giới là tựa một tuyên ngôn công bố ở Wien năm 1929. Văn bản này xuất phát từ một nhóm nhỏ các nhà bác học quyết định tuyên chiến với tinh thần tư biện và siêu hình mà, theo họ, đang ngự trị trong tư duy. Trong số những người kí tên vào tuyên ngôn này, sau này sẽ được xác định như “Câu lạc bộ thành Wien”, có những triết gia – như Moritz Schlick (1882-1936), người hoạt náo nhóm hay Rudolph Carnap – và cả những nhà logic học Kurt Gödel, Otto Neurath, Heins Reichenbach, cũng như những nhà vật lí.
Đối với Câu lạc bộ thành Wien, duy chỉ có khoa học, đặt cơ sở trên chứng minh chặt chẽ và cầu viện đến những sự kiện quan sát, mới làm cho nhận thức tiến triển. Có hai loại tri thức khoa học: có những mệnh đề logic và toán học vốn tự bản thân là chặt chẽ và không gắn với kinh nghiệm; và có những mệnh đề thực nghiệm, đặt cơ sở trên các sự kiện, và do đó phải chịu thử thách của những tiêu chí kiểm tra để có thể được xác nhận là chân lí. Bất kì diễn ngôn nào khác về thế giới bị tố cáo là vô nghĩa hay quy về những vấn đề giả tạo.

Chung quanh quyển “Tractatus logico-philosophicus”
Để viết tuyên ngôn của mình, các thành viên Câu lạc bộ lấy cảm hứng từ một tiểu luận được xuất bản vài năm trước đó ở Wien, quyển Tractatus logico-philosophicus (1921). Tác giả trẻ tuổi, Ludwig Wittgenstein, là một nhân vật kì lạ. Xuất thân từ một danh gia vọng tộc thuộc giai cấp tư sản Wien, ông sống tách xa thế giới. Sau khi học kĩ sư mà ông rời bỏ để theo học với triết gia và nhà logic học Anh Bertrand Russel ở Cambridge, ông tòng quân vào quân đội Áo vào đầu thế chiến thứ nhất. Chính trong thời gian này ông viết Tractatus logico-philosophicus.
Tractatus logico-philosophicus
Bố cục tác phẩm là kì lạ: nó được viết như một dãy những công thức nối kết nhau như những định lí toán học. Sách bắt đầu như sau: “Thế giới là những gì xảy ra”, và sau đó L. Wittgenstein làm rõ điều ông muốn nói. Ông quy thế giới về một tập những sự kiện. Mục đích của ngôn ngữ là thử mô tả các sự kiện này. Quan hệ của ngôn ngữ với hiện thực cũng giống như quan hệ tồn tại giữa một bức tranh và hình mẫu của nó. Ngôn ngữ cũng được hợp thành bởi những mệnh đề logic có thể đúng hay sai nhưng không nói được gì hết về thế giới. Những mệnh đề dựa trên những sự kiện là có ý nghĩa và có thể được kiểm tra. Những mệnh đề siêu hình hay đạo đức không thể đòi hỏi đạt được một chân lí nào đó, vì chúng không nói gì cả về thế giới hiện thực.

Ludwig Wittgenstein (1889-1951)
Một khi viết xong sách, Wittgenstein cho rằng mình không còn gì để nói nữa, rằng triết học không còn gì để làm nữa, ngoại trừ việc kiểm tra tính hiệu lực của những mệnh đề ngôn ngữ. Ông rời bỏ thành Wien và hiến tặng gia tài đồ sộ của cha ông. Ông thành người làm vườn, thầy giáo tiểu học rồi lang thang vài năm trước khi đến Cambridge, theo lời mời gọi của thầy ông là Bertrand Russel.

Một nhóm phân tán
Còn Câu lạc bộ thành Wien nhanh chóng tự giải thể sau khi thành lập. Mẫu số chung của nhóm là sự bác bỏ siêu hình học, nhưng không chắc là các thành viên thật sự đều có một quan điểm thống nhất. Ngay từ 1931, K. Gödel với định lí bất toàn nổi tiếng của ông đã chứng minh việc không thể tạo nên một diễn ngôn logic khép kín trên chính nó. Niềm hi vọng xây dựng khoa học trên một diễn ngôn logic hoàn toàn chặt chẽ đã không tồn tại lâu dài. Về phần mình, K. Popper, người xoay quanh nhóm mà không phải là thành viên, xét lại ý tưởng chứng cứ trong khoa học. Đối với ông, đặc trưng của khoa học là khả năng bác bỏ các giả thiết, chứ không bao giờ là khả năng mang đến những chứng cứ dứt khoát. Thế mà ý tưởng chứng cứ thực nghiệm là một trong những luận đề trung tâm được R. Carnap, một trong những nhà hoạt náo chính của câu lạc bộ, bảo vệ.
Việc Đức quốc xã nắm chính quyền, săn đuổi người Do thái khỏi nước Đức, rồi nước Áo buộc phần lớn các thành viên Câu lạc bộ phải phải tị nạn ở Anh hay ở Hoa Kì. Từ nay, Popper, Wittgenstein, Carnap, Neurath …, những nhà tư tưởng của Câu lạc bộ sẽ có một ảnh hưởng quyết định đến tiến hóa của triết học về các khoa học trong thế giới nói tiếng Anh.  
Jean FranVois Dortier

Về …
Logic của sự khám phá khoa học, của Karl Popper
Năm 1919, một ê-kíp nhà vật lí quan sát được, như Albert Einstein đã dự đoán, các tia sáng cong khi gần mặt trời. Sự xác nhận này của lí thuyết tương đối tổng quát gây ấn tượng mạnh cho người thanh niên Karl Popper thành Wien. Lấy cảm hứng từ tấm gương của Albert Einstein khi ông tuyên bố rằng lí thuyết mới của mình là sai trái nếu không thấy hiện tượng được dự báo, K. Popper đề xuất rằng đặc điểm của một lí thuyết khoa học là dự báo những thí nghiệm có thể bác bỏ nó. Còn những lí thuyết nào không có chỗ cho sự phản bác, vì rất mơ hồ hay vì nhân bội các giả thiết ad hoc, phải được xem là khoa học giả. Theo ông, phân tâm học và chủ nghĩa Marx là những ví dụ điển hình của những lí thuyết không bác bỏ được.
Ý tưởng về sự phân biệt giữa khoa học và khoa học giả gắn chặt chẽ với việc phê phán sự quy nạp. Thật vậy, nối tiếp David Hume, Popper nhận xét rằng một số quan sát, dù lớn đến bao nhiêu, không cho phép kết luận về tính chân lí của một mệnh đề phổ cập, như một định luật vật lí. Trái lại, những quan sát tiêu cực cho phép ta phán rằng một mệnh đề là sai. Chẳng hạn, mệnh đề “tất cả các con thiên nga đều màu trắng” là không thể kiểm tra mà chỉ có thể bị bác bỏ: chỉ cần tìm ra một con thiên nga màu đen. Hơn thế nữa, Popper bác bỏ ý tưởng cho rằng những lí thuyết khoa học chủ yếu bắt nguồn từ quan sát vì, theo ông, sự tưởng tượng giữ một vai trò đáng kể trong việc thiết lập lí thuyết. Điều duy nhất quan trọng để đảm bảo tính khoa học của các lí thuyết là chúng có thể bị phủ nhận. Điều này tất nhiên có nghĩa rằng các lí thuyết buộc phải mãi mãi mang tính ước đoán.
Nói như thế là Popper trực tiếp tiến công vào các nhà tân thực chứng của Câu lạc bộ thành Wien, nhóm này muốn xây dựng một “quan niệm khoa học về thế giới”, mạo xưng là kiểm tra được. Vượt ra ngoài cuộc tranh luận này, luận điểm của ông phê phán cả một quan niệm về khoa học đặt cơ sở trên ý tưởng là có thể dứt khoát xác thực các lí thuyết.
  Được xuất bản năm 1934, được dịch ra tiếng Anh năm 1959 và tiếng Pháp năm 1973, Logic của sự khám phá khoa học phát triển cách tiếp trên và nhanh chóng trở thành một sách tham chiếu trong triết học về các khoa học. Tác phẩm được một phần cộng đồng khoa học nhiệt tình đón nhận. Ngược lại, một số sử gia về các khoa học cho rằng sự phân biệt của Popper là quá nghiêm khắc, vì những nghiên cứu của họ cho thấy là trong thực tế, các nhà khoa học còn xa mới bao giờ cũng tìm cách bác bỏ các lí thuyết hiện hành.
Thomas Lepeltier
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013
Print Friendly and PDF