26.1.16

Vincent de Gournay, người báo trước chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo hộ



Vincent de Gournay (1712-1759)
Vincent de Gournay, người báo trước chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo hộ
Gilles Dostaler
Là người cùng thời với Quesnay, Vincent de Gournay truyền bá ý tưởng của ông thông qua "câu lạc bộ" của ông. Tuy là người sáng lập trường phái tư tưởng tự do đầu tiên, ông vẫn chủ trương một chủ nghĩa tự do ít giáo điều hơn và ôn hòa hơn so với lý thuyết của những người trọng nông.
Những "ý kiến nhận xét (Remarques)" của ông được nhà nghiên cứu người Nhật Takumi Tsuda tìm thấy lại vào đầu những năm 1980, hình thành nên tác phẩm lý luận chính của ông.
François Quesnay (1694-1774)
Trong lĩnh vực lịch sử tư tưởng kinh tế, tên của Vincent de Gournay ít được biết đến nhiều so với tên của François Quesnay, một tác giả cùng thời với ông. Trường phái của những người theo thuyết trọng nông mà François Quesnay thành lập ra đời đúng vào thời điểm mà Gournay, thất vọng vì ý tưởng của mình ít được tiếp nhận, qua đời ở tuổi 47, vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông, trong số những tác giả khác thông qua nhóm mà tên của ông được đặt cho, cũng quan trọng, nếu không muốn nói là nhiều hơn, như ảnh hưởng của bác sĩ Quesnay. Ông ở đầu nguồn một hình thức chủ nghĩa tự do ít giáo điều hơn và ôn hòa hơn so với thuyết của những người trọng nông.
Thương nhân, điệp viên và quản trị viên
Trước tiên là học sinh thuộc giáo đoàn Oratore và dòng Tên (Jésuites), nơi mà ông hấp thụ những nền tảng triết học về thế giới quan, từ năm 17 tuổi, Gournay bắt đầu sự nghiệp của một thương nhân quốc tế trong mười lăm năm, cung cấp cho ông một kiến ​​thức sâu rộng và thực tiễn về các hoạt động kinh tế. Sau đó ông được Bộ trưởng Bộ hàng hải triệu tập và giao thực hiện một nhiệm vụ không khác gì lắm với hoạt động gián điệp kinh tế và thậm chí cả gián điệp quân sự, khi mà hai nước Pháp và Anh đang có chiến tranh. Các thông tin thu thập được trong các chuyến đi của ông ở châu Âu, trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa đang diễn biến, chỉ cho ông thấy con đường phải theo để giúp cho đất nước ông tìm lại vị trí thống trị trên trường quốc tế.
Jean-Baptiste Colbert (1619-1683)
Năm 1751, ông bắt đầu một sự nghiệp thứ ba, như là một nhà quản lý công với chức danh quản lý Bộ thương mại. Cho đến khi ông từ chức, vì lý do sức khỏe và tiền bạc, và có lẽ vì cảm giác thất bại, ông trở thành người bảo vệ không mệt mỏi một sự tự do hóa các hoạt động kinh tế chống lại chủ nghĩa can thiệp theo kiểu của Colbert đang chiếm ưu thế lúc đó. Ông chu du khắp nước Pháp để nghiên cứu về các điều kiện kinh tế, biên soạn rất nhiều hồi ký, và đặc biệt là giao lưu với một nhóm các nhà quản lý và nhà kinh tế trẻ, "câu lạc bộ Vincent de Gournay", truyền bá các ý tưởng của ông trong nhiều bài viết được xuất bản. Đó là trường phái tư tưởng tự do đầu tiên ở nước Pháp, trước cả trường phái của những người theo thuyết trọng nông.
