18.1.16

Bernard Mandeville, thói hư tật xấu của cá nhân và đạo đức của xã hội



Bernard Mandeville (1670-1733)

Bernard Mandeville, thói hư tật xấu của cá nhân và đạo đức của xã hội

Gilles Dostaler
Nổi tiếng với tác phẩm Ngụ ngôn về loài ong, ông được coi là người báo trước học thuyết tự do kinh doanh. Nhưng ông cũng gây ảnh hưởng đến nhiều tác giả khác nhau như Marx, Keynes và Hayek.
Bernard Mandeville cảnh báo sự nguy hiểm của sự tằn tiện và ông chủ trương kích cầu, đặc biệt qua việc khuyến khích chi tiêu xa hoa.
Bernard Mandeville là một trong những nhà văn có nhiều đọc giả nhất và cũng bị phê phán dữ dội nhất đương thời. Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Hà Lan, nhưng ông viết tiếng Latinh và tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh, một cách nhanh chóng và thành thạo, và được ông thể hiện trong các bài thơ, bài viết dưới hình thức các bài theo thể đối thoại, bài châm biếm và bài tiểu luận. Nhưng trước hết, nhà văn này là một thầy thuốc, một nghề đã làm cho bố, ông nội và ông cố của ông nổi tiếng. Ông là một chuyên gia chữa các bệnh dạ dày và bệnh thần kinh, hành nghề cho đến khi chết, cái nghề mà sau này người ta gọi là tâm bệnh học. Năm 1711, ông xuất bản cuốn A Treatise of the Hypochondriack and Hysterick Passions (Luận thuyết về những đam mê bệnh tưởng và cuồng loạn), trong đó ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải điều trị bệnh nhân trong một thời gian dài, bằng lời nói cũng như bằng thuốc men và các chế độ.
Giống như William Petty trước ông hay François Quesnay sau ông, những kiến ​​thức y học của ông gắn chặt với những ý tưởng mà ông phát triển về sự vận hành của xã hội. Mandeville phát triển những ý tưởng của ông dựa trên các quan niệm về bản chất con người và sự vận hành của tâm trí con người mà ông đã phát triển với tư cách là một thầy thuốc. Trong cuốn Luận thuyết của ông, ông viết rằng "con người [...] là một tập hợp các đam mê, [...] lần lượt điều khiển họ, cho dù họ có muốn hay không". Vì vậy, tâm trí con người không mang tính duy lý, lý tính được sử dụng để biện minh cho những yêu cầu phát sinh từ cảm xúc. Ý tưởng này là cơ sở của lý thuyết xã hội của Mandeville.
Ngụ ngôn về loài ong
Lý thuyết trên được trình bày lần đầu trong một bài thơ dài được xuất bản ẩn danh năm 1705, và có nhan đề là La ruche mécontente, ou les coquins devenus honnêtes (Tổ ong bất mãn, hay kẻ ranh mãnh trở thành người lương thiện). Trong bài thơ đó, Mandeville mô tả một tổ ong phồn vinh, trong đó các con ong sống trong tiện nghi và xa hoa, và chính thể là khác xa với một nền dân chủ lẫn một chế độ chuyên chế. Những con ong đó là những đại diện thu nhỏ của người dân nước Anh vào đầu thế kỷ XVIII. Họ làm đủ nghề, trong đó có một số nghề không lương thiện: "xảo trá, ăn chực, ma cô, cờ gian bạc lận, móc túi, làm tiền giả, lường gạt, bói toán". Không một ai, kể cả những người dũng cảm và siêng năng, có mặt trong cái tổ ong "không có bịp bợm" này:
"Như vậy, khi mà mỗi thành phần đầy rẫy tệ nạn,
Thì cái toàn thể lại giống như một thiên đường."
Những kẻ ranh mãnh và vô lại góp phần làm nên lợi ích chung. Thị hiếu xa hoa mang lại việc làm cho hàng triệu con ong. Lòng tham tiền, tính kiêu ngạo, sự ghen tị và tính hão huyền kích thích ngành nghề và sự giàu có. Sự phồn vinh nở rộ này kéo dài cho đến ngày mà Jupiter, nhạy cảm với lời kêu gọi của những con ong phải đạo, quyết định nhổ tận gốc sự không lương thiện của tổ ong. Quyết định này là một thảm họa. Giá cả sụp đổ đồng thời với sự chi tiêu, và tình trạng thất nghiệp và nghèo đói lan rộng. Tổ ong tàn lụi nhanh chóng và trở thành miếng mồi ngon cho kẻ thù. Nó rơi vào tình trạng vô tổ chức và tan rã.
Tác giả kết thúc bài thơ bằng bài học sau đây:
"Như vậy chúng ta thấy rằng tệ nạn là có lợi
Khi nó bị pháp luật xén bớt và hạn chế.
Và nếu một dân tộc muốn trở nên vĩ đại,
Thì tệ nạn cũng cần thiết đối với Nhà nước
Như phải có đói thì mới có cho ăn"
Mandeville đưa bài thơ trên, cùng với lời nói đầu và nhiều ý kiến ​​viết bằng văn xuôi, vào trong một cuốn sách xuất bản năm 1714 có tựa là The Fable of the Bees: or Private Vices, Publick Benefits (Ngụ ngôn về loài ong, hay khi thói hư tật xấu của cá nhân làm nên lợi ích của xã hội). Ông xuất bản lần hai, bổ sung thêm các bài viết, trong đó có một bài phê phán các nhà từ thiện, năm 1723. Chính lần tái bản này đã khởi động một âm mưu chống lại ông. Năm 1728, ông xuất bản phần hai của cuốn ngụ ngôn, bao gồm một tập hợp các lời đối thoại đào sâu thêm các luận thuyết của ông. Những bài viết trên phát triển những ý tưởng về sự vận hành của xã hội và sự vận hành của nền kinh tế và tạo ra một ảnh hưởng rất lớn.
Chủ đề trung tâm nằm trong tựa đề của cuốn sách: thói hư tật xấu của cá nhân nằm ở cội nguồn của những phẩm hạnh công cộng. Ông viết trong lời nói đầu rằng "các thói hư tật xấu không thể tách rời những xã hội mạnh và lớn, và sự giàu có và sự vĩ đại không thể tồn tại mà không có chúng". Luận thuyết này dựa trên một quan niệm đặc biệt về thói hư tật xấu. Mọi hành vi được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, bởi sự ích kỷ, không xem xét đến những hệ quả đối với lợi ích của xã hội, đều được Mandeville định nghĩa là thói hư tật xấu. Vì vậy điều này cũng bao gồm những hành vi được thúc đẩy bởi lòng vị tha, cũng như sự hy sinh và sự tự hành xác, bởi vì cuối cùng chúng cũng phát sinh từ mong muốn được khen ngợi hoặc sợ bị khiển trách, có nghĩa là từ tính kiêu ngạo và ích kỷ. Dục vọng, vốn là nền tảng của hành vi con người, gắn chặt với tình yêu bản thân và lòng tự ái.
Người báo trước tư tưởng kinh tế trong tương lai 
Trong bài thơ cũng như trong những bình luận ​​của ông, Mandeville giải thích rằng việc mỗi người chạy theo lợi ích cá nhân, không quan tâm đến hạnh phúc của đồng loại, mang lại một kết quả bất ngờ: sự đổi mới, sự kích thích thương mại, sự phát triển kinh tế, sự giàu có, công ăn việc làm, và do đó các giá trị đạo đức của xã hội. Ngược lại, một xã hội đạo đức sẽ cam chịu sự tầm thường và sự nghèo đói. Tuy nhiên, điều này không bao hàm sự biện hộ cho tình trạng vô chính phủ và tội phạm, mà người ta buộc tội Mandeville. Thật vậy, ông khẳng định phải lên án tệ nạn khi nó biến thành tội phạm, và rằng vai trò của chính quyền là điều cần thiết để biến đổi thói hư tật xấu của cá nhân thành đạo đức của xã hội.
Trình bày các cơ chế để vận hành kết quả nghịch lý trên dẫn Mandeville đến việc làm nổi bật một số chủ đề chính của tư tưởng kinh tế trong tương lai. Một trong số đó là sự phân chia lao động, một thuật ngữ mà ông là người đầu tiên sử dụng. Ông cũng giải thích cho thấy tại sao việc con người theo đuổi những lợi ích cá nhân, kể cả những lợi ích đồi bại nhất, ví dụ lợi ích của những kẻ phóng đãng trụy lạc (năm 1724, ông công bố một lời ca tụng các“nhà thổ”), thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp và do đó sự tăng trưởng kinh tế. Phản đối các ý tưởng thống trị đương thời lên án sự chi tiêu xa hoa, ngược lại ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đó để kích thích việc làm và lên án sự tằn tiện cũng như sự tiết kiệm, từ xã hội cũng như từ cá nhân. Tiền phải được lưu thông. Ngay cả trộm cắp, mặc dù đáng bị khiển trách về mặt đạo đức, cũng là một cách để làm cho tiền tích trữ của người giàu được lưu thông.
Ngoài ra, Mandeville cũng cho rằng trong xã hội bình thường, có những người nghèo và những người bị buộc phải lao động nặng nhọc. Ông cho rằng đó là một tình huống không thể tránh khỏi mà sự tăng trưởng có khả năng làm giảm nhẹ. Nhưng người ta không thể xóa bỏ sự nghèo đói mà ngược lại, trong một xã hội thịnh vượng, cần phải có nhiều người nghèo. Chính điều đó đã dẫn ông đến việc phê phán sự tồn tại của những ngôi nhà từ thiện nhắm đến việc giáo dục người nghèo. Lý giải rằng chính quyền không nên can thiệp vào đời sống kinh tế của xã hội, Mandeville được coi là người báo trước học thuyết tự do kinh doanh, mặc dù ông ủng hộ các biện pháp trọng thương trong lĩnh vực ngoại thương.
Cuốn The Fable of the Bees (Ngụ ngôn về loài ong) bị kết án hai lần bởi bồi thẩm đoàn của Midlesex, nhưng điều đó không ngăn Mandeville xuất bản thêm nhiều phiên bản tiếp theo, được bổ sung bằng một phần "bảo vệ" tác phẩm. Có thể ông được Lord Macclesfield, chánh tòa từ năm 1710-1718, sau đó làm Quan chưởng ấn (quan chức nhà nước đứng hàng thứ hai) từ năm 1718-1725, mà ông ta là một người thân cận, bảo trợ.
Một di sản đầy tương phản
Mandeville nổi tiếng chủ yếu sau khi qua đời. Ông có ảnh hưởng đến nhiều tác giả khác nhau như David Hume, Adam Smith, Karl Marx, John Maynard KeynesFriedrich von Hayek. Là người phê phán quan điểm của Mandeville về thói hư tật xấu và phẩm hạnh, Adam Smith đã diễn giải lại một đoạn của Mandeville, mà không nêu tên ông ấy, viết về những hậu quả quan trọng của tội phạm đối với sự phát triển của các lực lượng lao động, lợi ích của việc nuôi sống các luật sư, thẩm phán, cai tù, đao phủ và thợ khoá. Nhưng ông vinh danh Mandeville, mô tả ông ấy là người "vô cùng táo bạo và trung thực hơn những người tầm thường biện giải của xã hội tư sản."
Keynes xem Mandeville như là người báo trước lý thuyết cầu hiệu quả của ông và trích dẫn rất dài Ngụ ngôn về loài ong ở phần cuối cuốn Lý thuyết tổng quát của ông. Đối lập với những nhà đạo đức học và nhà kinh tế học theo đó không có lối thoát nào ngoài sự tiết kiệm, công cũng như tư, Mandeville cảnh báo về những nguy hiểm của sự tằn tiện và ông chủ trương kích cầu, đặc biệt qua việc khuyến khích chi tiêu xa hoa. Keynes chỉ có thể hoan nghênh một người từng viết: "Nghệ thuật làm cho một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc là tạo cơ hội cho mọi người có được việc làm". Là một đối thủ của Keynes, Hayek cũng xem Mandeville như là người báo trước, bởi vì người bảo vệ thuyết tự do kinh doanh này là người đầu tiên phát triển ý tưởng về sự tăng trưởng tự phát của các cấu trúc xã hội có trật tự.
Mandeville, theo lời của Benjamin Franklin, người đã gặp ông ấy tại một quán rượu, là "người bạn đồng hành tinh quái nhất và thú vị nhất", có lẻ là người đầu tiên thích thú, nếu không muốn nói là hãnh diện, khi thấy có nhiều công thức đã ra đời từ những ý tưởng của ông.
Bernard Mandeville qua vài năm tháng
1670: Sinh ngày 15 tháng 11 ở Dordrecht, Hà Lan; bố ông là một thầy thuốc nổi tiếng.
1685-1691: học triết học và y học tại Đại học Leiden.
1691: đỗ bằng thầy thuốc. Ông đi khắp châu Âu, trong đó có Paris và Rome.
1699: sống ở Anh, hành nghề chuyên gia về các bệnh thần kinh.
1704: kết hôn với Elizabeth Lawrence, vợ ông qua đời năm 1732; họ có sáu người con, trong đó có bốn người chết lúc tuổi còn nhỏ. 
1705: Typhon or the Wars between the Gods and the Giants:  A Burlesque Poem (Quái thú Typhon hay cuộc chiến giữa các vị thần và người khổng lồ: một bài thơ khôi hài.
1709: The Grumbling Hive: or, Knaves turn’d Honest (La ruche mécontente, ou les coquins devenus honnêtes) - Tổ ong bất mãn, hay kẻ ranh mãnh trở thành người lương thiện, bài thơ được xuất bản ẩn danh.
1711: The Virgin Unmask’d.
1714: A Treatise of the Hypochondriack and Hysterick Passions. Phiên bản mới năm 1730.
1720: The Fable of the Bees:  or Private Vices, Publick Benefits (Ngụ ngôn về loài ong: hay thói hư tật xấu của cá nhân và đạo đức của xã hội), xuất bản ẩn danh. Tái bản lần hai năm 1723. Tái bản các lần khác vào những năm 1724, 1725, 1728, 1729 và 1732. The Mischiefs that Ought Justly to be Apprehended from a Whig-Government. 
1720: Free Thoughts on Religion, the Church and National Happiness (Những suy ngẫm tự do về tôn giáo, giáo hội và hạnh phúc quốc gia).
1724: A Modest Defense of Publick Stews (Một bảo vệ khiêm tốn đối với các nhà thổ), một dự án về kiểm soát mại dâm được xuất bản dưới bút danh Phil Porney.
1725: An Inquiry into the Causes of the Frequent Execution at Tyburn (Tìm hiểu về các nguyên nhân của vụ xử gần đây tại Tyburn), đề xuất cải cách nhà tù.
1729: Ngụ ngôn về loài ong phần hai. 
1732: An Inquiry into the Origin of Honour, and the Usefulness of Christianity in War (Tìm hiểu về nguyên gốc của danh dự, và sự hữu ích của Kitô giáo trong chiến tranh). "A Letter to Dion (Lá thư gửi cho Dion)", để trả lời một phê phán của George Berkeley.
1733: mất ngày 21 tháng Giêng vì bệnh cúm ở Hackney, ngoại ô London.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Bernard Mandeville
The Fable of the Bees, or Private Vices, Publick Benefits, Liberty Classics, 1988 [réimpression de l’édition de F.B. Kaye, 1924].
La fable des abeilles, ou les vices privés font le bien public (1714), Vrin, 1998.
La fable des abeilles, deuxième partie (1729), Vrin, 2002.
Recherche sur la nature de la société, coll. Babel, Actes Sud, 1998.
Những tác phẩm viết về Bernard Mandeville
Bernard Mandeville. Passions, vices, vertus, Paulette Carrive, Vrin, 1980.
Private Vices, Public Benefits, Bernard Mandeville’s Social and Political Thought, M.M. Goldsmith, Cambridge University Press, 1985.
The Enlightenment’s Fable. Bernard Mandeville and the Discovery of Society, E.G. Hundert, Cambridge University Press, 1994.
Mandeville Studies, Irwin Primer (chủ biên), Martinus Nijhoff, 1975.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn:  Bernard Mandeville, vices privés et vertus publiques” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012        
Print Friendly and PDF