15.7.16

James Tobin, nhà keynesian ôn hòa và nhà phê bình triệt để chủ nghĩa tân tự do



James Tobin (1918-2002)

James Tobin, nhà keynesian ôn hòa và nhà phê bình triệt để chủ nghĩa tân tự do

Gilles Dostaler
Là một tác giả có rất nhiều bài viết và là một người dấn thân, James Tobin đã tham gia vào việc xây dựng tổng hợp tân cổ điển và đặt nền tảng cho lý thuyết tài chính hiện đại.
James Tobin chủ trương đánh thuế tất cả các giao dịch tài chính quốc tế để chống lại ảnh hưởng vượt trội của sự đầu cơ trên doanh nghiệp.
James Tobin đã trải qua thời niên thiếu trong thời kỳ suy thoái kinh tế của những năm 1930. Là một nhân viên công tác xã hội, mẹ ông đã trở lại làm việc và đã làm cho ông nhạy cảm với những hệ quả của tình trạng thất nghiệp và nghèo đói. Là một nhà báo có văn hóa, bố ông là người theo thuyết "tự do”, theo nghĩa của người Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ Roosevelt. Tobin cho biết đã được dẫn dắt đến với kinh tế học theo hai con đường: một đam mê trí tuệ đối với bộ môn này đang trong quá trình hình thức hóa và toán học hoá, và một niềm tin rằng kinh tế học có khả năng mang lại những giải pháp cho những vấn đề nghiêm trọng về xã hội, chính trị và kinh tế vào thời của ông. Là tác giả viết cực kì nhiều, Tobin phô diễn tài năng trong các bái báo về chính trị, mà đối tượng là công chúng rộng lớn, cũng như trong các ấn phẩm lý thuyết nhắm đến các đồng nghiệp của ông.
Cuộc đấu tranh chống lại kinh tế học cổ điển mới

