12.11.14

Jean Tirole, người được giải Nobel và nhà sư phạm

PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài của bloger Alexandre Delalgue tóm tắt sự nghiệp của ông. Ngoài ra, PTKT cũng đăng hai phỏng vấn Tirole, một của Nicolas Chevassus-au-Louis trên nguyệt san La Recherche, năm 2007, số 414 tại đây và một của Xavier de la Vega trên Nguyệt san Sciences Humaines, số 189, tháng giêng 2008 tại đây.
 

Jean Tirole, người được giải Nobel và nhà sư phạm

Jean Tirole, giải Nobel kinh tế năm 2014, trước tiên là một người lao động cật lực. Gần 200 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, hơn mười quyển sách, nhà đồng sáng lập cùng với Jean-Jacques Laffont – một tác giả sớm qua đời – và điều khiển Trường kinh tế Toulouse (TSE), giáo sư ở Hoa Kì lẫn ở Pháp, … Ít nhà nghiên cứu nào có khả năng làm một khối lượng lớn công việc đến thế. Vì vậy, khó mà mô tả và tóm tắt đơn giản sự nghiệp của ông.

Một nhà kĩ sư kinh tế

Jean Tirole là hậu duệ của một truyền thống đặc biệt Pháp, truyền thống kĩ sư-kinh tế. Ngay từ thế kỉ XIX, những kĩ sư như Jules Dupuit hay Antoine-Augustin Cournot phát triển một cách tiếp cận kinh tế học dựa trên việc áp dụng toán học. Những biểu đồ cung và cầu làm sinh viên ngày nay thích thú có từ thời đó. Có thể gắn kết cha con Walras và ngay cả những tác giả Pháp khác được giải Nobel kinh tế sau này (Gérard Debreu năm 1983 và Maurice Allais năm 1988) với cách tiếp cận trên mà ta có thể gọi là cách tiếp cận “toán học xã hội”.

Nhà kĩ sư xã hội Pháp là người dựa trên việc nắm vững toán học khi đề cập những vấn đề xã hội, vận dụng khoa học “thuần túy” để giải quyết những vấn đề xã hội. Có một liều lượng chủ nghĩa gia trưởng trong cách nhìn sự vật như thế: nhà kĩ sư-kinh tế theo kiểu Pháp là người vượt qua những cách biệt chính trị, tự đặt mình ở vị trí nhà kĩ trị sáng suốt, đứng trên mọi cuộc tranh chấp nhằm cung cấp một tầm nhìn duy lí có tác dụng giảm nhiệt – ngôn ngữ toán học là công cụ của việc hạ nhiệt này, vừa giới hạn sự hiểu biết chỉ trong một giới tinh hoa vừa né tránh khẩu ngữ vốn có thể chuyển tải quá nhiều lửa. 

Khi nghe Tirole nói hay đọc các bài ông viết, bạn khó biết ông bầu cho ai. Việc làm hạ nhiệt các chủ đề đã dấy lên nhiều phê phán. Nhiều người trách rằng toán học che giấu việc bảo vệ nguyên trạng. Đó không phải là một phê phán không đáng chú ý, với điều kiện là phải cung cấp một đối chọn đáng quan tâm, điều hiếm khi xảy ra.

Cơ cấu các thị trường nằm ở trung tâm mối quan tâm

Vào thời ông, Antoine-Augustin Cournot mô tả độc quyền hai người[1], một tình thế trong đó hai doanh nghiệp chia nhau một thị trường. Jean Tirole dành sự nghiệp của mình cho vấn đề cấu trúc các thị trường trong đó các bên tham gia có một quyền lực. Ở đây, ta không ở trong tình thế một “thị trường hoàn hảo” nhưng trên những thị trường thật sự, khi các bên có quyền lực. Điều này vừa đặt ra những vấn đề mô tả – các bên tham gia phản ứng như thế nào trên thị trường này tùy theo cách thức hoạt động của thị trường ấy –  vừa những vấn đề có tính chỉ đạo: các thị trường phải được tổ chức như thế nào để chúng hoạt động tốt, vì lợi ích của số đông.  

Toàn bộ các trước tác hàn lâm của Tirole xoay quanh các vấn đề sau: tìm cách mô tả, mô hình hóa hành vi các tác nhân, và xác định cách một thị trường phải được tổ chức như thế nào, những gì các chính phủ, các nhà điều tiết và các bên tham gia có thể làm để cải thiện hoạt động của thị trường. Và, trong nỗi tuyệt vọng của một blogger muốn cung cấp một lời giải đáp gọn trong một câu, có thể tóm tắt cách tiếp cận của ông thành ý tưởng sau: đó là một vấn đề phức tạp.

Không tồn tại một giải pháp duy nhất, có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, cho phép biết được phải hành động như thế nào tùy theo cấu trúc của thị trường này hay thị trường khác. Kĩ thuật của Jean Tirole là kĩ thuật tùy theo trường hợp một, từ việc nhận diện các cấu hình đến những giải pháp không thể nhân rộng được. 

Một sự thay đổi cách tiếp cận

Lấy ví dụ một chính phủ cầu viện đến một doanh nghiệp để thực hiện một chương trình trang bị khí tài (ví dụ, một chiến đấu cơ mới). Một hợp đồng được kí với một doanh nghiệp. Nhưng phải mất thời gian để thực hiện hợp đồng, sẽ gặp phải nhiều khó khăn không lường trước, những kĩ thuật mới sẽ được khám phá và những ngẫu nhiên sẽ xảy ra: do đó có khả năng là doanh nghiệp sẽ đòi hỏi được trả nhiều hơn. Và chính phủ buộc sẽ phải chấp nhận nếu không muốn mất hết những gì đã chi trả, điều này khiến doanh nghiệp lạm dụng sự chắc chắn này. Làm thế nào cấu trúc hợp đồng về các thị trường công cộng này xung quanh vấn đề trên?

Trước Jean Tirole, suy nghĩ của các nhà kinh tế được tổ chức quanh việc xác định giá thích hợp. Nghĩa là làm sao để thị trường vận hành như thể nó là một thị trường hoàn hảo, cho dù thị trường không có đặc tính ấy. Jean Tirole – cùng với đồng nghiệp là Jean-Jacques Laffont – đã hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận này bằng cách hợp nhất, bằng lí thuyết trò chơi, hành vi chiến lược của các tác nhân với thông tin không hoàn hảo giữa người ra lệnh và người thừa hành.

Trong ví dụ trên, chính phủ không biết cách quan sát những gì doanh nghiệp làm và buộc phải tin lời doanh nghiệp khi doanh nghiệp thông báo những chi phí phụ trội không thể tránh được. Do đó, phải xác lập những cơ chế hợp đồng để tránh việc doanh nghiệp lạm dụng vị thế của mình.

Những thị trường “hai mặt”, theo hình ảnh của American Express và Netflix

Cách tiếp cận này nhanh chóng được quan tâm trong những năm 1980, khi người ta tư hữu hóa các hoạt động và các chính phủ chuyển từ sự kiểm soát trực tiếp các khu vực hoạt động sang việc điều tiết thị trường. Có thể áp dụng cách tiếp cận này vào nhiều lĩnh vực. Làm thế nào tránh để những nhà lãnh đạo doanh nghiệp lạm dụng vị thế của họ, làm phá sản các doanh nghiệp và các cổ đông vì quyền lợi riêng của họ? Bằng cách nào để các ngân hàng tránh gánh quá nhiều rủi ro, khi biết rằng chúng quan trọng đến độ phải cứu chúng? Việc mô tả hiện tượng “too big to fail” (quá to để bị phá sản – ND) được tiến hành mười năm trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Jean Tirole được đặc biệt biết đến qua việc nghiên cứu các “giao diện” (plateforme), hay thị trường hai mặt và cách tổ chức sự cạnh tranh trên các thị trường này[2]. Đó là những doanh nghiệp mà, nếu muốn thành công, phải thu hút hai nhóm người sử dụng khác nhau. Lấy trường hợp của American Express làm ví dụ. Để khách hàng mua thẻ này thì thẻ do nó phát hành phải được nhiều cơ sở thương mại chấp nhận. Nhưng để các thương gia chấp nhận thẻ American Express thì nó phải được nhiều khách hàng chấp nhận … Điều này cũng đúng cho một chuẩn video. Khách hàng sẽ mua dịch vụ của Netflix nếu biết là có thể tìm thấy trên đó nhiều phim. Nhưng các hãng phim cũng đưa phim của mình lên đó nếu Netflix có nhiều khách hàng. Những cách đặt vấn đề này là thiết yếu cho nhiều khu vực hoạt động: chúng sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của những phương tiện thanh toán điện tử tương lai.
 

Đề xuất một “thuế sa thải”

Jean Tirole không chỉ nghiên cứu không thôi, ông cũng luôn muốn truyền bá kiến thức. Ông không chỉ viết (rất nhiều) bài nghiên cứu mà cả những sách giáo khoa. Giáo trình về tổ chức ngành của ông đã 30 tuổi nhưng vẫn là tác phẩm đầu tiên được sử dụng khi đề cập các vấn đề trên. Gần đây hơn, ông đã viết một quyển sách giáo khoa về việc tài trợ của các doanh nghiệp và những cách để sự tài trợ này là kết quả của quyết tâm của các cổ đông trong việc gám sát các lãnh đạo doanh nghiệp. Ông cũng tham gia vào các cuộc tranh luận ở Pháp. 
   
Ông cũng có ý tưởng xử lí vấn đề sa thải nhân công thông qua những khoản phạt dành cho các doanh nghiệp nào lạm dụng khả năng này thay vì giao cho một thẩm phán nhiệm vụ bất khả thi phân biệt một sa thải “tốt” với một sa thải “xấu”. Ông cũng có những khuyến nghị về sự biến đổi khí hậu, sở hữu trí tuệ, việc bảo vệ người tiêu dùng hay việc quy định hóa các nhà phân phối lớn. Tất cả những việc ấy có vẻ khá tầm thường, ở xa những diễn ngôn và lí thuyết lớn: nhưng nước Pháp sẽ thay đổi trong chiều hướng tốt hơn nếu các nhà chính trị quan tâm hơn đến chúng.


Sự thành công của Toulouse School of Economics

Jean Tirole cũng đã, và nhất là, cùng với Jean-Jacques Laffont, thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Toulouse (tỉnh Haute-Garonne) mà mục tiêu là thu hút và đào tạo những nhà nghiên cứu cao cấp, có khả năng công bố và được thừa nhận trên trường quốc tế. Vào lúc bấy giờ, đây là một thiếu sót của nước Pháp với một hệ thống các đại học ít phương tiện và có làm nghiên cứu và những trường lớn có phương tiện nhưng không nghiên cứu.

Sự thành công của đại học nay trở thành Toulouse School of Economics đã tạo cảm hứng cho việc thành lập một cấu trúc cùng kiểu ở Paris. Điều này có vẻ là chuyện bếp núc của giáo dục đại học, nhưng không thể hi vọng có những nhà nghiên cứu tài năng để đề cập những vấn đề mà nền kinh tế và xã hội Pháp quan tâm nếu không có những cấu trúc như thế.

Giải Nobel này là một phần thưởng đẹp cho một nhà nghiên cứu mẫu mực, cần mẫn và tài năng. Đó cũng là phần thưởng cho một con người của bốn phương, muốn phát triển đất nước mình bằng cách kết nối với phần còn lại của thế giới và tìm cách mang về những gì tốt đẹp nhất của thế giới.
Alexandre Delalgue
Giáo sư kinh tế học ở Saint-Cyr
Nguyễn Đôn Phước dịch






[1] Có thể tham khảo mục “Độc quyền hai người (mô hình)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[2] Có thể tham khảo Kinh tế học vi mô dành cho tất cả mọi người.) .

Print Friendly and PDF