31.5.16

Kinh tế như một quá trình được thiết chế


Kinh tế như một quá trình được thiết chế[1]

Trong chương này, chúng tôi chủ yếu xác định nghĩa của thuật ngữ “kinh tế” sao cho có thể vận dụng nó một cách đồng nhất vào tất cả các khoa học xã hội.
Trước hết phải nhận thấy là, khi nói đến hoạt động của con người, thuật ngữ “kinh tế” có hai ý nghĩa có cội nguồn khác nhau mà chúng tôi gọi bằng nghĩa thực chất và nghĩa hình thức.
Nghĩa thực chất bắt nguồn từ sự phụ thuộc của con người vào tự nhiên và đồng loại nhằm đảm bảo sự sống còn của mình. Nghĩa này dẫn chiếu về sự trao đổi giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Sự trao đổi này cung cấp cho con người những phương tiện nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình.
Nghĩa hình thức bắt nguồn từ tính logic của quan hệ giữa cứu cánh và phương tiện, như các từ “kinh tế” và “tiết kiệm” cho thấy. Nghĩa này dẫn chiếu về tình thế lựa chọn nhất định, tức là lựa chọn giữa những cách sử dụng khác nhau các phương tiện khác nhau do sự khan hiếm của các phương tiện này. Nếu những quy luật chi phối việc lựa chọn các phương tiện được gọi là logic của hành động duy lí thì chúng ta có thể gọi biến thể này của logic bằng một khái niệm mới: kinh tế hình thức.
Hai nghĩa cơ bản của thuật ngữ “kinh tế”, nghĩa thực chất và nghĩa hình thức, hoàn toàn không có điểm chung. Nghĩa sau bắt nguồn từ logic và nghĩa đầu bắt nguồn từ sự kiện. Nghĩa logic kéo theo một tập những quy luật liên quan đến việc lựa chọn giữa những cách sử dụng khác nhau những phương tiện giới hạn. Nghĩa thực chất không ám chỉ bất kì lựa chọn nào, và nếu có, thì lựa chọn này không nhất thiết được xác định bởi hiệu ứng giới hạn của sự “khan hiếm” các phương tiện; trong thực tế, một vài điều kiện vật lí và xã hội quan trọng nhất để sống, như có không khí và nước uống hay tình mẹ thương con, thường là không đến nỗi khan hiếm. Logic tất yếu hàm chứa trong một trong hai khái niệm trên khác với logic tất yếu hàm chứa trong khái niệm kia. Sức mạnh của tam đoạn luận khác với lực hấp dẫn. Những qui luật của tinh thần chi phối khái niệm này trong khi những quy luật của tự nhiên chi phối khái niệm kia. Cả hai ý nghĩa không thể nào xa lạ hơn: về mặt ngữ nghĩa, chúng hoàn toàn đối lập nhau.
Karl Polanyi (1886-1964)
Theo chúng tôi, duy chỉ nghĩa thực chất của “kinh tế” mới có khả năng sản sinh những khái niệm mà các khoa học xã hội đòi hỏi để phân tích tất cả các nền kinh tế từng tồn tại trong quá khứ và hiện tại. Do đó khuôn khổ quy chiếu chung chúng tôi muốn xây dựng buộc chúng tôi xử lí vấn đề bằng những khái niệm thực chất. Như đã nói, trở ngại tức thì nổi lên trên đường chúng tôi nằm ở khái niệm “kinh tế”, vốn đồng thời hàm chứa cả hai nghĩa thực chất và hình thức. Tất nhiên, sự hỗn hợp ý nghĩa như thế là chấp nhận được khi mà ta còn ý thức những hiệu ứng ràng buộc của sự hỗn hợp ấy. Nhưng khái niệm thông dụng “kinh tế” đúc thành một khuôn duy nhất ý nghĩa của “sống còn” và “khan hiếm” mà không quan tâm đủ đến những nguy cơ của sự hợp nhất này đối với sự hiểu biết thích đáng.
Alfred Marshall (1842-1924)
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Tổ hợp khái niệm trên bắt nguồn một cách logic từ hoàn cảnh ngẫu nhiên. Hai thế kỉ vừa qua đã sản sinh ở Tây Âu và Bắc Mĩ một cách tổ chức những phương tiện sinh tồn của con người đặc biệt phù hợp cho việc áp dụng những quy luật của sự lựa chọn. Hình thái kinh tế này gồm một hệ thống thị trường tạo ra giá cả. Do những hành động trao đổi, như được thực hiện trong hệ thống này buộc các đối tác phải lựa chọn vì thiếu phương tiện nên người ta có thể quy hệ thống về một mô hình có thể thích nghi với những phương pháp đặt cơ sở trên ý nghĩa hình thức của “kinh tế”. Ngày nào một hệ thống như thế còn kiểm soát nền kinh tế thì ý nghĩa thực chất và hình thức hầu như là hợp nhất với nhau. Người không am hiểu chấp nhận khái niệm này như là điều hiển nhiên; những nhân vật như Marshall, Pareto hay Durkheim cũng chấp nhận nó. Duy chỉ Menger phê phán thuật ngữ này trong tác phẩm xuất bản sau khi ông mất nhưng cả ông lẫn những tác giả sau ông như Max Weber Parsons đều không thấy tầm quan trọng của sự phân biệt trên cho phân tích xã hội. Thật ra dường như không có lí do chính đáng nào để tiến hành phân biệt hai nghĩa cơ bản mà, như đã nói, chỉ có thể bị đồng nhất trong thực tiễn.
Emile Durkheim (1858-1917)
Carl Menger (1840-1921)
Do đó, nếu phân biệt hai nghĩa của thuật ngữ “kinh tế” trong ngôn ngữ nói là sự phô trương thuần túy kiến thức thì việc hợp nhất chúng thành một khái niệm duy nhất dù sao cũng là có hại cho một phương pháp luận chính xác của các khoa học xã hội. Hiển nhiên rằng kinh tế học là một ngoại lệ vì, trong hệ thống thị trường, các khái niệm của nó có một sự tương ứng với thực tế. Nhưng khi nghiên cứu vai trò của kinh tế trong xã hội con người thì nhà nhân học, xã hội học hay sử học đều đối mặt, ngoài các thị trường, với sự đa dạng các thể chế trong đó những phương tiện sống còn của con người được lồng kết vào. Không thể xác định những vấn đề như thế bằng một phương pháp phân tích được quan niệm cho một hình thái kinh tế đặc biệt phụ thuộc vào sự có mặt của những yếu tố thị trường đặc biệt[2].
Talcott Parsons (1902-1979)
Max Weber (1864-1920)
Chúng tôi vừa phác thảo những nét lớn của cuộc bàn luận.
Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc xem xét sâu hơn những khái niệm bắt nguồn từ hai nghĩa của “kinh tế”, trước tiên theo nghĩa hình thức và tiếp đến theo nghĩa thực chất. Như vậy, chúng tôi sẽ có khả năng mô tả những nền kinh tế thực nghiệm – dù cho đó là những nền kinh tế sơ khai hay cổ xưa – theo cách mà quá trình kinh tế được thể chế hóa. Ba thể chế thương mại, tiền tệ và thị trường được dùng làm ví dụ. Cho đến nay, chúng chỉ được xác định bằng những khái niệm hình thức, cho nên mọi cách tiếp cận được quan niệm khác hơn là bằng khái niệm thị trường bị loại trừ. Phân tích ba thể chế này bằng những khái niệm thực chất sẽ giúp chúng ta đến gần với khung quy chiếu phổ cập được mong muốn.

1. Nghĩa hình thức và nghĩa thực chất của “kinh tế”

Xét khái niệm hình thức bắt đầu bằng cách mà logic của hành động duy lí sinh ra kinh tế học hình thức và, đến lượt nó, kinh tế học này sinh ra phân tích kinh tế.
Trong trường hợp này, hành động duy lí được định nghĩa như việc lựa chọn những phương tiện đối với các cứu cánh. Các phương tiện tượng trưng cho những gì phục vụ một mục đích, thể theo những qui luật của tự nhiên hay theo những qui tắc của trò chơi. Như thế, tính từ “duy lí” không áp dụng cho các mục đích lẫn các phương tiện, nhưng đúng hơn cho quan hệ phương tiện-mục đích. Ví dụ, người ta không giả định rằng sẽ duy lí hơn khi mong muốn sống hơn là mong muốn chết, hay, như trong trường hợp đầu, sẽ là duy lí, nếu muốn sống lâu, khi lựa chọn các phương tiện do khoa học hơn là do mê tín cung cấp. Vì, bất luận mục đích là gì thì sẽ duy lí khi chọn các phương tiện vì mục đích ấy; và với các phương tiện thì sẽ không duy lí nếu hành động theo những tiêu chí khác với những tiêu chí mà ta tin tưởng. Chẳng hạn, trong việc tự tử, sẽ là duy lí khi chọn những phương tiện dẫn tới cái chết; và nếu ta tin vào pháp thuật thì sẽ là duy lí khi trả tiền cho một pháp sư để đạt mục đích.
Do đó logic của hành động duy lí được áp dụng vào tất cả các phương tiện và mục đích, bao trùm những lợi ích gần như vô tận của con người. Trong trò chơi cờ vua hay trong công nghệ, trong đời sống tôn giáo hay trong triết học, các mục đích có thể bao phủ cả một gam rộng lớn từ những vấn đề tầm thường đến những vấn đề phức tạp và mơ hồ nhất. Tương tự như vậy trong lĩnh vực kinh tế, mục đích có thể liên quan đến việc làm dịu tạm thời cơn khát cũng như mong muốn đến lúc cao tuổi vẫn sống mạnh khỏe trong lúc các phương tiện tương ứng theo thứ tự sẽ là một cốc nước và một niềm tin dựa trên sự quan tâm của con cái lẫn cuộc sống ngoài trời.
Bằng cách giả định rằng lựa chọn được xác định bởi sự thiếu thốn phương tiện nên logic của hành động duy lí trở thành cái biến thể này của lí thuyết lựa chọn được chúng tôi gọi là kinh tế học hình thức. Một cách logic, lí thuyết này chưa nối kết với khái niệm kinh tế con người, nhưng đã đến gần một bước. Kinh tế hình thức bắt nguồn, như chúng tôi đã nói, từ một tình thế lựa chọn do thiếu hụt phương tiện. Đó là điều được gọi là định đề về sự khan hiếm. Trước tiên, định đề này kéo theo rằng các phương tiện là hiếm; tiếp đến là lựa chọn được xác định bởi sự khan hiếm. Người ta xác định sự thiếu thốn phương tiện so với các mục đích bằng một thao tác đơn giản “đánh dấu” rằng có phương tiện hay không có đủ phương tiện. Để sự khan hiếm này buộc phải đưa đến việc lựa chọn thì các phương tiện phải có thể khai thác các phương tiện theo nhiều cách khác nhau và các mục đích phải được xếp theo thứ hạng, nghĩa là ta phải có ít nhất hai mục đích xếp theo thứ tự sở thích. Đó là hai điều kiện thực tế. Trong một trường hợp nhất định, các phương tiện được sử dụng là do quy ước hay do công nghệ không phải là điều quan trọng; tương tự như thế đối với các mục đích.
Sau khi đã định nghĩa như trên sự lựa chọn, khan hiếm và thiếu thốn bằng những khái niệm có tính thao tác, dễ dàng thấy rằng cũng như có lựa chọn mà không có khan hiếm thì cũng có khan hiếm mà không có lựa chọn. Lựa chọn có thể được xác định bởi sự thích cái công bằng chống cái bất công (lựa chọn đạo đức) hoặc được quyết định khi ở một ngã rẽ có hai đường, hay nhiều hơn, đều có những lợi thế và bất tiện giống nhau và đều dẫn tới nơi muốn đến (lựa chọn hành động cụ thể). Trong mỗi một trường hợp này, một số lớn phương tiện, thay vì làm giảm lại làm tăng khó khăn lựa chọn. Đương nhiên, sự khan hiếm có thể có mặt hay không trong hầu hết các lĩnh vực của hành động duy lí. Triết học không phải bao giờ cũng là sản phẩm đơn giản của tưởng tượng sáng tạo nhưng có th tạo điều kiện tiết kiệm các giả thiết. Hay để trở lại với lĩnh vực những điều kiện sinh tồn, trong một số nền văn minh những tình thế khan hiếm dường như là ngoại lệ trong lúc với một số khác tiếc thay lại là phổ biến. Trong cả hai trường hợp, có khan hiếm hay không là một trạng thái thực tế mà nguồn gốc nằm ở Tự nhiên hay ở Luật.
Bây giờ xét vấn đề cuối cùng – và không phải là thứ yếu – của phân tích kinh tế. Bộ môn này là kết quả của việc áp dụng kinh tế hình thức vào một nền kinh tế thuộc một loại nhất định là hệ thống thị trường. Ở đây kinh tế được cụ thể hóa bằng những thể chế sao cho những lựa chọn cá nhân dẫn đến những chuyển động phụ thuộc nhau cấu thành quá trình kinh tế, bằng cách mở rộng việc sử dụng những thị trường tạo ra giá cả. Tất cả sản phẩm và dịch vụ, kể cả việc sử dụng nhân lực, đất đai và tư bản, đều có thể mua được trên thị trường và do đó đều có một giá; tất cả các hình thức thu nhập bắt nguồn từ việc bán sản phẩm và dịch vụ; như vậy, lương, tô và tiền lãi hiện ra như những loại giá khác nhau tùy theo hàng hóa được bán. Việc phổ cập sức mua như cách thức để sở hữu biến quá trình thỏa mãn những đòi hỏi thành việc phân bổ những phương tiện khan hiếm, đặc biệt là tiền tệ, cho những mục đích khác nhau. Từ đó những điều kiện cũng như hệ quả của lựa chọn có thể được lượng hóa bằng giá. Có thể khẳng định rằng phương pháp tiếp cận hình thức, bằng cách tập trung vào giá như là sự kiện kinh tế đặc biệt tiêu biểu, mô tả toàn bộ nền kinh tế như được xác định bởi những lựa chọn mà động cơ là sự khan hiếm các phương tiện. Những công cụ khái niệm cho phép đạt đến kết quả này cấu thành bộ môn phân tích kinh tế.
Tất cả những điều trên xác định những miền giới hạn trong đó phân tích kinh tế, với tư cách là phương pháp, có thể tỏ ra hiệu quả. Bằng việc vận dụng nghĩa hình thức, người ta đặc trưng kinh tế như một loạt những hành động nhằm tiết kiệm, nghĩa một loạt những lựa chọn do những tình thế khan hiếm xác định. Trong lúc những quy luật chi phối các hành động trên là phổ cập thì mức độ áp dụng của các quy luật này vào một nền kinh tế nhất định thay đổi tùy theo là nền kinh tế ấy có phải là một loạt những hành động thuộc kiểu đó hay không. Để có những kết quả lượng hóa, thì các chuyển động về địa điểm và sở hữu, vốn cấu thành quá trình kinh tế hiện ra trong trường hợp này như là phụ thuộc vào những hoạt động xã hội liên quan đến những phương tiện khan hiếm và do đó được giá cả định hướng. Tình thế này chỉ xảy ra trong một hệ thống thị trường.
Thật vậy, mối liên hệ kinh tế hình thức và nền kinh tế của con người là ngẫu nhiên. Ngoài hệ thống các thị trường tạo ra giá cả ra, phân tích kinh tế gần như mất hết tính xác đáng như là phương pháp nghiên cứu sự vận hành của nền kinh tế. Một nền kinh tế được kế hoạch hóa từ một trung tâm và dựa trên những giá cả phi thị trường là một ví dụ được biết rõ.
Nguồn gốc của khái niệm thực chất nằm ở kinh tế “thực nghiệm”. Có thể định nghĩa nhanh kinh tế này như là một quá trình thể chế hóa sự tương tác giữa con người và môi trường của nó, được thể hiện bằng việc cung cấp liên tục những phương tiện vật chất cho phép thỏa mãn các nhu cầu. Việc thỏa mãn nhu cầu có tính “vật chất” nếu điều này kéo theo việc sử dụng những phương tiện vật chất để thỏa mãn các mục đích; nếu là một kiểu chính xác những nhu cầu sinh lí như thực phẩm hay nhà ở thì chỉ có sự can dự của những gì được gọi là dịch vụ.
Bởi vậy kinh tế là một quá trình thể chế hóa. Hai ý tưởng nổi lên: “quá trình” và việc nó được “thể chế hóa”. Ta thử xem hai khái niệm này mang lại gì cho hệ thống của chúng ta.
Quá trình gợi ý một phân tích bằng khái niệm chuyển động. Các chuyển động phản ảnh hoặc là những thay đổi địa điểm hoặc là những thay đổi người sở hữu, hoặc cả hai loại thay đổi này. Nói cách khác, những yếu tố vật chất có thể làm thay đổi vị trí của chúng bằng cách thay đổi địa điểm hay thay đổi “tay cầm”; hơn nữa, những thay đổi vị trí này, thuộc những kiểu khác nhau, có thể đi cùng hay không đi cùng nhau. Có thể nói là hai kiểu chuyển động này bao phủ hết những khả năng của quá trình kinh tế như là hiện tượng tự nhiên và xã hội.
Những thay đổi địa điểm bao trùm, ngoài việc vận tải, cả sản xuất mà việc di chuyển các đồ vật trong không gian cũng là điều thiết yếu. Các sản phẩm thuộc về cấp thấp hay cấp cao tùy theo lợi ích của chúng đối với người tiêu dùng. “Trật tự sản phẩm” nổi tiếng này đối lập những sản phẩm tiêu dùng với những sản phẩm sản xuất, tùy theo là chúng thỏa mãn trực tiếp hay chỉ là gián tiếp bằng việc kết hợp với những sản phẩm khác. Kiểu chuyển động các yếu tố là một phần thiết yếu của kinh tế hiểu theo nghĩa thực chất, tức là sản xuất.
Chuyển động sở hữu chi phối điều người ta quen gọi là lưu thông sản phẩm lẫn quản lí sản phẩm. Trong trường hợp đầu, chuyển động sở hữu là kết quả của những giao dịch, và trong trường hợp sau là của sự bố trí. Do đó, một giao dịch là một chuyển động sở hữu tương tự với việc thay đổi “tay cầm” gắn kết với, thể theo phong tục hay luật pháp, những hiệu ứng sở hữu nhất định. Cụm từ “tay cầm” ở đây tượng trưng cho những nhóm hay cơ quan, cũng như những cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân, sự khác biệt giữa các chủ thể này chủ yếu là một vấn đề tổ chức nội bộ. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng vào thế kỉ XIX thường người ta liên kết ý tưởng doanh nghiệp tư nhân với giao dịch trong lúc doanh nghiệp công cộng thường gắn liền với ý tưởng bố trí.
Việc lựa chọn thuật ngữ trên kéo theo một số định nghĩa khác. Những hoạt động xã hội, trong chừng mực chúng thuộc về quá trình này, có thể gọi là kinh tế; các định chế được gọi là kinh tế trong chừng mực chúng hàm chứa sự tập trung của những hoạt động kinh tế; mọi thành tố của quá trình này có thể được xem như một yếu tố kinh tế. Có thể và là tiện lợi khi phân loại các yếu tố này thành những nhóm khác nhau: nhóm sinh thái, công nghệ hay xã hội tùy theo chúng thuộc về môi trường tự nhiên, trang thiết bị cơ khí hay môi trường con người. Như vậy, một loạt những khái niệm, mới và cũ, được bổ sung vào khung quy chiếu của chúng tôi thể theo đặc tính của quá trình kinh tế.
Tuy nhiên, nếu quá trình kinh tế này chỉ giới hạn ở một tương tác cơ học, sinh học hay tâm lí của các yếu tố thì nó sẽ không có tính hiện thực tổng quát. Nó sẽ chỉ chứa đựng bộ xương đơn giản của những quá trình sản xuất và vận chuyển và những thay đổi sở hữu. Khi thiếu vắng bất kì chỉ dẫn nào về những điều kiện xã hội từ đó bắt nguồn động cơ của các tác nhân thì sẽ ít có, nếu không nói là không có, điều gì cho phép khẳng định sự phụ thuộc lẫn nhau và tính lặp lại của các chuyển động làm cơ sở cho tính thống nhất và ổn định của quá trình. Những yếu tố của tự nhiên và của nhân loại, trong sự tương tác với nhau, sẽ không tạo thành một thể thống nhất chặt chẽ; chúng không tạo nên trong thực tế bất kì thực thể cấu trúc nào có thể được xem như có một chức năng trong xã hội hay có một lịch sử. Quá trình sẽ thiếu chính những phẩm chất khiến cho tư duy chung cũng như tư duy bác học xem xét những vấn đề sinh kế của con người, được coi như một lĩnh vực đáng quan tâm, trên quan điểm thực tiễn cũng như lí thuyết và phẩm giá đạo đức.
Do đó tầm quan trọng cơ bản của khía cạnh thể chế của kinh tế. Trên phương diện của quá trình, thoạt nhìn điều gì xảy ra giữa con người và đất đai trong lúc cày hay ở dây chuyền lắp ráp trong lúc sản xuất xe ôtô là việc đơn giản chia nhỏ những chuyển động của các yếu tố con người và không con người. Trên quan điểm thể chế, đó chỉ là một quan hệ giữa các khái niệm lao động và tư bản, nghề nghiệp và sự hợp tác, sự chậm chạp và nhanh chóng, sự gia tăng những rủi ro và những yếu tố ngữ nghĩa khác bắt nguồn từ bối cảnh xã hội. Ví dụ, sự lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản qui chiếu về hai cách thể chế hóa khác nhau công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất. Trên phương diện chính trị, việc công nghiệp hóa các nước đang phát triển kéo theo một mặt, sự lựa chọn các kĩ thuật, và mặt khác sự lựa chọn những phương pháp để ứng dụng các kĩ thuật này. Sự phân biệt về mặt khái niệm là thiết yếu nếu muốn hiểu sự phụ thuộc lẫn nhau công nghệ và các thể chế cũng như sự độc lập tương đối của hai nhân tố ấy.
Việc thể chế hóa quá trình kinh tế gán cho quá trình này tính thống nhất và ổn định; nó tạo nên một cấu trúc có một chức năng nhất định trong xã hội; nó làm thay đổi vị trí của quá trình trong xã hội, và như vậy gán một ý nghĩa cho lịch sử quá trình. Tính thống nhất và ổn định, cấu trúc và chức năng, lịch sử và chính trị xác định nội dung khẳng định của chúng tôi rằng nền kinh tế con người là một quá trình thể chế hóa.
Do đó kinh tế của con người được lồng kết và nằm trong những thể chế kinh tế và phi kinh tế. Tính đến khía cạnh phi kinh tế là một điều quan trọng. Vì có thể là kinh tế và chính phủ cũng là những nhân tố quan trọng đối với cấu trúc và hoạt động của nền kinh tế không kém gì các định chế tiền tệ hay sự có mặt của những công cụ và máy móc làm giảm bớt sự mệt nhọc trong lao động.
