18.9.14

Lịch sử phân tích kinh tế

Lịch sử phân tích kinh tế

Để có thể hoàn thành công việc được giao cho chương này trong bộ Bách khoa kinh tế, chúng tôi đã theo một cách tiếp cận có chọn lọc và mang tính cá nhân. Trong số lớn những nhà kinh tế, chúng tôi chỉ giữ lại những khuôn mặt nổi bật, Smith, Ricardo và Marx cho các nhà cổ điển; Marshall, Walras, Hayek và Keynes cho các nhà kinh tế hiện đại. Không có một tác gia nào trước Smith được nghiên cứu. Tương tự như thế đối với những tác gia sau đó, như Malthus, Say, J. S. Mill, Cournot, Jevons, Wicksell và Sraffa, cũng như những phát triển hiện đại khác nhau, như lí thuyết trò chơi, kinh trắc học, lí thuyết thể chế.
Hai phần đầu của bài này có tính phương pháp luận. Phần thứ nhất bàn về đối tượng và những thách thức của lí thuyết kinh tế, phần thứ hai đề cập đến tính thống nhất của khoa học này. Phần thứ ba và là phần chính vạch ra tiến hoá của những lí thuyết kinh tế thông qua những đóng góp của các tác giả được lựa chọn. Phần này kết thúc bằng việc xem xét nhanh cuộc tranh luận đương đại về đóng góp của Keynes và việc Lucas và những nhà “cổ điển mới” xét lại đóng góp này. Toàn bài sẽ nhấn mạnh đến những ý đồ lí thuyết của các tác giả hơn là đến nội dung của các lí thuyết và ưu tiên sẽ được dành cho khía cạnh so sánh.    

1. Đối tượng và những được thua của lí thuyết kinh tế
1.1 Đối tượng
Cứ chấp nhận rằng mục đích của lí thuyết kinh tế là tìm hiểu cơ chế vận hành “tự phát” của một nền kinh tế thị trường (hay phi tập trung) để rút ra những bài học về tính thích hợp của một sự can thiệp của Nhà nước trong cơ chế này. Một đề tựa như vậy tất nhiên là quá tổng quát và cần phải chia nhỏ ra. Chúng tôi đặt khả năng đứng vững của nền kinh tế phi tập trung hay việc phối hợp những quyết định trong nền kinh tế này ở trung tâm của vấn đề: làm thế nào quan niệm được là một xã hội, trong đó tất cả các quyết định được lấy một cách độc lập với nhau, lại có thể tồn tại mãi? Bằng cách nào khi không có kế hoạch những quyết định độc lập có thể tương hợp với nhau? Việc xác lập những luận điểm này phải thông qua những bước trung gian, đặc biệt là việc thay thế khả năng đứng vững của hệ thống bằng khái niệm cân bằng như một đặc điểm của một sự phối hợp tối ưu. Đến lượt nó khả năng cân bằng được chia thành hai câu hỏi nhỏ, một câu hỏi về khả năng logic của cân bằng và việc đặc trưng trạng thái này, và một câu hỏi về cơ chế xã hội nhờ đó cân bằng được thực hiện, một cách thật sự hoặc chỉ là có xu hướng thực hiện. Nhiều câu hỏi khác đến ghép thêm vào cái lõi trung tâm này. Một số liên quan đến toàn bộ nền kinh tế và nhằm vào tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường, những triển vọng phát triển hoặc đình trệ, những biến động mang tính tình thế, vai trò của chế độ làm công ăn lương và cuối cùng là sự phân phối của thu nhập, sự tồn tại và nguyên nhân của những bất bình đẳng, nghèo khó và bóc lột. Một số câu hỏi khác liên quan đến những tác nhân của một hệ thống như thế. Ở đây là việc đề ra những tiêu chí trên đó các tác nhân phải dựa vào, trong những bối cảnh khác nhau, để hành động một cách tối ưu. Cả hai khiá cạnh này không hoàn toàn tách rời nhau vì, từ thời Adam Smith, một trong những trực giác chính của kinh tế chính trị học là việc điều tiết của hệ thống phải được hiểu như là kết quả bất ngờ của những hành vi tối ưu hoá.                 

1.2 Được thua về mặt chính trị
Lúc đầu khoa học kinh tế hiện ra như một suy tư về tổ chức kinh tế lí tưởng của xã hội, về tính tự điều tiết của kinh tế thị trường và tính thích hợp của những can thiệp của Nhà nước trong nền kinh tế này. Đó là những chủ đề vô cùng chính trị. Mặt khác, theo dòng  phát triển của bộ môn, ta có thể nhận thấy biến hoá của phong cách diễn ngôn lí thuyết mà đặc điểm là sự toán học hoá dần dần. Việc kĩ thuật hoá này, đi cùng với với sự thay đổi tên gọi từ “political economy” (kinh tế chính trị học) thành “economics” (kinh tế học) có đặt lại vấn đề về sự được thua chính trị của cuộc bàn luận lí thuyết không? Đó là câu hỏi chúng tôi muốn bàn dưới đây.
Câu trả lời của chúng tôi phụ thuộc vào cách biện minh, rất cá nhân, cho việc viện dẫn đến chủ nghĩa hình thức. Biện minh thông dụng nhất là chủ nghĩa hình thức cho phép thoát ra khỏi tính phức tạp của hiện thực bằng cách chỉ giữ lại những khía cạnh được giả định là chủ yếu. Tuy nhiên không phải là một điều hiển nhiên rằng những đặc tính được lựa chọn là do tính thích đáng của chúng! Do đó chúng tôi chuộng kiểu lí lẽ thứ hai theo đó lời biện minh cho việc viện dẫn đến hình thức hoá xuất phát từ một suy nghĩ về điều có thể gọi là những “tố chất” cần thiết cho một cuộc bàn luận lí thuyết nghiêm túc. Theo quan điểm này, lợi thế của hình thức hoá là cho phép tiến hành một cuộc thảo luận chặt chẽ, có khả năng dẫn đến những kết luận được chứng minh và từ đó đạt đến một sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế, mở đường cho những hiểu biết ngày càng được tích lũy. Trong cách nhìn này, không nên tìm cách biện minh cho những giả thiết, như tính duy lí của tối đa hoá hay những năng suất không đổi hay giảm dần, bằng một lí lẽ thực tế nhưng bằng tính thích hợp lí thuyết; trong hiện trạng của lí thuyết, không thể đạt đến những kết quả tốt nếu không có những giả thiết này! Nói cách khác, trong việc lựa chọn những nét của nền kinh tế-hư cấu được xem xét, tiêu chí tính hoạt động lí thuyết phải áp đảo tiêu chí tính thực tế hay “tính chủ yếu” của nét được chọn. Theo quan niệm này, những nhà kinh tế được xem như những tay thích đấu kiếm với các khái niệm. Họ có một truyền thống khái niệm, những công cụ toán học và những qui tắc phát biểu những mệnh đề lí thuyết, mà với thời gian giới trong ngành đã đồng ý với nhau. Lí thuyết hiện ra như một ngôn ngữ và có thể nói được mọi điều với ngôn ngữ này miễn là tôn trọng ngữ pháp của nó.
Người ta có thể nghĩ rằng lí thuyết hoá trở thành một hoạt động thuần túy như một trò chơi. Tuy nhiên hoàn toàn không phải là thế. Thật vậy, giống như các nhà cổ điển, những nhà kinh tế vẫn là những luật sư của một trong những quan niệm về tổ chức của nền kinh tế. Công việc của những tay đấu với các khái niệm này trước hết là việc thuyết phục về mặt tri thức trong nội bộ cộng đồng khoa học. Nhưng kết quả của những công trình của họ, không nhất thiết được hiểu trong chiều kích kĩ thuật của chúng, cũng vượt khỏi phạm vi nghề nghiệp và như thế tham gia vào cuộc tranh luận chính trị trong xã hội. Tóm lại, trong cách nhìn này và dù cho điều này có vẻ là một nghịch lí, kinh tế lí thuyết, cực kì toán học hoá, có thể được xem như một ngành đặc biệt, được tiên đề hoá hơn các ngành khác, của triết học chính trị.
Do đó quan điểm ở đây là nhằm đối lập sự linh hoạt có tính ý thức hệ của các lí thuyết và sự nhập cuộc có tính ý thức hệ của những lí thuyết gia. Cơ sở của quan niệm này là sự phân biệt giữa lí thuyết và siêu lí thuyết. Thuật ngữ cuối này được hiểu trong nghĩa rộng. Chúng tôi dùng nó để chỉ những bình luận về một lí thuyết nhất định, của những người sáng lập ra lí thuyết đó hay của những người khác. Trong những lời bình này cần dành ưu tiên cho hai mặt: so sánh lí thuyết này với những lí thuyết khác và những kết luận chính trị người ta nghĩ có thể rút ra được từ lí thuyết ấy. Phần sau của bài viết sẽ nêu những khoảng cách có thể có giữa hai mức độ của diễn ngôn trong trường hợp của những tác giả mà, theo chúng tôi, có cùng một lí thuyết nhưng lại có những cách kiến giải siêu lí thuyết đối lập nhau, hoặc ngược lại, trường hợp của những tác giả dường như có những lí thuyết khác nhau song lại tuyên bố rằng lí thuyết của họ là tương tự! Hầu hết các nhà kinh tế đều pha trộn một cách xảo trá cả hai loại diễn ngôn. Cố tật này là phổ biến và cách làm này là sòng phẳng do tầm quan trọng của sự được thua trong những cuộc tranh luận. Nhưng nhà sử học về những lí thuyết phải không để bị điều này đánh lừa. Mặt khác, chấp nhận sự phân biệt trên buộc nhìn lại dưới một giác độ mới quan hệ giữa lí thuyết và hệ tư tưởng. Ví dụ, điều này dẫn tới việc từ chối thiết lập một quan hệ tất yếu giữa lí thuyết tân cổ điển và hệ tư tưởng tự do. Quả đúng là nhiều công trình tự cho là có thể suy ra từ lí thuyết này những kết luận chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa tự do. Nhưng theo chúng tôi, điều này chỉ đơn giản cho thấy rằng đa số những lí thuyết gia vận dụng lí thuyết này tự nhận là những luật sư của chủ nghĩa tự do, chứ không có nghĩa rằng kết quả trên là một đặc tính nội tại của lí thuyết tân cổ điển. Để nói một cách khác, với một ví dụ trái nghịch, thì tính mềm dẻo siêu lí thuyết của lí thuyết walrasian hiện ra trong việc có thể dùng lí thuyết này để xây dựng những mô hình chứng minh tính ưu việt của sự can thiệp của Nhà nước cũng như để nêu bật những luận điểm marxist (Roemer, 1980; Bowles, 1985).                 

2. Tính duy nhất hay tính đa nguyên của lí thuyết kinh tế
Sự phát triển của lí thuyết kinh tế thường được kiến giải một cách tuyến tính. Như vậy những lí thuyết cũ được phân tích theo thước đo của những quan niệm đương đại, trong trường hợp này là theo lí thuyết tân cổ điển, như những cách phát biểu phôi thai của những quan niệm đương đại, hay như những đường vòng lí thuyết. Một cách nhìn ngược lại là cho rằng trong kinh tế học không chỉ có thể có một nhưng nhiều cách tiếp cận không thể qui về một cách duy nhất và, một cách tiên nghiệm, mọi cách tiếp cận đều có giá trị. Theo cách nhìn này người ta sẽ không nói đến lí thuyết kinh tế mà chỉ nói lí thuyết thống trị hay chính thống và những lí thuyết khác, thật ra ít quan trọng bằng nhưng là những lí thuyết cạnh tranh tiềm tàng với lí thuyết thống trị.       
Cách tốt nhất để minh hoạ giả thiết tính đa nguyên, giả thiết được chúng tôi ưa chuộng, là liệt kê những lí thuyết kinh tế sẵn có. Tuy nhiên làm việc này là khó vì phải kết hợp một mặt, sự kiện nhận xét được là có những truyền thống khác nhau với, mặt khác là trực giác lí thuyết theo đó có thể nhận diện một cách tiên nghiệm những tiêu chí khả dĩ làm cơ sở cho việc phân biệt các cách tiếp cận. Về điểm thứ nhất, người ta nghĩ ngay đến ba truyền thống: marxist, cổ điển và tân cổ điển. Tuy nhiên, theo những gì vừa trình bày về sự phân biệt lí thuyết/siêu lí thuyết, có những luận chứng nghiêm túc để đưa lí thuyết marxist vào cách tiếp cận cổ điển. Chúng tôi hiểu cách tiếp cận cổ điển như trục tư tưởng đi từ Ricardo đến Sraffa và những tác giả đương đại khác, và đi ngang qua Marx. Ngược lại, theo chúng tôi, sẽ là hữu ích khi chia cách tiếp cận tân cổ điển thành ba thành phần: những lí thuyết marshallian, walrasian và Áo. Cuối cùng, một truyền thống khác, hợp thành từ những trực giác không cổ điển của Marx, một cách kiến giải phi chính thống về Keynes và những quan điểm của Kalecki theo chúng tôi đáng để được xét dưới tên “cách tiếp cận tiền tệ”. Dù chỉ mới được phát triển, việc nên tính đến cách tiếp cận này là do nó chiếm một vị trí sẽ bỏ trống trong tổ hợp những lí thuyết có thể.
Có ít nhất ba loại tiêu chí có thể tham gia vào việc phân biệt những cách tiếp cận lí thuyết: những lựa chọn chính trị gắn với những cách tiếp cận khác nhau, những vấn đề được các cách tiếp cận ưu tiên và cuối cùng là những lựa chọn phương pháp luận cơ bản của các cách tiếp cận. Tuy nhiên những suy nghĩ đã trình bày ở trên khiến chúng tôi không chọn tiêu chí thứ nhất dù trong thực tế tiêu chí này có một vị trí hàng đầu trong việc lựa chọn một cách tiếp cận. Thật vậy, nếu ta thừa nhận có một khác biệt giữa lí thuyết và siêu lí thuyết thì việc chấp nhận một hệ chuẩn (paradigme) trên cơ sở sự phân biệt này hiện ra như kết quả của một sự hiểu lầm. Đồng thời, việc vận dụng tiêu chí này kéo theo một hiện tượng tiên đoán sáng tạo càng củng cố thêm hình ảnh chính trị gắn liền với những cách tiếp cận khác nhau.
Nhiều tác giả (ví dụ, Dasgupta, 1985) đã cố gắng xây dựng luận điểm theo đó sự phân biệt các hệ chuẩn dựa trên thứ bậc được những hệ chuẩn này xác lập giữa những vấn đề khác nhau hợp thành đối tượng của lí thuyết kinh tế. Điều này là có giá trị nhất đối với sự đối lập giữa các nhà cổ điển và tân cổ điển. Đối với các nhà cổ điển, vấn đề chính là tăng trưởng và đình đốn. Ngược lại, các nhà tân cổ điển ưu tiên cho việc nghiên cứu quyết định duy lí và tính hiệu quả, những yếu tố khác được kết hợp thêm từ hai điểm này. Như vậy việc tra vấn sự tăng trưởng vẫn còn đó nhưng không quan trọng bằng và là dưới dạng một phân tích những điều kiện của một tăng trưởng cân bằng hơn là dưới dạng một suy nghiệm về sự suy tàn của hệ thống. Để lấy một ví dụ khác, ngược lại với các nhà tân cổ điển, các nhà cổ điển nghiên cứu giá trị không vì chính bản thân giá trị mà như một bước bắt buộc trong quá trình suy tư về sự phân phối và bóc lột.
Nếu loại tiêu chí thứ ba những lựa chọn phuơng pháp luận cơ bản làm cơ sở cho các cách tiếp cận có vẻ là mấu chốt thì việc triển khai nó là khó khăn. Có thể hình dung hai cách tiến hành, tùy theo là ta coi trọng việc liệt kê đầy đủ hơn, hay ngược lại coi trọng việc phát hiện những lát cắt chủ yếu. Một minh hoạ của cách thứ nhất được trình bày trong phiếu số 1. Chúng tôi đã phân biệt năm lựa chọn cơ bản, và trong mỗi lựa chọn này có thể tiến hành thêm nhiều lựa chọn cấp hai khác.
Một lựa chọn thứ nhất là giữa điều chúng tôi gọi là một phương pháp luận không đồng nhất và một phương pháp luận đồng nhất. Phương pháp luận thứ nhất dựa trên trực giác cho rằng lí thuyết, một cách sâu sắc, là không đồng nhất và do đó trước hết công việc lí thuyết đầu tiên là đề ra những phân biệt tiên quyết. Cách tiếp cận này dẫn đến việc chia trường hiểu biết toàn diện thành những lớp có thứ bậc, và những nguyên lí lí thuyết khác nhau được áp dụng cho mỗi lớp. Các nhà cổ điển thường triển khai quan điểm này mà chúng tôi gọi là quan điểm “phân biệt”. Họ phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, sản phẩm được sản xuất và tài nguyên thiên nhiên. Đối với họ, “giá cả là một phạm trù nhiều mặt bị những lớp ấn định khác nhau chi phối” (Lapidus, 1986: 16). Cuối cùng họ chia những tác nhân kinh tế tùy theo thành phần giai cấp. Nhưng ta cũng gặp lại phương pháp luận này trong cách tiếp cận tiền tệ. Trong cách tiếp cận này, tiền tệ bị loại ra khỏi toàn bộ những sản phẩm, thị trường lao động không được xem là một thị trường “thật sự” và những chi tiêu đầu tư (của các doanh nghiệp) được đối lập với những chi tiêu tiêu dùng (của các hộ gia đình). Phương pháp luận đồng nhất, mà lí thuyết walrasian là ví dụ tốt nhất, không thừa nhận quan điểm phân biệt, viện lí do rằng một khoa học phát triển được nhìn nhận ở khả năng bao hàm một trường những hiện tượng đa dạng bằng một logic giải thích duy nhất.
Một tập hợp lựa chọn thứ hai liên quan đến vai trò phân tích được gán cho khái niệm cân bằng. Nhiều thành tố can dự vào khái niệm này mà chúng tôi chỉ nêu qua thôi:
đánh giá về thứ bậc trong chương trình nghiên cứu giữa sự tồn tại của cân bằng và quá trình để đạt tới cân bằng.
– lí thuyết hoá cân bằng. Trực giác cổ điển, được biết dưới thuật ngữ “hấp dẫn”, giả định có những trao đổi ở những “giá giả”, nghĩa là ở những giá ngoài cân bằng, và một biến động của giá thị trường xung quanh giá tự nhiên. Lí thuyết walrasian đề nghị, ít nhất là trong bước đầu, một quá trình “dò dẫm” loại trừ những giao dịch như thế.              
lựa chọn giữa phương pháp luận cân bằng bộ phận và cân bằng chung.
phương thức đưa yếu tố thời gian vào trong phân tích cân bằng.
Một lựa chọn cơ bản thứ ba liên quan đến vị thế của tiền tệ trong phân tích đối lập quan điểm phân đôi và cách nhìn về tiền tệ. Trong quan điểm đầu, kinh tế thị trường được nghiên cứu theo mô hình của một nền kinh tế hiện vật. Theo quan điểm thứ nhì, tiền tệ là một thành tố chủ yếu cần phải đưa ngay vào phân tích.
Được thua thứ tư liên quan đến giá trị. Nếu ở đây quan niệm thông thường là một lựa chọn giữa hai biến thể lí thuyết giá trị lao động và lí thuyết chủ quan về giá trị thì còn có một tùy chọn thứ ba khi tính đến cách tiếp cận tiền tệ: đó là khả năng nghiên cứu sự vận hành của nền kinh tế thị trường mà không cần qui chiếu đến một lí thuyết giá trị hay đến giá cân bằng, tài khoản của các tác nhân trở thành chuẩn độc nhất của cân bằng (Cartelier, 1985 a; De Vroey, 1987). Một loạt những hệ quả, mà chúng tôi không thể mô tả ở đây, được suy ra từ cách nhìn này.
Sau rốt một lựa chọn cuối cùng liên quan đến việc đưa dân số, và từ đó cung lao động ăn lương, vào phân tích. Có thể hoàn tất hệ thống bằng hai cách: hoặc xem dân số là nội sinh và lương thực tế là ngoại sinh, hoặc ngược lại. Cách tiếp cận thứ nhất theo quan điểm đầu, những cách tiếp cận khác theo quan điểm sau. Hơn nữa, còn phải có những giả thiết nữa cho các điểm khác, như khả năng sống sót của các tác nhân kinh tế ngoài trao đổi hàng hoá và khả năng lựa chọn giữa chế độ làm công ăn lương và lao động ở cương vị người lao động độc lập.
Như phiếu số 1 cho thấy, những tiêu chí trên cho phép định vị những cách tiếp cận trên. Phiếu cũng cho thấy là trong số ba thành tố của cách tiếp cận tân cổ điển, lí thuyết walrasian là khác xa nhất với lí thuyết cổ điển. Trên hầu hết các tiêu chí, hai cách tiếp cận này có những lựa chọn khác nhau. Điểm chung của hai cách tiếp cận này là chấp nhận sự phân đôi lĩnh vực thực tế và lĩnh vực tiền tệ. Chính vì thế mà đưa thêm vào cách tiếp cận tiền tệ như một đối chọn phương pháp luận là quan trọng. Phiếu cũng còn cho thấy là sự đối lập giữa những cách tiếp cận là không toàn diện. Tùy theo các tiêu chí có thể làm nổi lên những tập hợp con. Theo tiêu chí thứ nhất (đồng nhất/không đồng nhất) có thể đặt riêng ra cách tiếp cận walrasian. Tiêu chí thứ ba (tiền tệ) đối lập cách tiếp cận tiền tệ với những cách tiếp cận khác còn với tiêu chí thứ tư (giá trị) ta có thể có những cách phân loại tinh tế hơn! Cuối cùng ta ghi nhận vai trò bản lề của cách tiếp cận Áo. Nếu cách tiếp cận này là tân cổ điển do việc nhấn mạnh đến chủ thể quyết định thì nó cũng chia sẻ với những cách đặt vấn đề khác những suy nghĩ về những mất cân bằng.               
Nhưng có lẽ mối quan tâm đến tính đầy đủ đặc trưng cho bài tập phân loại này làm mờ đi chăng những lớp cắt lí thuyết chủ yếu? Do đó lợi ích một phân loại hẹp hơn chỉ vận dụng có hai tiêu chí: vai trò quyết định của các tác nhân và phương thức nắm bắt những đại lượng kinh tế. Tiêu chí thứ nhất cho phép tách những cách tiếp cận giao cho toàn thể các tác nhân kinh tế một vị thế quyết định như nhau và do đó phát triển một cách nhìn đồng nhất về xã hội ra khỏi những cách tiếp cận đặt lớp cắt ở điểm này. Trong nhóm thứ nhất có những cách tiếp cận tân cổ điển và trong nhóm thứ hai có cách tiếp cận cổ điển tiền tệ.
Đương nhiên là những nhận xét trên không giải quyết cuộc tranh luận về tính thống nhất hay tính đa nguyên của lí thuyết kinh tế. Tuy nhiên chúng gán cho giả thiết về tính đa nguyên một mức đáng tin nhất định. Ít nhất đó là điều chúng tôi chờ mong trong chừng mực là phần tiếp của bài này tiếp tục lí luận trên cơ sở giả thiết đa nguyên của lí thuyết kinh tế!

3. Tiến hoá của lí thuyết kinh tế
3.1 Adam Smith (1723-1790)
Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của của cải của các dân tộc (1776), tác phẩm nổi tiếng nhất của Smith, vẽ nên một bức họa lớn về nền kinh tế thị trường dựa trên một cơ chế điều chỉnh tự phát và hiệu quả: sự cạnh tranh. Trong tác phẩm này, ông bảo vệ mạnh mẽ luận đề của chủ nghĩa tự do kinh tế theo đó cách tốt nhất để gia tăng của cải một quốc gia là để cho những tác nhân kinh tế khác nhau theo đuổi quyền lợi cá nhân của họ, vai trò của chính phủ chỉ giới hạn ở việc thực thi luật pháp. Nhờ quyển sách này, Smith được xem là người sáng lập ra kinh tế chính trị học, dù cho trên điểm này còn những ý kiến không đồng tình. Chẳng hạn, Schumpeter trong một đoạn xuất sắc của Lịch sử phân tích kinh tế (1954) tuyên bố rằng Smith đã không đề xuất những ý tưởng mới nhưng thiên tài của ông là đã có những phát biểu tầm thường, đúng lúc, dễ hiểu và không làm phiền ai! Đóng góp của chúng tôi chỉ giới hạn ở hai điểm mối liên hệ được Smith xác lập giữa triết lí chính trị với tư duy kinh tế và lí thuyết giá trị và không phải là không có liên quan đến cuộc tranh luận mà lời bình của Schumpeter đã mở ra. Nhưng chúng tôi sẽ không cố gắng kết luận cuộc tranh luận!
Trước Smith rất lâu, triết lí chính trị đã nghiên cứu chủ nghĩa tự do và vấn đề mối liên hệ giữa đam mê của con người và trật tự xã hội phải chăng có thể quan niệm được là những hành vi ganh đua và ích kỉ có thể dẫn đến một kết quả hài hòa và phúc lợi xã hợi? Một cuộc tranh luận như vậy có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên Smith đã đóng góp vào cuộc tranh luận này, đặc biệt là về sự đánh giá bản tính con người. Trong lúc Hobbes có một cái nhìn rất đen tối về bản tính này thì Smith, môn đồ của Locke, có một cái nhìn ôn hoà hơn, nếu không muốn nói là lạc quan. Thật vậy, ông nghĩ rằng con người tự dựng lên những rào cản cho chính những nỗi đam mê của mình. Do đó phải cần đến những biện pháp hà khắc như Hobbes chủ trương là không thích đáng. Những trực giác này đã có ngay trong quyển sách đầu của Smith, Lí thuyết về những tình cảm đạo đức (1769), một tựa sách bí ẩn đối với ngày hôm nay. Nội dung tác phẩm tra hỏi nguồn gốc những tình cảm đồng tình hay không đồng tình xã hội, và quá trình hình thành những đánh giá của tư tưởng con người về những cư xử cần có hay nên tránh. Mặc dù trên nguyên tắc đây là một tác phẩm triết học, nhưng có thể tìm thấy trong đó những ý chính của Của cải của các dân tộc, như ý về “bàn tay vô hình”. Những đoạn Smith dành cho những đam mê tiền bạc là đặc biệt lí thú. Theo ông, nếu tích lũy của cải là kết quả của những động cơ vốn là không đáng kể dưới mắt của nhà đạo đức thì cần khuyến khích loại hành vi này do nó tạo được những kết quả có lợi về mặt xã hội. Bởi thế Smith có một câu trả lời kinh tế cho những vấn đề triết lí chính trị. Thay vì nhấn mạnh đến ý một khế ước xã hội tạo lập ông cố gắng chứng minh việc hòa giải lợi ích cá nhân và phúc lợi xã hội được hoàn thành trong lĩnh vực kinh tế, bằng cạnh tranh. Đây là bước ngoặt thứ nhì được tác phẩm ông đánh dấu.
 Tầm quan trọng của Smith trong lịch sử kinh tế thể hiện qua việc là tất cả những trào lưu lí thuyết hiện có đều có thể viện dẫn ông. Nếu đây là điểm vinh quang cho ông thì nó cũng có mặt trái tiêu cực là một tư tưởng như vậy, khuôn mẫu của những cách tiếp cận đối lập nhau, có nguy cơ lớn là không đồng nhất! Và thực sự đúng là như thế. Ta có thể thấy điều này qua một vấn đề trung tâm, lí thuyết giá trị của Smith được tóm tắt bằng ba điểm như sau:
1.   Giá trị trao đổi (hay giá tương đối) của một sản phẩm là hao phí thực tế của nó, khái niệm mà ta có thể hiểu trong nghĩa chi phí cơ hội (“toil and trouble” tránh được nhờ sở hữu sản phẩm). Tuy nhiên chi phí này là không thể đo trực tiếp được.
2.   Về việc xác định giá cân bằng (hay giá tự nhiên) của một hàng hoá, Smith đề nghị lí thuyết những thành tố. Giá tự nhiên của một hàng hoá phải trả đủ cho những nhân tố sản xuất (lao động, đất đai, tư bản) theo tỉ suất tự nhiên.
3.   Cần phân biệt giá tự nhiên với giá thị trường. Giá thứ nhất qui chiếu về dài hạn và giá thứ nhì về ngắn hạn. Giá thị trường khác với giá cân bằng tùy theo những mất cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng trong dài hạn những chênh lệch này có xu hướng thu hẹp lại. Đó là sức hấp dẫn nổi tiếng.              
Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp do Smith còn những nhận xét khác. Trước hết, ông đề xuất ý rằng nhìn chung lao động là nguồn gốc của mọi giá trị, điều này gợi ý là ông theo lí thuyết giá trị lao động kết tinh (travail incorporé/stored-up labour), cơ sở đối chọn  (và đặc biệt “cổ điển”) của một lí thuyết giá cả. Hơn nữa hao phí thực tế là không đo được nên Smith đề nghị dùng lương làm thước đo của giá trị. Đó là lí thuyết lao động hàm chứa (travail commandé/labour-embodied): giá trị của một sản phẩm được đo bằng số lượng lao động làm công mà nó có thể mua được. Người ta nhanh chóng nhận thấy nguy cơ nhập nhằng của lựa chọn này, dù cho lí lẽ của lựa chọn là gì đi nữa. Sai lầm cần tránh là quan niệm lí thuyết giá trị lao động hàm chứa như một lí thuyết giá trị, một đối chọn cho lí thuyết giá trị kết tinh. Quả vậy sự thật không phải là thế. Đối tượng của lí thuyết giá trị lao động hàm chứa không phải là giá trị hay việc xác định giá cân bằng mà là thước đo của sức mua. Do đó thước đo giá trị và việc ấn định giá trị là hai khái niệm nhất định phải tách bạch với nhau. Tiếc rằng trên điểm này chính Smith cũng không rõ ràng và để cho người ta hiểu là, trong “thời kì đầu và còn thô sơ”, giá cả do lượng lao động ấn định. Sau ông, điều này đã khiến Ricardo và Marx dung nạp ông khi đề nghị cách hiểu là lập luận của Smith, sau khi xuất phát từ những cơ sở tốt (chấp nhận giá trị lao động kết tinh), đã lầm lạc vào một lí thuyết những cấu phần (của giá cả). Theo chúng tôi cách hiểu này là thiên lệch và làm yếu đi quan điểm lí thuyết của Smith. Thật vậy quan niệm của ông về giá cả sẽ chặt chẽ hơn nếu được hiểu như một lí thuyết những cấu phần, ngay cả khi phân tích “thời kì đầu và còn thô sơ”.                 
Song như vậy cũng không tránh được rằng tư tưởng của Smith về giá trị là lai tạp. Về tiêu chí trung tâm của việc ấn định giá trị, ông có một cách nhìn, không phải là cổ điển mà là tân cổ điển. Do đó ông là người báo trước lí thuyết hiện đại. Nhưng trên những khía cạnh khác (tách biệt giá trị sử dụng/giá trị trao đổi, phân biệt giá tự nhiên/giá thị trường) ông lại hoàn toàn là cổ điển. Cũng tương tự như thế đối với những tùy chọn phương pháp luận cơ bản khác. Bởi thế có thể nêu hai khẳng định có vẻ trái ngược nhau: ông là nhà sáng lập tư tưởng cổ điển và chính ông cũng không hoàn toàn là một tác gia cổ điển ...

3.2 David Ricardo (1772-1823)
Sự nghiệp trí thức của Ricardo là rất ngắn và chỉ diễn ra trong vòng mười ba năm. Sau khi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề tiền tệ, ông tập trung vào những vấn đề tăng trưởng và phân phối. Cuộc tranh luận sôi nổi về thương mại ngũ cốc vào đầu năm 1813 trong nghị viện Anh đã khơi dậy mối quan tâm này. Ricardo có một quan điểm dấn thân và độc đáo, cố gắng chứng minh là những thuế đánh trên lúa mì nhập khẩu kéo theo những hiệu ứng dây chuyền: gia tăng của giá lúa, nhưng giá những sản phẩm khác vẫn giữ nguyên, khả năng sinh lời của tư bản và tăng trưởng giảm. Một luận điểm như vậy đối lập với cách nhìn của Smith được Malthus, người phản biện quen thuộc của Ricardo, bảo vệ. Thật vậy, trong khuôn khổ lí thuyết những cấu phần của giá cả, gia tăng của lương được lí giải bằng gia tăng của giá cả mà vẫn để nguyên lợi nhuận. Ngược lại, Ricardo cho rằng gia tăng của lương kéo theo sụt giảm của lợi nhuận mà vẫn không ảnh hưởng đến giá cả.
Cuộc bàn luận này khiến Ricardo phát triển trong Essay on Profits (1815) “mô hình ngũ cốc” nổi tiếng, mà logic sâu sắc được Sraffa làm rõ trong phần giới thiệu toàn tập Works and Correspondence of David Ricardo (1951-1973). Mô hình dựa trên hai nét chính. Thứ nhất là một lí thuyết địa tô chênh lệch, dựa trên những khác biệt về độ phì nhiêu của đất đai. Thứ nhì là tính đồng nhất của đầu vào và đầu ra của sản xuất, cả hai đầu đều là lúa. Từ mô hình này suy ra hai kết quả. Thứ nhất là chứng minh sự tồn tại của một quan hệ ngược chiều giữa lợi nhuận và lương. Lợi nhuận tùy thuộc vào lương và là cao hay thấp tùy theo là lợi nhuận thấp hay cao. Kết quả thứ hai, tổng quát hơn, liên quan đến triển vọng tăng trưởng của một nền kinh tế có dân số tăng và công nghệ không đổi, với độ phì nhiêu giảm dần của đất đai. Kết luận rút ra ở đây là bi quan, mô hình dẫn đến một suy giảm của tỉ suất lợi nhuận và tích lũy ngưng lại.      
  
 Nhưng những kết luận dứt khoát này phụ thuộc vào những giả thiết ban đầu, đặc biệt là vào tính đồng nhất của đầu vào và đầu ra như Malthus đã nhận xét. Do đó Ricardo buộc phải đề cập đến việc ấn định các giá tương đối, một vấn đề trước đó bị ông coi nhẹ. Kết quả của cố gắng này được trình bày trong các chương đầu của những Nguyên lí kinh tế chính trị học (1817). Trong tác phẩm này, lí thuyết giá trị lao động, theo đó những giá tương đối của hàng hoá tỉ lệ với lượng lao động, trực tiếp và gián tiếp, mà chúng kết tinh, có một vai trò trung tâm giống như vai trò của lúa mì trong những Essays. Mục tiêu vẫn là để chứng minh rằng những vấn đề xác định giá trị và phân chia sản phẩm độc lập với nhau, một hệ luận của trực giác ban đầu về quan hệ ngược giữa lương và lợi nhuận. Buồn thay cho Ricardo vì ông vẫn chưa hết phải nhọc nhằn. Luôn bị Malthus kích thích ông phải thừa nhận là lí thuyết giá trị của ông đến lượt nó gặp một số trở ngại. Như chính ông đã chỉ ra, trong một mô hình có hai ngành khi thời gian của quá trình sản xuất của hai ngành là khác nhau thì những giá tương đối không còn phụ thuộc độc nhất vào tỉ suất giữa những số lượng lao động kết tinh. Như thế xuất hiện một sự không tương thích giữa việc ấn định các giá tương đối chỉ bằng lao động kết tinh và sự cần thiết của những tỉ suất lợi nhuận bằng nhau trong cả hai ngành. Do đó tính độc lập mong chờ giữa giá trị và phân phối bị phá sản. Tuy nhiên Ricardo cũng không quyết định từ bỏ những trực giác của mình và thử tìm những hướng mới nhưng không thành công, như những di cảo của ông cho thấy.
Để làm nổi lên tầm quan trọng của Ricardo trong lịch sử phân tích kinh tế, cần phải tách ảnh hưởng phương pháp luận của ông ra khỏi ảnh hưởng của nội dung tư tưởng ông. Về điểm đầu ông đã để lại một dấu ấn căn bản. Như Blaug viết “nếu quan niệm kinh tế học trước hết như mộtcỗ máy phân tích”, một phương pháp tư duy hơn là một tổng thể những kết quả có thực chất thì Ricardo đã sáng tạo ra kĩ thuật của kinh tế học“ (1985). Về mặt nội dung, lí thuyết của Ricardo, được Marx và Sraffa sửa sai và làm thêm phong phú, tạo nên cơ sở của cách tiếp cận cổ điển. Nhưng lí thuyết này chỉ thống trị trong một thời gian ngắn. Tiếp đó, dù cho vẫn còn những qui chiếu dai dẳng về Ricardo, thật ra thực tiễn lí thuyết xa rời những quan điểm của ông. Đặc biệt là lí thuyết giá trị lao động bị bỏ rơi và thay thế bằng một lí thuyết những chi phí sản xuất, gần với Smith hơn là với Ricardo. Tuy nhiên tư tưởng cổ điển vẫn tiếp tục tồn tại như một hệ chuẩn của thiểu số. Sau thế chiến, lí thuyết cổ điển trỗi dậy một cách có ý nghĩa, trước hết nhờ công trình của Sraffa (1960) và gần đây hơn nhờ những công trình nhằm đổi mới động thái cổ điển (Abraham-Frois và Berrebi, 1976; Arena, 1987; Duménil và Lévy, 1987).          

3.3 Karl Marx (1818-1883)
Hai đánh giá cực đoan về sự nghiệp kinh tế của Marx cùng tồn tại. Theo cách thứ nhất, lí thuyết marxian đánh dấu một bước ngoặt tri thức triệt để trong lịch sử kinh tế và thực hiện một cuộc cách mạng khoa học, một đánh giá mà bản thân Marx chắc cũng đồng tình! Theo cách thứ hai, lí thuyết này là không có gì quan trọng và không đáng để được nhắc đến nếu không có vị trí lịch sử của tác giả. Cách nhìn cuối cùng này một thời gian dài là thống trị, vả lại đi cùng với một hiểu biết hời hợt về sự nghiệp này.
Không một đánh giá nào trong hai đánh giá trên là có cơ sở. Không thể gạt ngang Marx vào hàng “nhà kinh tế thứ yếu” vì không thể nghi ngờ được là ông đã làm cho cách tiếp cận cổ điển tiến triển mà vừa không thuộc vào “cộng đồng khoa học” cổ điển. Một bảng liệt kê không đầy đủ những đóng góp của ông phải bao gồm việc khái niệm hoá giá trị, mối tương quan giữa giá trị và giá cả (tuy nhiên đây là vấn đề mà Marx không giải quyết xong), những sơ đồ tái sản xuất, việc phát biểu lại qui luật xu hướng giảm dần của lợi nhuận trong bối cảnh công nghiệp. Nhưng, theo chúng tôi, điều cần nhấn mạnh là những đóng góp này đều nằm trong cách đặt vấn đề cổ điển. Đó là một sự vượt qua trong chính cùng một hướng nghiên cứu chứ không phải là một đoạn tuyệt lí thuyết. Nói cách khác, ngược lại với những gì Marx nói, ông đã không tạo ra một cách tiếp cận mới. Sự đoạn tuyệt, và quả thật có một việc như thế, nằm ở bình diện siêu lí thuyết. Như vậy trong lúc với Ricardo lí thuyết thặng dư có một hàm nghĩa tự nhiên chủ nghĩa, Marx đã kiến giải lí thuyết này bằng sự bóc lột. Hơn nữa, quả thật là Marx bao quát một lĩnh vực rộng hơn vì ông đã nghiên cứu một cách mạnh mẽ và hiệu quả chủ nghĩa tư bản hơn là những người đi trước. Những suy tư của ông về lịch sử các lí thuyết kinh tế, dù cho bị lệch bởi thường xuyên trộn lẫn những quan điểm lí thuyết và ý thức hệ, cũng làm ông khác hẳn những tác giả khác. Song những điểm này không thể xét lại luận đề rằng đứng về mặt lí thuyết, Marx là một nhà cổ điển.    
Tuy nhiên, tư tưởng của ông là không đồng nhất và song song với phương pháp cổ điển, Marx cũng đã phát triển những trực giác độc đáo làm ông trở nên người báo trước cách tiếp cận tiền tệ. Những trực giác này liên quan đến một lần nữa, chúng tôi chỉ có thể liệt kê bản chất và những đặc điểm của một nền kinh tế phi tập trung (bất trắc, khả năng khủng hoảng, sự cần thiết làm cho những quyết định tư nhân có hiệu lực), vai trò của tiền tệ, tính đặc thù của trao đổi làm công ăn lương, sự phân biệt lao động/sức lao động, khả năng (với khái niệm thặng dư tương đối) nội sinh hoá lương thực tế, sức ép của thất nghiệp trên cuộc thương thảo về tiền công. Những yếu tố phi chính thống này mang theo một cách nhìn triệt để mới và xác lập một mối liên hệ ngầm giữa Marx và Keynes. Nhưng, theo chúng tôi, chúng chỉ giữ một vị trí thứ yếu so với những yếu tố cổ điển. Một trong những trở ngại chính cho việc nẩy nở những yếu tố này là, như Joan Robinson đã nhấn mạnh năm 1942, do Marx (và những nhà marxist) đã chấp nhận lí thuyết giá trị lao động. Đối với bản thân Marx, việc từ bỏ lí thuyết này có lẽ là không thể hình dung được, vì ông nghĩ rằng đó là một bước bắt buộc cho ý đồ của ông nhằm chứng minh (trong nghĩa mạnh của từ này) sự bóc lột, hơn là đặt nó như một tiền đề, tất nhiên bảo vệ được, nhưng không được chứng minh. Một lối chứng minh như thế đòi hỏi là phải đặt mình trong một cách nhìn cân bằng đã thực hiện, dù chỉ để loại trừ những “lợi nhuận lưu thông”, gắn với những mất cân bằng của thị trường. Một kết quả nghịch lí của cách tiếp cận của Marx là quyết tâm chứng minh sự bóc lột, cuối cùng đã khiến ông đề nghị một cách biểu trưng hoàn toàn tất định của nền kinh tế thị trường, trong đó những yếu tố đấu tranh giai cấp chỉ còn một vai trò tối thiểu.       

3.4 Cuộc cách mạng cận biên
Cuộc cách mạng cận biên thường được trình bày như một khám phá đồng thời và độc lập của những nhà nghiên cứu khác nhau về những ý tưởng lí thuyết giống nhau, lí thuyết chủ quan về giá trị và phân tích cận biên. Tất nhiên đằng sau hình ảnh sáo mòn này, sự thật là phức tạp hơn. Có ba câu hỏi được đặt ra. Thật sự có chăng một tính độc nhất lí thuyết giữa ba trào lưu xuất phát từ những công trình đi đầu, các trường phái marshallian, walrasian và Áo? Thật chăng là có một cuộc cách mạng, nghĩa là một sự đảo ngược triệt để, tập trung trong thời gian, và hơn nữa phải chăng rằng những người chủ chốt đã ý thức được cuộc cách mạng ấy? Cuối cùng đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Sự giống nhau về mặt lí thuyết
Rằng có một cơ sở chung là điều hiển nhiên. Chủ nghĩa chủ quan là một thành tố đầu tiên. Chủ thể kinh tế, người tiến hành chọn lựa, được giả định là duy lí và tối đa hoá, trở thành trung tâm của sự chú ý và vấn đề kinh tế được định nghĩa lại như việc phân bổ những nguồn lực hiếm hoi dành cho nhiều mục tiêu khác nhau. Học thuyết cận biên là một thành tố thứ nhì. Bốn nét sau có thể đặc trưng cho học thuyết này:
1.   Sự từ bỏ, nếu không phải là cách phân biệt của các nhà cổ điển thì cũng là một số phân biệt trung tâm như sự phân đôi giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng và tính đa dạng của những khái niệm giá cân bằng. 
2.   Phân biệt giữa tổng lợi ích và lợi ích cận biên và trực giác về tính giảm dần của lợi ích cận biên.
3.   Mở rộng cho toàn bộ lập luận kinh tế phân tích của Ricardo về địa tô và ấn định giá tùy theo tình thế cận biên.
4.   Vai trò trung tâm dành cho ý đối chọn và thay thế ở cận biên, đối với sản xuất cũng như đối với tiêu dùng, dẫn đến nguyên lí những giải pháp cận biên bằng nhau và thay thế ý “chi phí sản xuất lịch sử” bằng “chi phí cơ hội”.
Tuy nhiên nhiều tác giả, đặc biệt là Jaffé (Walker, 1983), ủng hộ việc phân biệt ba trào lưu. Trong số ba trào lưu này thì các trào lưu walrasian và marshallian là gần với nhau nhất ở việc ưu tiên dành cho sự tồn tại của cân bằng và vận dụng phương pháp toán học. Tuy nhiên như chúng ta sẽ thấy, có những khác biệt đáng kể giữa hai trào lưu này. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn nêu nhanh bốn luận chứng biện hộ cho tính đặc thù của Menger, người sáng lập trường phái Áo. Thứ nhất, nếu ông đối lập với các nhà cổ điển trên vấn đề giá trị thì ông lại chia sẻ với họ nhiều điểm như ưu tiên cho việc giải thích tăng trưởng và ưa thích những phân biệt thực chất. Thứ nhì ông quan tâm đến chiều kích lịch sử và sự nổi lên của những thể chế, dành ưu tiên cho lối giải thích “nguyên nhân-di truyền”. Thứ ba, Menger cũng có những cách nhìn rất triệt để về cân bằng rất khác xa với Walras. Không chỉ tin rằng nền kinh tế không thể đạt đến cân bằng ông còn cho là nhà kinh tế không thể mô tả được nó. Ông cũng không tin vào tính độc nhất của giá cả và cho rằng độc quyền là nguyên mẫu lí tưởng hơn là cạnh tranh. Cuối cùng đối với ông việc nắm bắt “bản chất” của sự vật là tiên quyết. Từ đó không có việc dành ưu tiên cho tính hoạt động lí thuyết. Như thế, đối với ông những hàm lợi ích là không liên tục. Với ông không thể nào qui học thuyết cận biên vào việc tìm kiếm một cực tiểu hay cực đại của một hàm. Và như vậy ông từ chối con đường toán học mà ở các tác giả khác học thuyết này dẫn tới.           

Tính cách mạng
Học thuyết cận biên nổi lên trong ba bối cảnh rất khác nhau. Có lẽ trường hợp của Anh là gần nhất với cách biểu trưng của Kuhn. Dù sao đó là ý kiến của Hutchison (1978: 75). Trái lai, Blaugh nghĩ ngược lại rằng: “đã không có một cuộc cách mạng về khái niệm lợi ích; đó không phải là một thay đổi đột ngột nhưng một biến đổi tuần tự không chối bỏ dứt khoát những ý tưởng cũ; và tất cả đã không diễn ra trong những năm 1870” (1985: 307). Quả thật rằng thái độ của Marshall đã xoá mờ các ranh giới. Ông không chấp nhận được những đánh giá dứt khoát của Jevons về Ricardo và Mill. Chắc chắn rằng Marshall không phải là người yêu sách một cuộc cách mạng khoa học. Ngược lại, ông muốn là các nhà kinh tế có một tiếng nói chung và đứng trong dòng tiếp nối của những nhà sáng lập. Theo ông, lí thuyết chủ quan về giá trị không nên thay thế nhưng là bổ sung cho lí thuyết khách quan. Đối với hai truyền thống khác, bối cảnh là hoàn toàn khác. Tại Áo, cách tiếp cận biên phát triển trong sự đối lập với sử quan luận vốn thống trị các nhà kinh tế Đức. Nhưng thành công của nó là không vững chắc. Nếu những quan điểm của Menger thắng thế ở Áo ông có một vị thế thể chế rất vững thì lại hoàn toàn không thấm vào Đức được. Như Kirzner đã nhận xét, “trường phái mới được gọi là trường phái Áo với một hàm ý xấu, do các nhà kinh tế Đức khinh thường ban cho hơn là một nhãn hiệu danh dự “ (1987, vol I: 147). Cuối cùng, riêng về trường phái walrasian, tình hình lại còn khác hơn nữa. Ngược lại với Marshall và Menger, Walras không có quyền lực thể chế. Về mặt này, tên gọi trường phái Lausanne là sai lạc. Dù sao đi nữa việc phổ biến những luận điểm walrasian là khá chậm. Đặc biệt là mặc dù có những điểm gần gũi tiềm tàng về mặt lí thuyết và những cố gắng của Walras, thế giới kinh tế Anh, cho đến cuối những năm 1930, hầu như không biết đến những luận điểm walrasian.              

Những nguyên nhân
Trên vấn đề rất được tranh cãi này, chúng tôi chỉ nêu lên những luận điểm sẵn có mà không đánh giá. Trong số những giải thích nhấn mạnh đến những khiếm khuyết của cách đặt vấn đề đã bị từ bỏ, có thể kể những cách giải thích chính sau:
1.   Những thiếu sót logic của lí thuyết giá trị lao động. Cả Ricardo lẫn Marx đã không đưa lí thuyết giá trị ra khỏi ngõ bế tắc.
2.   Những giả thiết cổ điển mất đi tính thích đáng. Diễn tiến lịch sử đã lần hồi làm cho những điểm trung tâm của lí thuyết cổ điển trở nên lỗi thời, như lí thuyết dân số và lương sinh tồn.
3.   Lập luận ý thức hệ. Giá trị lao động đã trở thành một lí lẽ có lợi cho các nhà xã hội. Nếu chỉ có duy nhất lao động là tạo ra được giá trị thì lợi nhuận hiện ra như một sự cưỡng đoạt. Lí thuyết cổ điển do đó mang theo một siêu lí thuyết nguy hiểm về mặt xã hội vì phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa.      
Còn những lối giải thích tích cực, nhấn mạnh đến những ưu điểm của cách đặt vấn đề mới, dựa trên hai lí lẽ gắn liền với nhau:
1.   Tính khoa học cao hơn của cách đặt vấn đề mới. Yếu tố thường được nêu lên nhất là tính tổng quát. Hơn nữa, theo Fisher (1986), những nhà sáng lập cách tiếp cận cận biên không nhất thiết đã nhận thấy là họ đã đề nghị một phương pháp lí luận đáp ứng những tiêu chí của các chương trình nghiên cứu theo nghĩa của Lakatos.
2.   Sự cần thiết phải tìm hiểu những cơ sở vi mô. Quyết định cá nhân chỉ có thể là một chủ đề suy nghĩ của nhà kinh tế. Thật vậy nếu đối tượng phân tích là nền kinh tế phi tập trung, và do nền kinh tế này vận hành từ những quyết định cá thể, thì lí thuyết phải nghiên cứu đến những nguyên lí chi phối các quyết định này.      
  
3.5 Léon Walras (1834-1910)
Nếu ngày nay tầm quan trọng của Walras đã được thừa nhận đầy đủ thì sự thâm nhập của tư tưởng ông từng là chậm chạp và khó khăn. Walras không bao giờ có được chân giáo sư ở Pháp. Ông đã phải tự xuất bản và không tính toán công sức để phổ biến những tác phẩm của ông. Ngược lại với Marshall, ông rất ý thức là đã làm nên một đoạn tuyệt lí thuyết. Ông bảo vệ không úp mở một cách tiếp cận kinh tế học thật trừu tượng và toán học theo mô hình của vật lí cơ học trong khi ông chỉ là một nhà toán học nghiệp dư.
Tác phẩm Éléments déconomie politique pure (1874 và 1877) có mục tiêu nghiên cứu sự tương tác của những hiện tượng kinh tế. Tất nhiên ý tưởng không phải là mới nhưng Walras đã đề nghị một cách khái niệm hoá độc đáo dưới hình thức một hệ phương trình đồng thời. Nhằm mục đích này ông đã triển khai lập luận theo những vòng tròn đồng tâm, đi từ một mô hình sơ cấp được khái quát dần bằng việc lần lượt đưa thêm vào những phương thức ấn định. Bắt đầu bằng phân tích cách ấn định giá của những sản phẩm và dịch vụ, ông tiếp tục phân tích cách ấn định giá của những dịch vụ sản xuất, những sản phẩm tư bản và cuối cùng là tiền tệ. Mỗi một mô hình được phân tích dưới hai góc độ, góc độ tồn tại của cân bằng (và những đặc tính của cân bằng) và góc độ tính ổn định của cân bằng. Trong ba bước phân tích đầu không có tiền tệ. Việc đưa tiền tệ vào sau chỉ để ấn định mức giá tuyệt đối và không đặt lại quan niệm phân đôi được Walras vận dụng.
Léon Walras (1834-1910)
 Hãy dừng lại ở mô hình sơ đẳng nhất, được trình bày trong đoạn II của Éléments đề cập đến trao đổi lẫn nhau của hai hàng hoá. Mô hình này đã chứa nhiều yếu tố cấu thành những mô hình phức tạp hơn: thông tin hoàn hảo về chất lượng sản phẩm, khan hiếm là cơ sở của cầu, tối đa hoá lợi ích, lợi ích cận biên giảm dần, tính cộng và tính độc lập của những hàm lợi ích, khả năng sống sót của các tác nhân ngoài cân bằng, trao đổi trực tiếp “hàng đổi hàng”, tương tác giữa cung và cầu, qui tắc điều chỉnh. Mô hình đưa đến một loạt những kết quả tổng quát: trước hết là sự bằng nhau của giá tương đối và tỉ số những lợi ích cận biên, tiếp đấy là điều sau này được gọi là “định luật Walras”, và cuối cùng là điều sau này trở thành “định lí tổng quát về phúc lợi”.
Trong đoạn IV của Éléments, Walras mở rộng phân tích đến những thị trường dịch vụ sản xuất. Ông phân biệt dịch vụ do một nguồn lực cung cấp và bản thân nguồn lực đó (cũng như giá của dịch vụ này và giá của nguồn lực). Đối với lí thuyết tân cổ điển, đây là một bước tiến quan trọng. Nó cho phép việc đồng nhất hoá những nhân tố sản xuất và thay thế một cách nhìn theo khái niệm “kho” bằng một cách nhìn theo khái niệm “luồng”, và như thế giải phóng khỏi phương pháp luận những phân biệt thực chất được các nhà cổ điển ưa chuộng. Các doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ giữa thị trường sản phẩm và thị trường những dịch vụ sản xuất. Nếu giá cả những sản phẩm vượt quá chi phí sản xuất thì sản xuất tăng, và ngược lại. Sau khi đưa thị trường sản phẩm và thị trường những nhân tố vào, có thể xây dựng mô hình cân bằng chung. Cân bằng là sự hoàn thành ba điều kiện: (1) mỗi cá thể tối đa hoá lợi ích của mình; (2) cho mỗi sản phẩm và dịch vụ, cung và cầu bằng nhau; (3) giá cả của mỗi sản phẩm bằng với chi phí sản xuất ra nó.
Ý đồ của Walras không chỉ giới hạn ở việc chứng minh khả năng logic của cân bằng. Ông còn muốn tính đến cách mà nền kinh tế tự phát đạt đến những đại lượng cân bằng. Chính nhằm mục đích này mà ông đề nghị khái niệm dò dẫm. Nhưng ở đây tư tưởng của ông ít sức thuyết phục hơn. Ngay ẩn dụ đã mang tính đánh lừa vì nó gợi ý sự đồng nghĩa với quá trình hấp dẫn của các nhà cổ điển, trong lúc có một khác biệt triệt để giữa hai khái niệm miễn là ta hiểu thuật ngữ dò dẫm trong một nghĩa kĩ thuật. Trong trường hợp này nó được gán cho một qui tắc cấm tiến hành trao đổi ở những “giá giả”, nghĩa là những giá không phải là những giá cân bằng. Chính quan điểm của Walras về cách kiến giải dò dẫm cũng không rõ ràng. Lúc đầu ông hơi ngây thơ nghĩ rằng đó là một biểu trưng thích hợp những điều chỉnh cụ thể của thị trường, khiến ông cho rằng đã hoàn thành ý đồ lí thuyết của mình. Tuy nhiên theo Jaffé (Walker, 1983), ông đã lần hồi xa rời cách nhìn này để cuối cùng chỉ xem sự dò dẫm như một quá trình lặp lại và phi thời gian tính của phép tính những đại lượng kinh tế. Do đó mô hình của ông không còn một mệnh đề chủ yếu về tính ổn định hay về sự hình thành của giá cả, và đây là một thiếu sót quá hiển nhiên. Những nghiên cứu sau này đã làm rõ hơn khó khăn sâu sắc này. Khó khăn thứ nhất liên quan đến những điều kiện logic của tính ổn định: nếu tính thay thế thô giữa tất cả các sản phẩm, một giả thiết vốn đã là rất khắt khe, là một điều kiện đủ cho tính ổn định thì giả thiết này thiếu cơ sở kinh tế vi mô. Khía cạnh thứ hai liên quan đến bối cảnh thể chế nằm ở đằng sau giả thiết dò dẫm. Giải thích bối cảnh này làm hiện rõ rằng kinh tế walrasian là một biến thể đặc biệt của một nền kinh tế kế hoạch hoá, một kết quả đầy nghịch lí vì mục tiêu được tuyên bố của lí thuyết là phát hiện sự vận hành của một xã hội phi tập trung.
Bởi thế đánh giá tổng kết có nhiều tương phản. Một mặt, Walras đã đưa việc khái niệm hoá cân bằng, trên một cơ sở chủ quan, tiến một bước dài. Mặt khác lí thuyết của ông không giúp hiểu được sự vận hành thật sự của nền kinh tế thị trường. Một đánh giá như thế không phải là không có tầm quan trọng trong chừng mực mà, ngay sau thế chiến thứ hai, chương trình nghiên cứu do Walras đề nghị được một trong những nhóm năng nổ nhất của giới kinh tế lấy lại. Một thành công kì diệu sau khi chết của nhà kinh tế Lausanne! Một phần lớn kinh tế học hiện đại là walrasian và tiếp tục lưu truyền những nguyên lí Walras đã thực hiện, đặt ưu tiên cho sự tồn tại, quan niệm vô cùng hạn hẹp về cạnh tranh hoàn hảo, việc loại trừ tiền tệ, giả thiết dò dẫm và vị thế hàng đầu của tính chứng minh trên tính thực tế.
Hơn nữa, đánh giá ngày nay về cách tiếp cận walrasian còn tùy thuộc vào cách đánh giá việc hình thức hoá. Đối với những ai chấp nhận lí thuyết kinh tế là một hệ thống tiên đề thuần túy, được dùng làm chỗ dựa cho những tranh luận chính trị, thì lí thuyết walrasian là một trường thích hợp trong đó diễn ra những cuộc đấu khái niệm phong phú. Ngược lại với điều thoạt tiên người ta có thể nghĩ, về mặt siêu lí thuyết trường đấu này vẫn còn mở ngõ. Thật vậy, nếu trong số những nhà walrasian cách kiến giải theo chủ nghĩa tự do là thống trị, thì cũng có nhiều hướng lập luận đầy hứa hẹn ví dụ những hướng nhấn mạnh đến tính bội của cân bằng mở ra cho những ai muốn ủng hộ những biện pháp chính trị keynesian bằng ngôn ngữ walrasian. Trái lại cách nhìn walrasian làm thất vọng nhóm ô hợp những ai khó chấp nhận quan niệm thuần túy tiên đề về lí thuyết kinh tế. Thách thức ở đây là tính thích đáng của mô hình walrasian như là một biểu trưng cho nền kinh tế thị trường hiện thực. Ngày nay, nhờ những suy tưởng của các nhà “cổ điển mới”, khái niệm walrasian về cân bằng được rộng rãi chấp nhận là mang tính tiên đề. Nhưng ý tưởng này có thể được kiến giải theo nhiều cách. Tất nhiên như các tác giả này có thể chiếu nét trung tâm của mô hình sự hoàn thành tất yếu của cân bằng lên điều được giải thích, tức nền kinh tế hiện thực. Nhưng cũng có thể có một cách kiến giải ngược lại. Cách này khẳng định rằng nếu mô hình walrasian không cho phép lí thuyết hoá những giao dịch ngoài cân bằng và từ đó không thể đưa những hiện tượng mà trực giác gọi bằng khủng hoảng, thất bại công nghiệp, phá sản ... vào mô hình, thì mô hình là một lưới phân tích không thích đáng!                                                                     

3.6 Alred Marshall (1842-1924)
Marshall đã biết đến thành công sớm hơn Walras nhiều. Đối với những nhà kinh tế Anh thời bấy giờ, ông không chỉ là người hướng dẫn, nhưng còn là người phán xét chính thống tối cao. Tác phẩm chính của ông, Principles of Economics (1920) được tái bản nhiều lần và là sách chuẩn cho nhiều thế hệ sinh viên và nhà nghiên cứu. Có thể mô tả Marshall như một nhà kinh tế phân tích hỗ thẹn. Đặc điểm của tư tưởng ông là luôn có sự căng thẳng giữa mối quan tâm đến phân tích và nỗi lo bám sát vào thực tế. Đối với ông, vấn đề kinh tế không chỉ là việc phân bổ có hiệu quả những nguồn lực sẵn có nhưng còn phải giải thích là bằng cách nào những nguồn lực này lại hiện hữu. Do đó châm ngôn nổi tiếng của ông cho rằng sinh học, chứ không phải là cơ học, phải là khuôn mẫu cho kinh tế học. Nhưng thật ra, những đóng góp chính của ông (và dù sao là những đóng góp mà lịch sử giữ lại) lại thuộc về so sánh tĩnh! Từ đó không có gì ngạc nhiên là những bài viết của ông nhuộm tính nước đôi. Không bao giờ ông xây dựng một mô hình chính xác, với những giả thiết rõ ràng. Dù được đào tạo như một nhà toán học, ông nghĩ rằng vai trò của toán học là thứ yếu và vị trí của toán học nằm ở những phụ lục các tác phẩm kinh tế. Như Smith, ông viết cho người phong nhã. Nhưng vẻ giản dị của văn phong ông che giấu một lối viết tỉ mỉ. Những bài của ông giàu ẩn dụ, mà một số đã in đậm vào tâm khảm của các nhà kinh tế. Những nét này giải thích những đánh giá trái ngược nhau về ông. Một số đánh giá rất nghiêm khắc. Ví dụ, Samuelson viết rằng “những nhập nhằng của Marshall đã làm tê liệt những đầu óc tốt nhất của nhánh anglo-saxon của nghề nghiệp chúng ta” (dẫn theo Backhouse, 1985: 103). Ngược lại những tác giả ít đam mê trừu tượng hơn, ví dụ Friedman, thích ông hơn là Walras. Như O’Brien, họ sẵn sàng gởi trả lại tác giả lời khen của Marshall đối với Smith: “chính sự cân đối, khả năng nhìn thấy tính thống nhất trong sự đa dạng và tính đa dạng trong sự thống nhất, khả năng sử dụng phân tích để hiểu lịch sử và khả năng vận dụng lịch sử để sửa phân tích [...] làm cho ông nổi lên như một người duy nhất” (thư của Marshall gởi Price, dẫn theo O’Brien, 1981: 63).

Thường Marshall được trình bày như lí thuyết gia của cân bằng bộ phận, đối lập với Walras, nhà tiên phong của cân bằng chung. Tuy nhiên cần nhận rõ ở đây những khác biệt giữa hai tác giả. Với Marshall khái niệm thị trường liên quan đến một sản phẩm duy nhất, ví dụ cá hoặc luá. Ngược lại với Walras cân bằng luôn qui về hai sản phẩm (luá mì và yến mạch). Mỗi một trong hai quan niệm này chỉ có ý nghĩa vì một quan niệm qui chiếu về một nền kinh tế tiền tệ chính vì tiền tệ có mặt ở hai đầu của giao dịch nên có thể không kể đến nó và quan niệm kia qui chiếu về về một tình thế hàng đổi hàng. Hơn nữa đối với Walras, thị trường sơ cấp được xem như một mô hình thu nhỏ của nền kinh tế tổng thể. Với Marshall thì không phải như thế. Để dùng một hình ảnh thì Walras làm việc với một bản đồ thế giới trong lúc Marshall sử dụng những bản đồ tham mưu quân sự.   
Những đóng góp của Marshall cho lí thuyết kinh tế là vô số. Một số nhắm vào những điểm nhất định, như khái niệm độ co dãn. Một số khác liên quan đến một lĩnh vực rộng hơn. Ta hãy dừng lại ở một trong những lĩnh vực này, phân tích marshallian về những hàm cung. Theo Marshall phải vượt qua cách nhìn trao đổi thuần túy và quan tâm đến những quyết định sản xuất. Do đó, ông ưu tiên cho một lập luận bằng những hàm cung và cầu ngược. Trong khuôn khổ này, cân bằng được xác lập bằng sự điều chỉnh của số lượng, cho phép làm bằng nhau những giá cung và cầu trong khi trong khuôn khổ walrasian điều chỉnh được tiến hành bằng giá cả. Ông cũng cho là phân tích về cung phải được tiến hành ở nhiều mức độ trừu tượng khác nhau. Theo ông tiêu chí làm chỗ dựa cho sự phân biệt những cấp độ trừu tượng là thời gian. Ba tính thời gian được phân biệt: tức thì, ngắn hạn và dài hạn. Trong cấp độ đầu nhà cung cấp không có khả năng gia tăng số lượng của sản phẩm. Dạng của hàm cung do đó phụ thuộc vào tính chất của sản phẩm. Nếu sản phẩm là dễ hỏng thì đường cung là thẳng đứng, những số lượng nằm trên trục hoành. Ngược lại, nếu sản phẩm là để tồn kho được, dạng của đường cung tùy thuộc vào những mong đợi của nhà cung cấp về giá cả tương lai. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể để cho số lượng sản xuất biến thiên trong giới hạn của năng lực sản xuất cố định. Chính ở đây phân tích cận biên có dịp phát triển. Chi phí cận biên được giả định là không đổi nên đường cung ngược cũng thế. Cuối cùng trong dài hạn, khi tất cả mọi yếu tố biến thiên, do có những lợi tức theo qui mô tăng dần nên hàm cung ngược có độ dốc âm. Do trong mỗi một bối cảnh trên đường cầu được giả định là giống nhau nên việc thiết lập những cân bằng khác nhau là dễ dàng. Trong tức thì cầu có vai trò then chốt và chi phí sản xuất không có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ấn định giá cân bằng. Trong ngắn hạn, giá cân bằng được xác định theo sơ đồ chuẩn, ở giao điểm của hai đường có độ dốc khác nhau. Ngược lại trong dài hạn, những đường cung và cầu có thể gặp nhau nhiều lần. Một cách thô thiển, điều kiện ổn định địa phương là “giá bảo lưu” của người mua phải cao (thấp) hơn giá cung của một đại lượng gần sát và nhỏ (lớn) hơn đại lượng cân bằng. Ta thấy ngay mối quan hệ giữa phân tích này và những cách nhìn của Marshall về cách nối khớp những lí thuyết chủ quan và khách quan về giá trị. Đối với ông, phải luôn nhìn cung và cầu, để lấy lại hình ảnh nổi tiếng của ông, như hai lưỡi của một cái kéo, cả hai lưỡi đều cần thiết như nhau. Nếu khía cạnh cầu lấn át trong tức thì, thì khía cạnh chi phí ngày càng trở nên quan trọng khi càng rời xa thời điểm tức thì.
Phân tích này đã là một cú đẩy quyết định cho kinh tế học vi mô hiện đại mà Marshall đã có công mở đường. Nhưng phải thấy rõ giới hạn của phương pháp của ông và nhận thức rằng, ví dụ, ngược lại với vẻ bên ngoài, thời gian không can dự vào phân tích này! Phân loại marshallian nhằm vào việc phân chia các biến thành những biến được giả định là cố định và những biến có thể lựa chọn được. Việc qui chiếu về thời gian chỉ nhằm biện minh cho phân loại này chứ không thật sự cần thiết cho sự phân loại. Việc qui chiếu này có thể đánh lừa nếu nó làm người đọc lầm lẫn cho rằng quả thật đây là một phân tích có tính đến thời gian trong lúc phân tích không gì khác hơn là một so sánh tĩnh. Hơn nữa phân tích của Marshall không xử lí những quá trình điều chỉnh nhưng chỉ đề cập đến khía cạnh tồn tại. Đối tượng duy nhất của nó là việc xác định những đại lượng cân bằng.                          
Tập trung vào sự tồn tại là đặc điểm của phần lớn sách V, phần phân tích của Principles. Tuy nhiên trong chương 2 mà nội dung là sự phân tích nổi tiếng của thị trường lúa trong một thành phố nhỏ, Marshall đi vào nghiên cứu chiều kích quá trình. Lập luận được ông phát triển đưa đến kết luận là lúc tan chợ thị trường đạt đến cân bằng. Nhưng kết quả này phải thông qua những “trao đổi với những giá giả”. Điều này một mặt phá vỡ tính duy nhất của giá cả và mặt khác phải kéo theo những hiệu ứng thu nhập. Tuy nhiên Marshall gạt ngang những hiệu ứng này bằng cách giả định rằng lợi ích cận biên của tiền tệ là không đổi. Hơn nữa ông giả định một cách võ đoán rằng giá cân bằng của một ngày nhất định, đạt được vào cuối ngày, vẫn còn hiệu lực ngày hôm sau. Người ta cũng có thể hỏi không biết Marshall có đưa vào một cách ngầm ẩn một sự phân biệt về vai trò của các tác nhân kinh tế không, với một bên là những thương gia có thông tin và là những người định giá và bên kia là những tác nhân không chuyên. Mặt khác còn thấy được trong phân tích của ông một khuyết điểm vào loại những khuyết điểm hiện đại nhất, tức sự lẫn lộn giữa quan điểm người xây dung mô hình và quan điểm của những tác nhân trong nền kinh tế. Nhà lí thuyết có mặt khắp nơi và biết mọi hàm cung và cầu của các tác nhân. Đối với nhà lí thuyết, như thế thì không có gì dễ hơn việc tính toán những đại lượng cân bằng. Nhưng đối với chính các tác nhân thì đây là những đại lượng tư nhân không có sẵn. Như thế trang bị cho các tác nhân những thông tin mà chỉ riêng nhà lí thuyết mới có được là không đúng.
Không chối cãi được rằng Marshall có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của lí thuyết kinh tế. Nhưng đồng thời, đối với ông hậu thế đã rất chọn lọc. Đời sau đã bỏ qua những yếu tố phi chính thống hơn của sự nghiệp ông tiền tệ, cảm nhận về tính chất đặc biệt của thị trường lao động, vai trò của thương gia, những lợi tức tăng dần. Để giới hạn ở tiền tệ, có thể ghi nhận là bản thân ông không đứng trong một cách nhìn phân đôi và có lẽ đã hoàn toàn tán thành châm ngôn của Clower “sản phẩm không đổi lấy sản phẩm mà đổi lấy tiền tệ”. Nhưng ông đã trình bày điểm này như một nhận xét thực nghiệm chứ không như một nguyên lí lí thuyết, cần được xây dựng và có khả năng giữ một vai trò lí thuyết để phân biệt. Những trực giác được bảo vệ một cách yếu ớt như thế dễ bị trục xuất đi mất. Đó là điều đã xảy ra. Trong nghĩa này, Marshall gánh một phần trách nhiệm về số phận mà tư tưởng ông đã chịu phải.             

3.7 John M. Keynes (1883-1946)
Trước sự phong phú và tính đa dạng của sự nghiệp của Keynes, có lẽ là “nhà kinh tế lớn nhất của thế kỉ XX”, phân tích của chúng tôi chỉ có thể là phiến diện và chỉ tập trung vào Lí thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ (1936). 
Phải tính đến bối cảnh của tác phẩm. Lí thuyết tổng quát được viết trong thời kì thất nghiệp đại chúng, gắn với cơn đại suy thoái. Keynes phản đối lí thuyết chính thống đang ngự trị trong chính sách kinh tế và nghĩ rằng tính dai dẳng của thất nghiệp đòi hỏi những biện pháp mới. Trên bình diện tri thức, kinh tế học vi mô marshallian đã trở thành, ít ra là ở Anh, học thuyết chính thống. Về vấn đề thất nghiệp, các nhà kinh tế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Cho dù tình cảm của họ là gì đi nữa, họ buộc phải chấp nhận rằng lí thuyết kinh tế chỉ cho được một chẩn đoán duy nhất, gắn liền thất nghiệp với tính không linh hoạt của lương. Do họ đã trở thành những chuyên gia mà lời khuyên được coi trọng, những đánh giá của họ là một chướng ngại cho việc thực thi những chính sách mới. Do đó cần phải bẻ gãy ổ khoá. Đó là mục tiêu Keynes đeo đuổi khi bắt tay vào soạn tác phẩm sau này trở thành quyển sách chủ lực của ông.
Nhưng trong việc thực hiện ý đồ trên, có thể nghĩ, như Favereau (1985), rằng Keynes do dự giữa hai chiến lược tri thức, giữa một “dự phóng triệt để” và một “dự phóng thực dụng”. Dự phóng thứ nhất xuất phát từ sự không thỏa mãn sâu sắc đối với học thuyết chính thống và những lựa chọn phương pháp luận của học thuyết này. Dự phóng này muốn xây dựng lại lí thuyết trên những cơ sở mới, dành ưu tiên cho những yếu tố được xem là chủ yếu nhưng lại bị học thuyết chính thống coi nhẹ, như tiền tệ, sản xuất, thời gian và tuần tự của những tác vụ kinh tế, sự bất trắc, tài chính và đầu cơ. Khiêm tốn hơn, dự phóng thực dụng không xét lại những cơ sở của học thuyết chính thống và chấp nhận nó như một ngôn ngữ phải dùng đến để phát biểu những mệnh đề lí thuyết. Từ tiên đề này, Keynes xuất phát từ một nhận định hiện trạng của lí thuyết chính thống không thể dung nạp thất nghiệp tự nguyện và đề nghị trả lời một câu hỏi đâu là thay đổi tối thiểu cần đưa vào học thuyết chính thống để không còn tình trạng trên?              
Lúc bấy giờ trước mặt Keynes có hai chiến lược ấy. Đọc lại Collected Writings cho thấy là ông tha thiết với dự phóng triệt để. Nhưng có thể nghĩ là ông cho rằng, do mục tiêu thuyết phục chính trị, đặt ưu tiên cho dự phóng thực dụng là đúng đắn. Thật vậy để những can thiệp nhằm thúc đẩy kinh tế dễ được chấp nhận thì không cần thiết phải làm một cuộc cách mạng khoa học. Chỉ cần gạt ra những mệnh đề lí thuyết gây cản trở. Favererau cho thấy tâm trạng Keynes biến hoá như thế nào trong quá trình viết Lí thuyết tổng quát. Viễn cảnh triệt để bao trùm những bản thảo đầu đã dần dần nhường chỗ chính cho dự phóng thực dụng. Trong phiên bản cuối cùng, dự phóng thực dụng là nổi trội, nhưng không hoàn toàn là độc tôn. Có lẽ sự sống chung của hai cấp độ dự phóng là một trong những lí do khiến cho tác phẩm thành khó đọc và nhập nhằng. Theo dự phóng thực dụng, tác phẩm thuộc về cách tiếp cận marshallian (và như chúng ta sẽ thấy, một cách ngầm ẩn, thuộc về cách tiếp cận walrasian) còn theo dự phóng triệt để thì tác phẩm mở đường cho cách tiếp cận tiền tệ. Chính Keynes đã để cho cách hiểu nước đôi tồn tại. Việc dự phóng thực dụng nổi bật trong Lí thuyết tổng quát không có nghĩa là ông bằng lòng với điều đó, vì trong bài viết[1] trên Quarterly Journal of Economics năm 1937 những luận điểm triệt để lại được đặt lên hàng đầu.
Mặt khác, tính chất lai tạp của Lí thuyết tổng quát cho phép những người diễn dịch khác nhau có cách đọc riêng của mình, và tính chất này hiện rõ khi đặt chồng lên nhau một vài chương của tác phẩm này. Trong chương 2, có tựa là “Những định đề của kinh tế học cổ điển”, Keynes xác định chỗ đứng của mình đối với học thuyết chính thống marshallian. Ông tuyên bố chấp nhận định đề đầu của cách tiếp cận marshallian (lương thực tế bằng với năng suất cận biên của lao động là đẳng thức ấn định cầu lao động) nhưng lại gạt bỏ định đề thứ hai (lương thực tế bằng với độ phản lợi ích cận biên của lao động là đẳng thức ấn định cung lao động). Khái niệm mới về thất nghiệp không tự nguyện nổi lên từ việc từ bỏ này. Những nhận định trên hoàn toàn khớp với dự phóng thực dụng. Nhưng cũng trong chương này, Keynes đưa vào một yếu tố phân biệt triệt để, gắn với dự phóng triệt để, tính tiền tệ của những giao dịch hàng hoá. Điều này mở đường cho một phê phán triệt để qui luật Say, được hiểu như cơ sở của cách nhìn chính thống. Chương 3, có tựa “Nguyên lí cầu thực tế” mô tả lí thuyết cầu thực tế, sử dụng một khái niệm marshallian làm công cụ. Cũng có thể đọc chương này ở hai cấp độ. Một mặt chương này chứa đựng một loạt những khái niệm và quan hệ sau này trở thành cái lõi của kinh tế học vĩ mô được gọi là chuẩn. Mặt khác, có thể kiến giải chương này trong một nghĩa triệt để, nhấn mạnh đến tính chất một chiều của quyết định việc làm và sự bất đối xứng giữa vị thế doanh nghiệp và người làm công ăn lương (Cartelier, 1985 b). Cũng còn có thể, như Minsky (1975) và Orléan (1988), cho rằng các chương 12 và 17, có tựa đề theo thứ tự là “Tình trạng dự kiến dài hạn” và “Những thuộc tính cơ bản của lãi suất và tiền tệ” là lí thú nhất. Một lần nữa, cách kiến giải lại càng phi chính thống, nhấn mạnh đến tính thích đáng của những nhận xét của Keynes về sự bất trắc, sự bắt chước, vai trò của tài chính và tính gây mất ổn định của đầu cơ tài chính. Cuối cùng, ta có thể ưa thích chương 18 có tựa là “Trình bày lại lí thuyết tổng quát về việc làm“. Trong chương này, Keynes trình bày bằng lời văn một mô hình cân bằng chung, trong đó với lương danh nghĩa và cung tiền tệ cho trước, mức cân bằng của thu nhập quốc gia được ấn định bởi sự tương tác giữa thị trường sản phẩm (tiêu dùng và đầu tư) và thị trường tiền tệ.  Hicks sẽ dựa trên chương này để khái quát hoá, trong bài điểm sách nổi tiếng (1937), điều sau này trở thành công thức IS-LM. Cách nhìn cuối cùng này biến Keynes thành một nhà phổ biến không có ý thức cho cuộc cách mạng walrasian. Đó là ý kiến của Patinkin: “Thật vậy, đóng góp cơ bản của Lí thuyết tổng quát là một ứng dụng thực tiễn đầu tiên của lí thuyết walrasian về cân bằng chung:thực tiễn”, không phải trong nghĩa thực nghiệm, mà trong nghĩa thu gọn mô hình hình thức của Walras với n phương trình đồng thời và n ẩn số thành một mô hình có thể xử lí được (“manageable”), để từ đó rút ra những hệ quả cho thế giới hiện thực“ (1987, vol III: 27).
Trước sự phức tạp trên, bảng tổng kết chỉ có thể là phải tinh tế. Ít nhất trên hai phương diện, dự phóng của Keynes đã thành công. Về mặt chính sách kinh tế, công tác thuyết phục đạt kết quả rộng rãi. Cái khoá bị bẻ gãy và những thiên kiến về sự can thiệp của chính phủ trong kinh tế thay đổi hoàn toàn. Thành công thứ nhì liên quan đến việc thực hiện chương trình nghiên cứu ẩn ngầm trong Lí thuyết tổng quát. Ở đây cũng thế, thành công là kì diệu vì chỉ trong một thời gian ngắn đã hình thành một trường lí thuyết mới, kinh tế học vĩ mô. Khi so dự phóng này với nội dung tác phẩm của Keynes, thì cả hai thành công trên là một điều bí hiểm. Thật vậy, không thể gán thành công cho tính không bác bỏ được của lập luận. Ngay cả dự phóng thực dụng đã không thực sự hoàn thành. Trước hết vì dự phóng này là ít khiêm tốn hơn điều người ta có thể nghĩ lúc đầu. Tiếp đó thành công của nó đòi hỏi có những tiến bộ ngay của chính lí thuyết tân cổ điển mà lúc bấy giờ chưa được thực hiện.                     
 
3.8 F. A. Hayek (1899-1992)
Nếu Menger là nhà sáng lập trường phái Áo thì việc phổ biến những tư tưởng của trường phái này là công việc của những môn đồ của ông, đặc biệt là von Wieser và von Böhm-Bavek. Vả lại giữa hai cuộc thế chiến, ý kiến thống trị là không có một trường phái Áo, tách rời với lí thuyết kinh tế được thừa nhận do các nhà kinh tế Áo đã chuyển tải tư tưởng của họ vào lí thuyết này. Thế nhưng ngày nay ý kiến trên không còn được chấp nhận rộng rãi và những nhà kinh tế tân Áo lại có xu hướng nhấn mạnh tính đặc thù của họ trong nội bộ gia đình tân cổ điển hơn. Tác giả có vai trò then chốt trong tiến trình này là Hayek.
Số phận tư tưởng của Hayek thật là kì lạ. Rất nổi tiếng trong những năm 1930 lúc bấy giờ ông dạy tại đại học London School of Economics  và là địch thủ lí thuyết chính của Keynes thành công của ông là rất ngắn ngủi. Chiến thắng của những ý tưởng keynesian gạt qua một bên tư tưởng của ông cho đến khi, như một hiện tượng con lắc, tư tưởng của ông lại được coi trọng, điều mà nhờ tuổi thọ ông được làm nhân chứng.
Suy tưởng của ông trải rất rộng, vượt khỏi lĩnh vực của kinh tế học trong nghĩa hẹp. Ông có một vai trò nổi bật trong những cuộc tranh luận về các lí thuyết chu kì kinh tế và cách kiến giải chúng, một đề tài thời sự giữa hai cuộc thế chiến. Trong những tác phẩm về chu kì, mà đỉnh cao là Prices and Production (1935), chu kì được quan niệm như một vấn đề phối hợp liên thời gian. Một cách sơ lược, cân bằng liên thời gian được định nghĩa như sự tương thích giữa cơ cấu của tư bản, được thể hiện qua mức độ “roundaboutness[2] của qui trình sản xuất (nghĩa là thời gian, dài hay ngắn, những nguồn lực sản xuất bị giữ ứ đọng trong quá trình sản xuất) và những sở thích liên thời gian cơ bản của các tác nhân. Hayek lập luận như thể nền kinh tế thị trường tự động cân bằng nhưng cho rằng một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể là yếu tố nhiễu loạn. Bằng cách giảm giả tạo lãi suất, chính sách này phát những tín hiệu giả về sở thích liên thời gian của các tác nhân. Hậu quả là một sự bùng nổ giả tạo, một gia tăng của đầu tư và kéo dài không có cơ sở của quá trình sản xuất. Theo Hayek tiếp đó chỉ có thể là một cơn khủng hoảng kinh tế khi sự không tương thích giữa cơ cấu tư bản và sở thích liên thời gian của các tác nhân nổi rõ ra. Bằng cách nhìn này thừa hưởng từ những nhà kinh tế Áo đi trước ông, Hayek đối lập với Keynes khi trong Treatise on Money, Keynes cho rằng cuộc khủng hoảng là do thiếu đầu tư. Hơn nữa, ngày nay nhìn lại, Hayek hiện ra như người tiên phong của lí thuyết hiện đại về chu kì, được các nhà “cổ điển mới” đề xướng, trong chừng mực là ông cho rằng đã đặt cơ sở lí thuyết này trên lí thuyết walrasian (Butos, 1985).
Tuy nhiên suy nghĩ của ông tiến một bước thứ nhì, được Hutchinson (1981) cho là bước ngoặt đoạn tuyệt, đặc biệt là sau việc ông tham gia vào cuộc tranh luận về khả năng hạch toán kinh tế trong một nền kinh tế tập thể. Như vậy, Hayek buộc phải đào sâu tư duy của ông về tính đặc thù và những nguyên lí vận hành của một nền kinh tế thị trường trong nhiều bài viết quan trọng được tập hợp trong quyển Individualism and Economic Order (1949). Trong những bài viết này, việc phối hợp những quyết định cá thể được nêu bật thành vấn đề kinh tế cơ bản. Hayek nhấn mạnh là sự phối hợp được tiến hành thông qua những thất bại và sai lầm của những quyết định thật sự. Như thế ông xa rời cách nhìn walrasian vốn đặt trọng tâm tới việc hòa giải trước khi có quyết định, và do đó theo một quan điểm cổ điển khi ông nhấn mạnh rằng cạnh tranh là một quá trình khám phá, tập huấn thường xuyên. Dưới mắt ông, một chiều kích quan trọng khác là vai trò của tri thức trong sự vận hành của nền kinh tế. Đó không hẳn là hiểu biết của nhà lí thuyết, của nhà kinh tế tri thức khoa học mà là hiểu biết phi lí thuyết của các tác nhân trong nền kinh tế. Những tác nhân này hành động với những thông tin chính xác và hạn chế, thiếu nhận thức tổng quát, nhưng đủ để làm cho hệ thống vận hành. Trực giác này khiến Hayek phát biểu lại khả năng đứng vững của một nền kinh tế phi tập trung như sau: bằng cách nào sự tương tác tự phát của những cá nhân có những thông tin hạn chế có thể dẫn đến một kết quả mà, nếu trong trường hợp tương tác được một cơ quan tập trung cân nhắc đòi hỏi là cơ quan này có khả năng gộp chung những thông tin rải rác ? Vậy thì Hayek cho rằng điểm mạnh chính biện minh cho hệ thống thị trường là do hệ thống này tiết kiệm được việc tập trung thông tin. Nếu phải đạt đến cùng một kết quả bằng một phương thức chỉ huy thì khối lượng thông tin cần tổng gộp và xử lí là quá lớn, và do đó sẽ làm giảm hiệu quả.
Khác biệt giữa Walras và Hayek (và giữa những môn đồ của họ) đáng được nhấn mạnh vì nó cho thấy là có nhiều cách quan niệm lí thuyết tân cổ điển. Quả thật là Hayek đã không phê phán Walras mà ngược lại, như chúng ta đã thấy, ông đã qui chiếu một cách rõ ràng đến Walras. Đó một phần vì ông hiểu dò dẫm như là một quá trình tương đương với quá trình hấp dẫn cổ điển, chứ không phải trong nghĩa kĩ thuật như đã nêu ở trên. Hơn nữa, có thể nghĩ rằng ông đã phê phán một cách gián tiếp qua những người khác, chính xác hơn là trong những bài viết về khả năng của chủ nghĩa xã hội (Hayek, 1949). Thật vậy, với khoảng lùi của thời gian, có thể thấy là những nhà bảo vệ kinh tế tập thể, như Lange, có những lập luận thuần túy walrasian và thừa nhận, dù không nêu ra, giả thiết dò dẫm. Bởi thế những phê phán của Hayek nhằm vào những nhà kinh tế này hoàn toàn có thể chuyển hướng nhắm vào lí thuyết walrasian!                                       
Walras muốn xây dựng kinh tế học theo khuôn mẫu của vật lí cơ học, một quan niệm mà đối với Hayek không gì khác hơn là “chủ nghĩa duy khoa học”. Điều này gắn với chủ nghĩa chủ quan của các nhà tân Áo. Trong lúc lí thuyết kinh tế truyền thống quan tâm nhất đến những đối tượng và giá trị của chúng thì các nhà kinh tế tân Áo nhất mạnh đến quá trình đánh giá của các chủ thể kinh tế. Mặt khác, Hayek quan tâm đến những vấn đề bị Walras bỏ qua, như sự hình thành những thể chế, sự nổi lên của một “trật tự tự phát”, kết quả của những hành động của con người chứ không phải của những ý đồ của con người. Một khác biệt đến như thế trong đánh giá cũng tất nhiên có nhiều hệ quả. Như vậy, như chúng tôi đã nêu, Walras và những nhà walrasian luôn đặt ưu tiên cho tính hoạt động lí thuyết hơn là cho tính thực tế. Ngược lại, Hayek và các nhà tân Áo không thể không chú ý đến những nét chủ yếu của cái được giải thích (explanandum). 
Do đó, Hayek và Walras là những mẫu mực vì mỗi người minh hoạ cho những phẩm chất và khiếm khuyết của hai trực giác phương pháp luận trái nhau. Khiếm khuyết của Walras, như chúng tôi đã ghi nhận, là lí thuyết của ông không cho ta thấy tính đặc thù nào của một nền kinh tế thị trường, vì lí thuyết hình thành giá của ông đòi hỏi có sự tập trung. Ngược lại cách tiếp cận walrasian có một đặc tính đáng chú ý: nó mở đường cho một chương trình nghiên cứu thật sự, phong phú và tiến bộ về mặt tri thức. Với Hayek, ta tìm thấy những nét trái ngược. Ông nắm bắt được bản chất sâu sắc của nền kinh tế thị trường và những đòn bẩy làm nền kinh tế này vận hành. Nếu khoa học kinh tế phải đúc kết lại thành một tiểu luận duy nhất và cuối cùng, một loại di chúc tóm tắt những điểm chủ yếu của hiểu biết thì những bài viết của Hayek về thông tin có lẽ đáng được giữ lại hơn là sự nghiệp của Walras. Nhưng tiểu luận này không vạch được một chương trình nghiên cứu. Có thể thấy điều này ở việc là các môn đồ của Hayek trong một chừng mực rất lớn chỉ lặp lại những trực giác của ông. Trong khi lí thuyết walrasian đã tiến triển vô cùng từ thời Walras, thì năm mươi năm sau lí thuyết tân Áo gần như không bước thêm được chút nào!    
Để hoàn tất bức tranh, cần phải đưa thêm khả năng có những cách biệt giữa những diễn ngôn lí thuyết và siêu lí thuyết. Nếu Hayek phê phán Lange đó là vì Lange đề nghị một sách sử dụng siêu lí thuyết xã hội chủ nghĩa của lí thuyết walrasian trong khi Hayek là người bảo vệ tự do kinh doanh. Một phê phán như thế đối với những nhà walrasian của trường phái “cổ điển mới” là ít cần thiết hơn vì các nhà kinh tế này, mặc dù có sự khác biệt lí thuyết trên, đều chấp nhận cùng một siêu lí thuyết với Hayek; đấy là chưa nói đến việc họ dùng Hayek như ngọn cờ trong cuộc tiến công của họ chống Keynes. Tương tự như vậy, sự hội tụ lí thuyết giữa các nhà hậu keynesian và tân Áo về bất trắc, sản xuất và chiều kích thời gian nhường chỗ cho, trong một chừng mực rất lớn, sự khác biệt về mặt siêu lí thuyết, đặc biệt là về đánh giá khác nhau của họ về khả năng điều chỉnh tự phát của những nền kinh tế phi tập trung.                 

3.9 Thời hậu Keynes
Sự phát triển kì diệu và song song của lí thuyết walrasian và của kinh tế học vĩ mô keynesian là nét nổi bật của phân tích kinh tế thời hậu chiến. Trước sự phát triển phong phú này, trong đoạn này chúng tôi chỉ giới hạn ở một chủ đề duy nhất, một chủ đề có những phân nhánh lí thuyết quan trọng, tức những cuộc tranh luận về thất nghiệp đã nổ ra để phản ứng lại trước những phân tích của Keynes.   
Sự được thua về mặt lí thuyết liên quan đến vị thế gán cho khái niệm thất nghiệp không tự nguyện có thể chấp nhận khái niệm này về mặt lí thuyết không, và nếu được thì khái niệm qui chiếu về cân bằng hay mất cân bằng? Những câu hỏi này đòi hỏi phải làm rõ khái niệm cân bằng. Trên điểm này có hai quan điểm đối lập nhau. Với quan niệm đầu gắn với các nhà “cổ điển mới” thì khái niệm cân bằng là thống nhất, dù cho người ta có thể định nghĩa khác nhau không có sự kích thích nào để thay đổi hành vi, cân bằng giữa cung và cầu, không còn những khả năng trao đổi có lợi cho mọi bên. Ngược lại, đối với quan niệm thứ nhì, gắn nhiều hơn với các nhà keynesian, những nghĩa trên không nhất thiết là giống nhau. Một tình thế được định nghĩa theo tiêu chí thứ nhất (không có kích thích nào để thay đổi hành vi) có thể là một hiện tượng mất cân bằng nếu đo theo hai tiêu chí sau. Mục tiêu được thua siêu lí thuyết của cuộc tranh luận là việc chấp nhận hay chối bỏ những chính sách kinh tế nhằm làm giảm tỉ suất thất nghiệp.
Nếu ta nhìn vấn đề theo một cách nhìn tân cổ điển, có thể phân biệt ba giai đoạn trong cuộc tranh luận. Sự thống trị của “tổng hợp tân cổ điển” là dấu ấn của giai đoạn thứ nhất. Tổng hợp này coi nhẹ tính độc đáo về mặt lí thuyết của Keynes mà vẫn chấp nhận những kết luận chính trị của tác giả này. Giống như chương hai của Lí thuyết tổng quát, chỉ có tiên đề thứ hại là được xét lại. Nhưng trong giai đoạn này có thể phân biệt nhiều hướng nghiên cứu khác nhau được chúng tôi gắn với tên của Hicks, Patinkin và Clower. Cuộc phản công chống keynesian đánh dấu giai đoạn thứ nhì, bắt đầu bằng trường phái trọng tiền và đạt đỉnh cao với lí thuyết “cổ điển mới”. Cuối cùng giai đoạn thứ ba là giai đoạn đánh trả lại cuộc phản công này.              

Dòng Hicks
Đường hướng này gắn với những cách đọc Lí thuyết tổng quát của Hicks và Modigliani, nhất là cách đọc của tác giả thứ nhất, nền tảng của cách kiến giải Keynes được phổ biến nhất và lấy mô hình IS-LM làm trọng tâm. Trong cách nhìn này, đặc thù của mô hình keynesian nằm ở dạng đặc biệt được gán cho một số hàm hành vi, đặc biệt là sự ưa thích thanh khoản và cung lao động. Và như vậy cách nhìn này từ chối chủ định về tính phổ quát hơn của lí thuyết keynesian nhưng lại đồng tình với chính sách keynesian. Một trong những ví dụ của cách kiến giải trên là quyển sách của Allen, Macro-economics. A Mathematical Treatment (1975). Thiểu dụng lao động được giải thích là do dạng đặc biệt của đường cung lao động tính cứng nhắc trong chiều giảm của cung lao động kể từ một mức sàn của lương danh nghĩa. Trong những phân tích như vậy, khái niệm thất nghiệp không tự nguyện không được nêu lên một cách rõ ràng.    

Dòng Patinkin
Theo phân tích của Patinkin trong các chương 13 và 14 của Tiền tệ, tiền lãi và giá cả (1965), ý nghĩa duy nhất có khả năng được gán cho khái niệm thất nghiệp không tự nguyện là những người cung ứng lao động “nằm ngoài đường cung của họ”. Tuy nhiên chỉ có thể quan niệm một tình thế như vậy như một hiện tượng mất cân bằng và do đó là tạm thời. Nếu những điều chỉnh là tức thì, thì khái niệm không còn ích lợi gì nữa. Tham vọng về tính tổng quát của Keynes một lần nữa bị gạt bỏ đối tượng của lí thuyết của ông chỉ là “the Economics of Depression[3] nhưng dự phóng chính trị của ông được chấp nhận. Mối liên hệ giữa Patinkin và trường phái Pháp (hay Pháp-Bỉ) của lí thuyết mất cân bằng (Benassy, 1975; Drèze, 1975; Younes, 1975) được xác lập thông qua Barro và Grossman (1971). Trong bài viết này, hai tác giả cuối tổng hợp, có lẽ không được đúng lẽ lắm, quan điểm của Clower và Patinkin. Họ chấp nhận giả thiết những giá cứng nhắc và cuối cùng nêu lên sự phân biệt giữa những dạng cổ điển và keynesian của thất nghiệp được Malinvaud làm rõ trong cách phân loại nổi tiếng của ông (1977). Mục tiêu của những lí thuyết gia về mất cân bằng là chứng minh sự tồn tại của những mất cân bằng với hạn mức trong bối cảnh giá và lương là cứng nhắc. Người ta có thể nghĩ là với đóng góp của họ cuối cùng dự phóng thực dụng đã thành công. Tuy nhiên nếu đánh giá theo cách lí thuyết này được đón nhận thì không có gì là chắc chắn. Được đón nhận tốt tại châu Âu, nơi lí thuyết sinh sôi được nhiều công trình, lí thuyết bị gạt khỏi Hoa Kì, bởi chính ngay Barro và Grossman, dưới ảnh hưởng của sự phê phán “cổ điển mới”, được xem xét sau đây.

Dòng Clower
Clower (1965), mà tên tuổi cần được gắn với Leijonhufvud, nhấn mạnh hơn nhiều đến tính đổi mới về mặt lí thuyết của Keynes. Theo ông, mục tiêu ẩn ngầm của Keynes trong Lí thuyết tổng quát là xét lại “định luật Walras”, con “bò thiêng liêng” (để dùng lại thành ngữ của ông) của lí thuyết kinh tế. Mô hình Clower, với việc phân biệt cầu lí tưởng và cầu thực tế, khái niệm quyết định kép, mang lại kết quả là có một cân bằng giả. Mặc dù không có sự kích thích nào để thay đổi hành vi, nhưng sự phối hợp là không tối ưu và những khả năng trao đổi các bên cùng có lợi không được tận dụng hết. Nguồn gốc của vấn đề là do thông tin không được truyền tốt vì thiếu người xướng giá. Khiếm khuyết không nằm ở tính cứng nhắc của giá mà là do những hiện tượng khiến cho giá cả phản ứng không xuất hiện. Như vậy thật là điều ngạc nhiên khi Clower được coi là một người cha của lí thuyết mất cân bằng.    

Những nhà cổ điển mới
Vào đầu những năm 1970, cuộc tranh luận bước vào giai đoạn hai, phản ứng chống keynesian với hai cuộc tiến công, trước hết là một cuộc tiến công tiền tệ và tiếp đó là một cuộc tiến công “cổ điển mới”. Cách tiếp cận trọng tiền, gắn với tên của Friedman, là một cuộc tấn công nhẹ nhàng nhằm xoá đi những chỗ gồ ghề của lí thuyết keynesian. Mục tiêu là đường Phillips được hợp nhất, một cách đúng hay sai, vào gốc lí thuyết keynesian và, qua kinh nghiệm đã tỏ ra là khâu yếu của khung hệ thống này. Các nhà “cổ điển mới” về phần họ, dưới sự lãnh đạo của Lucas và Sargent, mở một cuộc tiến công rộng và trực diện vào kinh trắc học chịu ảnh hưởng keynesian và cả vào những khái niệm keynesian. Ở đây chúng tôi chỉ chú ý tới khía cạnh thứ nhì. Mục tiêu của họ là xây dựng lại kinh tế học vĩ mô trên hai cơ sở (mà dưới mắt họ chỉ là một), bù trừ của thị trường (“market clearing”) và giả thiết về hành vi tối đa hoá và dự kiến duy lí của các tác nhân kinh tế. Những quan điểm này là cơ sở cho phê phán của họ đối với cách tiếp cận mất cân bằng và đối với khái niệm thất nghiệp không tự nguyện. Về điểm thứ nhất, phê phán của họ nhắm vào tính chất được coi là ad hoc của giả thiết về tính cứng nhắc của giá và lương. Khi từ chối để lương thay đổi, những người cung và cầu lao động bỏ lỡ những cơ hội đánh đổi có thể có lợi cho hai bên. Do đó giả thiết về tính cứng nhắc là không tương thích với tiên đề về tính duy lí tối đa hoá trên đó, lí thuyết kinh tế được xây dựng một cách đồng thuận. Lập luận này cũng được dùng để phê phán khái niệm thất nghiệp không tự nguyện. Khái niệm quyết định duy lí kéo theo ý tưởng tự do lựa chọn. Khái niệm này cũng đòi hỏi là người ra quyết định hình dung tất cả những hệ quả có thể của những hành động của mình. Như thế, không thể quan niệm là một người lấy quyết định bị du vào một thế người đó không mong muốn, đã được tính đến lúc lấy quyết định, trừ khi lẫn lộn gọi bằng không tự nguyện một kết quả không làm người đó thỏa mãn. Bởi thế, họ cho rằng không thể chấp nhận về mặt lí thuyết khái niệm thất nghiệp không tự nguyện. Tương tự như vậy, đối với họ phân biệt của Keynes giữa một dạng thất nghiệp ma sát, được coi là tự nguyện và một dạng khác, không tự nguyện, là một sự phân biệt vô ích (Lucas, 1983: 240). Phê phán của họ còn nhắm vào những biện pháp của chính sách kinh tế, được coi là khai thác sự “trade-off” (đánh đổi) giữa lạm phát và việc làm, như được thể hiện qua những đường Phillips có dạng chuẩn. Đối với họ chỉ có một chính sách tiền tệ không được dự kiến trước mới có hiệu quả. Tóm lại, về mọi mặt quan niệm keynesian được xem là một đường vòng lí thuyết đáng tiếc. Từ đó họ chủ trương lấy lại chương trình nghiên cứu thịnh hành trước Keynes và đã được Hayek phát biểu. Nhằm mục đích này, Lucas (1975) đề nghị một cách kiến giải liên thời gian của đường cung lao động truyền thống, dựa trên sự đánh đổi giữa lao động và nhàn rỗi. Những biến động của việc làm như vậy được giải thích bằng những ảnh hưởng cộng dồn của các lựa chọn liên thời gian dựa trên những cách hiểu sai các tín hiệu-giá của thị trường mà không cần thiết phải từ bỏ những tiên đề truyền thống hay đưa vào những giao dịch “nằm ngoài đường cung”.            

Những cuộc phản công
Quan điểm của những nhà “cổ điển mới” đã gặt hái một thành công lớn, nhất là tại Hoa Kì và không chối cãi được là họ đã đẩy những người bảo vệ luận điểm tổng hợp vào thế phòng thủ. Ba loại phản công, khá bổ sung cho nhau, đã được đề ra. Loại thứ nhất, do những lí thuyết gia mất cân bằng đề xuất, nhằm cung cấp một cơ sở thực nghiệm cho giả thiết “tính nhớt” của lương. Hai loại phản công kia, lí thuyết hơn, chấp nhận giao tranh trên địa bàn của những người phản biện họ, chấp nhận những tiên đề về một hành vi tối đa hoá, khai thác hết những lợi thế của trao đổi và tính linh hoạt của lương. Một cách phản công nhằm chứng minh, trong khuôn khổ của cân bằng chung, là có thể có nhiều cân bằng. Cách phê phán tổng quát này đối với các nhà “cổ điển mới” được Diamond (1982) và Howitt (1985) ứng dụng vào trường hợp thất nghiệp. Một cách phản công, mang tính kinh tế vi mô, nhằm cung cấp một cơ sở cho tính duy lí của hành vi tối đa hoá khi lương là không linh hoạt. Do thiếu chỗ, chúng tôi tự giới hạn ở cách phản công cuối. Có thể coi cách này như việc trở về điểm xuất phát, tức chương 2 của Lí thuyết tổng quát. Điểm mới là lần này đến lượt tiên đề thứ nhất bị xét lại. Mặc dù bối cảnh nay bị ràng buộc hơn nhưng vấn đề vẫn là như ta vừa thấy thực hiện dự phóng thực dụng, tức là đặt cơ sở cho việc chấp nhận khái niệm thất nghiệp không tự nguyện. Một lần nữa, trực giác nằm sau điều này là đơn giản. Mục đích là chứng minh rằng doanh nghiệp có thể có lợi khi không ấn định lương thực tế ở mức lương cân bằng walrasian. Có thể tìm thấy lí do của việc này trong những hiện tượng “rủi ro đạo đức”, những khác biệt trong chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là chất lượng nhân công, những thông tin không đối xứng và những hành vi khác nhau trước rủi ro. Và từ đấy có thất nghiệp không tự nguyện. Người thất nghiệp không có khả năng theo một cuộc đấu giá trong chiều giảm vì các doanh nghiệp không được lợi gì trong những giao dịch như thế. Có cân bằng trong nghĩa thứ nhất ở trên, nghĩa là không có gì kích thích phải thay đổi, tuy nhiên hai tiêu chí còn lại của cân bằng không được thỏa mãn. Khái niệm lương hiệu quả, vốn đã có ở Marshall, theo đó năng suất lao động phụ thuộc vào lương trở thành điểm hội tụ cho một số tác giả; trong số này có thể kể tên của Akerlof và Yellen (1986) và Stiglitz (1987).
Những lí thuyết này là một bước tiến quan trọng cho sự thành công của dự phóng thực dụng. Tuy nhiên những lí thuyết này chắc chắn sẽ không kết thúc cuộc tranh luận vì trước hết lập luận của những lí thuyết này chủ yếu là lập luận cân bằng bộ phận và sau đó vì sẽ không thiếu những lập luận chống lại nêu bật lên những phương thức khác nhau có khả năng làm giảm tác động của những thông tin không đối xứng và của những hiện tượng “rủi ro đạo đức”. Mặt khác dựa trên những quan niệm này có thể có nhiều cách hiểu siêu lí thuyết. Hầu hết những tác giả bảo vệ các quan niệm này đều có cảm tình với những chính sách can thiệp keynesian. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại. Ví dụ một tác giả như Phelps (1985: 420) chấp nhận lí thuyết nhưng lại không chấp nhận kết luận chính trị thường được gán với lí thuyết này. Lần này đây là một vị thế ngược lại với những quan điểm được Patinkin và những tác giả của tổng hợp tân cổ điển phát triển. Những tác giả này coi nhẹ đóng góp lí thuyết của Keynes nhưng lại ủng hộ chính sách kinh tế keynesian. Còn Phelps chấp nhận ý tưởng thất nghiệp không tự nguyện nhưng lại hoài nghi khả năng chữa trị căn bệnh này.
*
*  *
Chúng tôi đã trình bày những đỉnh cao của lịch sử phân tích kinh tế. Chúng tôi đã kiến giải lịch sử này như một cuộc đối thoại liên thế hệ không ngừng nghỉ diễn ra trên hai bình diện: bình diện thảo luận thuần túy trí thức và vô tư và bình diện thảo luận chính trị trong đó những kết quả lí thuyết được dùng làm chỗ dựa cho những trực giác về cách tổ chức lí tưởng những hoạt động kinh tế. Đan chéo hai khía cạnh này của cuộc thảo luận đưa đến những thỏa hiệp đôi lúc nhằng nhịt, sự gần nhau về mặt siêu lí thuyết có thể che giấu một khác biệt lí thuyết, và ngược lại. Nhiều ví dụ về những trường hợp chênh lệch này đã được nêu lên.   
Nghiên cứu của chúng tôi cũng đã thử xét lại ý tưởng thường được chấp nhận về tính duy nhất lí thuyết của kinh tế học. Cách tiếp cận tân cổ điển không chỉ là cách tiếp cận duy nhất có thể quan niệm được mà còn ít thống nhất hơn là người ta tưởng một cách tiên nghiệm. Tương tự như thế, nghiên cứu cũng đã phát hiện là những tác phẩm kinh tế lớn tự bản thân thường thiếu tính nhất quán. Đây cũng là một vấn đề cần phải suy nghĩ. Phải coi đây là nét biểu lộ của sự phát triển chưa đầy đủ của khoa học kinh tế hay là biểu hiện cho một điều gì sâu sắc hơn, gắn liền với đối tượng giải thích của lí thuyết kinh tế, sự bất lực của bộ môn trong việc nắm bắt đối tượng của nó bằng một cách nhìn duy nhất.
Cuối cùng theo chúng tôi việc có tranh luận trong kinh tế học không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, sẽ hiếm dần đi với tiến bộ của hiểu biết. Tính chất này gắn một cách sâu sắc với đối tượng của bộ môn. Do lịch sử lí thuyết kinh tế nhằm làm rõ nguồn gốc của các cuộc tranh luận, nên chuyên ngành này là một bộ phận hợp nhất của kinh tế học và không tránh được tai hại nếu dồn nó vào những làn ranh của bộ môn này[*]. 
Tài liệu tham khảo
Abraham Frois G. và Berrebi E. (1976), Théorie de la valeur, des prix et de laccumulation, Paris, Economica
Akerlof G. và Yellen J. (1986) (chủ biên), Efficiency Wage Models of the Labour Market, Cambridge, Cambridge University Press
Allen R. (1975), Macroeconomic Theory: A Mathematical Treatment, London, Macmillan
Arena R. (1987), “La dynamique économique: nouveaux débats, nouvelles perspectives”, Actualité économique, Mars, trang 77-116
Backhouse R. (1985), A History of Modern Economic Analysis, Basil Blackwell, Oxford
Barro R. J. và Grossman H. I. (1971), “A General Disequilibrium Model of Income and Employment”, American Economic Review, March
Benassy J. P. (1975), “Neokeynesian Disequilibrium Theory in a Monetary Economy”, Review of Economics and Statistics, October
Blaugh M. (1985), Economic Theory in Retrospect, Cambridge, Cambridge University Press, 4th ed.
Butos S. (1985), “The Production Process in a Competitive Economy: Walrasian, Neo-Hobbesian and Marxian Models”, American Economic Review, march
Cartelier J. (1985a), “Théorie de la valeur ou hétérodoxie monétaire? Les termes d’un choix”, Economie appliquée, trang 63-84
Cartelier J. (1985b), “La Théorie Générale: fondement d’une économie politique hétérodoxe?”, Barrère A. (chủ biên), Keynes aujourdhui, Théories et politiques, Paris, Economica
Clower R. (1984), “The Keynesian Counter-revolution: A Theoretical Appraisal” (1965, Walker D., ed., Money and Markets, Essays by Robert Clower, Cambridge, Cambridge University Press)
De Vroey M. (1987), “La possibilité d’une économie décentralisée: esquisse d’une alternative à la théorie de l’équilibre général”, Revue économique, Juillet
Diamond P. (1982), “Aggregate Demand Management in Search Equilibrium”, Journal of Political Economy, October, trang 881-94
Dreze J. H. (1975), “Existence of an Exchange Equilibrium under Price Rigidities”, International Economic Review, june
Duménil G và Levy D. (1987), “Equilibre de long terme, déséquilibre stationnaire et crise”, Revue économique, vol. 38, n0 5, trang 949-993
Favereau O. (1985), “L’incertain dans la “révolution keynésienne”: l’hypothèse Wittgenstein”, Economies et Sociétés, vol. 38, série Oeconomica, n0 3
Fisher R. M. (1986), The Logic of Economic Discovery, Neo-classical Economics and the Marginal Revolution, Brighton, Wheatsheaf
Hayek F. (1935), Prices and Production, New York, Kelley
Hayek F. (1949), Individualism and Economic Order, Chicago, The University of Chicago Press
Hicks J. (1967), “Mr. Keynes and the Classics” (1937), in lại trong Critical Essays in Monetary Theory, Oxford, Oxford University Press
Howitt P. (1985), “Transactions Costs in the Theory of Unemployment”, American Economic Review, march, trang 88-100
Hutchison T. W. (1978), On Revolutions and Progress in Economic Knowledge, Cambridge, Cambridge University Press
Hutchison T. W. (1981), The Politics and Philosophy of Economics, Oxford, Basil Blackwell
Keynes J. M. (1936), The General Theory of Employment, Interest and Money
Kirzner I. (1987), “Austrian School of Economics”, The New Palgrave. A Dictionary of Economics, London, MacMillan, vol. 1, trang 145-151
Lapidus A. (1986), Le détour de la valeur, Paris, Economica
Lucas R. (1975), “Understanding Business Cycles”, Brunner K. và Meltzer A. (chủ biên), Stabilization of the Domestic and International Economy, Amsterdam, North Holland
Lucas R. (1983), Studies in Busines Cycles Theory, Cambridge, MIT Press
Marshall A. (1920), Principles of Economics, London, MacMillan
Marx K. (1969), Le Capital, Livre 1, Paris, Garnier-Flammarion
Malinvaud E. (1977), The Theory of Unemployment Reconsidered, Oxford, Basil Blackwell
Menger K. (1976), Principles of Economics, New York, New York University Press
Minsky H. (1975), John Maynard Keynes, New York, New York University Press
O’Brien D. P. (1981), “A. Marshall, 1824-1924”, O’Brien D. P. và Presley J. R., ed., Pioneers of Modern Economics in Britain, London, MacMillan
Orlean A. (1988), “L’auto-référence dans la théorie keynesienne de la spéculation”, Cahiers déconomie politique, n0 14-15, L’Harmattan
Patinkin D. (1965), Money, Interest and Prices, New York, Harper and Row, 2nd ed.
Patinkin D. (1965), “Keynes, John Maynard”, The New Palgrave. A Dictionary of Economics, London, MacMillan, vol. 3, trang 19-41
Phelps E. (1985), Political Economy, New York, Norton
Robinson J. (1942), An Essay on Marxian Economics, London, MacMillan
Roemer J. (1980), “A General Equilibrium Approach to Marxian Theory”, Econometrica, vol. 48, n0 2, trang 505-530
Schumpeter J. A. (1954), History of Economic Analysis, London, Allen and Unwin
Smith A. (1759), The Theory of Moral Sentiments, reed. Works and Correspondence of Adam Smith, vol. 1, Oxford, Clarendon Press, 1976
Smith A. (1776), An Inquiry into the Nature and Causes of the Weath of Nations, reed. Works and Correspondence of Adam Smith, vol. 2, Oxford, Clarendon Press, 1976
Sraffa P. (1951-1973), Works and Correspondence of David Ricardo, 11 vol., Cambridge University Press, Cambridge
Sraffa P. (1951), “Introduction to Ricardo’s Principles”, in Works and Correspondence
Sraffa P. (1960), Production of Commodities by Means of Commodities, Cambridge University Press, Cambridge
Stiglitz J. (1987), “The Causes and Consequences of the Dependency of Quality on Prices”, Journal of Economic Literature, march, trang 1-48
Walker D. (1983) (chủ biên) William Jaffes, Essays on Walras, Cambridge, Cambridge University Press
Walras L. (1874-1877), Éléments déconomie politique pure ou théorie de la richesse sociale, Paris, Guillaumin, réed. Paris, Economica, 1988
Younes Y. (1975), “On the Role of Money in the Process of Exchange and the Existence of a Non-Walrasian Equilibrium”, Review of Economic Studies, October
----------
Phiếu số 1: Những lựa chọn phương pháp luận cơ bản*

Tiếp cận
Những cách tiếp cận tân cổ điển
Tiếp cận

cổ điển
Tiếp cận marshallian
Tiếp cận walrasian
Những cách tiếp cận khác
tiền tệ
1.   Đồng nhất/ không đồng nhất
Không đồng nhất


Đồng nhất

Không đồng nhất

Không đồng nhất

2.   Cân bằng





2.a. Ưu tiên cho sự tồn tại hay cho quá trình
ưu tiên bằng nhau
sự tồn tại

sự tồn tại

quá trình

quá trình

2.b. Lí thuyết hoá quá trình
hấp dẫn


dò dẫm

hấp dẫn

sửa sai những thâm hụt
2.c Cân bằng bộ phận hay cân bằng chung
cân bằng chung

cân bằng bộ phận

cân bằng chung

cân bằng chung

cân bằng chung
3.   Đưa tiền tệ vào
phân đôi


phân đôi

phân đôi

cách nhìn tiền tệ
4.   Giá trị
giá trị lao động

lí thuyết chủ quan

lí thuyết chủ quan

lí thuyết chủ quan

không có lí thuyết giá trị
5.   Dân số

lương thực tế ngoại sinh, dân số nội sinh
dân số ngoại sinh, lương thực tế nội sinh
dân số ngoại sinh, lương thực tế nội sinh
dân số ngoại sinh, lương thực tế nội sinh
dân số và lương danh nghĩa ngoại sinh, lương thực tế nội sinh
* Khi không có câu trả lời nào là hiển nhiên thì chúng tôi để trống ô
----------
Phiếu số 2: Sách nên đọc
Beaud A., Faccarello G. et Lapidus A. (sous la direction de), Histoire de la pensée économique, 3 vol., Paris, La Découverte, 1990
Blaugh M. (1985), Economic Theory in Retrospect, Cambridge, Cambridge University Press, 4th ed.
Denis H., Histoire de la pensée économique, Paris, PUF, 1974
Eatwell J., Milgate M., Neưman P., The New Palgrave. A Dictionary of Economics, 4 vol., London Macmillan, 1984 
Galbraith, J. K., (1987), Economics in Perpective. A Critical History, Houghton Mifflin Company, Boston
Heilbroner R., Les grands économistes, Paris, Seuil, 1971 (dịch từ tiếng Anh)
Schumpeter J. A. (1954), History of Economic Analysis, London, Allen and Unwin
Tập thể tác giả (1996), Lịch sử tư tưởng kinh tế, 2 tập (dịch từ tiếng Pháp), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội (in lần thứ hai 1999)
Wolff J., Les pensées économiques. Les courants, les hommes, les oeuvres (2 tomes), Paris, Montchrestien, 1988-1989
Michel De Vroey[4]
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Histoire de l’analyse économiques” của Michel De Vroey trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 55-92



[1] xem bài Lí thuyết tổng quát về thất nghiệp (ND)

[2] đánh vòng (ND)

[3] Kinh tế học về suy thoáI (ND)

[4] Giáo sư Đại học công giáo Louvain (Bỉ)

[*] Tôi xin cảm ơn J. Cassiers, J. Lallement, R. Leroy, C. Ménard, P. Van Parys, và đặc biệt là P. Mongin, về những lời bình qúy báu.

Print Friendly and PDF