John M. Keynes (1883-1946)
Tobin bắt đầu học kinh tế vào năm 1936 và cuốn sách đầu tiên mà ông đọ sức là một cuốn sách được xuất bản cùng năm đó và đã gây xôn xao tại nước Anh, General Theory of Employment, Interest and Money (Lý thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ) của John Maynard Keynes. Ông thấy ở cuốn sách đó hai mặt của kinh tế học quyến rũ ông: sự bay bổng ở tầm cao về mặt lý thuyết và các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề suy thoái và thất nghiệp. Ông cũng phát hiện ra trong đó một sự xem xét lại niềm tin của kinh tế học "cổ điển” về tự do kinh doanh, về khả năng của các thị trường khi bị bỏ mặc, không có sự can thiệp của chính phủ, để đảm bảo toàn dụng lao động, ổn định giá cả và tăng trưởng. Vì vậy, chính các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm can thiệp để đạt được những mục tiêu trên, thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ, trong số các chính sách khác. Tobin tức thì bị thuyết phục – để diễn dịch thuật ngữ “hooked” của ông ("bị móc câu") trong ngôn ngữ ngành thủy sản – và, cho đến cuối đời, ông tự cho mình là người theo thuyết Keynes.
Paul Samuelson (1915-2009)
John R. Hicks (1904-1989)
Nhưng không vì thế mà James Tobin là môn đồ vô điều kiện của bậc thầy tại Đại học Cambridge, ngay từ các ấn phẩm đầu tiên, ông đã phê phán những luận điểm của thầy. Chẳng hạn ông cho rằng cầu tiêu dùng không gắn với thu nhập hiện hành một cách trực tiếp như cách mà Keynes đặt thành định đề, nhưng nó phụ thuộc vào thu nhập trong dài hạn và của cải nắm giữ. Cùng với Paul Samuelson, John Hicks, Franco Modigliani và những người khác, ông tham gia vào việc phát triển điều mà Samuelson là người đầu tiên đặt tên là tổng hợp tân cổ điển, một nỗ lực dung hòa giữa kinh tế học vĩ mô keynesian và kinh tế học vi mô lấy cảm hứng từ Walras dựa trên định đề về tính duy lý của tác nhân kinh tế. Đồ thị IS–LM và đường Phillips, giả định có một sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, là những công cụ ưu tiên.
Léon Walras (1834-1910)
Franco Modigliani (1918-2003)
Ở Hoa Kỳ, điều được gọi là "kinh tế học mới” thắng lợi vào đầu những năm 1960, trong khi các nhà lý thuyết của kinh tế học này là những người liên quan chặt chẽ nhất với quyền lực chính trị. Chẳng hạn như, năm 1961, Tobin trở thành một trong ba thành viên của ủy ban cố vấn kinh tế của tổng thống John F. Kennedy và góp phần vào việc biên soạn báo cáo kinh tế đầu tiên của Tổng thống. Ông cho biết chính nội dung bản báo cáo là điều mà ông cảm thấy tự hào nhất với tư cách là một nhà kinh tế chuyên nghiệp, ngay cả khi ông không phải là người ký tên báo cáo. Báo cáo khẳng định lại trách nhiệm của chính phủ trong việc đạt được toàn dụng lao động và mô tả các phương tiện để đạt được mục đích này.
Milton Friedman (1912-2006)
Ronald Reagan (1911-2004)
Chiến tranh Việt Nam và vấn đề tài trợ cho nó, cuộc khủng hoảng hệ thống tiền tệ quốc tế, các cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã góp phần chấm dứt ba mươi năm tăng trưởng tương đối bền vững. Tình trạng đình đốn và lạm phát tiếp theo sau đã chuẩn bị, về mặt ý thức hệ, lý thuyết và chính trị cho sự trỗi dậy của các luận điểm mà Keynes đã đả phá trong những năm 1929 và 1930: niềm tin vào thuyết tự do thương mại và bàn tay vô hình, sự bác bỏ chủ nghĩa can thiệp. Ngay từ những năm 1950, Tobin bắt đầu đối lập với Milton Friedman, trước khi trở thành một trong những nhà phê bình đáng gờm nhất của chủ nghĩa trọng tiền. Sau đó, ông thất vọng khi chứng kiến một sự cực đoan hóa của chủ nghĩa bảo thủ với kinh tế học trọng cung, truyền cảm hứng cho tổng thống Reagan và các chính sách cắt giảm thuế, chỉ làm lợi cho người giàu. Nhưng chính những nhà lý thuyết về các dự kiến duy lý và kinh tế học vĩ mô cổ điển mới, che giấu sự chống đối về mặt ý thức hệ của họ đối với mọi hình thức can thiệp của Nhà nước dưới một hình thức ngụy trang mang tính toán học phức tạp, là đối tượng của các cuộc công kích ác liệt nhất của ông.
Phê phán lý thuyết về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên, Tobin vẫn cho rằng có sự không tương thích giữa sự thiếu vắng hoàn toàn tình trạng thất nghiệp và sự thiếu vắng hoàn toàn của lạm phát. Nhưng, trái với các nhà trọng tiền và các nhà kinh tế học cổ điển mới, ông cho rằng cần phải tiến hành cùng lúc một chính sách tích cực để giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiết lập sự kiểm soát thu nhập để giải quyết tình trạng lạm phát. Về điểm này, ông đồng tình với một số môn đồ triệt để của Keynes tập hợp xung quanh trào lưu hậu keynesian.
Tiền tệ, tài chính, và thuế Tobin
Theo James Tobin, một trong những điểm yếu chính của các lý thuyết kinh tế hiện nay, kể cả lý thuyết của Keynes, liên quan đến mối quan hệ giữa nền kinh tế thực và các hiện tượng tài chính và tiền tệ. Sự ưa chuộng thanh khoản, mà theo đó Keynes tạo ra một liên kết giữa cầu về tiền mặt và lãi suất, chắc chắn là một bước quan trọng theo đúng hướng. Nhiều đóng góp quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất về mặt lý thuyết của Tobin, bắt đầu bằng một bài báo được công bố vào năm 1947, đã góp phần phát triển, sửa đổi và mở rộng các luận điểm trên. Ông trách Keynes chỉ xem xét, trong mô hình của ông ấy, hai công cụ tài chính, là tiền tệ và trái phiếu. Cần phải xem xét thực tế là một tác nhân, để nắm giữ của cải của họ, có sự lựa chọn giữa một số lớn các công cụ tài chính. Khi phát triển, trong một bài báo năm 1958, sự phân tích việc lựa chọn danh mục đầu tư của các tác nhân, Tobin góp phần xây dựng những nền tảng của lý thuyết hiện đại về tài chính. Ông trình bày ở đó "định lý tách rời", theo đó việc lựa chọn một danh mục đầu tư độc lập với quyết định liên quan đến tỷ lệ giữa số tiền được đầu tư vào những tài sản mang tính rủi ro và số tiền dành cho việc có được tài sản duy nhất mang tính an toàn là tiền tệ.
Mười năm sau, Tobin đề xuất chỉ số "q” nổi tiếng của ông để minh họa cho sự ràng buộc giữa hai lĩnh vực tài chính và thực tế của nền kinh tế. Chỉ số q là tỷ số giữa hai giá trị của cùng một tài sản. Tử số là sự định giá của hàng hóa, mức giá hiện hành cho việc trao đổi tài sản đó, ví dụ ở thị trường chứng khoán. Mẫu số là chi phí thay thế hay chi phí tái sản xuất tài sản đó, mức giá của hàng hóa khi được sản xuất ra lần nữa. Đối với Tobin, mối quan hệ đó xác định nhịp độ đầu tư. Thực vậy, tốc độ đầu tư được kích thích khi sự định giá của tư bản bởi thị trường lớn hơn những gì phải thực sự chi ra để sản xuất ra nó, và ngược lại. Như vậy, suy thoái kinh tế những năm 1973–1974 được lý giải bởi một sự giảm mạnh của hệ số q, mà bản thân nó bị gây ra bởi những chính sách tiền tệ chống lạm phát quá thắt chặt.
François Mitterrand (1916-1996)

Việc xét lại chủ nghĩa can thiệp keynesian và Nhà nước phúc lợi, như vậy, đi cùng với sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ quốc tế được thiết lập tại Bretton Woods. Việc phi quy định hóa lưu thông tài chính quốc tế gây ra một sự phồng to đến chóng mặt của các dòng tư bản và một sự gia tăng đầu cơ trên quy mô toàn cầu, thế giới tài chính sẽ ngày càng tách xa hơn thế giới thực. Đối với Tobin, tình huống ấy chứa nặng các mối đe dọa đối với tương lai của nhân loại. Trong Chương 12 của cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát), Keynes đã dự kiến ​​việc áp dụng một thứ thuế đánh trên các giao dịch tài chính để chống lại sự thống trị của đầu cơ trên doanh nghiệp. Tobin lấy lại ý tưởng này vào năm 1978, khi đề xuất việc thiết lập một thứ thuế đánh trên tất cả các giao dịch tài chính quốc tế, có thể là từ 0,05% đến 0,1%. Thuế suất này sẽ phạt những dịch chuyển tư bản ngắn hạn, bởi vì nó sẽ phạt càng nặng hơn khi lưu thông của tư bản càng nhanh hơn. Do đó, nó sẽ làm giảm thiểu hệ quả của sự trôi nổi tiền tệ, cho phép các Nhà nước tiến hành những chính sách tiền tệ độc lập.
Jacques Chirac (1932-)
Dominique Strauss-Kahn (1949-)
Với việc thành lập Hiệp hội Attac, vào năm 1988, thuế Tobin đã trở thành một trong những biểu tượng của phong trào vì một toàn cầu hóa khác. Attac ban đầu có nghĩa là "Hiệp hội vì một thuế Tobin để trợ giúp công dân”, trước khi trở thành "Hiệp hội vì sự đánh thuế các giao dịch tài chính để trợ giúp công dân". Trong cuộc phỏng vấn của tờ Le Monde, được công bố vào ngày 17 tháng 11 năm 1998, sau khi nói rằng François Mitterrand và Jacques Chirac đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án về thuế khóa của ông, nhưng Dominique Strauss-Kahn, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính, thì chống lại, Tobin cho biết: "Trong hàng ngũ cánh tả, có lẽ người ta thích dự án của tôi, nhưng tôi thấy ý tưởng đó không hề được quan tâm bởi bất kỳ bộ trưởng tài chính hay thống đốc ngân hàng trung ương nào ở châu Âu”. Liên quan đến Attac, sau này ông đã giữ khoảng cách trước điều mà ông xem như là một sự lạm dụng tên tuổi của ông, khi nhắc lại rằng ông ủng hộ những tổ chức – Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới – mà Attac đổ lỗi, và bảo vệ tự do thương mại.
James Tobin qua vài năm tháng
1919: sinh ngày 05 tháng 3 tại Champaign, Illinois.
1942-1946: phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ như là một sĩ quan.
1946-1950: học tại Đại học Harvard.
Seymour Harris
1947: Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard. “Liquidity Preference and Monetary Policy (Ưa thích thanh khoản và chính sách tiền tệ)", tạp chí Review of Economics and Statistics. “Money Wage rates and Employment (Tỷ suất tiền lương danh nghĩa và việc làm)", trong The New Economics: Keynes’ Influence on Theory and Public Policy (Kinh tế học mới: ảnh hưởng của Keynes trên lý thuyết và chính sách công), của Seymour Harris (chủ biên), Alfred A. Knopf.
1950-1988: giáo sư, phó giáo sư rồi giáo sư cơ hữu, tại Đại học Yale.
1955: được trao huy chương John Bates Clark Medal, do Hiệp hội Kinh tế của Mỹ trao tặng mỗi hai năm một lần cho một nhà kinh tế học dưới 40 tuổi có những đóng góp đáng kể. “A Dynamic Aggregative Model (Một mô hình động tổng gộp)", tạp chí Journal of Political Economy.
1955-1961 và 1964-1965: Giám đốc của Quỹ Cowles về Nghiên cứu Kinh tế.
1956: “The Interest Elasticity of Transactions Demand for Cash (Độ co dãn lãi suất của cầu giao dịch bằng tiền mặt)", tạp chí Review of Economics and Statistics.
1958: Chủ tịch Hiệp hội kinh trắc học. “Liquidity Preference as Behavior Towards Risk (Ưa thích thanh khoản như một hành vi hướng tới rủi ro)", tạp chí Review of Economics Studies.
1961-1962: thành viên Ban cố vấn kinh tế cho Tổng thống John F. Knnedy.
1969: “A General Equilibrium Approach to Monetary Theory (Một cách tiếp cận cân bằng chung về lý thuyết tiền tệ)", tạp chí Journal of Money, Credit and Banking.

1971: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ.
1972: “Inflation and Unemployment (Lạm phát và thất nghiệp)", tạp chí American Economic Review.
1974: The New Economics (Kinh tế học mới), One Decade Order, NXB Princeton University Press.
1980: Asset Accumulation and Economic Activity: Reflections on Contemporary Macroeconomic Theory (Sự tích lũy tài sản và hoạt động kinh tế: Những suy tưởng về lý thuyết kinh tế vĩ mô đương đại), NXB University of Chicago Press.
1981: được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel. “The Monetarist Counter-Revolution Today: An Appraisal (Cuộc phản cách mạng của trường phái trọng tiền ngày nay: Một thẩm định)", tạp chí Economic Journal.
1982: “Money and Finance in the Macro-Economic Process (Tiền tệ và Tài chính trong quá trình kinh tế vĩ mô)”, trong Les prix Nobel (Giải thưởng Nobel), NXB Fondation Nobel.
1988: được phong là giáo sư ưu tú khi nghỉ hưu tại Đại học Yale. Ông vẫn tiếp tục viết báo.
2002: qua đời ngày 11 tháng 3 tại New Haven, Connecticut.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Tobin
National Economic Policy, New Haven, Yale University Press, 1966.
Essays in Economics, MIT Press, 4 vol., 1971, 1975, 1982 et 1996.
Policies for Prosperity: Essays in a Keynesian Essay on Policy, Edward Elgar, 1996.
Retour sur la taxe Tobin, Confluences, 2000.
World Finance and Economic Stability: Selected Essays of James Tobin, Edward Elgar, 2003.

Những tác phẩm viết về Tobin
Tobin or not Tobin? Une taxe internationale sur le capital, par François Chesnais, L’Esprit frappeur, 1999.
Introduction, par Pierre-Yves Hénin et Jean-Paul Pollin, dans Réflexions sur la théorie macroéconomique contemporaine, par James Tobin, Paris, Economica, 1983.
La taxe Tobin, par Yves Jégourel, La Découverte, 2002.
Entretiens avec des économistes américains, par Arjo Klamer, Le Seuil, 1988.
James Tobin’s Contribution to Economics, par Douglas D. Purvis et Johan Myhrman, Sacandinavian Journal of Economics, vol. 84, 1982.
Tobin trên trang Web
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “James Tobin, keynésien modéré et critique radical du néolibéralisme của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF