9.4.16

Một công ty Amazon (hoặc Apple, hoặc GE) tiếp theo chắc chắn sẽ thất bại ngay



Một công ty Amazon (hoặc Apple, hoặc GE) tiếp theo chắc chắn sẽ thất bại ngay

Ben Casselman
Khi Jeff Bezos thành lập một cửa hàng sách trực tuyến vào năm 1994, không ai có thể đoán rằng trong vòng chưa đầy 15 năm, công ty Amazon về cơ bản sẽ định hình lại thị trường bán lẻ ở Hoa Kỳ. Không một ai, ngoại trừ bản thân Bezos: Như cuốn sách của Brad Stone về Amazon, "The Everything Store (Cửa hàng tạp hóa)," đã làm rõ rằng, mục tiêu của Bezos ngay từ đầu là thay đổi cách thức mua sắm của người Mỹ.
Brad Stone (1971-)


Sự nổi lên đáng kể của Amazon mang lại hai bài học quan trọng cho các nhà kinh tế: Đầu tiên, một công ty có tham vọng, có sáng tạo có thể có một tác động rất lớn không chỉ đối với ngành nghề mà còn đối với cả nền kinh tế nói chung. Ngày nay, Amazon có hơn 230.000 nhân viên, con số này chưa tính đến hàng ngàn người làm việc theo hình thức là nhà thầu theo hợp đồng tại các nhà kho của công ty, bán sản phẩm trong chợ và bán sức lao động thông qua "Amazon Mechanical Turk (Dịch vụ web của Amazon, giao dịch các dự án cần người thực hiện các thao tác thông minh mà computer chưa thực hiện được — ND)". Amazon đã góp phần làm suy yếu toàn bộ các ngành nghề — các cửa hàng tổng hợp, các nhà sách, các cửa hàng dịch vụ cho thuê phim — trong khi giúp tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới.
Jeff Bezos (1964-)
Robert Litan (1950-)
Bài học thứ hai: sự thành công của Amazon gần như hoàn toàn không thể đoán trước, ít nhất là từ những người ngoài cuộc. Đối với một nhà kinh tế chỉ xem xét số liệu về các doanh nghiệp mới, thì Amazon chỉ đơn thuần là một cửa hiệu sách, một doanh nghiệp hầu như không nổi tiếng về mức tăng trưởng đột phá của nó ngay cả trước khi Internet làm xáo tung các ngành nghề. Và thậm chí nếu có ai đó nhìn kĩ hơn, điều gì phân biệt Amazon với Pets.com hay Kozmo.com hoặc bất kỳ công ty khởi nghiệp nào khác bay cao rồi lại đâm xuống đất khi bong bóng công nghệ vỡ tung vào năm 2000?
Kết quả của những bài học ấy là các nhà hoạch định chính sách liên quan đến tinh thần doanh nhân ở cả cấp độ địa phương và quốc gia đã từ lâu ủng hộ điều mà nhà kinh tế Robert Litan gọi là cách tiếp cận "sút cầu môn": cố khuyến khích càng nhiều công ty khởi nghiệp càng tốt. Hầu hết các công ty đó sẽ thất bại. Trong số những công ty còn trụ lại được, thì hầu hết sẽ không bao giờ tăng trưởng thành được những động cơ kinh tế lớn. Nhưng theo thống kê, sẽ có một vài doanh nghiệp xoay sở để trở thành một Amazon tiếp theo, với những phần thưởng rất lớn cho nền kinh tế địa phương của họ.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố vào hôm thứ Hai, một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường MIT cho rằng sự nổi lên của Amazon nghĩ cho cùng không phải là điều không thể đoán trước. Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm ra một tập hợp các đặc điểm có thể xác định những công ty nào có một cú sút cầu môn thành công. Điều đó có thể giúp các thành phố và bang tìm ra một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận “sút cầu môn” và cố gắng thúc đẩy những loại hình công ty đặc trưng có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra việc làm và thúc đẩy sự đổi mới.
