13.2.15

Lựa chọn xã hội và phúc lợi xã hội


Về Amartya Sen 
Amartya Sen là nhà kinh tế học đoạt giải Nobel.
Lựa chọn xã hội và phúc lợi xã hội
CAMBRIDGE – Con người vốn dĩ luôn sống theo quần thể, và cuộc sống cá nhân của con người lúc nào cũng phụ thuộc vào quyết định của tập thể. Tuy nhiên, những thách thức mà lựa chọn tập thể đặt ra có thể khó lòng mà chinh phục được, đặc biệt là trong điều kiện có sự khác biệt về lợi ích và các mối quan tâm của các thành viên trong quần thể. Vậy thì, nên đưa ra quyết định tập thể như thế nào?
Một nhà độc tài muốn kiểm soát mọi phương diện trong cuộc sống của con người sẽ tìm cách phớt lờ đi sở thích cá nhân của thiên hạ. Nhưng quả là không dễ đạt được mức độ quyền lực như vậy. Quan trọng hơn là chế độ độc tài thuộc bất kỳ thể loại nào đều có thể bị cho là một đường lối tệ hại để cai trị xã hội.
Do đó, vì các lý do mang tính đạo đức lẫn thực tiễn, các nhà khoa học xã hội từ lâu đã nghiên cứu bằng cách nào mà các mối quan tâm của các thành viên trong xã hội có thể được bày tỏ thông qua các quyết định tập thể của xã hội bằng cách này hay cách khác ngay cả khi xã hội không thuần dân chủ. Ví dụ, vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, Aristotle ở Hy Lạp và Kautilya ở Ấn Độ đã nghiên cứu nhiều khả năng của vấn đề lựa chọn xã hội trong các tác phẩm cổ điển của họ, quyển viết về Chính trị của Aristotle và quyển viết về Kinh tế của Kautilya (tác phẩm của Kautilya có tựa đề tiếng Phạn là Arthashastra, dịch theo nghĩa đen là “kỉ luật của sự sung túc về vật chất”). 
Nghiên cứu về lựa chọn xã hội với tư cách là một môn khoa học chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 18, thời điểm mà các nhà toán học người Pháp, nổi bật là J. C. Borda và Marquis de Condorcet, đã khởi xướng chủ đề nghiên cứu này. Xu thế trí tuệ của thời điểm đó chịu ảnh hưởng lớn bởi công cuộc Khai sáng châu Âu, với mối quan tâm hướng vào việc thiết lập hợp lý trật tự xã hội, và cam kết kiến tạo một xã hội đáp ứng các sở thích cá nhân của con người.
Tuy nhiên, những nghiên cứu về lý thuyết của Borda, Condorcet và những học giả khác thường đi đến những kết quả khá bi quan. Đơn cử, khái niệm được gọi là “nghịch lý bỏ phiếu” (“voting paradox”) do Condorcet đưa ra cho thấy quy tắc đa số có thể đi vào ngõ cụt khi mọi lựa chọn khả dĩ có thể bị một lựa chọn khác trong bầu cử đánh bại khiến cho không có bất kì lựa chọn nào có thể đương đầu với thách thức đến từ mỗi lựa chọn khác.
Lý thuyết lựa chọn xã hội dưới dạng thức hiện đại và mang tính hệ thống có được nền tảng vững chắc là nhờ vào nghiên cứu của Kenneth J. Arrow thực hiện khi viết luận văn tiến sĩ tại trường Đại học Columbia năm 1950. Luận văn của Arrow bao hàm “định lý bất khả” (“impossibility theorem”) nổi tiếng của ông, một kết quả phân tích cực kì tao nhã và có tầm cỡ.
Định lý Arrow khẳng định rằng không có bất cứ phương sách lựa chọn nào có thể đồng thời thỏa mãn ngay cả những điều kiện hết sức nhẹ nhàng của tính hợp lý để đạt đến các quyết định xã hội dựa trên thứ bậc sở thích giản đơn của các thành viên trong xã hội. Khi được xuất bản vào năm 1951, quyển sách được viết dựa trên nội dung luận văn tiến sĩ của ông, có tựa đề Lựa Chọn Xã Hội và Các Giá Trị Cá Nhân (Social Choice and Individual Values), đã ngay tức thì trở thành một tác phẩm kinh điển.
Các kinh tế gia, các lý thuyết gia chính trị, các triết gia đạo đức, các nhà xã hội học và các triết gia chính trị, và ngay cả công chúng đã nhanh chóng chú ý đến điều mà dường như là – và cũng đã trở thành hiện thực – một kết quả có sức tàn phá. Hai thế kỷ sau thời kỳ các tầm nhìn duy lý xã hội phát triển rực rỡ trong tư duy của công cuộc Khai sáng, công cuộc này bỗng nhiên có vẻ như, ít nhất là trên bề mặt, đi đến hồi kết không thể tránh khỏi.
Hiểu được lý do tại sao và bằng cách nào đi đến kết quả của định lý bất khả của Arrow là việc hệ trọng. Việc nghiên cứu cẩn thận những lập luận hình thức xác lập nên định lý cho thấy rằng nếu chỉ căn cứ vào thang bậc sở thích của cá nhân sẽ gây khó khăn cho việc phân biệt giữa các vấn đề lựa chọn xã hội khác nhau, vốn tồn tại dưới muôn hình vạn trạng. Hơn nữa, khả năng sử dụng thông tin sẵn có bị suy giảm do hỗn hợp các hiệu ứng của các nguyên lý dường như vô thưởng vô phạt đang phổ biến trong các cuộc tranh luận không chính thức.
Đặc biệt đối với quá trình đánh giá phúc lợi xã hội, việc cần thiết là so sánh lợi ích và chi phí của những cá nhân khác nhau cũng như là lưu ý đến sự sung túc tương đối của họ, một điều không thể suy ra ngay tức thì chỉ từ những thứ bậc các đối chọn xã hội khác nhau của con người. Việc xem xét loại nhóm nào trong thang bậc sở thích là vấn đề đối với các cách thức bầu cử khác nhau cũng là việc hệ trọng.
Dù sao đi nữa, định lý bất khả của Arrow nói cho cùng đóng vai trò kiến tạo quan trọng trong việc  nghiên cứu những vấn đề mà nền dân chủ đòi hỏi, những vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc đếm phiếu bầu (cho dù điều này là quan trọng đến đâu đi nữa). Làm phong phú thêm cơ sở thông tin của nền dân chủ và sử dụng nhiều hơn các lập luận tương tác công cộng có thể góp phần đáng kể giúp cho nền dân chủ hoạt động hiệu quả hơn, và đồng thời tạo điều kiện cho việc đánh giá có cân nhắc phúc lợi xã hội.
Lý thuyết lựa chọn xã hội do vậy mà trở thành chuyên ngành rộng lớn, bao trùm hàng loạt các vấn đề khác biệt. Trong những hoàn cảnh nào mà quy tắc đa số tạo ra những quyết định không nhập nhằng và nhất quán? Những cách thức bầu cử khác nhau cho ra những kết quả có sức thuyết phục đáng tin đến mức nào? Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của xã hội như một tổng hòa xét dưới ánh sáng của những lợi ích khác biệt giữa các thành viên trong xã hội?
Hơn nữa, làm sao chúng ta có thể dung hòa các quyền và tự do cá nhân trong khi vẫn có sự ghi nhận thích đáng những mối quan tâm chung của họ? Làm sao chúng ta có thể lượng hóa tình trạng nghèo đói tổng gộp căn cứ vào hoàn cảnh khó khăn và sự bi đát không ai giống ai của các thành viên trong xã hội? Làm sao chúng ta có thể đưa ra các đánh giá về mặt xã hội đối với các hàng hóa công như môi trường tự nhiên.
Vượt ra ngoài những vấn đề trên, một lý thuyết về công bằng có thể được rút ra chủ yếu dựa trên sự hiểu biết thấu đáo và các kết quả phân tích xuất phát từ lý thuyết lựa chọn xã hội (như tôi đã thảo luận trong quyển sách mà tôi viết năm 2009 có tựa để Ý Niệm Về Công Bằng (The Idea of Justice). Hơn nữa, sự hiểu biết có được từ  hoạt động nghiên cứu về lựa chọn tập thể của các lý thuyết gia lựa chọn xã hội đã hỗ trợ cho một số nghiên cứu mà vốn dĩ không trực thuộc lý thuyết lựa chọn xã hội – ví dụ như nghiên cứu về dạng thức và hậu quả của hiện tượng bất bình đẳng giới, hay nghiên cứu về nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa nạn đói.
Lý thuyết lựa chọn xã hội có phạm vi ảnh hưởng và tính thích đáng rộng lớn. Thay vì làm suy yếu nỗ lực theo đuổi lập luận xã hội, định lý bất khả có tính thách thức hết sức to lớn của Arrow, và phần lớn tư liệu nghiên cứu mà định lí này đã tạo nên cảm hứng,  đã tăng cường mạnh mẽ năng lực tư duy duy lý trong quá trình ra quyết định tập thể về những vấn đề mà sự tồn tại và niềm hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào đó.
Amartya Sen
Trần Thị Minh Ngọc dịch

Nguồn: “Social Choice and Social Welfare”, Project Syndicate, Nov 26, 2014.
Print Friendly and PDF