18.10.16

Giải Nobel kinh tế chống lại dân chủ xã hội


Oliver Hart (1948-)
Bengt R. Holmström (1949-)

Giải Nobel kinh tế chống lại dân chủ xã hội

Avner Offer
OXFORD - Trong số những thành phần ưu tú quản lý xã hội hiện đại thì chỉ có nhà kinh tế mới có giải thưởng Nobel, và mới đây vừa công bố các vị khôi nguyên mới nhất, Oliver Hart và Bengt Holmström. Bất luận vì lý do gì mà các kinh tế gia có được địa vị độc nhất vô nhị này, thì quầng hào quang từ giải thưởng cũng có thể – và thường – tạo nên sự tín nhiệm cho những chính sách có thể gây hại cho lợi ích công, ví dụ như tạo ra bất bình đẳng và khiến các cuộc khủng hoảng tài chính có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Nhưng không chỉ có quan điểm kinh tế. Một thế giới quan khác sẽ định hướng việc phân bổ khoảng 30% GDP – dành cho việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và lương hưu – ở các nước phát triển nhất. Quan điểm xã hội nên được quản lý như thế nào này – quan điểm dân chủ xã hội – không chỉ là một định hướng chính trị mà còn là một phương pháp cai trị.
Kinh tế học chuẩn giả định rằng xã hội được thúc đẩy bởi các cá nhân tự tìm kiếm [lợi ích thông qua] mua bán trao đổi trên thị trường, những lựa chọn cá nhân này dẫn đến một trạng thái hiệu quả cho mọi người thông qua “bàn tay vô hình”. Nhưng học thuyết này không có nền tảng vững chắc ở cả lý thuyết lẫn thực hành: giả thiết không thực tế, mô hình không nhất quán, và dự báo cũng thường không chính xác.
Giải Nobel kinh tế được ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank tạo ra và tài trợ vào năm 1968. Thời điểm tạo ra giải thưởng không phải là ngẫu nhiên. Giải thưởng mới này xuất phát từ mâu thuẫn lâu dài giữa lợi ích của những người giàu có hơn trong tình hình giá cả ổn định và lợi ích của những người còn lại trong tình trạng giảm sự bấp bênh bằng các biện pháp như thuế, đầu tư xã hội, và chuyển nhượng. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải thưởng dẫu cho Thụy Điển cũng là một nền dân chủ xã hội tiên tiến.
Per Åsbrink (1912-1994)
Trong suốt những năm 1950 và 1960, Riksbank bất đồng với chính phủ Thụy Điển về việc quản trị tín dụng. Các chính phủ ưu tiên cho việc làm và nhà ở trong khi Riksbank do thống đốc quyết đoán Per Åsbrink đứng đầu thì lo lắng về tình trạng lạm phát. Để bù đắp những hạn chế về thẩm quyền của mình, Riksbank cuối cùng đã được phép tài trợ cho giải Nobel về kinh tế – một dự án hào nhoáng nhân lễ kỷ niệm ba trăm năm thành lập.
Trong Viện Hàn lâm Khoa học, một nhóm các nhà kinh tế trung hữu (center-right) đã kiểm soát quá trình lựa chọn những người đạt giải thưởng. Những vị khôi nguyên hợp nên một mẫu các nhà kinh tế uyên bác. Phân tích tầm ảnh hưởng, khuynh hướng, và thiên kiến của họ cho thấy ủy ban Nobel thể hiện tính công bằng thông qua sự cân bằng cứng nhắc giữa cánh hữu và cánh tả, trường phái hình thức (formalists) và trường phái kinh nghiệm (empiricists), trường phái Chicago và trường phái Keynes. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng về mặt tổng thể, các nhà kinh tế chuyên nghiệp nghiêng về cánh tả nhiều hơn.
Assar Lindbeck (1930-)
Vị khai sinh ra giải thưởng là Assar Lindbeck, nhà kinh tế ở Đại học Stockholm, người đã quay lưng lại với dân chủ xã hội. Trong những năm 1970 và 1980, Lindbeck can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Thụy Điển, viện dẫn lý thuyết kinh tế vi mô chống lại nền dân chủ xã hội, và cảnh báo rằng đánh thuế cao và việc làm đầy đủ sẽ dẫn đến thảm hoạ. Sự can thiệp của ông đã làm sự chú ý chệch hướng khỏi lỗi chính sách nghiêm trọng đang được thực hiện tại thời điểm đó: bãi bỏ quy định về tín dụng mà sau này dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng vào những năm 1990 cũng như báo trước cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Mối quan tâm của Lindbeck tương tự như của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Bộ Tài chính Mỹ. Sự cương quyết của những tác nhân này về các vấn đề như tư nhân hóa, bãi bỏ quy định, và tự do hóa thị trường vốn và thương mại – cái gọi là Đồng thuận Washington – đã làm giàu cho giới kinh doanh và tầng lớp tinh hoa tài chính, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và làm suy yếu khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Ở phương Tây, ưu tiên cho các chuẩn mực vị kỷ theo đuổi lợi ích cá nhân vốn làm chỗ dựa cho Đồng thuận Washington đã tạo ra môi trường dung dưỡng sự gia tăng của tham nhũng, bất bình đẳng, và mất lòng tin trong việc kiềm chế giới tinh hoa – những hậu quả không lường trước của các giả thiết lựa chọn duy lý hay cái tôi được đặt lên hàng đầu. Trước sự xuất hiện trong các nền kinh tế tiên tiến các rối loạn mà trước đây được gắn cho các nước đang phát triển, nhà khoa học chính trị người Thụy Điển Bo Rothstein đã kiến ​​nghị Viện Hàn lâm Khoa học (mà ông là thành viên) trì hoãn giải Nobel kinh tế cho đến khi những hậu quả như vậy được điều tra.
Bo Rothstein (1954-)
Dân chủ xã hội không đưa ra lý thuyết sâu sắc như kinh tế học. Nó tạo nên một bộ chính sách thực tế đã và đang vô cùng thành công trong việc kiểm soát sự bất ổn về kinh tế. Mặc dù bị tấn công không ngừng nghỉ trong nhiều thập niên, nó vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp hàng hóa công mà thị trường không thể cung cấp một cách hiệu quả, công bằng, hay đủ số lượng được. Nhưng do thiếu vắng sự hỗ trợ chính thức về mặt trí tuệ nên ngay cả các đảng trên danh nghĩa là dân chủ xã hội cũng không hoàn toàn hiểu được nền dân chủ xã hội hoạt động tốt như thế nào.
Không giống như thị trường mà ở đó chỉ tưởng thưởng cho những người giàu có và thành công, dân chủ xã hội được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân. Điều này tạo ra thiên kiến về các trợ cấp kiểu “một giải pháp cho mọi người” (“one-size-fits-all”); nhưng từ lâu cũng đã có cách để quản lý hạn chế này. Bởi kinh tế học có vẻ có sức thuyết phục, và bởi nền dân chủ xã hội là không thể thiếu, hai học thuyết này đã biến đổi để phù hợp lẫn nhau – điều này không có nghĩa là cuộc hôn nhân của chúng là hạnh phúc.
Giống như nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ly hôn không phải là lựa chọn duy nhất. Nhiều nhà kinh tế đã phản ứng trước thất bại của các giả thiết cốt lõi trong bộ môn của họ bằng cách rút lui vào điều tra thực nghiệm. Nhưng hiệu lực (validity) của kết quả thu được sẽ phải trả bằng cái giá là tính tổng quát (generality): các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát dưới hình thức các cuộc thí nghiệm địa phương không thể thay thế cho một tầm nhìn bao quát về lợi ích xã hội. Phải tính đến điều này trong việc lựa chọn các vị khôi nguyên giải Nobel.
Avner Offer (1944-)

Avner Offer
Avner Offer, giáo sư danh dự giảng dạy lịch sử kinh tế tại Đại học Oxford, thành viên của All Souls College [thuộc Đại học Oxford] và của Viện Hàn lâm Anh (British Academy), là đồng tác giả (với Gabriel Söderberg) quyển Nhân tố Nobel: Giải thưởng Kinh tế học, Dân chủ Xã hội, và Chuyển hướng Thị trường (The Nobel Factor: The Prize in Economics, Social Democracy, and the Market Turn) (Princeton University Press, 2016).
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Nguồn: Offer, A. 2016. “Economics Nobel versus Social Democracy”. Project Syndicate, Oct. 10.
Print Friendly and PDF