6.12.15

Vì sao chính phủ bảo vệ các công ty đa quốc gia?



Thomas Piketty (1971-)
Vì sao chính phủ bảo vệ các công ty đa quốc gia?
Giữa lúc diễn ra hội nghị COP 21, trong khi toàn bộ hành tinh đang tụ tập tại Paris để nỗ lực đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc liên đới và trách nhiệm, liệu chính phủ Pháp có ra tay bảo vệ bóng tối bí mật tài chính và các chiến lược tối ưu hóa thuế khóa của các công ty đa quốc gia không? Đáng tiếc đây là điều đang lộ ra.
Thực vậy, vào thứ sáu này, ngày 04 tháng 12 tại Quốc hội, sẽ diễn ra một cuộc bỏ phiếu quan trọng trong khuôn khổ dự luật sửa đổi tài chính. Các đại biểu quốc hội phải bày tỏ ý kiến về một bản tu chính, giới thiệu việc công khai báo cáo theo từng nước đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Nói rõ ra, đây là việc công khai hóa một số thông tin về hoạt động của các công ty đa quốc tại nhiều nước khác nhau mà họ hoạt động: doanh số, số lượng lao động, quỹ lương, lợi nhuận, số tiền thuế đã nộp (hoặc chưa nộp), v.v. Ngoài ra, danh mục các thông tin bắt buộc phải công khai báo cáo nên được mở rộng, ví dụ như cơ cấu thanh toán các khoản thù lao.
Các đại biểu quốc hội của Ủy ban Tài chính đã bày tỏ ý kiến ủng hộ bản tu chính này vào hôm thứ tư 25 tháng 11. Nhưng vấn đề từ nay là phải thừa thắng xông lên và việc này không phải dễ, bởi vì chính phủ phản đối quyết liệt việc công khai hóa các thông tin nói trên. Chính phủ muốn dựa vào đề xuất tối thiểu được các công ty đa quốc gia và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, Organization for Economic Co-operation and Development) vận động hành lang, theo đó các thông tin trên sẽ chỉ được chuyển cho các cơ quan quản lý thuế.
Tuy nhiên lập luận theo đó nên giữ bí mật các hoạt động kinh doanh của Google tại Ireland hay của Total tại Congo xem ra không mấy thuyết phục. Chúng ta không tiết lộ bất cứ bằng sáng chế nào, bất cứ bí mật hợp pháp nào, khi yêu cầu báo cáo theo từng nước. Những thông tin đó, trái lại, là điều cần thiết để các tác nhân của xã hội dân sự có thể xem xét năm này qua năm khác những tiến bộ đã đạt được – hoặc không – về tính minh bạch tài chính và công bằng thuế khóa.
Một lập luận khác được chính phủ đưa ra, là chúng ta không thể mạo hiểm chỉ xử phạt các công ty đa quốc gia Pháp. Một lần nữa, lập luận này không đứng vững. Cuối tháng bảy vừa qua, các đại biểu quốc hội châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ nguyên tắc công khai báo cáo theo từng nước, mở đường cho việc thông qua một chỉ thị đầy tham vọng của châu Âu về vấn đề này. Nếu chính phủ duy trì quan điểm bảo thủ của họ, thì nước Pháp có nguy cơ gửi đi một tín hiệu rất tiêu cực đến Liên minh châu Âu, trong khi họ luôn thích tự cho mình là nhà lãnh đạo về các vấn đề minh bạch này, và do đó ngăn chặn mọi pháp chế đầy tham vọng của châu Âu. Hy vọng rằng các đại biểu quốc hội không nao núng và tỏ ý kiến ủng hộ việc sửa đổi.
Thomas Piketty
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Pourquoi le gouvernement protège-t-il les multinationales?, Piketty.Blog.Lemonde, 03 décembre 2015.
  Print Friendly and PDF