10.3.16

“Tiền là tiên là Phật...?”


Bùi Văn Nam Sơn, Nguồn: Blog Góc Nhỏ

“Tiền là tiên là Phật...?” 

Bùi Văn Nam Sơn
(TBKTSG XUAN) - Xin thưa: còn hơn thế nữa! Tiền là ông Trời, là “Thượng Đế của thời đại chúng ta” (G. Simmel); thời đại ấy “đã thay thế sự toàn năng của Thượng Đế bằng sự toàn năng của đồng tiền” (N. Luhmann).
Simmel còn minh họa dễ hiểu: ngày trước, tòa nhà cao nhất ở các đô thị là giáo đường, nay là... các ngân hàng! “Chúng khẩu đồng từ”, nếu ta nhớ rằng Georg Simmel thuộc thế hệ đầu tiên của những nhà xã hội học Đức, còn Niklas Luhmann sống đồng thời với chúng ta. Nhiều nhà thần học vốn không chịu “thờ hai chúa” (Thượng Đế và... Thần Tài/Mammon) cũng phải cay đắng thừa nhận một “chủ nghĩa phiếm thần thờ đồng tiền” và đồng tiền trở thành “thực tại tối cao, quy định tất cả”, một danh xưng chỉ được dành cho Thượng Đế trước đây! Một sự “soán ngôi” vô tiền khoán hậu? Một cách nói thậm xưng? Dù hiểu cách nào, đây là một thực tế cần nhận diện, cần suy tưởng từ nhiều giác độ: kinh tế học, xã hội học, nhân học và triết học.
Georg Simmel (1858-1918)
Niklas Luhmann (1927-1998)
Ngày xuân, thử bàn phiếm đôi điều về đồng tiền như một thực tại thường trực trong đời sống, một sản phẩm lâu đời nhưng tiêu biểu cho thời hiện đại. Nó mang lại cho cuộc đời nhịp điệu và vẻ hấp dẫn đặc thù, đồng thời cả cách nhìn nhận đặc thù về thế giới và chỗ đứng của ta trong đó. Tiền tạo ra vô số vấn đề khi ta thiếu nó, và càng nhiều vấn đề hơn khi ta có nó. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng ta có thể làm chủ được nó. Quyền lực của ta đối với đồng tiền có chăng chỉ là cố hiểu quyền lực của nó trên ta. “Chủ đề về tiền đã lôi cuốn bao nhà thông thái từ thời Aristoteles cổ đại cho đến ngày nay bởi nó đầy bí mật và nghịch lý” như The New Encyclopedia Britannica, 1985, nhìn nhận.
BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG TIỀN?
Tìm hiểu bản chất của đồng tiền cực khó, bất chấp nỗ lực từ bao thế kỷ của các nhà kinh tế, nhà chính trị, nhà văn và cả... nhà thơ lẫn triết gia! Nó là thiện hay ác? Nó được ca tụng và mơ ước lẫn bị khinh bỉ và xa lánh. Nó sáng tạo và phá hủy, hợp nhất và phân ly, biến bạn thành thù và ngược lại. Nó ảnh hưởng quyết định đến sinh mệnh của từng cá nhân và quốc gia, mang lại sự tự do hay lệ thuộc. Nó gây nên bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Nói ngắn, con người tạo ra tiền và tiền tạo ra con người, cả về cách sống lẫn cách suy nghĩ. Có hiện tượng xã hội nào kỳ lạ hơn thế không?
VAI TRÒ SONG ĐÔI
Là đối tượng của nhận thức, tiền thuộc lĩnh vực kinh tế học với mục tiêu và phương pháp riêng của nó. Dưới cái nhìn này, tiền là phương tiện trao đổi. Nhiệm vụ của kinh tế học là xem nền kinh tế cần bao nhiêu tiền và những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc cung và cầu tiền. Phương pháp của nó chủ yếu là định lượng.
Nhưng, ta dễ thấy ngay rằng phương pháp định lượng hay “toán học hóa” là không đủ để khám phá bí mật của đồng tiền xét như một hiện tượng xã hội. Cần bổ sung vào đó những phân tích định tính. Từ đó, ta có quyền nói về một môn xã hội học, hay, hơn thế, một triết học về đồng tiền. Trong giác độ ấy, tiền không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích của trao đổi. Là phương tiện, tiền góp phần phát triển thương mại, mở rộng sự vận động của hàng hóa, dịch vụ. Nhưng, là mục đích, tiền ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của chính con người, đến mục tiêu và thái độ hành động. Tiền thay đổi cả định hướng về giá trị, ý tưởng lẫn những tiêu chuẩn đạo đức.
Aristoteles (384-322 BC)
Karl Marx (1818-1883)
Aristoteles sớm nhận ra vai trò song đôi này của đồng tiền, xem cái trước là “tự nhiên”, cái sau là “phản tự nhiên” và vô độ. K. Marx tìm hiểu bản chất của đồng tiền, cho thấy tiền - hiểu như mục đích của trao đổi - đã chuyển hóa thành tư bản như thế nào. Cũng thế, G. Simmel, mà ta sẽ trở lại, nhấn mạnh tác động kinh khủng của đồng tiền lên hành động của con người khi trở thành mục đích của trao đổi. “Tính phân cực nội tại trong bản chất của đồng tiền nằm ở chỗ nó là phương tiện tuyệt đối, nhưng qua đó, về tâm lý, trở thành mục đích tuyệt đối của vô số người, và lạ thay, thành biểu trưng khiến những định hướng quan trọng khác trong cuộc đời đều bị đông cứng lại”[1]. “Sứ mệnh lịch sử” của tiền không chỉ tạo ra nền kinh tế thị trường, mà còn tạo ra “con người kinh tế” (có thật có không?) với tâm thế được Max Weber gọi là “tinh thần của chủ nghĩa tư bản” (dù tiền không phải là sản phẩm đặc thù của chủ nghĩa tư bản). Nói cách khác, tiền không chỉ thay đổi “thế giới sự vật” và “thế giới con người” mà cả thế giới nội tâm của con người: lợi ích, lý tưởng, cảm hứng, khát vọng, thước đo luân lý, đạo đức. Tiền thay đổi hệ giá trị bằng cách ban cho mình giá trị phổ biến.
Max Weber (1864-1920)
Nhưng, “giá trị” lại là khái niệm bí hiểm nhất trong kinh tế học, có lẽ do nó là khái niệm mang tính “triết học” nhiều nhất! Georg Simmel, trong “Triết học về đồng tiền” (1900), là người đầu tiên tiếp cận vấn đề bằng con mắt triết học sâu sắc. Ông triết gia Kant vẫn còn cương quyết phân biệt giữa giá cả và giá trị: “Mọi vật đều có một giá cả. Nhưng, giá trị là vô giá, bởi nó là phẩm giá!”. Nhưng, từ khi trở thành vật ngang giá, tiền là giá cả tương đối của một món hàng, đồng thời bản thân tiền là một giá trị bởi có thể được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Tiền cào bằng tất cả, bởi nó không đếm xỉa đến cái đặc thù. Lượng thắng chất. “Tiền diễn đạt mọi sự khác biệt về chất của sự vật bằng câu hỏi: “Bao nhiêu”? Tiền, với sự dửng dưng vô màu sắc, trở thành mẫu số chung của mọi giá trị. Nó làm rỗng cái cốt lõi của sự vật, tước bỏ tính cá biệt, giá trị riêng và tính vô ước (tức không thể so sánh được với nhau) của sự vật. Mọi thứ trôi tuột với cùng một trọng lượng riêng giống nhau trong dòng chảy không ngừng của đồng tiền. Mọi vật đều nằm trên cùng một cấp độ và chỉ khác nhau ở phạm vi tác động của chúng mà thôi”. Là cái ngang giá, tiền chuyển từ phương tiện thành mục đích tự thân tuyệt đối, một cách nói khác về phẩm giá của... Thượng Đế! Không cần mang hình thức giá trị “đích thực” của kim loại quý, tiền vẫn có giá trị danh nghĩa như một ký hiệu, biểu trưng có giá trị tối cao như phương tiện và mục đích trao đổi. Vậy, giá trị của tiền không ở hình thức của nó mà ở nội dung của tiến trình xã hội được nó vận hành. Là một vật, tiền đi từ túi người này sang túi người khác, và đó là “nguồn gốc cho sức mạnh vô biên của tiền đối với xã hội”. Cơ chế vận hành của nó được tóm lược trong hai hành động: chiếm hữu và xuất nhượng, căn cứ trên năng lực chi trả. Tiền là “thước đo của giá trị” và là “thước đo của vạn vật”. Bấy giờ, với tư cách là “giá trị phổ biến”, tiền hành động như là động lực cho mọi loại hoạt động, kể cả hoạt động phi nhân tính. Những gì không nên mua bán trở thành sản phẩm có thể mua bán. Trong chừng mực đó, tiền mang lại sự bất an và rối loạn xã hội, thách thức nền tảng giao tiếp và quan hệ đạo lý.
TỰ DO VÀ THA HÓA
Trong nền kinh tế tiền tệ, cá nhân cũng chuyển hóa tương tự như những hệ giá trị khi chúng được tác động bởi đồng tiền. Con người - giống như đồng tiền - trở nên “bình đẳng”, độc lập và năng động với cái giá phải trả là mất đi cái bản sắc cố định và riêng biệt. “Tiền thực chất là hình thức sở hữu hiệu quả nhất để giải phóng cá nhân ra khỏi những sợi dây ràng buộc so với các hình thức sở hữu khác”. Con người thoát khỏi sự ràng buộc vào một loại lao động và một lối sống nhất định, giống như giá trị của đồ vật từ nay chỉ cần thể hiện bằng tiền mặt một cách trung tính. Ở đây, G. Simmel có nhận xét tinh tế: trong nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, tưởng như chống lại sức mạnh của đồng tiền, thì “thật ra vẫn vận động theo cùng một hướng là biến cá nhân ngày càng phụ thuộc vào thành quả của người khác và càng ít phụ thuộc vào “những nhân cách” đứng sau lưng họ. Cả hai hiện tượng có cùng một nguồn gốc và tạo nên các mặt đối lập của một và cùng một tiến trình: sự phân công lao động hiện đại cho phép sự lệ thuộc tăng lên, đồng thời làm cho “nhân cách” tiêu biến đàng sau các chức năng của họ”. “Tiền và giao dịch tiền tệ càng tăng thì giá trị của cá nhân càng giảm, và câu hỏi trở thành: cá nhân có thể làm gì, thay vì cá nhân ấy là ai; mọi việc quy thành tiền thay vì giá trị của xúc cảm nhân loại”.
TIỀN VÀ LÝ TRÍ
Tiền, bằng sức mạnh vật chất, thỏa mãn ý muốn tự do của con người thông qua cơ chế thị trường. Nhưng, tiền, kỳ cùng, vẫn không thể quyết định mục đích của ý muốn ấy. May mắn là: lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của lý trí. Tất cả phụ thuộc vào sự đối ứng giữa hai lực lượng: lý trí và lợi ích tiền bạc trong hoạt động có mục đích của con người. Tiền là điều kiện cần để hợp lý hóa hành động. Nhưng, ta có thể đồng ý với Simmel khi tin rằng “trí tuệ xã hội” đồng hành với nền kinh tế tiền tệ, buộc xã hội phải thấu hiểu vị trí và vai trò của đồng tiền trong xã hội để “cầm cương” đứa con khủng khiếp (“enfant terrible”) của chính mình. Ngày càng thấy cần thiết kết hợp giữa kinh tế học hướng đến hành động thực tiễn và triết học hướng đến suy tưởng để nhận thức thế giới như một toàn bộ. Tìm hiểu đồng tiền không chỉ để điều tiết thị trường mà còn để phục vụ sự phát triển xã hội. Là sản phẩm của nền văn minh, đồng thời là công cụ cho sự phát triển xã hội, tiền là yếu tố then chốt xác định những giới hạn của tự do và bình đẳng trong nền kinh tế tiền tệ.
Tiền không mang lại hạnh phúc, hiểu theo nghĩa tuyệt đối? Tiền có thể “cứu khổ cứu nạn”, tức mang lại hạnh phúc theo nghĩa tương đối? Nhưng ranh giới đó ở đâu? Một câu hỏi thú vị cho điều tra xã hội học và tâm lý xã hội[2].
Con người là sinh vật hữu hạn, song lại không có giới hạn. Bao giờ con người cũng có cái gì đó trước mắt để vượt qua và sở dĩ nó “có đó” là để được vượt qua. Con người vượt qua chính mình là vượt thoát những ranh giới, ràng buộc đang đặt ra cho mình. Có những ông bà tỉ phú đang nơm nớp ở Trung Quốc. Lại có chàng tỉ phú trẻ măng ở Mỹ hớn hở dành hết tài sản khổng lồ cho an sinh xã hội. Nói theo kiểu Camus, ta “phải tưởng tượng” chàng này đang rất hạnh phúc vì chưa lúc nào chàng có quyền quyết định tự do đến như thế. Một tác giả nhận định: “Triết lý về đồng tiền có thể góp phần “giáo dục” nhân loại và giúp họ nhớ lại rằng “thước đo của vạn vật” bao giờ kỳ cùng cũng là chính con người” (Protagoras). Ít ra là... đối với đồng tiền!
Nguồn: “Tiền là tiên là Phật...?”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 8/2/2016.
------
Bài và sách có liên quan trên PTKT:
Chú thích của PTKT: Bài này đã được đăng trên TBKTSG Xuân 2016 và được tác giả cho phép PTKT đăng lại.




[1] Các trích dẫn đều từ: Georg Simmel, Triết học về đồng tiền / Philosophie des Geldes, 1900.

[2] Kết quả thăm dò từ Princeton dựa trên 450.000 người cho thấy, ở Mỹ, người ta có sức khỏe tinh thần tốt khi thu nhập ở mức 75.000 đô la/năm, không cao hơn ! Xem: BBC (25-6-2015): Tiền và hạnh phúc: Mối quan hệ bí mật

Print Friendly and PDF