13.10.16

Vì sao Bengt Holmstrom là nhà kinh tế nên được biết tới?



Vì sao Bengt Holmstrom là nhà kinh tế nên được biết tới?
Đối với cộng đồng kinh tế, các nghiên cứu sáng tạo của Bengt Holmstrom đã có tiếng. Còn đối với những người “ngoại đạo”, kết quả của công trình nghiên cứu của ông đã mang lại sự hiểu biết tốt hơn về một số vấn đề quan trọng hàng ngày. Từ những động viên tại nơi làm việc cho đến quản trị doanh nghiệp (corporate governance) hay cuộc khủng hoảng tài chính, Holmstrom đã phát triển những ý tưởng mới mẻ về các đối tượng xứng đáng nhận được sự quan tâm của chúng ta. Và nếu một số trong các ý tưởng đó có vẻ mang tính cực đoan thì đó là do ông chỉ để tâm đến các mô hình.
Con đường đưa Holmstrom trở thành một trong những nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới về động viên tại nơi làm việc khá đặc biệt. Đầu những năm 1970, Holmstrom nghiên cứu vận trù học cho một tập đoàn ở Phần Lan quê hương ông. Máy tính bắt đầu xâm nhập vào nơi làm việc, và Holmstrom được giao nhiệm vụ thiết kế sao cho các công ty có thể nâng cao hiệu quả lập kế hoạch thông qua công nghệ mới này. Niềm tin phổ biến thời bấy giờ đó là máy tính đương nhiên sẽ cải thiện việc lập kế hoạch và hiệu năng. Nhưng Holmstrom nhận thấy không hẳn là như vậy. Làm sao mà máy tính có thể có thể giúp [cải thiện] hiệu năng nếu như chúng không xử lý được những thông tin tạo nguồn động viên để nhân viên làm việc hiệu quả hơn?
Nhận thấy những sai sót trong quá trình tạo động viên ở công ty, Holmstrom đã bỏ phân tích máy tính.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây từ văn phòng của mình tại MIT, ông cho biết “Tôi cho rằng “đây là điều vô nghĩa”. Chúng ta hiện đang giải quyết một vấn đề nghiêng về kỹ thuật, trong khi vấn đề thực sự ở đây là làm sao để người ta cung cấp thông tin một cách đúng đắn và cho phép đưa ra những đánh giá đúng cho chính bản thân họ”.
Ngay sau đó, Holmstrom đã đến Stanford theo chương trình học bổng Fulbright. Một chuyến đi ban đầu với dự định chỉ là một năm nghỉ phép ở vị trí nhà nghiên cứu vận trù học giờ đã biến thành sự nghiệp gần 40 năm ở vị trí học giả và chuyên gia kinh tế.
Holmstrom giảng dạy kinh doanh và kinh tế học tại Đại học Northwestern, Yale và MIT, ở đó ông đã trở thành giáo sư kinh tế năm 1994, nhưng khi nhìn lại kinh nghiệm làm việc tại khu vực tư nhân thì đó là một trong những khoảng thời gian quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông.
Ông cho biết “Hai năm kinh nghiệm đó có ảnh hưởng rất lớn. Nó vẫn còn, và có lẽ là một trong những lợi thế mà tôi có được, tôi thực sự đã tận mắt chứng kiến các công ty hoạt động cũng như các vấn đề liên quan đến động viên đã nảy sinh như thế nào”.
Do những đóng góp trong các công trình nghiên cứu sáng tạo về động viên và những lĩnh vực khác mà gần đây nhất là nghiên cứu về tính thanh khoản trong thị trường tiền tệ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, Holmstrom đã được trao Giải thưởng của Tập đoàn CME và Viện Nghiên cứu Khoa học Toán học (MSRI) năm 2013 về Ứng dụng Định lượng Sáng tạo.

Các mô hình động viên

Theo Holmstrom, nghiên cứu về động viên tại nơi làm việc là một chủ đề “có vẻ rộng mở cho việc lập mô hình và phân tích trong kinh tế”, và dẫn ông đến việc thách thức một số nghiên cứu mô hình động viên tại nơi làm việc trước đó – được biết đến với thuật ngữ kinh tế “rủi ro đạo đức” (moral hazard) – tập trung vào những động viên dựa hoàn toàn vào kết quả công việc.
Paul Milgrom (1948-)
Những ai chưa từng nghe nói đến nghiên cứu rủi ro đạo đức của Holmstrom có thể sẽ quen thuộc với một số kết quả của nghiên cứu đó. Trong nghiên cứu với Paul Milgrom, ông là một trong những người đầu tiên khám phá ra tầm quan trọng của việc đa nhiệm trong việc phân tích cách thức nhân viên phản ứng với động viên.
Nhận thức được rằng người ta có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động khác nhau giờ được xem là điểm mấu chốt trong việc thiết lập các động viên cho mọi ngành nghề.
Xuất phát từ sự thấu hiểu đó, Holmstrom đã đi đến một phát hiện triệt để hơn: bộ máy quản lý (bureaucracy) và cái mà ông gọi là các biện pháp động viên cấp độ thấp (low-powered incentives) thực sự có giá trị. Theo ông, các động viên nhỏ và yếu hơn về mặt tài chính sẽ khuyến khích hợp tác giữa các nhân viên với nhau và giúp mang lại các động lực tinh tế hơn lên bề mặt, như văn hóa và đạo đức của công ty. Nhưng động viên yếu cũng đòi hỏi tạo ra những giới hạn về những gì nhân viên nên làm và có thể làm. Một bộ máy quản lý được tổ chức tốt là một bộ phận thiết yếu trong bản thiết kế tổng thể về động viên ở môi trường này.
Cuối cùng, các mô hình của ông gợi ý rằng sự nhiệt tình vừa mới nổi lên đối với những động viên dựa vào kết quả công việc còn thiếu sót, và rằng các nguyên tắc và quy định về cách thức thực hiện nhiệm vụ vẫn còn có ý nghĩa to lớn.
Steven Neil Kaplan (1959-)
Holmstrom cũng nghiên cứu quản trị doanh nghiệp khi một số vụ bê bối của công ty nổi lên trong những năm đầu của năm 2000.
Ông lập luận rằng trong khi việc thiết kế thù lao cho giám đốc điều hành có nhiều sai sót cấu trúc thì việc đổ lỗi cho các kế hoạch quyền chọn (option) cổ phiếu, khá phổ biến vào thời điểm đó, là “một chẩn đoán nông cạn” khi tìm kiếm nguyên nhân vụ việc. Trong nghiên cứu với Steve Kaplan ở Đại học Chicago, Holmstrom phát hiện rằng việc tập trung vào giá trị cổ đông nổi lên trong những năm 1990 và năm 2000 đã dẫn tới hậu quả là đặt quá nhiều mối quan tâm vào kết quả kinh doanh ngắn hạn hơn là dài hạn trong chính sách động viên giám đốc điều hành.
“Khi xảy ra vụ Enron, những nhà điều tiết (regulators) lẽ ra đã có thể sửa được những lỗi này trong thiết kế nhưng họ lại tập trung hoàn toàn vào điều sai lầm theo quan điểm của tôi”, ông nói. “Họ đổ lỗi cho quyền chọn nói chung, khi mà vấn đề chỉ đơn giản là người ta cho phép chuyển đổi quá nhanh tiền thưởng thành các quyền chọn”.

Cuộc khủng hoảng tài chính và tính thanh khoản

Jean Tirole (1953-)

Năm 2010, Holmstrom cùng với Jean Tirole (người cùng đoạt Giải MSRI) là tác giả của quyển sách mang tên Trong và Ngoài Thanh khoản (Inside and Outside Liquidity) trong đó tập trung vào tính sẵn có của các tài sản an toàn trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Phân tích của họ thách thức quan điểm thường gặp rằng những người nộp thuế chẳng bao giờ phải đi giải cứu các ngân hàng. Theo Holmstrom và Tirole, khi xảy ra cơn hoảng loạn và các công ty tư nhân không thể huy động đủ tiền, chính phủ có khả năng cung cấp tính thanh khoản để giữ cho chi phí vay của các công ty và người dân ở mức có thể quản lý được.
Trong nghiên cứu khác, ông đã lập luận chống lại quan điểm cho rằng sự thiếu minh bạch trên thị trường tiền tệ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.
“Thị trường tiền tệ mù mờ là do thiết kế. Tính an toàn của thị trường trong nhận thức không xuất phát từ việc cung cấp thông tin chi tiết đến nhà đầu tư nói chung”, ông nói. “[Mà] các quyền đòi nợ được đảm bảo bằng đủ tài sản thế chấp mới làm cho thị trường này an toàn”.
Theo Holmstrom, thị trường tiền tệ dựa trên lòng tin chứ không dựa trên thông tin phong phú và kịp thời. Theo quan điểm của ông, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra khi giá trị của tài sản thế chấp được cảm nhận là đã giảm đến mức đủ để khiến cho các nhà đầu tư mất lòng tin và đòi hỏi thêm thông tin về các tài sản thế chấp cơ sở.
“Thanh khoản là một vấn đề thuộc về cảm nhận”, Holmstrom nói. “Lòng tin có thể thay đổi một cách nhanh chóng và đây là điều khiến việc quản trị nền kinh tế có tính thanh khoản cao gặp rất nhiều khó khăn”.

Đối tác đối thoại

Dù đã trở thành nhà kinh tế sau khi tích lũy được kinh nghiệm thực tế nhưng chính sự cống hiến của Holmstrom theo đuổi các mô hình lý thuyết mới dẫn ông đến những ý tưởng đột phá.
“Các mô hình kiểu như là các đối tác đối thoại. Bạn đặt câu hỏi cho mô hình và các mô hình trả lời”, ông nói. “Tầm quan trọng của lý thuyết là hiểu chính xác cách thức mô hình tư duy. Bởi vì sau đó nó [mô hình] sẽ trở thành một đối tác đối thoại dễ hiểu, và nó có thể làm sáng tỏ những câu hỏi”.
Ngoài nghiên cứu, ông vẫn tiếp tục giảng dạy tại khoa kinh tế ở MIT, luôn sử dụng bảng đen phấn trắng và thảo luận. Không bao giờ dùng bài giảng trình chiếu (slides).
“Cá nhân tôi không hề thích bài giảng trình chiếu vì nó kiểu như là buộc tôi phải đi theo một lối mòn, cũng như dụ dỗ tôi không chuẩn bị”, ông nói.
Nhưng nếu các phương pháp mà sinh viên học trong lớp của ông đã không thay đổi gì nhiều trong suốt sự nghiệp của ông thì nội dung họ học chắc chắn là có.
“Các câu hỏi cơ bản trong kinh tế học có xu hướng giống nhau. Chúng mang đến các câu trả lời đối chọn hoặc những quan điểm khác nhau, nhưng nhìn trên tổng thể thì các câu hỏi đều giống nhau”, ông nói. “Bản chất của các câu trả lời và các phương pháp tiếp cận cải tiến theo thời gian, và đó là cách mà chúng ta làm giàu thêm sự hiểu biết của mình”.
Evan Peterson là giám đốc tiếp thị khối doanh nghiệp tại Tập đoàn CME và tổng biên tập OpenMarkets.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Nguồn: Peterson, E. 2013. “Why Bengt Homlstrom is an Economist You Should Know?”. OpenMarkets.
Print Friendly and PDF