3.5.16

William Arthur Lewis, giải phẫu sự kém phát triển



William Arthur Lewis (1915-1991)

William Arthur Lewis, giải phẫu sự kém phát triển

Gilles Dostaler
Cách tiếp cận của Arthur Lewis về các vấn đề kinh tế và xã hội đã làm sống lại lý thuyết về phát triển, đi tìm một sự cân bằng đúng đắn giữa thị trường và sự can thiệp của chính phủ.
William Arthur Lewis tin rằng kế hoạch hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nước phía Nam.
Khi Arthur Lewis được sinh ra vào năm 1915 thì hòn đảo nhỏ St. Lucia, trong vùng biển Caribê, là một thuộc địa của nước Anh. St. Lucia giành được độc lập vào năm 1979. Đảo Barbados, nơi ông qua đời, đã giành được độc lập vào năm 1966. Dân số của các hòn đảo này, cũng như dân số của hầu hết các hòn đảo khác trong vùng biển Caribê, đa phần, xuất thân là nô lệ, là đối tượng của một tam giác thương mại giữa các nước châu Âu, châu Phi và vùng biển Caribê. Chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ tại nước Anh năm 1833. Nhưng các thuộc địa của Anh không vì thế mà biến thành vườn hoa hồng đối với người da đen.
Arthur Lewis là một học sinh có năng khiếu đặc biệt. Ông bỏ học năm 14 tuổi để làm việc như một nhân viên văn phòng trong một cơ quan Nhà nước, do ông học trước các bạn của ông và còn quá trẻ để vào đại học. Năm 1932, khi nhận được học bổng du học ở nước Anh, ông mong ước trở thành kỹ sư, nhưng những vị trí tuyển dụng cho nghề này không dành cho người da đen, trong khu vực tư nhân lẫn khu vực công. Đó là lý do tại sao ông chọn học ngành thương mại, trước khi chuyển sang kinh tế học.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Lewis tự cho mình là một nhà xã hội dân chủ và người chống chủ nghĩa đế quốc. Ông nhớ lại một cuộc họp của hiệp hội địa phương Marcus Garvey, mà bố ông đã dẫn ông theo khi ông mới 7 tuổi. Đặt chân tới London, ông lao vào nghiên cứu các hành xử ở thuộc địa của nước Anh. Ông giao du với hội Fabian Socviety, cái nôi trí thức của Đảng Lao động, và xuất bản những công trình đầu tiên của ông dưới sự bảo trợ của hội. Học tập, rồi giảng dạy tại trường London School of  Economics, mà Friedrich Hayek lúc đó là khoa trưởng khoa kinh tế, Lewis không chia sẻ ý thức hệ về tự do thương mại đang thống trị ở đó.
Chính Lewis đã viết là tư tưởng chống đế quốc của ông đã làm ông quan tâm đến vấn đề phát triển, sau một đường vòng qua kinh tế học công nghiệp và lịch sử kinh tế. Có lẻ, cũng chính điều đó đã khiến ông chia sẻ thời gian giữa, một mặt, giảng dạy và nghiên cứu và, mặt khác công việc của nhà tư vấn và nhà quản trị. Thật vậy Lewis đã không ngừng đi khắp những nước lúc đó được gọi là thế giới thứ ba, làm cố vấn cho các chính phủ, điều hành các định chế tài chính, làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Với một mối quan tâm chính: làm thế nào để giải thích và loại bỏ sự bất bình đẳng về phát triển, mà nghèo đói là một hệ quả từ đó. Tất nhiên, điều đó vẫn còn là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà nhân loại phải đối mặt.
David Ricardo (1772-1823)
Lewis từ rất sớm, khi còn là một sinh viên đại học, tự vấn và muốn biết về sự tiến hóa so sánh giữa giá cả các sản phẩm công nghiệp và giá cả các sản phẩm nông nghiệp được các nước kém phát triển xuất khẩu. Trên hòn đảo quê hương của ông, ví dụ, những biến động đáng kể và bất ngờ về giá cả các sản phẩm xuất khẩu đã ngăn cấm việc điều hành nền kinh tế bằng nỗ lực đạt được một trạng thái ổn định nhất định. Từ đó, ông tin chắc rằng lý thuyết truyền thống về giá cả, được xây dựng trên cơ sở phân tích cận biên về cung và cầu, không giúp gì để hiểu được những hiện tượng nói trên. Tương tự, mô hình Heckscher-Ohlin, một hình thức được hiện đại hóa của lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, cũng không giúp giải thích một cách thỏa đáng các giao dịch kinh tế quốc tế.
Adam Smith (1723-1790)
Karl Marx (1818-1883)
Lewis kể lại là chính khi đi bộ trên đường phố tại Bangkok, một ngày tháng 8 năm 1952, mà ông đã có trực giác khiến ông viết và công bố, vào năm 1954, một bài có lẽ là một trong những bài viết thường được viện dẫn nhiều nhất trong phần nửa sau của thế kỷ XX. Để hiểu được phương thức vận hành của các nền kinh tế được gọi là kém phát triển, thì phải từ bỏ giả thuyết tân cổ điển cho rằng số lượng lao động là cố định, và trở về với lý thuyết truyền thống cổ điển, từ Smith đến Marx, theo đó cung lao động với một mức lương đủ sống là không giới hạn. Do đó, tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ một sự tích lũy tư bản được xác định bởi sự phân phối thu nhập: "như vậy, các hệ thống cổ điển, xác định đồng thời sự phân bố và tăng trưởng thu nhập, còn giá cả tương đối của hàng hóa tạo nên một vấn đề thứ yếu và không quan trọng."
Các nước của thế giới thứ ba được đặc trưng bởi tính lưỡng phân giữa khu vực kinh tế tư bản chủ nghĩa, đô thị hóa và công nghiệp hóa, và một khu vực kinh tế để sống còn, truyền thống, chủ yếu là nông nghiệp, nhưng cũng còn tìm thấy được trong các hoạt động kinh tế đô thị phi chính thức. Trong khu vực thứ hai này, năng suất rất thấp. Tương tự như thế đối với mức sống. Tăng trưởng dân số của khu vực là rất cao, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp cũng cao. Người lao động là những điểm tiếp xúc giữa hai khu vực nói trên. Trong thực tế, khu vực kinh tế tư bản chủ nghĩa có một nguồn cung lao động vô hạn với mức lương sinh tồn cố định. Điều này đảm bảo cho khu vực những khoản lợi nhuận đáng kể, mà việc tái đầu tư dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng cao. Chính điều đó lý giải cho sự tăng trưởng của nước Anh từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, và sự tăng trưởng, theo Lewis, mà các nước công nghiệp mới kể từ những năm 1960 cũng sẽ trải qua.
Một lập luận tương tự cũng được áp dụng để lý giải cho diễn biến của tỉ số mậu dịch giữa các sản phẩm công nghiệp được các nước giàu xuất khẩu và các sản phẩm nông nghiệp được các nước nghèo xuất khẩu. Xuất khẩu của các nước nghèo chiếm một tỷ lệ nhỏ, dưới 20% sản lượng nông nghiệp với năng suất rất thấp. Nguồn cung vô hạn của các sản phẩm nhiệt đới làm cho cầu tác động rất ít đến giá cả. Chính vì vậy mà tỉ số mậu dịch diễn biến có lợi cho các nước công nghiệp.
Phát triển và quy hoạch
Cuốn sách, được xuất bản vào năm 1955, mà Lewis viết về lý thuyết phát triển đã làm sống lại bộ môn này và tạo nên rất nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, cũng giống như bài báo của ông năm 1954. Tựa đề của cuốn sách, The Theory of Economic Growth (Lý thuyết tăng trưởng kinh tế), mang tính đánh lừa bởi vì đó không phải là một nghiên cứu các mô hình tăng trưởng trừu tượng và toán học, đã được các nhà kinh tế học theo thuyết hậu Keynes lẫn các nhà kinh tế học tân cổ điển thời ấy phát triển. Ông tin chắc rằng giải pháp cho các vấn đề kinh tế nằm ở việc thay đổi các thể chế hơn là nằm ở vấn đề giá cả. Dù sao đi nữa việc tự do hóa thương mại quốc tế sẽ không là động cơ cho sự tăng trưởng của các nước kém phát triển. Một phần của giải pháp nằm trong vấn đề quy hoạch, chủ đề của một cuốn sách mà ông đã công bố ngay từ 1949 và chủ đề mà ông đề cập trở lại vào năm 1966, và trong việc đi tìm một sự cân bằng hài hòa giữa thị trường và hoạt động của các cơ quan công quyền.
Albert Hirschman (1915-2012)
Amartya Sen (1933-)
Kinh tế học không chiếm hết suy tưởng của Lewis, chiều kích chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng. Các chế độ chuyên quyền và độc tài sinh sôi nảy nở trong thế giới thứ ba là một trở ngại cho sự phát triển. Giáo dục, một chủ đề mà Lewis đã dành nhiều bài viết, trong khi vẫn đảm nhiệm nhiều chức năng quản lý hàn lâm quan trọng, cũng phải đóng một vai trò then chốt. Ở đây cũng thế, ông phê phán những phân tích và đánh giá về giáo dục bằng các khái niệm chi phí và giá cả, đầu tư và lợi tức tiền tệ. Giáo dục không nên thích ứng với thị trường. Ngược lại, giáo dục là một trong những cách mạnh mẽ nhất để làm xã hội thay đổi. Sự suy tưởng về giáo dục thuộc phạm vi triết học hơn là kinh tế học.
Peter Doeringer
Michael Piore (1940-)
Cách tiếp cận của Lewis về các vấn đề kinh tế và xã hội nằm bên ngoài dòng tư tưởng mà ngày nay đang thống trị kinh tế học. Cách tiếp cận đó tạo cảm hứng cho các tác giả như Amartya Sen, người đã phát triển một mô hình kinh tế lưỡng phân, và Albert Hirschman, người đã vay mượn ông các lập luận ủng hộ một chính sách công nghiệp hóa và bảo hộ chủ nghĩa. Phân tích của ông bằng khái niệm lưỡng phân đã được ứng dụng vào thị trường lao động của các nước phát triển, ví dụ bởi Peter Doeringer và Michael Piore.
William Arthur Lewis qua vài năm tháng
1915: sinh ngày 23 tháng Giêng tại Sainte-Lucie.
1932-1937: học ngành thương mại tại trường London School of Economics (LSE).
1938-1948: giảng dạy tại trường LSE.
1939: Labor in the West Indies: The Birth of a Workers’ Movement (Lao động tại Tây Ấn: Sự ra đời của một phong trào công nhân)
1940: Tiến sĩ Kinh tế tại trường LSE. Economic Problems of To-day (Các vấn đề kinh tế của ngày nay).
1943-1952: đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong cơ quan quản lý của nước Anh, trong đó có Văn phòng phụ trách các vấn đề thuộc địa.
1945: Monopoly in British Industry (Độc quyền trong ngành công nghiệp của nước Anh)
1948-1958: Giáo sư tại Đại học Manchester.
1949: Economic Survey, 1919-1939 (Khảo sát kinh tế, 1919-1939); Overhead Costs (Chi phí chung); The Principles of Economic Planning (Các nguyên lý quy hoạch kinh tế).
1950-1952: thành viên của một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc vì các nước kém phát triển.
1954: Economic Development with Unlimited Supplies of Labor (Phát triển kinh tế với nguồn cung lao động vô hạn)
1955: The Theory of Economic Growth (Lý thuyết tăng trưởng kinh tế).
1957-1963: lần lượt làm cố vấn cho Thủ tướng của Ghana, Giám đốc Quỹ Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, cố vấn cho Thủ tướng của Tây Ấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp của Jamaica và Giám đốc Ngân hàng Trung ương của Jamaica.
1959-1963: Phó hiệu trưởng trường Đại học Tây Ấn.
1963: được Nữ hoàng Elizabeth phong tước.
1963-1983: Giáo sư tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ; được phong Giáo sư danh dự khi nghĩ hưu.
1965: Politics in West Africa (Chính trị ở Tây Phi).
1966: Development Planning (Quy hoạch phát triển).
1967: Reflections on the Economic Growth of Nigeria (Những suy tưởng về tăng trưởng kinh tế của Nigeria), OECD.
1969: Aspects of Tropical Trade, 1883-1965 (Các khía cạnh thương mại vùng nhiệt đới, 1883-1965), Almqvist & Wiksell.
1970-1973: Chủ tịch Ngân hàng Phát triển của quần đảo Caribê, ở đảo Barbados, và hiệu trưởng trường Đại học Guyana.
Theodore Schultz (1902-1998)
1978: Growth and Fluctuations: 1870-1913 (Tăng trưởng và biến động: 1870-1913); The Evolution of the International Economic Order (Sự tiến hóa của trật tự kinh tế quốc tế).
1979: cùng với Theodore W. Schultz, được trao giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1983: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ.
1985: Racial Conflict and Economic Development (Xung đột chủng tộc và phát triển kinh tế).
1991: qua đời vào tháng 6, tại nhà của ông ở Barbados.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Lewis
Labor in the West Indies: The Birth of a Workers’ Movement, New Beacon Books, 1977.
Economic Problems of To-day, Longmans, 1939.
Monopoly in British Industry, Fabien Society, 1945.
Economic Survey, George Allen & Unwin, 1949.
The Principles of Economic Planning, Dobson, 1949.
Economic Development with Unlimited Supplies of Labor, Manchester School of Economic and Social Studies, vol. 23, 1954.
La théorie de la croissance économique, Payot, 1967.
La chose publique en Afrique occidentale, Sédéis, 1966.
Développement économique et planification, Payot, 1968.
Growth and Fluctuations: 1870-1913, George Allen & Unwin, 1978.
L’ordre économique international: fondements et évolution, Economica, 1980.
Radical Conflict and Economic Development, Harvard Unsty Press, 1985.
Những tác phẩm viết về Lewis
Selected Economic Writings of W. Arthur Lewis, của M. Gersovitz (chủ biên), Columbia University Press, 1980.
The Theory and Experience of Economic Development: Essays in Honor of W. Arthur Lewis, của M. Gersovitz etallii, George Allen & Unwin, 1982.
Lewis, Arthur, của Phillipe Hugon, trongDictionnaire des grandes œuvres économiques, của Xavier Greffe, Jérôme Lallement et Michel de Vroey (chủ biên), Dalloz, 2002.
W. Arthur Lewis and the Birth of Development Economics, của Robert L. Tignor, Princeton University Press, 2006.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “William Arthur Lewis, anatomie du sous-développement” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF