7.5.15

Jeremy Bentham, người sáng lập chủ nghĩa công lợi



Jeremy Bentham, người sáng lập chủ nghĩa công lợi

Jeremy Bentham (1748-1832)
Là người ủng hộ việc bãi bỏ các đặc quyền, Bentham phân tích những niềm vui và nỗi khổ của con người. Ban đầu là môn đồ của chủ nghĩa tự do của Adam Smith, ông xa dần học thuyết tự do kinh doanh và trao cho nhà nước một vai trò hàng đầu.
Jeremy Bentham, những chính sách về các công trình công cộng có khả năng kích thích công ăn việc làm.
Là luật gia, nhà tội phạm học trước khi có thuật ngữ và khoa học này, nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội, chính trị và kinh tế, Jeremy Bentham là người ham viết. Ông đã để lại hàng chục ngàn trang viết tay mà chỉ có một phần nhỏ được xuất bản. Bentham thực sự không quan tâm đến việc được xuất bản, nhưng ông vẫn muốn thuyết phục, không mệt mỏi, những người đương thời thực hiện những cải cách mà ông cho là cần thiết để đạt được "hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất". Chính vì vậy mà ông đã tiếp xúc với những người có quyền quyết định ở nước ông, với những người gây dựng nên cuộc Cách mạng Pháp, với nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Âu - trong đó có những "bạo quân sáng suốt" như Frederick II của nước Phổ, Catherine II của nước Nga và Joseph II của nước Áo -, với Tổng thống Hoa Kỳ và với nhà lãnh đạo của các quốc gia khác thuộc châu Mỹ. Bằng một động thái cuối cùng và Không hi vọng thành công, ông tiếp xúc thẳng với người dân Mỹ qua một bức thư ngỏ được công bố vào năm 1817.
Mặc dù bị thất bại nhiều lần, ông có được danh tiếng lớn, đặc biệt trong số các nhà kinh tế nổi tiếng khác như Adam SmithDavid Ricardo, và trong hai mươi lăm năm, ông là người được Thủ tướng Anh Lord Shelburne che chở. Việc ông gặp James Mill, nhà kinh tế học và sử học vào năm 1808, người đã chuyển hóa ông theo chủ nghĩa cải cách dân chủ, là một bước ngoặt mang tính quyết định. Nó đánh dấu sự ra đời của cái mà người ta gọi là "chủ nghĩa cấp tiến triết học", mà chương trình hành động bao gồm những vấn đề như phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu kín, phân phối công bằng hơn các khu vực bầu cử, bãi bỏ các đặc quyền của giai cấp quý tộc và sở hữu đất đai, quyền tự do ngôn luận và báo chí, hợp pháp hóa các tổ chức công đoàn, lên án chế độ nô lệ và thuộc địa, phổ cập hóa nền giáo dục công. Một chiến thắng chính trị đầu tiên của chủ nghĩa cấp tiến là Đạo luật cải cách (Reform Bill), năm 1832, ít lâu sau cái chết của Bentham, mở rộng quyền bầu cử và bãi bỏ một số hành vi tham nhũng.

Bài toán về niềm vui và nỗi khổ

Trong các tác phẩm mang tính đa dạng và trong hành động không ngừng nghỉ của Bentham, có một hướng chủ đạo: nguyên lý về lợi ích, được ông đối lập với các nguyên lý về khổ hạnh hay cảm thông. Ông không phải là người duy nhất cũng như không phải là người đầu tiên phát biểu nguyên lý trên, điều mà người ta đã tìm thấy trong các trình bày của Francis Hutcheson, David Hume, Cesare Beccaria và Claude-Adrien Helvetius, nhưng Bentham là người đã đưa ra những phát triển dài nhất và những ứng dụng rộng nhất, ở cấp độ hành động của cá nhân lẫn tập thể. Nguyên lý trên dựa trên một quan niệm về con người sẽ thắng thế trong kinh tế học với sự xuất hiện của lý thuyết tân cổ điển: đó là quan niệm cho rằng con người được hướng dẫn bởi lợi ích của mình, mà hành động hoàn toàn được xác định bởi việc tìm kiếm niềm vui và tránh né nỗi khổ.
Đối với Bentham, niềm vui và nỗi khổ là những đại lượng có thể tính toán, và ông dành nhiều đoạn trong các bài viết của ông để đề xuất những dạng thức rất chính xác về “felicific calculus" (phép tính những niềm vui và nỗi khổ). Ông phân biệt mười bốn loại niềm vui và mười hai loại nỗi khổ. Mỗi niềm vui có thể được đo lường độ dài ngắn, cường độ, mức độ gần xa, xác suất, khả năng phát triển, khả năng mở rộng và mức độ tinh khiết của nó. Niềm vui khác nhau giữa các cá nhân tùy thuộc vào 32 hoàn cảnh. Tiền là thước đo cho phép đánh giá và so sánh những niềm vui. Trong kinh tế, người ta có được hạnh phúc thông qua sự giàu có, sự giàu có là kết quả của lao động, mà lao động là một nỗi khổ.
Trong khi cá nhân tìm cách tối đa hóa niềm vui và giảm thiểu nỗi khổ một cách tự nhiên, thì nhà nước có chức năng làm tăng lợi ích nhằm có được niềm vui lớn nhất cho nhiều người nhất. Chính lợi ích là cơ sở cho hành động của các cơ quan công quyền, và đặc biệt là cơ sở cho các cơ quan pháp lý, một nghiên cứu mà Bentham dành hầu hết nghị lực của ông, nhân rộng các đề xuất chi tiết về các quy định pháp lý. Bãi bỏ án tử hình, hành vi tra tấn và lưu đày, thiết lập tính tỷ lệ giữa hình phạt và tội phạm, phi hình sự hóa vấn đề đồng tính luyến ái, bình đẳng giới, quyền ly hôn là những cách thức được đề xuất để làm tăng lợi ích tập thể. Ông dành rất nhiều thời gian, nghị lực và tiền bạc để thúc đẩy một dự án xây dựng một trại có thể giám sát toàn diện (panopticon), để giam cầm và giám sát tù nhân, mà các phiên bản điều chỉnh cũng có thể được sử dụng để làm nhà lưu trú cho người nghèo, người túng thiếu, người bệnh và người điên. Nguyên tắc giám sát toàn diện và liên tục thậm chí cũng có thể được mở rộng đến các trường học, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền. Mặt khác, Bentham còn là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên bảo vệ quyền của động vật, cũng là đối tượng cảm nhận được nỗi đau và niềm vui.

Các ý tưởng kinh tế

Có nhiều ý kiến khác nhau về các ý tưởng kinh tế của Bentham. Trong khi một số người, trong đó có Karl Marx và John Maynard Keynes, xem ông như là một môn đồ của chủ nghĩa tự do cổ điển, thì một số người khác, đặc biệt là Friedrich Hayek, xem ông là người báo trước chủ nghĩa tập thể. Về phần mình, William Stanley Jevons xem ông là người truyền cảm hứng chính cho lý thuyết giá trị-lợi ích và phân tích cận biên, học thuyết sẽ thống trị tư tưởng kinh tế trong thế kỷ XX. Những người khác thì chỉ ra sự phát hiện của Bentham, trước hết đó là lao động được xác định như là nền tảng của sự giàu có và do đó là nguồn gốc đầu tiên của giá trị. Như thường là vậy, chân lý – một điều không bao giờ đơn giản và ít khi mang tính thuần túy, như Oscar Wilde đã nói – nằm ở hợp lưu của nhiều ý kiến ​​khác nhau trên. Bentham đã điều chỉnh, đôi khi một cách triệt để, quan điểm của mình trong suốt sự nghiệp khoa học lâu dài của ông.
Ông tự giới thiệu trước hết như là một môn đồ của chủ nghĩa tự do của Adam Smith, một người bạn của ông. Vả lại, ông xuất bản tác phẩm đầu tiên của ông, Fragment on Government (Trích đoạn về chính quyền), cùng năm với cuốn Richesse des nations (Của cải của các quốc gia), năm 1776. Bài viết đầu tiên của ông về kinh tế học, Defense of Usury (Bảo vệ cho vay nặng lãi) ra mắt mười một năm sau đó. Bằng một cách nào đó, Bentham còn tỏ ra smithian hơn cả Smith, người đã đóng khung nguyên lý cho vay nặng lãi trong một giới hạn pháp lý về lãi suất. Bentham, ngược lại, đề xuất xóa bỏ mọi sự quy định một lãi suất trần. Cho vay là một giao dịch giữa những người lớn đồng ý với nhau, vì vậy cho vay nặng lãi không phải là một điều xấu và việc cấm đoán nó, hạn chế các khả năng lựa chọn của cá nhân, sẽ làm tăng nỗi khổ nhiều hơn là làm giảm niềm vui.
Bắt đầu từ cuốn A Manual of Political Economy (Giáo trình kinh tế học chính trị) của ông và trong các bài viết tiếp theo sau đó, Bentham xa dần thuyết tự do kinh doanh và giao cho nhà nước một vai trò ngày càng quan trọng hơn. Ông phân biệt những "phi nghị trình", những hành động mà sáng kiến ​​cá nhân hữu ích hơn sự can thiệp của nhà nước, với những "nghị trình", những hành động mà ngược lại chính quyền có thể làm tăng lợi ích tập thể. Vì vậy, Bentham rất quan tâm đến sự tồn tại và những hệ quả xã hội của tình trạng thất nghiệp. Trái với ý kiến ​​của những người cùng thời với ông như Jean-Baptiste Say, David Ricardo và James Mill, ông cho rằng các chính sách kích thích tiền tệ và các công trình công cộng có khả năng tạo ra công ăn việc làm. Nhưng giống như Ricardo và Thomas Malthus, ông phản đối các luật liên quan đến người nghèo, hạn chế công ăn việc làm, và đề xuất gom những người nghèo lại vào các "ngôi nhà công nghiệp" để họ lao động sản xuất.
Bentham đã đưa ra những đề xuất chi tiết để kiểm soát hệ thống tài chính và ngân hàng, đặc biệt là bảo hiểm. Ủng hộ việc chia sẻ công bằng các thu nhập, ông đề xuất một cuộc cải cách thuế khóa làm cho thuế mang tính lũy tiến. Ông gợi ý về một mức tiền lương tối thiểu. Trong một lãnh vực khác, hệ thống nhà ở cũng như hệ thống giáo dục phải thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Ông đề xuất một hệ thống bảo hiểm xã hội công cộng. Nhà nước cũng có một vai trò trong việc thu thập và phổ biến thông tin, là một sản phẩm công cộng, cũng như trong việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải. Nói chung, nhà nước và pháp luật phải đảm bảo bốn mục tiêu cho xã hội nhằm thúc đẩy sự tối đa hóa lợi ích, và do đó mang lại hạnh phúc: đó là sự an ninh, sự bình đẳng, kế sinh nhai và sự giàu có. Hai mục tiêu cuối là đối tượng thích hợp của nền kinh tế và phát sinh từ sự gia tăng của cải.

Bentham qua vài năm tháng

1748: sinh ngày 15 tháng 2 ở Houndsditch, một vùng ngoại ô của London, có bố làm luật sư.
1759: mẹ mất.
1755-1760: học tại trường Westminster.
1760-1763: bắt đầu học tại trường Queen’s College, Oxford.
1763: được nhận vào trường Lincoln’s Inn, London, như là một sinh viên luật.
1769: nhận bằng luật sư.
1774: bố ông phản đối cuộc hôn nhân của ông với một người mồ côi không có của cải; từ đó ông ở độc thân.
1776: Fragment on Government (Trích đoạn về chính quyền).
1785-1788: đi châu Âu và từ tháng 2 năm 1786 ở lại Nga, Crichoff, nơi anh trai ông làm kỹ sư phục vụ dưới trướng của quân vương Potemkin.
1787: Defence of Usury (Bảo vệ cho vay nặng lãi).
1789: AnIntroduction to the principles of morals and Legislation (Giới thiệu các nguyên lý đạo đức và pháp lý).
1791: Panopticon.
1792: được phong là công dân danh dự của nước Pháp vào ngày 23 tháng Tám. Bố ông mất, để lại một gia tài cho phép ông sống thoải mái đến cuối đời.
1793: A Manual of Political Economy (Giáo trình về kinh tế học chính trị).
1798: Esquisse d’un ouvrage en faveur des pauvres (Phác thảo của một tác phẩm về người nghèo).
1802: Traité de législation civile et pénale (Luận thuyết về pháp luật dân sự và hình sự).
1808: gặp James Mill.
1811: Théorie des peineset des récompenses (Lý thuyết về hình phạt và phần thưởng).
1813: Quốc hội Anh chấp nhận bồi hoàn các chi phí phát sinh trong dự án panoptique (trại giám sát toàn diện) của ông.
1816: Essay on Political Tactics (Chiến thuật của các cơ quan lập pháp); The Book of Fallacies (Về những ngụy biện chính trị).
1823: Traité des preuves judiciaires (Luận thuyết về những bằng chứng pháp lý).
1824: cùng với James Mill, thành lập tạp chí Westminster Review, nhằm truyền bá các ý tưởng của chủ nghĩa công lợi và chủ nghĩa cấp tiến triết học.
1830: Code constitutionnel (Bộ luật hợp hiến).
1832: mất ngày 06 tháng 6 tại London; ông hiến xác ông cho khoa học để được phẫu tích, lúc đó chỉ thực hiện đối với các phạm nhân.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Bentham
The Collected Work of Jeremy Bentham, Athlone Press, 1959-1982; Clarendon Press, depuis 1982; environ 70 volumes prévus.
Jeremy Bentham’s Economic Writings, W. Stark, George Allen & Unwin, 3 vol., 1952-1954.
A Bentham Reader, Mary Peter Mack, Pegasus, 1969.
Le panoptique, Belfond, 1977.
Có thể truy cấp nhiều tác phẩm của Bentham trên trang web của đại học Université du Québec à Chicoutimi (Uqac) theo đường dẫn: http://classiques.uqac.ca./classiques/
Những tác phẩm viết về Bentham
Jeremy Bentham. Vie, œuvres, concepts, Christophe Chauvet, Ellipses, 2010.
Bentham. Philosophe de l’utilité, Jean-Pierre Cléo, Ellipses, 2006.
Jeremy Bentham, un “Newton de la morale”, Annie Cot, trong Nouvelle histoire de la pensée économique. Des scolastiques aux classiques, Alain Béraud et Gilbert Faccarello (chủ biên), La Découverte, vol. 1, 1993.
La formation du radicalisme philosophique, Eli Halevy, PUF, 3 vol., 1995 (1re édition en 1901-1904).
Jeremy Bentham, les artifices du capitalisme, Christian Laval, PUF, 2003.
Bentham et l’économie. Une affaire d’utilité, Nathalie Sigot, Economica, 2001.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “JeremyBentham, fondateur de l'utilitarisme” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF