23.1.15

Quản trị tri thức để tránh bẫy tri thức: liên hệ so sánh giữa vài quốc gia Đông Nam Á



QUẢN TRỊ TRI THỨC ĐỂ TRÁNH BẪY TRI THỨC: LIÊN HỆ SO SÁNH GIỮA VÀI QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á

1. Đặt vấn đề: Tri thức cho sự phát triển

Giữa thế kỷ 20 diễn ra một bước ngoặt trong chính sách phát triển. Câu hỏi đặt ra là: quốc gia nghèo tài nguyên làm thế nào để phát triển trong một thế giới mà nhu cầu và giá cả của nguyên liệu thô, nhất là nhiên liệu hóa thạch, ngày càng tăng? Làm thế nào để mua được năng lượng hóa thạch và kim loại nặng với giá ngày càng cao trong quá trình phấn đấu lên vị trí một nước công nghiệp hóa? Trong khu vực Đông Nam Á, câu hỏi này được đặt ra đối với Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, trong khi không hề được đặt ra ở Brunei Darussalam (một quốc gia nhiều dầu lửa).
Cần sử dụng nguồn lực con người như thế nào để đất nước vượt khỏi mức thu nhập thấp? Báo cáo Phát triển của Ngân hàng Thế giới năm 1998 - 1999 đã tổng kết ý tưởng khi nhận diện “tri thức” là nhân tố mới của sản xuất. So sánh con đường phát triển của Hàn Quốc và Ghana, Ngân hàng Thế giới kết luận rằng các yếu tố đầu vào truyền thống cho sản xuất như đất đai, vốn, lao động cơ bắp, chỉ giải thích được một phần nhỏ sự khác nhau trong trình độ phát triển giữa hai quốc gia. Phần còn lại được quy cho đầu vào/đầu ra cao hơn của “tri thức” trong những nỗ lực phát triển của Hàn Quốc. Đây cũng là điều giải thích vì sao Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới, còn Ghana thì tụt hậu. Lập luận này thực ra hơi đơn giản, nhưng kể từ đó đến nay nó đã thúc đẩy sự tăng cường đầu tư nghiên cứu đối với “tri thức cho phát triển” (knowledge for development, K4D) và cho một loạt các chương trình phát triển.
Nhiều người thường dẫn chứng Singapore như là hình mẫu về một quốc gia từ chỗ không có tài nguyên thiên nhiên trở thành một quốc gia công nghiệp công nghệ cao do quyết liệt thực hiện liên tục một chính sách tri thức và khoa học nhất quán. Phương pháp đánh giá tri thức (Knowledge Assessment Method, KAM) của Ngân hàng Thế giới và ngân hàng dữ liệu này đã trở thành công cụ giá trị cho các nhà lập kế hoạch phát triển trên toàn thế giới. Ý tưởng này tự nó không phải là mới. Ngay từ đầu những năm 1930, khi chứng kiến Đế chế Anh đang tan rã, Winston Churchill trấn an “những đế chế của tương lai sẽ là những đế chế của tinh thần”. Lịch sử thế giới sau đó cho thấy điều tự an ủi này đã thành một lời tiên tri.
Sau một thời kỳ ngắn ngủi chấp nhận và lao vào chiến lược phát triển tri thức có phần vội vàng, thiếu suy xét, ngày nay người ta có điều kiện đánh giá thực tế hơn và đầy đủ hơn việc này. Trong một số nghiên cứu, chúng tôi đã phát biểu về nan đề của việc “thu hẹp sự phân cách số hóa (digital gap)” (mục tiêu “thu hẹp” này do UNESCO đề xướng). Từ đó, chúng tôi đã cảnh báo các nhà kế hoạch phát triển về “bẫy tri thức” trên con đường tiến đến một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức (Evers and Gerke, 2005).

2. Bẫy trí thức và sự tụt lại

Với đặc tính của một hàng hóa, tri thức có đặc tính phân biệt với các hàng hóa khác. Một trong những đặc tính đó là việc sản xuất tri thức mới cũng làm tăng không - tri thức (non-knowledge) hoặc “sự không biết” (ignorance) (Hình 1).
Hình 1. Tăng trưởng của sự biết (tri thức) và sự không biết
Ghi chú: Sơ đồ minh họa, không phản ánh số liệu thực.
Một công trình nghiên cứu tạo ra tri thức mới nhưng cũng làm tăng tri thức về cái mà ta không biết. Thông thường, báo cáo của một dự án nghiên cứu luôn có câu “như vậy, vấn đề nghiên cứu chúng tôi đặt ra đã được giải quyết”. Có nghĩa là tri thức về một chủ đề nhất định đã tăng lên. Sẽ là nhận xét “nghiên cứu này cho thấy nổi lên những vấn đề mới cần phải nghiên cứu tiếp”. Với mỗi vấn đề được giải quyết, nhiều vấn đề khác lại bật ra. Tri thức tăng lên kèm theo việc tăng lên mạnh hơn tri thức về cái ta không biết, tức là tri thức tăng lên làm gia tăng cái không biết. Chúng tôi gọi điều này là “sự tụt lại có tính nhận thức luận” (epistemological backlash). Tình trạng tăng “cái không biết” kèm theo việc tăng rủi ro và tăng kinh phí nghiên cứu cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là một khía cạnh của “bẫy tri thức”.
Một khía cạnh khác của “bẫy tri thức” là một sự tăng đầu vào tri thức vào nền kinh tế và xã hội sẽ chỉ diễn ra nếu có sự tăng lên trong sử dụng tri thức. Động năng của tri thức theo một đường cong cung - cầu đặc thù. Cầu về tri thức tăng lên cùng với sự gia tăng của cung tri thức. Đó là vì khi ta sản xuất và sử dụng tri thức cho mục tiêu sản xuất, lại cần có thêm nhiều tri thức nữa với tính cách là một nguồn tài nguyên. Điều này thường biểu hiện ra ở hiện tượng tăng cầu về nhân lực trình độ cao và nhu cầu thành lập các viện nghiên cứu, các think tank. Đáp ứng được cả hai yêu cầu ấy đều khó và ngày càng đắt. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, nhiều quốc gia kẹt vào “bẫy tri thức”, một khi họ không thể đáp ứng hai yêu cầu trên do hệ thống giáo dục cấp cao trong nước yếu kém hoặc không có tài chính để thu hút tài năng đắt tiền và mua trang thiết bị cho các viện nghiên cứu tiên tiến.
Singapore tránh được “bẫy tri thức” do có tiềm lực tài chính để nhập khẩu chất xám nghiên cứu viên nước ngoài và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu (Đại học Quốc gia Singapore và A*Star, chẳng hạn). Trong khi đó, sau một thời kỳ bùng nổ, ngày nay Malaysia tỏ ra đang mắc kẹt trong “bẫy tri thức” vì chính sách tuyển chọn cán bộ nghiên cứu và đại học thiên vị tộc người và thiếu tài chính cho giáo dục cấp cao. Ở Malaysia, nhiều người đang nói đến tình trạng tài năng hiện không được sử dụng hết năng lực và không đủ tri thức cũng như nguồn lực để sản xuất ra tri thức mới trong các cơ sở đại học và viện nghiên cứu.
Việt Nam cũng rơi vào tình trạng chính sách tuyển chọn cán bộ không đạt tiêu chuẩn, chế độ biên chế suốt đời ít căn cứ vào kết quả công tác, chế độ thành tích và đãi ngộ mang nặng tính bình quân và cào bằng, kết hợp với tình trạng lãng phí kinh phí. Nói cách khác, tương tự những dấu hiệu thể hiện nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu phản ánh nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy tri thức”.
Là một nước giàu tài nguyên nhưng ít dân, Brunei Darussalam không phải chịu áp lực phát triển cơ sở tri thức riêng của mình và điều hành nền kinh tế chủ yếu bằng cách thuê ngoài cho hoạt động nghiên cứu phát triển (outsourcing R&D). Brunei đã thay đổi chính sách nhằm tránh “bẫy tri thức”, nhưng cho đến nay sự thay đổi diễn ra rất chậm, với một ít thành công hạn chế, cho dù có đủ tiềm lực kinh tế. Cùng với Singapore, Brunei Darussalam là nước có GDP đầu người cao nhất Đông Nam Á và ngang ngửa với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, Singapore có được thành tựu này chủ yếu nhờ thể chế, chính sách và nhân lực. Còn Brunei Darussalam chủ yếu nhờ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ, mặc dù nước này cũng có một nguồn nhân lực học vấn tốt.

3. Chiến lược tri thức và quản trị tri thức

Xương sống của bất kỳ nền kinh tế tri thức nào là một mạng internet kết nối nhanh. Phát triển mạng cáp quang sẽ thúc đẩy tiếp cận internet trong xã hội. Chính phủ Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir đã xây dựng Siêu Hành Lang Đa Truyền thông (Multi Media Super Corridor) kết nối internet tốc độ cao để thu hút đầu tư công nghệ cao nước ngoài vào Malaysia. Mạng cáp quang cũng được sử dụng ở một số vùng thuộc Kuala Lampur và Penang, nhưng vẫn chưa phủ mạng hoàn toàn như ở Singapore hay một số nước châu Âu. Đang khi nỗ lực như vậy thì những phát kiến công nghệ khác như smart phone và máy tính bảng đã ngốn ngấu hết cả không gian mạng. Thêm vào đó là cơn bão chat, video và nhạc trực tuyến đang bành trướng rất nhanh, tạo ra vô vàn nút thắt cổ chai trong đường truyền dữ liệu.
Như đã lập luận ở trên, tri thức đòi hỏi tăng tốc việc tạo ra hoặc sử dụng tri thức. Phần lớn các nước ASEAN, nhất là Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam, đã thực hành chính sách giáo dục cấp cao (đại học và cao học) bình đẳng. Chính sách giáo dục và khoa học định hướng vào việc tạo ra các trung tâm chất lượng cao (centres of excellence), như hệ thống đại học APEX ở Malaysia, hoặc như sự chuyển hướng sang nghiên cứu và đầu tư cho nghiên cứu trong Đại học Brunei Darussalam (UBD), đại học này đang phấn đấu vươn lên trên thang bậc hàn lâm của khu vực và thế giới.
Suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ của hệ thống đào tạo đại học và đầu tư cho sản xuất tri thức. Nhưng khác với ba nước kể trên, khi chuyển từ cơ cấu xã hội được gọi là “hành chính tập trung quan liêu bao cấp” sang cơ cấu xã hội mang tính thị trường, dường như nền giáo dục cấp cao ở Việt Nam lại trở nên bất bình đẳng hơn. Sinh viên sống và học phải dựa vào tiền túi của gia đình, trong khi các gia đình ở Việt Nam ngày càng khác nhau xa về thu nhập. Ngoài ra, hệ thống tuyển chọn vào làm việc và thăng tiến, trên danh nghĩa là theo bằng cấp và năng lực, song trong thực tế, bị bóp méo bởi yếu tố tiền bạc, quyền lực và mạng lưới quan hệ. Những đặc tính này dẫn đến nguy cơ đất nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” cũng như “bẫy tri thức.”

4. Xây dựng cảnh quan trí tuệ cụm tri thức

Thực ra, xây dựng nền kinh tế tri thức không phải là một hoạt động “phát triển kinh tế” thuần túy, mà bản chất là “phát triển xã hội”. Phát triển một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức đòi hỏi một quy hoạch vùng tổng thể. Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “xây dựng cảnh quan trí tuệ” (epistemic landscaping) để nhấn mạnh đến một khía cạnh của quản trị tri thức cho đến nay thường bị coi nhẹ, đó là phát triển một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Cần một tổng thể các cơ sở ICT, những cơ sở nghiên cứu và đào tạo, những cụm và tụ điểm tri thức kết nối mật thiết với nhau cũng như một loạt sáng kiến của chính phủ và xã hội dân sự để tạo nên một cảnh quan trí tuệ với những đỉnh cao sản xuất tri thức và mặt bằng giáo dục cơ bản.
Sản xuất tri thức cần có công viên khoa học, viện nghiên cứu, đơn vị R&D, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trường đại học, v.v., và chúng phải tụ với nhau trong một không gian mật thiết. Các cụm nảy sinh “tự phát” hoặc do sáng kiến của chính phủ ngày nay đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới như Thung lũng Silicon, Hyderabad, ABC (Aachen-Bonn-Cologne), Penang, Biopolis Singapore, MSC Malaysia, Jababeka/Jakarta, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và có thể sắp tới là Bandar Seri Begawan hay Jerudong ở Brunei Darussalam. Đây là những cụm tri thức trong những cảnh quan trí tuệ trong khu vực.
Các cụm tri thức bao gồm các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, các think tank, các cơ sở nghiên cứu chính phủ và các công ty sử dụng nhiều tri thức. Cụm tri thức có năng lực tổ chức để dẫn dắt, đổi mới và tạo ra những ngành công nghiệp mới. Cụm cũng là những trung tâm trong các cảnh quan trí tuệ, tức là trong một cấu trúc rộng hơn của sản xuất và phổ biến tri thức.
Khi xem xét các cụm tri thức như là một hình thái đặc thù của cụm công nghiệp, phần lớn các nghiên cứu đều giả định rằng cụm sẽ có tính năng suất và đổi mới hơn. Việc giảm chi phí dịch chuyển do gần gũi về khoảng cách luôn là một lập luận đầy sức mạnh để giải thích hiện tượng  hình thành cụm công nghiệp tự phát. Lập luận này một thời được cho là không còn đúng nữa khi ICT phát triển nhanh chóng. Một hội nghị video có thể dễ dàng kết nối các nhà quản lý của nhiều công ty, quan chức chính phủ và nhà khoa học, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng sự gần gũi về khoảng cách vẫn là một yếu tố quan trọng để tạo ra cách tân và sản phẩm công nghệ cao tại Thung lũng Silicon hoặc các cụm tri thức kết hợp với công nghiệp của Cambridge và của Massachusetts.
Hình 2. Cụm tri thức ở Malaysia
Ở Malaysia nổi bật lên ba cụm tri thức dày đặc: cụm Bắc tập trung ở Penang, Thung lũng Klang gắn với Kuala Lampur và Siêu Hành Lang Đa truyền thông với Putrajaya và Cyberjaya, và cụm Nam ở Nam Johore gần Singapore (Hình 2). Là một quốc gia chỉ với khoảng 400.000 dân,  Brunei Darussalam có sự kết cụm khá dày đặc. Ngoại trừ một cụm nhỏ liên quan đến dầu mỏ gần Seria, phần lớn các tổ chức liên quan đến tri thức đều tọa lạc trong cụm tri thức Bandar Seri Begawan (Hình 3). Nghiên cứu của chúng tôi trong Dự án WISDOM (Water-related Information System for the Sustainable Development of the Mekong Delta in Vietnam) cho thấy ở Nam Bộ nổi lên cụm tri thức Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ (Bauer, 2011; Bùi Thế Cường và Solvay Gerke, 2013) (Hình 4). Dĩ nhiên, ở phía Bắc có cụm tri thức Hà Nội.
Hình 3. Cụm tri thức ở Brunei Darussalam, 2011
Nguồn: Nghiên cứu của UBD về Brunei với tính cách là tụ điểm tri thức, 2012 - 2013
Hình 4. Cụm tri thức ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2009
Nguồn: Nghiên cứu của UBD về Brunei với tính cách là tụ điểm tri thức, 2012 - 2013.
Việc kết nối và chia sẻ tri thức trong cụm và với bên ngoài có sự khác biệt đáng kể. Nghiên cứu cụm tri thức ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy việc kết nối nội bộ và chia sẻ tri thức trong hai cụm này rất thấp, nhưng kết nối của các tổ chức trong hai cụm này với các tổ chức trong cụm tri thức Hà Nội ở miền Bắc thì lại tốt hơn (tài liệu đã dẫn). Sản phẩm của các kết quả nghiên cứu được công bố thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng, và ngay cả các ấn phẩm cũng không được phổ biến trong giới nghiên cứu và quan chức trong cụm tri thức Thành phố Hồ Chí Minh (tài liệu đã dẫn).
Có một cách đo lường mức kết nối với bên ngoài, tuy hơi thô sơ nhưng rất tiện lợi, bằng cách sử dụng lượng ấn phẩm hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của các trường đại học khác nhau. Đối với công ty, phát triển sản phẩm chung có thể là cách đo lường tốt. Trong nghiên cứu về cụm công nghiệp Jababeka gần Jakarta (Indonesia), tri thức chủ yếu được truyền tải dọc theo chuỗi cung cấp của ngành công nghiệp ô tô chủ đạo, nhưng nối kết tương đối yếu ớt với các trường đại học và viện nghiên cứu (Purwaningrum, 2013). Tình trạng ở Việt Nam dường như khá giống với tình trạng này ở Indonesia.
Sử dụng tổ chức tri thức thông qua kết nối quốc tế, người ta có thể tiếp cận tri thức mới và truyền dữ liệu. Những mạng lưới này vẫn còn mất cân xứng theo nghĩa động lực chính thường là nhân lực và kinh phí từ tổ chức của những quốc gia có mức chi cho R&D cao hơn hoặc có sản phẩm tri thức cao hơn (thường là từ những nước giàu hơn). Quan hệ mang tính lịch sử và mạng lưới alumni (cựu sinh viên đại học cùng trường) tỏ ra là yếu tố bổ sung trong việc định hình mạng lưới khoa học và nghiên cứu. Cả Malaysia và Brunei Darussalam đều có liên hệ mạnh với Australia và Vương quốc Anh, sau đó là các nước trong cộng đồng châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, kết nối và hợp tác nghiên cứu trong khối ASEAN thấp một cách đáng thất vọng.
Kết hợp giữa hình thành cụm tri thức với các tụ điểm tri thức quốc tế đã phát triển có thể đem lại kết quả là có đầu ra cao, đo bằng số ấn phẩm và phát minh. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu thỏa mãn ba điều kiện khác. Đó là:
- Chia sẻ tri thức và nối mạng bên trong cụm tri thức.
- Hỗ trợ một đội ngũ nghiên cứu được đào tạo chuyên sâu bằng một chính sách tuyển chọn hợp lý và kinh phí nghiên cứu thỏa đáng.
- Có đủ thời gian để phát triển và nuôi dưỡng một nền văn hóa trí tuệ cho sản xuất tri thức.
Các cụm tri thức - tổng thể của các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan chính phủ, công ty tư vấn và chế tác - chỉ sản xuất ra tri thức mới, nếu chúng kết nối và chia sẻ tri thức. Các trường đại học thu lợi rất nhiều khi tọa lạc trong một không gian cụm tri thức. Chính sách quốc gia cần thích hợp trong việc phát triển một cảnh quan trí tuệ cân bằng của các cụm tri thức và tụ điểm tri thức. Mở các trường đại học và viện nghiên cứu một cách cô lập và tách biệt sẽ dẫn đến hậu quả là không thể đưa một quốc gia tiến lên một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức.
Đạt đến giai đoạn mà đầu ra tri thức sẽ mang tính sản xuất là một quá trình lâu dài, như đã được chỉ ra trong một nghiên cứu so sánh giữa Đại học Brunei Darussalam (UBD) và Đại học Sains Malaysia (USM). Cả hai trường đại học này đều theo đuổi chính sách nâng cấp cơ sở, đào tạo nhân lực và tăng cường kinh phí nghiên cứu để chuyển thành đại học nghiên cứu. Nhưng thời gian trôi qua, USM vượt lên với một số lượng lớn hơn nhân lực và kinh phí nghiên cứu, dẫn đầu và bảo vệ vị trí là một trong các trường đại học hàng đầu ở Đông Nam Á. Trong khi đó, UBD mãi đến rất gần đây mới có một vài dấu hiệu chuyển mình.

