27.1.17

Donald Trump, một Mao Trạch Đông kiểu Mỹ?



DONALD TRUMP, MỘT MAO TRẠCH ĐÔNG KIỂU MỸ?
Joana Hiu
Một du khách chụp ảnh trước tượng sáp Donald Trump tại Bảo tàng Grevin ở Seoul vào ngày 20 tháng 1, 2017. (Ảnh: ED JONES/AFP)
Liệu Donald Trump có là người thừa kế của Mao Trạch Đông? So sánh có thể có vẻ hơi nặng một chút, nhưng đó là điều mà một số chuyên gia đang cố chứng minh khi so sánh hai người đàn ông này. Ví dụ, người thừa kế tinh thần chính trị theo chủ nghĩa Mao không ở Bắc Kinh mà từ nay ở Washington. Giữa các mâu thuẫn, các thay đổi liên tục trong tư thế và ý tưởng, những đặc điểm của người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dường như được tìm thấy lại ở vị tổng thống mới của Mỹ.
Orville Schell (1940-)
Mao Trạch Đông (1893-1976)
Những tương đồng giữa một tỷ phú của vùng Manhattan và cha đẻ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là gì? Orville Schell gợi ý so sánh tính cách của hai người đàn ông này. Trong một cuộc phỏng vấn với trang Asia Society, vị cựu hiệu trưởng của Trường đại học báo chí thuộc Đại học California, Berkeley, tuyên bố rằng Trump giống như Mao Trạch Đông. Cả hai đều là những người “cách mạng và theo chủ nghĩa dân túy. Đây cũng là ý kiến của Daoying Chen, phó giáo sư khoa học chính trị và luật học tại Đại học Thượng Hải. Mao Trạch Đông và Trump là những người khéo sử dụng chủ nghĩa dân túy để lẩn tránh các hệ thống quan liêu bị chi phối bởi giới tinh hoa để trực tiếp tiếp xúc với người dân, vị học giả người Trung Quốc đã cho biết trên tờ South China Morning PostMao Trạch Đông đã sử dụng cuộc Cách mạng Văn hóa để được “phong thánh”, trong khi Trump đã tăng cường danh tiếng của ông trên trang Twitter, như thể ông tổ chức sự sùng bái mình.
Kerry Brown (1963-)
Judith Shapiro (1942-)
Một điểm chung khác, Kerry Brown, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Hoàng gia London, cho biết thêm: Giống như Mao Trạch Đông, Trump không thích các học giả. Theo Brown, cuộc “Cách mạng Văn hóa” Mỹ thậm chí có thể sắp xảy ra:Các cuộc công kích mạnh mẽ chống lại giới truyền thông, việc liên tục kêu gọi công chúng ủng hộ ông chống lại những lợi ích trực tiếp của giới tinh hoa và một đạo đức chính trị bị chi phối bởi các mâu thuẫn dường như là những gì mà nước Mỹ và thế giới có thể chờ thấy trong những năm tới.
Về vấn đề môi trường, Judith Shapiro nhắc lại rằng Mao Trạch Đông chủ trươngcon người là trung tâm, xem thế giới như mộtkhông gian cần phải sắp xếp lại, để thích nghi với nhân tính và tính ưu việt của con người.Tương tự như vậy, Donald Trump đã cho thấy “sự vô ý thức liên quan đến tác động của các hoạt động công nghiệp của con người đối với thế giới tự nhiên,” Kerry Brown đã viết trong tờ The Diplomat.
Daniel H. Rosen (1967-)
Tuy nhiên, Zhang Yuquan, một nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, đã nhấn mạnh và được tờ South China Morning Post trích dẫn, rằng Mao Trạch Đông và Trump chỉ giống nhau trong phạm vi mà hai người đãlật đổ được một số truyền thống của đất nước họ. Bản chất của Trump làm cho ông tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể thương lượng được, kể cả các quyền của con người và ý thức hệ.
Chính trong sự gắn bó chặt chẽ các ý tưởng mà người khác thấy được sự khác biệt giữa hai người đàn ông này. Theo Daniel Rosen, người đồng sáng lập công ty nghiên cứu Rhodium, sự khác biệt then chốt giữa Trump và Mao Trạch Đông là việc dường như Mao tin vào những gì ông đã theo đuổi. Theo Rosen, chúng ta nên xem Trump và cách ứng xử của ông ấy trong suốt cuộc đời của ông ta. [...] Tôi không chắc ông ta là một nhà cách mạng như cách ông ta thể hiện khi nói chuyện với công chúng.
Joana Hiu
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Donald Trump, un Mao américain?, AsiaLyst, 20/01/2017.
Print Friendly and PDF