19.10.15

Vì sao Angus Deaton xứng đáng với giải Nobel về kinh tế học - Foreign Policy



Angus Deaton (1945-)
Vì sao Angus Deaton xứng đáng với giải Nobel về kinh tế học
Đối với các nhà kinh tế phát triển như tôi, Deaton là một nhà cách mạng và là một người nhìn xa trông rộng.
Mỗi năm, có một ngày thứ hai vào tháng Mười, khi thế giới thức dậy để chào đón người đoạt giải Nobel mới nhất về kinh tế học và đồng thanh tự hỏi: "Ai vậy?"
Ngay cả những nhà kinh tế như tôi thường phải nhanh chóng hình dung ai là (những) người đoạt giải và những gì họ đã làm, biết rằng mẹ tôi hay một người hàng xóm sẽ kì vọng rằng tôi sẽ có một câu trả lời thông minh tại một số thời điểm trong tuần này. Đối với tôi, ít nhất, năm nay khác hơn đa số các năm trước, khi mà người đoạt giải, Angus Deaton của Đại học Princeton, là một người xuất chúng trong lĩnh vực phát triển quốc tế của tôi. Đây là một giải thưởng vì những tiến bộ trong hiểu biết của chúng ta về nghèo đói và bất bình đẳng. Đó là điều không thể xứng đáng hơn.
Tôi chưa bao giờ gặp Deaton trực tiếp trước đây một vài tuần, khi ông trình bày một báo cáo tại một hội thảo nhỏ về kinh tế học phát triển tại Đại học Columbia, nơi tôi làm việc. (Khi nhìn lại, đó cũng có thể là buổi nói chuyện học thuật bình thường, thân mật và cuối cùng của ông. Mãi mãi.) Nhưng giống như nhiều nhà kinh tế phát triển, tôi có thể chỉ ra không dưới một lần trong sự nghiệp của tôi rằng tư tưởng của Deaton có một tầm ảnh hưởng rất lớn. Từ kinh nghiệm cá nhân, có ba lần nổi bật, và tất cả đều giúp minh họa cho những công trình đã đưa ông đến giải Nobel.
Lần thứ nhất cách đây gần 15 năm. Tôi là một nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Harvard, quan tâm đến lịch sử kinh tế nhiều hơn bất cứ điều gì khác, khi giáo sư kinh trắc học của tôi, Rob Jensen, thuê tôi tiến hành một cuộc điều tra các hộ gia đình ở Ấn Độ vào học kỳ hè - một bảng câu hỏi về công việc, thu nhập, y tế, giáo dục, và những loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng của mỗi thành viên trong gia đình. Tôi không hề biết tí gì về các điều tra về hộ gia đình, và vì vậy tôi đã mua một vài cuốn sách để mang theo nghiên cứu.
Một cuốn là Analysis of Household Surveys (Phân tích các cuộc điều tra về hộ gia đình) của Deaton, một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật về phân tích các dữ liệu về nghèo khó. Cuốn kia là một bộ sách giáo khoa gồm 3 tập về Designing Household Surveys (Thiết kế các cuộc điều tra về hộ gia đình) của Deaton, đồng tác giả với Margaret Grosh, nặng khoảng 9 kg trên thực tế (và 20 theo trí nhớ của tôi). Tôi cần đến một va li riêng để mang tất cả các cuốn sách trên theo tôi sang Ấn Độ. Chỉ khi đến nơi, tôi mới nhận ra rằng Tập 1 có một CD ở trang cuối với đầy đủ nội dung của cuốn sách. Mặc dù vậy, bản thân tôi không thể chấp nhận bỏ đi những cuốn sách quý báu này, và mang những cuốn sách nặng trĩu ấy đi bằng xe bò khắp đất nước trong suốt bốn tháng trời.
