15.5.16

David Bowie, chân dung của một nhạc sĩ trở thành doanh nhân



David Bowie (1947-2016)

David Boie, chân dung của một nhạc sĩ trở thành doanh nhân

Naïri Nahapetian phỏng vấn Mathieu Thibault, nhà nghiên cứu âm nhạc, giảng viên và nhạc sĩ.
Trong khi cơ sở văn hóa Philharmonie de Paris (chủ yếu dành cho âm nhạc) tổ chức cuộc triển lãm "David Bowie is", thì nhà nghiên cứu âm nhạc Matthieu Thibault tiếp tục bàn về sự nghiệp của một ca sĩ đã không ngừng đổi mới về mặt âm nhạc và kinh tế.
Trong những điều kiện nào David Bowie đã xuất bản những đĩa nhạc đầu tiên của ông ấy? Việc gì tiêu biểu cho nền kinh tế âm nhạc vào thời điểm đó, thưa ông?
David Bowie nổi lên trong những năm 1960, vào thời điểm mà nhiều nghệ sĩ trẻ lao vào nghề, sau khi cách ly với bố mẹ, và thuê một phòng trọ sống với bạn bè. Vì vậy, những album đầu tiên của ông ấy đã được thực hiện với một ngân sách vừa phải, tuy nhiên vẫn phải sử dụng các dịch vụ của một studio chuyên nghiệp.
Tony Defries

Sau đó, vào thời kỳ của đĩa Ziggy Stardust, ông hợp tác với Tony Defries, một nhân vật khá biếm họa, hiện thân của một nhà quản lý gian xảo đang rực rỡ tỏa sáng, với những bộ quần áo bằng da lông và điếu xì gà trên môi. Người này đã sử dụng một chiến lược tiếp thị, nhân buổi ra mắt của đĩa Starman vào năm 1972, bao gồm việc đi vay nợ để thuê xe limousine và phòng suite (hạng sang) tại những khách sạn hạng sang, qua đó gửi đi một thông điệp rõ ràng tới báo chí Anh: ca sĩ này là một ngôi sao! Và điều đó đã có hiệu quả!
Tất nhiên, nếu không có chất lượng âm nhạc và nét độc đáo trong phong cách riêng của mình, thì Starman đã không thành công như vậy. Nhưng chính sách quảng cáo này, lấy cảm hứng từ hiện tượng Beatlemania (hiện tượng hâm mộ ban nhạc The Beatles trong những năm 60 của thế kỷ 20 ─ ND) làm ngược lại tất cả các bước (bởi vì việc minh tinh hóa diễn ra trước khi thành công), tiêu biểu cho một thời kỳ mà nhà quản lý và nhà sản xuất đóng một vai trò then chốt, mặc dù vốn cho sản xuất và quảng cáo có giới hạn.
Nhưng những năm 1980 đã đánh dấu một sự đứt đoạn trong sự nghiệp của ông ấy?
Năm 1976, Bowie nhận ra mình đã không nhận được tất cả các khoản bản quyền mà ông được hưởng và đã đoạn giao với Tony Defries, nhà quản lý của ông, trước khi khởi kiện ông ấy ra tòa. Chính vào thời điểm này, ông sống cô lập ở Pháp, và sau đó ở Berlin để ghi âm những album mang tính thực nghiệm cao hơn. Sau đó, ông có một thời gian dừng lại từ năm 1980 đến năm 1982, trước khi ký hợp đồng với hãng nhạc chuyên nghiệp EMI (EMI  Group Limited, hay EMI Music) để tung ra đĩa nhạc Let’s Dance, đã bán được 10 triệu bản, so với 7 triệu bản đối với đĩa Ziggy Stardust.
Trong khi vào những năm 1970 ông xuất bản được mười album nhạc, bình quân mỗi năm một album, trong đó một nửa là những kiệt tác, thì vào những năm 1980 ông chỉ xuất bản có ba album, ít thú vị hơn về mặt âm nhạc nhưng đạt được mục tiêu mà ông đã thiết lập: ra những đĩa hot bán chạy. Đây cũng là thời điểm bắt đầu những chuyến lưu diễn khổng lồ của ông trên toàn thế giới.
Sau đó, làm thế nào để thích ứng mô hình kinh tế riêng của ông ấy với những thay đổi của ngành kinh doanh âm nhạc?
Andy Warhol (1928-1987)
Brian Eno (1948-)
Vào những năm 1990, ông ấy nối lại hoạt động thử nghiệm, đặc biệt với nhạc sĩ và nhà sản xuất Brian Eno, và song song đó, quản lý hình ảnh của ông trước những các fan hâm mộ. Ông bước vào lãnh vực chứng khoán vào năm 1997, ở phố Wall, tung ra một trái phiếu trị giá 55 triệu đô-la chủ yếu được các nhà đầu tư lớn Anglo-Saxon đặt mua. Đó là một vụ chứng khoán hóa thành công bởi vì các nhà đầu tư tài chính đã hưởng ứng theo, giúp ông thu được trong một lần số tiền bằng tiền bản quyền mà ông phải mất mười năm mới thu được.
Vào cuối những năm 1990, Bowie tiến hành kinh doanh trên Internet. Vì vậy, Hours là album nhạc đầu tiên trên thế giới được bán qua mạng trước khi phát hành đĩa CD. Theo một phong cách rất giống Warhol (Andy Warhol, một nghệ sĩ người Mỹ, một trong những đại diện chính của phong trào nhạc pop ─ ND), Bowie quan tâm đến tất cả các nghệ thuật và tiếp xúc với tất cả các phương tiện truyền thông, đổi mới sáng tạo trong các video âm nhạc của mình cũng như trong phong cách giao tiếp.
Vào đầu những năm 2000, ông tung ra thương hiệu riêng của mình...


Sau khi hợp đồng của ông với các hãng nhạc chuyên nghiệp hết hạn, ông đã tung ra thương hiệu riêng của mình, Iso Records, xuất bản các album của ông kể từ Heathen (2002), kể cả album The Day Next khi ông quay trở lại vào năm 2013. Mặc dù ông không được phỏng vấn nhân album này ra đời, nhưng nó đã thành công vang dội. Sáu tháng sau đợt phát hành đầu tiên, một phiên bản deluxe đã được xuất bản tiếp. Song song đó, ông dựa vào hiệu ứng bộ sưu tập để đề xuất tái bản những album cũ cho người hâm mộ. Việc giới thiệu lại các album cũ này, được thực hiện trên một quy mô rộng lớn, đã giúp ông tiếp cận được những công chúng mới.
Nhưng xin lưu ý, dù đã tạo ra được một thương hiệu riêng, ISO, đảm bảo cho ông một hoạt động nghệ thuật tự do, ông vẫn dựa hoàn toàn vào Sony để phân phối các album nhạc của mình. Như vậy về mặt kinh tế, ông vẫn phụ thuộc các hãng nhạc chuyên nghiệp. Tương tự, nếu Bowie quản lý hoàn toàn các chi phí của phòng thu và quảng cáo, thì Sony quản lý các đĩa CD và các tác phẩm nghệ thuật.
Như vậy ông ấy đã tự thích nghi với nhiều cuộc cách mạng công nghệ?
Vào những năm 1960, vào thời kỳ của những đĩa nhạc 45 vòng, ghi âm một album đòi hỏi rất nhiều ngày làm việc ở phòng thu. Nhưng ngay cả khi chi phí đầu tư có cao hơn, có ít nghệ sĩ hơn, thì công chúng vẫn mua nhiều đĩa nhạc hơn. Như vậy, mỗi đĩa nhạc mang lại nhiều tiền hơn. Những năm 1980 được đánh dấu bởi sự ra đời của đĩa CD, mà giờ đây chúng ta nhận ra rằng đó là một cuộc cách mạng sai lầm, một sự mở rộng đơn giản của đĩa nhựa. Đặc biệt, điều này đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng tái bản các album nhạc với những bao bì mới. Đó chính là trường hợp của ban nhạc Beatles vào năm 1987 và năm 2009. Nếu đĩa nhựa vinyl trở thành thị trường của những nhà sưu tập và là một phân khúc nhỏ của thị trường, thì đĩa CD đã thúc đẩy lại thị trường bán các album nhạc và đã mang lại hàng triệu đô-la cho các nghệ sĩ đương thời.
Chính internet đã làm đảo lộn sâu sắc thị trường đĩa nhạc vào đầu những năm 2000, với việc tải về từ trên mạng và vô vàn khả năng sao chép bất hợp pháp mà nó đã mở ra. Việc tiếp cận với âm nhạc đã trải qua một cuộc cách mạng sâu sắc: chúng ta không còn nghe nhạc theo cùng một cách, chúng ta không còn cất giữ các album nhạc theo cùng một cách. Song song đó, việc thu âm nhạc tại gia đình đã trở nên rất đơn giản. Thu âm một album nhạc tốn rất ít tiền, nhưng nó cũng mang lại rất ít tiền. Kết quả: các ban nhạc rock phải chạy sô rất nhiều để sống...
Bowie đã thực hiện rất nhiều buổi diễn, nhưng đối với ông đó luôn là một cách để giới thiệu trang phục, đĩa nhạc của mình. Ông ấy đã trở thành một ngôi sao trước khi diễn ra những biến đổi nói trên và tự tin với sự nổi tiếng của mình, ông đã thử nghiệm nhiều hình thức khác nhau để phát hành các tác phẩm của mình.
Cuộc triển lãm "David Bowie is" và sự thành công của nó cho thấy thương hiệu David Bowie từ nay đã vững chắc dường nào, để không còn cần đến sự hiện diện của ông nữa...
John Lennon (1940-)
David Bowie không ở đầu nguồn của cuộc triển lãm ngay cả khi ông cho phép tổ chức nó. Sau các bảo tàng Victoria và Albert Museum ở London vào năm 2013, cuộc triển lãm này đã được tổ chức tại Toronto, Sao Paulo, Berlin, Chicago trước khi đến Paris và Melbourne vào năm 2015. Điều thú vị là cứ mỗi lần tổ chức cuộc triển lãm như vậy, thì nó đều thành công, điều mà ngay cả các cuộc triển lãm dành cho Pink Floyd (2003) và John Lennon (năm 2006) đều không có được. Vì vậy, vé bán cho cuộc triển lãm tại London đã hết sạch rất nhanh và người ta thậm chí còn chứng kiến ​​cnh các fan hâm mộ đổ xô đến cuộc triển lãm giống như đến các show diễn của Bowie.
Liệu David Bowie có vẫn là một nghệ sĩ có thái độ lật đổ trật tự truyền thống không?
Boy George (1961-)
Ông đã là như thế vào những năm 1970, với thời kỳ của glam-rock (lối ăn mặc, trang điểm mang tính phi giới tính và rất lập dị ─ ND) của ông, khi ông công khai phong cách thời trang ái nam ái nữ và đã gây ra nhiều hoài nghi về sự đồng tính hoặc lưỡng tính của ông. Ngày nay, ông cho biết đó là những hành động khiêu khích nhằm xây dựng chung quanh hình ảnh ông một huyền thoại truyền thông. Như vậy rõ ràng ông đã mở đường cho các nghệ sĩ như Boy George, người đã đấu tranh rất nhiều trong phong trào đồng tính ở Anh.
Kể từ khi David Bowie già dặn hơn về mặt âm nhạc, ghi âm những bản nhạc phức tạp hơn, thì ông cũng đã có một hình ảnh ít bị chỉ trích hơn và công khai xuất hiện như là một người cha gương mẫu với cô con gái nhỏ, đứa con chung với người mẫu Iman.
Bowie, đặc biệt, là một tắc kè hoa, mà hình ảnh phản ánh hơi thở của thời đại. Nhưng ông vẫn mang một bản sắc vô cùng độc đáo và sáng tạo và đã trở thành, như cuộc triển lãm David Bowie is cho thấy, một biểu tượng thánh linh khi ông vẫn còn sống.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: David Bowie, portrait de l'artiste en entrepreneur, Alternatives Economiques, Avril 2015.
Print Friendly and PDF