31.1.15

Kinh tế học của con cái chúng ta


Kinh tế học của con cái chúng ta

Về Barry Eichengreen 
Barry Eichengreen là giáo sư kinh tế học tại trường Đại học California, Berkeley; giữ ghế của Giáo Sư Pitt tại Viện nghiên cứu  Lịch Sử Nước Mỹ và các Định Chế thuộc trường Đại học Cambrigde; và là nguyên cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Cuốn sách mới nhất của ông; Hall of Mirrors: The Great Depression, the Great Recession, and the Uses – and Misuses – of History  (Hội trường của những chiếc gương: cuộc Đại khủng hoảng, cuộc Đại suy thoái, và sự vận dụng – và lạm dụng – lịch sử), sẽ được nhà xuất bản trường Đại học Oxford xuất bản trong tháng 12.

Kinh tế học của con cái chúng ta

TOKYO – Giới kinh tế bị cuộc khủng hoảng làm tổn thương nặng. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị có lẽ đã kỳ vọng quá mức khi bà đưa ra một thắc mắc nổi tiếng về lý do tại sao các kinh tế gia không thể dự báo được tai họa, nhưng ai cũng có cảm giác rằng phần lớn các nghiên cứu của họ hóa ra không mấy xác đáng. Tệ hơn nữa, hầu hết các đề xuất do các kinh tế gia khuyến nghị không mấy hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách sử dụng nhằm tìm ra giải pháp hạn chế các hậu quả kinh tế và tài chính.
Thế hệ tương lai có làm tốt hơn không? Một trong những hoạt động thú vị mà tôi đã tham gia trong Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Davos là nỗ lực tập thể để cùng nhau tưởng tượng ra nội dung của sách giáo khoa về Các nguyên lý trong Kinh tế học vào năm 2033. Các thành viên tham gia đã tranh luận về rất nhiều ý tưởng và chủ đề mà các cuốn sách giáo khoa hiện hữu đã không chú ý tới, cũng như là các ý tưởng và chủ đề đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong vòng 2 hai thập kỷ tới.
Ví dụ, các nhà kinh tế hoạt động trên ranh giới giữa kinh tế học và tâm lí học đã cho rằng tài chính hành vi, lĩnh vực viện đến các yếu điểm của con người để giải thích sự thất bại của cái gọi là giả thuyết thị trường hiệu quả, sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Trong khi đó, các nhà lịch sử kinh tế chỉ ra rằng sách giáo khoa trong tương lai sẽ tích hợp các kinh nghiệm gần đây vào diễn tiến lịch sử dài hạn. Trong số các ý tưởng khác, ý tưởng này sẽ giúp cho các nhà kinh tế đang trong quá trình được đào tạo xem trọng diễn tiến của việc cải cách thể chế kinh tế hơn.
Về phần các nhà kinh tế học phát triển, họ cho rằng nên chú ý nhiều hơn đến thử nghiệm ngẫu nhiên và thực nghiệm thực địa. Các nhà kinh trắc ứng dụng lại tập trung vào tầm quan trọng của “big data” (“dữ liệu lớn”) và khả năng các bộ dữ liệu lớn sẽ cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về cách thức ra quyết định kinh tế vào năm 2033.
Tuy nhiên, nhìn chung, bức tranh tổng thể cho chúng ta thấy kinh tế học năm 2033 chỉ có khác biệt chút ít so với kinh tế học hiện đại. Cuốn sách giáo khoa của 2 thập niên tới có thể sẽ phức tạp hơn ấn bản của năm nay, tích hợp đầy đủ các đóng góp hình thành nên các đường biên của nghiên cứu kinh tế ngày nay. Nhưng sẽ không có khác biệt cơ bản nào trong cấu trúc hay phương pháp tiếp cận so với kinh tế học hiện đại.
Nói theo cách khác, dường như mọi người đều đồng thuận rằng sẽ không có sự lột xác trong vòng 20 năm tới như xu hướng tổng hợp của Alfred Marshall ở những năm 1980 hay như cuộc cách mạng do John Maynard Keynes khởi xướng trong những năm 1930. Tương phản với kinh tế học ở những năm đó, kinh tế học hiện đại là một môn khoa học trưởng thành và có nền tảng vững chắc. Và cũng giống như mọi môn khoa học trưởng thành khác, kinh tế học tiến bộ từng bước chứ không có những bước đi mang tính cách mạng.
Thực ra giả định này hẳn nhiên là sai lầm. Nó thể hiện nhầm lẫn tương tự của các học giả về công nghệ, những người đã cho rằng tất cả các bước đột phá cơ bản đã diễn ra. Theo quan điểm này, 20 năm tới sẽ không có bước đột phá mang tính cách mạng nào tương tự như động cơ hơi nước hay chất bán dẫn. Tiến bộ công nghệ sẽ diễn ra từ từ thay vì có tính cách mạng. Thực tế, trong chừng mực các bước tiến bộ có tầm cỡ nhỏ, kết quả có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng năng suất và dẫn đến “Cuộc Đại Trì Trệ”.
Trong thực tế, lịch sử công nghệ đã hết lần này đến lần khác bác bỏ quan điểm bi quan này. Chúng ta không thể nói trước được tiến bộ cơ bản tiếp theo sẽ là gì, kinh nghiệm nhân loại trong nhiều thế kỷ qua cho thấy rằng sẽ có (ít nhất) một cuộc cách mạng.
Tương tự, chúng ta cũng không thể đoán trước được cuộc cách mạng tiếp theo trong phân tích kinh tế sẽ là gì, nhưng diễn tiến của tư duy kinh tế hiện đại vốn có bề dày lịch sử hơn một trăm năm gợi ý là sẽ có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này.
Tất cả những điều trên cho thấy rằng sách giáo khoa kinh tế học năm 2033 sẽ trông rất khác sách giáo khoa kinh tế học ngày nay. Chỉ có điều là chúng ta không biết khác biệt như thế nào.
Dĩ nhiên là người ta có thể thắc mắc về giả thuyết cho rằng 2 thập kỷ nữa vẫn sẽ còn sách giáo khoa dưới dạng như chúng ta biết về chúng hiện nay. Ngày nay, kinh tế học nhập môn được giảng dạy với giáo trình mà theo đó một vị giáo sư kiệt xuất nào đó truyền đạt kiến thức thông thường cho sinh viên của ông hay bà ta (thường là của ông ta) một cách đầy quyền uy. Kiến thức, như những gì được tóm tắt trong sách và được giảng giải bởi các giáo sư, được phổ kiến theo hướng từ trên xuống.
Dĩ nhiên, đây cũng là cách mà báo chí đưa tin theo kiểu truyền thống. Các biên tập viên và các nhà xuất bản thu thập và đối chiếu thông tin, và tờ báo mà họ xuất bản được giao đến tận thềm nhà của người đặt báo. Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong ngành kinh doanh tin tức. Tin tức ngày nay được thu thập và phổ biến thông qua các trang web, các trang wiki, và phần bình luận trên các blog. Nói theo cách khác, tin tức dần được cung cấp theo hướng từ dưới lên. Thay vì dựa vào các biên tập viên, mọi người đang trở thành người quản trị tin tức của chính mình.
Điều tương tự có thể xảy ra với sách giáo khoa, đặc biệt là trong kinh tế học, lĩnh vực mà ai cũng có chính kiến và kinh nghiệm thực tiễn về chủ đề này. Sách giáo khoa sẽ giống như những trang wiki, do người phụ trách ở các khoa thuộc trường đại học và sinh viên chỉnh sửa văn bản và đóng góp nội dung. Các tác giả vẫn giữ vai trò người giữ cửa; nhưng sách giáo khoa sẽ không còn là cội nguồn của trí tuệ, và tác giả viết sách giáo khoa sẽ không còn kiểm soát được mục lục của sách.
Thành quả đạt được sẽ lộn xộn. Nhưng giới kinh tế cũng sẽ trở nên đa dạng hơn và năng động hơn – và kết quả là kinh tế học của con cái chúng ta sẽ mạnh khỏe hơn.
Barry Eichengreen
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: “Our Children’s Economics”, Project Syndicate, Feb.11, 2013. Print Friendly and PDF