Catherine Fazio
"Cách tiếp cận sút cầu môn, thực sự theo tôi, là cách tiếp cận tốt nhất, có thể được thực hiện dựa trên những thông tin đã có sẵn trước đây", Catherine Fazio, người đang nghiên cứu những tác động về chính sách của nghiên cứu mới này đã nói như vậy. "Nhưng nếu bạn có cái nhìn sâu sắc hơn nữa vào tiềm năng khởi nghiệp... thì bạn có thể bắt đầu thử nghiệm với các chương trình mới và sẽ có một cách tiếp cận phù hợp hơn."
Nghiên cứu mới được đưa ra giữa lúc tinh thần doanh nhân ở Hoa Kỳ sụt giảm trong ba thập kỷ qua. Năm 1980, người Mỹ khởi động với hơn 450.000 công ty mới, theo số liệu từ Cục điều tra dân số; năm 2013, năm gần nhất có sẵn dữ liệu, chỉ có hơn 400.000 công ty mới mặc dù dân số Hoa Kỳ đã tăng gần 40 phần trăm. Tỷ lệ các công ty khởi nghiệp sụt giảm tương ứng với một sự suy giảm các biện pháp kinh tế năng động khác — Người Mỹ đang ít thay đổi việc làm hơn, ví dụ, và đang chuyển dịch trong nước ít thường xuyên hơn — các chuyên gia kinh tế hàng đầu lo rằng Hoa Kỳ nói chung đã có khuynh hướng sợ rủi ro hơn.
Jorge Guzman
Scott Stern (1969-)
Nghiên cứu mới, dưới sự hướng dẫn của các nhà kinh tế Scott Stern và Jorge Guzman, gọi đó là chuyện tường thuật trở thành câu hỏi. Họ thấy rằng số lượng các công ty khởi nghiệp nói chung đang sụt giảm, nhưng kiểu tinh thần doanh nhân mà các nhà kinh tế quan tâm nhất — những công ty tăng trưởng nhanh, sáng tạo như Amazon — đã không có xu hướng đi xuống này; trên thực tế, trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp này đã tăng về số lượng.
Nhưng tất cả chưa phải là điều tốt. Stern và Guzman thấy rằng có rất ít những công ty khởi nghiệp có tham vọng đó thành đạt và trở thành những công ty lớn. Nói cách khác, Hoa Kỳ có thể có rất nhiều những người như Bezos, nhưng kiểu công ty như Amazon thì lại rất ít. Phát hiện này phù hợp với những nghiên cứu khác gần đây cho thấy ngay cả những công ty thành đạt nhất cũng không tạo ra được nhiều việc làm như họ đã từng làm. Hai xu hướng trên cộng lại gợi ý cho thấy rằng vấn đề của Hoa Kỳ nằm ít ở thất bại trong việc tạo ra các doanh nghiệp mới, mà nằm nhiều ở thất bại trong việc giúp các doanh nghiệp đó tăng trưởng.
"Đó là một vấn đề quy mô," Stern nói. "Cỗ máy đã biến các kiểu công ty đó ngày nay thành kiểu động cơ kinh tế nói trên có vẻ ít mạnh mẽ hơn."
John Haltiwanger (1955-)
Khởi động lại động cơ đó là điều then chốt, bởi vì về mặt lịch sử, gần một phần năm tất cả các việc làm mới mỗi năm đều được tạo ra từ các công ty mới thành lập. Nhờ công trình nghiên cứu của John Haltiwanger và những nhà kinh tế khác, các nhà kinh tế biết được rằng trong nhiều năm qua lợi ích của các công ty khởi nghiệp phần lớn xuất phát từ một số lượng nhỏ tương đối các công ty tăng trưởng nhanh. Nói chung, nhiều doanh nhân, thậm chí không muốn trở thành những kiến trúc sư vĩ đại. Họ muốn là ông chủ của chính mình, hoặc theo đuổi một đam mê, hoặc xây dựng một doanh nghiệp mà họ có thể truyền lại cho con cái. Tuy nhiên, các doanh nhân khác thì lại thiết lập ngay từ đầu mục tiêu tạo ra một tập đoàn lớn.
Về lý thuyết, chính những công ty có tham vọng đó là những công ty mà các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích mạnh nhất. Vấn đề là không ai biết làm thế nào để nhận diện chúng.
Stern và Guzman không khẳng định rằng họ có thể dự đoán công ty nào sẽ trở thành công ty Amazon tiếp theo, nhưng họ cho rằng có khả năng nhận diện những công ty đang nỗ lực như vậy. Họ thấy rằng các công ty khởi nghiệp có tham vọng đều có cùng một số phẩm chất. Tên của những công ty đó, ví dụ, có xu hướng ngắn hơn và ít có khả năng gắn với tên của người sáng lập. Họ có xu hướng thành lập những công ty cổ phần, hơn là những công ty trách nhiệm hữu hạn, và họ thường đăng ký thành lập công ty tại Delaware, một bang được biết đến với các quy định thân thiện với doanh nghiệp. Họ thường đăng ký cầu chứng ngay từ đầu trong hoạt động của doanh nghiệp. Bằng cách nhìn vào những biến nói trên và các biến khác, Stern và Guzman tính toán điều mà họ gọi là Entrepreneurial Quality Index (Chỉ số Chất lượng Doanh nghiệp) về cơ bản là một thước đo cách thức một công ty mới thành lập đạt được mức tăng trưởng cao. Khi mới được thành lập, Amazon được xếp hạng trong tốp đầu 1 phần trăm của tất cả các công ty mới thành lập trên bảng chỉ số. "Chúng ta thấy rất rõ rằng Jeff Bezos không có ý định khởi nghiệp một hiệu sách ở góc phố", Stern nói.
Các kiểu công ty khởi nghiệp có tiềm năng cao này đã không cho thấy sự suy giảm về lâu về dài như các doanh nghiệp mới thành lập nói chung. Thay vào đó, họ đã tăng trưởng qua những năm 1990, đạt đỉnh điểm trong thời kỳ bùng nổ dot-com và sau đó đã giảm sút một cách chóng mặt sau khi bong bóng công nghệ vỡ tung. Nhưng các công ty khởi nghiệp có tiềm năng cao chưa bao giờ sụt giảm trở lại mức của những năm 1980, và trong những năm gần đây, họ đã cho thấy một sự phục hồi mạnh mẽ. Tại khu vực San Francisco, các công ty khởi nghiệp có tiềm năng cao đã vượt qua đỉnh điểm của kỷ nguyên dot-com.[*]
Tuy nhiên, tiềm năng không đồng nghĩa với thành công. Stern và Guzman đã phát triển một thước đo thứ hai xem có bao nhiêu công ty có tiềm năng cao đó thực sự đạt được một mức tăng trưởng nhanh. Định nghĩa thành công của họ mang tính hẹp — họ chỉ tính những công ty hoặc cổ phần hóa hoặc bán được hơn 10 triệu USD — nhưng họ cho rằng điều này liên kết chặt với các thước đo truyền thống về sự tăng trưởng của công ty như vấn đề thuê mướn lao động. Họ nhận thấy rằng trong những năm 1990, môi trường kinh doanh quốc gia có ảnh hưởng rất tích cực có nhiều công ty mới thành lập hoạt động thành công so với mong đợi dựa vào yếu tố duy nhất là chất lượng. Nhưng trong gần như toàn bộ thời kỳ kể từ khi bong bóng dot-com vỡ tung, thì chỉ số này mang tính âm.
"Dường như có một sự suy giảm khá đáng kể trong khả năng đạt được mức tăng trưởng cao của các công ty chất lượng cao", Stern nói.
Các bằng chứng khác cũng chỉ ra cùng một hướng. Một bài viết gần đây của Haltiwanger và của các nhà kinh tế khác cho thấy rằng ngay cả các công ty khởi nghiệp, đã thành công để tăng trưởng, cũng không tạo ra được thêm việc làm một cách nhanh chóng như họ đã từng làm. Sự chuyển hướng then chốt dường như đã diễn ra vào khoảng năm 2000: Trước đó, nói chung tinh thần doanh nhân đã suy giảm, nhưng các công ty tăng trưởng nhanh nhất vẫn đóng vai trò như thường lệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng việc làm và đổi mới. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và sự suy thoái của năm 2001, ngay cả những công ty nói trên cũng đã tạo ra ít việc làm hơn so với trước đây.
"Chúng ta chỉ không nhận được điều mà chúng ta từng có từ các doanh nghiệp mới thành lập có mức tăng trưởng cao," Haltiwanger nói.
Chúng ta không rõ lý do vì sao các công ty này không tăng trưởng theo cách mà họ đã từng làm. Một khả năng lý giải là các công ty này đang thành công theo cách riêng của họ — kiếm tiền, tăng doanh số bán hàng — nhưng không có được kiểu tác động kinh tế rộng lớn hơn mà họ đã từng có. Các công ty công nghệ thường là những người sử dụng lao động tương đối nhỏ, ít nhất nhỏ hơn so với các công ty lớn trong quá khứ. Công ty Facebook, ví dụ, sử dụng ít hơn 13.000 nhân viên; công ty thép U.S. Steel, một công ty thứ ba nhỏ hơn về doanh thu, sử dụng số lao động lớn hơn gấp 2,5 lần. Phần lớn tác động kinh tế của công ty Apple nằm ở Trung Quốc, nơi mà công ty và các nhà thầu của họ thực hiện hầu hết hoạt động sản xuất của họ. Và công ty Uber nổi tiếng có hàng ngàn lái xe không được tính là nhân viên.
Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy nền kinh tế đã trở nên thù địch hơn đối với các công ty mới thành lập. Các công ty khởi nghiệp nay thất bại theo một tỷ lệ cao hơn so với trước đây, trong khi các doanh nghiệp cũ, lớn hơn đang ngày càng thống trị gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Các nhà kinh tế thuộc cả hai phía của phổ chính trị đã cho thấy bằng chứng về sự gia tăng xu hướng "tìm kiếm đặc lợi", nỗ lực của các công ty sử dụng các quy định của chính phủ hoặc các chính sách khác để tự bảo vệ mình chống lại sự cạnh tranh.
Steven Davis
"Có cả một loạt các phát triển về mặt quy định làm cho các doanh nghiệp mới và trẻ hoạt động ngày càng khó khăn hơn và thách thức hơn," Steven Davis, một nhà kinh tế thuộc Đại học Chicago, người đã nghiên cứu sự suy giảm trong tinh thần doanh nhân đã nói như vậy.
Bất luận nguồn gốc của vấn đề, chúng đã không ảnh hưởng đến tất cả các lãnh vực của đất nước một cách giống nhau. Stern và Guzman sử dụng các dữ liệu về đăng ký kinh doanh từ 15 bang để tính toán các chỉ số về chất lượng và thành công ra nhiều vùng đô thị khác nhau. Một số khu vực, như Silicon Valley, cho thấy những chỉ số cao về tinh thần doanh nhân và tăng trưởng thành công. Một số khu vực khác, như Miami, cho thấy một sự giảm mạnh về số lượng các công ty khởi nghiệp có tiềm năng cao trong những năm gần đây. Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi các thành phố có tỷ lệ cao các công ty khởi nghiệp cũng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong thập kỷ qua.
Fazio, người điều hành Phòng thí nghiệm đổi mới khoa học và chính sách (Laboratory for Innovation Science and Policy) tại trường MIT và là đồng tác giả một dự thảo chính sách dựa trên nghiên cứu của Stern và Guzman, cho biết bà hy vọng các nhà lãnh đạo ở cấp khu vực và quốc gia sẽ có khả năng sử dụng các thước đo mới này để tìm ra những chính sách hiệu quả để thúc đẩy tinh thần doanh nhân và nhận diện chính xác hơn những thách thức trong cộng đồng của họ. Fazio nói, cách tiếp cận sút cầu môn có ý nghĩa trong quá khứ, nhưng nghiên cứu mới sẽ giúp tìm ra những chính sách tinh chỉnh hơn nhiều.
"Chúng ta vẫn nghĩ rằng trong nhiều lĩnh vực sẽ rất khó để nói công ty Google hay Facebook tiếp theo có thể phát sinh từ đâu, vì vậy hãy tập trung vào việc tuyển vào những nhân viên và tài năng có nhiều khả năng nhất để khởi động những kiểu công ty này," Fazio nói. "Những chính sách đó chắc chắn là điều hữu ích, nhưng điều nên làm không phải là phân biệt các doanh nghiệp dựa trên khát vọng của họ. ... Chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều từ đại đa số những doanh nghiệp không thực sự có được khát vọng hoặc tiềm năng để tạo ra sự tăng trưởng."
Các nhà hoạch định chính sách không nên từ bỏ nỗ lực giúp đỡ những công ty khởi nghiệp ít tham vọng hơn, Fazio nói thêm. Các doanh nghiệp tăng trưởng thấp — các nhà hàng, công ty xây dựng, công ty cảnh quan — là một nguồn động thái then chốt cho sự cơ động theo chiều đi lên đối với những người nhập cư và người lao động có thu nhập thấp, và họ đóng một vai trò quan trọng, khó đo lường hơn, trong việc làm cho các cộng đồng sống động và sống được. Nhưng những chính sách giúp một đầu bếp ở địa phương khởi nghiệp nhà hàng của riêng mình không thể nào giống với những chính sách giúp thúc đẩy một công ty Amazon hay Google tiếp theo.
"Chúng ta có nhiều khả năng làm tốt hơn đối với cả hai nhóm doanh nghiệp bằng cách thừa nhận rằng họ hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi những kiểu hỗ trợ khác nhau," Fazio nói. "Những chính sách không phân biệt được giữa hai nhóm doanh nghiệp chỉ làm hại cho cả hai nhóm đó mà thôi."
Ben Casselman
Karen Mills (1953-)
Các chính sách đó là gì? Fazio chỉ ra công trình nghiên cứu của Karen Mills, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và nay là một nhà nghiên cứu tại trường Harvard Business School, người trong một bài tiểu luận được viết hồi năm ngoái, đã đưa ra một loạt các chính sách — từ các lớp học về tinh thần doanh nhân đến các vườn ươm doanh nghiệp đến các khoản cho vay hỗ trợ — để giúp các cộng đồng thúc đẩy nhiều loại hình tinh thần doanh nhân khác nhau. Nhưng nghiên cứu này vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi của nó. Điều mà các dữ liệu của Stern và Guzman có thể giúp ích là một sự thừa nhận rõ ràng hơn về những vấn đề cần được giải quyết.
Ben Casselman là trưởng nhóm những tác giả viết về kinh tế học của trang FiveThirtyEight.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




[*] Trong biểu đồ này, đường "tất cả các công ty khởi nghiệp" là số lượng các công ty mới thành lập mỗi năm như là một phần của tổng sản phẩm quốc nội. Đường "các công ty khởi nghiệp có tiềm năng cao" mang tính phức tạp hơn một chút. Nó cho thấy điều mà Stern và Guzman gọi là Chỉ số tiềm năng tinh thần doanh nhân tại địa phương (Regional Entrepreneurship Cohort Potential Index), cũng là một phần của GDP. Chỉ số này về cơ bản xem xét một nhóm các công ty và ước tính có bao nhiêu công ty trong số đó là công ty "tiềm năng cao", có nghĩa là những công ty được dự kiến sẽ tăng trưởng, điều mà Stern và Guzman định nghĩa là những công ty hoặc cổ phần hóa hoặc bán được hơn 10 triệu USD. Cả hai đường này được hiển thị như là một tỷ lệ thay đổi kể từ năm 1988.

Print Friendly and PDF