12.11.16

9 bản đồ giải thích những vấn đề được mất của các cuộc bầu cử Mỹ

9 BẢN ĐỒ GIẢI THÍCH NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC MẤT CỦA CÁC CUỘC BẦU CỬ MỸ

Trump so với Clinton. Cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên cho cuộc chạy đua vào phòng bầu dục của Nhà Trắng cho thấy hố ngăn cách đào sâu giữa hai nước Mỹ hoàn toàn đối lập với nhau. Những người thuộc Đảng Cộng hòa chống lại những người thuộc Đảng Dân chủ, người giàu chống lại người nghèo, thành thị chống lại nông thôn, thanh niên chống lại người lớn tuổi, người theo đạo Tin Lành chống lại người vô thần, người da đen chống lại người da trắng... những đường rạn nứt chia cắt xã hội Mỹ là rất nhiều và rất sâu. Nói có sách, mách có chứng.
1/ Nước Mỹ theo Đảng Dân chủ đối mặt với nước Mỹ theo Đảng Cộng hòa
Hãy lấy cuộc bầu cử tổng thống cuối cùng, cách nay bốn năm, làm bối cảnh. Bản đồ các kết quả theo từng tiểu bang cho thấy một nước Mỹ theo Đảng Dân chủ (màu xanh) tập trung vào các vùng ở bờ biển phía Đông và phía Tây và phía Bắc, trong khi những người theo Đảng Cộng hòa (màu đỏ) mở rộng ảnh hưởng của họ chủ yếu ở các vùng miền Nam và trong nội địa.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 theo từng tiểu bang


Nguồn: Ủy ban Bầu cử Liên bang (Républicain: Đảng Cộng hòa; Démocrate: Đảng Dân chủ)

Barry Goldwater (1909-1998)
Lyndon Johnson (1908-1973)
Việc những người theo Đảng Cộng hòa bám trụ ở miền Nam sâu xa mới xảy ra gần đây thôi: nó bắt nguồn từ năm 1964, năm mà ứng cử viên thuộc Đảng Dân chủ Lyndon Johnson đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, như tờ New York Times đã thuật lại. Mặc dù thất bại, nhưng đối thủ của ông ấy, Barry Goldwater, đã giành thắng lợi tại các bang Arizona, Georgia, Louisiana, Nam Carolina, Alabama và Mississippi. Những bang mà cho đến lúc bấy giờ, theo truyền thống, vẫn theo Đảng Dân chủ, một đảng được thành lập để chống lại Đảng Cộng hòa, đảng của Tổng thống Abraham Lincoln, một "người miền Bắc" kể từ cuộc nội chiến (1861-1865).
George Wallace (1919-1998)
Martin L. King (1929-1968)
Làn sóng màu đỏ của các vùng "miền Nam" này rõ ràng là một phản ứng đối với sự ủng hộ, vào thời đó, của những người theo Đảng Dân chủ đối với phong trào đòi hỏi dân quyền, đặc biệt được dẫn dắt bởi mục sư Martin Luther King chống lại nạn phân biệt đối xử mà phần lớn người da đen vẫn còn là nạn nhân tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Về phía Barry Goldwater, ông đã bảo vệ quyền của mỗi bang trong việc lựa chọn con đường của họ đối với sự bình đẳng chủng tộc. Bốn năm sau đó, sự rạn nứt giữa hai đảng này càng tiếp tục tăng lên, các bang miền Nam đã bầu cho hoặc ứng cử viên thuộc Đảng Cộng hòa Richard Nixon, hoặc cho ứng cử viên công khai chủ trương phân biệt chủng tộc và độc lập George Wallace.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo từng tiểu bang từ năm 1964 đến năm 2012


Nguồn: Ủy ban Bầu cử Liên bang (Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ, Đảng độc lập)

Jimmy Carter (1924-)
Richard Nixon (1913-1994)
Kể từ năm 1968, với cuộc khủng hoảng kinh tế đã từng đánh dấu, vào những năm 1970, sự kết thúc của Ba mươi năm vinh quang tại Hoa Kỳ cũng như tại các nước phát triển khác, Đảng Cộng hòa một lần nữa đã thành công trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ từ miền Nam lên miền Bắc. Họ đã chiến thắng gần như tất cả các cuộc bầu cử cho đến năm 1992. Ngoại lệ duy nhất là vào năm 1976 với chiến thắng của Jimmy Carter thuộc Đảng Dân chủ khi vụ bê bối Watergate đã kéo theo sự mất chức của Tổng thống Richard Nixon thuộc Đảng Cộng hòa sau vụ nghe lén tại trụ sở của Đảng Dân chủ. Nếu Carter đã tập hợp được nhiều bang của miền Nam về Đảng Dân chủ, thì đó cũng bởi vì ông là người của vùng đó (bang Georgia) và là một người mộ đạo nhiệt thành.
Sự rạn nứt giữa một nước Mỹ màu đỏ và một nước Mỹ màu xanh bị quyết định trên hết kể từ những năm 1960 bởi "vấn đề phân biệt chủng tộc"
Chính từ năm 1988 mà các bang ở bờ biển phía Tây bắt đầu nhuộm màu xanh. Và chính vào năm 1992 mà ảnh hưởng của Đảng Dân chủ đã được xác lập tại các bang miền Tây với sự chuyển hướng của bang California, mà còn tại các vùng ở phía Đông Bắc và phía Bắc của bang Midwest. Tuy nhiên, Bill Clinton đã chiến thắng cũng nhờ vào khả năng thuyết phục của ông đối với một bộ phận các cử tri người da trắng ở miền Nam, khi bản thân ông cũng từng là Thống đốc bang Arkansas.
Những năm dưới thời tổng thống Bush (2000-2008), bản đồ bầu cử của Mỹ là ổn định. Và mặc cho nguyện vọng của ứng cử viên Barack Obama, người muốn vượt qua hố sâu ngăn cách đó để nói với toàn thể người dân Hoa Kỳ, rằng "sự phân chia xanh-đỏ này đã đóng băng" dưới hai nhiệm kỳ của ông, như ghi nhận của tờ New York Times.
Sự rạn nứt giữa một nước Mỹ màu đỏ và một nước Mỹ màu xanh bị quyết định trên hết kể từ những năm 1960 bởi "vấn đề phân biệt chủng tộc", theo thuật ngữ của Mỹ: không có ứng cử viên tổng thống nào của Đảng Dân chủ thu được hơn 51% số phiếu bầu của các cử tri người da trắng kể từ năm 1964. Điều này xác nhận biểu đồ được trích dẫn từ một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew: 86% các cử tri của Đảng Cộng hòa là người da trắng, một tỷ lệ đã giảm nhẹ kể từ năm 1992. Ngược lại, thành phần các cử tri của Đảng Dân chủ mang tính đa dạng hơn, với 57% người da trắng, 21% người da đen, 12% người Latinh, 3% người châu Á.

Một bộ phận các cử tri và người ủng hộ là những người...


(Chú thích theo thứ tự từ trên xuống: Người Tây Ban Nha, Người da đen, Người châu Á, Người lai hoặc khác, Người da trắng)
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew

2/ Những tiểu bang có thể ngã theo Đảng này hay hay Đảng kia
Khi quan sát bản đồ bầu cử năm 2012, màu đỏ chiếm ưu thế khá rõ ràng. Đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi tại đa số các bang. Tuy vậy, Barack Obama lại là người được bầu làm Tổng thống. Có điều gì đó không ổn chăng? Câu trả lời nằm ở yếu tố dân số của Hoa Kỳ, người dân tập trung đông hơn ở các vùng bờ biển so với các vùng bên trong đất nước, và ở trong phương thức bầu cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một cuộc bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu gián tiếp một vòng. Có nghĩa là công dân Mỹ bỏ phiếu cho các đại cử tri, để những người này sau đó sẽ bầu cho một ứng cử viên. Tại hầu hết các tiểu bang, Đảng nào có số phiếu bầu cao nhất sẽ thu được lá phiếu bầu của tất cả các đại cử tri của bang đó, theo quy tắc "được ăn cả"[1].
Các cử tri đề cử tổng cộng 538 đại cử tri. Họ được phân chia trong 50 tiểu bang: số lượng đại cử tri của một bang bằng với số lượng người đại diện của bang đó tại Hạ viện (tỷ lệ thuận với dân số), cộng với hai đại cử tri tương ứng với số lượng người đại diện tại Thượng viện của mỗi bang (một số lượng cố định, bất luận quy mô của bang đó). Phương thức bầu cử này, không tỷ lệ thuận với dân số, làm biến dạng đáng kể bản đồ bầu cử của Mỹ.
Trên bản đồ nói trên, mỗi ô vuông tượng trưng cho một tiểu bang. Kích thước của các ô vuông tỷ lệ thuận với số lượng đại cử tri được phân bổ cho bang đó. Về cơ bản, ngoại trừ bang Texas, các tiểu bang do người của Đảng Cộng hòa "nắm giữ" nói chung có ít dân cư hơn so với các bang của Đảng Dân chủ. Nói cách khác, nước Mỹ màu xanh chiếm một diện tích nhỏ hơn, nhưng lại đại diện cho một số lượng đại cử tri quan trọng hơn.
Các ô vuông màu đậm hơn trên bản đồ nói trên được ghi chú là những bang dao động (swing states), những bang này có thể ngã theo phe này hay phe kia tùy theo chiến dịch tranh cử và vì vậy tập trung sự chú ý (và tiền của) của các ứng cử viên. Báo chí Mỹ cho rằng có mười một bang có khả năng thay đổi phe, trong đó có bốn bang đặc biệt không chắc chắn là Florida, Ohio, North Carolina và Nevada.
Các ứng cử viên bỏ rơi những bang được coi là thắng trước và tập trung nỗ lực vào bốn bang nói trên
Vì vậy, các ứng cử viên bỏ rơi những bang được coi là thắng trước và tập trung nỗ lực vào bốn bang nói trên. Điều này có thể tạo ra một độ lệch trong những chủ đề được tranh luận trong chiến dịch. Đa số những người nhập cư Mỹ gốc Latinh sống tại những bang không được tranh thủ nhiều (New York, California, Texas) không tác động lắm đến chiến dịch tranh cử như tầm quan trọng dân số của họ tưởng chừng có thể có. Ngược lại, các cộng đồng người gốc Tây Ban Nha của những bang được tranh thủ như Florida, có thể nhận được sự chú ý nhiều hơn so với tầm quan trọng của họ trong dân cư, như lời giải thích của James G. Gimpel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maryland, trong các chuyên mục của trang Alternatives Internationales.

Tỷ lệ dân cư người gốc Tây Ban Nha hay Latinh tại từng tiểu bang, tính theo %


(Chú thích từ trái sang phải: Dưới 10%; Từ 10% đến 19,9%; Từ 20% đến 29,9%; Trên 30%)
Nguồn: Cục điều tra dân số

Những người nhập cư Mỹ gốc Latin nghiêng rõ về phía Đảng Dân chủ, và đó chính là lý do tại sao California hay bang New York đã trở thành những pháo đài của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, thế hệ đầu tiên của những người tị nạn Cuba tại Florida là một ngoại lệ, và đây là một trong những lý do tại sao bang này là một trong những bang dao động.
Một thiên lệch khác: tuổi tác. Florida là một bang già nua, nơi có tỷ lệ cao những người trên 65 tuổi. Điều này cũng đúng đối với bang Nebraska. Điều này có thể khuyến khích các ứng cử viên làm tăng giá trị thái quá các chủ đề về sự an toàn, gây bất lợi cho các giá trị mang tính cấp tiến hơn của các thế hệ trẻ. Điều này có lợi một cách tiên nghiệm cho Đảng Cộng hòa, khi mà các cử tri đã lớn tuổi đáng kể, trong khi các thế hệ thiên niên kỷ, thế hệ trẻ (18-35 tuổi), ủng hộ áp đảo cho Đảng Dân chủ.

Một bộ phận các cử tri và người ủng hộ là những người...


(Chú thích từ trên xuống: Trên 65 tuổi; 50-64 tuổi; 30-49 tuổi; 18-29 tuổi)
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew

Tỷ lệ những người 18-35 tuổi tự nhận mình thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, tính theo %


Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew

Tại Ohio, một bang gây tranh cãi khác nằm gần biên giới với Canada, dân cư có tuổi đời rất trẻ. Ngược lại, họ có trình độ học vấn thấp: tỷ lệ những người có bằng cấp tương đương với bằng tú tài hoặc cao hơn tương đối thấp (26,5%). Và đây là một trong những yếu tố chính giải thích kết quả các cuộc thăm dò có lợi cho Donald Trump tại tiểu bang này. Điều này cũng đúng tại bang Iowa, một tiểu bang khác nơi mà sự tranh đua vẫn còn rất khít khao.
Thực vậy, sức mạnh tranh cử chính của Donald Trump nằm trong lá phiếu của những người da trắng có trình độ học vấn thấp, một bộ phận chiếm gần một cử tri trên hai vào năm 2012. Sự ủng hộ rõ ràng mà Trump có được từ bộ phận dân cư này cho phép ông tiếp tục cuộc tranh cử. Bản đồ dưới đây, cho thấy tỷ lệ những người tốt nghiệp trong dân cư của từng bang, phản ánh khá đúng bản đồ bầu cử.

Tỷ lệ những người tốt nghiệp tú tài hoặc cao hơn trong số những người 25 tuổi vào năm 2014, tính theo %


(Chú thích từ trái sang phải: Dưới 25%; Từ 25% đến 29,9%; Từ 30% đến 34,9%; Trên 35%)
Nguồn: NCES

Nói một cách tổng quát hơn, trình độ học vấn tác động phần lớn đến lá phiếu bầu. Những người Mỹ tốt nghiệp đại học có tính nhạy cảm rõ hơn đối với các giá trị cấp tiến so với những người chưa tốt nghiệp đại học. Và hố ngăn cách này đang sâu thêm, từ nay 31% những người tốt nghiệp đại học tự nhận mình luôn luôn có tư tưởng cấp tiến, so với tỷ lệ 7% vào năm 1994.

Các giá trị chính trị của người Mỹ theo trình độ học vấn của họ vào năm 2015, tính theo %


Chú thích cho các thanh ngang từ trên xuống: (1) Tốt nghiệp trung học hoặc chưa tốt nghiệp; (2) Học đại học nhưng không có bằng cấp; (3) Học đại học (giai đoạn 1); (4) Học đại học (giai đoạn 2 hoặc 3)
Chú thích cho các ô màu từ trên xuống: (1) Luôn luôn theo tư tưởng bảo thủ; (2) Chủ yếu là theo tư tưởng bảo thủ; (3) Vừa cấp tiến vừa bảo thủ; (4) Chủ yếu là theo tư tưởng cấp tiến; (5) Luôn luôn theo tư tưởng cấp tiến.

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew

Cuối cùng, tôn giáo cũng là một yếu tố quyết định. Không phải vô cớ mà miền Trung và miền Nam Hoa Kỳ được mệnh danh là "vùng đất của Chúa Giêsu" (Jesus Land). Mississippi, Alabama và các bang khác của miền Nam là một trong những bang mộ đạo nhất. Ngược lại, New Hampshire, Massachusetts, Vermont và Maine là những bang mà người dân tự nhận mình phi tôn giáo nhiều nhất, như một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew đã cho thấy.

Tỉ lệ những người trưởng thành tự nhận mình rất sùng đạo vào năm 2014, tính theo %


Nguồn: Nghiên cứu Bối cảnh Tôn giáo năm 2014 – Trung tâm Nghiên cứu Pew

Thế mà tôn giáo gây ảnh hưởng đáng kể đến lá phiếu bầu: người da trắng theo đạo Tin Lành là những người ủng hộ mạnh mẽ Donald Trump, trong khi những người tự nhận là phi tôn giáo ủng hộ Hillary Clinton, vẫn theo Trung tâm nghiên cứu Pew.

Tỷ lệ những người trưởng thành tại từng tiểu bang theo đạo Tin Lành vào năm 2014, tính theo %


Nguồn: Nghiên cứu Bối cảnh Tôn giáo năm 2014 – Trung tâm Nghiên cứu Pew

Mở rộng ra bên ngoài chiến dịch tranh cử, chúng ta quan sát được một xu hướng chiều sâu: một bộ phận những người vô thần hoặc không theo một tôn giáo nào tăng lên đáng kể (từ 8% vào năm 1996 lên 21% vào năm 2016). Nhưng một bộ phận những người phi tôn giáo trong số các cử tri của Đảng Cộng hòa tăng ít hơn so với cùng kỳ đó, từ 6% lên 12%.

Tỉ lệ các cử tri và người ủng hộ là những người...


Chú thích cho các bi màu từ trên xuống: (1) Người da trắng theo đạo Tin Lành; (2) Người da trắng theo đạo Tin lành "truyền thống"; (3) Người da đen theo đạo Tin Lành; (4) Người da trắng theo đạo Công giáo; (5) Người Tây Ban Nha theo đạo Công giáo; (6) Những người theo đạo Kitô khác; (7) Những người không theo đạo; (8) Khác.
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew

3/ Cử tri thành thị so với cử tri nông thôn
Trên bình diện các bang, bản đồ địa lý chính trị của Hoa Kỳ mang tính rất thô thiển. Để hiểu được động thái thực sự, thì cần tăng thêm tiêu cự. Đó lá lý do của bản đồ dưới đây, cho thấy các kết quả bầu cử tổng thống năm 2012 ở cấp hạt.

Các kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 ở cấp hạt


Nguồn: Ủy ban Bầu cử Liên bang

Các khối màu đỏ hoặc màu xanh ít mang tính đơn khối hơn ở bình diện này: các bang cho thấy có một sự chia rẽ. Đặc biệt, bản đồ này phản ánh gần như hoàn toàn đúng với bản đồ dân số thành thị.

Tỉ lệ người dân sống trong khu vực thành thị, vào năm 2010, tính theo %


Chú thích cho các bi màu từ trái sang và trên xuống: (1) Không có dân số thành thị; (2) 0,1–19,9%; (3) 20–49,9%; (4) 50–79,9%; (5) 80–100%.
Nguồn: Cục điều tra dân số

Đó là một thực tế khá quen thuộc của các nhà chính trị học Mỹ: tại Hoa Kỳ, ranh giới bầu cử thực sự chia cách các thành phố lớn theo Đảng Dân chủ, với các vùng nông thôn theo Đảng Cộng hòa. Việc các vùng màu đỏ chiếm ưu thế cao trên bản đồ kết quả bầu cử ở cấp hạt cũng mang tính đánh lừa: như đã thấy ở phần trên, các vùng màu xanh trong thực tế dày đặc nhiều hơn, nhỏ nhưng rất đông dân cư.
Sự rạn nứt giữa thành thị/nông thôn này phản ánh những đường rạn nứt khác, chẳng hạn như sự bất bình đẳng về thu nhập. Theo truyền thống, những cử tri ít khá giả sống ở các thành phố lớn trong thực tế được tìm thấy thành phần những người nhập cư Mỹ gốc La tinh và người da đen, những người nghiêng về phía Đảng Dân chủ. Sự bất bình đẳng về thu nhập nối khớp ở đây với sự bất bình đẳng về chủng tộc để củng cố ranh giới nông thôn/thành thị.
Theo như giải thích của nhà báo người Mỹ Toni Monkovic, "một trong những cách để hiểu được nước Mỹ màu xanh là lần theo nguồn nước. Các đại dương, các hồ lớn và các con sông chính là những vùng hiển nhiên mà các thành phố đã phát triển để trở thành những khu thành thị lớn. Và chính trong các thành thị đó mà Đảng Dân chủ chiếm ưu thế."
Là Trưởng biên tập của trang AlterEcoPlus, Laurent Jeanneau cũng là điều phối viên các tòa soạn báo giấy và trang web Alternatives Economiques.
Được đào tạo làm nhà báo, ông gia nhập Scop Alternatives Economiques vào năm 2007, nơi ông chịu trách nhiệm các mục về xã hội/lao động và doanh nghiệp. Song song đó, ông còn đầu tư vào cuộc phiêu lưu của Idies, Viện Phát triển thông tin về kinh tế và xã hội.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




[1] Trừ Nebraska và Maine, nơi một số đại cử tri được đề cử trong bầu cử địa phương.

Print Friendly and PDF