27.8.15

Sự đa nguyên của suy tưởng kinh tế là một tất yếu dân chủ



André Orléan, Chủ tịch AFEP, Giám đốc nghiên cứu CNRS

Sự đa nguyên của suy tưởng kinh tế là một tất yếu dân chủ

Sự đa nguyên của các ý tưởng kinh tế đang chết dần trong đại học. Và sau đó trong cuộc tranh luận công cộng và dân chủ. Vì sao ra đến nông nỗi này? Làm thế nào chấn chỉnh lại? Vào lúc mà Hội kinh tế học chính trị Pháp (AFEP) công bố một tuyên ngôn về sự đa nguyên, André Orléan, chủ tịch AFEP trả lời phỏng vấn của AlterecoPlus.
Vì sao ông nói rằng sự đa nguyên trong tranh luận kinh tế đang chết dần ở Pháp?
Có thể thấy điều này qua việc ngày càng có ít nhà kinh tế phi chính thống trúng tuyển giáo sư đại học. Trong mười năm qua, tỉ số này rơi từ 10% xuống còn 5 % trong tổng số tuyển chọn. Ngày càng có ít nhà kinh tế phi chính thống được chọn làm giáo sư. Đây là sự kiện đã được chứng minh về mặt thống kê và không ai bác bỏ. Từ đó ta thấy là các master và ê-kíp nghiên cứu gặp khó khăn lớn để tìm những người thay thế cho làn sóng hiện nay của các nhà kinh tế phi chính thống đến tuổi về hưu.
Ở cấp độ tranh luận kinh tế ở Pháp, ta có gặp lại hiện tượng thiếu sự đa nguyên này không?
Chắc chắn là có. Đại học và các trung tâm nghiên cứu là những nơi hình thành suy tưởng kinh tế. Khi một tư duy độc tôn ngự trị tại các nơi ấy trong nhiều năm thì tiếp đó điều này không thể không lan truyền sang toàn bộ cuộc tranh luận công cộng. Cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 là ví dụ hiển nhiên nhất: trước cuộc khủng hoảng này, khó mà tìm ra được một biểu hiện mạnh mẽ về sự bất đồng với ý tưởng cho rằng việc tự do hóa các thị trường tài chính là một điều tốt! Đương nhiên có một hình thức đa dạng trong cuộc tranh luận nhưng nó bị khuôn trong những giới hạn chật hẹp không còn chỗ cho những quan điểm khác nhau thật sự.
Cuộc tranh luận đã có thể là phong phú hơn, như nó đã từng là thế trong quá khứ: với Veblen, Keynes, Schumpeter, Perroux, v.v., thế kỉ XX mang dấu ấn của những cuộc tranh luận kinh tế sâu sắc, về chính sách kinh tế cũng như về bản chất của tiền tệ, giá trị, các cơ sở của chủ nghĩa tư bản, v.v. Ngày nay, tất cả những điều đó không còn nữa.
Điều gì giải thích sự suy tàn của tính đa nguyên?
Một trong những nguyên nhân chính là việc chọn các giáo sư kinh tế bằng cuộc thi tuyển agrégation: những lựa chọn bị chệch qua nhiều cuộc thi tuyển liên tiếp đã góp phần thiết lập một đa số cực đoan của một tư tưởng độc tôn, đặt cơ sở duy nhất trên tư tưởng tân cổ điển. Ngày nay nếu cuộc thi agrégation đang trở thành lỗi thời thì điều đó cũng không làm suy giảm việc đóng khung tư tưởng, nay là kết quả của việc đánh giá các nhà kinh tế trong đại học thông qua các tạp chí. Nguyên tắc là như sau: giá trị của một bài viết phụ thuộc vào giá trị của tạp chí đăng tải nó và các tạp chí được xếp hạng tùy theo sự phù hợp của các tạp chí với hệ ý thống trị!
Ngày nay, công bố bài trong một tạp chí được xếp hạng tốt là tất cả công việc hàn lâm: đó không hẳn là một phương tiện để thúc đẩy sự tiến triển của tri thức mà đúng hơn là một cứu cánh tự tại, đi kèm với tiền thưởng và một sự thăng tiến nhanh chóng và chắc chắn. Đầu tư vào một công trình dài hơi dưới dạng một cuốn sách hoàn toàn không được đánh giá cao và thậm chí có thể gây thiệt thòi cho bản thân. Tất nhiên, đối với những ai không nhận thấy chỗ của mình trong các tạp chí thuộc loại đầu bảng xếp hạng, tất cả các tạp chí này đều dùng tiếng Anh và theo quan điểm tân cổ điển, thì tình hình trở thành bế tắc vì ngay cả trước khi hội đồng xét duyệt họp, họ tự biết là mình không có cửa, bất luận chất lượng nội tại của các công trình của mình. Dù muốn dù không, phương thức đánh giá này dẫn đến việc xác định một khoa học chính thức.
Chúng tôi đòi hỏi phải chấm dứt phương thức trên vốn, mặt khác, hoàn toàn phi lí vì ngay cả những tạp chí tốt vẫn có thể có những bài không đáng quan tâm. Chúng tôi đòi hỏi là các bài viết phải được đánh giá chỉ trên nội dung của chúng! Đương nhiên điều này giả định là phải đọc các bài chứ không chỉ đơn giản đếm chúng!
Các nhà phi chính thống há chẳng phải chịu một phần trách nhiệm trước tình hình hiện nay do đã không đủ nỗ lực để tự tổ chức lại?
Chắc chắn là có, chúng tôi đã có thể làm tốt hơn. Nhưng nước Pháp không phải là một trường hợp riêng biệt. Phải đợi đến cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính thì các xã hội chúng ta (xã hội tây phương – ND) mới ý thức những nguy cơ của một tư tưởng kinh tế quá đồng thuận. Trong tất cả các nước, tư tưởng kinh tế hầu như đã biến mất để tìm nơi trú ẩn trong các phân khoa thuộc những bộ môn khác, như khoa học chính trị, xã hội học kinh tế, quan hệ quốc tế, v.v. Trong trường hợp của Pháp, còn có thêm một tổ chức hành chính cực kì tập quyền được tư tưởng đa số dựa trên đó để kiểm soát các sáng kiến của thiểu số nhằm củng cố độc quyền của nó.
AFEP có đề xuất gì để tìm lại sự đa nguyên?
Cần hiểu rõ tình thế là cấp bách: chúng ta đang ở giai đoạn cuối trước khi sự đa nguyên hoàn toàn biến mất. Ngày nay, việc chọn các giáo sư được tiến hành sau một quá trình đánh giá các phó giáo sư thông qua ban kinh tế của Hội đồng quốc gia các đại học (CNU). Đối mặt với một sự tuyển chọn lệch lạc, chúng tôi yêu cầu thành lập một ban mới của CNU, một ban tuyển chọn mới cởi mở với các cách tiếp cận khác nhau. Ban này sẽ công nhận giá trị của việc suy tưởng về các cuộc tranh luận kinh tế lớn, tạo điều kiện cho những gì cho phép tra vấn kinh tế học – khoa học luận, lịch sử tư tưởng kinh tế – cũng như sự hội tụ với các khoa học xã hội khác.
Các thành viên hiện nay của CNU nói với chúng tôi là họ sẽ cố gắng và dường như là năm nay, số ứng viên phi chính thống được công nhận chức danh giáo sư có tăng chút ít. Nhưng điều này vẫn còn bấp bênh. Ngày nào việc xác định tài năng còn được đồng nhất với chỉ các tiêu chí tân cổ điển không thôi thì chúng tôi chỉ còn dựa vào thiện ý của các nhà kinh tế thống trị!
Philippe Aghion (1956-)
Giải pháp chúng tôi đề xuất, lập một ban mới có tên là “Kinh tế và xã hội”, là phải chăng: Bộ tài chính đã ước lượng là việc thành lập này không làm cho ngân sách phải tốn kém gì cả. 300 nhà kinh tế đã kí tên sẵn sàng gia nhập ban mới, và chúng tôi đề nghị thử nghiệm ban trong bốn năm. Đó không phải là một cuộc cách mạng; đây là một “cú sốc cạnh tranh”, nói như các nhà kinh tế, một sự đổi mới mà các nhà kinh tế thống trị cũng hưởng lợi, do bị cung cạnh tranh của chúng tôi kích thích.
Giải pháp này đã được Bộ giáo dục chấp thuận vào cuối năm 2014. Nhưng cuối cùng, dưới áp lực của các nhà kinh tế Philippe Aghion và Jean Tirole, chính phủ đã thoái lui. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Tôi không hiểu thái độ của Jean Tirole. Bằng hành động trên ông hành xử như một người bảo vệ CNU, trong lúc với tư cách là nhà lãnh đạo Toulouse School of Economics, ông lấy cảm hứng từ một phương thức tuyển dụng theo kiểu Mĩ, trên cơ sở một thị trường lao động mở. Tôi e rằng cách làm này chỉ nhằm che chở một khoa học được bình định hóa và bảo vệ sự độc quyền của nó.
Geneviève Fioraso (1954-)
Nhưng điều đáng quan ngại hơn là Geneviève Fioraso (bà thứ trưởng đặc trách đại học và nghiên cứu - ND) đã không bảo vệ nghị định của mình. Người ta có thể chờ đợi từ một chính phủ thuộc phe tả một sự khoan dung rộng hơn đối với những nhà kinh tế chỉ đòi hỏi đơn giản là mở ra cho họ một không gian biểu đạt mới trong bốn năm để thử nghiệm.
Bộ cho biết là tạm hoãn quyết định của mình. Ông chờ đợi gì cho những tháng sắp tới?
Chúng tôi nghĩ rằng đề án chúng tôi đã chín muồi và thực tế. Do chính phủ đang do dự, chúng tôi phải chứng minh rằng diễn tiến là tất yếu và được rộng rãi công chúng ủng hộ. Chính vì thế chúng tôi công bố một tuyên ngôn và kêu gọi những ai mong muốn kí tên vào nhằm chứng minh rằng có một yêu sách mạnh mẽ mà chính phủ phải đáp ứng trong những tuần tới.
Tất cả những điều trên phải chăng chỉ là một trận chiến cục bộ, vô ý nghĩa giữa các nhà kinh tế?
Để cho sự đa dạng của suy tưởng kinh tế tồn tại là một tất yếu dân chủ. Nhân dân tự chủ tuyệt đối cần có những quan điểm đa chiều cho phép soi sáng các lựa chọn của mình, với ý thức đầy đủ.
Christian Chavagneux phỏng vấn André Orléan
Nguyễn Đôn Phước dịch
Print Friendly and PDF