23.8.15

Thư của Hội kinh tế học chính trị Pháp (AFEP) gởi Jean Tirole



André Orléan

Thư của Hội kinh tế học chính trị Pháp (AFEP) gởi Jean Tirole

Thưa ông,
Bản tin của thông tấn xã AFP ngày thứ năm 23 tháng giêng đề cập đến một lá thư ông gởi cho Bộ giáo dục quốc gia. Người ta cho rằng lá thư này đã có vai trò trong việc Bộ rút lại ý định thành lập một ban mới về kinh tế học.
Chúng tôi thấy cần phải trả lời vì những nhận định của ông minh họa cho những động cơ thúc đẩy chúng tôi mong muốn rời ban “các khoa học kinh tế” để tham gia vào một ban mới “Kinh tế học và xã hội”, rộng mở và liên ngành. Trên điểm này, ông nêu khả năng có “một tai họa cho tầm nhìn rõ và tương lai của nghiên cứu kinh tế trong đất nước chúng ta”. Ông viết rằng dự án này “khuyến khích tương đối luận về tri thức, một bước đệm chuẩn bị cho chính sách ngu dân”.
Ông viết rằng “những phê phán […] về sự thiếu tính liên ngành, tính khoa học và lợi ích xã hội của kinh tế học hiện đại là không có cơ sở” và thêm rằng khi tính đến các công trình của ông có cầu viện đến tâm lí học, ông xứng đáng là “thành viên của ban mới này”. Dường như ông không muốn nhân bội các tiêu chí đánh giá những nhà kinh tế trẻ và cho rằng điều “tối cần thiết là chất lượng nghiên cứu phải được đánh giá trên cơ sở của những bài được công bố” trên các tạp chí khoa học lớn, đặc biệt là các tạp chí Mĩ.
Nói ngắn gọn, ông nghĩ rằng chỉ có một cách thực hành khoa học kinh tế. Theo cách nhìn nhất nguyên này về khoa học, sự đa dạng của các quan điểm tạo điều kiện dễ dàng cho tương đối luận và đe dọa tài năng.
Jean Tirole (1953-)
Không, thưa ông Tirole, sự đa dạng tri thức không phải là căn nguyên của sự ngu dân và của tương đối luận mà là cội nguồn của những đổi mới và phát minh. Khoa học phát triển trước tiên ở bên lề, do những thiểu số mạo hiểm thúc đẩy mà công trạng thường chỉ được công nhận rất muộn sau này: Gauss ngại trình bày những tiền đề của hình học phi Euclide của ông đến độ phải chờ nhiều thập kỉ trước khi công bố. Riemann và Helmholtz bị Dühring, người được những đa số có ảnh hưởng trao nhiều giải thưởng danh giá, phỉ báng hai mươi năm sau những công trình cơ bản của Reimann về hình học vi phân. Hình học những hệ phi tuyến của Poincaré đã không được biết đến trong sáu mươi năm cho đến khi những lí thuyết về hỗn độn tất định đưa nó trở lại hàng đầu của những mối quan tâm[1]. Ở đây không chỉ là một sự được mất về mặt khoa học mà còn là một sự được mất cơ bản cho nền dân chủ: vì dân chủ, kể cả bên trong đại học, dựa trên sự cai quản của đa số nhưng cũng dựa trên những thể chế đa nguyên bảo đảm cho những tiếng nói thiểu số được quyền phát biểu, khai phá những đường hướng mới, nuôi dưỡng các cuộc tranh luận và thuyết phục.
Trong ban “Các khoa học kinh tế” hiện nay, không còn những thể chế đa nguyên nữa. Tất nhiên, ông sẽ giải thích cho chúng tôi rằng kinh tế học mainstream như nó đang phát triển tốt ngày nay không phải là một khối thống nhất, và trên điểm này ông có lí, do quả thật là kinh tế học này gồm nhiều chủng loại có hình dáng, môi trường sống và phả hệ khác nhau. Nhưng điều đó cũng như thể là sự đa dạng sinh học trong loại động vật có vú quy về họ lớn mạnh những con thú loại mèo, gây sự diệt vong của loại có vú kinh tế với lí do rằng tiếng nói và nanh vuốt của chúng không mạnh bằng. Sự đa dạng sinh học này là quá nghèo nàn cho sức sống của hệ sinh thái.
Chúng ta, những nhà khoa học, đều cần một cách mãnh liệt được đánh giá, nhưng chính ngay tính chất của sự đánh giá không được dẫn đến một sự đồng phục hóa khoa học mang tính cận huyết thống. Vì những công trình sáng tạo nhất gây sốc cho những lề thói hiện hành và khó tìm được chỗ đứng trong các tạp chí ổn định nhất. Bằng cách chuẩn hóa sự đánh giá, áp đặt những mục tiêu, thước đo và do đó nội dung giống nhau, chúng ta tiêu diệt những biến thái và đổi mới vẽ nên các con đường tiến hóa của việc sản xuất những tri thức khoa học. Chúng ta kềm hãm một cách võ đoán những lai ghép cần thiết với những bộ môn khác vốn vận hành theo những mô hình khác.
Carl F. Gauss (1777-1855)
Chúng tôi, những thành viên của AFEP, có công bố trong các tạp chí quốc tế (kể cả trong nghĩa hẹp là các tạp chí Mĩ). Nhưng các tạp chí này, vì công bố các công trình theo những cách làm khác, bị liệt ra ngoài lề những “bảng xếp hạng” (“ranking”) hiện hành trong kinh tế học. Điều này không phải bao giờ cũng xảy ra trong quá khứ. Có một thời tạp chí American Economic Review hay Quarterly Journal of Economic, đón nhận những tác giả thuộc nhiều trào lưu khác nhau. Thời đó nay đã qua. Nhiều nghiên cứu thư trắc học (bibliométrique) về hoạt động của bộ môn kinh tế làm rõ sự vận hành của các tạp chí kinh tế lớn và chứng thực rằng các cuộc tranh luận đã tắt lịm trên các tạp chí này[2]. Sự khác biệt đặc biệt quan trọng và đáng chú ý so với những tạp chí quốc tế tương đương trong các ngành khoa học xã hội khác là các tạp chí kinh tế công bố một tỉ lệ lớn công trình của những tác giả xuất thân từ những đại học liên kết với các tạp chí này và được đặc trưng bằng tỉ lệ trích dẫn thấp những công trình của các khoa học xã hội khác. Dưới chiêu bài vì sự hoàn hảo và ưu việt, chúng tôi đối mặt với những mạng hẹp hòi và khép kín tự trích dẫn lẫn nhau. Kinh tế học mainstream tự kỉ đến độ không trích dẫn các trào lưu khác. Ngược lại, các trào lưu đa nguyên của kinh tế học chính trị trích dẫn các công trình bắt nguồn từ các khoa học xã hội khác và từ những cách tiếp cận lí thuyết khác nhau, kể cả cách tiếp cận của ông, thưa ông Tirole. Do các tạp chí được xếp hạng theo số những bài được trích dẫn và do các thiểu số không đông bằng các nhóm thống trị nên các tạp chí hẹp hòi, một cách máy móc, được trích dẫn nhiều hơn là các tạp chí đa nguyên. Xin đừng nhầm lẫn hẹp hòi và chất lượng.
Tin chắc vào tính ưu việt của mình, các nhà kinh tế thống trị tranh nhau tỏ ra ngạo mạn. Điều thường xảy ra là những gì họ gọi là liên ngành chỉ là chủ nghĩa đế quốc đối với các bộ môn khác: họ khinh mạn đáp trả bằng những công thức sáo mòn trong những lĩnh vực do các bộ môn khác nghiên cứu, và như thế áp đặt mô hình thông thường của họ trên bất kì đối tượng nào và ít quan tâm đến các bộ môn khác nói những gì. Tất nhiên, việc mở rộng vốn trí thức này cho phép có được những công bố chuẩn hóa ở quy mô công nghiệp nhưng có tương ứng chăng với một sự trao đổi đích thực và sáng tạo? Về phần mình, chúng tôi mong muốn thực hành một sự liên ngành rộng lượng, đặt cơ sở trên việc có qua có lại lẫn sự hiểu biết và công nhận lẫn nhau. Tính liên ngành này nghiêm ngặt, nó đòi hỏi những nỗ lực lâu dài làm chủ tư tưởng và phương pháp của tha nhân nhưng lại giàu tính đổi mới.
Hãy tránh việc chuẩn hóa tư tưởng trong kinh tế học bằng việc áp đặt những tiêu chí hẹp hòi, một thước đo đơn điệu, ngăn cản mọi biến điệu so với chuẩn. Vì nếu không có sự đa dạng thì dân chủ cũng như khoa học sẽ tàn lụi. Tìm ở đâu, trong những năm trước 2007-2008, những phân tích thấy trước những cơ chế của cuộc khủng hoảng tài chính này? Những phân tích ấy không được đăng trong các tạp chí “chất lượng” nhưng trong những cuốn sách và tạp chí thiểu số, thậm chí trong các blog. Chúng do những nhà kinh tế thiểu số hay những nhà nghiên cứu thuộc các ngành khác viết. Thế đâu là ánh sáng và đâu là ngu dân?
Ngày nay bộ môn kinh tế học bị khóa trong một quỹ đạo không tối ưu. Phải mở ra cho kinh tế học những viễn cảnh mới và cung cấp cho các đồng nghiệp cũng như cho sinh viên chúng ta bản thực đơn đa dạng mà họ khẩn thiết yêu cầu. Ban mới sẽ mở ra một không gian tự do thực nghiệm, khiêm tốn, nhưng đòi hỏi cao. Nó không tước đi của các trào lưu thống trị điều gì cả, ngoại trừ sự độc quyền của họ trên kinh tế học. Đã đến lúc thổi một luồng gió mới vào vương quốc của các nhà kinh tế: thế thì hãy thử nghiệm và đổi mới!
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Lettre ouverte à Jean Tirole”, AFEP, 29 janvier 2015
------
Những bài có liên quan trên PTKT:
Công an tư tưởng kinh tế ở đại học
Ưu thế của các nhà kinh tế học




[1] Longo G. (2014), “Science, Problem Solving and Bibliometrics”, Invited Lecture, Academia Europaea Conference on “Use and Abuse of Bibliometrics”, Stockholm, May 2013. Proceedings, Wim Blockmans et al. (eds), Portland Press, 2014. ISIPE (2014), “Pour une économie pluraliste : l’appel mondial des étudiants”, Le Monde, 5 mai 2014 (bản tiếng Việt ở ở đây).

[2] Đặc biệt, xem Fourcade M., Ollier E., Algan Y. (2014), “The Superiority of Economists”, MaxPo Discussion Paper 14/3, Max Planck Sciences Po Center on Coping with Instability in Market Societies, Nov. 2014, Francis J. (2014), “The Rise and Fall of Debate in Economics. New data illustrate the extent to which economists have stopped discussing each other’s work”, Joe Francis’ Blog, Aug. 29 và Lee F. S. (2007), “The Research Assessment Exercise, the state and the dominance of mainstream economics in British universities”,Cambridge Journal of Economics, 31, 309–325.

Print Friendly and PDF