Các cuốn sách của Deaton chứa những mô hình đối với mọi thước đo về phúc lợi kinh tế mà giới học thuật có được. Vào thời đó, tôi cho đó là điều nhiên, và chưa lần nào nghĩ đến mức độ khó khăn để phát minh ra chúng và làm cho mọi người sử dụng chúng.
Suresh Naidu
Khi đến văn phòng hôm nay, đồng nghiệp của tôi Suresh Naidu nói điều đó một cách tế nhị. Trước khi có những đánh giá về các chương trình chống nghèo đói, hay phân tích các xu hướng bất bình đẳng, hay thực sự đa số kinh tế học phát triển thực nghiệm, còn phải có một điều gì đó cơ bản hơn: vấn đề đo lường. Chúng ta phải biết cách thức để đánh giá nghèo đói, và chúng ta cần phải có những dữ liệu quy mô lớn để làm điều đó, để thách thức các giả định, và đưa ra những câu trả lời mới. Và hơn ai hết Deaton là người đã làm được điều này.
Deaton giúp mang lại cuộc cách mạng về dữ liệu và đo lường này bằng nhiều cách. Một là giúp thiết lập các mức chi tiêu và tiêu dùng một cách tốt nhất từ một tập những thước đo tệ nhất về nghèo đói. Khái niệm thu nhập hàng năm là hiệu quả trong một đất nước như Hoa Kỳ, khi mà hầu hết mọi người đều kiếm được một đồng lương ổn định từ một nguồn thu nhập, nhưng nó sẽ là điều vô nghĩa khi một hộ gia đình có hàng chục hoạt động nhỏ, thay đổi từng ngày, hầu hết những hoạt động đó tạo ra những thứ mà bản thân gia đình tiêu dùng. Những đóng góp khác là cho thấy bao nhiêu điều có thể rút ra từ những dữ liệu đơn giản ấy, và (thật ấn tượng) đo lường nó trong thực tế trong các cuộc điều tra đồ sộ về hộ gia đình - ở những nước mà chưa bao giờ có loại dữ liệu đó trước đây.
Ngày ngày chúng ta xem là điều dĩ nhiên rằng có những cuộc điều tra được lặp đi lặp lại về sức khỏe ở Uganda, hay những dữ liệu về tiêu dùng có được từ hàng chục năm qua ở Cote d'Ivoire. Nhưng có một thời gian cách đây không lâu, tất cả những điều này đã được nhận thức và phát minh. Hàng chục người và tổ chức quan trọng đẩy mạnh điều đó. Deaton là một trong những người đi đầu đó.
Hầu hết trong chúng ta cũng biết về Deaton qua một số đóng góp lớn khác. Trong trường hợp của tôi, đó là công trình của ông về giá cả hàng hóa và cách thức những biến động của các giá ấy gây khó khăn cho nền kinh tế của các nước phát triển vào những năm 1970 và 1980. Đây là cuộc gặp lần thứ hai của tôi với Deaton, khi tôi là một nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ nhất, tôi bắt đầu tự hỏi liệu những cú sốc đột ngột về giá dầu hay cà phê hay các hàng hóa khác có thể nào đưa một đất nước vào hỗn loạn chính trị hay không. Tất nhiên, Deaton đã đánh bại tôi trên điểm này.
Giá cà phê và dầu giảm đột ngột đã phá hủy các nước nghèo vào những năm 1970 và 1980, đặc biệt là ở châu Phi. Deaton đã nghiên cứu một số công trình tốt nhất, về hành vi của giá cả hàng hóa, hiệu ứng của chúng đối với tăng trưởng, và về những lý do họ đã gây ra sự hỗn loạn kinh tế vĩ mô. Ông cũng tìm hiểu những tác động đối với các cuộc đảo chính và bất ổn chính trị. Trong những năm sau đó, hàng trăm học giả đã bắt đầu sử dụng dữ liệu từ nhiều nước để phân tích lý do tại sao xảy ra chiến tranh và các cuộc đảo chính. Deaton là một trong những người đầu tiên nói trên.