Nghiên cứu sự thay đổi vị trí của kinh tế trong xã hội do đó không gì khác hơn là nghiên cứu cách mà quá trình kinh tế được thiết chế ở những thời kì và địa điểm khác nhau.
Việc nghiên cứu này đòi hỏi một số công cụ đặc biệt.

2. Sự tương hỗ, tái phân phối và trao đổi

Một nghiên cứu về cách mà các nền kinh tế thực nghiệm được thiết chế trước tiên phải quan tâm đến cách mà các nền kinh tế có được sự thống nhất và ổn định, nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau và tính lặp lại của những yếu tố của các nền kinh tế ấy. Nghiên cứu này được tiến hành bằng một tổ hợp một số mô hình giới hạn mà ta có thể gọi là những hình thái hợp nhất. Do các hình thái này diễn ra song song với nhau ở những cấp độ và trong những khu vực khác nhau của nền kinh tế cho nên thường là không thể xem một hình thái duy nhất là hình thái thống trị, chúng cho phép tiến hành phân loại tổng quát các nền kinh tế thực nghiệm. Tuy nhiên, khi phân biệt các khu vực và cấp độ kinh tế, các hình thái này cung cấp một cách mô tả quá trình kinh tế bằng những khái niệm tương đối đơn giản, qua đó đưa vào một thước đo thứ bậc với những biến thể bất tận.
Trên quan điểm thực nghiệm, chúng ta nhận thấy những mô hình chính là sự tương hỗ, tái phân phối và trao đổi. Sự tương hỗ gợi ý những chuyển động tương ứng của những nhóm đối xứng; tái phân phối chỉ những chuyển động sở hữu hướng về một trung tâm rồi từ trung tâm này ra bên ngoài. Trao đổi ở đây quy chiếu về những những chuyển động con thoi như các thay đổi “tay cầm” trong một hệ thống thị trường. Do đó đằng sau sự tương hỗ là những nhóm đối xứng có thứ bậc; tái phân phối dựa trên sự có mặt, trong nội bộ của nhóm, của một hình thức trung tâm nhất định; để cho sự trao đổi tạo nên sự hợp nhất xã hội thì phải có một hệ thống thị trường sản sinh ra giá cả. Rõ ràng là các mô hình hợp nhất khác nhau này đòi hỏi phải có những điểm tựa thể chế nhất định.
Diễn giải đến đây cần nói rõ thêm về các khái niệm trên. Các khái niệm tương hỗ, tái phân phối và trao đổi áp dụng vào các hình thức hợp nhất của chúng tôi thường được sử dụng để chỉ những quan hệ liên cá nhân. Thoạt nhìn các hình thức hợp nhất này có vẻ chỉ tượng trưng cho những tổng gộp đơn giản những hình thức khác nhau của hành vi cá nhân; nếu sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân là thường xuyên thì kết quả là một sự hợp nhất dưới dạng tương hỗ; ở đâu mà sự chia sẻ giữa cá nhân với nhau là thông dụng thì sẽ có sự hợp nhất kiểu tái phân phối; tương tự như vậy hàng đổi hàng thường xuyên sẽ dẫn đến một sự hợp nhất dưới dạng trao đổi. Nếu thật sự là như thế, các mô hình những hình thức của chúng tôi sẽ không gì khác hơn là những tổng gộp đơn giản các hình thức tương ứng với hành vi ở cấp độ cá nhân. Tất nhiên chúng tôi đã nhấn mạnh rằng hiệu ứng hợp nhất bị điều kiện hóa bởi sự có mặt của những dàn xếp thể chế đặc biệt, theo thứ tự là những tổ chức đối xứng, những cấu trúc tập trung và những hệ thống thị trường. Nhưng các dàn xếp này dường như chỉ biểu trưng một sự tổng gộp đơn giản cùng các mô hình hành vi cá nhân mà chúng được giả định là điều kiện hóa các hiệu ứng có thể. Điều có ý nghĩa là tự bản thân các tổng gộp đơn giản này không sinh ra những cấu trúc ấy. Ứng xử tương hỗ giữa các cá nhân chỉ là hành vi kinh tế nếu có những cấu trúc đối xứng có thứ bậc, như cấu trúc họ hàng. Nhưng một hành vi hỗ tương đơn thuần ở cấp độ cá nhân không thể tạo nên một hệ thống họ hàng. Tương tự như thế đối với việc tái phân phối. Tái phân phối giả định trước là có một trung tâm phân bổ trong cộng đồng. Tuy nhiên tổ chức và quyết tâm của trung tâm này không đơn thuần là hệ quả của những hành động chia sẻ thường xuyên như chúng xảy ra giữa các cá nhân. Cuối cùng ta cũng có thể nói như thế đối với hệ thống thị trường. Những hành động trao đổi ở cấp độ cá nhân chỉ tạo ra giá cả khi chúng diễn ra trong một hệ thống thị trường sinh sản giá cả, một cấu trúc thể chế không bao giờ ra đời chỉ bằng hành động đơn thuần của những trao đổi ngẫu nhiên. Đương nhiên ý định của chúng tôi không phải là gợi ý rằng những mô hình cơ bản trên là kết quả của những lực bí ẩn tác động bên ngoài lĩnh vực của hành vi cá nhân hay cá thể. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nếu, trong một trường hợp bất kì, những hiệu ứng xã hội của hành vi cá thể phụ thuộc vào sự có mặt của những điều kiện thể chế nhất định thì không vì thế mà những điều kiện này phụ thuộc vào hành vi cá nhân ấy. Thoạt nhìn, mô hình cơ bản có vẻ là kết quả của sự lặp lại một kiểu hành vi cá nhân tương ứng, nhưng những yếu tố cơ bản về tổ chức và hiệu lực tất yếu do một kiểu hành vi hoàn toàn khác cung cấp.
B. Malinowski (1884-1942)
R. Thurnwald (1869-1954)
Theo hiểu biết của chúng tôi, người đầu tiên khám phá quan hệ thật sự giữa, một mặt, ứng xử có đi có lại ở cấp độ liên cá nhân và, mặt khác, những cấu trúc đối ứng nhất định là nhà nhân học Richard Thurnwald vào năm 1915 trong một nghiên cứu thực nghiệm về hệ thống hôn nhân của người Bánaros ở New Guinea. Mười năm sau, Bronilaw Malinowski, khi quy chiếu về Thurnwald, tiên doán rằng những ứng xử có đi có lại thú vị về mặt xã hội bao giờ cũng dựa trên những hình thức đối ứng của tổ chức xã hội. Bảng mô tả của ông về hệ thống họ hàng người Trobriandais cũng như thương mại Kula xác thực khẳng định của ông. Tác giả này duy trì quan điểm của mình khi chỉ xem sự đối ứng như một mô hình cơ bản trong số nhiều mô hình cơ bản khác. Rồi tiếp theo sự tương hỗ, ông thêm vào sự tái phân phối và trao đổi như những hình thức hợp nhất khác; tương tự như vậy, ông bổ sung vào tính đối ứng, tính trung tâm và thị trường như những ví dụ khác về những điểm tựa thể chế. Từ đó có những hình thức hợp nhất và những mô hình về điểm tựa cấu trúc của chúng tôi.
Điều này sẽ góp phần giải thích vì sao, trong lĩnh vực kinh tế, khi thiếu một số điều kiện thể chế tiên quyết, điều thường xảy ra là hành vi liên cá nhân không sản sinh được những hiệu ứng xã hội được chờ đợi. Chỉ có trong một môi trường đối xứng có thứ bậc thì ứng xử có đi có lại mới đưa đến những định chế kinh tế có tầm quan trọng: chỉ khi tạo ra những trung tâm phân phối thì những hành động chia sẻ cá thể mới đưa đến một nền kinh tế tái phân phối; và chỉ trong một hệ thống thị trường tạo sinh giá cả thì những hành vi trao đổi giữa các cá thể mới kéo theo những giá dao động hợp nhất vào nền kinh tế. Nếu không, cách hành động hàng đổi hàng này vẫn không hiệu quả và do đó hiếm khi có xu hướng thể hiện. Và nếu, dù sao đi nữa, chúng vẫn diễn ra một cách ngẫu nhiên thì một phản ứng mãnh liệt sẽ xuất hiện, giống như phản ứng nổ ra trước những hành động sỗ sàng hay phản bội, vì hành vi thị trường không bao giờ là một hành vi bàng quan và do đó chỉ được dư luận dung dưỡng trong những giới hạn được xã hội chấp nhận.
Bây giờ quay trở lại với những hình thức hợp nhất.
Một nhóm tự nguyện toan tổ chức những quan hệ kinh tế của mình trên cơ sở có đi có lại, muốn đạt mục đích của mình phải chia thành những nhóm con mà các thành viên đều có thể nhận diện nhau là cùng nhóm. Như thế các thành viên của nhóm A có thể thiết lập những quan hệ tương hỗ với các thành viên đồng đẳng của nhóm B và ngược lại. Nhưng tính đối xứng không giới hạn ở tính đối cực. Ba, bốn hoặc nhiều nhóm hơn có thể đối xứng với hai hay nhiều trục hơn; hơn nữa không cần thiết là thành viên của các nhóm có những ứng xử có đi có lại với nhau, nhưng họ có thể có những ứng xử này đối với những thành viên của các nhóm thứ ba mà họ có những quan hệ tương tự. Một người Trobriandais có trách nhiệm đối với gia đình em gái mình. Nhưng không vì thế mà người này được em rể mình giúp đỡ, tuy nhiên nếu người này lập gia đình thì người anh của vợ người đó – do đó là thành viên của một gia đình thứ ba giữ một cương vị tương ứng – sẽ giúp đỡ người ấy.
Aristotle dạy rằng cứ mỗi kiểu cộng đồng (koinomia) tương ứng một kiểu thiện chí (philia) giữa các thành viên được thể hiện trong sự hỗ tương (antipeponthos). Điều này đúng cho những cộng đồng ổn định nhất, như gia đình, bộ lạc hay thành quốc, cũng như cho những kiểu cộng đồng ít ổn định bằng, có thể hòa nhập và phụ thuộc vào kiểu cộng đồng đầu. Vận dụng những khái niệm của chúng tôi điều này kéo theo là, trong những cộng đồng quan trọng nhất, có một khuynh hướng để tạo ra một tính đối xứng bội, mà đối với tính đối xứng bội này, có thể hiện lên một ứng xử có qua có lại trong các cộng đồng phụ thuộc. Thành viên của cộng đồng lớn càng cảm thấy gần nhau bao nhiêu thì khuynh hướng nhân bội những ứng xử có qua có lại liên quan dến những quan hệ đặc thù giới hạn trong không gian, thời gian hay theo một cách nào khác càng phổ biến bấy nhiêu. Họ hàng, hàng xóm láng giềng hay totem thuộc về những nhóm ổn định và rộng rãi nhất; trong các khuôn khổ này, những đoàn thể tự nguyện và nửa tự nguyện có tính quân sự, nghề nghiệp, tôn giáo hay xã hội tạo nên những tình thế trong đó hình thành nên – ít ra là tạm thời hay đối với một địa phương hay một tình thế điển hình nhất định – những nhóm đối xứng mà các thành viên hành xử theo một dạng tương tế nhất định.
Là hình thái hợp nhất, sự tương hỗ càng hiệu quả hơn do nó có thể vận dụng sự tái phân phối cũng như sự trao đổi làm phương pháp phụ thuộc. Có thể đạt đến sự tương hỗ bằng cách phân chia gánh nặng công việc theo những quy tắc chính xác của tái phân phối, ví dụ khi “lần lượt thay nhau” thực hiện công việc. Tương tự như thế, đôi lúc có sự tương hỗ bằng việc trao đổi theo những tương đương được ấn định nhằm ưu đãi cho đối tác thiếu thốn một loại sản phẩm cần thiết – một thể chế cơ bản trong các xã hội cổ ở phương Đông. Trong thực tế, trong các nền kinh tế phi thị trường, hai hình thức hợp nhất này – tương hỗ và tái phân phối – thường cùng được thực hiện.
Tái phân phối lấn át trong một nhóm trong chừng mực mà các sản phẩm được tập hợp trong một “tay nắm” duy nhất thể theo tục lệ, luật pháp hay quyết định ad hoc của trung ương. Trong một số trường hợp nó chủ yếu là việc thu thập vật chất đi cùng với việc tồn kho có phân phối lại; trong một số trường hợp khác, “tập hợp” này không có tính vật lí, nhưng đơn giản thuộc về việc chiếm hữu, nghĩa là những quyền được sử dụng trong số dự trữ sản phẩm vật chất. Tái phân phối tồn tại vì nhiều lí do và ở tất cả các cấp độ văn minh. Ta gặp nó trong bộ lạc những người thợ săn nguyên thủy cũng như trong các hệ thống kho tàng rộng lớn của Ai Cập xưa, Sumer, Babylone hay Peru. Trong những đất nước rộng lớn, những khác biệt về thổ nhưỡng và khí hậu có thể khiến cho tái phân phối thành tất yếu, do chênh lệch về thời gian, ví dụ giữa lúc thu hoạch và lúc tiêu dùng. Trong các bộ lạc săn bắn, mọi phương pháp phân phối khác sẽ dẫn đến sự tan rã của bộ lạc du mục hay băng nhóm, vì duy chỉ sự “phân công lao động” mới đảm bảo những kết quả tốt; tái phân phối, tự bản thân nó, có thể được đánh giá cao, nghĩa là trong chừng mực nó đáp ứng một lí tưởng xã hội như lí tưởng của Nhà nước phúc lợi hiện đại. Nguyên tắc vẫn là một – tập hợp trong một trung tâm và từ đó tái phân phối. Tái phân phối cũng có thể được thực hành trong một nhóm không quan trọng bằng toàn xã hội, ví dụ trong đơn vị gia đình hay lâu đài của lãnh chúa, độc lập với cách mà toàn nền kinh tế được hợp nhất. Những ví dụ được biết đến nhất là kraal ở Trung Phi, đơn vị gia đình phụ quyền Do thái, Nhà nước Hi Lạp thời Aristotle, familia La Mã, lâu đài trung cổ hay gia đình bình yên đặc trưng cho xã hội nông nghiệp trước khi xuất hiện một thị trường ngũ cốc phổ biến. Tuy nhiên, chỉ có trong một hình thái xã hội nông nghiệp tương đối tiến hóa người ta mới có thể thực hành kinh tế gia đình phổ biến. Trước đó, mô hình rất phổ biến của “gia đình thu hẹp” không được thiết lập về mặt kinh tế, ngoại trừ cho việc nấu ăn; việc sử dụng bãi chăn thả, đồng ruộng hay gia súc còn bị những phương pháp tái phân phối hay hỗ tương trên qui mô lớn hơn gia đình thống trị.
Tái phân phối cũng có khả năng hợp nhất các nhóm ở mọi cấp độ và mức độ ổn định, bắt đầu từ bản thân Nhà nước đến những đơn vị có tính tạm thời. Ở đây cũng thế, giống như trong trường hợp của sự hỗ tương, mạng của đơn vị bao phủ càng dày thì các cấp độ mà việc tái phân phối được thực hiện có hiệu quả càng đa dạng. Plato dạy rằng số công dân của Nhà nước phải là 5040. Con số này chia hết được theo năm mươi chín cách khác nhau, kể cả cho mười con số đầu. Ông giải thích rằng để tính tiền thuế, sự hình thành các nhóm trong giao dịch thương mại, việc thực hành nghĩa vụ quân sự và các công việc khác theo công thức “lần lượt thay nhau” làm, v.v, con số này cho được nhiều lựa chọn có thể nhất.
Để trở thành một hình thức hợp nhất, sự trao đổi cần đến sự hỗ trợ của một hệ thống những thị trường tạo ra giá cả. Bởi thế cần phân biệt ba kiểu trao đổi: chuyển động đơn giản trong không gian của một “thay đổi địa điểm” từ “tay nắm” này sang “tay nắm” khác (trao đổi có thao tác); chuyển động chiếm hữu của trao đổi, hoặc theo một tỉ lệ cố định (trao đổi theo quyết định) hoặc theo một tỉ lệ thương thảo (trao đổi có tính hợp nhất). Trong trường hợp trao đổi theo tỉ lệ cố định thì kinh tế do các nhân tố xác định tỉ lệ này chứ không do cơ chế thị trường hợp nhất. Ngay cả những thị trường tạo ra giá cả chỉ có tính hợp nhất khi chúng được kết nối thành một hệ thống nhằm mở rộng hiệu ứng giá cả sang những thị trường khác với những thị trường có liên quan.
Một cách chính đáng, mặc cả được xem là có cùng bản chất với hành vi thị trường. Để cho trao đổi có tính hợp nhất thì hành vi của các đối tác phải nhằm thiết lập một giá thuận lợi nhất có thể cho mỗi bên. Hành vi này tương phản rõ với hành vi của trao đổi theo giá cố định. Sự nhập nhằng của từ “thu hoạch” có xu hướng che lấp sự khác biệt. Trao đổi theo giá cố định kéo theo không gì khác hơn là thu hoạch của mỗi đối tác hàm ý trong quyết định trao đổi; trao đổi theo những giá biến động nhằm vào một thu hoạch vốn chỉ có thể có được bằng một thái độ kéo theo một quan hệ rõ ràng là đối kháng giữa các đối tác. Không thể tránh yếu tố đối kháng, cho dù có nhẹ cách mấy, đi cùng với biến thể trao đổi này. Không cộng đồng nào quan tâm đến việc bảo vệ cái vốn đoàn kết có được giữa các thành viên của mình có thể dung túng việc phát triển một sự thù địch tiềm tàng chung quanh một vấn đề có tính sống còn đối với sự tồn tại thể chất và do đó có khả năng gợi lên những lo âu sâu sắc như nỗi lo về thực phẩm. Chính vì thế những giao dịch có lời liên quan đến thực phẩm đều bị xã hội nguyên thủy và xã hội cổ xưa loại trừ một cách phổ cập. Sự cấm đoán cực kì phổ biến của việc mặc cả lương thực giải thích việc chưa bao giờ tồn tại những thị trường tạo sinh giá cả trong các thể chế cổ xưa.
Karl Marx (1818-1883)
Những tập hợp truyền thống các nền kinh tế, phù hợp một cách xấp xỉ với một phân loại theo các hình thức hợp nhất chủ yếu làm sáng tỏ nhiều điều. Điều mà theo truyền thống các nhà sử học gọi bằng “hệ thống kinh tế” dường như tương ứng với mô hình này. Ở đây người ta nhìn nhận sự lấn át của một hình thức hợp nhất qua mức độ mà hình thức này bao gồm đất đai và nhân công trong xã hội. Xã hội gọi là dã man được đặc trưng bằng việc hợp nhất đất đai và nhân công trong nền kinh tế thông qua những liên hệ họ hàng. Trong xã hội phong kiến, những ràng buộc về sự trung thành điều kiện hóa số phận của đất đai và nhân công đi kèm. Trong những đế chế dựa trên việc tận dụng lũ trong nông nghiệp thì đất đai thường được phân phối hào phóng và đôi lúc được đền thờ hay lâu đài tái phân phối và nhân công, ít ra là nhân công bị phụ thuộc, cũng thế. Có thể xác định thời kì mà thị trường trở thành lực tối thượng trong nền kinh tế bằng cách ghi nhận trong chừng mực nào đất đai và lương thực được huy động bằng sự trao đổi và trong chừng mực nào nhân công trở thành một hàng hóa mà người ta có thể mua tự do trên thị trường. Điều này có thể giúp giải thích tính xác đáng của lí thuyết, không thể bảo vệ được về mặt lịch sử, về các giai đoạn nô lệ, nông nô, vô sản, vốn là quan điểm truyền thống của chủ nghĩa Marx – phân loại này là hệ luận của niềm tin cho rằng tính chất của nền kinh tế do cương vị của nhân công quyết định. Tuy nhiên sự hợp nhất của đất đai vào nền kinh tế phải được xem không kém phần quan trọng.
Dù sao đi nữa, những hình thức hợp nhất không biểu trưng cho những “giai đoạn” phát triển. Không hàm ý có sự nối tiếp nào trong thời gian. Nhiều hình thức phụ có thể có mặt đồng thời với hình thức hợp nhất nổi trội, bản thân hình thức thống trị này có thể xuất hiện trở lại sau một thời gian tạm thời vắng bóng. Các xã hội bộ lạc thực hành sự tương hỗ và tái phân phối, trong lúc các xã hội cổ xưa chủ yếu được đặc trưng bằng sự tái phân phối, vừa đôi lúc có chỗ cho sự trao đổi. Sự tương hỗ, vốn giữ một vai trò thống trị trong một vài cộng đồng Melanesia, hiện ra như một đặc trưng đáng kể, dù là thứ yếu, trong các đế chế cổ xưa thuộc loại tái phân phối, nơi mà ngoại thương (dưới dạng biếu tặng và đáp trả) vẫn còn được tổ chức rộng rãi theo nguyên tắc của sự có đi có lại. Trong thực tế, ở thế kỉ XX, trong một thời kì mấu chốt của cuộc chiến, sự tương hỗ được đưa vào trở lại trên một quy mô lớn dưới dạng viện trợ được bồi hoàn sau, vào những xã hội mà, trong những tình huống khác, thị trường và trao đổi lấn át. Tái phân phối, phương pháp chính trong xã hội cổ xưa và xã hội bộ lạc, nơi mà trao đổi giữ một vai trò thứ yếu, trở thành quan trọng vào cuối đế chế La Mã và hiện đang phát triển trong một số Nhà nước công nghiệp hiện đại. Liên Xô là một ví dụ cực đoan. Ngược lại, hơn một lần trong lịch sử các thị trường đã từng có vai trò trong nền kinh tế nhưng chưa bao giờ đạt đến quy mô lãnh địa hay tầm quan trọng thể chế như trong thế kỉ XIX. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, ta nhận thấy có sự thay đổi. Vào thế kỉ XX, sau sự sụp đổ của bản vị vàng, vai trò toàn cầu của thị trường thụt lùi so với thế kỉ XIX. Sự thay đổi định hướng này ngẫu nhiên đưa ta trở về điểm xuất phát, tức là sự thiếu thốn ngày càng tăng của những định nghĩa về thương mại thị trường cho việc nghiên cứu lĩnh vực kinh tế trong các khoa học xã hội.

3. Hình thái thương mại, các cách sử dụng tiền tệ và các yếu tố thị trường

Việc cách tiếp cận bằng khái niệm thị trường có một ảnh hưởng mang tính thu hẹp đến việc kiến giải các thể chế thương mại và tiền tệ là một điều báo hiệu: thị trường hiện ra tất yếu như trung tâm của trao đổi, thương mại như là trao đổi thực tế và tiền tệ như là phương tiện thực hiện trao đổi. Do thương mại được giá cả xác định và giá cả phụ thuộc vào thị trường nên mọi thương mại đều là thương mại thị trường, cũng như mọi đồng tiền là đồng tiền trao đổi. Thị trường là thể chế cơ bản mà thương mại và tiền tệ là các chức năng.
Trong nhân học và sử học, các ý niệm trên không phù hợp với các sự kiện. Thương mại cũng như vài cách sử dụng tiền tệ là xưa như nhân loại, cho dù có thể đã có các nơi tụ hội từ thời đồ đá mới thì các thị trường chỉ trở nên quan trọng vào một thời kì tương đối gần. Các thị trường tạo lập giá cả, và chỉ chúng mới hợp thành hệ thống thị trường, chỉ ra đời, theo tất cả thông tin thu thập được, vào một ngàn năm đầu trước công nguyên, để rồi cũng bị những hình thức hợp nhất khác lấn át. Tuy nhiên ngay cả các sự kiện thiết yếu này không được khám phá ngày nào mà thương mại và tiền tệ còn được giả định là giới hạn ở hình thức hợp nhất của trao đổi, được hiểu như một dạng đặc biệt “kinh tế”. Do sử dụng một thuật ngữ hạn chế, những thời kì dài của lịch sử trong đó sự hỗ tương và tái phân phối hợp nhất nền kinh tế, cũng như những lĩnh vực rộng lớn trong đó, ngay cả ở thời kì hiện đại, các hình thức này tiếp tục phát huy tác dụng trong cùng chiều hướng, bị gạt sang một bên.
Được xem như một hệ thống trao đổi, nghĩa là như hệ thống những nơi “họp chợ” (“catallactics”), thương mại, tiền tệ và thị trường hợp thành một chỉnh thể không thể chia cắt. Khung khái niệm chung là thị trường. Thương mại hiện ra như một chuyển động hai chiều của sản phẩm thông qua thị trường, và tiền tệ hiện ra như là sản phẩm lượng hóa được dùng trong trao đổi gián tiếp nhằm tạo thuận lợi cho chuyển động này. Cách tiếp cận này phải kéo theo sự chấp nhận ít nhiều ngầm ẩn của nguyên lí phát hiện, theo đó nơi nào có mặt thương mại thì ta có thể giả định sự tồn tại của thị trường và, nơi nào tiền tệ có mặt thì ta có thể giả định sự có mặt của thương mại, do đó của thị trường. Đương nhiên điều này dẫn đến việc nhìn thấy thị trường nơi không có nó và không biết đến thương mại và tiền tệ khi chúng tồn tại, do không có thị trường. Vai trò của hiệu ứng cộng dồn là tạo nên một bản đúc khuôn những nền kinh tế ở vào những thời kì và địa điểm ít được biết đến, gần giống với kiểu một bức tranh nhân tạo ít có điểm nào, thậm chí là không có, giống với nguyên bản.
Chính vì thế cần phải phân tích riêng lẻ thương mại, tiền tệ và thị trường.
3.1 Những hình thái thương mại
Theo quan điểm thực chất, thương mại là một phương pháp tương đối hòa bình để sở hữu những sản phẩm mà ta không tìm thấy tại chỗ. Đó là một hoạt động ở bên ngoài nhóm, tương tự với những hoạt động mà ta có thói quen liên kết với những cuộc viễn chinh của các thợ săn mồi và nô lệ hay của các tên cướp. Trong cả hai trường hợp đó, vấn đề là sở hữu và mang về những sản phẩm từ xa. Điều phân biệt thương mại với việc tìm kiếm thú săn, chiến lợi phẩm, gỗ quý hiếm hay thú vật lạ, là tính hai chiều của chuyển động khiến cho thương mại có được tính thường là ôn hòa và khá thường xuyên.
Trên quan điểm trao đổi, thương mại là chuyển động của sản phẩm thông qua thị trường. Tất cả hàng hóa – những sản phẩm được tạo ra để được bán đi – là những đồ vật có tiềm năng được thương mại hóa; một hàng hóa đi về hướng này, hàng hóa khác đi về hướng ngược chiều; chuyển động được kiểm soát bằng giá cả: thương mại và thị trường đều hướng đến cùng một kết quả. Mọi thương mại đều là thương mại thị trường.
Hơn nữa, giống như săn bắn, càn quét và viễn chinh, như được dân bản địa tiến hành thương mại là một hoạt động nhóm hơn là một hoạt động cá nhân và, trong nghĩa này, nó giống nhiều với việc tổ chức ve vãn và hôn nhân vốn thường có mục đích chiếm hữu, bằng những phương tiện ít nhiều hòa bình, phụ nữ của một nước khác. Do đó, thương mại dựa trên việc gặp gỡ của những cộng đồng khác nhau, nhằm mục đích, trong một số mục đích khác, trao đổi sản phẩm. Trái với các thị trường tạo lập giá cả, vốn tạo ra những tỉ giá trao đổi, các cuộc gặp gỡ này giả định là các tỉ giá đã có từ trước. Chúng không kéo theo trách nhiệm của những ai thực hành thương mại với tư cách cá nhân cũng như không giả định những động cơ thủ lợi cá nhân. Dù cho đó là một thủ lĩnh hay một vị vua hành động nhân danh cộng đồng sau khi đã thu thập những sản phẩm “xuất khẩu” từ các thành viên hay dù cho chính bản thân nhóm gặp gỡ các đồng nhiệm trên bãi cát sỏi để trao đổi thì trong cả hai trường hợp quá trình trước hết có tính tập thể. Trao đổi giữa các “đối tác thương mại” là thường xuyên, cũng giống như các đối tác ve vãn nhau và tiến đến hôn nhân với nhau. Những hoạt động cá nhân và tập thể quyện lẫn với nhau.
Việc nhấn mạnh “sở hữu những sản phẩm mang về từ xa” như là một yếu tố cấu thành thương mại phải chỉ ra vai trò thống trị, trong buổi đầu của lịch sử thương mại, của mối quan tâm nhập khẩu. Trong thế kỉ XIX, mối quan tâm đến xuất khẩu nằm ở hàng đầu; đó là một hiện tượng đặc trưng cho hệ thống thị trường.
Do phải dịch chuyển một vật gì đó trên một quãng dài, và cả trong hai chiều ngược nhau, thương mại, do chính bản chất của sự việc, kéo theo những yếu tố cấu thành khác nhau, như nhân sự, sản phẩm, vận chuyển và tính hai chiều, và mỗi một yếu tố có thể chia nhỏ theo những tiêu chí xã hội học và công nghệ có ý nghĩa. Khi xem xét bốn nhân tố này, chúng ta hi vọng học được điều gì đó về vai trò biến đổi của thương mại trong xã hội.
Trước tiên ta hãy quan tâm đến các cá thể thực hành thương mại.
Việc “sở hữu những sản phẩm mang về từ xa” có thể là một cách làm mà động cơ là do vị trí của người đi buôn trong xã hội và thường gồm có những yếu tố về bổn phận hay về dịch vụ công (động cơ cương vị); hoặc là do mong muốn lợi nhuận vật chất mà nhà buôn thu được cho bản thân từ những giao dịch mua và bán (động cơ lợi nhuận).
Mặc dù có nhiều tổ hợp có thể của các chất kích thích này song, một mặt, danh dự và bổn phận, và, mặt khác, lợi nhuận vẫn hiện ra như những động cơ khác biệt và cơ bản. Nếu, “động cơ cương vị” được củng cố bằng những lợi ích vật chất, và đây là trường hợp khá phổ biến, thì thường chúng không hiện ra dưới dạng thu hoạch có được bằng trao đổi mà dưới dạng một kho tàng hay một mảnh đất do nhà vua, nhà thờ hay lãnh chúa tặng cho nhà buôn để trọng thưởng. Sự thể là như vậy, các món lợi thu được bằng trao đổi thường chỉ là một số tiền nhỏ so với tài sản mà lãnh chúa dành cho thương gia khéo léo và táo bạo. Như vậy ai tiến hành thương mại nhân danh nghĩa vụ và danh dự thì thành giàu có, trong lúc ai làm vì hám lợi thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Đó lại thêm một lí do để cho những động cơ đặt cơ sở trên lợi nhuận bị mất giá trong xã hội cổ xưa.
Một cách khác để đề cập vấn đề các tác nhân là xét khía cạnh của mức sống mà cộng đồng cho là phù hợp với cương vị của thương gia.
Henri Pirenne (1862-1935)
Thường xã hội cổ xưa không biết kiểu thương gia nào khác ngoài kiểu thương gia ở trên đỉnh hoặc ở dưới đáy bậc thang xã hội. Kiểu người đầu có quan hệ với quyền uy và chính phủ như những điều kiện chính trị và quân sự của thương mại đòi hỏi, kiểu người sau không có cách nào khác để đảm bảo cuộc sống ngoài việc phải vận chuyển hàng hóa bằng lao động cực nhọc. Sự kiện này có một tầm quan trọng to lớn cho việc hiểu tổ chức thương mại trong thời xa xưa. Không thể nào có thương gia thuộc giai cấp trung lưu, ít ra là trong số công dân. Ngoại trừ vùng Viễn Đông mà ở đây chúng ta phải để sang một bên, chúng ta chỉ biết, trước Thời hiện đại, ba ví dụ quan trọng về thương mại do giai cấp trung lưu tiến hành: thương gia trong thời kì Hy Lạp hóa, thường có gốc kiều dân thành Athens, của các Nhà nước-thành quốc ven phía tây Địa trung hải; thương gia Hồi giáo ở khắp nơi và đã cấy truyền thống đi biển thời kì Hy Lạp hóa với việc thực hành trong các chợ Đông phương; cuối cùng ở Tây Âu, hậu duệ của những người mà sử gia Pirenne gọi là “cặn bã của xã hội” và là một loại kiều dân trên lục địa trong một phần ba sau của thời Trung Cổ. Trong nước Hy Lạp cổ điển, giai cấp trung lưu mà Aristotle ca tụng là một gia cấp địa chủ và không bao giờ là một giai cấp thương gia cả.
Còn một cách thứ ba là xét vấn đề dưới khía cạnh thuần túy lịch sử. Trong số kiểu thương gia thời Cổ đại, người ta phân biệt tamkarum, kiều dân thành Athens hay người cư trú gốc nước ngoài và “ngoại nhân”.
Khuôn mặc tamkarum thống trị bối cảnh Mésopotamie từ buổi đầu thời đại Sumer đến sự lên ngôi của Hồi giáo, nghĩa là trong suốt ba nghìn năm. Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Palestine, Trung Mĩ trước thời Columbus, hay Tây Phi không biết kiểu thương gia nào khác. Về mặt lịch sử, chính trước tiên ở Athens và trong vài thành quốc Hi Lạp khác đã xuất hiện kiều dân với tư cách là thương gia thuộc tầng lớp thấp; nhân vật này trở thành quan trọng trong thời kì Hi lạp hóa để cuối cùng trở thành nguyên mẫu của một giai cấp thương gia trung lưu nói tiếng Hy Lạp hay có gốc ở vùng Cận Đông. Đương nhiên ngoại nhân có mặt khắp nơi. Ngoại nhân làm thương mại với thủy thủ đoàn người nước ngoài và dung thuyền treo cờ nước ngoài; ngoại nhân “không thuộc về” cộng đồng và không được hưởng bán cương vị dành cho người cư trú gốc nước ngoài. Họ thuộc về một cộng đồng hoàn toàn khác.
Cách phân biệt thứ tư có tính nhân học. Sự phân biệt này cho phép hiểu nhân vật ngoại nhân đặc biệt làm thương mại. Mặc dù số “dân tộc thương mại” mà các “ngoại nhân” này là thành viên tương đối giới hạn, sự tồn tại của các dân tộc ấy giải thích thể chế khá phổ biến của “thương mại thụ động”. Hơn nữa, một điểm quan trọng phân biệt các dân tộc này với nhau: những dân tộc thương mại theo đúng nghĩa, như có thể gọi họ như thế, sống độc nhất nhờ thương mại với sự can dự, trực tiếp hay gián tiếp, của tất cả dân chúng – người Phenician, cư dân của Rhodes, của Gadès (Cadix ngày nay), và trong một số thời kì người Armenian và Do Thái thuộc về nhóm này; đối với các dân tộc khác, đa số hơn, thương mại chỉ là một trong những nghề mà, lúc này lúc khác, một bộ phận lớn dân chúng đã chọn bằng cách đi sang nước khác, đôi lúc đi nguyên cả gia đình trong những khoảng thời gian ít nhiều lâu dài. Người Haoussas và Mandigue ở Tây Soudan[3] là những ví dụ. Các dân tộc này thường được biết đến dưới tên Dioulas, nhưng, như chúng tôi vừa mới biết, chỉ được dùng khi họ buôn bán ở nước ngoài. Trước đây, những người họ ghé thăm trong những chuyến đi buôn xem họ như một dân tộc khác với người Mandigue.
Bây giờ chuyển sang nhân tố thứ hai. Thời xa xưa, tổ chức thương mại phải khác nhau tùy theo bản chất và khoảng cách của hàng hóa chuyên chở, những chướng ngại vượt qua, những điều kiện chính trị và sinh thái trong đó thương mại được tiến hành. Ít nhất vì tất cả những lí do này, từ khởi thủy bất kì thương mại nào cũng có tính đặc thù. Các sản phẩm và việc vận chuyển chúng đòi hỏi như thế. Trong điều kiện này, không thể có thương mại “nói chung”.
Không thể hiểu tiến hóa độc đáo của các thể chế thị trường, nếu ta nhấn mạnh không đủ thực tế này. Quyết định mua một số loại sản phẩm từ một địa điểm nhất định nằm ở một khoảng cách nhất định được lấy trong những tình huống khác với những tình huống dẫn đến việc mua những sản phẩm loại khác từ một nơi khác. Chính vì thế mà những cuộc viễn thương không có tính liên tục. Chúng thường giới hạn ở những vụ làm ăn cụ thể được hoàn thành từng vụ một và không có xu hướng thành một cam kết thường xuyên. Societas La mã, rồi sau này là commenda, một hợp tác thương mại giới hạn vào một thương vụ duy nhất. Duy chỉ cộng đồng những quan thu thuế lĩnh canh (societas publicanorum) mới hợp thành phường hội, và đây là ngoại lệ lớn duy nhất. Trước Thời hiện đại, người ta chưa biết đến những hội đoàn thương mại thường trực.
Đương nhiên là tính đặc thù của thương mại gia tăng do sự cần thiết phải sở hữu những sản phẩm nhập khẩu bằng những sản phẩm xuất khẩu. Vì trong những điều kiện phi thị trường, nhập và xuất có xu hướng thuộc về những chế độ khác nhau. Qui trình thu thập các sản phẩm cho xuất khẩu thường tách biệt và tương đối độc lập với qui trình phân phối các sản phẩm nhập khẩu. Trong một trường hợp, sản phẩm đổ dồn về trung tâm: chúng có thể là hàng cống nộp, thuế, quà tặng của thần dân cho lãnh chúa hoặc đến từ một nguồn khác, bất luận tên gọi là gì, trong lúc các sản phẩm nhập khẩu có thể theo những mạng khác. Luật “seisachthesia” của Hammourabi dường như là một ngoại lệ đối với các sản phẩm simus, các sản phẩm này trong một số trường hợp có thể là những hàng nhập khẩu được nhà vua chuyển – thông qua tamkarum – cho những nông dân muốn trao đổi với sản phẩm của họ. Một phần của thương mại đường dài của các pochteca, người Azteque ở Trung Mĩ trước thời Columbus có vẻ cũng có những đặc tính tương tự.
Những gì được tự nhiên phân biệt thì thị trường lại đồng nhất. Ngay cả sự khác biệt giữa các hàng hóa và việc chuyên chở chúng cũng biến mất vì ta có thể mua hay bán chúng trên thị trường: những hàng hóa đầu trên thị trường sản phẩm và những hàng hóa sau trên thị trường vận tải và bảo hiểm. Trong cả hai trường hợp đều có cung và cầu và giá cả được hình thành theo cùng một cơ chế. Vận tải và hàng hóa, hai thành tố này của thương mại, có một mẫu số chung là chi phí. Như vậy, những mối quan tâm liên quan đến thị trường và tính đồng nhất nhân tạo của nó góp phần vào việc xây dựng một lí thuyết kinh tế tốt hơn là một lịch sử kinh tế tốt. Để kết luận, chúng ta nhận thấy rằng những lộ trình thương mại cũng như những phương tiện vận tải có thể có một tầm quan trọng có tính quyết định đến những hình thái thể chế thương mại không kém gì những loại sản phẩm được vận chuyển. Vì, trong những trường hợp khác nhau này, các điều kiện địa lí và công nghệ đan xen nhau trong cấu trúc xã hội.
Phân tích có chứng cứ chuyển động hai chiều đặt chúng ta trước ba kiểu thương mại chính: thương mại các quà tặng, thương mại quản lí và thương mại thị trường.
Thương mại các quà tặng nối kết các đối tác trong những quan hệ có đi có lại, chẳng hạn những bạn được mời, các đối tác của Kula, các nhóm thăm hỏi nhau. Trong hàng nghìn năm, thương mại giữa các đế chế là thương mại các quà tặng, và không có bất kì logic khác nào của tính hai chiều có thể đáp ứng tốt đến thế lập luận của chúng tôi. Trong trường hợp này, thường việc tổ chức thương mại có tính nghi thức và kéo theo những quà biếu lẫn nhau, những sứ quán, dàn xếp chính trị giữa các thủ lĩnh hay vua chúa. Các sản phẩm là những kho tàng, những đồ vật tuyệt vời chỉ lưu chuyển giữa giới tinh hoa; trong trường hợp các nhóm thăm hỏi nhau, chúng có thể mang tính “dân chủ” hơn. Nhưng các cuộc giao tiếp là giới hạn và trao đổi là hiếm hoi và ngắt quảng trong thời gian.
Thương mại quản lí dựa trên một cơ sở vững chắc: những quan hệ bằng hiệp ước ít nhiều chính thức. Do với cả đôi bên, lợi ích của nhập khẩu thường có tính quyết định nên thương mại theo những con đường dưới sự kiểm soát của chính phủ. Thương mại xuất khẩu thường được tổ chức theo một cách tương tự. Bởi thế toàn bộ thương mại được tiến hành theo những phương pháp hành chính. Các phương pháp này được vận dụng ngay cả trong cách xử lí các thương vụ, kể cả trong những dàn xếp các “tỉ suất”, hay tỉ lệ đơn vị được trao đổi, các cơ sở thương cảng, việc đong đo, kiểm tra chất lượng, trao đổi vật thể các sản phẩm, kho bãi, an toàn, kiểm tra nhân sự thương mại, qui định “thanh toán”, tín dụng và bù trừ giá cả. Một số những vấn đề này đương nhiên gắn với việc thu thập và tái phân phối của nền kinh tế gia đình. Sản phẩm xuất khẩu của đôi bên được chuẩn hóa về mặt chất lượng và bao bì, trọng lượng và một số tiêu chuẩn khác dễ kiểm tra. Duy chỉ các “sản phẩm thương mại” này mới là đối tượng của thương mại. Các vật tương đương được ấn định theo những quan hệ đơn vị đơn giản; trên nguyên tắc, thương mại thường là một đổi một.
Trong các cách thực hành này không có sự mặc cả; các vật tương đương được ấn định một lần rồi thôi. Nhưng do không thể tránh những điều chỉnh, đối mặt với những thay đổi của hoàn cảnh, vẫn có sự mặc cả nhưng chỉ trên những yếu tố không phải là giá cả, như các thước đo, chất lượng hay phương tiện thanh toán. Người ta có thể thảo luận bất tận về chất lượng lương thực, dung lượng và trọng lượng những đơn vị sử dụng, tỉ giá các đồng tiền trong trường hợp có nhiều đồng tiền. Bản thân “lợi nhuận” cũng thường được “mặc cả”. Đương nhiên lí do của cách làm này là để duy trì giá cả không đổi; nếu phải điều chỉnh giá theo những điều kiện thực tế của cung, trong trường hợp khẩn cấp, người ta nói đến thương mại hai đổi một hay hai rưỡi đổi một hay, nói như chúng ta ngày nay, một thương mại với 100% hay 150% lợi nhuận. Tính xác thực của phương pháp mặc cả này trên các lợi nhuận với giá cố định, một phương pháp có thể là khá phổ biến trong xã hội cổ, đã được chứng minh rõ cho trường hợp của Soudan, nơi cách mặc cả này còn thịnh hành cho đến thế kỉ XIX.
Thương mại quản lí giả định trước rằng có những nhóm thương mại tương đối thường trực như các chính phủ hay ít ra là các công ti được hoạt động chính thức. Thỏa thuận với người bản địa có thể là ngầm ẩn, như trong trường hợp các quan hệ truyền thống hay theo tập tục. Tuy nhiên, giữa các nhóm tự chủ, thương mại có hình thức những hiệp ước chính thức, ngay cả trong những thời tương đối xưa của thiên niên kỉ thứ hai trước công nguyên.
Một khi được thiết lập trong một vùng, dưới sự bảo vệ long trọng của các vị thần, có thể hành xử theo những hình thức hành chính của thương mại mà không cần có bất kì hiệp ước nào trước. Định chế chính, như chúng tôi bắt đầu nhận thức, là thương cảng, được chúng tôi xem ở đây là địa điểm của mọi thương mại quản lí với bên ngoài. Thương cảng mang lại sự an toàn quân sự cho quyền lực được xác lập sâu trong đất liền, sự bảo vệ dân sự cho thương gia nước ngoài, cung cấp những cơ sở và thiết bị thả neo, dỡ hàng và kho bãi, những dịch vụ pháp lí, một quy ước liên quan đến những hàng hóa bán buôn và những “tỉ lệ” của những sản phẩm thương mại khác nhau trong các lô hàng hỗn hợp.
Hình thái thứ ba đặc trưng cho thương mại là thương mại thị trường. Ở đây, trao đổi là hình thức hợp nhất để đôi bên có quan hệ với nhau. Biến thể tương đối mới này của thương mại đổ khối lượng của cải vật chất khổng lồ dồn về Tây Âu và Bắc Mĩ. Mặc dù nó hiện đang thoái lui nhưng vẫn còn, và lâu dài, là hình thái thương mại quan trọng nhất. Danh mục những sản phẩm thương mại hóa – các hàng hóa – gần như là không giới hạn và tổ chức thương mại thị trường tuân thủ cơ chế cung-cầu-giá. Cơ chế thị trường bộc lộ trường ứng dụng mênh mông của nó bằng việc là nó không chỉ thích nghi với việc thao tác hàng hóa mà còn cả với tất cả những yếu tố khác của thương mại – kho bãi, vận tải,, bảo hiểm, tín dụng, thanh toán, v.v. – bằng cách tạo nên những thị trường đặc biệt cho việc vận chuyển, bảo hiểm, tín dụng ngắn hạn, vốn, kho bãi, dịch vụ ngân hàng, v.v.
Những vấn đề được các nhà sử học kinh tế quan tâm nhất ngày nay là: từ lúc nào và bằng cách nào thương mại đã gắn kết với các thị trường? Từ thời đại nào và ở đâu đã xuất hiện hiện tượng được biết dưới tên gọi thương mại thị trường?
Thật ra, các vấn đề này đã bị khéo léo né tránh do ảnh hưởng của logic “họp chợ”, một logic có xu hướng hòa thương mại và thị trường thành một thực thể không thể tách rời.
3.2 Những cách sử dụng tiền tệ
Theo logic này, tiền tệ được định nghĩa như một phương tiện trao đổi gián tiếp. Tiền tệ ngày nay được sử dụng như phương thức thanh toán và như “thước đo”, chính vì nó là một phương tiện trao đổi. Như vậy, tiền tệ của chúng ta là một tiền tệ “dùng vào mọi việc”. Những cách sử dụng khác của tiền tệ chỉ là những biến thể không quan trọng của vai trò của nó trong trao đổi, và tất cả những cách sử dụng tiền tệ phụ thuộc vào sự tồn tại của các thị trường.
Định nghĩa thực chất của tiền tệ, cũng như định nghĩa của thương mại, độc lập với các thị trường. Định nghĩa này xuất phát từ những cách sử dụng nhất định được người ta gán cho những đồ vật lượng hóa được. Những cách sử dụng này là việc thanh toán, vai trò thước đo và sự trao đổi. Do đó ở đây tiền tệ được định nghĩa bằng những đồ vật lượng hóa được dùng theo một hay nhiều cách sử dụng. Vấn đề là có những định nghĩa độc lập với các cách sử dụng ấy không.
Những định nghĩa về các cách khác nhau sử dụng tiền tệ gồm có hai tiêu chí: tình hình được xác định về mặt xã hội trong đó một trong những cách sử dụng xuất hiện và thao tác hoàn thành với những đồ vật-tiền tệ trong tình hình ấy.
Thanh toán là thao tác nhằm làm tròn nghĩa vụ và qua đó những đồ vật được lượng hóa chuyển sang tay người khác. Trong tình huống này, đây không chỉ là một kiểu nghĩa vụ duy nhất mà là nhiều nghĩa vụ, vì chỉ khi một đồ vật được dùng cho việc hoàn tất nhiều hơn một nghĩa vụ thì mới có thể nói đến đồ vật ấy như một “phương tiện thanh toán” theo nghĩa đặc biệt của từ này (nếu không thì bằng cách ấy chỉ một nghĩa vụ được hoàn thành với hiện vật đã có thể được xem là thanh toán xong).
Việc sử dụng tiền tệ để thanh toán là một trong những cách sử dụng thông thường nhất trong các thời xa xưa. Trong trường hợp này, nguồn gốc của các nghĩa vụ không là các giao dịch. Trong “xã hội nguyên thủy không có gia tầng”, các thanh toán thường được tiến hành đều đặn trong mối liên hệ với giá của cô dâu, nợ máu và những trừng phạt. Các thanh toán này luôn luôn diễn ra trong xã hội cổ xưa, nhưng chúng bị che khuất bởi những lệ phí, sắc thuế, địa tô và cống nạp truyền thống vốn đưa đến những thanh toán ở cấp độ quan trọng nhất.
Việc sử dụng thước đo tiền tệ, nghĩa là như một đơn vị tính toán, nhằm làm ngang bằng số lượng của những loại sản phẩm khác nhau được dùng vì những mục đích nhất định. “Tình huống” là hoặc việc hàng đổi hàng, hoặc việc tồn kho và quản lí thực phẩm cơ bản; “tác vụ” là gán những nhãn số cho các đồ vật khác nhau để dễ thao tác với chúng. Chẳng hạn, trong trường hợp của việc hàng đổi hàng, người ta cuối cùng cũng làm bằng nhau tổng các đồ vật của đôi bên; trong trường hợp của quản lí thực phẩm cơ bản, người ta có thể lên kế hoạch, cân bằng và xác lập một ngân sách cũng như một kế toán tổng quát.
Việc sử dụng tiền tệ làm thước đo là thiết yếu cho tính co dãn của một hệ thống tái phân phối. Xác lập một sự tương đương cho những thực phẩm cơ bản như đại mạch, dầu thực vật hay len được dùng để trả thuế hay địa tô hoặc có thể trích từng phần hay trích lương, tỏ ra là cơ bản vì điều này đảm bảo cho người chi trả cũng như người yêu cầu khả năng lựa chọn giữa những thực phẩm cơ bản khác nhau. Đồng thời tạo ra điều kiện tiên quyết của một hệ thống tài trợ trên quy mô lớn bằng “hiện vật” ám chỉ ý niệm quỹ và bảng tổng kết tài sản, hay nói cách khác tính có thể thay đổi cho nhau của các thực phẩm cơ bản.
Việc sử dụng tiền tệ trong trao đổi ra đời từ nhu cầu những đồ vật lượng hóa được cho sự trao đổi gián tiếp. “Thao tác” nhằm thu về những đơn vị các đồ vật này qua trao đổi gián tiếp để sau này sở đắc, bằng một hành động trao đổi khác, những đồ vật mong muốn. Đôi lúc, những đồ vật-tiền tệ là tức thì sẵn có và việc trao đổi kép chỉ nhằm tập hợp một lượng lớn hơn cũng những đồ vật ấy. Cách sử dụng này những đồ vật lượng hóa được không sinh ra từ những hành động hàng đổi hàng ngẫu nhiên – như theo ý tưởng được các nhà duy lí thế kỉ XVIII ưa chuộng – nhưng bắt nguồn từ thương mại có tổ chức, đặc biệt trên các thị trường. Khi không có thị trường, việc sử dụng tiền tệ trong trao đổi không gì khác hơn là một nét văn hóa thứ yếu. Sự ghê tởm đáng kinh ngạc của những dân tộc thương mại lớn thời Cổ đại, như những dân tộc ở Tyr và Carthage, để chấp nhận các đồng tiền, cái phát minh hoàn toàn thích hợp cho trao đổi, có thể là do các đế chế thương mại này không được tổ chức thành thị trường mà thành “thương cảng”.
Có thể ghi nhận hai ý nghĩa phái sinh từ thuật ngữ “tiền tệ”. Ý thứ nhất mở rộng định nghĩa của “tiền tệ” ra một điều khác hơn là đối tượng đồ vật, tức là ra đến những đơn vị lí tưởng; ý thứ hai bao phủ, ngoài ba cách sử dụng quy ước của tiền tệ, việc dùng các đồ vật-tiền tệ như phương tiện thao tác.
Các đơn vị lí tưởng chỉ là những từ đơn giản hay những kí hiệu được dùng như những đơn vị lượng hóa được, chủ yếu cho việc thanh toán hay như là thước đo. “Tác vụ” nhằm thao tác trên những tài khoản nợ theo những quy tắc của luật chơi. Các tài khoản này đã được biết đến trong đời sống nguyên thủy chứ không phải là, như người ta thường lầm tưởng, một đặc điểm của những nền kinh tế tiền tệ hóa. Các nền kinh tế cổ xưa của những đền ở Mesopotamie cũng như những thương gia assyrian đầu tiên thực hành việc trả nợ mà không cần đến những đồ vật-tiền tệ.
Ở thái cực khác, dường như sẽ là thích hợp để đừng quên, trong số những cách sử dụng tiền tệ, những cách dùng nó như phương tiện thao tác, cho dù các cách sử dụng này là đặc biệt đến mấy. Xã hội cổ xưa đôi lúc dùng những đồ vật lượng hóa được vì những mục đích số học hay thống kê, trong những vấn đề thuế khóa hay quản trị hay vì những mục đích phi tiền tệ không gắn liền với đời sống kinh tế. Trong thế kỉ XVIII, ở Ouidah, tiền cauri được sử dụng vì mục đích thống kê và những hạt đậu tằm dambas (không bao giờ được dùng như “tiền tệ”) được dùng làm thước đo vàng và với tính cách này được sử dụng khéo léo trong kế toán.
Như đã thấy, tiền tệ nguyên thủy là tiền tệ có cách sử dụng đặc thù. Nhiều đồ vật khác nhau ứng với những cách sử dụng tiền tệ khác nhau, các cách này được thiết chế độc lập với nhau. Hệ quả của chúng có tầm quan trọng rất lớn. Ví dụ, không có bất kì mâu thuẫn nào trong việc “thanh toán” bằng một phương tiện mà ta không dùng được để mua, hay trong việc sử dụng làm “thước đo” những đồ vật không được dùng làm phương tiện trao đổi. Trong Babylon của Hammourabi, đại mạch là phương tiện thanh toán; tiền kim loại là thước đo phổ cập; trong trao đổi, vốn rất hiếm khi xảy ra, cả hai đều được sử dụng đồng thời với dầu thực vật, len và vài thực phẩm cơ bản khác. Như vậy, hiển nhiên là những cách sử dụng tiền tệ, cũng như các hoạt động thương mại, có thể đạt đến một mức độ phát triển gần như không giới hạn không chỉ bên ngoài các nền kinh tế do các thị trường thống trị mà thậm chí ngay cả khi không có các thị trường ấy.
3.3 Những yếu tố thị trường
Bây giờ chuyển sang bàn chính ngay thị trường. Theo logic “họp chợ”, thị trường là nơi trao đổi; thị trường và trao đổi có cùng ngoại diên. Vì theo định đề của logic này, cuộc sống kinh tế thu về những hành động trao đổi được tiến hành thông qua thương thảo và được cụ thể hóa trong các thị trường. Do đó trao đổi được định nghĩa quan hệ kinh tế và thị trường là thể chế kinh tế. Một cách logic định nghĩa thị trường là hệ luận của các tiền đề trên.
Theo định nghĩa thực chất, thị trường và trao đổi có những đặc điểm thực nghiệm độc lập với nhau. Như thế ở đây thế nào là ý nghĩa của trao đổi và thị trường? Và trong chừng mực nào, chúng tất yếu gắn kết với nhau?
Theo định nghĩa thực chất, trao đổi là sự chuyển động qua lại của sở hữu sản phẩm giữa các bàn tay khác nhau. Chuyển động này, như đã thấy, có thể diễn ra theo những tỉ suất cố định hay theo những tỉ suất được thương thảo. Duy chỉ những tỉ suất sau mới là kết quả của sự mặc cả giữa các đối tác.
Như vậy, mỗi khi có trao đổi thì đều có tỉ suất. Điều này vẫn đúng, cho dù tỉ suất được thương thảo hay là cố định. Cần ghi nhận rằng trao đổi theo những tỉ suất thương thảo giống với trao đổi “họp chợ” hay “trao đổi như là hình thái hợp nhất”. Duy chỉ kiểu trao đổi này là đặc biệt giới hạn vào kiểu thể chế thị trường nhất định, tức là những thị trường tạo ra giá cả.
Những thể chế thị trường được định nghĩa như những thể chế gồm có một nhóm cung và một nhóm cầu hay cả hai nhóm cùng lúc. Hơn nữa các nhóm cung và nhóm cầu được định nghĩa như vô số “bàn tay” luân phiên nhau muốn mua hay muốn bán sản phẩm thông qua trao đổi. Do đó dù các thể chế thị trường là những thể chế trao đổi nhưng thị trường và trao đổi không trùng khớp nhau. Có trao đổi theo tỉ suất cố định khi sự tương hỗ hoặc tái phân phối cấu thành những hình thái hợp nhất; còn như chúng tôi vừa nói trao đổi theo những tỉ suất thương thảo giới hạn ở những thị trường tạo ra giá cả. Có vẻ là nghịch lí khi trao đổi theo những giá cố định tương thích với mọi hình thái hợp nhất, ngoại trừ hình thái hợp nhất bằng trao đổi; tuy nhiên điều này là logic duy chỉ trao đổi có thương thảo mới biểu trưng cho trao đổi theo nghĩa “họp chợ” của từ catallactic này, nghĩa theo đó nó cấu thành một hình thái hợp nhất.   
Cách tốt nhất để nắm bắt thế giới những thể chế thị trường dường như là cách tiếp cận bằng các “yếu tố thị trường”. Cuối cùng, phương pháp này không chỉ được dùng làm la bàn hướng dẫn để xem xét những cấu hình khác nhau được gán các tên “thị trường” và “thể chế kiểu thị trường” mà còn là công cụ để mổ xẻ những khái niệm qui ước làm vướng mắc hiểu biết của chúng ta về các thể chế này.
Có hai yếu tố thị trường phải xem là đặc thù: nhóm cung và nhóm cầu, nếu có mặt nhóm này hay nhóm kia thì chúng tôi gọi là thể chế thị trường (nếu cả hai cùng có mặt, chúng tôi gọi là thị trường, nếu chỉ một trong hai nhóm có mặt, chúng tôi gọi là thể chế kiểu thị trường). Tiếp đó là yếu tố tương đương, tức là tỉ suất trao đổi: tùy theo tính chất của sự tương đương, thị trường là thị trường với giá cố định hay là thị trường tạo ra giá cả.
Cạnh tranh là một đặc điểm khác của một vài thể chế thị trường, như các thị trường tạo ra giá cả và các cuộc bán đấu giá, nhưng trái với yếu tố tương đương, cạnh tranh chỉ giới hạn ở các thị trường. Cuối cùng có những yếu tố mà ta có thể gọi là có tính chức năng. Bình thường chúng thể hiện ở bên ngoài các thể chế thị trường, nhưng khi chúng xuất hiện đồng thời với các nhóm cung và nhóm cầu thì chúng nhào nặn các thể chế này theo một cách có lợi lớn trong thực tiễn. Trong số những yếu tố thể chế này, có thể kể địa điểm, các sản phẩm có mặt, phong tục và luật pháp.
Thời gian gần đây, tính đa dạng của các thể chế thị trường bị che mờ, nhân danh khái niệm hình thức về cơ chế cung-cầu-giá. Do đó không phải là điều ngạc nhiên khi cách tiếp cận thực chất dẫn đến việc m rộng cách nhìn của chúng ta đối với những thuật ngữ cơ bản về cung, cầu và giá.
Trên đây chúng tôi nói đến những nhóm cung và nhóm cầu như những yếu tố tách biệt và khác nhau của thị trường. Sự phân biệt này tỏ ra là không thể chấp nhận trong thị trường hiện đại: ở đây có một ngưỡng mà vượt qua nó sự tụt giá biến thành tăng giá và một ngưỡng khác mà vượt qua nó hiện tượng ngược lại xảy ra. Chính điều này kéo theo rằng một số lớn nhà kinh tế coi nhẹ việc người mua và người bán tách biệt nhau trong mọi thị trường khác hơn là thị trường hiện đại. Hơn nữa điều này tạo điều kiện cho một sự hiểu lầm kép. Thứ nhất, “cung và cầu” xuất hiện như những yếu tố cơ bản được kết hợp với nhau, trong lúc trong thực tế mỗi một yếu tố này có hai thành tố vô cùng khác nhau, tức là một mặt, một lượng sản phẩm và, mặt khác, một số người nhất định gắn với các sản phẩm này với tư cách là người mua và người bán. Thứ hai, “cung và cầu” dường như là không thể tách rời giống như hai anh em sinh đôi dính nhau trong khi trong thực tế cung và cầu hợp thành những nhóm người khác nhau tùy theo là những người này có sẵn những sản phẩm được xem là nguồn lực hay tìm kiếm các sản phẩm như là những sản phẩm cần thiết. Bởi thế, các nhóm cung và nhóm cầu không cần phải có mặt cùng lúc. Ví dụ, khi vị tướng chiến thắng bán đấu giá chiến lợi phẩm thì duy chỉ nhóm cầu mới có mặt; tương tự như thế, duy chỉ nhóm cung mới vào cuộc lúc đấu thầu các hợp đồng theo giá chào thấp nhất. Thế mà, bán đấu giá và đấu thầu rất phổ biến trong xã hội cổ: thời Hi Lạp cổ đại, bán đấu giá xuất hiện như là tiền thân của các thị trường. Sự phân biệt này giữa “cung” và “cầu” đã nhào nặn tổ chức của tất cả các thể chế thị trường có trước thời hiện đại.
Còn yếu tố thị trường thường được gọi là “giá” được xếp vào phạm trù những tương đương. Việc sử dụng từ tổng quát này góp phần tránh những hiểu lầm. Giá cả gợi ý sự biến động trong lúc ý tưởng này không tồn tại trong sự tương đương. Thành ngữ giá “cố định” hay “xác định” hàm ý rằng giá, trước khi được cố định hay xác định, có khả năng thay đổi. Như vậy, ngôn ngữ có khó khăn để bộc lộ trạng thái thật sự của sự việc, có nghĩa rằng “giá” lúc khởi thủy là một lượng được ấn định một cách cứng nhắc mà nếu không có nó thì sẽ không có thương mại. Những giá biến động hay thay đổi có tính cạnh tranh là một ý niệm tương đối mới và sự xuất hiện của nó là một trong những điểm quan tâm của lịch sử kinh tế thời Cổ đại. Theo truyền thống, người ta giả định rằng mọi sự diễn ra theo chiều ngược lại, nghĩa là người ta quan niệm giá như là kết quả chứ không phải là điều kiện tiên quyết của thương mại và trao đổi.
“Giá” chỉ những quan hệ định lượng do việc trao đổi hiện vật hay việc mặc cả giữa những kiểu sản phẩm khác nhau. Chính hình thái tương đương này đặc trưng cho những nền kinh tế được hợp nhất bằng trao đổi. Nhưng không bao giờ sự tương đương bị giới hạn trong những quan hệ trao đổi. Thông thường sự tương đương cũng tồn tại khi tái phân phối là hình thái hợp nhất. Trong trường hợp này, sự tương đương là quan hệ định lượng giữa những kiểu sản phẩm khác nhau được dùng để trả thuế, tiền thuê, lệ phí, tiền phạt hay để hợp thức hóa một cương vị dân sự đặt cơ sở trên tổng điều tra sở hữu. Sự tương đương cũng có thể xác định trong chừng mực nào người ta có thể đòi hỏi lương hay những sản phẩm theo lựa chọn của người thụ hưởng. Độ co dãn của một hệ thống tài chính quy chiếu về những thực phẩm cơ bản – kế hoạch hóa, cân bằng và kế toán – được nối khớp trên cơ sở này. Trong trường hợp này, tương đương không có nghĩa là cái phải được cho để đổi lấy một sản phẩm khác, nhưng là cái ta có thể đòi để thế chỗ cho sản phẩm ấy. Khi sự tương hỗ là hình thái hợp nhất thì sự tương đương xác định lượng “thích hợp” cho cái phần giữ vị thế đối xứng. Hiển nhiên là bối cảnh hành xử này khác với bối cảnh của trao đổi và bối cảnh của sự tái phân phối.
Các hệ thống giá cả, như chúng được phát triển qua thời gian, có thể có những kiểu tương đương mà nguồn gốc lịch sử phải tìm trong các hình thái hợp nhất khác nhau. Những giá thị trường của thời cổ Hi Lạp chứng thực khá hiển nhiên rằng chúng là kết quả của những tương đương tái phân phối của những nền văn minh có chữ hình góc tồn tại trước đó. Ba mươi đồng bạc như là giá một mạng người để Judas phản bội Giê-su là một biến thể rất gần với sự tương đương với một nô lệ được ghi trong luật của Hammourabi khoảng 1700 năm trước đó. Mặt khác, những tương đương tái phân phối thời Xô viết phản ảnh trong một thời gian dài giá cả thế giới thời thế kỉ XIX. Các giá thế giới này cũng có những tiền thân. Max Weber nhận xét rằng do thiếu một cơ sở để xác lập các giá, chủ nghĩa tư bản Tây phương đã không được thiết lập nếu không có mạng giá cả thời Trung cổ được quy định, tiền lĩnh canh truyền thống, v.v., di sản của phường hội và lâu đài nhỏ. Như vậy, các hệ thống giá cả có thể có một lịch sử thể chế riêng tùy theo những kiểu tương đương góp phần hình thành chúng.
Chính nhờ những khái niệm kiểu phi “họp chợ” về thương mại, tiền tệ và thị trường mà những vấn đề cơ bản của lịch sử kinh tế và xã hội như nguồn gốc biến động của giá cả và sự phát triển của thương mại thị trường mới được nắm bắt và, chúng tôi hi vọng, cuối cùng sẽ được giải quyết.
Để kết luận, việc xem xét có phê phán những định nghĩa kiểu “họp chợ” về thương mại, tiền tệ và thị trường sẽ phải cung cấp cho chúng ta một số khái niệm hợp thành những dữ liệu cơ bản của các khoa học xã hội dưới khía cạnh kinh tế. Tầm quan trọng của việc thừa nhận này đối với những vấn đề lí thuyết, chính trị và cách nhìn phải được xem xét dưới ánh sáng của sự biến đổi dần dần các thể chế diễn ra từ Thế chiến thứ nhất. Liên quan đến chính ngay hệ thống thị trường, thì xem thị trường như là khuôn khổ quy chiếu duy nhất ít nhiều đã lỗi thời. Tuy nhiên, nên hiểu, một cách sáng suốt hơn là trong quá khứ, rằng không thể thay thế thị trường như là khuôn khổ quy chiếu trừ phi các khoa học xã hội thành công trong việc thiết kế một khuôn khổ quy chiếu rộng hơn trong đó có chỗ cho thị trường. Ngày nay đó là nhiệm vụ trí thức đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. Như chúng tôi đã cố gắng chứng minh, một cấu trúc khái niệm như thế phải đặt cơ sở trên định nghĩa thực chất về kinh tế.
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “L’économie en tant que procès institutionnalisé” trong Essais de Karl Polanyi, do Michèle Cangiani và Jérôme tuyển lựa và giới thiệu, Seuil, Paris, 2002, trang 53-77.




[1] The Economy as Instituted Process”, in Karl Polanyi, Conrad M. Arensberg and Harry W. Pearson (ed.), Trade and Market in the Early Empires. Economies in History and Theory, Glencoe, Ill. Free Press, 1957. Bản dịch tiếng Pháp của Anne và Claude Rivière, Les systèmes économiques dans l’histoire et l’économie, với lời tựa của Maurice Godelier, Paris, Larousse, 1975. Những người chủ biên cuốn sách này đã có một số thay đổi thứ yếu vào bản dịch năm 1975.

[2] Sử dụng thiếu suy nghĩ khái niệm hỗn hợp tạo điều kiện cho điều có thể gọi là “sai lầm của chủ nghĩa duy kinh tế”. Đó là việc đồng nhất giả tạo kinh tế với hình thái thị trường của nó. Từ Hume và Spencer đến Frank H. Knight và Northrop, tư tưởng xã hội đã là nạn nhân của sự giới hạn này mỗi khi đề cập đến kinh tế. Tiểu luận của Lionel Robbins (Essays on the Nature and Significance of Economic Science, 1932), tuy có ích cho nhà kinh tế, đã làm biến chất vĩnh viễn vấn đề. Trong lĩnh vực nhân học, tác phẩm xuất bản năm 1952 của Melville Herskovits đánh dấu một bước lùi so với những công trình tiên phong năm 1940 của ông.

[3] Đây không phải là nước Sudan ngày nay mà là Đông Phi, đặc biệt là nước Mali (gọi là Sudan dưới thời thực dân Pháp) và nước Niger.

Print Friendly and PDF