4.1.16

Kinh tế thị trường



Kinh tế thị trường

Market Economy
® Giải Nobel: ARROW, 1972 BUCHANAN, 1986 COASE, 1991 DEBREU, 1983 FOGEL, 1993 FRIEDMAN, 1976. HAYEK, 1974 LUCAS, 1995 MERTON, 1997 NORTH, 1993
Một thị trường được định nghĩa như là nơi gặp gỡ giữa những cung và cầu về một sản phẩm hay dịch vụ; do đó khái niệm thị trường chỉ mọi tình thế trao đổi. Những sản phẩm được trao đổi là rất đa dạng; một số thị trường liên quan đến những sản phẩm tiêu dùng, một số khác liên quan đến những nhân tố sản xuất (lao dộng, tư bản); một số sản phẩm có thị trường thế giới, một số sản phẩm khác có thị trường khu vực hay địa phương. Nhưng trong mọi trường hợp, cung và cầu phải gặp nhau, cho dù đó là tại một địa điểm chính xác hay thông qua một phương tiện liên lạc bất kì. Khái niệm kinh tế thị trường bao trùm toàn bộ những giao dịch này.
Trong nghĩa thông dụng của từ này, nền kinh tế thị trường giả định sự tồn tại của sở hữu tư nhân của những tư liệu sản xuất: khi người ta dùng một cách không phân biệt những thành ngữ như hệ thống tư bản chủ nghĩa, nền kinh tế tự do hay kinh tế doanh nghiệp thì điều được nhấn mạnh là những sản phẩm hợp thành tư bản kĩ thuật (nhà máy, công cụ, ) hay những chứng khoán tượng trưng cho tư bản này phần lớn được những cá nhân, chứ không phải cộng đồng, nắm giữ. Thế mà, do sự phân tán của sở hữu giữa nhiều người khác nhau và sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp độc lập với nhau nên có nhiều cơ quan ra quyết định kinh tế: việc quản lí kinh tế là phi tập trung hoá: Bởi thế, để cho các cuộc trao đổi diễn ra và những nhu cầu được thoả mãn thì phải có một hệ thống điều tiết đảm bảo việc phối hợp các dự án và các quyết định; hệ thống điều tiết này dựa trên cơ chế giá và tác động của cạnh tranh.
Adam Smith (1723-1790)
Những cơ sở của nền kinh tế thị trường đã được Adam Smith xác định trong tác phẩm Của cải của các dân tộc (1776). Theo tác giả này, cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích chung là cho phép mỗi người đeo đuổi lợi ích riêng của bản thân: chính khi các cá nhân thu được lợi thế từ những nỗ lực của bản thân thì họ mới đóng góp có hiệu quả vào việc gia tăng tổng sản xuất. Sự hội tụ giữa những lợi ích cá thể và phúc lợi xã hội được minh hoạ bằng biểu trưng của bàn tay vô hình: "Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện một mục đích mà thực ra anh ta không hề nghĩ đến [...] Khi theo đuổi lợi ích riêng, anh ta thực ra đã thúc đẩy lợi ích chung của toàn xã hội nhiều hơn là khi thực sự có ý định làm như vậy"[*].
Lí thuyết hiện đại đã phát triển và làm cho lập luận này thêm chính xác. Sự khan hiếm các nguồn lực so với nhu cầu, điều này biện minh cho sự tồn tại của khoa học kinh tế, khiến các cá nhân và doanh nghiệp có những lựa chọn được giả định là duy lí: nói cách khác, những tác nhân khác nhau được xem xét được coi là có một ứng xử nhất quán, dựa trên một nhận thức rõ ràng về những mục tiêu của bản thân và về những phương tiện riêng để đạt đến những mục tiêu này. Như thế, trong trường hợp của người tiêu dùng, giả thiết tính duy lí kéo theo là lựa chọn của họ chịu sự chi phối của những sở thích cá nhân, và các nhà kinh tế tránh phát biểu một đánh giá giá trị về những sở thích này. Khi nhà kinh tế gán cho người tiêu dùng việc mong muốn thu được sự thoả mãn tối đa từ những mua sắm của mình, có tính đến giá của những sản phẩm và thu nhập của người này thì nhà kinh tế phát biểu một giả thiết của lí lẽ thông thường biểu trưng cho một xấp xỉ hoá hợp lí về hiện thực; nhưng không vì thế mà nhà kinh tế biến người tiêu dùng thành những kẻ cá nhân chủ nghĩa thuần tuý: động cơ của những sở thích được thể hiện trên các thị trường có thể là lòng vị tha, sự rộng lượng hay bất kì động cơ rất đáng trân trọng nào khác.  
Còn đối với các doanh nghiệp, giả thiết tính duy lí gán cho họ mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp nhắm một cách có hệ thống đạt được thu nhập tiền tệ tối đa tức thì; các nhà kinh tế chỉ đơn giản nhận xét là, nói chung, các doanh nghiệp tìm cách thu được lợi nhuận tối đa có thể trong dài hạn, để tồn tại và phát triển; các nhà kinh tế cũng thừa nhận là cũng còn có thể hình dung là có những mục tiêu khác: xây dựng một hình ảnh tốt trong công chúng, tăng thị phần, tối đa hoá doanh thu Tuy nhiên, giả thiết tối đa hoá lợi nhuận trong ngắn hạn biểu trưng cho một xấp xỉ hoá đầu tiên hợp lí, đặc biệt là để giải thích hoạt động của cơ chế giá.
Do đó trong các nền kinh tế thị trường cạnh tranh, các cá thể có những lựa chọn thể hiện những sở thích của bản thân và những doanh nghiệp ra những quyết định nhằm tối đa hoá lợi nhuận của họ; để đạt được điều này các doanh nghiệp phải sản xuất những sản phẩm được người tiêu dùng mong muốn và ở một mức chi phí thấp nhất có thể. Qua đó, nền kinh tế thị trường cung cấp một giải pháp cho những vấn đề mà mọi xã hội đều phải giáp mặt. 1) Cho câu hỏi: sản xuất sản phẩm nào và với số lượng bao nhiêu? Câu trả lời là đơn giản: nếu muốn có lời, các doanh nghiệp phải sản xuất những sản phẩm hay đề nghị những dịch vụ được người tiêu dùng mong muốn. Người tiêu dùng thể hiện sở thích của mình bằng cách chi tiêu thu nhập của bản thân và như thế chỉ ra những sản phẩm và sản lượng phải sản xuất và cách mà những nguồn lực sẵn có phải được sử dụng. 2) Cho câu hỏi: phải sản xuất các sản phẩm bằng cách nào? Câu trả lời là của các nhà sản xuất, những người này để có lợi nhuận, phải cố gắng cung cấp những sản phẩm được yêu cầu với một chi phí thấp nhất có thể bằng cách thay thế những nhân tố tốn kém nhất bằng những nguồn lực sản xuất rẻ hơn. 3) Cho câu hỏi sản xuất những sản phẩm và dịch vụ cho ai? Câu trả lời là cho những thị trường các nhân tố sản xuất vì những chi trả của các doanh nghiệp để có được những nhân tố này hợp thành thu nhập của người lao động, người tiết kiệm, người chủ sở hữu vốn cũng là những người tiêu dùng. Việc phân bổ những sản phẩm được sản xuất thể hiện sự phân phối thu nhập.
Cuối cùng, trong một nền kinh tế thị trường, chức năng phối hợp những quyết định được cơ chế giá cả đảm nhận. Trên mỗi thị trường, người bán và người mua đề ra những quyết định trên cơ sở những giá tương đối; bằng những hành động được kết hợp, họ qui định cấu trúc của những giá tương đối này; những thay đổi của giá cả kéo theo những thay đổi của những hành vi cá thể cho đến khi việc phối hợp hài hoà giữa những thay đổi này cho phép thực hiện một trạng thái cân bằng, nghĩa là một tình thế trong đó những lượng cung và cầu bằng nhau và không còn bất kì xu hướng thay đổi nào nữa.
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Việc phân tích những thành tựu của nền kinh tế thị trường giữ một vị trí lớn trong kinh văn. Khái niệm cân bằng chung mô tả một trạng thái lí tưởng trong đó tất cả các thị trường đều ở thế cân bằng. Như thế, trong chế độ cạnh tranh, việc phân bổ những nguồn lực sản xuất giữa những cách sử dụng khác nhau có thể, là tối ưu: khi, dưới tác động của cạnh tranh, giá cả của sản phẩm và dịch vụ được kéo về mức những chi phí sản xuất cận biên thì có một đẳng thức ngặt giữa giá trị chủ quan của một đơn vị sản phẩm đối với người tiêu dùng (giá mà người tiêu dùng sẵn sàng trả để có được sản phẩm) và những gì phải chi trả để sản xuất ra sản phẩm (chi phí cận biên của sản phẩm). Một cách tự phát, hoạt động tự do của các thị trường dẫn đến một sản xuất mà cơ cấu là tối ưu đối với những sở thích của người tiêu dùng; hoạt động này dẫn đến hiệu quả kinh tế theo nghĩa được Vilfredo Pareto xác định năm 1909, tức là không còn có thể cải thiện phúc lợi của một người mà không làm giảm phúc lợi của một người khác. Tuy nhiên, nếu những thị trường cạnh tranh tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của hiệu quả kinh tế thì chúng cũng có thể dẫn đến những phân phối thu nhập đáng phê phán dưới góc độ những quan niệm về công bằng đang thịnh hành trong xã hội. Những tái phân phối thích hợp của thu nhập và của cải sẽ cho phép đạt đến một tối ưu khác với tối ưu trên, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính hiệu quả vì hiếm khi những trưng thu và chuyển nhượng là có tính trung lập.
Một cách tổng quát hơn, lí thuyết những thất bại của thị trường làm rõ những trường hợp trong đó sự can thiệp của Nhà nước có thể thay thế cho cho thị trường hay làm cho thị trường có hiệu quả hơn.
Những thất bại này trước hết là do những đặc điểm của các sản phẩm. Cơ chế giá cả chỉ có thể dẫn đến một phân bổ tối ưu các nguồn lực nếu không có sự khác biệt giữa tiền lời cận biên tư nhân và tiền lời cận biên xã hội, cũng như giữa chi phí cận biên tư nhân và chi phí cận biên xã hội. Khái niệm ngoại ứng được dùng để mô tả những hệ quả bên ngoài hoạt động của một người hay của một doanh nghiệp (ví dụ, ô nhiễm) đối với những tác nhân khác. Những rơi rớt này nằm ngoài cơ chế giá cả do không có trao đổi giữa các bên có liên quan (giữa người gây ô nhiễm và người chịu ô nhiễm). Do đó có những chi phí xã hội bị áp đặt (hay những lợi thế được ban phát) mà không có đối phần và không có sự bằng nhau giữa chi phí tư nhân nhà sản xuất phải gánh chịu và chi phí áp đặt cho toàn thể xã hội (hay giữa lợi thế tư nhân của người tiêu dùng và lợi thế mà xã hội thu nhận được). Nhiệm vụ của Nhà nước là phải qui định hay đánh thuế những hoạt động ở cội nguồn của những ngoại ứng tiêu cực hay trợ cấp cho những hoạt động ở cội nguồn của những ngoại ứng tích cực (ví dụ cho việc phổ biến rộng rãi hơn giáo dục, nghệ thuật và văn hoá).
Những sản phẩm công cộng hay tập thể, tức là những sản phẩm mà việc một người sử dụng chúng không gây thiệt hại cho tiêu dùng của những người khác (ví dụ, dịch vụ an ninh do cảnh sát và pháp luật cung cấp, soi sáng đường phố) cũng đặt ra một vấn đề tương tự. Do không ai có thể bị loại trừ ra khỏi việc sử dụng những sản phẩm này và bị buộc phải trả giá cho chúng nên không có doanh nghiệp tư nhân nào có khả năng cung cấp những sản phẩm này. Các cộng đồng công cộng vẫn còn nhiệm vụ đảm bảo cung ứng những sản phẩm này được tài trợ bằng thuế.
Những thất bại của thị trường cũng bắt nguồn từ chính những đặc điểm của các thị trường và đặc biệt là từ những xâm phạm vào sự cạnh tranh. Phê phán truyền thống nhằm vào những tình thế độc quyền cho rằng, ngay cả khi những chi phí sản xuất là thấp hơn những chi phí sản xuất của những doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh do tính kinh tế theo qui mô thì các độc quyền cho phép ấn định những giá cao hơn những chi phí cận biên, do đó có một cầu và một cung ít quan trọng bằng và một phân bổ chưa tối ưu các nguồn lực. Tuy nhiên, tính không hoàn hảo của các thị trường cũng còn do thông tin không đầy đủ: trong lúc cạnh tranh hoàn hảo giả định sự trong suốt, tất cả những người mua có được cùng một thông tin giống nhau về giá cả, chất lượng và tính sẵn có của các sản phẩm thì trong thực tế những giá khác nhau của những sản phẩm giống nhau chung sống với nhau và điều này dẫn đến những mất cân bằng dai dẳng. Thu thập thông tin là tốn kém và việc thực hiện các cuộc trao đổi thường đòi hỏi sự có mặt của những trung gian mà thù lao làm nảy sinh những chi phí giao dịch. Kết quả là giá người mua cuối cùng phải trả có thể nhỉnh hơn giá nhà sản xuất thu vào; nếu chênh lệch giá là quan trọng thì có thể cuộc giao dịch không diễn ra được , do đó đôi lúc có sự cần thiết của một qui định hay một sự kiểm soát công cộng.
Sau thế chiến thứ hai, việc làm rõ những giới hạn của nền kinh tế thị trường đã biện minh cho nhiều sự can thiệp của Nhà nước và được dùng làm chỗ dựa cho một quan niệm về nền kinh tế hỗn hợp trong đó không nêu lên ý đồ của những nhà ra quyết định công cộng. Ngược lại, phân tích gần đây hơn về những thất bại của Nhà nước hình như đã khởi động một sự thăng bằng trở lại về mặt lí thuyết có lợi hơn cho nền kinh tế thị trường.
 Jacques LECAILLON
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Bàn tay vô hình; Cân bằng chung; Chủ nghĩa tự do; Của cải; Cung và cầu (qui luật); Hiệu quả đối lại công bằng; Kinh tế hỗn hợp; Người sản xuất; Người tiêu dùng; Quyền sở hữu; Sản phẩm và dịch vụ; Smith.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.





[*] Của cải của các dân tộc, quyển IV, bản dịch của Đỗ Trọng Hợp, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 648 (ND).

Print Friendly and PDF