10.5.16

Liệu có "Hồ sơ Panama" không nếu có chỉ thị về bí mật kinh doanh?



Liệu có "Hồ sơ Panama" không nếu có chỉ thị về bí mật kinh doanh?
Đây là một sự trùng hợp hết sức đáng tiếc: gần hai tuần sau khi công bố "Hồ sơ Panama", tiết lộ cho thế giới những thông tin về những công ty được thành lập "ở nước ngoài" bởi công ty luật Mossack Fonseca tại Panama trong các thiên đường thuế, Nghị viện châu Âu đã thông qua một chỉ thị về bảo vệ "bí mật kinh doanh", vào hôm Thứ 5, ngày 13 tháng 4.
Văn bản này từ giờ buộc hai mươi tám quốc gia châu Âu tiến hành các biện pháp cần thiết trong vòng hai năm để thể hiện chỉ thị trong pháp luật quốc gia của họ, và thiết lập các hình thức phạt đối với những ai vi phạm bí mật kinh doanh.
Elise Lucet (1963-)
Nhà báo nữ của đài France 2, Elise Lucet, người đã đưa ra một bản kiến ​​nghị vào tháng Sáu năm ngoái, đã tỏ ra lo lắng về "sự nguy hiểm đối với giới báo chí điều tra kinh tế."
Liệu một chỉ thị như vậy có làm cho công việc của các thành viên châu Âu của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ International Consortium of Investigative Journalists) trở nên bất khả hay không? Và có cản trở những cuộc điều tra mới liên quan đến các doanh nghiệp hay không?
Vì sao lại có một chỉ thị như vậy?
Đảng Nhân dân châu Âu, một đảng cánh hữu bảo vệ văn bản nói trên, báo động về sự gia tăng liên tục các vi phạm về bí mật kinh doanh: trong năm 2013, một trên bốn doanh nghiệp của Liên minh châu Âu là đối tượng của ít nhất một trường hợp trộm cắp thông tin (so với 18% vào năm 2012). Nhưng bản thân những con số này cũng còn nhiều tranh cãi, bởi vì chúng xuất phát từ bảng tổng kết tài chánh năm 2013/2014 của công ty nổi tiếng về tình báo kinh tế Kroll của Mỹ, chào bán các dịch vụ của họ cho các doanh nghiệp và vì vậy có mọi động lực để nhấn mạnh đến những rủi ro mà các doanh nghiệp phải hứng chịu.
Thực vậy, chúng ta phải thấy, đằng sau việc thông qua văn bản này, đây là công trình vận động hành lang phục vụ cho các tập đoàn đa quốc gia có lợi ích tại châu Âu, như cuộc điều tra của tổ chức Corporate Europe Observatory (Quan sát Doanh nghiệp châu Âu, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Brussels, chuyên theo dõi các hoạt động hành lang tại Liên minh châu Âu ND), của tập thể Cơ quan Điều tra Báo chí (Bureau of Investigative Journalism) của Anh và trang web Mediapart, đã chỉ ra. Cuộc điều tra này mô tả cách thức Liên minh vì sự bí mật thương mại và đổi mới (Trade Secrets and Innovation Coalition), trong đó bao gồm các tập đoàn như Alstom, Michelin, Solvay, Saffron, Nestlé, General Electric, Intel, đã thành công trong việc tạo ra nhu cầu pháp luật hóa vấn đề bí mật kinh doanh, giống như một "bí mật quốc phòng".
Như vậy, Châu Âu đã làm được điều mà chính phủ Pháp đã không làm được: đưa một điều khoản như vậy vào luật Macron, điều khoản mà cuối cùng cũng đã bị chính phủ loại ra.
Chỉ thị của châu Âu bao hàm ý gì?
Văn bản được thông qua bởi một đa số lớn các đại biểu quốc hội châu Âu nhắm đến việc bảo vệ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME–Small and medium size enterprise), chống lại hoạt động gián điệp kinh tế và công nghiệp. Trong trường hợp bị trộm cắp hoặc sử dụng trái phép các thông tin bí mật (không chỉ về đổi mới công nghệ, mà còn là các dữ liệu kinh tế hoặc bất kỳ tài liệu nào khác), các nạn nhân được quyền yêu cầu đòi bồi thường tại các tòa án tại châu Âu.
Theo văn bản biện bạch, việc áp dụng chỉ thị không được cản trở hoạt động của những người cảnh báo. Ví dụ, những người soạn thảo chỉ thị giải thích như sau:
"Phạm vi bảo vệ bí mật kinh doanh không áp dụng đối với các trường hợp mà việc tiết lộ một bí mật kinh doanh phục vụ cho lợi ích công cộng, trong chừng mực cho phép tiết lộ một sai phạm mang tính chuyên môn hoặc khác hoặc một hoạt động bất hợp pháp mang tính xác đáng trực tiếp."
