15.6.17

Sức lao động phải chăng là hàng hóa?



Mác và kinh tế thị trường (II)
SỨC LAO ĐỘNG PHẢI CHĂNG LÀ HÀNG HOÁ?
Trần Hải Hạc
Giữa học thuyết Mác về chủ nghĩa tư bản và học thuyết tự do chủ nghĩa về kinh tế thị trường, mối tương quan thường được quan niệm như là đối kháng. Đó là xét tương quan về mặt chính trị và hệ tư tưởng.
Về mặt lý luận kinh tế, giữa học thuyết tự do kinh tế và học thuyết Mác – chí ít theo cách đọc chính thống của nó –, không phải không có những điểm tương đồng. Trước tiên là quan điểm duy kinh tế của những phân tích trong đó vai trò đấu tranh xã hội không có tính quyết định và nhà nước có chỗ đứng ở bên lề. Đồng quan điểm này đặc biệt thể hiện trong lý luận xem tiền tệ và sức lao động (hoặc lao động) như là những hàng hoá.
Tiền tệ phải chăng là hàng hoá? Bài đầu tiên (Diễn Đàn số 36, tháng 12 1994) đã thử phân tích tính nước đôi của lý luận mác xít, và những hệ luận mang tính thời sự ở những nước – như Việt Nam – đang chuyển sang nền kinh tế thị trường. Bài thứ hai dưới đây sẽ xét câu hỏi và những vấn đề đặt ra đối với phạm trù sức lao động.
Sức lao động phải chăng là hàng hóa?
Câu trả lời dường như quá hiển nhiên: Đặc tính của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chính ở chỗ đã biến sức lao động thành hàng hoá, cho nên chế độ tư bản, theo Mác, đồng nghĩa với chế độ lao động làm thuê. Song, khi xây dựng lý luận về tiền công, bộ Tư bản đã không tránh khỏi một sự nhập nhằng, thiếu nhất quán, dẫn đến hai cách đọc Mác đối lập nhau.

Sức lao động là hàng hoá

1. Đây là cách hiểu thông thường nhất và, qua các sách giáo khoa Mác-Lênin, đã thành quan điểm chính thống. Phân tích sức lao động là hàng hoá có nghĩa là, như mọi hàng hoá, sức lao động có giá trị sử dụng và giá trị. Đặc tính của sức lao động-hàng hoá nằm ở giá trị sử dụng của nó: là khả năng tạo ra giá trị, và tạo ra nhiều giá trị hơn giá trị của bản thân sức lao động; hay nói cách khác: là tạo ra giá trị thặng dư.
Còn giá trị của sức lao động, giống như giá trị của các hàng hoá khác, là do lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó quyết định. Chính xác hơn, giá trị sức lao động là giá trị của rổ hàng hoá mà người lao động làm thuê mua để tái sản xuất sức lao động. Trong chừng mức đó, tiền công tuỳ thuộc vào năng suất lao động sản xuất ra những hàng hoá mà người lao động làm thuê tiêu dùng: khi năng suất tăng thì tiền công giảm. Đó là cách phân tích tiền công trong kinh tế học cổ điển, không phải là quan điểm của Mác.
Phân tích của Mác cho thấy qui trình tái sản xuất sức lao động tiêu dùng hàng hoá, nhưng không sản xuất ra hàng hoá:
1. Khác với các hàng hoá, sức lao động không phải là sản phẩm của một qui trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Không thể xem qui trình tái sản xuất sức lao động là một qui trình sản xuất hàng hoá trong đó người lao động, với tư cách là người sở hữu sức lao động, chiếm hữu giá trị thặng dư do mình tạo ra. Mác tuyệt đối bác bỏ mọi lý luận về “tư bản con người” xem sức lao động là tư bản, và người lao động như một nhà tư bản (Tư bản, Quyển II, tập 2, nxb Sự Thật, trang 124).
2. Qui trình tái sản xuất sức lao động không sản xuất ra giá trị. Hoạt động của người lao động trong qui trình tái sản xuất là hoạt động có ích trực tiếp dưới dạng lao động cụ thể của nó, không thuộc phạm trù lao động trừu tượng, tức lao động tạo ra giá trị (Các học thuyết về giá trị thặng dư, tập 3, nxb Editions Sociales, trang 176-177). Trong nghĩa đó, không có một phạm trù “giá trị sức lao động”. Sức lao động, vì thế, không thể là một hàng hoá thực sự.

