10.2.15

Amartya Sen, kinh tế học phục vụ cho sự phát triển con người



Amartya Sen, kinh tế học phục vụ cho sự phát triển con người

Là nhà kinh tế học vừa là triết gia, quan tâm đến đạo đức, phát triển, nghèo nàn và nạn đói, Sen nghiên cứu thực tế xã hội bằng cách kết hợp chặt chẽ lý thuyết và phân tích thực tế.
Năm 1998, Amartya Sen nhận được giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng niệm Alfred Nobel, vì những đóng góp của ông cho lý thuyết về phúc lợi. Năm trước, giải thưởng đã được trao, vì sự phát triển của những phương pháp mới cho sự tiến hóa của các công cụ tài chính phái sinh, cho các nhà bác học người Mỹ Robert C.Merton và Myron S.Scholes, chuyên gia cố vấn của quỹ đầu cơ LTCM, một tổ chức được Cục Dự trữ Liên bang cứu vớt khỏi sự phá sản vào tháng 9 năm 1998. Sự tương phản rất ấn tượng, đến mức người ta có thể nghi ngờ Ủy ban chấm giải muốn được tha thứ cho sự lựa chọn của mình vào năm 1997. Sen đã được báo chí Anh gọi là "Giải thưởng Nobel của người nghèo".
Là triết gia và là nhà kinh tế học, ông thực sự quan tâm đến những vấn đề về đạo đức, phát triển, nghèo nàn và nạn đói. Là nhà phê phán lý thuyết kinh tế chính thống, nhưng không vì thế mà ông không làm chủ được các công cụ và phương pháp của lí thuyết này, một lí thuyết được ông góp phần cải tiến, và chính điều này khiến những người bị ông phê phán tỏ lòng biết ơn. Là nhà kinh trắc học, toán học và thống kê hoàn hảo, ông trách phần lớn các nhà kinh tế học, từ thời Ricardo cho đến ngày nay, đã phí thời gian khi không phân tích một thực tế cụ thể và phức tạp mà lại dành tài năng chuyên tâm xây dựng những mô hình trừu tượng. Ông ngưỡng mộ Adam Smith, John Stuart Mill hay Marx vì đã thoát khỏi chủ nghĩa quy giản này. Giống như ông, họ đã biết kết hợp nhiều ngành học và liên kết các kỹ thuật phân tích lý thuyết và thực nghiệm để nghiên cứu thực tế xã hội. Và họ được thúc đẩy bởi niềm tin về đạo đức. Amartya Sen đã từng viết rằng sự quan tâm của ông đến kinh tế học phát sinh từ niềm đam mê xã hội cũng như niềm đam mê trí tuệ. Giống như Stuart Mill và John Maynard Keynes trước đó, ông mô tả kinh tế học như là một khoa học về đạo đức.

Lựa chọn xã hội và phúc lợi

Amartya Sen đã hoàn thành, dưới sự hướng dẫn của Joan Robinson, một luận án tiến sĩ để từ đó ông đã viết một cuốn sách dành cho lãnh vực lựa chọn công nghệ kỹ thuật ở các nước đang phát triển. Nhưng từ lúc đó, trọng tâm của ông cũng đã chuyển sang lãnh vực lựa chọn xã hội, một lãnh vực giao thoa giữa chính trị học, xã hội học và kinh tế học. Bị cuốn hút bởi định lý bất khả của Arrow, theo đó người ta không thể suy ra những lựa chọn duy lý tập thể từ những lựa chọn cá nhân[*], Sen tiến hành nghiên cứu những điều kiện hiệu lực và mở rộng phạm vi ứng dụng của định lí bằng cách tra vấn bản chất và nền tảng của tính duy lý của cá nhân và tập thể.
Amartya Sen cho thấy rất nhiều hoài nghi liên quan đến hai ý nghĩa, thường bị nhầm lẫn, của tính duy lý: sự theo đuổi phúc lợi và tính chặt chẽ của hành vi. Sự theo đuổi phúc lợi, được quy giản về chiều kích vật chất dưới hình thức tối đa hóa lợi ích trong lý thuyết tân cổ điển, không phải là động lực duy nhất của hành vi con người. Vả lại, Adam Smith, người bị gán cho cách nhìn này, cũng không tin vào điều đó. Cá nhân con người không chỉ tìm cách tiêu thụ một cách thụ động. Họ hành động nhằm tìm cách hoàn thành nhiều mục tiêu. Họ theo đuổi nhiều mục tiêu không nhất thiết phải tương thích lẫn nhau. Họ không cạnh tranh với nhau một cách có hệ thống. Họ quan tâm đến số phận của người khác, không chỉ đối với cha mẹ và bạn bè của họ, mà đôi khi còn gây thiệt hại cho chính lợi ích riêng của họ. Họ có ý thức trách nhiệm, cam kết. Vì vậy, họ hành động theo những chuẩn mực của xã hội. Ở đây chúng ta đang đứng ở ranh giới của kinh tế học và xã hội học. Việc nghiên cứu các động lực của con người, đối với Sen, là một trong những lãnh vực ít được khám phá nhất của kinh tế học.
Trong lý thuyết truyền thống về phúc lợi, Sen chỉ trích khuôn khổ mang tính công lợi quá chật hẹp[**], đặc biệt là giả định theo đó phúc lợi tập thể là tổng của các lợi ích cá nhân. Một nền kinh tế có thể đạt đến một tối ưu Pareto, một tình thế mà không ai có khả năng thấy được phúc lợi của bản thân được cải thiện mà không phải làm giảm phúc lợi của một người khác, và đồng thời có một khối lượng lớn những kẻ khốn cùng, nếu không thể cải thiện số phận của một người nghèo mà không gây tổn hại đến số phận của một người giàu. Là sự thật tột cùng đối với kinh tế học chính thống nhưng lợi ích không thể là tiêu chí duy nhất phải được lý thuyết lựa chọn xã hội tính đến. Trong số các tiêu chí, cần phải bổ sung thêm tiêu chí về quyền tự do, công lý và các quyền cá nhân. Ngoài ra Sen cũng cho thấy, trong một bài báo nổi tiếng (“The Impossibility of a Paretian Liberal”- “Sự bất khả của thuyết Pareto Tự do”, trên Journal of Political Economy - Tạp chí Kinh tế Chính trị, 1972), rằng điều kiện tối ưu của Pareto có thể không tương thích với quyền tự do.
Phát triển, bất bình đẳng và nghèo đói
Nguyên quán ở Ấn Độ, đất nước mà ông vẫn luôn giữ liên lạc, Amartya Sen đã dành một phần quan trọng các nghiên cứu của ông về những vấn đề liên quan đến sự phát triển. Một lần nữa, ông kết hợp tính chặt chẽ của lý thuyết với phân tích thực tế, và tìm cách xét lại những định kiến. Trước hết cần phải phân biệt rõ giữa tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng đề cập đến sự gia tăng về mặt định lượng trong sản xuất vật chất, được đo lường bằng tổng sản phẩm quốc gia (GDP). Tăng trưởng rõ ràng là điều cần thiết để phát triển, đặc biệt khi dân số gia tăng. Nhưng sự phát triển đề cập đến một quá trình phong phú hơn, phức tạp hơn và đa chiều hơn, mà trong đó kinh tế học chỉ là một nhân tố cấu thành.
Sự phát triển không nên bị giới hạn ở sự tăng trưởng thu nhập và tiêu thụ vật chất. Chúng ta cũng cần nhằm đến phát triển tất cả các khả năng tiềm tàng ở con người. Chúng ta phải làm thế nào đó để nhân rộng ra các giải pháp tùy chọn cho một cá nhân trên con đường đời của họ. Đối với những người ăn no, mặc đẹp, ở nhà sang trọng, nhưng mù chữ và tàn tật, thì cũng giống như những người giàu tri thức, nhưng bị tước đoạt quyền tự do chính trị, quyền được nói và được viết. Phúc lợi không chỉ phụ thuộc vào những gì mà một người có được, mà vào những gì một người có thể làm, vào chân trời mở ra cho họ và vào quyền tự do lựa chọn con đường mà họ muốn theo. Sen đưa ra thuật ngữ "năng lực" (capabilité trong tiếng Pháp và capability trong tiếng Anh) để diễn tả thực tế này. Nghèo không chỉ là bị tước đoạt nguồn lực, mà còn bị tước đoạt cả năng lực. Sự phát triển bao gồm việc mở rộng phạm vi những lựa chọn ấy, bằng cách cho phép người dân của một nước phát triển năng lực của họ.
Amartya Sen đã phát triển những phương pháp phức tạp để đo lường sự bất bình đẳng và nghèo đói. Thực tế thì thu nhập không phải là tiêu chí duy nhất đo lường sự nghèo đói. Để mở rộng diện đánh giá, thì việc đếm số lượng những người dưới ngưỡng nghèo về mặt định lượng cũng chưa phải là đủ. Chúng ta phải tự vấn về vấn đề phân phối và cường độ nghèo. Chúng ta phải chú ý đến khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ xóa mù chữ và nói chung chất lượng cuộc sống. Trên cơ sở những công trình của Sen, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã phát triển một chỉ số tổng hợp về sự phát triển con người, với mục tiêu tích hợp tất cả các chiều kích ấy.
Sen cũng quan tâm đến sự bất bình đẳng về giới. Ông cho thấy rằng nạn kém phát triển và nghèo luôn ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ hơn là nam giới. Thu nhập của họ không chỉ thấp hơn đáng kể hoặc đơn giản không có ý nghĩa gì, mà ở phần lớn các nước trên thế giới, phụ nữ không được bình đẳng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế so với nam giới, và dĩ nhiên, không được tiếp cận quyền lực chính trị. Đó là lý do tại sao Amartya Sen gợi ý rằng sự phát triển trước hết phải cải thiện thân phận của phụ nữ.