Vấn đề: toàn bộ câu hỏi nằm trong định nghĩa về "hành vi sai phạm chuyên môn" và "tính xác đáng" của vụ tiết lộ. Điều này đã thành vấn đề đối với dự luật của Pháp, cũng bao gồm khái niệm tính xác đáng (cho đến khi dự luật bị rút lại vào tháng Giêng), như Christophe Bigot, một luật sư chuyên về luật báo chí đã từng nhấn mạnh:
"Chỉ có thẩm phán mới có quyền quyết định về tính xác đáng của thông tin: liệu có cần thiết phải nói rằng có một kế hoạch sa thải tập thể trong một doanh nghiệp hoặc có cần đưa ra số lượng lao động bị thất nghiệp đe dọa hay không? Điều này có nguy cơ trở nên rất tùy tiện. Trong tình trạng này, nhà báo kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ".
Các nhà đại biểu quốc hội châu Âu thuộc nhóm hoạt động môi trường đã yêu cầu định nghĩa một cách chính xác và rõ ràng trong chỉ thị rằng không được kết án các nhà báo trong quá trình hành nghề của họ. Nhưng điều này đã không được thực hiện.
"Điều này sẽ tạo ra một sự đảo ngược nghĩa vụ cung cấp chứng cứ đối với các nhà báo, những người phải chứng minh rằng việc phổ biến thông tin là hợp pháp, không phải là một tội phạm, bà Veronique Marquet, luật sư và thành viên của tổ chức Informer, cho biết. Điều này có nghĩa là quay lại hỏi xem họ có sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị kết án hay không, cung cấp cho các doanh nghiệp một vũ khí răn đe thực sự."
"Hồ sơ Panama" có thể bị làm khó không?
Trong trường hợp cụ thể của vụ "Hồ sơ Panama", vấn đề đặt ra là tính khả thi của nghề báo trong bối cảnh này. Tổ chức ICIJ đã tiếp cận được hơn 11 triệu tệp tin từ các kho lưu trữ của công ty luật Mossack Fonseca của Panama, cho thấy mức độ rộng lớn của hệ thống thành lập các công ty kinh doanh ở nước ngoài, mà người sử dụng các dịch vụ của họ là các nhân vật chính trị, kinh tế hoặc thể thao.
Rất nhiều ngân hàng và công ty của châu Âu đã bị phát hiện dính líu trực tiếp, ví dụ thông qua việc khai thác các cuộc trao đổi thư tín giữa họ và công ty luật. Họ (tức các ngân hàng và các công ty ND) có thể dựa vào chỉ thị này để yêu cầu kết án các nhà báo đã công bố các bài viết về những hồ sơ này.
Antoine Deltour
Bởi vì, về bản chất, việc sở hữu một công ty kinh doanh ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp. Điều đáng lên án là việc sử dụng các hệ thống này để che giấu tiền đối với các cơ quan thuế của nước mình. Nhưng bằng chứng chỉ xuất hiện sau một cuộc điều tra lâu dài.
Vì vậy, các trường hợp dính đến "Hồ sơ Panama", chỉ mang tính phi đạo đức hoặc giả dối, không phải là đối tượng được tiết lộ nếu chỉ thị của châu Âu về bí mật kinh doanh có hiệu lực cách đây hai tuần.
Và, trong trường hợp gian lận, nếu tình trạng thuế khóa đã được khắc phục trong thời gian ấy, thì các nhà báo không thể biện minh cho việc công bố bài viết của mình, do vi phạm quy định về việc tiết lộ một "hoạt động bất hợp pháp mang tính xác đáng trực tiếp."
Điều gì sẽ xảy ra đối với những vụ tiết lộ tiếp theo?
Edouard Perrin
Trong khuôn khổ của một vụ bê bối như vụ LuxLeaks, các tiết lộ của báo chí thậm chí còn mang tính khó xử hơn, bởi vì hoạt động trốn thuế không phải là một hoạt động bất hợp pháp, mà ngược lại được thực hiện với sự chuẩn thuận của chính quyền Luxembourg. Vả chăng, người cảnh báo từ đầu vụ bê bối, Antoine Deltour, đã bị tòa án Luxembourg truy cứu, đồng thời với nhà báo Edouard Perrin, người đã công bố những tiết lộ ấy.
Về phía các nhà hoạt động vì môi trường và sức khỏe, sự lo lắng cũng đang tăng mạnh, bởi vì có rất nhiều vụ bê bối được tiết lộ trong những năm gần đây (Mediator, phần mềm giả của Volkswagen...), sẽ không được công bố nếu không có sự tham gia của những người cảnh báo, những người chủ yếu là các nhân viên của công ty hoặc là những người dân bình thường.
Những người nói trên sẽ khó mà biện minh cho hành vi của mình theo chỉ thị về bí mật kinh doanh. Nước Pháp đang ra sức đưa vào một điều khoản bảo vệ cụ thể đối với những người cảnh báo trong luật Sapin II, và các đại biểu quốc hội châu Âu thuộc nhóm bảo vệ môi trường cũng biện hộ cho một điều khoản tương đương ở cấp độ Liên minh châu Âu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF