13.9.14

Gaston Bachelard, một triết học hai mặt

Là một nhà tư tưởng phi chính thống và là người tự học, Gaston Bachelard đã đảo lộn triết học về các khoa học. Được hướng dẫn bởi quyết tâm tìm hiểu tinh thần con người, ông để lại một sự nghiệp kép, gồm một phần có tính khoa học luận và một phần có tính văn chương, mà sự cố kết không phải bao giờ cũng hiển nhiên.
Chỉ việc gợi tên ông đủ để làm sống lại hình ảnh một ông già dễ mến, cười bằng mắt, bị chôn vùi dưới một bộ râu trắng bất tận. Ngày nay Gaston Bachelard vẫn còn biểu tượng cho một vị giáo sư đáng mơ ước, khiêm tốn và ân cần. Mẫu hình của một nhà bác học. Thế mà sự nghiệp của ông là không giống ai. Lộ trình đại học không điển hình cho phép ông thiết lập một triết học chưa từng có về các khoa học, vận dụng những lí thuyết tiên phong thời bấy giờ như phân tâm học hay lí thuyết tương đối. Nhưng G. Bachelard cũng còn là khuôn mặt, hai cách tiếp cận triết học. Một mặt là một nhà duy lí dấn thân và mặt kia là nhà đam mê thơ, ông lập nên một tư duy hai mảng, vừa đối lập nhau vừa không thể tư duy mặt này mà không có mặt kia. Khoa học chống tưởng tượng của thơ, animus chống anima[1], đó là hai diện của tinh thần con người mà G. Bachelard đã nỗ lực khai phá, với cùng một quyết tâm và tính chặt chẽ. Như chính ông nói “chắc chắn là giáo viên hơn là triết gia”, G. Bachelard tìm lí thuyết của ông về tinh thần khoa học trong ngành sư phạm và đặc biệt là trong định chế học đường mà bản thân ông là hiện thân của sự thành công của nhà trường thế tục và bắt buộc do nền Đệ tam cộng hòa thiết lập.

Một sự nghiệp không điển hình

Sinh năm 1884 tại Bar-sur-Aube, trong một gia đình nghệ nhân đóng giày, G. Bachelard thu thập những giải học sinh xuất sắc và thành công leo hết các bậc trung học. Sau khi đỗ tú tài, ông vừa làm nhân viên bưu chính vừa học thêm toán ban đêm. Tám năm sau khi đỗ cử nhân, ông tốt nghiệp cử nhân triết học, bằng cách tự học. Nuôi dạy một mình Suzane, con gái ông sau khi bà vợ là Jeanne Rossi qua đời, ông thi đỗ thạc sĩ triết học.
Cả sự nghiệp của ông minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc với chức vụ giáo sư mà ông đảm nhiệm đến cuối đời. Nhưng xa hơn lòng biết ơn đối với một định chế cộng hòa, ở G. Bachelard việc suy tưởng chung quanh vấn đề học đường chính là trung tâm của khoa học luận của ông. Bị ám ảnh bởi việc tìm hiểu những tiến bộ của trí tuệ con người, ông dành tác phẩm chủ yếu của mình, Sự hình thành tinh thần khoa học (1938)[*], cho việc phân tích những đặc điểm của lập luận khoa học. Trong quyển sách này, đặc biệt G. Bachelard trách các nhà giáo khoa học đã không ý thức đầy đủ đến những kiến thức thực nghiệm mà học sinh đã tích lũy được khi đến trường. Do đó vai trò của người thầy không phải là truyền lại một kiến thức thực nghiệm mà làm thay đổi nó, “lật đổ những chướng ngại mà cuộc sống hằng ngày đã chồng chất”. Từ quan sát này của một nhà giáo, G. Bachelard sẽ quan niệm tiến bộ khoa học như một cuộc đấu tranh thường trực chống những “chướng ngại khoa học luận”.

Một khoa học luận của sự gián đoạn

“Phải đặt vấn đề nhận thức khoa học bằng khái niệm chướng ngại”[2]. Theo G. Bachelard, chướng ngại khoa học luận đầu tiên là chính ngay quan sát. Từ đó ông đối lập với “cảm nhận tức thì” như là công cụ nhận thức, và đặc biệt với sự quy nạp, đặc thù của những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa. G. Bachelard nghĩ rằng khoa học không đến từ việc tinh tế hóa trực giác nhạy cảm. Không tìm ra được chân lí từ trong kinh nghiệm mà chính kinh nghiệm phải được sự trừu tượng hóa các khái niệm chỉnh sửa. Nhưng những chướng ngại khoa học luận này không chỉ đơn giản là những sai lầm ngẫu nhiên. Bản thân chúng cấu thành sự phát triển khoa học. Như vậy, trí tuệ phải bắt đầu với việc phê phán điều tưởng rằng đã biết, nghĩa là bằng việc đoạn tuyệt với lí lẽ thông thường, vốn thường tiến hành bằng những hình ảnh và cản trở việc thiết lập những khái niệm chính xác. Ví dụ của tấm xốp là một minh họa hoàn hảo. Một ẩn dụ được giới khoa học lạm dụng và được Réaumur đồng nhất với không khí có thể nén như một miếng xốp, rồi với đất như kho chứa các yếu tố và cuối cùng với máu, “một kiểu xốp thấm đậm lửa”.

Vô thức khoa học

 Tuy nhiên, G. Bachelard hiểu rằng nêu lên những chướng ngại này không đủ để làm chúng biến mất. Ông ngờ rằng chúng có một bề dày tâm lí, thuộc về một kiểu vô thức khoa học luận, một phòng đợi của lí tính. Chịu ảnh hưởng những công trình của Carl G. Jung, G. Bachelard sẽ sáng tạo “phân tâm học của nhận thức khách quan”. Trong lúc mục đích của phân tâm học là giúp tự thoát ra khỏi quá khứ tâm lí của mình thì phân tâm học của nhận thức khách quan có thể giúp lí tính tự giải phóng khỏi những tin tưởng trước đây, những hình ảnh nên thơ ám ảnh lí tính. Mặt khác, G. Bachelard nhận thấy rằng cái vô thức khoa học này, cũng như vô thức freudian, gắn liền với những biểu trưng tính dục. Bằng chứng là kiến giải tính dục của một phản ứng hóa học có sự tham gia của hai nguyên tố. Cách nhìn này đi ngược với tinh thần khoa học nhưng theo G. Bachelard là một bước không thể tránh được: “Mọi khoa học khách quan mới ra đời trải qua một giai đoạn tính dục”[3]. Dường như chủ nghĩa duy lí dấn thân hướng dẫn dự án triết học của ông và đưa ông đến một hướng hoàn toàn khác, hướng của thi ca và tưởng tượng, hướng của ban đêm.
Ngày 25 tháng ba năm 1950, trong một buổi họp của Hội triết học Pháp G. Bachelard đã chia các tác phẩm của mình thành hai mảng lớn được ông so sánh với nhịp hai mươi bốn giờ của ban ngày và ban đêm. Phần ban ngày của tư duy ông bao gồm khoa học luận chặt chẽ của ông, ý thức thức tỉnh của ông, còn phần ban đêm được dành cho tưởng tượng thi ca. Ẩn dụ ngày đêm không phải là không quan trọng. Nó hàm nghĩa sự đối lập cơ bản giữa hai yếu tố trái ngược nhau nhưng cũng gợi ý sự luân phiên bổ sung cho nhau điều tiết vòng quay trái đất.

Chủ nghĩa siêu thực và hình ảnh nên thơ

Trong tác phẩm La psychanalyse du feu (1936), G. Bachelard giải thích rằng khoa học và tưởng tượng được thể hiện theo hai trục đối lập nhau. Khoa học, tiến bộ và hướng tương lai trong khi tưởng tượng quay về khởi thủy. Cho đến đây G. Bachelard quan tâm đến các hình ảnh chỉ để nắm bắt tốt hơn những điều kiện của nhận thức khoa học.
 Nhưng trong lúc chủ nghĩa siêu thực dần dần được thừa nhận trong văn chương thời bấy giờ, ông cuối cùng khuất phục trước quyền lực mê hoặc của mộng tưởng. Được nuôi dưỡng bởi một niềm đam mê mới, G. Bachelard lao vào việc khám phá những hình ảnh có chất thơ được ông tập hợp theo một nguyên lí vũ trụ (lửa, nước, đất, khí). Ông để lại cho hậu thế văn học một loạt những công cụ phân tích đổi mới cách tiếp cận thi ca. G. Bachelard tự phân thân. Từ nay, ông không thể tự bằng lòng với một cách tiếp cận duy nhất, một cách đọc duy nhất: “Tôi đã đọc để học hỏi, để hiểu biết, tôi đã đọc để tích lũy các ý tưởng, và rồi một hôm, tôi nhận ra rằng các hình ảnh văn chương có đời sống riêng của chúng (…). Tôi ngộ ra là các quyển sách lớn xứng đáng để có một cách đọc kép, phải lần lượt đọc chúng với một tinh thần sáng tỏ và một sự tưởng tượng nhạy cảm”[4].



Louisa Yousfi


Về …

Sự hình thành tinh thần khoa học, của Gaston Bachelard


Tư duy một cách duy lí, khoa học không phải là một quá trình tự phát của con người. Điều này chỉ có thể diễn ra sau khi vượt qua một số chướng ngại khoa học luận. Đó là luận điểm trung tâm của Sự hình thành tinh thần khoa học, tác phẩm chính của Gaston Bachelard (1939), Minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc với chức năng người thầy giáo được ông hành nghề cho đến cuối cuộc đời, Bachelard đi tìm cái lõi khoa học luận của ông trong việc giảng dạy. Quan tâm đến việc hiểu sự phát triển của trí tuệ con người, ông trách các thầy giáo các bộ môn khoa học đã không ý thức đầy đủ đến những kiến thức thực nghiệm mà học sinh đã tích lũy được khi đến trường. Do đó vai trò của thầy giáo không phải là truyền thụ một kiến thức thực nghiệm mà là thay đổi kiến thức này, “lật đổ những chướng ngại mà cuộc sống hằng ngày đã chồng chất”.
Từ nhận xét trên của một người thầy, Bachelard sẽ quan niệm tiến bộ khoa học như một cuộc đấu tranh thường trực chống những “chướng ngại khoa học luận”. Theo Bachelard,chướng ngại khoa học luận đầu tiên là chính ngay quan sát, và như vậy đối lập với “cảm nhận tức thì” như là một công cụ nhận thức, và đặc biệt với sự quy nạp, đặc thù của những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa. Đối với ông, khoa học không đến từ việc tinh tế hóa trực giảm nhạy cảm. Không tìm ra được chân lí từ trong kinh nghiệm mà chính kinh nghiệm phải được sự trừu tượng hóa các khái niệm chỉnh sửa. Nhưng những chướng ngại khoa học luận này không chỉ đơn giản là những sai lầm ngẫu nhiên. Bản thân chúng cấu thành sự phát triển khoa học. Như vậy, trí tuệ phải bắt đầu với việc phê phán điều tưởng rằng đã biết, nghĩa là bằng việc đoạn tuyệt với lí lẽ thông thường, vốn thường tiến hành bằng những hình ảnh và cản trở việc thiết lập những khái niệm chính xác.
Để minh họa, Bachelard lấy ví dụ của điện. Vào thế kỉ XVIII, người ta tranh nhau xem những thí nghiệm thích thú trong đó một công chúng thượng lưu giật nẩy mình khi bị điện giật trong lúc “phải đợi đến khoa học buồn tẻ của Coulomb mới tìm thấy những định luật khoa học đầu tiên về điện”. Trong trường hợp đầu, có sự cảm nhận tức thì về một hiện tượng, còn trường hợp sau phát triển một quá trình kiến giải thật sự nhờ có nỗ lực trừu tượng hóa. Do đó, cách tiếp cận khoa học được hình thành bằng một sự gián đoạn triệt để với những cách tư duy và phát biểu thông thường. Bởi thế, Bachelard phản bác những ai cho rằng cảm nhận tức thì của chúng ta là một công cụ nhận thức. Năng lực phát biểu những tra vấn xác đáng mới là dấu hiệu của tinh thần thật sự khoa học: “Mọi nhận thức là một câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu không có câu hỏi thì không thể nào có nhận thức khoa học. Không có gì là đương nhiên. Không có gì là cho trước. Tất cả được kiến tạo”.

Tuy nhiên, Bachelard hiểu rằng nêu lên những chướng ngại này không đủ để làm chúng biến mất. Ông ngờ rằng chúng có một bề dày tâm lí, thuộc về một kiểu vô thức khoa học luận, một phòng đợi của lí tính. Chịu ảnh hưởng những công trình của Carl G. Jung, G. Bachelard sẽ sáng tạo “phân tâm học của nhận thức khách quan”. Trong lúc mục đích của phân tâm học là giúp tự thoát ra khỏi quá khứ tâm lí của mình thì phân tâm học của nhận thức khách quan có thể giúp lí tính tự giải phóng khỏi những tin tưởng trước đây, những hình ảnh nên thơ ám ảnh lí tính. Mặt khác, G. Bachelard nhận thấy rằng cái vô thức khoa học này, cũng như vô thức freudian, gắn liền với những biểu trưng tính dục. Bằng chứng là kiến giải tính dục của một phản ứng hóa học có sự tham gia của hai nguyên tố. Cách nhìn này đi ngược với tinh thần khoa học nhưng theo G. Bachelard là một bước không thể tránh được : “Mọi khoa học khách quan mới ra đời trải qua một giai đoạn tính dục”. Dường như chủ nghĩa duy lí dấn thân hướng dẫn dự án triết học của ông và sẽ đưa ông đến một hướng hoàn toàn khác, hướng của thi ca và tưởng tượng, kết thúc cùng năm với tác phẩm La psychanalyse du feu (1938), tác phẩm của ông được nghiên cứu nhiều nhất ngày nay. Thật vậy, vì nếu ông còn giữ một vai trò quan trọng trong bối cảnh Pháp thì đó chính là nhiều hơn nhờ mặt Bachelard “ban đêm”, người nghiên cứu thơ ca có ảnh hưởng quyết định đến phê bình văn chương. Những tác giả như Roland Barthes và các thành viên của Câu lạc bộ Genève đã biết vận dụng tác phẩm này và chỉ ra bằng cách nào nó thích hợp với tính thống nhất của một tư duy. 

Louisa Yousfi

Về …

Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, của Thomas Kuhn

Tác phẩm Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học ảnh hưởng lớn đến các nhà khoa học, và cả đến nhiều chuyên gia các khoa học xã hội: sử gia, nhà kinh tế, nhà xã hội học v.v… Được xuất bản năm 1962 và đến nay được in cả triệu bản, tác phẩm với thành công không thể phủ nhận này đã tạo nên một cuộc cách mạng nhỏ trong cách tư duy về khoa học và chịu nhiều phê phán. Thật vậy, trong tác phẩm này, Thomas Kuhn, giáo sư đại học MIT, đổi mới hoàn toàn cơ năng của tiến bộ khoa học.
Thể theo học thuyết thực chứng thống trị, tiến bộ của các khoa học sinh ra từ việc tích lũy kiến thức. Người ta quan niệm rằng bằng cách thêm những kết quả vào các lí thuyết thì với thời gian ta sẽ luôn đến gần chân lí. Theo Kuhn, sự việc không diễn ra như thế. Tiến bộ khoa học diễn ra bằng sự nối tiếp của những thời kì bình lặng và gián đoạn. Trong những thời kì ổn định, bộ môn phát triển, được tổ chức chung quanh một paradigma thống trị, tức là một khuôn khổ lí thuyết mà cộng đồng các chuyên gia chấp nhận. Ví dụ, cơ học Newton đã vận hành như vậy từ hế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX mà không bị đặt thành vấn đề. Người ta đã tích lũy những kiến thức và cả những vấn đề phải giải quyết.
Khi những điều bất thường này nhân bội thì nổ ra một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến một cuộc cách mạng khoa học. Một paradigma mới, nói ngược lại paradigma cũ, sẽ sản sinh những khuôn khổ tư duy mới. Ví dụ, lí thuyết tương đối của Albert Einstein đã cho phép tính đến những sự kiện chưa được giải thích, như việc không thể vượt quá vận tốc ánh sáng trong chân không. Cũng như thế mà vật lí các hạt đã thoát ra khỏi vật lí Newton. Bằng sơ đồ này, Kuhn cũng nhấn mạnh dấu ấn xã hội của hoạt động khoa học. Nếu một lí thuyết nhất định tạm thời thống trị thì có một mạng những nhà nghiên cứu bảo vệ và lan truyền nó. Vào thế kỉ thứ III trước công nguyên, Aristarque de Samos từng bảo vệ giả thiết nhật tâm nhưng không có ai ngó ngàng đến. Hệ thống địa tâm của Ptolémée thỏa mãn những đòi hỏi của khoa học chuẩn định của thời gấy giờ.
Do đó còn lâu mới theo dòng chảy của một con sông bình lặng, tiến bộ của các khoa học là không liên tục mà diễn ra bằng những bước nhảy vọt, xung đột và ganh đua … Qua đó, Kuhn nhấn mạnh tính tương đối của nhận thức và đặt thành vấn đề tính khách quan của các nhà khoa học. Một quan niệm như thế khiến hơn một nhà khoa học phải dị ứng giật nẩy … 

Sophie Desbois

Về …

Cái bình thường và cái bệnh lí, của Georges Canguilhem

Năm 1945, đang tham gia cuộc Kháng chiến [chống phát xít Đức - ND] triết gia Georges Canguilhem bảo vệ luận án y khoa có tựa là “Tiểu luận về vài vấn đề liên quan đến cái bình thường và cái bệnh lí”. Một luận án y khoa, không tầm thường đối với một triết gia. Sau này luận án trở thành phần đầu của tác phẩm chính của G. Canguilhem, Le normal et le pathologique, xuất bản năm 1966, đi kèm với những suy tư mới trên cùng chủ đề được viết hai mươi năm sau.
Nhưng làm sao một triết gia với một lộ trình rất cổ điển lại quan tâm đến y khoa? Đằng sau sự quan tâm này đã ẩn nấu một quan niệm nhất định về triết học vì, như ông đã ghi ngay trong phần dẫn nhập, “triết học là một suy tưởng mà theo đó bất kì chất liệu lạ nào đều tốt, và chúng tôi sẵn sàng nói rằng mọi chất liệu tốt đều lạ”. Nhưng tại sao lại đặc biệt là y khoa ? Tức thì Canguilhem giải thích: “Chúng ta thật sự chờ đợi từ y khoa một sự dẫn nhập vào những vấn đề cụ thể của con người. Y khoa từng hiện ra, và vẫn còn hiện ra như một kĩ thuật hay một nghệ thuật ở giao lộ của nhiều khoa học hơn là như một khoa học theo đúng nghĩa”. Thay vì tìm cách phát biểu bằng một diễn ngôn khái niệm và trừu tượng về cái bình thường và cái bệnh lí, triết gia mong muốn đối mặt, có thông tin, với những thực tế cụ thể của con người. Mặt khác, đằng sau cách đặt vấn đề cái bình thường và cái bệnh lí cũng đã có một phác thảo về vấn đề những quan hệ giữa khoa học và kĩ thuật. G. Canghuilem nhìn y khoa không hẳn như một khoa học mà như một “kĩ thuật thiết lập và và phục hồi cái bình thường”, cho dù kĩ thuật này có thể vận dụng những phương pháp khoa học. Vấn đề cái bình thường này không ngừng ám ảnh sự nghiệp của G. Canguilhem khi ông nhấn mạnh rằng nếu vấn đề được đặt ra là vì trước hết có sự đề kháng của cái bất bình thường. Nếu không có cái bất bình thường thì sẽ không có những chuẩn và chỉ có những quy luật. Do đó, “về mặt logic, cái bất bình thường là thứ yếu nhưng nó là chính yếu về mặt trải nghiệm hiện sinh”.
Như vậy, suy nghĩ về những khái niệm cái bình thường và cái bệnh lí, G. Canguilhem dẫn ông đến một đảo lộn chủ yếu khi xét lại một quan niệm thực chứng và coi thường thể xác về y khoa: “Tính chất của bệnh lí là một sự du nhập có nguồn gốc kĩ thuật và qua đó có nguồn gốc chủ quan. Không có bệnh lí khách quan”. Chính sự lật đổ này khiến nhà phân tâm học Réné Mayor cho rằng người nói câu trên năm 1943 đã đi trước năm mươi năm[5].

Sức khỏe, một khái niệm tầm thường[6]

Một trong những luận điểm trung tâm của G. Canguilhem đó là bệnh lí không phải là cái trái ngược của chuẩn mực mà là cái trái ngược của sức khỏe. Thế thì thế nào là sức khỏe? Sức khỏe thể hiện một quan hệ nhất định của một con người với đời người ấy, đó là một quan hệ được trải nghiệm. G. Canguilhem nhiều lần trích dẫn định nghĩa của nhà phẫu thuật René Leriche: “Sức khỏe là cuộc sống trong sự im lặng của các cơ quan”. Chính bệnh tất phá vỡ sự hiển nhiên này, cái quan hệ với cơ thể không được tra vấn vì không được đặt thành vấn đề. Chính vì thế mà bệnh tật trước tiên phải được nắm bắt từ tính chủ quan và độc nhất của người bệnh. Sau này, G. Canguilhem sẽ viết như sau: “Không có khoa học về sức khỏe … Sức khỏe không phải là một khái niệm khoa học, đó là một khái niệm tầm thường”.
Nhưng để đặt cơ sở cho luận điểm trung tâm này, trước đó nhà tư tưởng phải phê phán một luận điểm khác đã trở thành trong thế kỉ XIX một giáo điều không bị tra hỏi: cái giáo điều đặt thành đồng nhất thức về chất giữa cái bình thường và cái bệnh lí khi chỉ thấy trong các hiện tượng bệnh lí những biến thiên định lượng của một số hiện tượng bệnh lí. Chẳng hạn, đó là trường hợp của bệnh tiểu đường đối với Claude Bernard. Bình thường máu có glucose. Đối với người bị đái tháo đường, do đó tự nó đường máu không phải là một hiện tượng bệnh lí mà lượng của nó mới là hiện tượng bệnh lí. Có tiểu đường khi lượng đường máu quá cao. Thật ra giáo điều thực chứng triệt tiêu hoàn toàn chiều kích trải nghiệm của căn bệnh, và theo nghĩa ấy nó lầm lẫn về ý nghĩa của cái bệnh lí: “Đối với người lành mạnh, căn bệnh không còn là đối tượng của nỗi lo sợ mà đã trở thành đối tượng nghiên cứu của lí thuyết gia về sức khỏe”.    

Giáo điều của việc đồng nhất cái bình thường và cái bệnh lí

Lịch sử của giáo điều này làm nổi lên hai khuôn mặt chính: Auguste Comte và Claude Bernard, cho dù mục tiêu của họ là khác nhau. Với A. Comte mối quan tâm được chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái bệnh lí nhằm xác định bằng tư biện những quy luật của cái bình thường. Thật vậy, còn xa mới được hiện ra như một kinh nghiệm sống, bệnh tật được ông cảm nhận như một thí nghiệm tự phát làm rõ bằng cách phóng to những định luật của cái bình thường. Cách nhìn của C. Bernard là khác khi sự quan tâm chuyển từ cái bình thường sang cái bệnh lí nhằm tác động đến bệnh lí và như vậy để đặt cơ sở cho một liệu pháp. C. Bernard còn đi xa hơn nữa khi thiết lập những thủ tục thử nghiệm và những phương pháp để lượng hóa cái bình thường và cái bệnh lí. Nhưng trong thực tế, như G. Canguilhem cho thấy, ông không thật sự loại bỏ được sự khác biệt định tính. Ở người lành mạnh và người bị bệnh tiểu đường, hành vi của thận là khác nhau. Không còn chỉ là sự thay đổi đơn giản về mức độ, do đó có công thức đáng kinh ngạc của nhà triết học: “Bị bệnh tiểu đường là thay đổi thận”. Đối với G. Canguilhem, bệnh tật không chỉ tác động một phần mà làm thay đổi toàn bộ cơ thể, vốn là một tổng thể. Để lấy lại ví dụ bệnh tiểu đường thì bệnh này thật ra ảnh hưởng đến tất cả các chức năng của cơ thể, chứ không chỉ thận, tụy hay tuyến yên vì người bệnh có nguy cơ bị lao, hoại thư trong trường hợp bị nhiễm trùng, hôn mê, vô sinh hay bất lực. Ở đây còn nhiều hơn là sự thay đổi mức độ: “Bị bệnh, đối với con người, thật sự là sống một cuộc sống khác”.
Claude Bernard
Auguste Comte
Trong thực tế, giáo điều này quy về một số tiền giả định mà ta có thể xem là có tính ý thức hệ. Trước tiên, nó đánh dấu việc phủ nhận đau ốm là có thật và thể hiện một quan hệ nhất định với bệnh tật: “Trước hết điều hiện ra là niềm tin lạc quan duy lí rằng bệnh tật không có thật”. Cũng là sự khẳng định mạnh mẽ rằng cái sống thuận theo một tất định luận nghiêm ngặt, không có bất ngờ. Cuối cùng, theo quan niệm này, kĩ thuật điều trị chịu sự chi phối của sinh lí học. Ở đây cũng thế, có một lí do nằm đằng sau: nếu tri thức phụ thuộc vào kĩ thuật thì như vậy là thừa nhận có một sự rối loạn nhất định và dù sao đi nữa có một tiến bộ khoa học thất thường.

Vị trí hàng đầu của bệnh nhân

G. Canguilhem hàm ơn nhà phẫu thuật R. Leriche đã đặt lại vấn đề vị trí hàng đầu của khoa học trên kĩ thuật, trong trường hợp này là của sinh lí học trên liệu pháp. Đối với G. Canguilhen, bệnh tật là một thực tế cá nhân liên quan đến một con người đặc biệt. Do đó, phải đánh giá lại quan hệ giữa y khoa và người bệnh: “Do đó bao giờ về mặt pháp lí, nếu không phải là trong thực tế hiện nay, chính vì có người cảm thấy đau ốm mới có y khoa, chứ không phải vì có các bác sĩ mà con người biết được từ họ rằng mình bị bệnh”. Do đó không thể tư duy bệnh tật mà không có người bệnh. Hơn thế nữa, nếu không có người bệnh có thể là không có khoa học về những chức năng sống còn, không có sinh lí học. “Chính bệnh tật biểu lộ cho ta những chức năng bình thường vào đúng lúc nó cản trở hoạt động của các chức năng này”.
Không thể nắm bắt sinh vật như một cơ chế đơn giản phản ứng một cách máy móc với những ràng buộc. Đối với G. Canguilhem, sinh vật được xác định bởi tính chuẩn tắc của nó, tức là khả năng tạo ra những chuẩn đặc trưng cá thể ấy. “Sống, ngay cả đối với một amibe, có nghĩa là ưa thích và loại trừ”, nghĩa là đặt ra những chuẩn xác định điều gì được xem là có giá trị và điều gì bị loại bỏ để cho sinh vật có thể tự duy trì và phát triển. Cuộc sống, trái với chất vô cơ, không bàng quan với những điều kiện trong đó đời sống tiến hóa. Chính vì thế mà đối với G. Canguilhem, “sự sống là đối cực và chính qua đó là sự định vị vô thức về giá trị”. Đó là điều ông gọi bằng “tính chuẩn tắc sinh học”. Do đó, không phải khoa học đặt ra các chuẩn. Các chuẩn được ghi khắc trong chính bản thân sự sống. “Chính bản thân sự sống, chứ không phải đánh giá y khoa, mới biến cái bình thường sinh lí thành một khái niệm giá trị chứ không phải là một khái niệm hiện thực thống kê”. Sự sống là cuộc đấu tranh chống entropie, sự hủy hoại và cái chết. Chính từ tính chuẩn tắc mà ta có thể nắm bắt sự khác biệt giữa cái bình thường và bệnh lí. Tính bình thường gắn chặt chẽ với tính chuẩn tắc, với khả năng đặt ra những chuẩn. Ngược lại, bệnh lí được định nghĩa như sự giảm thiểu tính chuẩn tắc này: đó không phải là sự thiếu vắng chuẩn (và chính vì thế mà không phải là điều trái ngược với cái bình thường) nhưng nó thu về một chuẩn sống duy nhất. Thế mà có sức khỏe tốt tức là có khả năng đối mặt với những tình thế mới và ngay cả tự cho phép bị đau ốm. Ngược lại, đau ốm là có một môi trường sống bị thu hẹp, phải dưỡng sức. Với một quả thận duy nhất ta có thể ở trạng thái bình thường nhưng ta không thể cho phép đánh mất quả thận kia. Đau ốm có thể là không còn cho phép mình đi bộ sau khi đã lỡ chuyến xe buýt, không thể đến hiệu bánh mì quá xa khi hiệu bánh quen thuộc bất ngờ đóng cửa hay có khó khăn leo một cầu thang dựng đứng. Do đó, “đặc điểm của bệnh tật là sự giảm thiểu biên độ chấp nhận sự thiếu chính xác của môi trường”. Như vậy, ở trạng thái lành mạnh là còn hơn ở cả trạng thái bình thường, đó là có thể thích nghi với những thay đổi của môi trường. Bệnh ưa chảy máu miễn không bị chấn thương không phải là vấn đề. Nhưng ai có thể tránh được mọi cú sốc? Bởi thế người bị bệnh này không ngừng phải cảnh giác: người bệnh phải tránh những môn thể thao chiến đấu, thao tác với những vật dụng sắc bén, … Tóm lại, người bệnh có một cuộc sống toàn diện khác hẳn.

Trung bình không phải là chuẩn

Do đó không thể nào hiểu được cái bình thường và cái bệnh lí độc lập với môi trường trong đó con người sinh sống. Có thể gọi một người sống là bình thường đối với một môi trường khi những chuẩn mực sống của người ấy cho phép người đó tự duy trì và tái sinh sản. Do đó, ngược lại với cách nghĩ của nhà khoa học Adolphe Quetelet, trung bình không xác định được cái chuẩn mực. Tác giả này, khi nhận thấy biểu đồ chiều cao của con người trong một tổng thể thống kê thuần nhất là một đường cong Gauss (dạng một cái chuông), kết luận rằng ta có thể đồng nhất chuẩn và trung bình. Nhà xã hội học Maurice Halbwachs đã phê phán quan niệm này khi nhận xét rằng chiều cao con người là một hiện tượng không thể tách bạch chiều kích sinh học và chiều kích xã hội. Phê phán của G. Canguilhem khác với phê phán của M. Halbwachs ở chỗ đảo ngược lại mệnh đề: trung bình không phải là chuẩn mực, ngược lại, trung bình có thể xem như dấu hiệu của chuẩn mực. Sự so sánh với những nhóm người khác nhau cũng chứng tỏ rằng không thể lẫn lộn trung bình và chuẩn mực. Nếu đối với người châu Âu việc giảm đường máu gần như là chết người thì lại được người châu Phi gánh chịu không quá rối loạn, lưu lượng nước tiểu ở người Trung Quốc thấp hơn người châu Âu nhiều… Có thể giải thích những hiện tượng này bằng một số phong cách sống và việc thích nghi với môi trường. Tóm lại, không có thước đo khách quan cho cái bình thường hay cái bệnh lí. 
 
Adolphe Quetelet (1796-1874)

Maurice Halbwachs (1877-1945)
Trong luận án của ông, G. Canguilhem đã không bỏ qua chiều kích xã hội trong việc nắm bắt bệnh lí. Con người lăn lộn trong một môi trường không hẳn là một dữ kiện thuần túy nhưng do mình kiến tạo nên. Do đó phải nắm bắt cái bình thường và cái bệnh lí một cách tổng thể trong bối cảnh của xã hội. Một người cận thị trong một xã hội đồng quê không là bất bình thường, ngược lại người ấy là không bình thường trong ngành hàng hải hay hàng không. Do đó phải đặt những bệnh lí trong các xã hội. Nhưng cho dù G. Canguilhem không xem nhẹ khía cạnh xã hội trong việc nắm bắt cái sinh học thì phần đầu của luận án này chỉ tập trung vào một loại chuẩn duy nhất: những chuẩn sinh học, những chuẩn của bản thân sự sống. Tuy nhiên người ta cũng nói đến những chuẩn xã hội. Nhưng có chăng sự liên tục giữa những chuẩn xã hội và những chuẩn sinh học? Trong phần thứ hai của Cái bình thường và cái bệnh lí có tựa là “Những suy tư mới liên quan đến cái bình thường và cái bệnh lí”, được viết hai mươi năm sau phần đầu, G. Canguilhem đã xem xét vấn đề này. Trong lúc phần thứ nhất xem xét cá thể trên quan điểm sinh học thì phần thứ hai lại xem xét trên quan điểm xã hội. Vì sao lại thế? Nhiều người[7] nhìn thấy phần này, được viết trong khoảng các năm 1963-1966, như là lời đáp trả của G. Canguilhem cho Michel Foucault. Hai tác giả đều biết nhau rõ: G. Canguilhem là người báo cáo luận án của M. Foucault, “Folie et déraison. Histoire de la folie à l’âge classique”, và với tư cách giám đốc tủ sách của nhà xuất bản PUF, ông đã cho công bố quyển sách thứ hai của M. Foucault, La naissance de la clinique (1963). Thế mà trong lúc G. Canguilhem xem xét vấn đề những chuẩn cốt tử thì M. Foucault nhấn mạnh đến việc kiến tạo những chuẩn bằng trật tự xã hội và đến các quá trình bình thường hóa.

Từ những chuẩn cốt tử đến những chuẩn xã hội

Tuy nhiên G. Canguilhem không bàn đến vấn đề áp đặt những chuẩn xã hội vì chính vấn đề ấy nhưng nhằm soi sáng bản chất của các chuẩn sinh học. Theo ông việc bình thường hóa không bắt nguồn từ một yêu cầu duy lí hóa xuất hiện rõ ràng kể từ cuộc Cách mạng Pháp, trong lĩnh vực giáo dục lẫn y tế bằng những cải cách học đường hay bệnh viện. Trái với chuẩn sinh học vốn ở bên trong cơ thể, chuẩn xã hội có nguồn gốc từ một quyết định bên ngoài đối tượng mà nó muốn áp đặt. Chẳng hạn, đường ray chuẩn của đường sắt có khoảng cách 1,44 m giữa phần trong hai thanh ray. Quyết định này được lấy vì những lí do cơ học, thương mại, quân sự, kinh tế và ngay cả năng lượng. Một trường sư phạm là nơi học giảng dạy bằng cách thiết chế một số phương pháp sư phạm sẽ trở thành chuẩn. Sự vật được gọi là bình thường so với một chuẩn bên ngoài thống nhất cái đa dạng và giảm thiếu cái số nhiều. Như vậy ta hiểu rõ hơn tất cả những tách biệt những chuẩn xã hội với những chuẩn sinh học: những chuẩn xã hội nằm bên ngoài cơ thể trong lúc những chuẩn cốt tử là nội tại. Từ đó, vì bị áp đặt từ bên ngoài nên chuẩn xã hội là có vấn đề do có khoảng cách giữa thực tại và chuẩn mực mà một sự chuẩn hóa phải dụng công rút ngắn. Trái lại, sự điều tiết sống còn vì là có tính nội tại nên là hiển nhiên. Nhưng trước các chuẩn xã hội, cá nhân bao giờ cũng có thể đối lập những chuẩn khác. Do đó G. Canguilhem còn làm nổi lên bên cạnh tính chuẩn tắc sinh học một tính chuẩn tắc xã hội, nói cách khác là một khả năng đặt ra những chuẩn xã hội khác. Có thể thấy trong tính chuẩn tắc xã hội này sự liên tục của tính chuẩn tắc sinh học vì, như Guillaume Le Blanc nhận xét trong lời bình văn bản này, “chuẩn xã hội, biểu hiện của một ý chí tập thể, bao giờ cũng có thể bị một tính chuẩn tắc cá thể làm gián đoạn qua đó việc tăng giá trị của một trạng thái sự việc khác mở ra một khả năng mới làm đảo lộn hiện trường của cuộc sống xã hội (…). Do đó các chuẩn xã hội không thoát ra ngoài sự sáng tạo của con người”[8].
Louis Althusser (1918-1990)
Jacques Lacan (1901-1981)
Michel Foucault (1926-1984)










Cái bình thường và cái bệnh lí là một tác phẩm được trích dẫn nhiều tuy có lẽ là không thường được đọc nhiều. Thật vậy, văn bản này đã biết cách nhấn mạnh tính sáng tạo của con người và chiều kích chủ quan của bệnh tật, và do đó nhấn mạnh vị thế phải dành cho người bệnh. Lúc được xuất bản, tác phẩm đã có ảnh hưởng lớn đến những môn đồ của Louis Althusser, Jacques Lacan và đến Michel Foucault. Không là một tác phẩm đã lỗi thời và hết sinh khí minh chứng cho một trường phái Pháp lẫy lừng về triết học và lịch sử các khoa học, nó vẫn còn là một tác phẩm hiện đại và được các nhà triết học, bác sĩ và cả những nhà phân tâm học, tâm lí học và luật gia quan tâm. Hơn thế nữa, ngay triết học anglo-saxon, thường là thông qua M. Foucault, phát hiện trở lại G. Canguilhem mà danh tiếng chắc chắn là chưa bao giờ nổi như ngày nay. 

Catherine Halpern

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013



[1] Trong La poétique de la rêverie (1960), Gaston Bachelard đối lập animus, tương đương với tinh thần khoa học, tức là lí trí, với anima, vốn thuộc về sự tưởng tượng và mơ tưởng.

[2] n.t.

[3] n.t.

[4] “La poésie et les éléments matériels”, nói chuyện trên đài phát thanh France Culture ngày 20 tháng 12 năm 1952.

[5] R. Major, “Cinquante ans d’avance”, in Collectif, Actualité de Georges Canguilhem. Le normal et le pathologique, Les empêcheurs de tourner en rond, 1998.

[6] G. Canguilhem, “La santé: concept vulgaire et question philosophique”, Cahier du séminaire de philosophie, vol VIII, 1988.

[7] Ví dụ, xem É. Roudinesco, “Georges Canguilhem, de la médecine à la résistance: destin du concept de normalité”, in Collectif, Actualité de Georges Canguilhem. Le normal et le pathologique, op.cit; P. Machery, “De Canguilhem à Canguilhem en passant par Foucault”, in Collectif, Actualité de Georges Canguilhem. Philosophe, historien des sciences, Albin Michel, 1993.

[8] G. Le Blanc, Canguilhem et les normes, PUF, 1998.

[*] Sự hình thành tinh thần khoa học, NXB Tri thức, Hà Nội, 2009 (ND).

Print Friendly and PDF