Bản chất thực của nạn đói

Năm lên 9 tuổi, Sen chứng kiến nạn đói khủng khiếp làm 3,5 triệu người chết ở Bengal vào năm 1943: "Tôi còn nhớ mãi những cảnh tượng đau lòng đó, để rồi ba thập kỷ sau, tôi cố tiến hành một bản phân tích kinh tế về những nguyên nhân và quá trình diễn ra của nạn đói" (bài phỏng vấn của Arjo Klamer, Tạp chí Triển vọng kinh tế -Journal of Economic Perspectives, 1989, trang 136). Bên cạnh nạn đói ở Bengal, Sen đã tiến hành nghiên cứu nhiều nạn đói khác, trong số đó có nạn đói ở tiểu vùng Sahara châu Phi và ở Trung Quốc.
Người ta thường gắn nạn đói với sự khan hiếm lương thực, do bị mất mùa, lũ lụt, nói chung, là do những thảm họa tự nhiên. Đối với Amartya Sen, chính những yếu tố kinh tế-xã hội mới có liên quan. Nạn đói không phải do khan hiếm lương thực, mà là do bất bình đẳng trong sự tiếp cận thực phẩm, mà điều này lại phát sinh từ sự bất bình đẳng trong sự phân phối thu nhập. Các cấu trúc chính trị cũng đóng một vai trò then chốt. Các nước dân chủ, kể cả các nước nghèo, không bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Ở những nơi mà nhà nước không có trách nhiệm giải trình với người dân, ở những nơi mà báo chí bị bịt miệng, nạn đói có thể đạt tới những tỉ lệ khổng lồ mà chính quyền vẫn không bị đặt thành vấn đề, như trường hợp của Trung Quốc trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt giữa những năm 1958 và 1962, khi mà người ta ước tính có khoảng 30 triệu người chết vì đói.

