2.2.15

Bất bình đẳng về thu nhập

Bất bình đẳng về thu nhập
Income Inequalities
® Giải Nobel: SEN, 1998
Trong một tác phẩm như quyển sách này, thuật ngữ trên tất yếu qui chiếu về những bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên cần nhắc lại rằng có nhiều hình thức bất bình đẳng khác trong xã hội, gắn liền hay không với những bất bình đẳng về thu nhập. Ví dụ, trong châu Âu ở thế kỉ XVIII, là thành viên của một đẳng cấp là một điều quan trọng hơn thu nhập. Trong một số nước châu Phi, những khác biệt sắc tộc quyết định thứ bậc: người định cư, thường là cựu nô lệ của người chăn nuôi, ít được coi trọng bằng người chăn nuôi cho dù có thu nhập cao hơn. Mặt khác có hai hình thức bất bình đẳng, bất bình đẳng thu nhập hay bất bình đẳng di sản. Trước khi trình bày những bất bình đẳng thu nhập, cần nói vắn tắt về những bất bình đẳng di sản. Những bất bình đẳng di sản bao giờ cũng lớn hơn những bất bình đẳng thu nhập. Những bất bình đẳng này biến đổi nhiều tuỳ theo tuổi tác, cho nên nên so sánh những hộ gia đình thuộc cùng lứa tuổi. Cuối cùng, ở cùng một mức thu nhập, người lao động độc lập hay người sử dụng lao động trung bình có một di sản lớn hơn người làm công ăn lương.
Hai câu hỏi đầu tiên phải trả lời khi nghiên cứu những bất bình đẳng về thu nhập là: chọn chỉ báo bất bình đẳng nào? chọn đơn vị thu nhập nào?
Những chỉ báo đơn giản nhất qui chiếu về một sắp xếp các cá thể tuỳ theo thu nhập. Ví dụ, nếu ta so sánh 1.000 cá thể thì ta sẽ phân bố họ thành những điểm thập phân: 100 người nghèo nhất hợp thành điểm thập phân đầu, 100 người giàu nhất hợp thành điểm thập phân thứ 10 (được sắp xếp từ 901 đến 1.000). Sau đó ta tính tỉ phần của mỗi điểm thập phân trong tổng những thu nhập. Nếu tỉ phần của điểm thập phân đầu là 2% của tổng những thu nhập và tỉ phần của điểm thập phân thứ 10 là 30% của tổng những thu nhập, thì ta suy ra là thu nhập trung bình của 100 người giàu nhất lớn hơn gấp 15 lần thu nhập trung bình của 100 người nghèo nhất. Nếu thu nhập trung bình của một điểm thập phân bằng với thu nhập trung bình Y của 1.000 cá thể thì tỉ phần của điểm thập phân trong tổng những thu nhập là 10%. Mặt khác, ta có thể so sánh giới hạn YL của những điểm thập phân: ví dụ YL1 cho điểm thập phân đầu là thu nhập của cá thể xếp thứ 100 và YL9 cho điểm thập phân thứ 9 là thu nhập của cá thể xếp thứ 900. Điều này dẫn đến việc tính tỉ số giữa những thu nhập của hai cá thể này hay cho phép nói rằng 100 người nghèo nhất có một thu nhập bằng hay thấp hơn YL1 (rằng 100 người giàu nhất có một thu nhập lớn hơn YL9).
Những chỉ báo này thuần tuý có tính mô tả. Ví dụ, người ta tính đơn giản những tỉ số như những tỉ phần của 20% những người nghèo nhất và của 20% những người giàu nhất: 40/10 = 4. Nhưng những chỉ báo khác gán một tầm quan trọng đặc biệt cho phần này hay phần khác của phân phối khiến cho sự sắp xếp các nước về mặt bất bình đẳng có thể biến đổi tuỳ theo chỉ báo được chọn. Một số chỉ báo coi trọng phần của những điểm thập phần đầu và điểm thập phân 2 trong sự phân bổ thu nhập, như khoảng cách lôga trung bình (tức là trung bình của những logarithm của Y/Yi, với Yi là thu nhập của một cá thể). Bởi thế, một phân phối có thể là bất bình đẳng hơn một phân phối khác theo chỉ báo này, cho dù 10% những nguời giàu nhất là nhỏ hơn chút ít. Trái lại, một số chỉ báo khác nhạy cảm hơn với số của điểm thập phân thứ 10, như chỉ báo T của Theil được tính cho 10 điểm thập phân mà những phần trong tổng thu nhập là Y1, Y2, …, Y9, Y10: tổng [(ln Yi /0,1 ´ Yi)]/100. Theo biểu thức này, ta thấy là T biến đổi nhiều nếu Y10 = 0,5 thay vì 0,4 trong lúc T lại biến đổi ít nếu Y1 = 0,02 thay vì 0,04.
Tất cả những chỉ báo này đều chỉ phụ thuộc vào phân phối thu nhập quan trắc được. Nhưng ta có thể đưa một đánh giá giá trị vào trong một chỉ báo, để tính đến nỗi ngại bất bình đẳng. Đó là điều Atkinson đã làm, với chỉ báo A = 1 - Ye/Y, Ye là thu nhập trung bình mà, nếu được phân phối một cách bình đẳng, sẽ mang lại cùng một mức phúc lợi cho dân chúng bằng với mức đạt được với phân phối thu nhập hiện nay, Y là thu nhập trung bình. Ví dụ, nếu A = 0,3 thì điều này có nghĩa là một phân phối bình đẳng tương ứng với một mức phúc lợi của một thu nhập trung bình là 0,3 Y, bằng với mức phúc lợi đạt được với Y và phân phối được quan trắc. Nếu ta ngại rủi ro thì A bằng hay lớn hơn 0,3 trong lúc nếu ít ngại rủi ro hơn (ta đánh giá rằng bất bình đẳng không phải là một điều bất tiện) thì A = 0,1. Trong trường hợp này, ta chuộng sự phân phối bất bình đẳng quan trắc được hơn là một phân phối bình đẳng tương ứng với một thu nhập trung bình thấp hơn, với một sụt giảm hơn 10 %. Một chỉ báo có tính chuẩn tắc như thế soi sáng sự lựa chọn giữa hiệu quả và bình đẳng vì sự bình đẳng hoàn toàn, bằng cách làm biến mất mọi kích thích, sẽ kéo theo một sụt giảm ít nhiều quan trọng của sản xuất và do đó của thu nhập trung bình.
Dữ liệu về thu nhập liên quan đến những người hoạt động, những hộ gia đình hay những cá thể. Người hoạt động là người nắm giữ một hay nhiều nhân tố sản xuất (lao động, tư bản, đất đai) và nhận từ đó những thu nhập gọi là thu nhập ban đầu. Khái niệm “người hoạt động kinh tế” loại trừ người thất nghiệp vì người này chỉ có một nhân tố (lao động) không được đưa vào sản xuất, nhưng lại bao gồm người chủ 10 căn nhà sống nhờ tiền cho thuê nhà. Thường các hộ gia đình nhận những thu nhập ban đầu, mặt khác, họ còn trả thuế và nhận những chuyển nhượng (như trợ cấp gia đình) của Nhà nước, được gọi là thu nhập thứ hai. Thu nhập sử dụng của một hộ gia đình là tổng đại số của những thu nhập ban đầu, thứ hai và thuế. Do kích cỡ các hộ gia đình biến đổi, người ta tính thu nhập sử dụng trên đầu người, tức là thu nhập của gia đình chia cho số thành viên của gia đình bằng cách quyền số hoá (ví dụ chủ gia đình có quyền số bằng 1, những người lớn khác có quyền số bằng 0,7 và trẻ con dưới 14 tuổi có quyền số bằng 0,5). Những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động tuỳ thuộc vào sự phân phối những nhân tố sản xuất giữa những người hoạt động và giá của những nhân tố này. Nếu ta nâng một giá như lương tối thiểu thì những bất bình đẳng này giảm xuống. Những bất bình đẳng về thu nhập giữa các cá thể tuỳ thuộc vào bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động, vào những cấu trúc gia đình và sự can thiệp của Nhà nước. Nếu tất cả các chủ gia đình ở cương vị một người hoạt động có một thu nhập rất cao có sáu thay vì một người con thì những bất bình đẳng giảm bớt. Nếu Nhà nước tăng (giảm) những chuyển nhượng cho các gia đình có thu nhập thấp thì những bất bình đẳng này giảm (tăng).
Những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động được biết đến rõ nhất là những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người làm công ăn lương. Hơn nữa những bất bình đẳng về thu nhập giữa tất cả người hoạt động phụ thuộc vào những bất bình đẳng trên vì 80% đến 85% những người hoạt động là những người làm công ăn lương. Tại Đức và Anh, tỉ phần của điểm thập phân thứ nhất và điểm thập phân thứ 10 trung bình là 6% và 18%, như vậy lương trung bình của 10% người làm công hưởng lương cao nhất cao gấp ba lần lương trung bình của 10% người làm công hưởng lương thấp nhất. Tại Hoa Kì khoảng cách này là từ 1 đến 5 với 4% và 20%. Nhưng tỉ suất thất nghiệp tại Hoa Kì thấp hơn hai lần tỉ suất thất nghiệp trung bình ở châu Âu, và điều này không được những thống kê này tính đến vì chỉ liên quan đến những người làm công ăn lương có việc làm. Những bất bình đẳng về lương chủ yếu là kết quả của thời gian học tập cần thiết cho chuyên môn được đòi hỏi, của kinh nghiệm trong nghề, của sự nặng nhọc hay rủi ro gắn với việc làm và của những năng lực khác nhau của người làm công ăn lương (hai người làm công ăn lương có cùng một trình độ đào tạo, cùng một kinh nghiệm có thể có một năng suất khác nhau). Cuối cùng, những cách biệt về lương được giải thích bằng những méo mó trên thị trường lao động: ví dụ người sử dụng lao động phân biệt đối xử nhân công phụ nữ không có chuyên môn bằng cách trả lương rẻ hơn nam giới, và điều này càng làm tăng những bất bình đẳng về lương.
Những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động không làm công ăn lương (nông dân, nghề tự do, thương nhân hay nghệ nhân độc lập, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ) bao giờ cũng lớn hơn những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động làm công ăn lương: khoảng cách thu nhập trung bình giữa điểm thập phân thứ nhất và điểm thập phân thứ 10 rõ ràng vượt quá 1 đến 10. Như thế ở Pháp có một số khá lớn nông dân hay người hành nghề tự do mà thu nhập (trừ đi những chi phí nghề nghiệp rồi) là thấp hơn lương tối thiểu, trong lúc một số khác lại có thu nhập lớn hơn một triệu quan mỗi năm. Bất bình đẳng lớn này được giải thích bằng vai trò của tư bản. Một phần thu nhập của những người hoạt động này được trả cho tư bản, thế mà sự phân phối nhân tố sản xuất này là bất bình đẳng hơn sự phân phối của thu nhập. Mặt khác, những thu nhập này biến động mạnh năm này sang năm khác (đối với nông dân, từ 1 đến 3 hay 4 do khí hậu) trong lúc đó không phải là trường hợp của người làm công ăn lương có việc làm.
Báo chí thường nói đến những bất bình đẳng về thu nhập hằng năm hay hằng tháng. Nhưng những bất bình đẳng trong dài hạn hay trên cả cuộc đời rõ ràng là thấp hơn nhiều. Giả sử tất cả người làm công ăn lương cùng tuổi đều nhận một lương bằng nhau và lương này biến thiên từ 1 đến 3 giữa thời kì đầu và thời kì cuối cuộc đời hành nghề. Tỉ số giữa những lương trung bình của điểm thập phân thứ nhất và điểm thập phân thứ 10 là gần từ 1 đến 3. Nhưng tổng lương nhận được trong suốt cuộc đời thì giống nhau cho mọi người. Theo những nghiên cứu trên những mẫu không đổi người làm công ăn lương được theo dõi suốt ba mươi chín năm thì bất bình đẳng đo được trên tổng lương là thấp hơn khoảng một nửa bất bình đẳng được tính cho phân phối lương trên một năm.
Bức tranh những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động sẽ thay đổi nếu ta đưa số người thất nghiệp vào dân số hoạt động vì ta sẽ có 5 đến 15% người hoạt động mà thu nhập lần đầu bằng 0. Trong trường hợp này, tỉ phần của điểm thập phân đầu có thể rơi xuống 0 và tỉ phần của 20% những người nghèo nhất sẽ là rất nhỏ.
Những bất bình đẳng về thu nhập lần đầu giữa các gia đình giống với những bất bình đẳng về thu nhập lần đầu giữa những người hoạt động. Ở châu Âu, tỉ phần của 20% những người nghèo nhất và của 20% những nguời giàu nhất trung bình là 5% và 40%, tức là một khoảng cách từ 1 đến 8. Nhưng những bất bình đẳng về thu nhập sử dụng trên đầu người là nhỏ hơn nhiều vì hai lí do. Những gia đình thu nhập thấp có ít thành viên hơn những gia đình có thu nhập cao và Nhà nước cung cấp những chuyển nhượng quan trọng cho những gia đình đầu trong lúc lại thu thuế trên những gia đình sau nếu vượt quá mức những chuyển nhượng mà các gia đình này nhận được. Ví dụ trong bốn nước Bắc Âu, ở Bỉ, Hà Lan và Đức, tỉ phần của 20% những người nghèo nhất và của 20% những nguời giàu nhất trong việc phân phối những thu nhập thuần trên đầu người theo thứ tự trung bình là 10% và 33%. Điều này có nghĩa là khoảng cách mức sống giữa hai nhóm này là từ 1 đến 3,3.
Những bất bình đẳng về thu nhập giữa những người hoạt động hay giữa các gia đình trong các nước phát triển đã giảm từ một trăm năm mươi năm nay: lúc bấy giờ tỉ phần của 20% những người nghèo nhất và của 20% những nguời giàu nhất trung bình là 5% và 55%, tức là một khoảng cách từ 1 đến 11. Tỉ phần của 20% những nguời giàu nhất đã giảm, có lợi cho các hộ gia đình nằm trong những điểm thập phân vị 5, 6, 7 và 8. Những bất bình đẳng về thu nhập sử dụng giữa các cá thể còn giảm nhiều hơn nữa vì trong thế kỉ XIX Nhà nước không can thiệp còn nay Nhà nước làm giảm nhiều những bất bình đẳng bằng những chuyển nhượng và thuế khoá.
Những bất bình đẳng về thu nhập trong các nước đang phát triển, ngoại trừ một số nước châu Á (Sri Lanca, Đài Loan, Hàn quốc), lớn hơn những bất bình đẳng về thu nhập trong các nước phát triển. Trong những nước có bất bình đẳng cao nhất (Brazil, Equateur, Peru) tỉ phần của 20% những người giàu nhất vượt quá 60% so với 4% cho 20% những người nghèo nhất, tức là một khoảng cách từ 1 đến 15 giữa những người hoạt động hay giữa những hộ gia đình, và những bất bình đẳng này không được sự can thiệp của Nhà nước thu hẹp, như trong các nước phát triển. Mặt khác, những gia đình nghèo có số thành viên bằng hoặc cao hơn những gia đình giàu. Từ đó, những bất bình đẳng giữa các cá thể cũng cao hơn. Cuối cùng trong những nước này những bất bình đẳng càng không thể chịu nổi vì tính cơ động rất thấp: người nghèo vẫn nghèo cả cuộc đời khiến cho bất bình đẳng trên vòng đời cũng mạnh gần bằng bất bình đẳng trên một năm.
 Christian MORRISON
Giáo sư danh dự Đại học Panthéon-Sorbonne (Paris I)
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Kinh tế học phát triển; Thống kê

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001 Print Friendly and PDF