5.7.16

Dữ liệu lớn để giải cứu quá trình chuyển đổi năng lượng?



Dữ liệu lớn để giải cứu quá trình chuyển đổi năng lượng?
Eric Vidalenc
Việc phổ biến các thiết bị kết nối (máy tính, đồng hồ, xe hơi, điện thoại thông minh ...) và các thiết bị cảm biến, còn được gọi là Internet of Things (IoT- Mạng lưới thiết bị kết nối Internet) trong cuộc sống hàng ngày có hệ luận của nó: Dữ liệu lớn, có nghĩa là tạo ra hàng đống dữ liệu khổng lồ cho tất cả các khía cạnh cuộc sống chúng ta. Từ các thành tích thể thao (nhịp tim, tốc độ, ... số kcal năng lượng tiêu hao), đến thông tin theo thời gian thực trên các mạng lưới giao thông công cộng (x phút trước giờ đến của chuyến tàu tiếp theo), qua các ứng dụng từ điện thoại di động như Uber (y phút trước khi bác tài xe đến đón bạn), hay các thiết bị đo thông minh trong nhà (đếm "một cách thông minh" số kWh điện tiêu dùng), đặt cạnh nhau tất cả những thứ trên góp phần vào việc dữ liệu hóa cuộc sống chúng ta.
Và lan ra cùng lúc một trực giác: hiểu tốt hơn có nghĩa là hành động tốt hơn. Đặc biệt nhân bội dữ liệu vào việc sử dụng năng lượng, cũng có nghĩa là nhân bội những hành động có hiểu biết đầy đủ, như phân tích này trong tạp chí La Tribune có đề cập. Tuy nhiên, một giả định như vậy còn xa mới rõ ràng. Liệu phạm trù luôn "nhiều hơn" (trong trường hợp này, nhiều dữ liệu hơn) có là một con đường không thể lẩn tránh, cần thiết, hữu ích… hay thừa thải của quá trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số?
Luôn nhiều hơn có tất nhiên là luôn tốt hơn không?
Hãy lấy ví dụ về thông tin. Từ những làn sóng liên tục các kênh chuyên đề đến các trang web tin tức, qua các tin nhắn trên điện thoại thông minh, con người cũng đã bị "say khướt" bởi những dòng chảy thông tin ấy. Liệu trình độ kiến ​​thức và hiểu biết của chúng ta, ở cấp độ cá nhân hay tập thể, về sự vật và thế giới có tốt hơn không so với cách đây 10 năm? 20 năm? 30 năm?

Nếu tập trung vào những chiếc đồng hồ mới kết nối, để xác định số lượng kcal năng lượng hấp thụ được vào mỗi bữa ăn, số bước chân đã đi trong ngày ..., thì con người đã mở rộng ảnh hưởng của dữ liệu vào những lĩnh vực riêng tư hơn và cá nhân hơn. Con người chưa bao giờ được trang bị tốt hơn như ngày nay (máy cân, đồng hồ và vòng đeo tay kết nối, ứng dụng y tế, các loại thiết bị đếm khác nhau ...), thế nhưng những người bị bệnh béo phì (chỉ nói đến bệnh này mà thôi) cũng chưa bao giờ đông như ngày nay.
Đây mới chỉ là hai ví dụ, một ví dụ phi vật chất gắn với kiến ​​thức, và một ví dụ vật chất gắn với việc dinh dưỡng. Nhưng trong nhiều lĩnh vực khác, giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng "nhiều hơn" thường biến thành "quá nhiều", để rồi cuối cùng trở thành kẻ thù của "tốt hơn".
Taleb và sự quá tải thông tin, Damasio và sự đãi vàng
Nicolas Taleb (1960-)

Nicolas Taleb, tác giả của cuốn Black Swan (Thiên nga đen) và gần đây hơn là cuốn Antifragile (Chống đổ vỡ), phát triển trong tác phẩm sau ấy một biện luận khá thuyết phục về thông tin. "Lượng thông tin mà thế giới hiện đại bao phủ xuống con người đã biến họ [...] thành những người nhiễu tâm". Nhìn vào quá khứ (theo định nghĩa, việc tạo dựng dữ liệu chỉ là việc lưu trữ, thống kê các sự kiện đã xảy ra), chúng ta không có khả năng hiểu được những rạn nứt và những cách vận hành mới. Bằng cách tập trung vào "tiếng ồn", chúng ta tập trung vào những sự kiện vô nghĩa. "Tiếng ồn" làm cho chúng ta bận tâm, trong khi phải chú ý đến "tín hiệu".
Alain Damasio (1969-)

Alain Damasio, tác giả truyện khoa học viễn tưởng và của một suy tưởng hiện đại về kỹ thuật, cũng phê phán trận đại hồng thủy về thông tin kỹ thuật số này. Trong nhiều cuộc phỏng vấn gần đây, của Rue89 hay của Inrockuptibles, ông tự hỏi: "Làm thế nào có thể đãi được khối lượng thông tin khổng lồ rối rắm này để tìm ra vài điều nhỏ có giá trị?". Nếu cần diễn dịch lại thì là: hầu hết các dữ liệu mà cá nhân đã tạo ra đều không có giá trị. Hơn nữa, tất cả những dữ liệu ấy làm suy giảm tính nhạy cảm của chúng ta và làm xao lãng sự chú ý về cảm xúc của chúng ta. Công nghệ được triển khai như thế có thể làm biến chất khả năng cảm nhận, suy nghĩ và hành động của chúng ta; sự giảm tốc đơn giản của thông tin sẽ tự động làm giảm sự chú ý sẵn có đối với một dữ liệu thông tin. Và điều này xảy ra trong những quy mô cực kỳ mới với kỹ thuật số, "Ảo giác làm cho chúng ta tin rằng một khối lượng thông tin vô hạn có thể có lợi cho một khả năng lắng nghe vô hạn".
Bị kẹt trong vòng xoáy này, chúng ta không còn có khả năng lắng nghe và chú ý đến các tín hiệu quan trọng và có sẵn cho những nỗ lực dài hạn đòi hỏi phải tổng hợp và giữ độ lùi.
Quá nhiều dữ liệu chỉ làm rối trí mà thôi?
Ivan Illich (1926-2002)
Hiểu biết là điều cần thiết để đưa ra những lựa chọn "thông minh". Nhưng vượt quá một lượng dữ liệu nhất định nào đó, thay vì để giúp chúng ta suy nghĩ và có công cụ để hành động hiệu quả, thì có nhiều khả năng dữ liệu làm cho chúng ta bất động hoặc đánh lạc hướng chúng ta về những vấn đề quan trọng nhất. Một lần nữa chúng ta viện dẫn Ivan Illich và thuyết phản tác dụng của ông.
Ở cấp độ cá nhân, ví dụ. Trong khi chú tâm vào thiết bị đếm, chiếc đồng hồ hay bất cứ thiết bị kết nối nào của chúng ta, để tiết kiệm một kWh điện tiêu dùng, thì chúng ta cũng có thể bỏ lỡ những thay đổi mang tính cấu trúc. Chúng ta sẽ khởi động máy giặt một giờ trước, sẽ lập trình máy sưởi một giờ sau đó nhờ vào các đường cong tải trọng tối ưu hóa. Nhưng nếu thay vào đó là một sự cách nhiệt, hay thậm chí là một sự giảm nhiệt theo quy định; nói tóm lại, một cách tiếp cận đầy đủ các nhu cầu năng lượng của môi trường sống và thậm chí của lối sống, thì những điều trên sẽ có ý nghĩa gì?
Eric Vidalenc
Ở cấp độ tập thể, về vấn đề khí hậu và năng lượng, chúng ta chưa bao giờ định lượng tốt đến thế vai trò của con người trong sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chưa bao giờ con người phát tán nhiều khí thải nhà kính đến thế và các kỉ lục về nhiệt độ và những sự rối loạn khí hậu lại không ngừng bị phá vỡ ... Như vậy, dữ liệu chỉ hữu ích trong việc theo sau và theo dõi thảm họa?
Vì vậy theo thực nghiệm, chúng ta không thể khẳng định rằng cần phải định lượng nhiều hơn, để hiểu biết nhiều hơn... và để hành động tốt hơn. Những người bảo vệ tích cực nhất việc số hóa thế giới sẽ nói với chúng ta rằng chỉ cần "nhiều hơn một chút". Luôn luôn "nhiều hơn một chút". Nhưng sự cường điệu đơn thuần về số lượng ấy cũng không mang tính thuyết phục. Động lực của sự thay đổi hành vi dường như không nằm trong phạm trù "luôn luôn nhiều hơn", mà chắc chắn nằm trong một sự hiểu biết tốt hơn về các mối tương quan diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le Big Data à la rescousse de la transition énergétique?, Alternatives Economiques, 8 septembre 2015
Print Friendly and PDF