10.12.14

Tiềm lực và giới hạn của lý thuyết lựa chọn duy lý: phỏng vấn Gary Becker



Tiềm lực và giới hạn của lý thuyết lựa chọn duy lý: phỏng vấn Gary Becker

Gary S. Becker (sinh năm 1930  tại Pennsylvania) là giáo sư giảng dạy đại học công tác tại Khoa Kinh tế học, Xã hội học, và Khoa Sau đại học về Kinh doanh của Đại học Chicago, Illinois. Becker tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Princeton và lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago năm 1955 với luận án viết về kinh tế học của sự phân biệt, dưới sự hướng dẫn của Milton  Friedman. Sau thời gian giảng dạy tại Đại học Columbia từ năm 1957 đến 1969, ông trở về Đại học Chicago công tác từ đó đến giờ.
Công việc và sở thích nghiên cứu của Becker bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng, thống nhất với nhau theo cách mà ông định danh là Phương pháp tiếp cận hành vi của con người theo kiểu kinh tế học (Becker 1976). Ông xem phiên bản cải tiến của lý thuyết tân cổ điển về hành vi người tiêu dùng này như một phương pháp có thể sử dụng để phân tích quyết định lựa chọn của cá nhân vượt ra khỏi những giới hạn về phạm vi của kinh tế học truyền thống, bao gồm sự phân biệt, giáo dục (vốn con người), tội ác, nghiện ngập, gia đình (hôn nhân, ly dị, sinh sản) và lòng vị tha. Thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá của Becker đã nhận được rất nhiều giải thưởng, bao gồm Huy Chương John Bates Clark (1967), và Huy chương tự do của Tổng thống (2007). Năm 1992, ông được trao giải tưởng niệm Nobel dành cho Khoa học Kinh tế “vì đã mở rộng phạm vi phân tích của kinh tế vi mô nghiên cứu đa dạng về hành vi và tương tác của con người, bao gồm cả hành vi phi thị trường” (Ấn bản của giải Nobel).
Catherine Herfeld đã thực hiện cuộc phỏng vấn giáo sư Becker tại phòng làm việc của ông trong khuôn viên Đại học Chicago vào ngày 8/12/2010. Buổi phỏng xoay quanh hàng loạt vấn đề bao gồm hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây đối với ngành kinh tế học, vai trò của toán học trong việc xây dựng mô hình kinh tế học và vai trò của mô hình kinh tế, ý nghĩa của nguyên tắc duy lý, và sự phát triển “phương pháp tiếp cận kiểu kinh tế học” của Becker và sự khác biệt của phương pháp này với kinh tế học hành vi.

CATHERINE HERFELD: Kính thưa giáo sư Becker, nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây và sự thất bại của đại đa số các nhà kinh tế trong việc dự báo điều gì đã xảy ra, ông có cho rằng ngành kinh tế học đang gặp khủng hoảng?
GARY BECKER: Không, tôi không cho là vậy. Tôi nghĩ rằng ngành kinh tế học sẽ chịu tác động ở chỗ là người ta sẽ mổ xẻ các vấn đề để hiểu được cuộc khủng hoảng tài chính – và người ta đã và đang làm việc này rồi. Tuy nhiên, rất khó để dự báo những sự kiện lớn lao như vậy trong bất cứ lĩnh vực nào. Và theo tôi, việc áp đặt chuẩn mực đòi hỏi bất cứ ai trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có khả năng dự báo chính xác là không hợp lý. Trên thực tế, các chuyên gia, có thể là trong các lĩnh vực như “định giá tài sản” và “tài sản và ngân hàng”, ắt hẳn đã nhận biết các ngân hàng có tỷ số tài sản trên vốn cao và chỉ một vài cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này dự báo được dấu hiệu này có thể làm phát sinh vấn đề, một trong số họ thậm chí nhận ra vấn đề một cách tình cờ. Nhưng tôi không cho rằng kinh tế học đang gặp khủng hoảng.
Vả lại, điều chúng ta quan sát thấy không chỉ là áp lực, đặc biệt là đối với kinh văn kinh tế vĩ mô, trong nỗ lực tìm hiểu chuyện gì thực sự đã xảy ra. Trước cuộc khủng khoảng, đã có tư liệu nghiên cứu về khu vực tài chính nhằm giải thích hiện tượng chu kỳ kinh tế thông qua việc áp dụng lý thuyết được gọi là lý thuyết chu kỳ kinh tế thực. Những lý thuyết đó hiện tại đang giữ thế thủ. Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta tiến xa hơn, các lý thuyết về chu kỳ kinh tế sẽ phải chú ý nhiều hơn đến khu vực tài chính. Theo cách nghĩ này, cuộc khủng hoảng đã dạy cho các nhà kinh tế một bài học quan trọng, nhưng sẽ không hoàn toàn thay đổi được những gì mà họ đang thực hiện.
Sau cuộc khủng hoảng, nhiều nhà kinh tế và nhiều chuyên gia phương pháp luận đã nhận định rằng nếu lý thuyết kinh tế sử dụng nhiều nền tảng hành vi thực tế hơn ắt hẳn sẽ dự báo chính xác hơn. Ông có cho rằng cuộc khủng hoảng gần đây phô bày một thực trạng là con người không hành xử một cách duy lý? Hay cuộc khủng hoảng trưng ra điều hoàn toàn trái ngược – rằng con người thực sự phản ứng với các kích thích và người ta không thể dự cảm được hậu quả của việc sáng tạo ra các công cụ tài chính mới?
Tôi cho rằng phần lớn là điều thứ hai. Có nhiều động cơ khuyến khích, từ cả bên vay lẫn bên cho vay, khiến cho các khoản vay dưới chuẩn được tung ra với lãi suất thấp nhất; và chính phủ cũng đã gây áp lực để triển khai việc này; và có lẽ là các chủ thể liên quan không am hiểu về các công cụ tài chính. Hiện tại, chúng ta cần thay đổi dần các lý thuyết kinh tế dựa trên cấu trúc hành vi hay thậm chí là chuyển đổi sang một khung hành vi mới? Có quá ít bằng chứng hậu thuẫn cho sự thay đổi như vậy.
Có cả một mảng kinh tế học hành vi mà tôi theo dõi rất sát sao, bản thân tôi đã có đóng góp cho mảng này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học hành vi có dự báo về cuộc khủng hoảng chính xác hơn không? Khi nhìn vào tư liệu nghiên cứu, ta không tìm thấy kết quả nào khả quan hơn. Mô hình lựa chọn duy lý là một mô hình trừu tượng và cũng giống như trường hợp của tất cả các mô hình trừu tượng và tất cả các lý thuyết thuộc bất kỳ chuyên môn nào, ví dụ như vật lý, việc trừu tượng hóa một số hiện tượng đôi lúc là quan trọng. Và mô hình lựa chọn duy lý cũng áp dụng cách này. Để hiểu được cuộc khủng hoảng, tôi không cho rằng việc đưa thêm nhiều giả định thực tế hơn về hành vi sẽ giải quyết được vấn đề. Các mô hình lựa chọn duy lý khó lòng mà giải thích được đầy đủ sự kết hợp kỳ vọng của con người. Ở một mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng có liên quan đến sự kết hợp của các kỳ vọng phi lý trí. Đây có thể là vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu và cải thiện.
Xét khía cạnh cuộc khủng hoảng ảnh hưởng như thế nào đến các mô hình của chúng ta theo hướng đặt nền tảng trên cấu trúc giả định thực tế hơn: điều sẽ xảy ra là các mô hình sẽ được điều chỉnh nâng cấp để giúp chúng ta hiểu điều đã xảy ra. Nhưng bản thân tôi không nhận thấy sự thay đổi cơ bản nào trong các mô hình về phương diện cấu trúc hành vi con người tiềm ẩn, và cho rằng không cần thiết phải có sự thay đổi như vậy.
Vậy có phải cuộc khủng hoảng là nguyên do cho quan điểm phê bình chống lại giả thuyết kỳ vọng hợp lý, hơn là chống lại hành vi cốt lõi trong lý thuyết kinh tế, chính là lý thuyết lựa chọn duy lý?
Vâng, ở một chứng mực nào đó thì cuộc khủng hoảng là đòn chỉ trích chống lại giả thuyết kỳ vọng hợp lý. Các kỳ vọng lại hóa ra không hợp lý ở một mức độ nào đó; người ta không hoài nghi về sự thật này. Ví dụ, hiện tượng giá tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục. Nhưng, lý thuyết kỳ vọng hợp lý luôn luôn phát biểu rằng người ta làm dự báo và có thể phối hợp dựa trên một dự báo tồi. Lâu nay, điều này luôn là một phần của lý thuyết, tuy nhiên bây giờ người ta mới chú ý nhiều hơn đến hiện tượng này.
Trong giai đoạn sau thế chiến, việc toán học hóa đã (và đang) được xem là phẩm chất hàng đầu của lý thuyết kinh tế, và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế khoa học của kinh tế học. Đặc biệt là lĩnh vực tài chính đã phát triển nhiều mô hình kỹ thuật cao giúp tính toán và dự báo chính xác. Tuy nhiên, người ta khẳng định rằng bởi chính việc sử dụng rộng rãi các mô hình toán học rốt cuộc đã làm suy yếu vị thế khoa học của kinh tế học; người ta đưa sự thất bại của các nhà kinh tế trong việc dự báo về cuộc khủng hoảng ra làm bằng chứng. Toán học nên đóng vai trò gì trong kinh tế học? Và bằng cách nào cũng như là ở chừng mực nào các mô hình toán học có thể cung cấp cho chúng ta thông tin về sự phức tạp của đời sống xã hội và của nền kinh tế?
Tôi xin nêu một ví dụ. Cuộc đại khủng hoảng có mức độ trầm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt. Các nhà kinh tế đã không hề sử dụng các mô hình toán học trong giai đoạn đó. Họ có dự báo chính xác về cuộc đại khủng hoảng hay không? Câu trả lời là không. Quay lại và phân tích sự thất bại này là một bài học hay để học. Các nhà kinh tế thời đó cũng dự báo tệ hại như những nhà kinh tế ngày nay. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ sử dụng toán học.
Có nhiều chỉ trích phản đối việc sử dụng toán học trong kinh tế học, đến từ giới không phải là kinh tế gia, từ các nhà kinh tế theo trường phái Áo và từ các nhóm khác, và tôi nghĩ rằng các chỉ trích này đặt không đúng chỗ. Toán học có thể là một người hầu rất được việc; khi người hầu trở thành ông chủ, thì chúng ta không ổn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng toán học đã trở thành ông chủ trong kinh tế học. Theo tôi, chúng ra đã mắc sai lầm trong quá trình tìm hiểu nền kinh tế vận hành như thế nào, thậm chí trong việc tìm hiểu cách định giá cho các công cụ tài chính phái sinh. Nhưng con người có thể mắc những sai lầm như vậy, và đã có rất nhiều sai lầm, khi không sử dụng một chút toán học nào. Các nhà xã hội học mắc nhiều sai lầm khi không sử dụng toán học. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng vấn đề nằm ở bản thân việc sử dụng toán học.
Ngành kinh tế học sẽ tiếp tục sử dụng nhiều toán học nhưng hy vọng là sẽ rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này. Tôi luôn nói rằng toán học rất hữu dụng với điều kiện bạn phải có nội dung kinh tế tốt. Nếu bạn không có nội dung kinh tế tốt thì cho dù bạn sử dụng toán học, hay sử dụng văn viết hay đồ thị, bạn không thể có được phân tích tốt. Tôi không thuộc nhóm những nhà kinh tế sử dụng toán học nhiều nhất; nhiều người sử dụng toán học đáng kể hơn tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ sử dụng toán học. Chỉ có việc sử dụng một cách tệ hại toán học mới là vấn đề và sẽ mãi là vấn đề. Nếu chúng ta sử dụng văn xuôi hoàn toàn thì có giúp cải thiện vị thế môn khoa học của chúng ta không? Kinh tế học đã từng là môn khoa học diễn xuôi cho đến những năm 1940 và tôi khẳng định rằng hiện tại chúng ta đang làm tốt hơn các kinh tế gia thời trước.
Theo ông thì kinh tế học nên theo chiều hướng nào?
Tôi muốn chia sẻ rằng chúng ta phải có sự đối thoại giữa lý thuyết hay mô hình và dữ liệu. Lý thuyết cho chúng ta biết cần tìm hiểu dữ liệu nào và làm thế nào để giải thích ý nghĩa của dữ liệu. Nhưng dữ liệu cũng cho biết về lý thuyết. Do đó, nếu bạn cứ tiếp tục có các dự báo sai lầm dựa trên lý thuyết, bạn phải thay đổi lý thuyết. Như tôi đã nói, lý thuyết chu kỳ kinh tế thực đã bỏ sót khu vực tài chính. Cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy rõ vai trò thực sự quan trọng của khu vực tài chính. Những nhà kinh tế đang hoạt động trong lĩnh vực đó sẽ thay đổi lý thuyết ngay thôi. Và tôi nghĩ rằng kinh tế học nên theo hướng như vậy.
Một môn khoa học mà lý thuyết tách rời khỏi thực tiễn đang diễn ra sẽ trở thành môn khoa học cằn cỗi. Và một môn khoa học chỉ chú trọng thực nghiệm mà không có bất cứ mô hình nào thì cũng trở nên khô cứng. Tôi nghĩ rằng những môn khoa học năng động, phong phú là những môn có sự tương tác tích cực giữa hai phương diện trên. Điều này không có nghĩa là bất kỳ ai cũng phải thực hiện cả hai việc, nhưng tôi luôn tin tưởng rằng một kinh tế gia lý tưởng là người nghiên cứu lý thuyết, phân tích dữ liệu, rút ra thông tin phản hồi về lý thuyết từ dữ liệu và ngược lại. Một số nhà kinh tế chỉ nghiên cứu các vấn đề lý thuyết và đây là một việc tốt. Một số khác chỉ kết hợp dữ liệu lại với nhau theo cách nào đó hữu ích và như vậy cũng tốt. Nhưng đại đa số họ nên cân nhắc việc kết hợp cả hai mặt.
Nói về công việc của ông, ông đã tạo ra ảnh hưởng lớn đối với kinh tế học ở thế kỷ 20 khi đưa nhiều động cơ khuyến khích con người vào lý thuyết kinh tế, yếu tố được xem là đồng hành với kinh tế học hành vi ngày nay. Tuy nhiên, không như các nhà kinh tế học hành vi, ông đã giữ lại “niềm đam mê phi lý trí đối với sự duy lý hồn nhiên”, như ông đã từng thể hiện[1]. Tại sao ông quyết định kiên trì với nguyên lí về sự duy lý trong việc giải thích và dự báo hành vi con người?
Tôi cảm thấy rằng nguyên tắc duy lý là một công cụ mạnh mẽ giúp ích được cho việc giải thích hành vi. Trong tất cả các nghiên cứu của tôi, ngay cả nếu là nghiên cứu thuần lý thuyết, tôi cũng nhìn vào dữ liệu, thảo luận về các quan sát, đôi lúc thậm chí còn thu thập dữ liệu. Ví dụ, khi tôi sử dụng mô hình duy lý về lòng vị tha để nghiên cứu về gia đình, nguyên tắc này giúp tôi hiểu được tại sao cha mẹ hỗ trợ con cái của mình và họ làm vậy với những điều kiện nào, giúp tôi phân tích được mối quan hệ giữa các đôi vợ chồng, v.v… (Becker 1981). Khi tôi nghiên cứu về tội phạm, tôi nghĩ rằng nguyên tắc này đã giúp tôi hiểu về tội phạm và biện pháp phòng chống tội phạm và tác động của giáo dục (ví dụ., Becker 1968). Trong các lĩnh vực mà nguyên tắc duy lý không phát huy tốt, người ta có thể điều chỉnh nó, nhưng bản thân tôi tin rằng, ít nhất là bằng suy nghĩ của tôi và bằng cách nhìn vào thực tiễn và dữ liệu thực, nguyên tắc duy lý có phát huy tác dụng, và không có cách tiếp cận nào có thể so sánh được trong các môn khoa học xã hội có cùng mức độ về năng lực lý giải, hay ngay cả trong bất cứ lĩnh vực lân cận nào khác.
Và bạn có thể tìm hiểu nhiều hành vi, không chỉ đưa vào các phương diện như lòng vị tha hay sự đố kỵ, nay đã là một phần của kinh tế học hành vi, mà còn bao gồm cả ý tưởng cho rằng người ta chiết khấu tương lai theo mô hình hypecbon thay vì theo cấp số nhân. David Laibson, người đã giới thiệu ý tưởng chiết khấu theo mô hình hypecbon, đã sử dụng các tiên đề (xem Laibson 1997). Mọi thứ khác mà ông ta dùng rất tương tự với những gì tôi sử dụng. Có lẽ là con người thiếu nhất quán theo thời gian; nếu sự thực là vậy thì chúng ta cần thay đổi các lý thuyết của mình, nhưng đây là lúc chúng ta cần thông tin phản hồi từ dữ liệu thực tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một bộ khung cơ bản đang được sử dụng, vốn là một vài phiên bản của mô hình lựa chọn duy lý. Nếu bạn từ bỏ bộ khung này, kết cục là bạn sẽ có một nhóm các kết quả nghiên cứu rời rạc. Nếu bạn muốn từ bỏ hoàn toàn lý thuyết lựa chọn duy lý, bạn cần phải thay bằng một bộ khung lý thuyết mới, và hiện tại tôi không thấy có bất kỳ bộ khung lý thuyết nào mới – ngay cả trong lý thuyết kinh tế học hành vi lẫn bất cứ chuyên ngành nào khác – có thể làm đối trọng trên phương diện khả năng lý giải và dự báo. Đó là một thử nghiệm.
Có một câu nói xưa cũ rằng bạn cần một lý thuyết để đánh bại một lý thuyết. Đó không có nghĩa là bạn không thể mở rộng lý thuyết hiện hữu hay điều chỉnh nó – bạn có thể và bạn nên làm điều đó. Khi chúng ta học hỏi được nhiều hơn, chúng ta sẽ cách tân lý thuyết lựa chọn duy lý. Có thể là 50 năm nữa lý thuyết này không còn giống như lý thuyết lựa chọn duy lý nữa, bởi vì đến lúc đó, người ta sẽ chỉnh sửa và thay đổi nó theo nhiều cách khác nhau. Đó là cách mà mọi thứ vận động. Einstein cải biên thuyết cơ học của Newton, nhưng thuyết cơ học của Newton vẫn được ứng dụng trong hàng loạt các sự kiện.
Ông có xem kinh tế học hành vi là một cuộc cách mạng trong kinh tế học tương tự như sự chuyển đổi từ thuyết cơ học của Newton sang thuyết tương đối của Einstein, theo đó, mặc dù về cơ bản người ta đặt ra nghi vấn về nguyên tắc duy lý, thì mô hình lựa chọn duy lý vẫn được sử dụng trong kinh tế học với tư cách là bộ khung lý thuyết tồn tại song hành giúp lý giải hàng loạt các hành vi?
Vâng, dĩ nhiên là tôi không cho rằng kinh tế học hành vi có tầm quan trọng như cuộc cách mạng của Einstein; tôi không so sánh hai cuộc cách mạng này với nhau. Thực ra thì tôi không cho rằng kinh tế học hành vi là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, nó đã góp thêm cái nhìn thấu bên trong hành vi của con người và những cái nhìn thấu bên trong đó, khi được kiểm chứng, sẽ được mô hình lựa chọn duy lý hấp thụ. Chúng sẽ không khiến cho mô hình thay đổi hoàn toàn. Vấn đề thực sự là ở chỗ những cái nhìn thấu bên trong đó quan trọng như thế nào và chúng được sử dụng ở nơi đâu?
Vì vậy, đơn cử, cách lý giải cho rằng người tiêu dùng vì một lý do nào đó bị lạc lối trên thị trường tín dụng, và kết quả là hiện tượng này góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính: tôi cho rằng không có nhiều bằng chứng thực nghiệm chứng minh việc này. Nhiều người tiêu dùng đã đưa ra quyết định cực kỳ duy lý, ngay cả đối với những người vay thế chấp với lãi suất thấp và với khoản tiền góp lần đầu thấp. Có thể họ sẽ vỡ nợ. Nhưng họ không vỡ nợ trên chính nguồn vốn của mình. Họ vỡ nợ trên nguồn vốn của người cho vay. Vì vậy, từ hiện tượng này tôi thấy có rất ít chứng cứ làm bằng cho lựa chọn phi lý trí của người tiêu dùng, theo nghĩa là mô hình lựa chọn duy lý không thể giải thích được hầu hết những điều họ đã làm.
Ông đánh giá như thế nào về giá trị nhận thức của những xu thế gần đây, cụ thể như kinh tế học hành vi và kinh tế học thực nghiệm, ở khía cạnh cung cấp cho chúng ta kiến thức mới về cách thức nền kinh tế vận hành?
Tôi cho rằng những xu hướng này đã và đang tạo được sự hứng khởi ở phương diện tăng cường nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm lẫn thực địa. Chúng đã trưng ra việc một vấn đề được định dạng sẵn có thể đánh lừa chúng ta như thế nào. Và chúng cũng cho thấy rằng những con người giống nhau trong những hoàn cảnh khác nhau có thể hành xử không giống nhau. Tôi cho rằng tất cả những điều này đều đáng giá. Nhưng điều cốt yếu là các nhà kinh tế nghiên cứu về các thị trường và các phản ứng của các nhóm, và cho đến bây giờ vẫn khó lòng mà nhận thấy những thay đổi lớn đến từ kinh tế học hành vi.
Nhưng có phải là trong 80 năm qua, kinh tế học có sự chuyển biến theo hướng tập trung sự chú ý vào việc lý giải hành vi cá nhân hơn là hành vi tổng gộp?
Vâng thực sự có sự chuyển biến theo hướng dựa nhiều vào lựa chọn cá nhân ở phương diện thiết lập mô hình hành vi. Nhưng khi bạn nhìn vào dữ liệu mà các nhà kinh tế thường sử dụng, mục tiêu cuối cùng của hầu hết các công trình nghiên cứu là tìm hiểu xem con người phản ứng với các kích thích như thế nào. Các nhà kinh tế có thể sử dụng dữ liệu panel điều tra cá nhân và các dữ liệu khác dựa trên các quan sát nhắm vào cá nhân. Tuy nhiên, điều mà chúng ta quan tâm là các đại lượng tổng gộp và các mối quan hệ thị trường. Ví dụ, nếu mục tiêu chính trị là trợ cấp giáo dục, thì các nhà kinh tế không quan tâm đến cách thức bạn và tôi phản ứng cụ thể ra sao. Có thể có sự khác biệt trong cách phản ứng của người Đức hay người Mỹ, hay của người học tại Đại học Chicago so với sinh viên tại Đại học Columbia, và tôi đoán rằng chúng ta sẽ quan tâm đến điều đó. Nhưng vấn đề không phải là cách thức cá nhân phản ứng. Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là sự khác biệt cơ bản giữa tâm lý học và kinh tế học.
Trong suốt những năm 1970 và 1980, nhiều nhà tâm lý học, như Herbert Simon, Daniel Kahneman, và Amos Tversky, chứng minh con người vi phạm nguyên tắc duy lý một cách có hệ thống và kết luận rằng kinh tế học có thể tiến bộ hơn bằng cách làm cho các giả định mang tính tâm lý cơ bản của lý thuyết kinh tế mang tính thực tế hơn. Ông xem trọng những bước phát triển mới ở thời điểm hiện tại này tới mức nào? Chúng có ảnh hưởng đến ông không hay chúng có khiến ông đặt dấu hỏi về phương pháp tiếp cận của bản thân không? Chúng có truyền cảm hứng cho nghiên cứu sau này của ông không – ví dụ như nghiên cứu về sở thích nội sinh trong tác phẩm Lý giải thị hiếu (Accounting for tastes, Becker 1996)?
Vâng, thật khó để biết được ảnh hưởng đến từ đâu. Tôi thực hiện nghiên cứu của mình bằng cách cố gắng theo kịp những gì đang được nghiên cứu trong chuyên ngành và sau đó suy nghĩ về những đóng góp tiềm năng. Kahneman và Tversky đã có những đóng góp có mức độ ảnh hưởng rất lớn và được trích dẫn nhiều trong kinh tế học. Vì vậy, ví dụ, nghiên cứu hàm hữu dụng khi xoay quanh một số vị trí thông thường – nghĩa là có một điểm quy chiếu và bạn rất sợ rủi ro dẫn đến thua lỗ, và v.v… Tôi nghĩ rằng chứng cứ từ thị trường không hoàn toàn khẳng định các tác động trên thực sự có ý nghĩa, nhưng tôi tin rằng bản thân việc phân tích điểm quy chiếu có vai trò quan trọng và có thể là một số tư liệu nghiên cứu đó đã ảnh hưởng đến công trình nghiên cứu tôi thực hiện cùng Luis Rayo, một công trình rất hình thức về thuyết tiến hóa, thông qua lý thuyết này chúng tôi muốn chỉ ra cách tìm các điểm quy chiếu và những đặc điểm khác (Rayo và Becker 2007).
Nghiên cứu của họ có ý nghĩa quan trọng đối với tâm lý học và có một số tác động đến ngành kinh tế học. Và tôi khẳng định nó cũng có một số tác động đến nghiên cứu của tôi, mặc dù tôi không xác định được chính xác mức độ tác động là nhiều hay ít. Nhưng tôi tin rằng nghiên cứu của mình đã tiến triển và những gì hôm nay tôi tin vào không còn giống như thời 1980 và 1970. Tôi học hỏi từ những điều người khác đang thực hiện; đó là những gì mà sự tương tác tri trức mang lại cho bạn. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng nghiên cứu của họ hoàn toàn làm thay đổi phương pháp tiếp cận của tôi, nhưng có ảnh hưởng đến tôi.
Chuyển sang một vấn đề hơi khác một chút: duy lý là khái niệm bắt nguồn từ triết học và giới học giả đã thảo luận rất nhiều về các phát biểu và các ứng dụng trong kinh tế học của khái niệm này trong các tư liệu triết học về phương pháp luận của kinh tế học, cụ thể như Alexander Rosenberg, Philip Mirowski, D. Wade Hands, và Mark Blaug. Ông có hứng thú với tư liệu nghiên cứu đó không? Hay ông lấy cảm hứng từ đâu khi tìm cách cải thiện cách thức mô tả sự duy lý trong kinh tế học?
Trước tiên, tôi lấy cảm hứng từ chuyên ngành của tôi, kinh tế học. Ví dụ, tôi viết luận án tiến sĩ về phân biệt chủng tộc[2]. Tôi viết ba bài báo trước khi tôi làm nghiên cứu về phân biệt chủng tộc. Một bài viết cùng Milton Friedman về mô hình Keynes (Friedman và Becker 1957), một bài về kinh doanh tiền tệ (Becker và Baumol 1952), và một bài về thương mại quốc tế (Becker 1952). Hai bài sau mang tính truyền thống nhiều hơn; bài viết cùng Friedman không mang tính truyền thống vì chúng tôi phê phán trường phái Keynes rất kịch liệt, nhưng phần lớn là từ Friedman, vì vậy công trình đó phần lớn là của ông ấy hơn là của tôi.
Công trình nghiên cứu về phân biệt chủng tộc là công trình của riêng tôi. Khi còn là sinh viên đại học, tôi luôn cảm thấy rằng kinh tế học có phạm vi quá hẹp. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà xã hội học, nhưng tôi đã phát hiện xã hội học quá khó và vì vậy mà tôi không hài lòng với nó. Friedman đã thực sự dạy tôi rằng – mặc dù sự nghiệp của ông không theo con đường này – kinh tế học có thể là một công cụ mạnh, và tôi bắt đầu quan tâm đến phân biệt chủng tộc và lý do tại sao mà các nhà kinh tế lại không bàn tới một chủ đề quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều người như vậy. Đó là con đường tôi dấn thấn vào. Cảm hứng không phải từ tư liệu phương pháp luận. Tôi đã đọc một số tư liệu ấy. Tôi đã đọc Karl Popper và tôi đã học từ Rudolf Carnap khi tôi còn là sinh viên sau đại học tại trường Đại học Chicago này, vậy nên tôi đã đọc rất nhiều tài liệu triết học có liên quan đến kinh tế học. Nhưng không thể nói là chính nhờ đọc các tài liệu triết học ấy nên tôi mới đi vào hướng nghiên cứu các chủ đề tôi xử lí.
Bài báo của Friedman viết về phương pháp luận của kinh tế học (Friedman 1953) rất quan trọng – tôi đã đọc bài đó rất cẩn thận. Tôi hiểu bài đó rất kỹ và nó có ảnh hưởng đến tôi ở một mức độ nào đó. Có thể là không ảnh hưởng đến những đề tài mà tôi chọn, nhưng ảnh hưởng nhiều đến phương pháp tiếp cận các đề tài ấy. Quan điểm về lý thuyết giá trị không nhất thiết phải có tính hiện thực ở bất cứ chiều kích nào là chịu ảnh hưởng từ Friedman, và ông ta hấp thu điều này từ những người như Karl Popper và những nhân vật khác.
Trong một bài phỏng vấn, kinh tế gia Leonard Rapping đã nói: “nhiều người ở Chicago sẽ khẳng định rằng trong thực tế con người có tính cạnh tranh. Họ có xu hướng tin vào “chuyện thần thoại thực dụng” của chính họ (Klamer 1984, 221), nghĩa là trong thực tế con người tối đa hóa lợi ích và thỏa dụng. Trong nghiên cứu mình, không phải lúc nào ông cũng bám sát theo sự diễn dịch duy thực về nguyên tắc duy lý. Ví dụ như trong bài diễn văn nhận giải Nobel, ông phát biểu rằng phương pháp tiếp cận trong kinh tế học là “phương pháp phân tích, không phải là một giả định về các động cơ đặc thù” (Becker 1993, 385). Tuy nhiên, để phương pháp tiếp cận phát huy công dụng, dường như nguyên tắc duy lý được mô tả như là giả định hành vi. Ít nhất là giả định này gần đúng để đưa ra các giải thích và dự báo có ý nghĩa; không ai có thể rút ra một kết luận đúng từ những tiền đề sai lầm. Ông có bình luận gì về thực tế dường như trái ngược này không? Điều này có phản ánh tác động của phiên bản mạnh của thuyết công cụ được truyền bá bởi Milton Friedman lên nghiên cứu của ông không?
Cái cách mà tôi phát biểu lại quan điểm của Milton Friedman dưới lăng kính của tôi là chúng ta không thể đánh giá một tập hợp các giả định một cách riêng lẻ được. Bạn phải đánh giá tổng thể cả tập hợp, bởi vì mô hình là như vậy; một tập hợp các giả định về hành vi dùng để dự báo về hành vi. Và bạn đánh giá một tập hợp các giả định bằng cách nào? Rất khó để nói rằng “giả định này không phù hợp” căn cứ vào tiên nghiệm, vì cả tập hợp các giả thiết mới là xác đáng. Cách duy nhất để đánh giá các giả định là đặt câu hỏi liệu rằng tập hợp các giả định này có thực sự giải thích được hành vi hay không? Bạn có dự đoán và hiểu được chính xác phản ứng của con người trước các sự kiện như cắt giảm thuế, thuế quan, toàn cầu hóa, lợi ích từ giáo dục, và những sự kiện tương tự không? Vì vậy, đó là phương pháp luận của tôi.
Hiện tại, tôi thực sự muốn tin rằng các giả định riêng lẻ có tính hợp lý ở một ý nghĩa nào đó, nhưng bạn phải xem xét các giả định cùng với nhau. Và tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề với các nhà kinh tế học hành vi. Họ đặt một giả định, ví dụ như con người không thể tính toán xác suất chính xác và có những người khác ở phía bên kia luôn tìm cách khai thác điểm yếu của họ và chào mời nhiều giao dịch khác nhau. Nếu có sự cạnh tranh ở phía bên kia của thị trường thì có nghĩa là họ sẽ được đề nghị nhận sự bù đắp nào đó. Đó là vai trò của cạnh tranh. Ví dụ nếu chúng ta chơi bất cứ trò đánh bạc nào, như trò ném xúc xắc và bạn nghĩ rằng kết quả có khả năng xảy ra nhiều nhất là 10, vậy thì tôi có thể khai thác điều đó. Tôi thậm chí không cần chơi bịp, chỉ chơi thôi. Nhưng nếu có nhiều người có ý định khai thác bạn, chúng tôi sẽ phải bù đắp cho bạn. Vậy thì bạn phải thắc mắc trạng thái cân bằng thị trường trông như thế nào. Bạn là kẻ ngốc, nhưng thị trường đang cạnh tranh để lợi dụng điều đó. Đó là cách tôi sẽ phân tích vấn đề kể trên, và đó là một trong những chỉ trích của tôi nhắm vào một số nhà kinh tế học hành vi: họ đã không đặt những nhận định sắc sảo của họ vào trong mô hình hành vi hoàn chỉnh.
Bằng cách đó mà ông ngụ ý rằng phân tích trạng thái cân bằng là một việc đáng để làm có phải không thưa ông?
Bạn không cần dùng khái niệm cân bằng hoàn toàn. Bạn có thể phân tích với trạng thái cân bằng có điều chỉnh: miễn là có người nhận ra rằng tôi là một kẻ ngốc, họ sẽ cạnh tranh. Nếu bạn là người duy nhất có được thông tin đó, bạn có thể khai thác nó. Ví dụ một nhà độc quyền có thể khai thác tôi. Một trong những ưu điểm lớn của cạnh tranh là nó ngăn ngừa những sự khai thác như vậy, và bạn không cần đến cạnh tranh hoàn hảo để có được hiệu ứng mạnh theo chiều hướng đó.
Vậy thì phân tích trạng thái cân bằng được mô tả như thế nào trong “phương pháp tiếp cận mang tính kinh tế” của ông?
Các kinh tế gia thuộc trường phái Áo ghét phân tích trạng thái cân bằng ở một ý nghĩa nào đó, nhưng tôi chưa bao giờ hiểu được sự chỉ trích của họ. Các triết gia không thích điều gì ở việc phân tích trạng thái cân bằng?
Các triết gia đưa ra nhiều phản đối chống lại cách phân tích trạng thái cân bằng này, một trong các lý do là việc ứng dụng khái niệm cân bằng vào một môi trường mà thực tế là chưa bao giờ cân bằng là vô nghĩa và không cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết nào về thực tại. Đơn cử như so sánh (cân bằng – ND) tĩnh.
Thế nhưng họ thay thế phân tích trạng thái cân bằng bằng cái gì?
Vâng, các triết gia quả là có quan điểm phê phán; họ thường có xu hướng đánh giá các điểm hạn chế của khung lý thuyết trước tiên.
Đúng, nhưng như tôi đã từng nói, bạn cần có một lý thuyết để đánh bại một lý thuyết. Tôi nghĩ rằng khái niệm cân bằng trong kinh tế học có vai trò hết sức tinh tế. Nó có thể tính đến và thực sự thường tính đến các yếu tố động, các thay đổi – nó không tĩnh và nó không dừng. Bạn có các mô hình động về hành vi có kết hợp khái niệm trên, vì vậy chúng vẫn là các mô hình cân bằng nhưng là cân bằng động. Đây là một vấn đề rộng lớn.
Tôi đã đọc một số bài viết về chủ đề phê phán trạng thái cân bằng, các triết gia không viết nhiều về chủ đề này bằng các kinh tế gia thuộc trường phái Áo, và tôi đã không thể rút ra được điều gì từ những bài viết đó, bởi vì tôi không bao giờ thấy họ đề xuất lý thuyết nào khác để thay thế. Ngay cả Friedrich Hayek, người được liệt vào danh sách một trong những người Áo ưu tú nhất, nếu bạn đã đọc qua phân tích của ông ta, bạn thấy rằng ông ta đang sử dụng phân tích trạng thái cân bằng.
Nhưng chính Hayek là người gợi ý “trạng thái cân bằng phản tư”, mà cho đến bây giờ vẫn chưa được hình thức hóa.
Vâng, cân bằng động có thể được hình thức hóa, giống như phân tích cân bằng tổng thể động. Tôi đồng ý với bạn rằng nhiều phân tích đòi hỏi cần phải có cả tính động và tính tĩnh không là phân tích phù hợp cho mọi vấn đề. Trong kinh tế học, chúng ta dĩ nhiên là cố gắng tiến bộ, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiến bộ với những công cụ hiện có trong tay. Về nguyên tắc, tôi không cho rằng tồn tại bất cứ rào cản triết học nào ngăn chúng ta tiến bộ. Chúng ta có thể tiến bộ bằng mô hình lựa chọn duy lý hay bất cứ mô hình nào khác. Tôi không cho rằng điều đó sẽ tiêu diệt khái niệm cân bằng, và tôi không nghĩ rằng chúng ta nên tiêu diệt nó, bởi vì theo tôi đó là một khái niệm có giá trị.
Trong nghiên cứu của ông, ông chủ yếu tập trung vào các đường tổng cầu và tổng cung. Ví dụ, trong quyển sách giáo khoa Lý thuyết Kinh tế học (1971) của mình, ông phân tích mô hình hành vi phi lý trí của hộ gia đình để chứng tỏ rằng “các mối quan hệ cơ bản của cầu được suy ra chỉ từ sự khan hiếm hơn là từ giả định rằng hành vi là “duy lý” và những kết luận chính của phân tích cầu [đường cầu thị trường dốc xuống] bắt nguồn từ nguyên tắc khái quát hơn nhiều so với hành vi duy lý – sự khan hiếm nguồn lực xác định vấn đề kinh tế. Theo đó, chúng ta có thể tìm ra các hàm cầu ngay cả khi hộ gia đình hành xử “phi lý trí” (Becker 1971, 11 fn.). Tuy thế, ông tiếp tục sử dụng khái niệm duy lý bởi vì sức mạnh ẩn ý “người tiêu dùng thích nhiều hơn ít” (vốn đang được đặt dấu hỏi về mặt thực nghiệm) và ông nói rằng mô hình kéo theo một hành vi như vậy đáng được ưa chuộng hơn. Tại sao người ta thích mô hình như vậy hơn? Và chính xác là tại sao ông cần tính duy lý nếu sự khan hiếm mới là điều cơ bản? Hay là, nói theo cách khác, ông có cho rằng nguyên tắc duy lý là thành phần thiết yếu của lý thuyết kinh tế học không, và nếu có thì tại sao?
Bạn có nghĩ con người thích nhiều hơn ít là một dấu hỏi về mặt thực nghiệm không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi không thấy con người cho đi, trừ trường hợp đóng góp từ thiện nhưng đó là một hàng hóa khác mà chúng tôi sẽ giới thiệu. Hơn nữa, nhìn vào đời thực, bạn có thấy nhiều người thích ít hơn nhiều không?
Song con người trở nên bão hòa hay thậm chí không chấp nhận phấn đấu cho quá trình cải thiện vật chất vô tận.
Thế con người có bão hòa với trạng thái nghỉ ngơi thư giãn không? Dù sao đi nữa, để tôi trở lại câu hỏi của bạn. Tôi đã chỉ rõ giả định duy lý là cần thiết để đưa vào (mô hình – ND) việc con người thích nhiều hơn ít, điều mà sẽ giúp chúng ta hiểu được các kết cục của thị trường và giải thích sự hình thành giá cả. Trong bài phân tích mà bạn đã trích dẫn, tôi giả sử rằng giá cả là cho trước đối với người mua và người bán, nhưng tôi nghĩ bạn cần phân tích thêm để có câu trả lời cho câu hỏi giá được hình thành từ đâu? Có lẽ bạn có thể sử dụng các lý thuyết khác nhưng bạn cần điều chỉnh hay bổ sung thêm vào các mô hình dạng xác suất một số khung lí thuyết giúp cho bạn biết rốt cuộc loại giá nào được chọn ra. Và để làm được điều đó, phân tích lựa chọn duy lý là thực sự cần thiết.
Ông có theo đuổi chân lí không?
Tuyệt đối có! Tôi nghĩ rằng chân lí tồn tại trong thực tế. Chúng ta chỉ đang tính toán xấp xỉ nhưng chúng ta tính toán ngày càng chính xác hơn. Tôi nghĩ rằng mục tiêu là tìm ra chân lí và theo tôi có những thứ là chân lí. Tôi biết rằng có nhiều bàn cải mang tính triết học về chân lí là cái gì, tuy rằng tôi không thấy điều này thực sự có ích. Tôi nghĩ chân lí tồn tại và các kinh tế gia đã tìm ra được một lượng chân lí có ý nghĩa trong hành vi kinh tế. Có nhiều thứ chúng ta không biết và cũng có nhiều điều chúng ta biết, rằng là giới phi kinh tế gia đang trở nên hoàn toàn sai lầm. Một ý tưởng đơn giản như khi xăng dầu được thay thế thì người ta sẽ mua nhiều xăng hơn hé lộ một vài chân lí về hành vi con người. Và đây là những chân lí quan trọng. Đây là điều mà tôi gọi là chân lí trong trường hợp cụ thể và đây là điều mà tôi muốn khám phá và phân tích. Vì vậy, vâng, tôi là người theo đuổi chân lí.

GHI CHÚ
Catherine Herfeld hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện kinh tế và triết học, Đại học Witten/Herdecke (Witten), và là thành viên viện Max-Planck nghiên cứu Lịch sử Khoa học (Berlin). Luận án của cô viết về lịch sử và nền tảng triết học của lý thuyết lựa chọn duy lý. Tại thời điểm thực hiện cuộc phỏng vấn này, cô là một học giả khách mời tại Viện Triết học thuộc Đại học Columbia (NY). Email liên lạc: Catherine.Herfeld@uni-wh.de

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Becker, Gary S. 1952. A note on multi-country trade, American Economic Review, 42 (4): 558-568.
Becker, Gary S. 1957. The economics of discrimination. Chicago (IL): Chicago University Press.
Becker, Gary S. 1968. Crime and punishment: an economic approach,  Journal of Political Economy, 76 (2): 169-217.
Becker, Gary S. 1971. Economic theory, New York: Alfred A. Knopf.
Becker, Gary S. 1976.  The economic approach to human behavior. Chicago (IL): University of Chicago Press. 
Becker, Gary S. 1981.  A treatise on the family. Cambridge (MA): Harvard University Press.
Becker, Gary S. 1993. Nobel lecture: The economic way of looking at behavior, Journal of Political Economy, 101 (3): 385-409.
Becker, Gary S. 1996. Accounting for tastes, Cambridge (MA): Harvard University Press.
Becker, Gary S., and William J. Baumol. 1952. “The classical monetary theory: the outcome of the discussion”, Economica, 19 (76): 355-376. 
Choi, Young Back. 1993. Paradigms and conventions: uncertainty, decision making, and entrepreneurship. Michigan: University of Michigan Press.
Friedman, Milton. 1953. The methodology of positive economics. In Essays in positive economics, in Essays in positive economics, M. Friedman. Chicago (IL): Chicago University Press, 3-43.
Friedman, Milton, and Gary S. Becker. 1957. A statistical illusion in judging Keynesian models. Journal of Political Economy, 65 (1): 64-75.
Klamer, Arjo (editor). 1984.  Conversations with economists: new classical economists and opponents speak out on the current controversy  in macroeconomics. Totowa: Rowman & Littlefield Publishers.
Laibson, David. 1997. “Golden eggs and hyperbolic discounting”, Quarterly Journal of Economics, 62 (2): 443-478. 
Rayo, Luis, and Gary S. Becker. 2007. Evolutionary efficiency and happiness, Journal of Political Economy, 115 (2): 302-337.
The Nobel Prize in economics 1992: press release. Nobelprize.org Website. http://nobelprize.org/nobel_prizes/economics/laureates/1992/press.html  (accessed January 30, 2012).
Gary S. Becker’s Webpage: http://home.uchicago.edu/gbecker/
Catherine Herfeld
Đại học Witten/Herdecke
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: “The Potentials and Limitations of Rational Choice Theory: An Interview with Gary Becker”, Erasmus Journal for Philosophy and Economics,Volume 5, Issue 1, Spring 2012, pp. 73-86.




[1] nhận xét bằng lời tại bữa ăn trưa khi dự hội thảo tại Đại học Tulane 1986 (Choi 1993, 19 fn.).

[2] Sau này được xuất bản với tựa đề Kinh tế học của sự phân biệt (Becker 1957).

Print Friendly and PDF