Josiah Child (1630-1699)
Gournay không để lại các chuyên luận và, trong một thời gian dài, nhiều bài viết của ông đã được coi là mất tích. Năm 1752, ông quyết định dịch tác phẩm của các tác giả người Anh Josiah Child và Thomas Culpeper, nhằm hỗ trợ cho các luận điểm riêng của ông để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của nước Pháp. Ông viết kèm với các bản dịch trên những "ý kiến nhận xét (Remarques)" cũng dài như các tác phẩm được dịch. Các bản dịch được xuất bản năm 1754, nhưng không có các ý kiến nhận xét, do các ông chủ của Gournay lo ngại sự tác động. Những ý kiến nhận xét ấy, theo một cách nào đó, là tác phẩm lý thuyết chính của Gournay, đã được nhà nghiên cứu người Nhật Takumi Tsuda tìm thấy lại vào đầu những năm 1980, cùng với nhiều bài viết, hồi ký và thư từ khác, tại thư viện của thành phố St. Brieuc.
Khoa học thương mại và tự do thương mại
Mirabeau (1749-1791)
Là cánh tay phải của Quesnay, Mirabeau đã quy cho Gournay thành ngữ "tự do kinh doanh, tự do giao thương". Tuy nhiên, có vẻ như thành ngữ "hãy để chúng tôi tự do kinh doanh" đã được thương nhân Le Gendre lần đầu nói ra để đáp lại một câu hỏi của Colbert. Nhưng, ngay cả khi không tìm thấy thành ngữ trên trong các bài viết của Gournay, thì ý tưởng trên đã được phổ biến khắp nơi và là sợi chỉ dẫn đường cho các đề xuất kinh tế của ông. Ý tưởng ấy dựa trên điều mà thời đó người ta gọi là "khoa học thương mại". Dưới ngòi bút của Gournay và của những người theo ông, thuật ngữ "thương mại" đồng nghĩa với hoạt động kinh tế, bất luận là hoạt động nông nghiệp, sản xuất hay thương mại.
Takumi Tsuda
Như vậy, khoa học thương mại là khoa học kinh tế, mà theo Gournay, giống như nhiều người cùng thời với ông, cho rằng đây là một bộ môn dựa trên các kiến ​​thức thực nghiệm có cùng cương vị như các ngành khoa học tự nhiên. Bộ môn này có, trên cơ sở nền tảng của nó, ý tưởng cho rằng con người là một sinh vật tự do và phải chăng, có khả năng tốt nhất để hiểu biết và thỏa mãn lợi ích riêng của họ, hơn bất kỳ người nào khác hoặc bất kỳ chính quyền nào khác. Do đó, mặc cho nhiều lỗi lầm và thiếu sót của con người, cũng nên để cho họ theo đuổi những mục đích riêng của họ, giải phóng những sáng kiến ​​của họ.
Cũng phải thực hiện như vậy trong lĩnh vực kinh tế và đặc biệt trong lĩnh vực lao động. Chống lại ý tưởng của những người theo thuyết trọng thương và ý tưởng của những người theo thuyết trọng nông, Gournay coi nguồn gốc của sự giàu có nằm trong sản xuất, sản xuất công nghiệp lẫn nông nghiệp, và động lực của sản xuất là lao động. Do đó cần phải giải phóng lao động khỏi mọi chướng ngại đang kìm hãm nó trong một nước Pháp theo chính thể xưa: các ban quản lí phường hội, người hướng dẫn, thợ cả, với thời gian học việc và cơ cấu hệ thống thứ bậc của họ. Người lao động phải được quyền chuyển dịch theo mong muốn của họ, ngoài nước cũng như trong nước.
Tự do lao động phải đi cùng với tự do sản xuất. Chống lại các ban quản lí phường hội, Gournay và những người theo ông cũng chống lại các hình thức độc quyền và vô số những quy định làm tê liệt hơn là kích thích hoạt động của các doanh nghiệp. Phải bãi bỏ chức năng của các thanh tra viên nhiệt tình đó, những người kiểm soát các doanh nghiệp. Cũng cần bãi bỏ những quan thu thuế, những người đi thu vô số các loại thuế và nghĩa vụ, vì lợi ích của riêng họ hơn là lợi ích của công chúng, và nên thay thế bằng một loại thuế duy nhất đánh trên mọi khoản thu nhập, một đề xuất rất độc đáo và hiện đại vào thời đó. Cuối cùng, cần loại bỏ mọi chướng ngại đối với sự tự do lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với ngũ cốc. Chính năng lực cạnh tranh, chứ không phải là các quy định, mới đảm bảo sự thịnh vượng của một dân tộc và của một quốc gia.
Chủ nghĩa tự do có điều tiết và chủ nghĩa bảo hộ
Gournay không vì thế mà ủng hộ một chủ nghĩa tự do triệt để và giáo điều như kiểu chủ nghĩa tự do của những những người theo thuyết trọng nông, tiền thân của chủ nghĩa tân tự do đương đại. Chính qua thành ngữ "tự do và bảo hộ" mà ông mô tả chương trình của ông. Tự do kinh tế phải được đảm bảo bởi Nhà nước, người đảm bảo một khung pháp lý để bảo vệ người nghèo và người lao động chống lại lợi ích của người giàu và người ăn không ngồi rồi. Hơn nữa, Nhà nước cần thúc đẩy hoạt động thương mại sao cho đảm bảo được một sự tăng trưởng kinh tế, đặt nước Pháp trở lại vị trí cạnh tranh quốc tế, một quá trình mà từ lâu họ đã nhường chỗ cho Hà Lan và nước Anh, và nay đang bị Tây Ban Nha đe dọa .
Trên bình diện chính sách kinh tế, Gournay đề xuất một chương trình bốn điểm.
Biện pháp thứ nhất là giảm lãi suất, cho phép trong số các biện pháp khác chống lại xu hướng đầu tư vào ngành tài chính nhiều hơn vào hoạt động sản xuất. Đối với Gournay, chính lãi suất thấp, một chủ trương của Child, là một trong những động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế của nước Anh.
Biện pháp thứ hai là thiết lập một hệ thống tín dụng công cộng để tạo ra các công cụ tài chính cần thiết cho sự gia tăng sản xuất.
Thứ ba, là thiết lập, giống như ở nước Anh, một đạo luật về hàng hải, buộc phải sử dụng các tàu thuyền của Pháp trong giao dịch thương mại quốc tế, thúc đẩy ngành hàng hải quốc gia, một vectơ chính của thế lực kinh tế cũng như thế lực quân sự.
Biện pháp thứ tư là thiết lập một văn phòng quản lý thương mại để đảm bảo tính nhất quán của chính sách thương mại.
Như đã thấy, chủ nghĩa tự do của Gournay không mang tính tuyệt đối. Đặc biệt, đạo luật về hàng hải là một biện pháp bảo hộ, cũng như có thể nói như vậy đối với các hoạt động của một văn phòng thương mại. Trên điểm này, tư tưởng của Gournay giống như tư tưởng của nhiều tác giả đi trước ông và cùng thời với ông, cả ở nước Anh và Pháp. Là người ủng hộ tự do kinh doanh bên trong biên giới quốc gia, ông không chủ trương tự do thương mại đối với nước ngoài. Trong một thế giới bị chi phối bởi một chủ nghĩa bảo hộ thường mang tính cực đoan, nước Pháp phải tự bảo vệ với những loại vũ khí tương tự như đối thủ cạnh tranh của họ.
Vincent de Gournay qua vài năm tháng
1712: sinh tại Saint-Malo, ngày 28 tháng 5; cha của ông, Claude Vincent, là một nhà buôn quan trọng trong thành phố.
1722-1726: học tại trường collège des Oratoriens, ở Juilly.
1729-1744: điều hành các hoạt động của một cửa hàng kinh doanh gia đình ở Cadiz, Tây Ban Nha.
1744: đến Paris, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ hàng hải, Maurepas, để tổ chức việc đưa trở lại mẫu quốc tài sản của các thương nhân Pháp bị phong tỏa ở quần đảo Antilles bởi cuộc chiến tranh kế vị của nước Áo.
1746-1747: định cư tại Hamburg, tại Vienna, tại Hà Lan và tại nước Anh, nơi ông thực thi một nhiệm vụ thu thập thông tin theo yêu cầu của Maurepas.
1747: thừa kế từ hầu tước de Gournay sau khi Jamets de Villebarre đối tác của ông qua đời, qua năm sau ông kết hôn với bà góa phụ, Clotilde de Verduc.
1749: mua lại chức ủy viên hội đồng trong Đại hội đồng.
1751: mua lại chức quản lý Bộ Thương mại; nhậm chức tại văn phòng Bộ Thương mại.
1752: thành lập một nhóm các nhà kinh tế ủng hộ chủ nghĩa tự do.
1753: Mémoire adressé à la chambre de commerce de Lyon (Hồi ký gửi cho Phòng Thương mại của Lyon). Réflexions sur la contrebande (Những suy tưởng về buôn lậu).
1753-1756: đi kinh lý thanh tra toàn nước Pháp; đi cùng với Turgot kể từ năm 1755.
Thomas Culpeper (1514-1541)
1754: xuất bản bản dịch cuốn Observations sur le commerce et l’intérêt (Những quan sát về thương mại và lãi suất) của Josiah Child và cuốn Traité sur l’usure (Chuyên luận về cho vay nặng lãi) của Thomas Culpeper; các ý kiến ​​của ông không được công bố, nhưng được biết đến một cách rộng rãi.
1755: Mémoire sur la Compagnie des Indes (Khóa luận về Công ty Ấn Độ).
1757: Observations sur l’agriculture, le commerce et les arts de la Bretagne (Những quan sát về nông nghiệp, thương mại và nghệ thuật của nước Anh). Tình trạng sức khỏe của ông suy sụp nhanh chóng.
1758: từ chức quản lý Bộ thương mại. Considérations sur le commerce, et en particulier sur les compagnies, sociétés et maîtrises (Những suy nghĩ về thương mại, đặc biệt là các ban quản lý phường hội, các hội đoàn và các thợ cả), đồng tác giả với Simon Clisquot-Blervache.
1759: qua đời tại Paris vào ngày 27 tháng 6, vì một khối u ở hông.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Gournay
Traités sur le commerce de Josiah Child, avec les remarques inédites de Vincent de Gournay, của Takumi Tsuda, Kinokuniya (Tokyo), 1983; phiên bản mới của Simone Meyssonnier, L’Harmattan, 2008.
Mémoires et lettres de Vincent de Gournay, của Takumi Tsuda, Kinokuniya (Tokyo), 1993.
Những tác phẩm viết về Gournay
Le cercle de Vincent de Gournay: savoir démo-économiques et pratiques administratives au milieu du XVIIe siècle, của Loïc Charles, Frédéric Lefebvre et Christine Théré (chủ biên), Ined, 2010.
Richard Cantillon et le groupe de Vincent de Gournay, Antoin Murphy, dans Nouvelle histoire de la pensée économique. Des scolastiques aux classiques, của Alain Béraud et Gilbert Faccarello (chủ biên), La Découverte, vol. 1, 1993.
Vincent de Gournay, or Laisser-faire without Laisser-passer, Pascale Pitavy-Simoni, trong The State of the History of Economics, James P. Henderson (chủ biên), Routledge, 1995.
Vincent de Gournay, Gustave Schelle, của Slatkine, 1984 (1re édition en 1897).
Les idées économiques de Vincent de Gournay, của G. Sécrestat-Escande, Y. Cadoret, 1911.
Eloge de Vincent de Gournay, Turgot (1759), trong Ecrits économiques, Calmann-Lévy, 1970.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Vincent de Gournay, précurseur du libéralisme et protectionniste” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF