22.2.17

Liệu Trung Quốc có đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc không?



LIỆU TRUNG QUỐC CÓ ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI NHIỀU HƠN NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ VÀO TRUNG QUỐC KHÔNG?
Jean-Raphaël Chaponnière
Người lao động Trung Quốc tại một cửa hàng của Apple ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, tại vùng duyên hải phía Đông vào ngày 12 tháng 1 năm 2016. (Ảnh: Ye li juan/Imaginechina/via AFP)
Trung Quốc là nước lớn thứ hai thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số tiền lũy tích lên đến 1085 tỷ USD vào tháng 12 năm 2014, ít hơn gấp 5 lần so với nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ theo UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development – Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc). Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI đầu tư vào Trung Quốc đang chựng lại, trong khi nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lại tăng lên nhanh chóng, được khuyến khích bởi chính sách "Go Global (Kinh doanh toàn cầu)" được thông qua vào năm 2002.
Theo UNCTAD, dẫn lại các số liệu từ Bộ Thương mại của Trung Quốc (Mofcom), vào năm 2014, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ hai ở nước ngoài về dòng vốn đầu tư sau Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng việc thành lập và mua lại công ty ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, tiếp cận công nghệ và các mạng phân phối. Với một lượng đầu tư ra nước ngoài lên đến 729 tỷ USD theo UNCTAD (số liệu của Mofcom), Trung Quốc đứng hàng thứ bảy, rất xa sau Hoa Kỳ (6.100 tỷ USD), Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Hà Lan, Hồng Kông và Nhật Bản, những nước thu hút được từ 1.000 đến 1.500 tỷ USD (biết rằng Hà Lan và Hồng Kông là những nước được dùng làm bàn đạp cho các nước khác trong đó có Trung Quốc).
Tại sao lại có sự khác biệt trong các số liệu
Có hai nguồn cung cấp số liệu thống kê về các nguồn vốn FDI đầu tư vào Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài: 
Các số liệu thống kê của Mofcom dựa trên các đầu tư được cấp phép và được công bố mỗi năm một lần; các số liệu gần đây nhất là vào năm 2014: năm mà Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn những gì mà người nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. 
Các số liệu thống kê từ Cục quản lý nhà nước về ngoại hối (SAFE), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các nguồn vốn dự trữ, thiết lập cán cân thanh toán theo phương pháp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các số liệu của cơ quan này được công bố hàng quý kể từ năm 1998 và các số liệu gần đây nhất là vào quý I năm 2016.
Sự khác biệt giữa các nguồn số liệu này, thấy rõ nhất đối với các nguồn vốn đầu vào so với các nguồn vốn đầu ra, càng bị đào sâu thêm theo thời gian. Các số liệu của cơ quan này và cơ quan kia cho thấy một sự suy giảm các nguồn vốn đầu vào, mà theo SAFE đã phát sinh vào năm 2015 và vào quý I năm 2016. Các số liệu về nguồn vốn đầu vào này lớn gấp đôi so với các số liệu về nguồn vốn đầu vào của Mofcom. Lý giải như thế nào về sự khác biệt này? Điều này có thể phản ánh các khoản lợi nhuận được tái đầu tư bởi các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, những số liệu mà Mofcom đã bỏ qua, nhưng lại được SAFE đưa vào. Nếu đúng vậy, thì khoảng chênh lệch nói trên phản ánh sự gia tăng các khoản lợi nhuận được tái đầu tư. Đây là điều được các cơ quan thống kê của các nước đầu tư khẳng định: lợi nhuận tái đầu tư của các doanh nghiệp Đức đã tăng từ 36 triệu euro vào năm 2005 lên 3,8 tỷ euro vào năm 2013, và lợi nhuận tái đầu tư của các chi nhánh công ty của Mỹ đã tăng từ 1,8 tỷ USD vào năm 2005 lên 6,7 tỷ USD vào năm 2013.
Theo hai nguồn số liệu này, các nguồn vốn FDI đầu tư ra nước ngoài đã tăng mạnh. Nó đạt hoặc vượt 100 tỷ USD vào năm 2014; và kể từ đó, theo SAFE, đã tăng gấp đôi hàng năm và sẽ đạt gần với mức các nguồn vốn FDI đầu tư ra nước ngoài của Hoa Kỳ.
Cấu trúc các tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài
Kể từ năm 2004, SAFE công bố “vị thế sở hữu nguồn vốn đầu tư trên quốc tế” của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là gì? Trong khi cán cân thanh toán phản ánh các dòng vốn (xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, nguồn vốn vào và ra của một nền kinh tế), thì vị thế đối ngoại đo lường số kết các khoản nợ và các cam kết của một nền kinh tế đối với phần còn lại của các nước trên thế giới. Tương tự như bảng tổng kết tài sản của một doanh nghiệp, tài sản có đo lường số tiền lũy tích các tài sản có bằng ngoại tệ và các cam kết tài sản phải trả của một nước. Vị thế sở hữu nguồn vốn đầu tư thuần của một nước tương đương với tình hình tài khoản thực của một doanh nghiệp.
Tài sản có và tài sản nợ được chia thành ba loại: 1) nguồn vốn FDI (nguồn vốn đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc là tài sản có, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc là tài sản nợ), 2) danh mục đầu tư (với nguồn vốn dưới mức 20%), 3) các nguồn vốn khác (trong đó có nguồn vốn tiền gửi). Các nguồn tiền nói trên cùng với các nguồn dự trữ hình thành nên tổng tài sản có và hiệu số với tài sản nợ sẽ cho ra vị thế đối ngoại.
Bảng nói trên cho thấy vị thế đối ngoại của Trung Quốc vào tháng 3 năm 2011 và vào tháng 3 năm 2016. Điều khác biệt trong cấu trúc tài sản của Trung Quốc với cấu trúc tài sản của các nước khác, là trọng lượng của các nguồn dự trữ: ngay cả khi các nguồn dự trữ tăng nhẹ – từ 3.116 lên 3.305 tỷ USD) – thì trong khoản thời gian này, nó tượng trưng một nửa số tài sản có. Đối với các nguồn vốn FDI của Trung Quốc ở nước ngoài, nó đã tăng gần gấp ba và đạt 1.191 tỷ USD. Về mặt tài sản nợ, nó bị chi phối bởi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng 75% trong 5 năm và đạt 2.881 tỷ USD, gấp đôi so với nguồn vốn FDI của Trung Quốc ở nước ngoài. Nguồn vốn này chiếm 30% GDP của Trung Quốc, nhiều hơn ba lần so với đánh giá của Mofcom vào năm 2014, và đạt một tỷ lệ gần với tỷ lệ của Hoa Kỳ (40% vào năm 2016).
Vị thế đối ngoại của Trung Quốc là + 6.219 tỷ USD, trong khi vị thế thuần đối ngoại của Hoa Kỳ là âm 7.625 tỷ USD.
Vậy các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc đã đi đâu? Các số liệu thống kê được Trung Quốc công bố không giúp trả lời câu hỏi trên. Mỗi năm Mofcom công bố mức phân bổ các dòng tiền và cổ phiếu trên cơ sở các thông tin được yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp, là những số liệu chỉ được sử dụng để báo cáo điểm đến đầu tiên của các nguồn vốn đầu tư của họ. Như vậy, theo Mofcom, vào năm 2014, gần 70% các cổ phiếu tập trung vào Hồng Kông, quần đảo British Virgin Islands và quần đảo Iles Caïmans, những nơi được dùng làm bàn đạp để tới các điểm đến khác. Để hiểu xa hơn, chúng ta có thể sử dụng những số liệu thống kê của các nước tiếp nhận đầu tư hoặc theo dõi những thông báo của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Jean-Raphaël Chaponnière
Giới thiệu về tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Trung tâm châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF