16.9.15

Thông tin không đối xứng



Thông tin không đối xứng

Asymmetrical Information
® Giải Nobel: MIRRLEES, 1996
Thuật ngữ thông tin không đối xứng chỉ những tình thế trong đó tất cả các tác nhân kinh tế không có cùng một thông tin về những biến được tất cả quan tâm. Có hai loại thông tin không đối xứng. Khi thông tin liên quan đến một tham số ngoại sinh thì được gọi là thông tin bị che khuất và người ta gọi bằng lựa chọn nghịch những cơ chế kinh tế sinh ra từ tình thế không đối xứng này. Ngược lại, nếu đó là hành vi của một tác nhân không được (các) tác nhân khác quan sát thì người ta nói đến hành động bị che giấu và những cơ chế kinh tế tương ứng với trường hợp này được gọi là rủi ro đạo đức.
Một vài ví dụ sẽ minh hoạ những khái niệm trên. 1) Bảo hiểm: có thông tin bị che khuất khi người được bảo hiểm biết những rủi ro mình phải gánh chịu tốt hơn là người bảo hiểm (ví dụ giá trị thật sự của những sản phẩm được bảo hiểm mất trộm cắp), nhưng hành vi ít nhiều thận trọng của người được bảo hiểm thường là một hành động bị che giấu. 2) Hợp đồng lao động và những quan hệ uỷ quyền khác: lãnh đạo doanh nghiệp có thể chỉ biết một cách không hoàn hảo khả năng của một người được tuyển dụng, những khả năng này tương ứng với những thông tin bị che khuất, nhưng đóng góp của một người làm công ăn lương cũng còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình lao động của người này, nhiệt tình này trong một chừng mực nhất định là một hành động bị che giấu. Quan hệ ủy quyền kết nối người làm công ăn lương với người làm công ăn lương với người sử dụng lao động có cùng một cấu trúc logic với cấu trúc logic, ví dụ, giữa một luật sư và thân chủ của luật sư này hay giữa một tổng giám đốc công ti và hội đồng quản trị công ti. Luật sư, bằng cách phân tích hồ sơ được giao, hiểu được những khó khăn để đạt được một kết cục thuận lợi của phiên toà, nhưng kết quả còn tuỳ thuộc vào những nỗ lực luật sư bỏ ra để bảo vệ thân chủ của mình. Tổng giám đốc có được những thông tin ưu tiên về viễn cảnh của công ti mà các cổ đông chỉ có được một cách gián tiếp, nhưng hội đồng quản trị công ti không biết được một số hành động của tổng giám đốc. 3) Tín dụng: nếu rủi ro mất khả năng thanh toán của một người đi vay là một đặc điểm nội tại của dự án được tài trợ bằng vốn vay ngân hàng thì ta đứng trước một thông tin bị che khuất, nhưng thực hiện những thương vụ rủi ro quá đáng mà ngân hàng không kiểm soát được là một hành động bị che giấu. 4) Quan hệ Nhà nước-doanh nghiệp: cũng có sự phân biệt này khi cấu trúc chi phí của một doanh nghiệp dịch vụ công cộng hay những nỗ lực quản lí của doanh nghiệp này không được biết đến một cách hoàn hảo.

Lựa chọn nghịch

George Akerlof (1940-)
Akerlof (1970) hình dung trường hợp một thị trường xe ôtô đã qua sử dụng mà chất lượng không được người mua biết đến một cách hoàn toàn. Duy chỉ người bán biết được chất lượng của những chiếc xe của mình, và chất lượng là một thông tin bị che khuất. Giá cân bằng làm cung và cầu bằng nhau khi người mua dự kiến chính xác chất lượng trung bình của những chiếc xe được chào mời trên thị trường. Một cân bằng như thế thường là không tối ưu theo nghĩa của Pareto, vì có những giao dịch có lợi cho các bên mà không được thực hiện. Quả thế, các chủ xe chất lượng tốt có thể cho rằng giá là không đủ hấp dẫn và không thích bán. Chất lượng trung bình của những chiếc xe được chào mời như thế là tương đối thấp và, khi tính đến những dự kiến của người mua thì điều này dẫn đến một giá cân bằng quả thật là thấp. Nếu người mua có thể quan sát được chất lượng của các xe thì những xe chất lượng tốt sẽ được mua ở một giá cao hơn vừa thuận cho người mua lẫn người bán. Akerlof cũng cho thấy là tính không hữu hiệu này đôi lúc có dạng cực đoan là đóng cửa thị trường trên đấy không có giao dịch nào được thực hiện.
Thành ngữ lựa chọn nghịch tìm được ở đây sự biện minh cho nó, vì chính những chủ xe chất lượng cao bị thải ra khỏi thị trường. Tương tự như thế, nếu các nhà bảo hiểm không thể phân biệt những khách hàng có rủi ro cao với những khách hàng có rủi ro thấp thì họ sẽ đề nghị những hợp đồng giống nhau cho khách hàng. Đối với những khách hàng có rủi ro thấp thì những hợp đồng này là tốn kém hơn trường hợp tình thế có thông tin hoàn hảo, và điều này khiến họ giảm cầu bảo hiểm của mình.
Trước thông tin bị che khuất, phải phân biệt hai loại mô hình hoá: những cơ chế tự lựa chọn và những cơ chế tín hiệu. Có sự tự lựa chọn khi những tác nhân không có thông tin đề nghị một thoả thuận hợp đồng cho các tác nhân có thông tin. Đặc biệt hơn, người ta gọi bằng mô hình người uỷ quyền-người đại diện việc phân tích quan hệ tay đôi giữa bên có thông tin (người uỷ quyền), bên này đề nghị cho bên không có thông tin (người đại diện) chấp nhận hay không hợp đồng. Những cơ chế tín hiệu qui chiếu về những tình thế trong đó chính hành vi của bên có thông tin đưa đến việc bộc lộ thông tin bị che khuất.
Andrew Weiss (1947-)
Trước hết ta hãy hình dung những cơ chế tự lựa chọn. Như mô hình Akerlof cho thấy, khi có thông tin bị che khuất, giá phổ biến trên một thị trường dẫn các tác nhân đến việc tự lựa chọn. Trong một số trường hợp, có thể là có lợi hơn khi giữ cho giá một sự cứng nhắc nhất định để không bị thiệt vì những hiệu ứng lựa chọn nghịch. Như thế Stiglitz và Weiss hình dung một tình thế trong đó các doanh nghiệp tài trợ cho một dự án đầu tư bằng tín dụng ngân hàng có một thông tin riêng về rủi ro mất khả năng thanh toán của bản thân. Do điều khoản trách nhiệm giới hạn của hợp đồng nợ nên những doanh nghiệp này, dù là bàng quan đối với rủi ro, ứng xử như thể họ thích rủi ro tác động đến lưu lượng tiền mặt tương lai của mình: gia tăng của lãi suất trước hết làm nản lòng những người đi vay ít rủi ro nhất và do đó làm tăng rủi ro trung bình. Do đó một gia tăng như thế có hai tác động trái ngược nhau đối với các ngân hàng: một mặt nó làm tăng lợi nhuận ngân hàng gắn với các nhà đầu tư không mất khả năng thanh toán nhưng mặt khác, nó làm cho rủi ro của tổng thể những người yêu cầu tín dụng cao hơn. Hiệu ứng lựa chọn nghịch này có thể khống chế hiệu ứng đầu và dẫn đến một sự cứng nhắc của lãi suất và đưa đến việc hạn mức tín dụng.
Logic này cũng vận hành trong mô hình lương hiệu quả của Weiss (1980): các doanh nghiệp tuyển dụng những nhân viên mà biết một cách không hoàn hảo khả năng của họ. Nếu năng suất của một cá thể có mối tương quan dương (cùng chiều) với lương bảo lưu của cá nhân này thì, trong tình thế thất nghiệp không tự nguyện, không giảm tỉ suất lương đề nghị để tránh làm xấu đi chất lượng trung bình của các cá nhân được tuyển dụng là một điều biện minh được.
Joseph Stiglitz (1943-)
Rothschild và Stiglitz (1976) đã nghiên cứu trường hợp một thị trường bảo hiểm trong đó các nhà bảo hiểm cạnh tranh với nhau bằng hợp đồng. Người mua bảo hiểm có thể thuộc về hai kiểu (rủi ro cao và rủi ro thấp) nhưng điều này vẫn là một thông tin riêng của người mua bảo hiểm. Ở thế cân bằng, người được bảo hiểm có rủi ro cao mua một bảo hiểm toàn diện (giống với bảo hiểm người này được đề nghị trong tình thế với thông tin đối xứng) trong lúc những người có rủi ro thấp chỉ mua một bảo hiểm bộ phận (có thể tương ứng với mức miễn thường). Do đó chính những người có rủi ro thấp bị thiệt do thông tin không đối xứng. Rothschild và Stiglitz cũng chứng minh rằng có thể không có cân bằng nếu tỉ lệ những người có rủi ro cao là nhỏ.
Michael Rothschild (1942-)
Bây giờ ta xét đến những cơ chế tín hiệu. Những cơ chế này được Spence (1973) đưa vào nhân nghiên cứu cầu giáo dục. Người sử dụng lao động có thể suy ra một thông tin về khả năng của các ứng viên để được tuyển dụng bằng cách quan sát những lựa chọn đào tạo. Đặc biệt là nếu những cá nhân có những khả năng khác nhau lựa chọn những đào tạo khác nhau thì những lựa chọn này bộc lộ hoàn toàn thông tin bị che khuất về khả năng của họ (trường hợp này được gọi bằng cân bằng tách biệt). Để một tình thế như vậy là có thể hình dung được thì những cá nhân có khả năng cao phải có thể có được đào tạo với một chi phí đơn vị thấp hơn chi phí đơn vị mà những cá nhân có khả năng thấp hơn phải gánh chịu. Như thế có thể có những tình thế trong đó một cá nhân có khả năng thấp chọn một mức đào tạo thấp hơn mức đào tạo của một cá nhân có khả năng cao hơn, cho dù bằng cách bắt chước lựa chọn của cá nhân này, cá nhân có khả năng thấp hơn có thể đánh lừa người sử dụng lao động và hưởng được một lương cao hơn.
Michael Spence (1943-)
Logic của những mô hình tín hiệu đã được áp dụng vào kinh tế học công nghiệp để giải thích bằng cách nào những điều kiện bảo hành có thể chỉ báo độ tin cậy của những sản phẩm, để tính đến những rào cản nhập ngành khi người gia nhập tiềm tàng có thông tin không hoàn hảo về chi phí của doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường hay để giải thích vì sao quyền lợi của các doanh nghiệp là nên quảng cáo không có tính thông tin khi người mua không quan sát được một cách hoàn toàn những sản phẩm được mua liên tiếp. Những mô hình tín hiệu cũng có một vai trò quan trọng trong tài chính doanh nghiệp khi trình bày việc lựa chọn những cấu trúc tài trợ hay những chính sách cổ tức trong những bối cảnh mà những người đầu tư được thông tin kém hơn các nhà lãnh đạo công ti về những triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Rủi ro đạo đức

Bengt R. Holmström (1949-)
Sự tồn tại của những hành động bị che giấu đưa đến việc đánh đổi giữa hai mục tiêu thường là mâu thuẫn nhau: một mặt là phân chia rủi ro và mặt khác là động viên nỗ lực. Đánh đổi này hiện ra một cách hiển nhiên nhất trong quan hệ bảo hiểm: nếu xác suất tai nạn tuỳ thuộc vào sự thận trọng của người mua bảo hiểm thì một bảo hiểm toàn diện sẽ dẫn đến một nỗ lực tối thiểu và làm tăng khả năng tổn thất. Một hợp đồng bảo hiểm tối ưu thực hiện việc đánh đổi giữa việc chia sẻ rủi ro và động viên nỗ lực và cung cấp một bảo hiểm bộ phận, ví dụ dưới dạng miễn thường trong hợp đồng bảo hiểm ôtô hay dưới dạng miễn trả chi phí điều trị trong bảo hiểm y tế (Shavell, 1979). Ở đây, những cơ chế điểm bonus-malus hiện ra như một qui tắc thưởng-phạt nhằm khuyến khích người được bảo hiểm có hành vi ứng xử cần thiết. Như Holmström (1979) rồi Grossman và Hart (1983) đã chứng minh, việc đánh đổi này giữa chia sẻ rủi ro động viên nỗ lực tác động một cách cơ bản đến mọi quan hệ người uỷ quyền-người đại diện, một khi tác nhân là người ngại rủi ro.
David Shapiro (1946-)
Rủi ro đạo đức tác động đến hoạt động của các thị trường trong những bối cảnh đa dạng. Một ví dụ thứ nhất liên quan đến những thị trường trên đó chất lượng của sản phẩm chỉ được người mua quan sát được sau khi mua (sản phẩm thử nghiệm). Hành động bị che giấu liên quan đến những quyết định của các nhà sản xuất có thể tung ra thị trường những sản phẩm với chất lượng ít nhiều cao thấp. Trong trường hợp những mua sắm lặp lại, danh tiếng sản xuất có chất lượng là một tài sản mà một nhà sản xuất không làm hỏng chất lượng những sản phẩm của mình trong những thời kì trước được; nhưng danh tiếng này nhanh hay chậm, sẽ bị mất đi nếu doanh nghiệp hết còn tôn trọng mong mỏi của người tiêu dùng. Trong trường hợp đơn giản khi sự xuống cấp của một danh tiếng diễn ra chỉ trong một giai đoạn thì một doanh nghiệp được động viên để tôn trọng mức chất lượng được người tiêu dùng dự kiến nếu tổng hiện tại hoá của những lợi nhuận hiện nay và tương lai tương ứng với chiến lược chất lượng này, một chiến lược khiến khách hàng sẽ tiếp tục mua nữa, vượt quá thu hoạch tức thì mà doanh nghiệp có thể thu được bằng cách tung ra thị trường những sản phẩm mà chất lượng là thấp hơn chất lượng được chờ dợi, và điều này sẽ khiến người tiêu dùng rời bỏ doanh nghiệp này trong những giai đoạn sau. Ví dụ thứ hai là của Shapiro và Stiglitz (1984) được rút ra từ lí thuyết lương hiệu quả. Tình thế được hình dung là tình thế của một thị trường lao động trên đấy người sử dụng lao động quan sát một cách không hoàn hảo nỗ lực của người làm công ăn lương: nếu người làm công ăn lương không có nỗ lực được đòi hỏi thì sẽ bị phát hiện với một xác suất nhất định và bị sa thải. Để cho biện pháp này có tính răn đe thì tỉ suất thất nghiệp phải đủ cao, nếu không thì những cá thể bị sa thải sẽ tìm lại tức thì việc làm mới và việc mất việc làm sẽ không thật sự là có tính trừng phạt. Shapiro và Stiglitz chứng minh là tình thế này dẫn đến một lương thực tế cứng nhắc và một thất nghiệp không tự nguyện.
AKERLOF G.,  The Market for Lemons: Quality Uncertainty and the Market Mechanism, Quarterly Journal of Economics, 1970, 89, p. 488-500 GROSSMAN S & HART O., An Analysis of the Principal-Agent Problem, Econometrica, 1983, 1, p. 7-45; HOMSTRÖM B., Moral Hazard and Observability, The Bell Journal of Economics, 1979, 10, p. 74-92. KLEIN B. & LEFLER K., The Role of Market Forces in Assuring Contractual Performance, Journal of Political Economy, 1981, 81, p. 615-641. KREPS D., A Course in Microeconomic Theory, Princeton, Princeton University Press, 1990. LAFFONT J. J., Économie de lincertain et de linformation. Cours de théorie économique II, Paris, Économica, 1985. PICARD P., Wages and Unemployment. A Study in Non-Walrasian Macroeconomics, Cambridge, Cambridge University Press, 1993. ROTHSCHILD M. & STIGLITZ J., Equilibrium in Competitive Insurance Markets: An Essay of the Economics of Imperfect Competition, Quarterly Journal of Economics, 1976, 80, p. 629-649. SALANIE, B., Théorie des contrats, Paris, Économica, 1994. SHAPIRO C., Premiums for High Quality Products as Rents to Reputation, Quarterly Journal of Economics, 1983, 98, p. 659-680. SHAPIRO C. & STIGLITZ J., Equilibrium Unemployment as a Worker Discipline Device, American Economic Review, 1984, 74, p. 433-444.    SHAVELL S., On Moral Hazard and Insurance, Quarterly Journal of Economics, 1979, 11, p. 541-562. SPENCE M., Job Market Signaling, Quarterly Journal of Economics, 1973, 87, p. 355-374. STIGLITZ J. & WEISS A., Credit Rationing in Markets with Imperfect Information, American Economic Review, 1981, 71, p. 393-410. TIROLE J., The Theory of Industrial Organization, MIT Press, 1988, bản dịch tiếng Pháp Théorie de lorganisation industrielle, Paris, Économica, Économie et statistiques avancées, 2.t., 1995. WEISS A., Job Queues and Layoffs in Labor Market with Flexible Wage, Journal of Political Economy, 1980, 88, p. 526-536.
Pierre PICARD
Giáo sư đại học Nanterre (Paris 10), cựu thành viên Viện đại học Pháp (Nanterre)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Print Friendly and PDF