5. Kết luận

Không ai nghi ngờ tính đúng đắn của việc các quốc gia chậm phát triển hơn cần có chiến lược đi ngay vào xây dựng nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức, đây là con đường để có thể sớm bắt kịp những quốc gia đi trước. Tuy nhiên, như đã thấy trong lịch sử phát triển nói chung, nhiều quốc gia có thể thoát khỏi bẫy đói nghèo, nhưng phần lớn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Tương tự, nhiều quốc gia đã khởi đầu nền kinh tế tri thức rất ngoạn mục cách đây 10 - 20 năm, nhưng giờ đây đang bị kẹt lại trong “bẫy tri thức”. Việc xây dựng, duy trì thành quả các cụm tri thức, cũng như cảnh quan trí tuệ, trong cuộc đua tốc độ ngày càng cao trên thế giới, là thách thức nổi bật để bứt phá vượt qua “bẫy tri thức”. Đây là kinh nghiệm quý báu trong hai mươi năm qua của một số quốc gia tiên tiến khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam cần xem xét, khảo nghiệm một cách nghiêm túc.
HANS-DIETER EVERS[*]
BÙI THẾ CƯỜNG[**]

Tài liệu tham khảo

Bauer, Tatjana. 2011. The Challenge of Knowledge Sharing. Practices of the Vietnamese Science Community in Ho Chi Minh City and the Mekong Delta. Berlin. LIT Publishers.
Bùi Thế Cường và Solvay Gerke (Chủ biên). 2013. Nước là nguồn chiến lược: Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội. Nxb Từ điển Bách khoa.
Evers, HansDieter, and Solvay Gerke. 2005. Closing the Digital Divide: Southeast Asia’s Path towards a Knowledge Society. ZEF Working Papers. No. 1. Bonn. Center for Development Research, University of Bonn.
Evers, HansDieter, Solvay Gerke, and Thomas Menkhoff. 2008. Tri thức và phát triển - Những chiến lược xây dựng xã hội tri thức. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 06(118)/2008:  74-80.
Evers, HansDieter, Solvay Gerke, and Thomas Menkhoff. 2010. Knowledge Clusters and Knowledge Hubs: Designing Epistemic Landscapes for Development. Journal of Knowledge Management 14(5):678-89.
Evers, HansDieter, and Solvay Gerke. 2012. Globalisation of Social Science Research on Southeast Asia. Chương 5 trong: Wan Zawawi Ibrahim (Ed.). 2012. Knowledge and Social Science in a Globalising World. Kuala Lumpur. Persatuan Sains Sosial Malaysia (Malaysian Association of Social Sciences).
Evers, HansDieter. 2011. Knowledge Cluster Formation as a Science Policy: Lessons Learned. Paper at “Science, Technology and Society Workshop”, held on 2324 September, 2011, at University Brunei Darussalam.
Gerke, Solvay, Hans-Dieter Evers, Bui The Cuong, Tatjana Bauer, and Judith Ehlert. 2012. Managing Knowledge for the Development of the Mekong Delta. Trong: Fabrice Renault and Claudia Künzer (Eds.). 2012. The Mekong Delta System. Interdisciplinary Analyses of a River Delta. Berlin. Springer Publishers.
Menkhoff, Thomas, HansDieter Evers, Yue Wah Chay, and Eng Fong Pang (Eds.). 2011. Beyond the Knowledge Trap: Developing Asia's KnowledgeBased Economies. New Jersey, London, Singapore, Beijing. World Scientific.
Purwaningrum, Farah. 2013. Knowledge Transfer Within an Industrial Cluster in the Jakarta Metropolitan Area. IAS Working Paper Series. No 5. Gadong. Institute of Asian Studies Universiti Brunei Darussalam.
World Bank. 1999. World Development Report 1998-1999: Knowledge for Development. New York. Oxford University Press.

Nguồn: Quản trị tri thức để tránh bẫy tri thức: liên hệ so sánh giữa vài quốc gia Đông Nam Á, Tạp chí Xã hội học, Số 4 (128), 2014.




[*] GS.TS, NCV cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đại học Bonn; GS thỉnh giảng, Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Brunei Darussalam.

[**] GS.TS, NCV cao cấp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; GS thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Brunei Darussalam.

Print Friendly and PDF