Deaton không giành giải Nobel nhờ nghiên cứu trên về hàng hóa hay bất ổn chính trị. Nhưng đó là một ví dụ đẹp về lý do vì sao Ủy ban Nobel đã chọn ông, ngoài tất cả những dữ liệu và tiêu dùng mang tính cách mạng ra: sự quan tâm của ông quá rộng và sự đóng góp của ông có tầm ảnh hưởng rất lớn, trong quá nhiều những vấn đề lớn về phát triển. Những nhận định bổ sung của ông đã giúp khởi động những tài liệu nghiên cứu đồ sộ, như nghiên cứu xuyên quốc gia về các cuộc đảo chính và chiến tranh, thường phải mất nhiều năm trước khi người khác nắm bắt được. Hai mươi năm sau báo cáo đầu tiên của ông về giá cả hàng hóa và sự ổn định chính trị, tôi đã viết một báo cáo mà tôi nghĩ rằng có tính toàn diện và có tính kết luận hơn. Nhưng việc cố kết thúc một tranh luận dễ hơn rất nhiều so với việc khởi xướng và truyền cảm hứng cho một tranh luận.
Ảnh hưởng thứ ba của Deaton đối với tôi xuất phát rất gần đây: phê phán của ông đối với những thử nghiệm ngẫu nhiên trong kinh tế học phát triển. Ở các nước phát triển, các nhà khoa học và chính phủ thường thử nghiệm hiệu quả của các loại thuốc mới hay các chương trình việc làm mới bằng cách so sánh một nhóm được điều trị/xử lí với một nhóm đối chứng, khi mà người được điều trị/xử lí được chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm.
Cho đến gần đây, những thử nghiệm ngẫu nhiên này hầu như chưa được biết đến ở các nước nghèo. Hàng tỷ đô la viện trợ đã được chi vào những chương trình chưa được kiểm định với những giả định chưa được kiểm định. Những người ủng hộ việc đánh giá các chương trình thử nghiệm ngẫu nhiên - cái gọi là randomistas (nhà ngẫu nhiên) - lập luận rằng cần thêm nhiều thử nghiệm thực địa để học những gì đã làm được. Deaton đã chống lại rất mạnh mẽ. Nếu bạn là người dưới 30 tuổi trong giới phát triển quốc tế và đã nghe nói về Deaton, thì chắc chắn đó là vì cuộc tranh luận này.
Ngày nay, khoảng một nửa công trình của tôi đã sử dụng một số dạng thử nghiệm trên thực địa - chẳng hạn như những gì đang xảy ra với nghèo đói khi người nghèo nhất nhận tiền mặt thay vì thức ăn hay được đào tạo kỹ năng - quá rõ đến mức khiến tôi chú ý khi một người hùng trí thức đưa phương pháp này vào tầm nhắm.
Tôi nghĩ rằng những lập luận trao đổi ban đầu giữa Deaton và các randomistas (nhà ngẫu nhiên), đối với cả hai phía, gây ồn ào nhiều hơn là liên quan đến bản chất của vấn đề. Các randomistas (nhà ngẫu nhiên) xem các thử nghiệm của họ là những "tiêu chuẩn vàng" của chứng cứ. Deaton gọi đó là một sự sai lạc. Nhưng điều có vẻ như là một công kích nhắm vào các thử nghiệm ngẫu nhiên tinh tế hơn nhiều - đó là lời kêu gọi của Deaton đến tính khiêm tốn đối với những gì mà các thử nghiệm ngẫu nhiên có thể cho chúng ta biết.
Hai tuần trước, ông đã đến Columbia và trình bày một công trình mới về việc sử dụng và lạm dụng các thử nghiệm ngẫu nhiên. Tôi nghĩ đó là một phát biểu cân bằng hơn và có tiến triển hơn, sau nhiều năm tranh cãi. Đó là bài thuyết trình tôi yêu thích nhất trong năm nay ở Columbia. Tôi hy vọng với giải Nobel, ông vẫn có thời gian để sớm công bố nó ra công chúng (mặc dù tôi e là không).
Alex Tabarrok (1966-)
Ý tưởng cơ bản là: khi các cơ quan và học giả về phát triển vội lao vào những thử nghiệm ngẫu nhiên nhiều hơn, họ đã phóng đại những gì những thử nghiệm ấy có thể cho chúng ta biết. Những randomistas (nhà ngẫu nhiên) thông minh nhất của phong trào cũng biết những hạn chế của thử nghiệm, nhưng vui mừng khi làm cho giới làm chính sách thế giới lên cơn sốt, vì bằng chứng tốt đã quá hạn từ lâu. Nhưng Deaton ngại rằng nhà hoạch định trung bình về chính sách có thể quá xem trọng các kết quả ấy.
Ngồi trong văn phòng tôi một vài tuần trước, ông kể tôi nghe một câu chuyện về thời mà ông và các các nhà kinh tế đồng nghiệp của ông lần đầu tiên bắt đầu tính những hồi quy. Nó giống như một công cụ ma thuật có thể giải đáp mọi vấn đề. Và thực vậy, nó làm tăng rất nhiều kiến ​​thc ca chúng ta.
Nhưng nhiều thập niên sau, chúng ta nhận ra rằng hầu hết các hồi quy đều sai lạc, và biết cần tìm những gì để phân tích tốt hơn. Chúng ta giảng dạy hồi quy như một căn bệnh, trong khi chúng ta phải tìm ra những phương pháp chữa trị cho tất cả các loại bệnh. Ông muốn chúng ta nghĩ về các thử nghiệm ngẫu nhiên theo một cách tương tự: đó là liệu pháp tốt hơn so với những gì chúng ta đã có trước đây, nhưng bệnh vẫn còn trầm trọng và cần được quan tâm và chú ý nhiều hơn trước khi chúng ta tin vào kết quả của bất kỳ phân tích nào. Tôi sẽ không tiết lộ tham luận, với những lập luận và đơn thuốc chưa công bố của ông, nhưng (như thường lệ) tôi nghĩ ông ấy đúng.
Đây mới là ba thời điểm hàng đầu đối với tôi. Tôi có thể còn tiếp tục nữa. Tôi sử dụng blog cá nhân như nơi lưu trữ kí ức, lưu lại những tư tưởng và phản ánh nhàn rỗi của tôi về sự phát triển để có thể tìm lại chúng sau này. Sáng nay, tôi tìm chữ "Deaton", và có không dưới 16 bài viết đã được ghi lại hơn bảy năm qua, về một số chủ đề rộng lớn, trong đó có một phản ứng đối với một tuyên bố gây tranh cãi khác của ông trong những năm gần đây: rằng viện trợ là một rào cản cho sự phát triển.
Tyler Cowen (1962-)
Cuốn sách của ông, The Great Escape (Cuộc vượt thoát vĩ đại), là một dẫn nhập rất tốt vào tư duy của Deaton về những xu hướng lớn trong vấn đề phát triển, khi mà các nước giàu nghĩ sai về nó. Tôi yêu sự chẩn đoán, và không đồng ý với liệu pháp được đề xuất, nhưng bạn sẽ tìm một vài cuốn sách khác tốt hơn về phát triển để hoàn thành công việc. Nếu bạn muốn biết thêm các đường dẫn và muốn thảo luận về giải Nobel của Deaton, thì điều tốt nhất mà tôi thấy cho đến nay là trang điểm tin của Alex Tabarrok về công trình của Deaton và một trang khác của Tyler Cowen.
Để kết luận, đây là một quyết định vĩ đại của ủy ban từ quan điểm quan tâm đến nghèo đói, bất bình đẳng, và có được chứng cứ đúng đắn.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Why Angus Deaton Deserved the Nobel Prize in Economics, Foreign Policy, October 12, 2015.
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF