21.6.17

Bất bình đẳng ở Châu Âu: Phức tạp và Đa chiều

BẤT BÌNH ĐẲNG Ở CHÂU ÂU: PHỨC TẠP VÀ ĐA CHIỀU
Nói về bất bình đẳng ở Châu Âu, chúng ta phải đối mặt với một hình mẫu phức tạp về các vấn đề và các chiều kích khả dĩ mà có thể được đo lường theo nhiều cách khác nhau. Như Bảng 1 cho thấy, bất bình đẳng hiện liên quan đến các khía cạnh khác nhau như thu nhập, sự thịnh vượng hay tuổi thọ giữa các đối tượng khác nhau như cá nhân, hộ gia đình, giới tính, lao động và vốn, vùng hay quốc gia. Kinh tế học và thống kê cung cấp các chỉ báo khác nhau để đo lường sự bất bình đẳng này và việc lựa chọn chỉ báo không phải là không bao hàm việc đánh giá giá trị.
Bài viết này tập trung chủ yếu vào sự bất bình đẳng trong thu nhập. Nhưng ngay cả khi chúng ta tập trung vào sự bất bình đẳng trong thu nhập thì cũng cần phải thận trọng, vì thu nhập và sự thịnh vượng, sự tiến triển và phân bổ của nó, đã chỉ ra nhiều vấn đề và cạm bẫy phát sinh trong quá trình phát triển của châu Âu, đặc biệt là từ quan điểm quốc tế. Thu nhập thường được định nghĩa là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hoặc là thu nhập của hộ gia đình dựa trên các cuộc khảo sát hộ gia đình. Mà ở EU, đó là Điều tra Thu nhập và Điều kiện sống (SILC) của EU. Thu nhập thị trường của các hộ gia đình phân bổ rất không đồng đều so với thu nhập khả dụng - khoản thu nhập mà bao gồm các khoản chuyển nhượng và trợ cấp xã hội trong khi trừ đi các khoản thuế. Thu nhập của hộ gia đình có thể được điều chỉnh thêm thông qua việc tính đến quy mô hộ gia đình (thu nhập tương đương ròng) hay các khoản phúc lợi phi tiền tệ từ các hàng hoá và dịch vụ công.

Ba chiều kích của bất bình đẳng châu Âu

Bất bình đẳng ở châu Âu có ba chiều kích chính: bên trong các quốc gia thành viên, giữa các quốc gia thành viên và trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Bên trong các quốc gia thành viên, bất bình đẳng gia tăng ở hầu hết các quốc gia trong những thập kỷ qua. Đây là hiện tượng nổi tiếng, đã góp phần vào sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy (populism). Giữa các quốc gia thành viên, phân tích phải tính đến những tác động của những thay đổi trong tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát. Do đó, khi so sánh thu nhập thực tế, sử dụng ngang bằng sức mua (PPP) có ý nghĩa hơn so với tỷ giá hối đoái.
Branko Milanovic (1953-)
Ở các quốc gia thành viên nghèo hơn, thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP thường cao hơn so với cách tính theo tỉ giá hối đoái, bởi vì nhiều thứ ở đó rẻ hơn. Như vậy, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia sẽ thấp hơn nếu được đo lường theo PPP. Trong bối cảnh của quá trình rút ngắn sự khác biệt giữa các quốc gia, khi tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia giảm và mức thu nhập của các quốc gia thành viên nghèo hơn tiệm cận với mức thu nhập của các quốc gia thành viên giàu hơn, thì việc đánh giá lại thực tế thường được tiến hành, chủ yếu đi kèm với sự tăng giá danh nghĩa của một đồng tiền và /hoặc tỷ lệ lạm phát cao hơn, điều đó có xu hướng làm giảm sự khác biệt giữa cách tính theo sức mua và theo tỷ giá hối đoái.

Ba khái niệm về sự bất bình đẳng ở Châu Âu

Xác định bất bình đẳng ở Châu Âu đòi hỏi phải phân tích sự phân bổ thu nhập trong và giữa các quốc gia. Tương tự như ba khái niệm về sự bất bình đẳng của Branko Milanovic (xem Hình 1), chúng ta có thể phân biệt ba biến thể: bất bình đẳng quốc tế, không quan tâm đến các quy mô dân số khác nhau (khái niệm 1), bất bình đẳng quốc tế theo tỉ trọng dân số (khái niệm 2) và bất bình đẳng toàn cầu thực sự, so sánh tất cả mọi người bất kể quốc tịch của họ (khái niệm 3).
Để đo lường khái niệm 3 về bất bình đẳng ở EU, chúng ta phải tổng hợp các dữ liệu điều tra hộ gia đình-SILC của tất cả các quốc gia. Một sự phỏng đoán không đầy đủ sử dụng tỷ lệ S80/S20 (xem bên dưới) và xây dựng các điểm ngũ phân vị của dân số EU sử dụng các điểm ngũ phân vị quốc gia thích hợp (ví dụ Dauderstädt/Keltek). Bất bình đẳng của EU được xác định bởi khoảng cách giữa các quốc gia thành viên nghèo hơn với các quốc gia thành viên giàu hơn và sự bất bình đẳng bên trong mỗi quốc gia thành viên. Mức độ bất bình đẳng tăng từ khái niệm 1 đến khái niệm 3.

Đo sự bất bình đẳng phụ thuộc vào các ưu tiên phân bố

Để đo lường sự phân bổ thu nhập, ta có thể sử dụng nhiều chỉ báo khác nhau (xem cột cuối cùng của Bảng 1). Chỉ báo Gini thuộc đoạn từ 0 (phân bổ đều) đến 1 (hoặc 100), khi một người nhận được tất cả thu nhập. Chỉ báo Theil hữu ích vì nó có thể được phân tách thành bất bình đẳng giữa và bên trong các quốc gia thành viên. Tỷ lệ S80/S20 là mối tương quan trong thu nhập giữa tốp 20% cao nhất và tốp 20% thấp nhất trong phân phối thu nhập. Nhà kinh tế học người Chile Palma cũng đã đưa ra một tỷ lệ tương tự về mối tương quan giữa thu nhập của tốp 10% cao nhất và tốp 40% thấp nhất vì ông đã quan sát thấy rằng “thị phần” của tốp 50% ở giữa vẫn tương đối ổn định, trong khi sự bất bình đẳng chung thay đổi đáng kể.
Trong khi các chỉ báo sau cùng này đo lường sự bất bình đẳng tương đối, thì các chỉ báo khác như độ lệch chuẩn xem xét đến bất bình đẳng tuyệt đối. Bức tranh về diễn tiến của bất bình đẳng có thể khá khác nhau tùy thuộc vào chỉ báo được sử dụng. Khi thu nhập thấp hơn tăng trưởng nhanh hơn so với thu nhập cao hơn (các nhà kinh tế gọi đó là “sự hội tụ beta”), khoảng cách giữa thu nhập thấp hơn và thu nhập cao hơn vẫn có thể tiếp tục mở rộng trong một thời gian (tùy thuộc vào mối quan hệ ban đầu). Trong trường hợp này, độ lệch chuẩn cũng tăng lên (do đó không có “sự hội tụ sigma” theo thuật ngữ của các nhà kinh tế học). Do đó, việc sử dụng một chỉ báo liên quan đến các ưu tiên về đạo đức và chính trị: Bạn quan tâm hơn đến sự khác biệt tuyệt đối giữa các mức thu nhập hay tỷ lệ tương đối của chúng?
M. Dauderstädt (1947-)
Đây là bài đầu tiên trong một loạt các bài viết về bất bình đẳng ở Châu Âu do Quỹ Hans Böckler, Quỹ Friedrich Ebert và Nhà xuất bản (trên mạng) Social Europe đồng tài trợ.

Về Michael Dauderstädt

Michael Dauderstädt đã nghiên cứu về toán học, kinh tế học và chính sách phát triển ở Aachen, Paris và Berlin. Ông làm việc cho Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức, và từ năm 1980 đến năm 2013 ông làm cho Quỹ Friedrich Ebert. Nghiên cứu của ông tập trung vào kinh tế chính trị quốc tế và hội nhập châu Âu.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: “Inequality in Europe: Complex and Multidimensional”, Social Europe, 19 April 2017
Print Friendly and PDF