3.2.17

Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, châu Á sẽ rơi vào vòng tay của Trung Quốc?


SAU KHI MỸ RÚT KHỎI HIỆP ĐỊNH TPP, CHÂU Á SẼ RƠI VÀO VÒNG TAY CỦA TRUNG QUỐC?
Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu sắc lệnh mà ông vừa ký để rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, ngày 23 tháng 1 năm 2017. (Ảnh: AFP PHOTO / SAUL LOEB)
Giữ lời. Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump hôm qua,thứ hai 23 tháng 1, đã ký một sắc lệnh chính thức rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), để lại một “khoảng trống” chính trị và kinh tế ở châu Á. Liệu Trung Quốc có lấp vào khoảng trống đó không? Đây có thực sự là một món quà trời cho đối với Bắc Kinh không? Liệu hiệp định TPP đã chết và đã bị chôn vùi chưa?
Liệu việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP có thực sự là một món quà trời cho đối với Trung Quốc không? Có nhiều ý kiến khác nhau. Nhật báo Mainichi của Nhật đầu tiên nhắc lại rằng sự rút lui này là một đòn giáng mạnh vào di sản của ông Barack Obama. Thật vậy, hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là hòn đá tảng của “trục xoay hướng về châu Á” từng được mong muốn bởi vị cựu Tổng thống Mỹ và nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong con mắt của Donald Trump, các cân nhắc trên là hoàn toàn thứ yếu vì ông cho rằng thỏa thuận này sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho người lao động Mỹ (xem bài viết của chúng tôi trên trang Asialist). Thay cho một hiệp định thương mại tự do, vị chủ nhân mới của Nhà Trắng muốn thiết lập một chính sách về “thuế quan đáng kể” đối với những doanh nghiệp nào di dời các nhà máy của họ ra khỏi Hoa Kỳ. Ngược lại, những doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất trên đất Mỹ sẽ được ưu đãi về thuế. Nước Mỹ trước tiên.
Nhiều nhà quan sát xem việc Mỹ rút khỏi TPP đã để lại một đại lộ thênh thang cho Trung Quốc ở châu Á. Đối với tờ South China Morning Post, điều này tạo ra một khoảng trống chính trị và kinh tế mà Bắc Kinh rất háo hức để lấp vào. Điều này chắc chắn là một cú hích thực sự cho những vùng sản xuất của Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc di đời các nhà máy, nhưng đó còn là sự suy sụp của toàn bộ uy tín của Mỹ ở châu Á. Theo tờ Washington Post, sự rút lui này đã trao cho Trung Quốc một cơ hội rõ ràng nhất để làm lệch cán cân địa chính trị của châu Á theo hướng có lợi cho mình. Và cho phép họ lôi kéo tốt hơn những nước bị thất vọng bởi TPP gia nhập hiệp định đa phương về thương mại tự do của chính họ: hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định bao gồm mười sáu quốc gia đa phần thuộc khu vực Đông Nam Á (đọc bài viết của chúng tôi về chủ đề này trên trang AsiaLyst), ngoại trừ Hoa Kỳ. Một hiệp định, mà trong con mắt của các nhà phê phán nó, thiếu vắng các điều khoản về môi trường, bảo vệ quyền của người lao động và cuộc chiến chống tham nhũng.
Eric G. Altbach
John McCain (1936-)
Ngoài ra, tờ South China Morning Post cũng nhắc nhở rằng Trung Quốc có thể lợi dụng chủ nghĩa bảo hộ của Trump để tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như Philippines và Malaysia. Eric Altbach, phó chủ tịch tập đoàn Albright Stonebridge Group, lấy làm tiếc về quan điểm mới của Mỹ: Chúng ta đã có ngựa của chúng ta, người Trung Quốc đã có ngựa của họ – nhưng ngựa của chúng ta đã rời khỏi cuộc đua.Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cũng có đồng cảm giác bất bình, người cho rằng sắc lệnh rút lui khỏi TPP được Trump ký là một “món quà khổng lồ cho Trung Quốc, bởi vì bây giờ họ có thể tự nâng mình lên hàng động cơ thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Tuy nhiên, quyết định của Donald Trump làm lúng túng một số chuyên gia Trung Quốc được tờ South China Morning Post trích dẫn trong một bài viết khácMột “món quà trời cho” đối với Trung Quốc? Chúng ta phải hết sức thận trọng, Lin Limin, nhà phân tích chiến lược tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cảnh báo. Đối với ông, sự sụp đổ của chuỗi các nước châu Á do Hoa Kỳ lãnh đạo không có nghĩa là sức ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ nhanh chóng tăng lên trong khu vực. Theo ông, những nước có ý định tham gia TPP, như Singapore và Việt Nam, đều luôn đi hai hàng. (...) Ngay cả khi không có TPP, họ sẽ luôn giữ khoảng cách với Trung Quốc.” Đối với Huo Jianguo, phó chủ tịch của China Society thuộc Bộ Thương mại, Trung Quốc cần có sáng kiến để thúc đẩy và làm sâu sắc thêm cơ hội này để thích nghi với các quy định ở tầm cao hơn và chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh quốc tế. Và ông nói thêm: Trung Quốc không nên nhảy cẫng lên vì vui hay cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát khỏi áp lực.
Malcolm Turnbull (1954-)
Ngoài ra, còn một câu hỏi khác là: Liệu từ nay TPP có đơn giản chỉ là một mảnh giấy vô giá trị? Không có gì chắc chắn khi Úc và New Zealand, những nước đã ký kết hiệp định, tuyên bố vào hôm thứ Ba 24 tháng 1 muốn cứu vãn hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương bằng việc khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác tham gia hiệp định. Việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP là một mất mát lớn, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thừa nhận và được tờ Straits Times trích dẫn, (...) nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng rời khỏi. Chắc chắn sẽ có một cơ hội để Trung Quốc tham gia vào hiệp định đối tác.” Xin lưu ý rằng hiệp định này vẫn có giá trị “thỏa thuận thương mại tự do” với các nước khác có liên quan. Vì vậy, câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF