9.11.14

Kinh tế gia như là một nhà hiền triết



Kinh tế gia như là một nhà hiền triết

Tóm tắt
Trong khi những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong thời kỳ đầu của lịch sử ngành kinh tế học nhận thức được mối quan hệ bền chặt giữa triết học và các khoa học nhân văn khác, thì, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, kinh tế học lại có xu hướng trở thành một bộ môn về cơ bản mang tính kỹ thuật với những lĩnh vực nghiên cứu rất chuyên biệt. Hẳn nhiên là chuyên biệt hóa tạo điều kiện cho khoa học kinh tế tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, những sự kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính gần đây minh chứng cho luận cứ của một số tác giả cho rằng kinh tế học cần phải thiết lập diễn đàn tương tác liên ngành và cần có tham vọng vươn tới tầm nhìn bao quát hơn.

Nội dung

Trong quyển sách có sức ảnh hưởng lớn viết năm 1953, The Worldly Philosophers: The Lives, Times And Ideas Of The Great Economic Thinkers (tạm dịch: Các nhà hiền triết: Cuộc sống, Thời gian và Suy nghĩ của những nhà tư tưởng kinh tế vĩ đại), Robert Heilbroner đã giải thích đầy cảm hứng về những gì mà các kinh tế gia thực hiện, một cách trình bày, trong nhiều thập niên, được xem là tài liệu đọc thêm bắt buộc cho vô số sinh viên mới vào học kinh tế. Heilbroner cho biết sở dĩ ông chọn thuật ngữ “các nhà hiền triết” là do phạm vi rộng và sâu về mặt đạo đức trong các vấn đề nghiên cứu của các kinh tế gia. Danh xưng ấy lại gắn chặt và trong một thời gian dài người ta thường xem các kinh tế gia là các nhà hiền triết. Tác phẩm của Heilbroner đã truyền cảm hứng cho nhiều người tiếp tục con đường trở thành kinh tế gia và theo đuổi cuộc sống phong phú của chuyên gia nghiên cứu.

Tuy nhiên, trong khi các công trình nghiên cứu kinh tế là rất ấn tượng về mặt số lượng, thì người ta vẫn thắc mắc liệu rằng yếu tố “hiền minh” và yếu tố “triết học” có được thể hiện đủ như chúng đáng lí phải có mặt hay không trong các công trình nghiên cứu này. Phải chăng tầm nhìn của chủ nghĩa lý tưởng vốn đã tồn tại từ hàng thập kỷ trước đó đã bị mai một đáng kể trong giới kinh tế học? Phải chăng lực đẩy mạnh mẽ chạy theo chuyên môn hóa hẹp nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu đã làm thui chột góc nhìn mang tính đạo đức?
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài đến tận ngày hôm nay được các báo bình dân trưng làm chứng cứ cho sự xuống cấp, về mặt mặt đạo đức hay mặt khác, của sự minh triết và đánh giá của giới kinh tế. Tại sao giới chuyên gia kinh tế không thể dự đoán và đưa ra bất cứ cảnh báo có ý nghĩa nào về cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong phần lớn của thế kỷ? Vô số các nhà phê bình bên ngoài giới kinh tế học cho rằng mô hình mà các kinh tế gia tin dùng quá đặc biệt hay quá chuyên sâu khiến cho hầu hết họ không mường tượng được bức tranh tổng thể, đồng thời cảnh báo về những bất ổn đang lớn dần.
Robert Heilbroner (1919-2005)
Trong tình thế như vậy, chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng là cần phải nhìn lại các xu hướng kinh tế học trong những năm qua và đánh giá các nhân tố tác động đến chương trình nghiên cứu. Chúng tôi bắt đầu với việc đánh giá công trình nghiên cứu của hai “nhà hiền triết” theo cách gọi của Heilbronner. Nhìn chung, những nhân vật được đề cập trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn trong giai đoạn phát triển sơ khai của ngành kinh tế học – bao gồm Adam Smith, Karl Marx, Henry George, John Maynard Keynes, Thomas Malthus, Alfred Marshall, và John Stuart Mill – có liên quan đến trào lưu tri thức trong thời đại của họ và những chính sách công cộng trọng yếu được ban hành nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân chúng. Họ quan niệm bộ môn của mình một cách rộng hơn, chú trọng nhiều hơn đến các yêu cầu về đạo đức so với hầu hết các kinh tế gia hiện đại.

I. Các ví dụ minh họa

Adam Smith vốn là một giáo sư triết học đạo đức[1], không phải giáo sư kinh tế học. Tác phẩm The Theory of Moral Sentiments (tạm dịch: Lý thuyết tình cảm đạo đức) của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1759 là sự kết hợp giữa triết học, tâm lý học và kinh tế học. Tác phẩm này giải quyết vấn đề lực nào hướng dẫn hoạt động kinh tế: phải chăng con người vốn tính vị kỷ, hay là họ vẫn biết quan tâm đến người khác? Khi đánh giá về phẩm hạnh của con người, Smith đã vận dụng tâm lý học và cố gắng mô tả chính xác các động cơ của con người. Tác phẩm này chính là cơ sở giúp ông cuối cùng hoàn thành quyển The Weath of Nations (tạm dịch: Sự giàu có của các quốc gia) vào năm 1776, một tác phẩm nền tảng của kinh tế học hiện đại.
Vào năm 1921, John Maynard Keynes đã viết tác phẩm triết học A Treatise on Probability (tạm dịch: Chuyên luận về Xác suất) về những nền tảng của lí thuyết xác suất. Theo Keynes, chúng ta không nên tư duy theo kiểu xác suất có thể xảy ra: “Một số tần số xác suất là ổn định, với các giới hạn dù rộng hay hẹp. Nhưng những tần số ổn định thường khá hiếm, và chúng ta không thể giả định rằng chúng là ổn định.”[2]. Chính vì lẽ đó, ông xem xác suất như các mức độ niềm tin, và do đó là một hiện tượng tâm lý, nên ông đã bác bỏ hầu hết các mô hình kinh tế có tính xác suất, và hình thành khái niệm tinh thần động vật như là một lực của nền kinh tế. Do đó, triết lý về xác suất của ông và quan điểm không chấp nhận việc vận dụng một cách máy móc các mô hình xác suất là trọng tâm của tác phẩm The General Theory of Employment Interest and Money  (tạm dịch: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ) (1936)[3].
Sự quan tâm của Keynes đối với triết học đã cho ra đời quyển sách The Economic Consequences of the Peace (tạm dịch: Hệ quả kinh tế của hòa bình), được viết vào cuối thế chiến thứ I bàn về hội nghị hòa bình ở Versailles. Ông bày tỏ sự lo ngại của mình trước những khoản thanh toán bồi thường thiệt hại chiến tranh nặng nề mà người Đức phải gánh chịu theo nội dung được áp đặt bởi Hòa ước Versailles và xen kẽ phân tích kinh tế học thuần túy bằng những ý về tác động tâm lý của việc bồi thường thiệt hại chiến tranh, cảm nhận của dân chúng về tính công bằng của những khoản bồi thường này, cũng như là vấn đề đạo đức của các cá nhân tham gia đàm phán hòa ước Versailles. Phân tích của Keynes đã tiên đoán được các sự kiện kinh tế, xã hội và chính trị dẫn đến thảm kịch chiến tranh thế giới thứ II. Tác phẩm này, một trong những công trình dự báo thành công nhất được thực hiện bởi một nhà kinh tế học, cho thấy cách thức đặt vấn đề theo phương pháp điều tra qui nạp cực kỳ bao quát.
Có thể thấy rằng một cách đặt vấn đề tương tự thường đứng sau các cảnh báo của những ai trong giới kinh tế đã đưa ra, trước năm 2007, về cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Như vậy, một lần nữa, việc cảm nhận cuộc khủng hoảng đang đến gần đòi hỏi có suy nghĩ về tính không đáng tin cậy đối với các mô hình xác suất của chúng ta để thay vào đó bằng tâm lí con người, diễn tiến của các sự kiện lịch sử và những thay đổi về thể chế mà các mô hình kinh trắc không thể nắm bắt được.
Không ai phủ nhận ưu điểm của quá trình chuyên môn hóa hẹp: nó tạo điền kiện cho khoa học tiến bộ một cách nhanh chóng, ít nhất là cũng theo xu hướng được khởi tạo bởi những bậc tiền nhân nhìn xa trông rộng, vốn là những người không đi vào chuyên môn hóa quá hẹp. Tuy nhiên, đưa tinh thần chuyên môn hóa vào một chuyên ngành nhất định cũng tiềm tàng những nhược điểm. Nếu chuyên môn hóa quá hẹp, người ta có xu hướng dẫn dắt ý tưởng sơ khởi ban đầu đi quá xa, chệch khỏi mục đích hữu dụng ban đầu. Chuyên môn hóa đi cùng với áp lực cạnh tranh lớn trong giới học thuật, khiến cho các học giả cảm thấy bản thân không đủ thời gian để nghiền ngẫm các vấn đề rộng hơn và ngay cả tiếp thu kiến thức giản đơn bên ngoài chuyên môn hẹp của họ. Kiến thức tổng quát của họ có thể bị hạn chế một cách đáng ngại, do đó khiến họ có xu hướng cố thủ trong lĩnh vực chuyên môn của mình và cho ra đời những nghiên cứu có đóng góp ít ỏi cho sự phát triển của lĩnh vực chuyên môn, nhưng lại không thể bao quát được bức tranh tổng thể.

II. Xu hướng dài hạn thiên về sự gia tăng tính chặt chẽ trong khoa học và chuyên môn hóa

Các phân khoa khoa học xã hội hiện đại nở rộ từ cuối thế kỷ thứ 19. Vào năm 1892, tờ Baltimore Sun đã bình luận về sự phát triển nhanh chóng của kinh tế học như sau:
“Kinh tế chính trị đã thực sự trở thành một nhóm các môn khoa học. Trước đây, người ta cho rằng bất cứ ai có trí tuệ bình thường cũng có thể giảng dạy kinh tế chính trị … Ngày nay, để trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất trong bất kỳ khoa kinh tế học nào cũng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chuyên gia.”[4]
Thực tế vào thời bấy giờ ngành kinh tế học đang tồn tại sự bất đồng giữa nhóm học giả cho rằng các vấn đề xã hội và đạo đức đang là thách thức đối với các phân tích hình thức và nhóm học giả chú trọng lý thuyết kinh tế học thuần túy. Vào năm 1889, Edwin R. A. Seligman, một giảng viên kinh tế chính trị tham gia thỉnh giảng tại trường Đại học Colombia, đã bình luận về mâu thuẫn giữa “trường phải cũ” sử dụng “phương pháp lịch sử và so sánh” và “trường phái mới” nhấn mạnh “phương pháp tiên nghiệm của các khoa học tự nhiên” và “lý luận trừu tượng”[5].
Seligman cho rằng các học giả theo “trường phái mới” có vẻ trẻ hơn, trong khi những kinh tế gia lớn tuổi hơn là những người có xu hướng thiên về triết học. Điều thú vị là nhận định này cũng có thể được đưa ra khi nhận xét về các kinh tế gia đương đại. Có lẽ tuổi tác giúp các học giả có được hiểu biết uyên thâm, sự uyên thâm này vượt qua ranh giới của thời đại mà một người đang sống.
Khi một môn khoa học đào sâu nghiên cứu thì không phải lúc nào cũng dẫn đến kết cục chuyên môn hóa hẹp trong dài hạn. Năm 1916, một quan sát viên, triết gia Ralph Barton Perry của Harvard, đã giải thích cách thức mà tầm nhìn bao quát về bản chất con người len lỏi vào kinh tế học:
“Lý thuyết kinh tế ngày càng mang nhiều yếu tố tâm lý học … Có một xu hướng đã và đang phát triển vững vàng, ít nhất là về mặt lý thuyết, tiềm ẩn trong các dạng thức và các công cụ hiện hữu của quá trình kinh tế, đề cập đến những động cơ của con người vốn ẩn bên trong thúc đẩy các quá trình kinh tế.”[6]
Quả thực, việc kinh tế học hiện đại tập trung biểu trưng hành vi kinh tế của con người bằng khái niệm tối đa hóa các hàm lợi ích với ràng buộc giới hạn nguồn lực là thành tựu lớn của quan điểm nhân văn hơn về quá trình kinh tế, theo nghĩa là con người và động cơ của con người như là cốt lõi của các lý thuyết kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế học phúc lợi, nối kết tốt hơn chiều kích đạo đức với phân tích kinh tế.
Tuy nhiên, theo những quan điểm phê phán, việc chuyên môn hóa về mặt kỹ thuật trong nghiên cứu kinh tế trở nên nổi trội hơn vào cuối thế kỷ 20, khi những phát minh về lý thuyết kỳ vọng hợp lý và giả thuyết thị trường hiệu quả dường như được những ai ủng hộ nhiệt tình các phát kiến này đẩy đến độ cực đoan.
Vào năm 1961, ngay cả người phát minh ra khái niệm kỳ vọng hợp lý, John F. Muth, cũng băn khoăn về mức độ hạn hẹp của các xu thế có liên quan đến khái niệm của ông trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Vào năm 1984, trong một bức thư gửi Michael C. Lovell, giáo sư kinh tế học tại Wesleyan, Muth đã khẳng định rằng:
“Không quá ngạc nhiên khi không ai đề xuất phương án nào thực sự là đối chọn nghiêm túc để thay thế cho giả thuyết kỳ vọng hợp lý. Công trình nghiên cứu ban đầu của tôi chủ yếu là một phản ứng ngây thơ phản đối giả thuyết kỳ vọng chất phác đi liền với hành vi ra quyết định có tính duy lý cao và dường như là bị hiểu sai lệch rất nhiều.
Có hai xu hướng đáng để khám phá: (1) giải thích lý do tại sao nguyên tắc “làm trơn” lại phát huy tác dụng cùng với các hạn chế của nguyên tắc này và (2) tích hợp độ chênh nhận thức đã được biết rõ vào lý thuyết kỳ vọng (Kahneman & Tversky). Điều khó tin là có quá ít công trình nghiên cứu khai thác những khía cạnh này.”[7]
Robert Heilbroner, người chấp bút bản tái bản lần thứ 7 cũng là bản cuối của cuốn The Worldly Philosophers (tạm dịch: Các nhà hiền triết), xuất bản năm 1999, đã bổ sung thêm chương cuối cùng với tựa đề “Có phải ngày tàn của minh triết?”. Heilbroner quan ngại việc kinh tế học ngày càng được xem như là một môn “khoa học”, có thể so sánh được với với vật lý học hay sinh vật học, đang nỗ lực khám phá ra các quy luật chi phối các sự kiện kinh tế. Tuy nhiên, Heilbroner đã trích lời cảnh báo của Alfred Marshall rằng “không thể đem kinh tế học so sánh với các môn khoa học chính xác, là do kinh tế học xử lí những lực tinh tế và luôn thay đổi của bản chất con người.”[8] Hơn nữa, theo Heilbroner, kinh tế học không thể là một môn khoa học thuần túy bởi lẽ đời sống xã hội của con người vốn đã sẵn có chiều kích chính trị.

III. Kinh tế học với tư cách là môn khoa học đạo đức

Trong những năm gần đây, cụm từ “kinh tế học với tư cách là môn khoa học đạo đức” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1968 trong diễn từ của Kenneth Boulding ở cương vị Chủ tịch Hội kinh tế học Mĩ. Theo quan điểm của Boulding, khoa học được cho là không chịu tác động bởi sự suy xét về mặt đạo đức, bởi vì khoa học chỉ nhằm mục đích đơn giản là khai phá tri thức về khắp thế giới. Tuy nhiên, Boulding lý luận rằng khoa học vốn dĩ phụ phuộc vào một hệ thống giá trị được công nhận rộng rãi, và do vậy khoa học gắn liền với yếu tố đạo đức. Khi đưa ra lý luận này, Boulding khẳng định:
Chúng ta không thể không thừa nhận rằng khoa học có sự chuyển biến từ kiến thức thuần túy sang trạng thái có kiểm soát, nghĩa là khi khoa học sáng tạo ra những gì khoa học biết thì sản phẩm sáng tạo của khoa học lại trở thành vấn đề của sự lựa chọn mang tính đạo đức, và sẽ phụ thuộc vào những giá trị chung của các xã hội trong đó văn hóa khoa học là một thành phần, cũng như vào những giá trị chung của bản thân văn hóa khoa học này. Trong những tình huống như vậy, khoa học không thể tiếp tục phát triển nếu không hàm chứa ít nhất một giá trị đạo đức nào, nghĩa là không có một văn hóa khoa học với những giá trị chung phù hợp.[9]
Trong diễn từ năm 1968, Boulding đã đơn cử một phương diện thường khiến các kinh tế gia đi quá xa: chính là sự mê hoặc của họ đối với mục tiêu cải thiện hiệu quả Pareto và xem đó như là khung phân tích chính sách. Điều có vẻ hiển nhiên đối với nhiều nhà kinh tế học là khoa học kinh tế nên lấy tiêu chí Pareto làm quy tắc nghiên cứu: Chúng ta nên ủng hộ các chính sách mang lại lợi ích mọi người và gạt sang một bên những chính sách không đạt chuẩn nếu chúng khiến cho bất cứ cá nhân nào chịu thiệt thòi. Nhưng, theo Boulding, giả định nền tảng dùng làm cơ sở phát triển lý thuyết Pareto cho rằng con người chỉ quan tâm đến bản thân mình, không có chỗ cho cả ác tâm lẫn lòng nhân từ trong hệ thống, rõ ràng là không chính xác. Boulding quả quyết rằng: “Bất cứ thứ gì mô tả không đầy đủ về thân phận của con người đều rất khó để tưởng tưởng”.[10]
Ở đây, Boulding khẳng định rằng bất cứ ai cũng phải nắm bắt được “thân phận của con người” để có thể theo đuổi kinh tế học như là môn khoa học đạo đức. Theo quan điểm của ông, các kinh tế gia cần phải có kiến thức lịch sử và kiến thức khoa học xã hội rộng hơn bên cạnh kỹ năng về toán học và kỹ thuật. Nếu chúng ta không muốn chỉ căn cứ vào tiêu chí Pareto hạn hẹp, thì chúng ta cần hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người, hiểu rõ những phản ứng phi lý trí và các động cơ của con người.

IV. Phát triển kinh tế học như là môn khoa học đạo đức

Sau thất bại rõ ràng của giới kinh tế học trong việc dự báo khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, người ta càng quan tâm đến việc cân bằng giữa chuyên môn hóa và tri thức có được từ các công trình nghiên cứu của những lĩnh vực khác, bao gồm lịch sử, tâm lý học, xã hội học. Ngành kinh tế học có thể làm gì để khuyến khích các học giả trong ngành theo đuổi xu hướng này? Phải chăng cần có sự ủng hộ hay động cơ khuyến khích nào đó đủ sức thúc đẩy các kinh tế gia trẻ tuổi dấn thân nhiều hơn để phục hồi danh xưng các nhà hiền triết?
Các cá nhân đang công tác ở những vị trí có khả năng tác động đến hướng nghiên cứu của kinh tế học, bao gồm chuyên gia bình xét đề xuất nghiên cứu, chiêu mộ và đề bạt các nhà nghiên cứu, hay nhân sự điều hành các tạp chí học thuật, đang có vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích những góc nhìn rộng mở có thể kết hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau giúp cho các vấn đề kinh tế được đánh giá một cách phức hợp hơn.
Một ví dụ minh họa là sự ra đời của tạp chí Journal of Economic Perspectives (tạm dịch: Tạp chí Góc nhìn kinh tế) vào năm 1987. Trong ấn bản đầu tiên, các đồng chủ biên lúc bấy giờ, gồm Joseph Stiglitz, Carl Shapiro, và Timothy Taylor, đã phàn nàn rằng “các chuyên gia chỉ có thể dễ dàng trò chuyện với các chuyên gia,” và khẳng định các nhà kinh tế học cần có một tạp chí mới “với tư cách là một tạp chí học thuật phục vụ cho đông đảo độc giả công chúng là các nhà kinh tế.” Họ viết: “Tên của tạp chí mới được chọn để phản ánh được hai trọng tâm trong sứ mệnh của nó: cung cấp góc nhìn đa diện trong kinh tế học và giúp cho độc giả hiểu được xã hội và một vài vấn đề của xã hội thông qua góc nhìn kinh tế.”[11]
Các bài đăng trong tạp chí tuy không dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2007, nhưng tạp chí đã xuất bản một số bài báo có liên quan ngay trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Ấn bản phát hành vào mùa xuân 2005 có đăng bài của W. Scott Frame và Lawrence J. White bày tỏ sự lo ngại về các trục trặc mang tính hệ thống ở Fannie Mae và Freddie Mac, nhưng bài báo lại không cảnh báo về sự sụp đổ sắp xảy ra. Ấn bản mùa thu năm 2005 viết về hội nghị khoa học có chủ để “Nhận thức, khoa học não bộ và kinh tế học” có đăng bài nghiên cứu của Ernst Fehr và Jean-Robert Tyran trình bày về lý thuyết nhận biết bong bóng đầu cơ dựa trên kinh tế học thực nghiệm, tuy nhiên bài báo không thảo luận gì về tình trạng bong bóng đầu cơ lúc bấy giờ. Vấn đề tương tự cũng được đề cập trong bài báo của Charles Himmelberg, Christopher Mayer và Todd Sinai viết về hiện tượng được cho là bong bóng đầu cơ trên thị trường nhà đất, mặc dù kết luận của bài báo này là “không thể xác định rằng có hay không hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản.”[12] Ấn bản mùa đông năm 2005 có một chuyên đề về xã hội học và kinh tế học để chuẩn bị cho cuộc tranh luận về tình trạng đầu cơ trên thị trường dưới góc nhìn xã hội học, mặc dù không được triển khai thực hiện.
Các học giả nói trên rõ ràng đã nhận thấy các triệu chứng của cuộc khủng hoảng nhưng lại không gắn kết chúng lại với nhau để có thể cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang ở ngay trước mặt. Có phải những học giả này đã thực sự hoàn toàn không nhìn thấy trước gì cả về cuộc khủng hoảng, hay là họ tự nhìn nhận bản thân chỉ là những chuyên gia tự bó hẹp mình trong việc xây dựng mô hình chuyên biệt khiến họ ngần ngại sử dụng phán đoán tốt nhất của riêng mình để thách thức các quan điểm đang bám rễ nhất quyết cho rằng hệ thống tài chính của chúng ta đang rất kiên cố? Rõ ràng, sự ra đời của quyển tạp chí này không thể giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của quá trình chuyên môn hóa hẹp trong nghiên cứu.
Tuy nhiên, những nỗ lực tương tự như tạp chí Journal of Economic Perspectives góp phần khuyến khích các chuyên gia kinh tế tổng hợp nhiều hướng nghiên cứu khác nhau làm cơ sở đưa ra nhận định về các vấn đế thúc bách đương thời là một hướng đi đúng đắn. Chúng ta cần thực hiện nhiều thay đổi hơn nữa, ví dụ như hình thành các diễn đàn trao đổi liên ngành, cải thiện các yếu tố động viên dành cho giới nghiên cứu trong quá trình đào tạo và quá trình công tác sau này. Điều thực sự khẩn thiết đối với giới nghiên cứu kinh tế là làm sao có thể thúc đẩy sự hiểu biết đa ngành và tư duy đa diện, hướng đến mục tiêu có tính đạo đức phổ quát hơn là nâng cao giá trị phúc lợi của con người.[13]
Robert J. Shiller Virginia M. Shiller
Trần Thị Minh Ngọc dịch.

Nguồn: Economists as Worldly Philosophers, Cowles Foundation For Research In Economics, Yale University


Thư mục:
Boulding, Kenneth, 1969, “Economics As a Moral Science”, American Economic Review, 59(1):1-12.
Cate, Thomas and L. E. Johnson, 1998, “The Theory of Probability: A Key Element in Keyne’s Revolution”, International Advances in Economic Research, 4(4):324-344.
Choudury, Masulum Alam, 1994, Economic theory and social institutions: A Critique with special reference to Canada. London, United Press of America, Inc.
Fehr, Ernst, and Jean-Robert Tyran, 2005, “Individual Irrationality and Aggregate Outcomes”, Journal of Economic Perspectives, 19(4):43-66.
Frame, Scott, and Lawrence J. White, 2005, “Fussing and Fuming over Fannie and Freddie: How Much Smoke, How Much Fire?”, Journal of Economic Perspectives, 19(2):159-84.
Heilbroner, Robert, 1953, The Wordly Philosophers, The Lifes, Times and Ideas of The Great Economic Thinkers, New York: Simon & Schustzer.
Himmelberg, Charles, Christopher Mayer, and Todd Sinai, 2005, “Assessing High House Prices: Bubles, Fundamentals and Misperceptions”, Journal of Economic Perspectives, 19(4):67-92.
Keynes, John Maynard, 1919, Economic Consequences of the Peace, London: Macmillan.
Marshall, Alfred, Principles of Economíc, 8th ed. Vol.1, London: Macmillan, 1920.
Muth, Hohn F., “Rational Expectations and the Theory of Price Movements”, Econometrica, 29:315-55.
Perry, Ralph Barton, 1916, “Economic Value and Moral Value”, The Quarterly Journal of Economics, 30(3):443-95.
Seligman, Edwin, R. A., 1889, “Review [of Gustav Schmoller]”, Political Science Quarterly, 4(3):543-545.
Smith, Adam, 1759, The Theory of Moral Sentiments, A. Millar, in the Strand and A. Kincaid and J. Bell in Edinburg.




[1] Các giáo sư kinh tế chính trị hay kinh tế học chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ 19. Ví dụ, kinh tế học được giảng dạy như một phần của cuộc thi sinh viên giỏi khoa học đạo đức ở trường Đại học Cambridge. (Masudul Alam Choudhury (1994).

[2] Keynes (1921) trang 336.

[3] Xem Thomas Cate và L. E. Johnson, 1998.

[4] “Kinh tế chính trị” The Sun (Baltimore) 20/02/1892, trang 3.

[5] Loc. Cit.

[6] Perry, 1916 trang 447.

[7] Thư viết ngày 02/10/1984, gửi Michael C. Lovell.

[8] Marshall (1920) trang 5.

[9] Boulding (1969) trang 3.

[10] Boulding, trang 4.

[11] “Forward,” Journal of Economic Perspectives, trang 3-5, phần 3.

[12] Himmelberg và cộng sự. trang 89.

[13] Chúng tôi chân thành cảm ơn Marie-Laure Djelic vì những cuộc thảo luận rất bổ ích.

Print Friendly and PDF