Sức lao động, một hàng hoá giả định

2. Khác với mọi hàng hoá, sức lao động không có giá trị, mặc dù có giá trị trao đổi thông qua sự trao đổi với tiền công. Có thể cho rằng sức lao động thuộc về một phạm trù mà Mác đã vạch ra, song không áp dụng cho sức lao động: đó là phạm trù của những vật mà bản thân không phải hàng hoá, nhưng do được trao đổi với tiền, cho nên có giá cả, và có hình thức của hàng hoá (Tư bản, I, 1, trang 146). Trong nghĩa đó, có thể nói rằng sức lao động chỉ có hình thức hàng hoá: không phải hàng hoá, cũng không phải phi hàng hoá, sức lao động là một hàng hoá tưởng tượng, giả định.
Nói đến giá trị trao đổi hay hình thức giá trị của sức lao động trong khi nó không có giá trị, có nghĩa là hình thức, ở đây che lấp một quan hệ xã hội khác hơn là quan hệ trao đổi hàng hoá. Như Mác có lưu ý, cả tiền lương danh nghĩa (lượng tiền tệ mà người lao động làm thuê nhận được) lẫn tiền lương thực tế (lượng hàng hoá mà người lao động có thể mua với tiền lương danh nghĩa) không cho chúng ta một khái niệm đầy đủ về giá trị trao đổi của sức lao động. Bởi vì quyết định giá trị trao đổi của sức lao động, trước hết, là tiền lương tương đối, tức tiền lương trong tương quan của nó với giá trị thặng dư (Lao động làm thuê và tư bản, nxb Editions Sociales, trang 33-34). Nói cách khác, điều quyết định là sự phân chia giá trị do sức lao động tạo ra – tức giá trị tăng thêm – giữa những người lao động làm thuê và những nhà tư bản qua đấu tranh giai cấp.
Mác vạch rõ điều ấy khi phân tích giá trị thặng dư tương đối. Giá trị thặng dư tương đối sinh ra khi giá trị trao đổi của sức lao động giảm, tức là khi năng suất lao động được nâng cao trong những ngành sản xuất ra các hàng hoá tham dự vào qui trình tái sản xuất sức lao động. Song đây là điều kiện cần chớ chưa đủ. Muốn cho gia tăng năng suất lao động trong xã hội trở thành giá trị thặng dư, còn phải có một tương quan lực lượng giữa các giai cấp cho phép các nhà tư bản chiếm hữu nó. Nói cách khác: không cho phép tiền lương thực tế (tức sức mua của những người lao động làm thuê) cùng tăng theo; chính xác hơn là không cho phép một mức gia tăng lương thực tế tương đương với mức gia tăng năng suất lao động xã hội. Bởi vì, khi năng suất lao động trong xã hội được nâng cao, mức độ bóc lột của giai cấp tư sản có thể tăng đồng thời với mức lương thực tế của giai cấp lao động (Bản thảo 186l-1863, nxb Editions Sociales, trang 255, 260). Sản xuất giá trị thặng dư tương đối chỉ đòi hỏi mức tăng tiền lương thực tế phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động. Tỷ lệ chuyển hoá gia tăng năng suất lao động thành giá trị thặng dư tuỳ thuộc ở tương quan lực lượng giữa hai giai cấp (Tư bản, I, 2, trang 279).
Ở điểm này, Mác có thêm hai nhận định đáng chú ý:
1. Khi sức sản xuất phát triển, giai cấp lao động làm thuê đòi hỏi được chiếm hữu một phần của những gia tăng năng suất lao động trong xã hội (Bản thảo 1861-1863, trang 361).
2. Sức sản xuất càng phát triển thì càng đòi hỏi phạm vi tiêu dùng phải được mở rộng song song với quy mô sản xuất (Bản thảo 1867-1868, tập 1, nxb Editions Sociales, trang 347).
Nâng cao tiền lương thực tế, do đó, trở thành điều kiện để tăng giá trị thặng dư tương đối. Chỉ khi đó, sự sản xuất giá trị thặng dư tương đối mới không có giới hạn, và trở thành – như Mác nói – cơ sở phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Nói gọn lại, sức lao động trị giá bằng những phương tiện sinh hoạt cần thiết cho người lao động tái sản xuất sức lao động; những phương tiện sinh hoạt này bao gồm sản phẩm có tính hàng hoá (tương ứng với lương trực tiếp) hay không hàng hoá như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội (tương đương với lương gián tiếp). Tầm mức những nhu cầu được xem là cần thiết cũng như phương thức thoả mãn những nhu cầu ấy – tức lương và loại sản phẩm tham dự vào qui trình tái sản xuất sức lao động – tạo thành một quy phạm xã hội có tính lịch sử:
1. Tại một nước, vào một thời điểm nhất định, quy phạm xã hội về tái sản xuất sức lao động tùy thuộc ở mức phát triển sức sản xuất của xã hội; năng suất lao động càng cao, định mức đó càng bao gồm nhiều sản phẩm.
2. Ở một mức phát triển nhất định về sức sản xuất, quy phạm xã hội về tái sản xuất sức lao động do tương quan lực lượng giữa các nhà tư bản và những người lao động làm thuê ấn định; việc duy trì hay mở rộng định mức này tuỳ thuộc ở cuộc đấu tranh giai cấp.
Ưu điểm của học thuyết Mác là đã phân tích ra điều đó.

Quy phạm xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động

3. Song không thể không nêu, ở đây, một nghịch lý: Mác được biết đến như là nhà lý luận của đấu tranh giai cấp trong chế độ tư bản; trong khi đó lý luận về tiền công của ông – chí ít trong những bản vẫn thường được trích dẫn (“Mua và bán sức lao động”, “Tiền công”) – hình như không dành một vai trò quyết định nào cho đấu tranh giai cấp. Theo quan điểm chính thống, những cuộc đấu tranh của người lao động làm thuê chỉ có tác dụng kháng cự lại xu hướng hạ thấp tiền lương dưới mức giá trị của sức lao động. Các sách giáo khoa Mác-Lênin còn khẳng định rằng: giảm sút tiền lương thực tế là xu hướng có tính quy luật của sự vận động tiền lương dưới chế độ tư bản. Nếu quả thật tiền lương thực tế không những không tăng mà còn giảm thì chủ nghĩa tư bản đã không thể tồn tại, huống hồ là phát triển: bởi vì nếu không có tiêu dùng đại trà thì cũng không có sản xuất đại trà, năng suất lao động không thể phát triển và giá trị thặng dư tương đối không thể xuất hiện.
Mặt khác, khi phân tích giá trị thặng dư tuyệt đối – tức giá trị thặng dư xuất phát từ sự tăng thời gian hay cường độ của ngày lao động – Mác xác định:
1. Quan hệ lao động làm thuê đối lập hai quyền ngang nhau, quyền người mua và quyền người bán sức lao động, cho đến sức mạnh – tức tương quan lực lượng giữa các giai cấp – ở đây có tính quyết định (Tư bản, I, 1, trang 319).
2. Các nhà tư bản có ưu thế trong đấu tranh thuần tuý kinh tế, cho nên giai cấp lao động làm thuê không thể dừng ở đấu tranh công đoàn mà phải tiến hành đấu tranh chính trị. Ngày lao động tiêu chuẩn không phải là kết quả của những thoả thuận tư nhân giữa những người lao động làm thuê và những nhà tư bản, mà là kết quả của hoạt động chính trị của phong trào công nhân trên bình diện nhà nước và các thiết chế (Tiền công, giá cả và lợi nhuận, nxb Editions Sociales, trang 108).
Những khảo cứu của Mác về sự sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối cũng như tương đối xác nhận rằng, trong quan hệ mua bán sức lao động, điều mà người lao động làm thuê bán ra không phải là một hàng hoá, mà là sự phục tùng nhà tư bản trong qui trình lao động; và điều mà nhà tư bản mua cũng không phải là một hàng hoá, mà là quyền chỉ huy người lao động làm thuê trong qui trình lao động.
Trên cơ sở đó, có thể đưa ra luận điểm: Chế độ lao động làm thuê là một chế độ tranh chấp không ngừng và sự phục tùng của người lao động làm thuê chỉ được thực hiện thông qua những thoả hiệp xã hội tạm thời, thừa nhận tương quan lực lượng giữa hai giai cấp ở một thời điểm nhất định.
1) Những thoả hiệp này liên quan đến những quy phạm xã hội về sử dụng sức lao động (thời gian và cường độ ngày lao động) và về tái sản xuất sức lao động (giá trị trao đổi của sức lao động).
2) Những thoả hiệp đó được nhà nước thể chế hoá trong luật lao động hoặc trong các thoả ước lao động tập thể.
Tuy nhiên, một điều nghịch lý khác lại xuất hiện ở đây: Nhà nước, mà theo Mác là nơi kết tinh các mâu thuẫn của xã hội, hình như vắng mặt ở những phân tích quan hệ đấu tranh giai cấp của bộ Tư bản (ngoại trừ bản văn phân tích ngày lao động, đã nêu ở trên). Điều này không ảnh hưởng gì về mặt lý luận nếu đúng là Mác đồng nhất hoá nhà nước tư bản chủ nghĩa với giai cấp tư sản, theo quan điểm cho rằng nhà nước chỉ là công cụ của giai cấp thống trị.
Thật ra, đó là một nhận thức giản đơn về khái niệm nhà nước giai cấp. Theo cách đặt vấn đề của Mác, trong một xã hội giai cấp, nhà nước nhất thiết mang tính giai cấp, theo nghĩa nó là một quan hệ xã hội của phương thức bóc lột, qua đó giai cấp thống trị chiếm hữu sản phẩm thặng dư. Cụ thể hơn, nhà nước là quan hệ biểu hiện tính thống nhất của một xã hội phân chia thành giai cấp, do đó là một hình thái xã hội tập trung, vừa là tiền đề, vừa đối lập với các giai cấp có quyền lợi riêng. (Hệ tư tưởng Đức, nxb Editions Sociales, trang 31). Nói khác đi, không thể quan niệm một xã hội phân hoá giai cấp mà không có nhà nước: nếu chỉ có giai cấp, sự đối đầu về quyền lợi dẫn đến xung đột không ngừng, xã hội tự huỷ hoại; một nhà nước, tỏ ra đứng trên các giai cấp, là quan hệ xã hội cần thiết để thể chế hoá những đấu tranh và thoả hiệp, giữ cho sự tranh chấp giai cấp nằm trong giới hạn của sự ổn định trật tự xã hội (F. Anghen, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, nxb Editions Sociales, trang 178).

Đấu tranh giai cấp và nhà nước pháp quyền

4. Cách đọc Mác trình bày ở trên đây, nếu có cơ sở, cho phép kết luận rằng, trong chế độ lao động làm thuê, giai cấp và nhà nước là hai mặt của một thể thống nhất: không thể có quan hệ mua bán sức lao động ngoài sự hiện diện của nhà nước là quan hệ xã hội thể chế hoá các quy phạm sử dụng và tái sản xuất sức lao động. Với tính cách là quan hệ sản xuất, tư bản không chỉ là tổng thể những quan hệ giữa hai giai cấp bóc lột - bị bóc lột mà còn bao gồm nhà nước là quan hệ tập quyền điều tiết những quan hệ đấu tranh giữa hai giai cấp.
Kết luận này có hai hệ luận:
1. Do những khiếm khuyết trong lý luận về sức lao động và tiền công, Mác đã không triển khai vai trò quyết định của đấu tranh giai cấp và chỗ đứng trung tâm của nhà nước trong chế độ lao động làm thuê. Điều đó có thể giải thích quan điểm duy kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin khi bàn về tiền công như là giá cả của một hàng hoá. Một cái nhìn, xét cho cùng, không khác quan điểm tiền công là giá cả của lao động trong kinh tế học cổ điển và tân cổ điển thuần tuý. Có thể nói hơn thế nữa: xử lý sức lao động như là một hàng hoá – là khách thể – chính là ý muốn của nhà tư bản; giản lược sức lao động vào một hàng hoá là một xu thế của chủ nghĩa tư bản. Nhưng cũng phải đồng thời nói rằng: đó chỉ là ý muốn, là một xu thế chớ sự giản lược hoá, khách thể hoá đó không bao giờ có thể thực hiện đến đích. Bởi vì nó vấp phải, và không thể không vấp phải, sự kháng cự của người lao động. Và bởi vì trong đấu tranh thuần tuý kinh tế các nhà tư bản có ưu thế, phải qua đấu tranh chính trị – tức trên bình diện nhà nước và các thiết chế – giai cấp lao động làm thuê mới có thể buộc giai cấp tư sản nhượng bộ và thoả hiệp trên các quy phạm sử dụng và tái sản xuất sức lao động.
2. Vấn đề quá độ sang nền kinh tế thị trường không chỉ là xây dựng thị trường lao động tự do, hay – như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới thường khuyến cáo – “linh hoạt hoá” các quy định trong bộ luật lao động, trong thoả ước lao động tập thể, trong chế độ bảo hiểm xã hội... Vấn đề còn là xây dựng nhà nước pháp quyền và xác lập các quyền con người và công dân (trong đó có tự do lập hội, công đoàn, tổ chức chính trị, tự do ngôn luận, báo chí, tự do đình công ...). Bởi vì ở ngoài pháp luật và những thiết chế dân chủ, người lao động làm thuê không thể dành một thế bình đẳng, dù là hình thức, trong cuộc đo sức với giai cấp tư sản.

Mác và học thuyết tự do kinh tế

5. Qua hai phạm trù tiền tệ và sức lao động, bài viết trên đây đã thử khảo sát một số giới hạn của học thuyết mác xít và tạm kết trên những nhận định sau:
1. Những điểm mạnh của học thuyết Mác về chủ nghĩa tư bản – là lý luận về tiền tệ và lý luận về sức lao động – cũng là những giới hạn của nó.
2. Những điểm hạn chế đó của học thuyết mác xít – vai trò của đấu tranh giai cấp và chỗ đứng của nhà nước – cũng là những hạn chế của kinh tế học tự do chủ nghĩa cổ điển và tân cổ điển.
3. Nhận thức lại một cách phê phán lý luận về chủ nghĩa tư bản của Mác, do đó, cũng là phê phán nhận thức về kinh tế thị trường của chủ nghĩa tự do kinh tế.
Nói một cách khác:
– phê phán “kinh tế chính trị Mác-Lênin” trở thành điều kiện tiên quyết để học thuyết Mác tiếp tục khẳng định tính chất “phê phán kinh tế chính trị học” của nó;
– thay thế các lý luận về tiền tệ và về sức lao động của Mác bởi những lý luận của học thuyết tự do kinh tế không mang đến một số tiến bộ trong nhận thức về nền kinh tế thị trường.
Trần Hải Hạc*
* Tác giả Introduction à l’Economie de Marx (viết chung với Pierre Salama), nxb La Découverte, Paris 1992

Trần Hải Hạc (1945-)

Quan hệ vi mô hay vĩ mô?

Theo Mác, đằng sau quan hệ trao đổi sức lao động với tiền tệ là một quan hệ bóc lột, được đo lường qua tỷ suất giá trị thặng dư, là tỷ lệ phân chia giá trị do lao động tạo ra giữa giai cấp lao động làm thuê và giai cấp các nhà tư bản, tức là giữa giá trị trao đổi sức lao động và giá trị thặng dư; nói cách khác, đó là tỷ lệ phân chia giá trị tăng thêm giữa tiền công và lợi nhuận.
Tỷ suất bóc lột này tuỳ thuộc vào hai nhân tố: 1. Thời gian và cường độ ngày lao động, tức quy phạm sử dụng sức lao động. 2. Giá trị trao đổi sức lao động, tức quy phạm tái sản xuất sức lao động. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp lao động làm thuê và giai cấp các nhà tư bản xoay quanh những quy phạm đó. Trong một nước, ở một thời điểm nhất định, những quy phạm xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động thể hiện tương quan lực lượng giữa hai giai cấp. Cần nói thêm rằng tỷ suất thặng dư: 1) là một tỷ suất chung mà tính thống nhất biểu hiện quan hệ giai cấp; 2) là một tỷ suất quốc gia mà tính thể chế hoá biểu hiện những thoả hiệp tạm thời trong đấu tranh giữa hai giai cấp.
Giai cấp tư sản có hai phương thức sản xuất giá trị thặng dư: 1. Tăng thời gian hoặc cường độ ngày lao động, tức là giá trị thặng dư tuyệt đối. 2. Giảm giá trị trao đổi của sức lao động bằng cách tăng năng suất lao động, tức là giá trị thặng dư tương đối. Song dù là tuyệt đối hay tương đối, phạm trù giá trị thặng dư chỉ có thể phân tích ở mức độ vĩ mô của quan hệ giai cấp. Không thể nắm bắt được giá trị thặng dư ở mức độ vi mô của quan hệ cá thể giữa chủ nhân và người làm thuê trong một doanh nghiệp.
Khi một nhà tư bản cá biệt cải tiến kỹ thuật sản xuất, sự gia tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp không làm cho giá trị trao đổi của sức lao động trong xã hội hạ xuống, mà chỉ có tác dụng làm giảm chi phí sản xuất cá biệt của nhà tư bản đó, làm tăng tỷ suất lợi nhuận cá biệt so với tỷ suất lợi nhuận của các nhà tư bản khác: kết quả không phải là giá trị thặng dư tương đối mà là lợi nhuận chênh lệch, siêu ngạch.
Nhưng khi, dưới sức ép của cạnh tranh, các nhà tư bản khác trong ngành tiến hành những cải tiến kỹ thuật tương tự, năng suất lao động trong toàn ngành được nâng cao, giá trị trao đổi của sức lao động trong xã hội giảm: kết quả là giá trị thặng dư tương đối xuất hiện và lợi nhuận chênh lệch biến đi. Cho nên, sản xuất giá trị thặng dư, dù là tương đối hay tuyệt đối, không thể là mục đích theo đuổi của nhà tư bản cá thể. Thúc đẩy các nhà tư bản nâng cao thời gian, cường độ hay năng suất ngày lao động là việc theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch trong mục đích cạnh tranh với các nhà tư bản khác.
Dù không có ý định giảm giá trị trao đổi của sức lao động, nhà tư bản cá thể góp phần một cách vô ý thức vào kết quả đó: việc mỗi nhà tư bản cá thể theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch dẫn đến giá trị thặng dư tương đối cho toàn thể giai cấp các nhà tư bản. Cũng chính vì lẽ đó, ở mức độ vi mô, quan hệ bóc lột giai cấp lao động làm thuê bị che lấp đằng sau quan hệ cạnh tranh giữa các nhà tư bản.


Print Friendly and PDF