Amartya Sen qua vài năm tháng

1933: sinh ra ở Santiniketan, Bengal.
1953: đỗ tú tài ở trường Presidency College ở Calcutta; khởi đầu học ở Cambridge, Anh.
1957-1963: nghiên cứu tại trường Trinity College, Cambridge.
1959: đỗ Tiến sĩ ở Đại học Cambridge.
1960: tác phẩm Choice of Techniques (Lựa chọn công nghệ kỹ thuật).
1963-1971: Giáo sư giảng dạy ở Đại học Delhi.
1970: tác phẩm Collective Choice and Social Welfare (Sự lựa chọn tập thể và phúc lợi xã hội).
1971-1977: Giáo sư giảng dạy ở Trường Kinh tế London.
1973: tác phẩm On Economic Inequality (Luận bàn về sự bất bình đẳng kinh tế).
1975: tác phẩm Employment, Technology and Development (Việc làm, Công nghệ và Phát triển).
1977-1988: Giáo sư giảng dạy ở Oxfort.
1981: tác phẩm Poverty and Famines (Nghèo nàn và Nạn đói).
1982: tác phẩm Utilitarism and Beyond (Chủ nghĩa công lợi và hơn thế nữa) và Choice, Welfare and Measurement (Sự lựa chọn, Phúc lợi và Đo lường).
1984: Chủ tịch Hiệp hội kinh trắc học. Resources, Values and Development (Nguồn lực, Giá trị và Phát triển).
1985: tác phẩm Commodities and Capabilities (Hàng hóa và khả năng).
1986-1989: Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về kinh tế học.
1987: tác phẩm On Ethics and Economics (Luận bàn về Đạo đức và Kinh tế học) và The Standard of Living (Các chuẩn mực đời sống).
1988-1998: Giáo sư tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
1992: tác phẩm Inequality Reexamined (Xem lại sự bất bình đẳng).
1993: tác phẩm The Quality of Life (Chất lượng cuộc sống).
1994: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế học Mỹ.
1998: nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Afred Nobel.
1998-2004: Giám đốc trường Trinity College.
1999: tác phẩm Development as Freedom (Phát triển là Tự do).
2002 tác phẩm Rationality and Freedom (Duy lý và Tự do).
2005: tác phẩm The Argumentative Indian (Cuộc tranh luận của người Ấn Độ).
2006: tác phẩm Identity and Violence [bản dịch tiếng Việt Căn tính và bạo lực. NXB Tri thức, Hà Nội, 2011 - ND]
2009: tác phẩm The Idea of Justice (Ý tưởng về công lý).

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Sen
     Ethique et économie et autres essais, PUF, 1993
     L’économie est une science sociale, La Découverte, 1999
     Un nouveau modèle économique, Odile Jacob, 2000
     Repenser l’inégalité, Seuil, 2000
     La démocratie des autres, Payot, 2005
     Rationalité et liberté en économie, Odile Jacob, 2005
     L’idée de Justice, Flammarion, 2010

Những tác phẩm viết về Sen

     Amartya Sen’s Work and Ideas, par B. Agarwal, J. Humphries et I. Robeyns, Rotledge, 2005
     Valuing Freedoms: Sen’s Capability Approach and Poverty Reduction, par Sabina Alkire, Oxford University Press, 2002
     Choice, Welfare and Development: a Festschrift in Honour of Amartya K. Sen, par K. Basu, P. Pattanaik et K. Suzumura (dir.), Clarendon press, 1995
     Amartya Sen’s Capability Approach, par Wiebke Kuklys, Springer, 2005
     Economics of Amartya Sen, par Ajit Kumar Sinha et Raj Kumar Sen (dir.), Deep and Deep, 2000
     Faut-il lire Amartya Sen?”, l’Economie politique no 27, juillet 2005
Những bài viết về Sen trên mạng (tiếng Anh)
Gilles Dostaler
Viet, Huynh dịch.
Nguồn: “Amartya Sen, l'économie au service du développement humain” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.





[*] Xem bài "Kenneth J.Arrow và những hạn chế sự lựa chọn tập thể," tạp chí Alternatives Economiques số 241, tháng 11 năm 2005.

[**] Đối với chủ nghĩa công lợi, sự hữu ích đối lập với vẻ đẹp, sự thật và công lý, là nguyên lý của mọi giá trị. Đối với Jeremy Bentham (1748-1832), người tiên phong của học thuyết này, chủ nghĩa công lợi đề cập đến việc đi tìm "hạnh phúc lớn nhất của số đông lớn nhất" dựa trên cơ sở "số học của thú vui."


Print Friendly and PDF